Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Đà Lạt: "Lâu đài mạng nhện" - chốn thiên thai giữa... cõi trần

Đà Lạt:
"Lâu đài mạng nhện" - chốn thiên thai giữa... cõi trần

Nằm trên con dốc thoai thoải ở đường Huỳnh Thúc Kháng thuộc phường 4, ngôi nhà kỳ dị ẩn hiện trong sương sớm Đà Lạt như một lâu đài đầy bí ẩn. Cũng chính vì vẻ ngoài xù xì và kiến trúc khác lạ như thế mà du khách đến Đà Lạt đều mong muốn được khám phá công trình kiến trúc độc đáo có một không hai này.
Hằng năm, công trình kiến trúc này thu hút hàng chục ngàn du khách đến tham quan bởi vẻ đẹp bí ẩn và kỳ quái của nó. Đến Đà Lạt mà chưa đến Lâu đài mạng nhện thì xem như chưa biết gì về Đà Lạt cả.
Lâu đài mạng nhện thu hút
 khách du lịch bằng phong cách 
                   rất riêng của nó                   Ảnh: Internet
Được xây dựng từ năm 1990, trên diện tích hơn 1.600m2 bắt nguồn từ ý tưởng đưa con người trở lại gần gũi, yêu mến với thiên nhiên và không nên tàn phá thiên nhiên một cách vô tội vạ. Ngôi nhà kỳ dị (tên gọi ban đầu là Biệt thự Hằng Nga) là một công trình kiến trúc phá cách bằng những hình khối tự do, những đường cong uốn éo theo hình thù của những gốc cây, những chiếc rễ...
Bước qua cánh cổng gỗ xù xì, du khách viếng thăm sẽ ngỡ ngàng với những cảnh vật hiện ra trước mắt. Phía bên trái là phòng trưng bày hình ảnh và những dòng cảm xúc của du khách thập phương khi đến tham quan công trình này. Tiếp đến là lối đi dẫn lên những căn phòng nhỏ của công trình, trông chúng giống như những gốc cây cổ thụ to đùng, còn lối đi là những rễ cây chằng chịt.
Những căn phòng 
được thiết kế một cách ngẫu hứng.
Ảnh: Internet
Vào trong công trình, du khách như lạc vào một mê cung, mà ở đó từng con đường dẫn tới một phòng nhỏ khác nhau. Ngôi nhà này có nhiều tầng, mỗi tầng là một phòng nghỉ với đầy đủ tiện nghi hiện đại. Mỗi phòng được thiết kế mang tên một loài  thú hoang dã như phòng cọp, phòng gấu, phòng quả bầu, phòng kangaroo, phòng thỏ, phòng chim trĩ...
Các dụng cụ trong căn phòng ngủ cũng rất đặc biệt, đa số đều được làm bằng gỗ và chúng phải... xù xì, gân guốc, kỳ dị như chính kiến trúc bên ngoài của ngôi nhà này vậy. Cầu thang liên thông giữa những căn phòng này giống như những dây leo khổng lồ ôm lấy thân cây cổ thụ. Những ô cửa lồi, lõm như những mắt cây trông rất ngộ nghĩnh.
Từ khu nhà bên trái, du khách theo lối đi vòng vèo để xuống gian giữa của ngôi nhà - nơi đặt phòng thờ cố Tổng Bí thư Trường Chinh và phu nhân. Hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên bởi tại sao trong ngôi nhà kỳ quái này lại có phòng thờ cố Tổng Bí thư, đơn giản bởi chủ nhân của ngôi nhà này là kiến trúc sư Đặng Việt Nga, con gái thứ hai của cố Tổng bí thư Trường Chinh.
Phía bên phải của công trình này là nhà tổ kiến đang được xây dựng dở dang, ở dưới là khu vườn với những lối đi nhỏ có dây leo chằng chịt và mạng nhện nhân tạo giăng khắp nơi. Lồng trong khu cảnh đó là cỏ cây, hoa lá, những chiếc cầu nhỏ, những bức tượng với nhiều chất liệu khác nhau... tất cả tạo cho du khách tham quan có cảm giác như đang lạc vào một khu rừng đầy bí ẩn nào đó.
Nhiều khách du lịch nước ngoài khi đến tham quan công trình này đã hết sức ngạc nhiên và thích thú, nhiều người đi ba, bốn vòng để ngắm nhìn hết mọi góc cạnh độc đáo của ngôi nhà. Đứng từ nơi cao nhất của ngôi nhà, du khách có thể thu vào tầm mắt những mái nhà nhấp nhô ở khu trung tâm Đà Lạt, những rặng thông già, những con đường vắng với hoa dã quỳ vàng rực bên những con dốc thoai thoải.
Trong không khí bãng lãng của sương khói Đà Lạt vào một buổi sớm mai, ta vô tình bước ngang qua ngôi nhà này, hãy dừng chân ngắm nhìn và chiêm ngưỡng để thấy hết vẻ đẹp bí ẩn của một công trình độc đáo có một không hai ở Việt Nam. Sau nhiều năm không được thừa nhận, mới đây, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã chính thức công nhận đây là một công trình kiến trúc có tính nghệ thuật độc đáo và cho mở cửa để du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Theo giadinh.net.vn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn tỉnh lẻ

Nhà văn tỉnh lẻ Mấy tuần liền, nhà văn Ký gần như nhốt mình trong phòng viết, tách biệt hẳn thế giới hiện đại; internet cắt, ti vi cắt, đi...