Bài Viết
Trương Văn Dân
Tôi gặp và quen nhà văn Nguyên Minh thật
tình cờ: Hôm ấy nhà báo Nguyễn Hoà vcv, người quản lý trang mạng Văn Chương
Việt gọi điện bảo đến cà phê “Điểm Mới”, khi đến nơi tôi thấy có mấy người đã
có mặt. Ngoài Nguyễn Hoà còn có nhà thơ Âu Thị Phục An, nhà văn Lữ Kiều (Hoạ sĩ
Thân Trọng Minh), nhà văn-dịch giả Hiếu Tân, vợ chồng nhà văn Đặng Kim Côn mới
từ Mỹ về và nhà văn Nguyên Minh. Ấn tượng ban đầu anh Nguyên Minh gây cho tôi
là sự đôn hậu. Cảm nhận ấy đến với tôi từ ánh mắt màu xanh dương rất sáng và
trong lúc trò chuyện tôi thấy mình được lắng nghe.
Sau này gặp nhau rất nhiều lần, tôi hiểu cảm nhận
đầu tiên của mình đã không lầm. Thời gian càng cho tôi thấy sự hiền lành và đôn
hậu đậm nét ở anh.
Lúc tôi quen Nguyên Minh thì Elena vẫn còn ở Ý.
Khi Elena về Việt Nam thì chúng tôi cũng có gặp anh một vài lần. Nhưng
lần đáng nhớ nhất có lẽ là buổi khai mạc triển lãm tranh của hoạ sĩ Rừng (Nhà
văn Kinh Dương Vương) tại Gallerie Tự Do.
Trước khi vào phòng tranh anh em văn nghệ sĩ gặp
nhau đông đảo và cùng ngồi cà phê vỉa hè để hàn huyên tâm sự.
Tôi lăng xăng đi chào hỏi mấy người quen và
bấm máy chụp hình. Đến khi nhìn vào ống kính hai tay tôi đột ngột run lên. Hôm
ấy anh Nguyên Minh mặc chiếc áo sậm màu, lại còn bó gối ngồi trong góc nên dáng
người đã nhỏ trông càng nhỏ hơn. Hai đầu gối khẳng khiu của anh nhô lên như hai
chiếc ống tre.
Tay tôi run, vì qua ống kính, tôi chợt như nhìn
thấy người anh trai đã khuất của mình. Anh tôi cũng nhỏ người, yêu văn chương
và từng khuyến khích tôi đọc và viết... nhưng tiếc thay, khi tôi in được tập
truyện ngắn đầu tay (HTNTL) thì anh đã không còn. Dòng chữ dặn phải ghi đầu tập
truyện “Dâng tặng anh, người đã luôn khuyến khích em đi tìm nét đẹp của văn
chương”... loay hoay thế nào NXB Trẻ đã quên in... Nhớ lại, lòng vẫn còn đau.
Do dáng người thấp bé nên bạn bè thường gọi anh là Minh nhỏ để phân biệt
với người cao lớn là họa sĩ Thân Trọng Minh. Nhưng tôi thích gọi anh là Minh
bambino. Bambino trong tiếng Ý có nghĩa là trẻ em, nhưng ở đây không hề có ý
xúc phạm, và với cách gọi này tôi muốn nói đến sự trong sáng trong tâm hồn của
một người tuy lớn tuổi nhưng vẫn giữ được tính cách hồn nhiên.
Tên gọi đó được Elena gợi ý: Lúc tôi loay
hoay bấm máy thì Elena ngồi im lặng quan sát. Khi tôi đến gần thì Elena khều
nhẹ: “Nhìn anh Nguyên Minh đi! Come un bambino! Nãy giờ em thấy anh
Nguyên Minh nói, cười và nhìn bạn bè với đôi mắt trẻ thơ. Người đàn ông này
hiền lành và chắc chẳng bao giờ làm phiền ai.”
Sau này Elena còn nói thêm một điều nữa: Là gặp anh một lần, nhớ mãi. Nếu ai đó
không yêu thì cũng khó lòng ghét bỏ. Tính cách của anh không thể lẫn với bất kỳ
ai. Khó so sánh với một cá nhân nào.
Quen nhau rồi tôi thường gọi anh để nói chuyện văn chương. Lần đầu tiên,
anh hỏi ngay “Muốn gặp ở đâu ?” tôi chưa kịp báo địa điểm thì anh đã
nói ngay: “Em biết không, anh có một tật rất xấu là không biết
gượng ép mình. Thích thì “chơi”, còn không thích thì thôi. TVD, NC, VTT ... là
những người gọi là anh đi liền”. Tôi hiểu ngay anh là người cụ thể, nhanh chóng
bỏ qua các thủ tục giao tiếp rườm rà để đến thẳng với người mình muốn quen
thân. Không màu mè, khách sáo. Tôi nghĩ là với kinh nghiệm dày dặn, anh biết ai
là người anh có thể “chơi”, ai là kẻ cần tránh... để không phung phí thời gian
cuối đời vào những việc vô ích.
Với anh, chỉ cần mất vài phút anh đã cảm
thấy tiếc. Có nhiều kẻ ở gần nhà gọi mời mà anh luôn nói bận nhưng sẵn sàng gọi
xe ôm từ Gò Vấp về quận 3, xuống Bình Thạnh ngồi cả buổi.
Khi anh nói “D gọi là anh đi liền...” tôi vui lắm
vì biết anh đã xem mình là “bạn”. Bạn là nói cho sang, chứ tôi luôn kính trọng
anh như một người anh, một người đi trước tôi rất nhiều năm trong chuyện viết
lách. Anh nói:“ Nhà văn không già, không trẻ, danh hiệu này, giải thưởng
nọ... đều không là gì, chỉ có tác phẩm của mình để lại trong lòng độc giả mới
quan trọng”
Bước vào ngôi đền văn học từ rất lâu...
Ngay từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước Nguyên Minh đã là người chủ trương
tạp chí và nhà xuất bản Ý Thức tại Sài Gòn. Thời gian này tôi đã sang Ý du học
và chỉ làm chuyên môn về nghiên cứu Hoá Dược nên có nghe qua chứ không biết
nhiều về các tạp chí văn học của miền Nam.
Mãi đến cuối thập niên 90 tôi mới đọc nhiều sách
văn học và bắt đầu cầm bút. Rồi khi về Việt Nam tôi có dịp làm quen với các
thành viên của nhóm Ý Thức: Đỗ Hồng Ngọc, Lữ Kiều, Kinh Dương Vương, Châu Văn
Thuận, Lê Ký Thương, Chu Trầm Nguyên Minh, Hoàng Khởi Phong… trừ những nhà văn
hiện đang ở nước ngoài… Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Lữ Quỳnh, Nguyễn Mộng
Giác, Phạm cao Hoàng... Điều ngạc nhiên là khi đọc họ, tôi thấy tính cách, văn
phong, cách viết và khuynh hướng của các thành viên rất đỗi khác nhau.
Vậy thì làm thế nào mà một người hiền lành như
Nguyên Minh lại có thể đứng ra quy tụ được họ? Thắc mắc làm nổi dậy tính hiếu
kỳ trong tôi.
Có điều dễ nhận ra ở anh Nguyên Minh là tình yêu
tuyệt đối cho văn chương chữ nghĩa. Nếu suốt đời nhiều người cứ mãi loay hoay
đi tìm lẽ sống, không bao giờ bằng lòng với chính mình thì đối với Nguyên Minh
hình như chỉ có một con đường để phải đi. Con đường ấy chính là văn chương và
sách báo.
Quen khá nhiều người trong giới viết
lách nhưng tôi chưa từng thấy ai yêu văn như anh. Những lần họp mặt, nếu chủ đề
là thời sự, kinh tế anh thường lơ đãng, ngồi im, nhổ râu cằm và tủm tỉm cười,
chỉ thỉnh thoảng mới lên tiếng để mọi người thấy là anh vẫn còn ngồi đấy… Thế
nhưng khi đề tài chạm đến văn chương thì…zac! Đôi mắt xanh dương lấp lánh, anh
trở nên sôi nổi và tham dự vào cuộc tranh luận một cách say sưa.
Hình như bất cứ lúc nào Nguyên Minh cũng có thể
đàm đạo văn chương. Với những ai đồng cảm, anh còn hẹn riêng để có thể nói cho
“đã”... để khỏi bị chi phối, quấy nhiễu.
Tôi thích đọc văn anh. Trong văn chương, dĩ nhiên
bài viết nào khi in ra cũng đều có người thích, người không thích. Người không
thích cho là anh viết quá thật, quá chừng mực, quá cổ điển... nhưng tôi lại
thấy chính sự chân thật mới là phong cách để đi vào hồn người. Anh viết văn như
vẽ chân dung cuộc sống. Bởi vì, với Nguyên Minh, viết là truy tìm trong trí
nhớ, là phiêu lưu trong ký ức. Là khám phá cảm xúc. Có khi cảm xúc bị khuất lấp
nhiều năm dưới lớp bụi mù mịt của thời gian.
Qua những lần trò chuyện tôi biết anh Nguyên Minh
luôn viết văn trong niềm say mê, trong cơn hứng khởi và trong cảm xúc tột
cùng. Anh không làm dáng văn chương. Ngôn ngữ của anh là một thứ ký hiệu của
tâm hồn nhè nhẹ lan toả sang những tâm hồn đồng điệu. Bằng giọng kể ấm áp và
văn phong chắc gọn anh đưa người đọc đi qua những thăng trầm trong cuộc sống
của nhân vật hoà trong những biến chuyển của lịch sử đất nước trong một quãng
đường dài.
Các nhân vật của anh khá linh động, khuôn mẫu lấy
từ đời thường, gợi mở từ ký ức xa xưa và biến hoá theo cách của riêng anh. Viết
về họ nhưng cũng là viết về mình, và những câu chữ ấy lại giống như những nét
khắc hoạ về chuyện của một thời...
Hình như Nguyên Minh không thích giới phê bình,
anh nói họ khô khan và quá tỉnh táo, điều này khó hợp với người sáng tác. Vâng,
khi viết anh hóa thân vào cảm xúc, sống hòa mình vào quá khứ, làm sống lại
những cuộc đời có trong tâm tưởng, làm sao “chịu” được cái nhìn xoi mói, có khi
đóng vai trưởng thượng... của những người quen dựa vào lý thuyết, kỹ thuật này,
trào lưu kia để tha hồ phán đoán? “Thực ra không cần phải cứng nhắc
trong việc xác định thể loại, chỉ cần người đọc tìm thấy điều gì có ý nghĩa thì
đó là văn phong và kỹ thuật của tác giả.” Quan niệm như thế nên có lần in
tập truyện của anh một nhà xuất bản đã không biết ghi là Tập truyện ngắn, Tuỳ
bút, Tản văn hay Bút ký? “Xin đừng ghi gì cả, mình không cần phân loại,
dành việc đó cho bạn đọc. Tùy họ muốn gọi là gì cũng được!”.
Khi anh kể chuyện này tôi chợt nhớ là 70 năm xưa
nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng đã từng dõng dạc với những “nhà”
lý luận: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết, còn tôi và những nhà
văn cùng chí hướng lại muốn tiểu thuyết phải là sự thật ở đời”. Tôi hiểu
anh là người chỉ sống với văn chương thông qua tác phẩm.
Có lẽ vì quan niệm đó mà những tác phẩm của anh không bao giờ làm“ choáng
váng” nhưng luôn luôn có người đọc, lớp này đến lớp kia, vì người
đọc bất chợt tìm thấy trên những trang viết có bóng dáng mình hay thời mình
từng sống.
Khi biết anh nhiều hơn, tôi tin là “trời
sinh”anh chỉ để làm văn chương, in sách. Anh mê sách đến nỗi trong giấc
ngủ vẫn mơ về những máy in, vận tốc, độ nét. Anh bỏ nhiều thời gian tìm hiểu về
máy cắt, máy dán keo, máy ép. Một lần vừa mua máy mới, thấy tôi bước vào nhà là
anh liền cầm một xấp giấy: “ xem nè, xem nè”… rồi vận hành
biểu diễn.“ Thấy chưa?” thoả mãn về kết quả, râu và tóc bạc của
anh rung lên, đôi mắt màu xanh dương hấp háy. Tôi bật cười, và sau đó còn cười
to hơn vì nhớ đến bức ảnh Einstein râu tóc bờm xờm, tinh nghịch thè lưỡi…
Trước khi in sách tôi thường nghe
anh thao thao bất tuyệt. Chưa kịp dàn trang anh đã mơ về những tranh bìa... và
sau những lần in thử, anh đều cẩn thận dò tìm, chăm chút từng ly từng tí, một
lỗi nhỏ cũng làm anh khó chịu.
Và chính vì điều đó mà sách của anh càng ngày
càng đẹp. Tập san của anh số sau “sang” hơn số trước.
Nhưng mê văn chương là niềm say mê mà
người viết nào cũng có, còn mê in sách thì chỉ là vấn đề kỹ thuật... có thể nào
chỉ có hai cái “mê” ấy là đủ để trở thành người chủ trương tờ “Ý
Thức”, lừng lẫy một thời?
Để tâm quan sát tôi hiểu anh là người kết
hợp được nhân tài. Là người không cố chấp, anh lắng nghe và biết dung hợp mọi
tiếng nói. Quan điểm của anh là khi cùng làm văn chương thì đó là mẫu số
chung quan trọng nhất và khéo léo tách riêng phần tử số đặc thù của mỗi cá nhân
để khỏi ảnh hưởng đến việc chung. Khi có va chạm anh can thiệp ngay để hoá
giải, không bao giờ cho phép những bất hoà có thời gian âm ỉ để biến thành
thành kiến. Tôi đã từng thấy anh chinh phục một người nổi tiếng cực đoan
khi bất đồng với một nhà thơ: “Ai cũng có phần tốt và xấu, hợp và không hợp.
Đã đi cùng nhau thì phải quên phần không thích và chơi với phần tốt của người
ta”. Người đối diện chưa kịp phản biện thì tia nhìn của anh đã làm tê liệt
mọi phản kháng.
Chứng kiến lần đó tôi hiểu sự ôn hoà và đôn hậu,
hết lòng với bè bạn văn chương chính là sức mạnh của anh. Và bằng cách dung hoà
các yếu tố khác biệt, anh đã tập hợp và phát huy được năng lực cao nhất của
những người cộng tác.
Sau này khi đọc những trang văn của nhóm Ý Thức
mà nhà văn Trần Hoài Thư mới in lại những năm gần đây trong Thư Quán bản thảo
tôi càng thấy rõ điều đó.
Nguyên Minh làm văn chương với niềm say mê sôi nổi nhưng cũng đầy tinh thần
trách nhiệm và lòng tự trọng. Gần anh, tôi thấy anh chú ý đến từng chi tiết,
cẩn trọng cho từng câu chữ. Có lần tôi nghe anh “chỉnh” một nhà văn về
bài viết thiếu chân xác về TCS. Anh góp ý và phê phán nhẹ nhàng để bài văn được
chỉnh sửa. Với anh sự thật nằm lên trên tất cả. Biết rõ cá tính của từng anh em
nên anh dung hoà, dung hợp được họ; anh là người đại diện cho tờ báo văn chương
trong khi phần lớn các nhà văn, nhà thơ chỉ đại diện cho bài viết của cá nhân
mình.
Giữ vai trò chủ biên nhưng ai cũng thấy là anh giữ cương vị đó chỉ để làm văn
chương, in sách. Ngồi lên “trên” mà anh luôn nắm tay những người đồng hội, tất
cả chúng mình đều như nhau và phải đi chung một con đường.
Hiểu vậy nên tôi rất quý anh: Một con người nhỏ
trong một nhân cách lớn. Tôi hãnh diện được đi chung một chặng đường văn
với anh, một người suốt đời hiến mình cho văn chương, dám bỏ tất cả, tình yêu,
công danh, sự nghiệp miễn có thể nhìn chữ nghĩa của mình và bạn bè in lên trang
giấy. Vâng, Nguyên Minh luôn cầm cờ, đã cho “Ý Thức” lên đường
Sau 1975 anh lặng lẽ sống, mà không viết. Cuộc
mưu sinh khốc liệt đã buộc anh ẩn mình trong cô đơn, ngậm ngùi nhìn những hoài
niệm bị chôn giấu từ nỗi lo toan cơm áo... mãi 25 năm treo bút rồi một ngày đến
Thân Trọng điền trang ở Đà lạt... dưới ánh hoàng hôn sương khói bay mờ, lãng
đãng... cảm hứng của anh bật dậy như chiếc lò xo và những con chữ của anh ứa ra
như những vết thương rỉ máu.
Từ một “lão nông” anh buông cày, cầm bút, hoá thành nhà văn Nguyên Minh, một
con người nhỏ bé, đến từ thị xã Phan Rang heo hút, mà một thời làm dậy sóng Sài
Gòn, thủ đô văn học miền Nam.
Rồi mới đây... ở tuổi 72 anh còn liên kết
với nhà xuất bản Thanh Niên, cho ra đời Tập –san-văn-học-nghệ-thuật “Quán-Văn”.
Những người bạn cũ có người đã bỏ cuộc chơi... còn anh thì vẫn tiếp tục. Vì anh
là người sống hết mình với văn chương.
Vì văn chương làm đẹp tâm hồn, làm đẹp thế giới
và làm đẹp cuộc đời. Nhưng cũng có thể nói là văn chương luôn làm cho anh tươi
trẻ!
Nhà văn Trương Văn Dân (bên
phải) & Mang Viên Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét