Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Đôi điều suy ngẫm về "Hạt bụi" trong thơ Vương Chi Lan

Đôi điều suy ngẫm về “Hạt bụi” 

trong thơ Vương Chi Lan

   Tình cờ tôi quen biết nhà thơ Vương Chi Lan tại quán cà phê Phong Lan đường Đồng Xoài số 42/11, phường 13, quận Tân Bình - TP. HCM trong một ngày nắng đẹp Quốc tế Thiếu nhi 01/6/2014. Chị tặng cho chúng tôi tập thơ “Rót nhớ vào đêm” do nhà xuất bản Hội nhà văn in và phát hành tháng 4/2013, chưa đủ chị còn đọc và chép lại bài thơ mà chị tâm đắc nhất: “Hạt bụi”. Thế rồi, tôi đọc đi đọc lại bài thơ chị viết này nhiều lần để tìm kiếm tiết điệu của bài thơ, may đâu sẽ viết nhạc được.
      Tôi bắt đầu viết nhạc bài thơ “Hạt bụi” khi về lại Cam Ranh ngày 6/6/2014. Bài thơ được viết với nhịp 2/4, giọng La thứ buồn chậm. Khi bắt đầu viết tôi nhớ lại ca khúc “Cát bụi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để khởi đầu lấy đà cho bài nhạc: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi...”.
   Bài thơ của Vương Chi Lan gồm 5 khổ, mỗi khổ 4 câu, mỗi câu 5 chữ khá đều đặn. Điệp ngữ: “ Ta bắt được...” được chị lặp đi lặp lại tới bốn lần ở khổ 1 và 2. “Ta bắt được...” nào là Giọt sương- Làn gió- Hạt bụi- Sợi nắng. Nhưng Giọt sương long lanh trong mí mắt; Làn gió thoảng một chút gì thơ ngây; Hạt bụi ngủ thật say; Sợi nắng cho mỗi ngày. Thật là những hình ảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên: Nắng, sương, gió, bụi mịt mùng hằng ngày trong đời sống mỗi chúng ta.

   Một giọt sương còn đọng lại trên lá cành cây buổi sớm mai. Một làn gió thơ ngây hôn lên má ai: “Ta bắt được giọt sương. Long lanh mí mắt này. Ta bắt được làn gió. Có chút gì thơ ngây”.  Một hạt bụi trong muôn nghìn hạt bụi của đất trời đang ngủ thật say trong mộng mị. Một sợi nắng chiếu qua cành cây ngọn cỏ làm tốt tươi cho sự sống trên trái đất và thiết yếu cho đời sống muôn loài. Thế là  chị lại tiếp tục thổn thức về Hạt bụi, về Sợi nắng trong bốn câu tiếp:
“Ta bắt được hạt hụi. Hạt bụi ngủ thật say. Ta bắt được sợi nắng. Sợi nắng cho mỗi ngày”.

     Sự ví von đến dễ thương, mang đậm nét tình cảm giữa hai con người khác phái: Anh và em. Để rồi anh sẽ là hạt bụi, mà em cũng là hạt bụi không hơn không kém. Chúng ta sinh ra từ hạt bụi, rồi một ngày nào đó cũng trở về với cát bụi muôn trùng biển khơi thế thôi. Gió và mây như một cặp song sinh. Gió sẽ đẩy những làn mây đi về một phương trời vô định nào; mây nhờ gió mà trôi bàng bạc về một nơi xa xăm. Mây và gió khắng khít với nhau không rời nhau nửa bước, như em và anh trong cuộc đời này. Hạt bụi đã có từ ngàn xa xưa, từ thủa khai thiên lập địa, nhưng hạt bụi của một chiều mưa bay nó hay hay làm sao ấy! Ai mà thấu hiểu, biết được: “Hạt bụi anh trong gió. Hạt bụi em trong mây. Hạt bụi như đã có. Hạt bụi chiều mưa bay.”
  Hạt bụi cũng từ tứ đại mà hợp thành: đất, nước, lửa, gió. Nhưng may thay hạt bụi hợp lại sẽ in bóng hình cỏ hoa, in bóng hình anh, em và bóng hình của chúng ta tồn tại trên mặt đât. Một sáng mai sương sớm nhạt nhòa hình bóng ai trong ký ức vẫn chưa phai mờ theo năm tháng dần trôi: “Hạt bụi nào hợp lại. In bóng hình cỏ hoa. Hạt bụi trong tứ đại. Một sớm sương nhạt nhòa”.
    Nhân khi đọc bài "Hạt bụi" của nhà thơ Vương Chi Lan mà quên mất, không hề nhớ về "Cát bụi" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là điều thiếu sót lắm vậy. Thôi thì ta hãy tản mạn một chút xem sao. Trong "Hạt bụi", Trịnh Công Sơn đã từng ưu tư, khắc khoải về thân phận con người mỏng manh trên trái đất, trong cõi trần ai đầy đau thương này; và có khi ông tự hỏi lòng mình: Ta sinh ra từ đâu?; Ta là ai?; Ta từ đâu đến?; Rồi sẽ trôi dạt về nơi đâu, chốn phương nào?. Thật khó hiểu và cũng lắm điều rối rắm: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi?”. Ông nhận ra thân phận con người cũng đến từ bụi đất, mang kiếp sống mong manh ngắn ngủi như kiếp phù du sớm nở tối tàn. Hạt bụi nhỏ bé trong vũ trụ bao la, bất lực trước định luật tự nhiên của tạo hoá, bị lôi cuốn theo con tạo xoay vần của cuộc sống. Sau khi “Một mai vươn hình hài lớn dậy” để sống kiếp cát bụi phù du tạm bợ, dù muốn hay không, chấp nhận hay chống đối, hạt bụi lại rũ áo ra đi về với thân phận bụi đất của mình. “Để một mai tôi về làm cát bụi”. Thế là hết, là xong một kiếp người; cũng như bài thơ "Hạt bụi" mà tôi dẫn nhập bài nhạc với những dòng chữ còn nguyên lời “Cát bụi” của nhạc sĩ Trịnh công Sơn.



       Vẫn biết bụi đất một mai sẽ trở về với cát bụi. Vẫn biết nơi đến, chốn về như nhau: Tất cả chỉ là phù du, vô nghĩa mà thôi. Nhưng trong lòng người nhạc sĩ vĩ đại họ Trịnh vẫn thổn thức: “Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy” đang mong chờ một điều gì đó thâm sâu hơn, cao qúi hơn những gì tầm thường trong đời sống hằng ngày, đang cuốn hút hạt bụi xoay vòng trong cơn lốc đảo điên. 



Hình như đôi tai, tâm hồn Trịnh Công Sơn đã nghe được những lời mời gọi thiêng liêng của núi sông nào đó. Thì ra mới biết cát bụi mệt nhoài sau những chuỗi ngày “Mặt trời soi một kiếp rong chơi”, sau những tháng năm nhạt nhòa hòa mình vào những âm thanh cuộc sống: “Tiếng động gõ nhịp không nguôi” của cuộc đời, và rồi để mai sau một kiếp người: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người”. Đến một ngày kia, ông bỗng chợt nhận ra thiếu vắng một cái gì đó trong cuộc sống. Hạt bụi nhỏ bé như pha lê được mặt trời soi sáng để rồi trái tim khát khao tin yêu thổn thức theo dòng thời gian, theo dòng đời nổi trôi.


   Cuộc sống dần trôi, với bao đắng cay chất đầy lên đôi vai yếu gầy, mà ý nghĩa cuộc đời vẫn biệt tăm, họ Trịnh lại buông lơi một tiếng thở dài chán chường cùng trời đất: “Ôi cát bụi mệt nhoài!”. Tiếp tục cuộc hành trình vô định của con người, sắp đến đích mà không biết nơi đến là đâu với một lời chua chát xuôi tay tuyệt vọng: “Ôi cát bụi phận này!”
    Con người, chỉ khi “Chợt một chiều tóc trắng như vôi” mới giật mình nhìn lại mình, vội vàng đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Khi nhìn “Lá úa trên cao rụng đầy” với “Cụm rừng nào lá xác xơ cây” lòng người mới chùng xuống, băn khoăn lòng hỏi lòng, chiếc lá vàng kia đi về đâu? Thân phận con người có gì hơn một chiếc lá vàng rơi, một hạt bụi này không? “Trăm năm vào chết một ngày”, đời người ky cóp, một ngày xuôi tay!
     Tôi đã sa đà với ca khúc "Cát bụi" của Trịnh Công Sơn, âu cũng là điều dễ hiểu không đáng trách, bởi vì suốt cả đời tôi vẫn mãi mê những dòng nhạc họ Trịnh, cũng như ông thường nói: "Yêu lắm cuộc đời này..."
      Nay lại trở về với chính "Hạt bụi" của Vương Chi Lan.
     Tấm thân hình hài nhỏ bé của ta cũng từ hạt bụi mà ra, cũng là tấm thân tứ đại của đất trời. Con người sinh ra, lớn lên dong ruỗi theo tháng ngày với cuộc đời, cuộc sống bao bề bộn lo toan. Để đến một ngày mai kia chân yếu gối mềm rồi cũng sẽ trở về cát bụi, trở về với nguyên thủy ban đầu” Hạt bụi”. Nhưng con người hơn hẵn những sinh vật khác là có lý trí, có trí khôn, luôn ước vọng vươn lên, thậm chí là tham vọng với ngàn mắt, ngàn tay để trông mong, để nhìn ngắm cảnh đời, để làm đổi thay tất cả từ những quyền phép, những ước vọng xa xôi...: “Ta cũng từ hạt bụi. Dong ruỗi suốt tháng ngày. Ôi ước gì ta có. Ngàn mắt với ngàn tay”.
     Bài thơ tuy ngắn, nhưng đong đầy ý nghĩa của một kiếp nhân sinh. Thi nhân cũng đã nói lên những tâm tư, tình cảm của chính mình, chị bộc bạch hết những ước ao, những khát vọng vươn lên ngay từ bản thân, và có chăng của mỗi một con người, để rồi sẽ đi xa hơn, vươn cao hơn tầm cao của cuộc sống thường ngày, không chỉ dừng lại ở chuyện cơm áo gạo tiền nơi chốn trần gian này.
Triều Châu
TP. HCM 8/6/2014







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...