Ai
đã từng xem bức chân dung Hoàng Lập Ngôn vẽ Thế Lữ theo lối tinh tướng họa,
mới thấy họa sĩ này sao mà tinh quái và thâm thuý.
Ai đã từng xem bức chân dung
Hoàng Lập Ngôn vẽ Thế Lữ theo lối tinh tướng họa, mới thấy họa sĩ
này sao mà tinh quái và thâm thuý. Ông đã thể hiện gương mặt tác giả Nhớ
rừng trong bộ mặt ...chúa sơn lâm! Nghĩa là mặt một con hổ chính cống.
Mà cũng phải! Không có cái con - hổ - nhớ - rừng hồi ấy thì làm gì có Thế
Lữ! Vả, cái gã thi sĩ có công “dựng thành nền Thơ mới ở xứ này” cũng đáng được xem là một chúa sơn lâm chứ sao! Ngang
cơ quá còn gì! Tất nhiên, họ không giao đấu, mà chỉ giao nhau. Giao
trong từng nét một để cùng làm nên một chân dung kép. Thế Lữ - Hổ hay là Hổ
- Thế Lữ thì cũng vậy! “Thực” đến thế thì đạt mức “siêu” còn gì! Quái lạ
thay là lòng tri kỷ! Quái lạ thay là nghệ thuật tạo hình!
Tôi
vừa nói đến nghệ thuật tạo hình - cái ngành nghệ thuật mà trước khi thành
thi sĩ, Thế Lữ đã từng dấn thân vào, tuy nửa vời. Dầu vậy, cái máu hội họa,
cái vốn hội họa vẫn đủ cho ông có được một “gu” tạo hình khi cầm ngọn bút
thi nhân. Thế Lữ đã làm thơ bằng hồn thơ đậm tính hội họa. Nhớ rừng là
thi phẩm rất tiêu biểu. Có thể sánh thế này: nếu Hoàng Lập Ngôn vẽ con Hổ -
Thế Lữ bằng hội họa đơn thuần, thì Thế Lữ đã vẽ con Hổ - nhớ rừng bằng hội
họa của... thơ. Trong nét bút Thế Lữ, người ta không chỉ thấy họa pháp của
một họa sĩ từng theo học Mỹ thuật Đông Dương, mà trùm lên tất cả là một thi
pháp nghiêng về tạo hình của thi phái Lãng mạn. Vì
thế mà, Nhớ rừng vừa là một “khúc trường ca dữ dội” thể hiện tâm
trạng vĩ đại của chúa sơn lâm, vừa là một họa phẩm hoành tráng từng bước
làm nổi hằn lên trên mặt bằng của câu chữ hình tượng vị “chúa tể cả muôn
loài”.
Nhiều
người đã nói đến nội dung xã hội của bài thơ. Thậm chí đã có lúc người ta
cho rằng nội dung yêu nước mới là đích thực và đáng kể nhất của Nhớ rừng.
Hướng lĩnh hội ấy càng ngày càng bộc lộ sự ấu trĩ của nó. Nội dung kia, nếu
có, phải ẩn chìm ở bề sau. Tâm trạng của chúa sơn lâm là một bi kịch. Không
chỉ của một con hổ. Không chỉ của riêng Thơ mới. Mà trước hết và trên hết
là bi kịch của cái tôi lãng mạn. Bởi nó bắt nguồn từ một trạng thái tâm lý
rất đặc trưng của những cái tôi lãng mạn: do bất hòa với thực tại mà thoát
ly vào thế giới bên trong của chính mình, cố tìm kiếm một thực tại khác để
thay thế thực tại bên ngoài. Mộng tưởng là đời sống của những cái tôi lãng
mạn. Cái tôi này tìm vào thực tại hồi tưởng, cái tôi kia tìm vào thực tại
huyễn tưởng, cái tôi khác lại tìm vào thực tại viễn tưởng... Kẻ tìm vào hồi
tưởng, thực chất, đã đối lập hiện tại với quá khứ.
Với nó, quá khứ mới vàng
son, mới là thời hoàng kim, thời oanh liệt. Chỉ trong quá khứ ấy, nó mới
thấy hạnh phúc, thấy hài hòa. Mà thời đó thì vĩnh viễn mất rồi, chìm vào dĩ
vãng rồi. Chỉ có thể sống lại trong hồi tưởng thôi. Vì thế, nó dùng hồi
tưởng để hồi hiện quá khứ, phục chế quá khứ và tô điểm thêm cho quá khứ.
Hoài cổ (có thời người ta coi là thoát ly vào quá khứ) là một đời sống tinh
thần của cái tôi lãng mạn ấy, về sau trở thành một cảm hứng phổ biến của
văn học lãng mạn, cũng là vì thế.
Riêng
ở Việt Nam, lại có thêm một lý do nữa khiến mối bất hòa cố hữu kia trầm
trọng và gay gắt hơn: tình trạng thuộc địa của thực tại. Do thế, bất hòa
với thực tại trước tiên là phản ứng thẩm mỹ của cái tôi lãng mạn, sau nữa
là phản ứng chính trị của lòng yêu nước. Lớp nghĩa thứ hai đến sau và ở bề
sau, là như vậy. Thế Lữ đã ký thác những điều đó vào vị chúa sơn lâm này.
Con hổ bị cầm tù trong cũi sắt giữa vườn bách thú vẫn ôm trong lòng “niềm
uất hận ngàn thu”, vẫn “đương theo giấc mộng ngàn to lớn” chính
là hiện thân của bi kịch ấy. Đối với nó, thực tại là cũi sắt, là vườn bách
thú nhỏ mọn, tầm thường, giả dối, vô vị, vô tích sự. Còn rừng là thời vàng
son, thuở hoàng kim trong hồi tưởng. Nhớ rừng là nhớ một thế giới cao cả,
nhớ chốn thiêng liêng, nhớ cõi tự do. Rừng là thời oanh liệt, thời làm chủ
nhân ông của đại ngàn. Toàn bộ ý nghĩa cuộc đời mình là ở nơi rừng. Đánh
mất rừng cũng là đánh mất mình. Hằng ngày cứ thấy mình bị tầm thường hóa đi
mà bất lực! Khao khát rừng là khao khát được là mình! Đó chẳng phải cũng là
khao khát của một cái tôi đòi giải phóng đó ư? Bởi đây là chúa sơn lâm, nên
logic là nhất nhất mọi cái phải ở tầm “chúa tể cả muôn loài”. Nghĩa là đều
phải siêu phàm, kỳ vĩ, chế ngự, bao trùm. Nhưng đằng sau những cái riêng
thuộc về tập tính loài hùm thiêng, ta đều thấy cái chung với con người. Cái
lý của việc tìm đến hình tượng con hổ này của Thế Lữ là ở đó.
Nhưng cảm xúc mà cái tôi - hổ này đang mang nặng, thực chất, là gì
vậy ? Tôi đã có lần viết : Thơ mới là một điệu sầu mênh mông, mà nếu đem
phân chất ra thì sẽ thấy trong đó ba mối sầu đậm nhất : sầu nhân thế, sầu
thời thế, sầu thân thế. Ba mối sầu này đan quyện, chuyển hóa sang nhau cất
lên mà thành Thơ mới. Nhớ rừng nghiêng về mối sầu thứ ba. Tâm trạng
chúa sơn lâm chính là tâm trạng “hùm thiêng khi đã sa cơ”, tâm trạng bi
tráng của một anh hùng thất thế đang phẫn uất về thân thế mình. Vì vậy lời
than đầy hùng tâm tráng chí này không chỉ rung chuyển rừng già, mà còn làm
rung chuyển muôn vạn con tim của thời bấy giờ:
Than
ôi ! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Song ngẫm ra, ai chẳng có thời
oanh liệt của riêng mình? Ai chẳng có cái quãng huy hoàng chói lọi, cái
đoạn ý nghĩa nhất của đời mình? Bất cứ người nào trong cuộc đời này, nếu là
người luôn khát sống thì rồi sẽ có lúc ngấm nỗi hận sầu thất thế, để rồi
cất lên cái tiếng than u uất kia của chúa sơn lâm thôi. Trong mỗi cuộc đời,
mỗi kiếp người đều tiềm ẩn cái tiếng than đầy nhân bản ấy của con hổ này.
Vậy là sầu thân thế cũng tiềm tàng cả sầu nhân thế. Nói con hổ nhớ rừng
mang trong nó một tâm trạng vĩ đại còn vì ý nghĩa tiêu biểu lớn lao đó.
Tính tạo hình trong bút pháp Thế
Lữ chủ yếu thể hiện ở việc khắc họa cái Phi thường. Và để nó sắc nét, thi
sĩ đã duy trì một nguyên tắc tương phản khá nhất quán và nhuần nhuyễn giữa
cái Phi thường và cái Tầm thường. Chúa sơn lâm được đặt ở trung tâm bức
tranh, còn tất cả thì được nhìn qua con mắt của loài mãnh thú này, do đó mà
tất cả đều trở nên tầm thường. Đối diện với hổ, ngay con người cũng chỉ là
“lũ người ngạo mạn ngẩn ngơ”, với “mắt bé” dám “diễu oai
linh rừng thẳm”. Còn bọn gấu thì “dở hơi”, cặp báo chỉ là loài ươn hèn
nô lệ, hời hợt “vô tư lự”. Cái thế giới rừng già kề bên chúa sơn lâm
thảm hại đã đành. Mà ngay cả bao tạo vật, cảnh trí lớn lao trong vũ trụ này
dưới mắt nó cũng tầm thường vô nghĩa. Bằng cách tương phản thế, hình ảnh
chúa sơn lâm trở nên kỳ vĩ !
Với tiếng gió gào ngàn, với
giọng nguồn hét núi / Với khi thét khúc trường ca dữ dội, rồi
Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng / lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp
nhàng..., con mãnh thú mới là chúa tể muôn loài trong xứ sở của mình,
giữa chốn rừng núi. Nhưng đến đoạn này, thì con hổ kia đã dần trở thành
chúa tể cả vũ trụ :
Nào
đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say
mồi đứng uống ánh trăng tan ?
Đâu
những chiều mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng
ngắm giang sơn ta đổi mới ?
Đâu
những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng
chim ca giấc ngủ ta tưng bừng ?
Đâu
những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi
chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta
chiếm lấy riêng phần bí mật ?
Dễ thấy đây là đoạn tuyệt bút
của Nhớ rừng. Nhưng tôi chỉ muốn nói đến một khía cạnh của đoạn
tuyệt bút kia, ấy lối tạo hình bằng thơ. Và cũng chỉ một khía cạnh tạo hình
thôi, ấy là vẽ tranh tứ bình. Thực ra, tứ bình là một lối tạo hình quen
thuộc từ cổ điển. Người xưa thường khái quát một hiện thực toàn vẹn nào đó
vào bộ tranh gồm bốn bức. Cho nên tự thân tứ bình là một cấu trúc, một
chỉnh thể, một thế giới. Thời gian thì Xuân Hạ Thu Đông, thảo mộc
thì Tùng Trúc Cúc Mai, hay Mai Lan Cúc Trúc, nghề nghiệp thì Ngư
Tiều Canh Mục, tầng lớp thì Sĩ Nông Công Thương, nghệ thú thì Cầm
Kỳ Thi Họa.v.v...
Nảy sinh từ hội họa, về sau tứ bình xâm nhập vào
nhiều nghệ thuật khác. Người đọc thơ có thể đơn cử ở Chinh phụ ngâm,
những đoạn như nỗi nhớ chồng của nàng chinh phụ diễn ra trọn vẹn khi “trông
bốn bề”, mỗi bề là một phía, một cung bậc, một nông nỗi của nhung nhớ.
Tâm trạng buồn nản, hãi hùng của Thuý Kiều trước lầu Ngưng Bích cũng diễn
thành tứ bình với điệp khúc “buồn trông”. Rồi ngay Tố Hữu cũng dùng
đến tứ bình khi viết bài Việt Bắc ở đoạn “Ta về ta nhớ những hoa
cùng người”... Vậy, dùng tứ bình thì chưa phải là gì thật đáng nói.
Đáng nói là: cả bốn bức tứ bình ở đây đều là những chân dung tự họa khác
nhau của cùng một con hổ. Nó đã khái quát trọn vẹn về cái “thời oanh liệt”
của chúa sơn lâm.
Bốn bức là bốn nỗi hoài niệm đầy tiếc nuối,
uất hận.
Đồng thời, là bốn câu hỏi mà
giọng điệu càng lúc càng dữ dằn.
Mỗi bức một khung cảnh, một gam màu, một
dáng điệu của vị “chúa tể cả muôn loài”.
Bức thứ nhất thật thi vị :
Nào
đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say
mồi đứng uống ánh trăng tan?
Gam màu vàng lóng lánh của ánh
trăng in trên suối vắng. Đối với con hổ giờ đang bị giam cầm trong cũi sắt,
đó không chỉ là những kỷ niệm lấp lóa trăng vàng, mà thực sự là những “đêm
vàng” - những kỷ niệm được đúc bằng vàng ròng - không bao giờ còn có lại.
Chúa sơn lâm hiện ra như nhà thi sĩ của chốn lâm tuyền, với cử chỉ uống ánh
trăng tan đầy thơ mộng. Chữ “say mồi” có thể làm người đọc lạc hướng, bởi
tưởng rằng “mồi” đây hẳn là một con thú đáng thương nào đó. Không phải. Con
mồi chính là con trăng vàng in bóng trong lòng suối. Con mồi - cái đẹp, cái
đẹp - con mồi một thân phận kép, đó là cảm nhận độc đáo của con hổ - thi sĩ
này. Thế Lữ đã tỏ ra là người nhập được vào hổ, khi gửi vào mãnh thú một
mảnh hồn thi sĩ.
Bức thứ hai, chúa sơn lâm hiện ra như một minh đế trước
giang sơn của mình :
Đâu
những chiều mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng
ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đêm trăng đã nhường chỗ cho
chiều mưa. Gam vàng đã chuyển qua gam xám bạc điểm ánh tươi xanh. Đấng
vương chủ của chốn rừng già đang phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh vương
quốc đương thay da đổi thịt dưới sự trị vì của mình. Trang nghiêm, ưu tư,
và đầy kiêu hãnh.
Bức thứ ba, chiều mưa đã chuyển sang rạng đông, nền tranh
đã rạng rỡ cái gam màu thắm nắng bình minh. Chúa sơn lâm hiện trong
dáng điệu một lãnh chúa cứ nghiễm nhiên ườn mình trong giấc ngủ trễ tràng
khi ngày đã lên mà thụ hưởng cái lạc thú cung - đình - rừng - xanh của
mình:
Đâu
những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng
chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Hoàn toàn có thể hình dung cây
xanh nắng gội là màn trướng, còn chim chóc như những bầy cung nữ đang hân
hoan ca múa quanh giấc nồng của hổ vương chứ sao!
Bộ tứ bình khép lại bằng bức cuối cùng, cũng là bức ấn tượng hơn cả :
Đâu
những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi
chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta
chiếm lấy riêng phần bí mật?
Giọng điệu không còn là thở
than, mà đã thành chất vấn đầy giận dữ và oai linh đối với quá khứ mà cũng
là đối với hiện tại. Tương ứng với giọng điệu, chúa sơn lâm hiện ra cũng
với một tư thế hoàn toàn khác: tư thế kiêu hùng của một bạo chúa. Nền cảnh
thuộc gam màu máu. Mấy chữ “lênh láng máu” thật dễ sợ. Nó gợi ra
cảnh tượng chiến trường sau một cuộc vật lộn tàn bạo. Là máu của con thú
rừng xấu số nào đó chăng? Không! Đó là máu của mặt trời. Ánh tà dương lúc
mặt trời hấp hối, dưới cái nhìn kiêu bạc của con mãnh thú chính là sắc máu
lênh láng đỏ. “Những chiều lênh láng máu” là máu mặt trời đã nhuộm
cả thời gian. Máu đã trở thành màu kỷ niệm. Chữ “sau rừng” gợi được
cái không gian đỏ máu của địch thủ mặt trời, vừa gợi được vẻ bí hiểm của
chốn diễn ra cuộc tranh chấp đẫm máu. Chữ “chết” đã biến mặt trời từ
vật thể thành sinh thể. Không còn là khối cầu lửa vô tri vô giác giữa không
trung, mặt trời đã thành một con thú. Thậm chí, một con thú thảm hại - chữ
“mảnh” là hình ảnh mặt trời trong con mắt ngạo mạn và khinh miệt của
con hổ này. Vẻ “gay gắt” trong giờ phút hấp hối của con thú tử
thương dường như càng làm cho nó bị khinh bỉ.
Thì ra, đối thủ của con hổ
này không phải là loài gấu, loài báo vô tư lự dở hơi, đã đành. Mà ngay cả
con người cũng không xứng là đối thủ của nó. Trong vũ trụ này chỉ có một kẻ
duy nhất được chúa sơn lâm này xem là địch thủ mà thôi, ấy là vầng thái
dương. Nhưng, cái đáng nói là: trong cuộc kịch chiến kia, phần thắng vẫn
thuộc về nó, vị “chúa tể của muôn loài” ấy. Ba chữ “mảnh mặt trời”
đã hoàn toàn hạ bệ, hạ gục đối thủ, khiến mặt trời cũng trở nên tầm thường.
Bằng cuộc thư hùng bạo liệt với mặt trời để “chiếm lấy riêng phần bí
mật”, Thế Lữ đã nâng con mãnh thú này lên tầm vóc vũ trụ. Nó kỳ vĩ hơn
cả những gì vốn kỳ vĩ nhất trong hoàn vũ. Đến câu “Ta đợi chết mảnh mặt
trời gay gắt”, bức tứ bình cuối cùng dường như đã thể hiện được bàn chân
ngạo nghễ siêu phàm của con thú như dẫm đạp lên bầu trời, cái bóng của nó
cơ hồ đã trùm kín cả vũ trụ. Còn tham vọng “Để ta chiếm lấy riêng phần
bí mật”, thì đã tỏ rõ cái oai linh của kẻ muốn thống trị cả vũ trụ này!
Ghê gớm thật! Ngay đến mặt trời cũng trở nên tầm thường, thì xem ra sự phi
thường đã tới vô biên rồi vậy!
Hồi tưởng phóng chiếu đã xong :
thời oanh liệt của cái tôi - hùm thiêng đạt cực điểm !
Một thi sĩ rình trăng chốn
lâm tuyền. Một vương chủ say ngắm giang sơn. Một lãnh chúa rừng xanh giữa
bầy ca điểu. Một bạo chúa ngạo mạn với mặt trời. Bốn kỷ niệm kiêu hùng, bốn
khoảnh khắc hoành tráng!
Bộ tứ bình hoàn tất!
Song, cả giọng điệu tráng ca hào hùng, cả bút pháp
cường điệu khoa trương đặc thù của chủ nghĩa lãng mạn, cả lối tạo hình
hoành tráng của hội họa sẽ trở nên chơi vơi, sáo rỗng nếu như đây không
phải là chúa sơn lâm. Sự ăn nhập tuyệt vời giữa đối tượng và thi pháp đã
chắp cánh cho thơ Thế Lữ bay lên, dõng dạc, đường hoàng như một khúc trường
ca dữ dội!
Bấy giờ, Thơ mới đang hối hả, đang ráo riết đi tìm
cái tiết điệu của mình. Thì đến Nhớ rừng, tiết điệu cần tìm
đã được Thế Lữ đem về. Công lớn ấy chẳng hổ danh là chúa sơn lâm! Chả thế
mà Vũ Đình Liên chỉ cần trích hai câu trong bài này đã dám cả quyết: chỉ
hai câu Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối / Ta say mồi đứng uống ánh
trăng tan cũng có sức mạnh như một tuyên ngôn bênh vực cho Thơ mới.
Chữ
của Hoài Thanh trong Thi
Nhân Việt Nam
Nghiên
cứu những trường phái thơ Pháp, dễ thấy rằng : nếu phái Tượng trưng nghiêng
hẳn về nhạc, thì phái Lãng mạn nghiêng hẳn về nghệ thuật tạo hình, nhất là hội hoạ.
(Source: Chu Văn Sơn -
Trường ĐHSP Hà Nội - Bản tin GDTX&TC số 19 tháng 12/2008 )
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét