Nguyễn Hiến Lê học và viết
Bài viết của Hoàng Kim
Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) là nhà giáo, nhà văn, học giả, dịch giả, với 120 tác
phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông là
người được giới trí thức và nhân dân lao động kính trọng vì nhân cách cao qúy,
cuộc sống thanh bạch, học vấn uyên bác và hiệu qủa lao động hiếm thấy. Trong
“Lời mở đầu” tác phẩm “Đời viết văn của tôi” Nguyễn Hiến Lê đã viết: “Đời
tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết
với nhau gần suốt đời. Tôi VIẾT ĐỂ HỌC và HỌC ĐỂ VIẾT”. Nguyễn Hiến Lê
trí tuệ bậc Thầy về nhân sinh, thông hiểu kinh Dịch đạo của người quân tử,
là“ngọn đèn” văn hóa chung thủy như lời thơ của P. Schneider nhà Việt Nam học
người Pháp đã kính tặng ông trong lần gặp cuối cùng. Nguyễn Hiến Lê cuộc
đời và sự nghiệp là mẫu mực nhân cách người hiền còn mãi với thời gian.
Nguyễn
Hiến Lê tự là Lộc Đình, sinh ngày 8.1.1912 (nhằm ngày 20 tháng 11 năm Tân Hợi,
tháng Tân Sửu, ngày Qúy Mùi, giờ Tân Dậu) quê ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai,
tỉnh Sơn Tây nay thuộc huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây. Ông xuất thân trong một gia
đình nhà Nho. Cha, mẹ và bác ruột của ông đều giữ được truyền thống của tổ tiên
mấy đời trước, săn sóc sự học của ông rất chu đáo. Ông thuở nhỏ học ở trường
Yên Phụ, trường Bưởi. Năm 1934, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính
Hà Nội, ông vào làm việc tại Sở Thủy Lợi ở miền Tây Nam Bộ. Năm 1937, ông cưới
vợ là bà Trịnh Thị Tuệ và đổi về làm việc ở Sài Gòn cho đến năm 1945. Trong
thời gian này, ông trau dồi tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tự học tiếng Anh. và
đã viết được trên ngàn trang sách để luyện văn. Mùa đông năm 1945 đến mùa xuân
1947, ông tản cư ở Tân Thạnh, Long Xuyên và học đông y. Năm 1947, ông thôi làm
ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1953, ông thôi dạy học, chuyển lên Sài Gòn
mở nhà xuất bản, viết sách và viết báo.
Ông
đã làm việc đều đều, bền bỉ, có hướng rõ rệt, tập trung năng lực, không để phí
thì giờ, hi sinh việc xuất bản để dành thời gian viết sách. Trong cuộc đời cầm
bút của mình, ông đã viết được 120 bộ sách về nhiều lĩnh vực,. Sức lao động
hiếm thấy với hơn 30.000 trang chia cho 33 năm, trung bình mỗi năm 900 trang.
Tác phẩm của ông là những đóng góp lớn cho văn hoá Việt Nam, thuộc nhiều lĩnh
vực: văn học, ngôn ngữ, triết học, giáo dục, gương danh nhân, chính trị, kinh
tế, du kí, dịch tiểu thuyết, tiểu luận phê bình,
Trong
120 tác phẩm của ông có khoảng 80 % là tác phẩm phổ biến rộng cho mọi giới
(tiêu biểu nhất là loại sách học làm người, gương danh nhân, tổ chức công việc
theo khoa học), còn lại khoảng 20% là sách chuyên khảo có giá trị đặc biệt về
học thuật (thuộc lĩnh vực văn học, triết học, sử, cổ văn Trung Quốc). Tác phẩm
xếp theo năm xuất bản, bao gồm:
•
Tổ chức công việc theo khoa học – 1949
• Đắc nhân tâm (dịch Dale Carnegie) – 1951
• Kim chỉ nam của học sinh – 1951
• Luyện tình cảm (dịch F. Thomas) – 1951
• Để hiểu văn phạm – 1952
• Bảy bước đến thành công (dịch G. Byron) – 1952
• Tổ chức gia đình – 1953
• Thế hệ ngày mai – 1953
• Nghệ thuật nói trước công chúng – 1953
• Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười – 1954
• Săn sóc sự học của con em – 1954
• Hiệu năng – 1954
• Tự học để thành công – 1954
• Lịch sử thế giới (viết với Thiên Giang) – 1955
• Sống 24 giờ một ngày (dịch Arnold Bennett) – 1955
• Quẳng gánh lo đi và vui sống (dịch Dale Carnegie) – 1955
• Giúp chồng thành công (dịch Dorothy Carnegie) – 1956
• Nghề viết văn – 1956
• Muốn giỏi toán hình học phẳng – 1956
• Bí quyết thi đậu – 1956
• Đông Kinh Nghĩa Thục – 1956
• Rèn nghị lực – 1956
• Luyện văn I (1953), II & III (1957)
• Muốn giỏi toán đại số – 1958
• Gương danh nhân – 1959
• Muốn giỏi toán hình học không gian – 1959
• Gương hi sinh – 1962
• Hương sắc trong vườn văn (2 quyển) – 1962
• Tương lai trong tay ta – 1962
• Kiếp người (dịch Somerset Maugham) – 1962
• Xung đột trong đời sống quốc tế – 1962
• Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (viết với T. V. Chình) –
1963
• Sống đẹp – 1964
• Gương kiên nhẫn – 1964
• Một niềm tin – 1965
• Luyện lý trí – 1965
• Cách xử thế của người nay (dịch Ingram) – 1965
• Sống đời sống mới (dịch Powers) – 1965
• Cổ văn Trung Quốc – 1966
• Gương chiến đấu – 1966
• Tìm hiểu con chúng ta – 1966
• Xây dựng hạnh phúc (dịch Aldous Huxley) – 1966
• Thẳng tiến trên đường đời (dịch Lurton) – 1967
• Lời khuyên thanh niên – 1967
• Tay trắng làm nên – 1967
• Vấn đề xây dựng văn hoá – 1967
• Tổ chức công việc làm ăn – 1967
• Chiến Quốc sách (viết chung với Giản Chi) -1968
• Bí mật dầu lửa (dịch Gaillard) – 1968
• Đế Thiên Đế Thích – 1968
• Bài học Israel – 1968
• 40 gương thành công – 1968
• Thư ngỏ tuổi đôi mươi (dịch André Maurois) – 1968
• Sống 365 ngày một năm – 1968
• Những cuộc đời ngoại hạng – 1969
• Bán đảo Ả Rập – 1969
• Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu (dịch Alan Paton) – 1969
• Trút nỗi sợ đi (dịch Coleman) – 1969
• Con đường lập thân (dịch Ennever) – 1969
• Sử ký Tư Mã Thiên (viết chung với Giản Chi) – 1970
• Làm con nên nhớ (viết với Đông Hồ) – 1970
• Tô Đông Pha – 1970
• Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa (dịch) – 1970
• Một lương tâm nổi loạn – 1970
• 15 gương phụ nữ – 1970
• Hoa đào năm trước – 1970
• Thư gởi người đàn bà không quen (dịch André Maurois) – 1970
• Einstein – 1971
• Con đường hoà bình – 1971
• Lợi mỗi ngày một giờ – 1971
• Lịch sử văn minh Ấn Độ (dịch Will Durant) – 1971
• Thế giới ngày mai và tương lai nhân loại – 1971
• 33 câu chuyện với các bà mẹ – 1971
• Chấp nhận cuộc đời (dịch L. Rinser) – 1971
• Chinh phục hạnh phúc (dịch Bertrand Russell) – 1971
• Sống theo sở thích (dịch Steinckrohn) – 1971
• Giữ tình yêu của chồng (dịch Kaufmann) – 1971
• Nhà giáo họ Khổng – Cảo Thơm 1972
• Liệt tử và Dương tử - Lá Bối 1973
• Cầu sông Drina (dịch I. Andritch) – 1972
• Bài học lịch sử (dịch Will Durant) – 1972
• Thế giới bí mật của trẻ em – 1972
• Bertrand Russell – 1972
• Cháu bà nội tội bà ngoại – 1974
• Những vấn đề của thời đại – 1974
• Nguồn gốc văn minh (dịch Will Durant) – 1974
• Văn minh Ả Rập (dịch Will Durant) – 1975
• Sử Trung Quốc (3 tập) 1982
• Con đường thiên lý – 1990
• Tôi tập viết tiếng Việt – 1990
• Hồi ký Nguyễn Hiến Lê – (Xuất bản 1992)
• Khổng Tử – viết xong 1978 (Xuất bản 1992)
• Đời nghệ sĩ – (Xuất bản 1993)
• Lão Tử – viết xong 1977 (Xuất bản 1994)
• Trang Tử – viết xong 1975 (Xuất bản 1994)
• Hàn Phi Tử – viết chung với Giản Chi, 1975 (Xuất bản 1994)
• Tuân Tử – viết xong 1975 (Xuất bản 1994)
• Mặc học – viết xong 1976 (Xuất bản 1995)
• Luận ngữ – viết xong 1978 (Xuất bản 1995)
• Đời viết văn của tôi – (Xuất bản 1996)
• Gogol – (Xuất bản 2000)
• Tourgueniev – (Xuất bản 2000)
• Tchekhov – (Xuất bản 2000)
• Để tôi đọc lại – (Xuất bản 2001)
• Những quần đảo thần tiên (dịch Somerset Maugham) -
2002
• Kinh Dịch, đạo của người quân tử – viết xong 1979
(Xuất bản 1992, ,2002)
Ngoài
ra, Nguyễn Hiến Lê còn có 242 bài trên tạp chí Bách Khoa, 50 bài trên các tạp
chí Mai, Tin Văn, Văn, Giáo Dục Phổ Thông, Giữ Thơm Quê Mẹ. Ngoài ra ông còn
viết lời giới thiệu cho 23 quyển sách.
Năm
1980 ông về lại Long Xuyên. Ông lâm bệnh và mất ngày 22 tháng 12 năm 1984 tại
Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 73 tuổi.
Trong
hồi ký của mình, Nguyễn Hiến Lê đã viết “Tự bạch” về nhân sinh:
- Đời sống tự nó vô ý
nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải tạo cho nó một ý nghĩa.
Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại đã tiến về nhiều phương diện. Chúng
ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ thì phải duy trì di sản
đó và cải thiện nó tùy khả năng mỗi người.
- Chúng ta làm điều phải
vì tin nó là điều phải chứ không phải vì ý muốn của Thượng đế hay một vị
thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết bàn hay
Thiên đàng
- Quan niệm thiện ác thay đổi tùy nơi, tùy thời. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện, cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi nữa mà hóa ra có hại thì bị coi là ác. Ví dụ đạo tòng phu, tòng tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội thời nông nghiệp; tới thời kỹ nghệ không còn lợi cho gia đình, xã hội nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao; ngày nay ở Âu Mỹ, sản xuất vật dụng thừa thãi quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, từ hồi loài người bắt đầu văn minh, dân tộc nào cũng trọng, như đức nhân, khoan hồng, công bằng, tự do, tự chủ,…
-
- Đạo nào cũng phải hợp
tình, hợp lý (bất viễn nhân) thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng
hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết
thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng.
- Đạo Khổng thực tế nhất,
hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, trị gia, trị
quốc. Vậy mà tới nay lý tưởng của ông, nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu
thân, ba đức nhân, trí, dũng, luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực
của con người.
- Nên trọng dư luận nhưng
cũng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm, nhưng cũng có lúc
phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm.
- Mỗi người đã phải đóng
một vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống trong một gia
đình êm ấm giữa sách và hoa, được lòng quý mến, tin cậy của một số bạn và
độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách mà được hàng vạn người
hoan hô, mà còn có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn bạn chính khách
nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nhận một chức tước gì của
chính quyền.
- Ghi được một vẻ đẹp của
thiên nhiên, của tâm hồn, tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời
sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.
- Văn thơ phải tự nhiên,
cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa, thơ Lý Bạch, văn Tô Đông
Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, bình dị mà bài nào cũng
có giọng buồn man mác.
- Tôi khuyên con cháu đừng
làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân.
- Một xã hội văn minh thì
nhà cầm quyền không đàn áp đối lập, cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ
đừng gây rối thôi; tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn
trọng chính kiến của một người.
- Một xã hội mà nghề cầm
bút, nghề luật sư không phải là nghề tự do thì không gọi là xã hội tự do
được.
- Khi nghèo thì phải tận
lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập và tư
cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì
giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh và lợi. Giá trị của ta ở chỗ
làm được nhiều việc như vậy hay không.
- Chỉ nên hưởng cái phần
xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú
quý hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì sẽ mang họa vào thân.
- Hôn nhân bao giờ cũng là
một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm
được người hợp ý mình; phải chung sống năm ba năm mới rõ được tính tình
của nhau. Từ xưa tới nay tôi thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp
nhất, thành công nhất cho cả cá nhân ông bà lẫn xã hội. Hiện nay ở Mỹ có
phong trang kết hôn thử, tôi cho rằng chưa chắc đã có lợi cho cá nhân mà
có thể gây nhiều xáo trộn cho xã hội.
- Có những hoa hữu sắc vô
hương mà ai cũng quý như hoa hải đường, hoa đào; nhưng đàn bà nếu chỉ có
sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng rất tầm thường. Chơi
hoa tôi thích nhất loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh
năm như ngọc lan, hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó.
- Rất ít khi con người rút
được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình
rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy thì loài người
mới tiến được.
- Cơ hồ không thay đổi
được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người
nhu nhược thì tới già vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích. Không nên
cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng có quy củ, kỷ luật, biết tự chủ
và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm;
và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong.
- Thay đổi bản tính con
người như Mặc Tử, như Karl Marx muốn là chuyện không dễ một sớm một chiều.
Thế giới còn những nước nhược tiểu nhiều tài nguyên thì còn bọn thực dân
họ chỉ thay đổi chính sách thôi. Thực dân nào cũng vậy. Khi họ khai thác
hết trên mặt đất, trong lòng đất thì họ sẽ khai thác biển, đáy biển, Họ
còn sống lâu. Tuy nhiên cũng phải nhận rằng sự bóc lột trong một nước tân
tiến thời nay đã giảm nhiều, thì sau này sự bóc lột các dân tộc nhược tiểu
cũng sẽ giảm đi lần lần.
- Xã hội bao giờ cũng có
người tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói, lúc thì âm (xấu) thắng, lúc thì
dương (tốt) thắng; mà việc đời sau khi giải quyết xong việc này thì lại
sinh ra việc khác liền; sau quẻ Ký tế (đã xong) tiếp ngay quẻ Vị tế (chưa
xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại cho các thế hệ sau.
- Hồi trẻ, quan niệm của
tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình
thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu
quá. Nhưng hồi năm mươi tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều
kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh
vượng.
Nguồn:
Nguyễn Hiến Lê,1980. “Đời viết văn của tôi” Nhà Xuất bản Văn hoá, Hà Nội, 1996,
400 trang; Tiểu sử học giả Nguyễn Hiến Lê theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt
Nam – Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội in trong “Kinh Dịch, đạo của người quân tử”,
Nhà Xuất bản Văn học 1992, trang 7-8; Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
22.
Ông viết trên trang đầu sách Không Tử, cuốn sách mà ông viết xong 1978, xuất
bản 1992: “Triết thuyết nào cũng chỉ để cứu cái tệ của một thời thôi. Muốn
đánh giá một triết thuyết thì phải đặt nó vào thời của nó, xem nó giải quyết
được những vấn đề của thời đó không, có là một tiến bộ so với các thời trước,
một nguồn cảm hứng cho các đời sau không. Và nếu sau mươi thế hệ, người ta thấy
nó vẫn còn làm cho đức trí con người được nâng cao thì phải coi nó là một cống
hiến lớn cho nhân loại rồi.”
Phan
Ngọc Hiền tại bài viết Rành mạch như Nguyễn Hiến Lê đã cho thấy nhân
cách của vị học giả đáng kính này nghiêm cẩn trong nghề viết văn và khách quan,
rành mạch trong quan niệm sống …
Ông
là tấm gương sáng về tinh thần lao động đã để lại một di sản đồ sộ, tới cả trăm
cuốn sách có giá trị về nhiều mặt. Ông cũng là một nhân sĩ đáng trọng bởi dù ở
hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ được một cách nhìn nhận vấn đề khách quan, trung
thực. Điều đặc biệt ở học giả Nguyễn Hiến Lê là không chỉ trong việc viết
mà trong cuộc sống đời thường, ông luôn sòng phẳng, rành mạch thể hiện thái độ,
quan niệm sống của mình…
1.Trong
đời mình, cả hai lần học giả Nguyễn Hiến Lê được chính quyền Sài Gòn đề nghị
trao giải Tuyên dương sự nghiệp văn học, nghệ thuật thì cả hai lần ông đều từ
chối không nhận. Trả lời thắc mắc của một số bạn hữu, Nguyễn Hiến Lê cho hay:
“Nguyên tắc của tôi là không nhận một vinh dự gì do một chính quyền tôi không trọng
ban cho”. Được biết số tiền dành cho giải thưởng bấy giờ rất cao, lên tới
1.000.000 đồng, tương đương với 25 lượng vàng.
Xác
định điều hữu ích lớn nhất mà mình có thể đóng góp cho đời là việc cầm bút,
Nguyễn Hiến Lê đã kiên quyết gạt bỏ những việc làm mà ông cho là vô bổ, mất
thời gian, ảnh hưởng tới nghiệp viết của mình. Một lần, chính phủ Nguyễn Văn
Thiệu mời Nguyễn Hiến Lê tham gia Hội đồng Giáo dục toàn quốc, ông nhất mực
thoái thác với lý do: Việc đề nghị cải tổ giáo dục ông đã có bài đăng trên tạp
chí Bách khoa từ năm 1962. Giờ ông không có gì để nói thêm. Vả chăng, đang
trong tình hình chiến tranh, có bàn thế chứ bàn nữa cũng chỉ… mất thời giờ. Một
lần khác, có vị Bộ trưởng trong chính phủ Sài Gòn cho nhân viên đến mời ông tới
“tư dinh” của ông ta nói chuyện riêng, ông đã thẳng thừng cật vấn người này:
“Ông ấy lấy tư cách gì mà mời tôi như vậy? Tôi không thuộc quyền ông ấy. Nếu
ông ấy mến tôi là nhà văn thì sao lại mời tôi lại thăm ông ấy?”. Lại có lần,
Nguyễn Hiến Lê đã không thèm trả lời thư riêng của một vị Bộ trưởng chỉ vì vị
này, trong thư gửi ông đã để một viên thư ký… ký thay.
Học giả Nguyễn Hiến Lê (thứ ba từ trái qua) cùng bạn bè, đồng nghiệp.
2.
Nguyễn Hiến Lê từng tâm sự rằng, hồi trẻ, khi viết văn, ông hơi mắc bệnh khoa
trương. Sau này tuổi càng lớn, ông càng trân trọng sự bình dị. Những gì viết
trước đây, nếu chưa kịp in thì ông cũng chỉ giữ lại làm kỷ niệm, chứ không cho
in lại nữa. Ông ngượng.
Trọng
sự bình dị, ông còn trọng cá tính của mình nữa. Một lần, có nhà biên tập sau
khi đọc đoạn văn ký sự của ông, đã cất công đảo câu văn lên, câu văn xuống, cắt
tỉa, thêm bớt cho “có nhạc hơn”. Ông khen người nọ “sửa khéo” nhưng khi đưa in
bài viết, ông giữ nguyên đoạn văn ông viết vì thấy phải nói như thế mới tự
nhiên, mới đúng ý, đúng cảm xúc của mình.
Đa
phần các sách của Nguyễn Hiến Lê đều bán chạy, song có những đề tài ông biết
rất ít người đọc, nhưng vì ông thích, ông vẫn cứ viết. Như cuốn “Một niềm tin”,
chỉ được in có hơn nghìn bản mà tới gần chục năm sau sách vẫn chưa tiêu thụ
hết.
Khi
dịch sách, Nguyễn Hiến Lê thường chọn những cuốn mà bút pháp của tác giả không
trái với bút pháp của ông, nghĩa là phải bình dị, tự nhiên. Ông tâm sự ông
thích sách của Lev Tolstoy, Somarset Maugham. Dịch “Chiến tranh và hòa bình”
của Tolstoy, mặc dù nhận thấy bộ sách “rất dài và có nhiều chương lý thuyết về
lịch sử đọc chán lắm”, nhưng ông vẫn dịch trọn, không để sót một dòng. Quan
điểm của ông về vấn đề này rất rạch ròi: “Tôi nghĩ tác phẩm đó lớn quá, nước
mình nên có một bản dịch đầy đủ, rồi sau muốn phổ biến rộng thì sẽ cắt bớt”.
Nhắc
tới các sách dịch của Nguyễn Hiến Lê, độc giả thường nhớ nhiều tới hai cuốn
“Quẳng gánh lo đi và vui sống” và “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie. Đây là một
tác giả có những quan điểm về xử thế mà Nguyễn Hiến Lê rất tâm đắc, song vẫn có
chỗ ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng thuận. Như trong bài viết “Nhân
sinh quan của tôi”, Nguyễn Hiến Lê đã nêu ý kiến: “Nên trọng dư luận nhưng
không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm nhưng cũng có lúc phải tỏ
nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm”.
3.
Là người có lối nghĩ Tây học, tân tiến, song Nguyễn Hiến Lê vẫn không sao dung
nạp được cách sống tự do thái quá, xem nhẹ sự liên kết giữa các thành viên
trong gia đình như ở một số nước Âu, Mỹ. Ông kể: “Người Âu Mỹ, khi lớn rồi thì
ra ở riêng, cả tháng, có khi cả năm không lại thăm cha mẹ một lần; cha mẹ già
thì đưa vào viện dưỡng lão”. Ông cũng than phiền về một nghịch lý trong xã hội
Việt Nam, ấy là việc “người già phải giữ cháu cho con, sắp hàng mua thực phẩm
cho con, nấu cơm cho con. Mấy bạn già của tôi cũng phàn nàn phải làm “vú đực”
cho cháu”.
Năm
1965, một người con trai của Nguyễn Hiến Lê tên là Nhật Đức (khi ấy đang sống
và làm việc tại Pháp) đã bất ngờ xin phép bố mẹ cho được kết hôn với một phụ nữ
Pháp. Nguyễn Hiến Lê nghe tin vậy thì rất giận. Biết tính con trai đã làm gì là
quyết làm bằng được nên ông không… cấm, song cũng nhất định không can dự vào
việc này, để hai mẹ con tự lo. Mấy năm sau, người con trai này kêu cầu mẹ mình
ở lại Paris trông nom con cái giùm vì hai vợ chồng đang làm thủ tục… ly dị.
Nhận được tin con, đầu Nguyến Hiến Lê như bốc hỏa. Ông nhắn cho vợ: “Bảo nó
trước kia đã tự ý lựa vợ, tự mưu hạnh phúc cho nó, bất chấp ý kiến cha mẹ thì
bây giờ nó cũng phải chịu lấy hậu quả của sự quyết định của nó, chứ tại sao lại
cầu cứu tới má nó, bắt má nó bỏ nhà, bỏ cửa công việc dạy học bên đây, làm vú
em cho con nó rồi bắt lây cô Liệp (vợ sau của Nguyễn Hiến Lê – PNH) bỏ nhà cửa
ở Long Xuyên mà lên đây săn sóc cho tôi”. Ông mắng con là đã Âu hóa quá mau,
chỉ thờ cá nhân chủ nghĩa, “không biết tới gia đình, không còn tình của con
người nữa”.
Vậy
nhưng sau này, khi người con trai nói trên của Nguyễn Hiến Lê đã ly dị vợ rồi,
và bà vợ đầu của ông cũng đã ổn định cuộc sống ở Pháp, trong khi cuộc sống
trong nước thì đói kém, Nguyễn Hiến Lê lại thấy: Hóa ra, trong cái rủi có cái
may. Từ đó, ông quay sang ân hận vì mình đã quá nóng nảy với con. Ông tâm sự:
“Đời nó như bị cái gì đó chi phối, nó tưởng nó làm chủ tương lai của nó được,
tự tạo hạnh phúc được mà rồi nó thất bại… Kinh nghiệm của cha mẹ không giúp gì
được cho con thì tôi còn rầy con tôi làm chi nữa”.
Đối
chiếu việc đam mê viết sách của mình với trách nhiệm gia đình, Nguyễn Hiến Lê
cũng không khỏi có phút ngẫm ngợi: “Viết đối với tôi như một môn tiêu khiển rẻ
tiền nhất. Nhưng đôi khi tôi ân hận rằng vì tôi chúi đầu vào sách, vợ con tôi
nhiều lúc cũng thấy chán”.
4.
Sau ngày giải phóng miền Nam, mặc dù vợ con đang sống ở Pháp và Nguyễn Hiến Lê
hoàn toàn có đủ điều kiện để sang đó định cư theo con đường hợp pháp, song ông
vẫn chọn phương thức ở lại trong nước. Một số văn nghệ sĩ ngoài Bắc và nhà văn
tham gia kháng chiến ở bưng biền đã tìm đến thăm ông, hỏi han sức khỏe và tình
hình công việc. Nguyễn Hiến Lê tiếp chuyện họ một cách lịch sự, cầu thị, song
không vồ vập. Đặc biệt, tiếp chuyện thì tiếp chuyện vậy chứ ông “không đáp lễ”
(tức không đến thăm trả lễ) ai cả. Ông không muốn để ai đó hiểu lầm là ông muốn
ôm chân những người của “chế độ mới”.
Tuy
có những điểm bất ưng về cung cách làm việc của một số cán bộ trong chính quyền
mới, song Nguyễn Hiến Lê cũng rành mạch thừa nhận: “Xét chung, các học giả miền
Bắc có cảm tình với tôi; chính quyền đối với tôi cũng có biệt nhãn”. Ông cũng
trung thực ghi lại lời khuyên của học giả Đào Duy Anh với ông: “Ông khuyên tôi
nên coi cán bộ ở bưng về như con cháu mình, tìm hiểu họ chứ đừng trách họ. Họ
gian lao chiến đấu cả chục năm, nay thành công thì tất nhiên muốn được hưởng
lạc, muốn được nắm quyền và tin chắc rằng chính sách của họ đúng, phải có tin
như vậy mới làm việc được. Họ ít được học, không có kinh nghiệm hành chánh, cho
nên phải dò dẫm…”.
Một
lần, khi thấy tình hình sức khỏe của Nguyễn Hiến Lê mỗi ngày mỗi suy, một nhân
viên ở Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn đã đề nghị giới thiệu ông vào điều trị ở
Bệnh viện Thống Nhất, với chế độ dành cho cán bộ cấp cao của thành phố, Nguyễn
Hiến Lê đã nhất mực từ chối. Ông giải thích thái độ đó của mình: “Tôi có công
gì với Cách mạng đâu mà vô đó nằm?…Vô đó người ta gọi tôi là đồng chí, tôi sẽ
mắc cỡ, chịu sao nổi?”
Ngọn
đèn văn
hoá
P.
Schneider một nhà Việt Nam học người Pháp nổi tiếng với nhiều tác phẩm mà nổi
bật hơn cả là cuốn “Nguyễn Bỉnh Khiêm,… Bạch Vân Quốc ngữ thi tập” đã có bài
thơ “Ngọn đèn” (L.M. Hoàng lược dịch) tặng cụ Nguyễn Hiến Lê trong lần gặp cuối
cùng tác giả cuốn sách: Kinh Dịch đạo của người quân tử (viết xong năm 1978,
xuất bản năm 1992)
Tặng
Nguyễn Hiến Lê
Xe
dừng tôi trước ngõ
“Anh bảo tôi ngồi dưới đèn
Để nhìn nhau cho rõ”
Thành phố đã khác xưa
Thay tên và đổi họ
Riêng một ngọn đèn đây
Hiểu lòng chung thuỷ đó
Vẫn ngọn đèn ngày nào
Bóng sáng tròn mờ tỏ
Ngoài kia là đêm đen
Tương lai đầy khốn khó
Thấy nhau một bận này
Tuyệt mù ngày tái ngộ.
Đêm
trước đổi mới (1976-1986), mặc dù Nguyễn Hiến Lê biết rõ loại sách triết
học của ông đang dịch và viết cũng như nhà sách Nguyễn Hiến Lê sẽ gặp nhiều khó
khăn không thể tự xuất bản tác phẩm ít nhất “ trong mươi năm tới” nhưng
ông “vẫn tiếp tục thực hiện cho xong chương trình đã hoạch định, rồi cứ để
đó không bao giời in được cũng không sao”.
Viết
xong cuốn Kinh Dịch, đạo của người quân tử, năm 1980 ông về lại Long Xuyên. Ông
lâm bệnh và mất ngày 22 tháng 12 năm 1984 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ
72 tuổi. Với nhân cách lớn, ông kịp để lại hơn 20 tác phẩm nữa sau ngày đất
nước thống nhất, ngoài 100 tác phẩm trước đó.
Huỳnh
Như Phương trong Một tượng đài của văn hoá đọc đã viết những lời
rất trân trọng đối với Nguyễn Hiến Lê. Ông là tấm gương đạo đức nghề
nghiệp và lương tri của người trí thức, là tinh thần tự lực tự cường đã lập nhà
xuất bản của riêng mình để hạ giá thành và xuất bản đúng lương tâm, là tấm
gương tự học để trở thành nhà văn hoá ở đỉnh cao. Ông học rất cẩn trọng để viết
và viết rất cẩn trọng để dạy làm người.
“Năm
1980, khi nhà văn Nguyễn Hiến Lê quyết định chuyển về ẩn dật ở Long
Xuyên, có lẽ ông chưa thể hình dung rằng không đầy mười năm sau, sách của ông
sẽ được in lại trang trọng và xuất hiện trên các quầy sách trong một thị trường
văn học rất kén chọn độc giả. Lúc đó, nhìn dáng ông thong dong và lặng lẽ lui
vào ngõ vắng, hẳn không ít người nghĩ rằng, cùng với sự rút lui của tác giả,
những cuốn sách của ông cũng đã qua cái thời của nó.
Còn
nhớ, số báo cuối cùng của tạp chí Bách khoa ra ngày 19-4-1975 đã đăng những bài
kỷ niệm cuốn sách thứ 100 của Nguyễn Hiến Lê, đánh dấu kỳ tích của một người
lao động sáng tạo và học thuật. Vốn là một kỹ sư công chánh từ miền Bắc vào lập
nghiệp ở miền Nam, từ năm 1952 ông mới định cư hẳn ở Sài Gòn và tập trung cho
nghề văn. Nếu tính từ khi cuốn sách đầu tiên được in vào năm 1949, trong vòng
30 năm, ông đã miệt mài và nghiêm cẩn sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, dịch
thuật, trước tác để cống hiến cho đời những cuốn sách thuộc nhiều thể loại khác
nhau: sách học làm người, gương danh nhân, giáo dục, chính trị, ngữ pháp, ký
sự, tiểu thuyết, kinh nghiệm viết văn…, đặc biệt là những công trình biên khảo
công phu và đồ sộ về triết học.
Hồi
ký của Nguyễn Hiến Lê ghi lại tinh thần làm việc say mê và tính kỷ luật
của ông: mỗi ngày, ông dành thời gian để sắp xếp tài liệu, ghi chép, suy nghĩ
trước khi ngồi vào bàn viết. Ông có thói quen viết vào buổi sáng và buổi chiều,
còn buổi tối dành để đọc sách báo. Trung bình mỗi năm ông in ba cuốn sách, tổng
cộng khoảng 900 trang. Có người kêu: thời gian ở đâu mà ông viết được nhiều
vậy? Ông bảo: có gì đâu mà nhiều, tình bình quân mỗi ngày chỉ viết có ba trang
chứ mấy! Viết văn, nhiều người cứ ngồi chờ cảm hứng đến. Với những người như
ông thì muốn có cảm hứng, phải ngồi vào bàn và cầm bút viết ra giấy.
Kiên trì, nhẫn nại, toàn tâm toàn ý, Nguyễn Hiến Lê xây dựng sự nghiệp mình như vậy. Thật là đáng trọng một nghị lực, một tính cách, một nhân cách: hơn 20 năm ở Sài Gòn ông chỉ đi ăn đám cưới bốn, năm lần; ông từ chối lời mời dạy học ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn vì sợ thì giờ bị phân tán; hai lần ông lịch sự mà kiên quyết không nhận giải thưởng văn học nghệ thuật để giữ trọn sĩ khí của một nhà văn hoá độc lập với chính quyền.
Kiên trì, nhẫn nại, toàn tâm toàn ý, Nguyễn Hiến Lê xây dựng sự nghiệp mình như vậy. Thật là đáng trọng một nghị lực, một tính cách, một nhân cách: hơn 20 năm ở Sài Gòn ông chỉ đi ăn đám cưới bốn, năm lần; ông từ chối lời mời dạy học ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn vì sợ thì giờ bị phân tán; hai lần ông lịch sự mà kiên quyết không nhận giải thưởng văn học nghệ thuật để giữ trọn sĩ khí của một nhà văn hoá độc lập với chính quyền.
Những
người viết sách ngày nay học được rất nhiều ở Nguyễn Hiến Lê về đạo đức nghề
nghiệp và lương tri của người trí thức. Sách của ông không tránh khỏi những
thiếu sót nhất định do hạn chế lịch sử, nhưng ông không bao giờ viết điều gì
trái với lương tâm, để mười năm, hai mươi năm sau phải hổ thẹn khi đọc lại. Ông
luôn luôn đúng hẹn với các nhà xuất bản, cố gắng giao nộp bản thảo trong dạng
thức hoàn chỉnh với tất cả khả năng của mình, không để sót những lỗi kỹ thuật
vì vô ý. Mỗi lần sách được tái bản, ông đều xem lại, sửa chữa và bổ sung. Ông
cẩn trọng đến mức, hồi dịch Chiến tranh và hoà bình, do tình hình chiến sự, ông
đã chép tay trên giấy than thành ba bản: một đưa cho nhà xuất bản Lá Bối, một
cất ở nhà và một gửi về quê, phòng bị thất lạc.
Những
doanh nhân làm sách ngày nay còn có thể học ở Nguyễn Hiến Lê một tấm gương về
tinh thần tự lực tự cường. Để không bị các nhà phát hành bóc lột, để góp phần
làm giảm giá thành của sách, ông đã lập nhà xuất bản mang tên mình, tìm cách
phân phối sách cho các đại lý và hàng tháng đi xe ôm thu hồi tiền bán sách.
Sách của nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, tuy hoạt động dưới thời “thực dân mới”,
nhưng cuốn nào cũng mang đậm tinh thần dân tộc, không hề có những nhan đề giật
gân, câu khách và những hình bìa diêm dúa như một số cuốn sách bây giờ.
Một
điều nữa góp phần khẳng định Nguyễn Hiến Lê như một tượng đài của văn hoá đọc,
đó là ông đã thể hiện tấm gương tự học để trở thành nhà văn hoá ở đỉnh cao. Ở
Sài Gòn thời đó, ông thường xuyên nhận được những cuốn sách mới nhập về từ Âu
Mỹ, ông nắm bắt thông tin về khoa học, tư tưởng trên thế giới một cách nhạy
bén, kịp thời; nhưng ông không vồ vập mà cân nhắc, chọn lọc để giới thiệu cái
gì có ích cho dân tộc mình. Chưa thấy ai chê ông là người nệ cổ, cũng chưa thấy
ai trách ông là người sùng ngoại, xu thời.
Nguyễn
Hiến Lê từng nói, để viết ra được một cuốn sách, cần phải đọc thật nhiều sách;
viết là một cách học tập, học tập để mà viết. Muốn có gì để nói với mọi người,
thì trước hết mình phải nạp năng lượng tri thức và tiêu hoá năng lượng. Nhờ
thế, những hạt giống được gieo trong sách mới nẩy mầm và đơm hoa kết trái.”
Tác
giả Trung Thu đã kể lại trên Nguyệt san Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh tháng 9
năm 2009 về việc Tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê . Phần mộ của nhà văn
hoá lỗi lạc này hiện âm thầm ít người biết tại chùa Phước Ân, gần ngã tư Cai
Bường, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Võ, tỉnh Đồng Tháp.
“Mở
đầu cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Hiến Lê viết: “Mà có bao giờ người ta
nghĩ đến việc thu thập tài liệu trong dân gian không? Chẳng hạn khi một danh
nhân trong nước qua đời, phái một người tìm thân nhân hoặc bạn bè của người đã
mất, để gom góp hoặc ghi chép những bút tích về vị ấy, rồi đem về giữ trong các
thư khố làm tài liệu cho đời sau. Công việc có khó khăn tốn kém gì đâu, mà lại
có lợi cho văn hóa biết bao”. Thật không ngờ, điều cụ luôn canh cánh trong
lòng, đến khi mất lại vận vào chính đời cụ.
…Vĩnh
Thạnh nghèo nàn và ướt át. Tôi phải hỏi tới người thứ tư mới biết chính xác
đường vào chùa Phước Ân. Từ ngã tư Cai Bường rẽ tay trái vào hơn 1 km đường đất
nữa mới tới. Con đường len lỏi qua những vườn cây ăn trái xanh mướt và một cây
cầu gỗ bắc ngang con kênh. Nhà dân nằm im lìm dưới tán lá như trái chín giấu
mình sau vòm lá. Không khí thuần khiết hòa vào hương xoài dịu êm khiến tôi ngẩn
ngơ. Gia quyến cụ Nguyễn Hiến Lê phải cực kỳ tinh tế và hiểu ý cụ mới đem cụ về
an nghỉ chốn bình yên này.
Chùa
Phước Ân hiện ra trước mắt tôi vừa trang nghiêm vừa thân thiện. Ngôi chùa đơn
sơ ẩn hiện sau lớp lá bồ đề lóng lánh nước mưa. Không một bóng người. Không
gian im ắng. Tôi dắt xe chầm chậm qua sân chùa. Một bà cụ mặc áo nâu sòng, mái
tóc hoa râm xuất hiện. Biết tôi muốn tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê, bà chậm rãi trả
lời. “Trong chùa này chỉ có thầy trụ trì với bà biết ông ấy thôi”.
Bà
dẫn tôi vào chánh điện. Sau lớp kính mờ ảo của khung ảnh, nụ cười cụ Nguyễn
Hiến Lê vẫn tươi rói và đôi mắt dường như vẫn dõi theo trần gian, đôi mắt như
thăm thẳm một niềm an lạc. Di ảnh cụ được treo bên cạnh người vợ thứ hai là bà
Nguyễn Thị Liệp. Sau khi cụ mất, bà xuất gia đi tu và mong muốn được an nghỉ
tại chùa Phước Ân cùng chồng.
Học giả Nguyễn Hiến Lê khi còn sống.
Mộ
cụ Nguyễn Hiến Lê nằm lọt thỏm trong khoảng 20 ngôi mộ khác. Ngôi mộ của một
con người lỗi lạc nhỏ nhắn và giản dị đến nỗi bát nhang không một nén. Nhưng
tôi biết, cụ rất ấm cúng khi nằm chung với toàn thể gia quyến trong một khu mộ.
Không
hoành tráng lộng lẫy. Không bia đá trường cửu. Không khoa trương diễm lệ. Cụ
nằm đó bên ngôi chùa trầm mặc nghe kinh kệ là một diễm phúc hiếm ai nghĩ tới.
Có lẽ đây là lối đi mãn nguyện nhất đối với một tâm hồn vốn giản dị và thanh
sạch.
Trong
gian phòng ấm cúng bên ly trà nóng, bà cụ hỏi tôi có thân thích gì với cụ Lê
không mà lại đi thăm mộ lúc trời mưa gió. Tôi thưa thật, tôi chỉ là người đọc
sách của cụ. Tôi tìm mộ cụ chỉ để thắp một nén nhang trước hương hồn cụ để tỏ
lòng cảm phục. Bà …hỏi tôi rằng cụ viết sách hay lắm sao mà mất lâu thế vẫn có
người nhắc đến. …
Mới
đây Trương Vĩnh Khánh , hội Văn hóa Nghệ thuật Đồng Tháp trong bài Đôi dòng về học giả Nguyễn Hiến Lê 1912-1984
thì lại có lời thưa là bạn Trần Trung Thu đã “hỏi thăm chưa đúng chỗ chứ
người An Giang & Đồng Tháp chúng tôi không mấy ai lại vô tình không biết và
chúng tôi vô cùng tôn kính nhà văn, học giả kiệt xuất ấy.”. Ông Trương Vĩnh
Khánh đã bổ sung thêm một số tư liệu và ông Vũ Ngọc Tiến đã gửi cho
Viet-studies:
Vũ
Ngọc Tiến bên mộ Nguyễn Hiến Lê
Nguyễn
Hiến Lê hiệu là Lộc Đình, sinh ngày 20 tháng 11 âm lịch năm Tân Hợi nhằm ngày 8
tháng 01 năm 1912 (Giấy khai sinh ghi ngày 8/4/1912). Nguyên quán làng Phương
Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội ). Ông là một học
giả, nhà nghiên cứu văn hoá kiệt xuất, xuất thân trong một gia đình nho học,
thân phụ là Nguyễn Văn Bí, hiệu Đặc Như.
Thuở
nhỏ ông học ở trường tiểu học Yên Phụ – trường Bưởi (Trung học), Trường Cao
Đẳng Công Chánh (Hà Nội ) – Năm 1934 tốt nghiệp được bổ làm việc tại các tỉnh
miền tây Nam bộ.
Sau
cách mạng tháng 8/1945, ông từ bỏ đời sống công chức về Long Xuyên dạy học
trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (collège de Long Xuyen).
Tính
đến năm 1975, ông đã cho xuất bản hơn 100 tác phẩm về nhiều lĩnh vực như: văn
học, ngôn ngữ học, triết học, tiểu luận phê bình giáo dục, chính trị, kinh tế,
gương danh nhân du ký, dịch tiểu thuyết, sách học làm người…
Từ
năm 1975 cho đến lúc qua đời, ông còn trước tác được hơn 20 tác phẩm. Trong số
đó có những cuốn như: “Lịch sử thế giới, Đông kinh nghĩa thục, Văn minh Arập,
Sử Trung Quốc, Lịch sử văn minh Trung Quốc, nguồn gốc văn minh, Khảo luận về
Ngữ pháp Việt Nam, gương danh nhân và kinh dịch”(in theo bản thảo chép tay của
Nguyễn Hiến Lê mới xuất bản năm 1992 của nhà xuất bản Văn học Hà Nội,
được đánh giá là một công trình khảo cứu có giá trị khoa học đặc sắc về văn hóa
phương Đông.
Vào
năm 1967, chính quyền Sài Gòn đã trao tặng ông cùng Giản Chi: Giải nhất ngành
biên khảo và giải tuyên dương sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật (1973). Đi kèm với
danh hiệu cao quí đương thời là tấm ngân phiếu một triệu đồng (tương đương 25
cây vàng lúc đó). Học giả Nguyễn Hiến Lê đã công khai từ chối nhận giải với lý
do “nên dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh” và bản thân tác giả cũng
không dự giải.
Năm
1980, ông về ẩn cư ở Long Xuyên. Ông lâm bênh và mất lúc 8 giờ 50 phút ngày 22
tháng 12 năm 1984 tại bênh viện An Bình – chợ Lớn TP Hồ Chí Minh- hưởng thọ 72
tuổi. Hoả thiêu vào ngày 24 tháng 12 năm 1984 tại đài thiêu Thủ Đức.
Di
cốt Nguyễn Hiến Lê được đem về chôn cất trong khuôn viên nhà bà Nguyễn Thị Liệp
(vợ thứ 2 quê ở Long Xuyên, còn bà cả tên Tuệ người miền Bắc).
Năm
1999 Bà Liệp tạ thế và được an táng trong khuôn viên chùa Phước Ân, ở rạch Cai
Bường (thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp ). Di cốt của ông cũng
được đem đặt trên phần mộ của bà.
Nhân
tiết Thanh Minh 24/3 âm lịch – Quý Tỵ, nhà văn Vũ Ngọc Tiến từ Hà Nội vào Lấp
Vò- Đồng Tháp, ngỏ ý muốn đi viếng mộ Nguyễn Hiến Lê- người mà từ hồi chiến
tranh, anh và bạn bè cùng trang lứa ngoài Bắc tôn kính như bậc thầy văn chương
và triết học phương Đông. Nhóm văn bút Lấp Vò chúng tôi gồm Trương Vĩnh Khánh,
Từ Quang, Trịnh Kim Thuấn xúc động trước tình cảm chân thành ấy đã rủ nhau mua
đồ lễ, đưa nhà văn Vũ Ngọc Tiến đến chùa Phước Ân viếng mộ học giả, nhà văn khả
kính Nguyễn Hiến Lê. Tại đây, Trương Vĩnh Khánh đã ứng tác bài thơ trước mộ:
Trăm năm một cõi – đám mây vô thường
Cả đời nặng nợ văn chương
Chồng Nam, vợ Bắc đoạn trường lắm thay!
Quê
hương thương nhớ lắt lay
Trăm nghìn trang sách – trắng tay phong trần
Nghiêng nghiêng bóng nắng chiều xuân
Mờ mờ sương khói, trầm luân kiếp người.
Tấm bia, ngọn cỏ nhàu phơi úa màu
Văn chương để lại ngàn sau
Xác thân lưu lạc thấm đau nỗi đời.
Tài
hoa nặng nợ – số trời
Xót Thầy nằm đó trông vời cố hương!…
Thanh
Minh 24/3 âm lịch – Quý Tỵ
Vĩnh Thạnh- Lấp Vò- Đồng Tháp
TVK
Bàn thờ cụ Nguyễn Hiến Lê trong chùa Phước Ân
Cổng chùa Phước Ân nơi ông bà Nguyễn Hiến Lê an nghỉ
Tôi,
Hoàng Kim, hoàn toàn đồng tình với ý kiến anh Trương Vĩnh Khánh. Thầy Nguyễn
Hiến Lê có cốt cách người hiền, sâu sắc, cứng cỏi, khiêm nhường “giàu sang
không ham muốn, phú quý không thay lòng, uy vũ không khuất phục, gần dân và
thiên nhiên“. Thầy mãi được nhiều người nhớ. Nhiều người chắc cũng nghĩ như
tôi, kính trọng và quý Thầy nhưng chưa đến thăm Thầy được mà thôi! Con người
ấy, văn chương ấy quý giá biết bao! Chúng ta hãy nghe “Leon Tonstoi một á
thánh” là audio nằm trong cuốn Gương thành công của học giả Nguyễn
Hiến Lê nguồn http://www.guongdanhnhan.vn
dưới đây. Hàng chục năm đã trôi qua vẫn như “cây đời mãi mãi xanh
tươi” , hay lạ lùng !
Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê hiện có tại nhà sách
sông Hương. Các ông Nguyễn Quang Thắng, Châu Hải Kỳ lưu giữ nhiều thông tin và trước tác về người Thầy lỗi lạc này.
Thầy
Nguyễn Hiến Lê còn mãi với thời gian./.
Hoàng
Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét