Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Dòng thời gian

Dòng thời gian

 Xuân Nguyên 
 Nói về thời gian, người ta thường ví với dòng sông. Có lẽ vì cũng như sông chảy theo dòng về phía trước, thời gian cũng một chiều từ hôm qua đến hôm nay sang ngày mai. Thời gian như dòng sông cũng chảy qua nhiều khúc quanh, chỗ ngoặt, có khi ta biết nó chảy về đâu, có khi ta không biết đâu là nơi nó chảy. Ta nói thời gian trôi cũng như sông trôi. Cái đã trôi qua không trở lại. Và trong dòng chảy trôi ấy của sông, của thời gian, muôn vật biến đổi không ngừng nghỉ. Khổng Tử ở phương Đông đứng bên trên sông ngắm nhìn dòng nước mà nói với các học trò: "Thệ giả như tư phù; bất xả trú dạ" (Mọi vật đi qua như nước này chảy đi; ngày và đêm không có vật chi ngừng nghỉ). Heraclit của phương Tây thấy sông là thấy sự chuyển động: "Không ai tắm hai lần trong một dòng sông". Nhưng không chỉ vì sông trôi nên nước tắm ta lần trước đã không còn phải là nước tắm ta lần sau. Mà còn vì thời gian trôi, ta ở lần tắm sau đã khác ta ở lần tắm trước. Nghĩa là thời gian làm cả sông và ta thay đổi. Xuân Diệu (1916 - 1985) thi sĩ yêu đời cuồng nhiệt nên luôn cuống quít với bước đi của thời gian. Ông thúc giục con người phải vội vàng để sống hết cõi sống trần gian, căng hết các giác quan để tiếp nhận và cảm thụ hết mọi hình bóng mùi vị thanh âm hương sắc cuộc đời. Nói về thời gian ông có một bài thơ thật hay lấy chuyện đi thuyền để nói. Con thuyền đi trên sóng nước dòng sông cụ thể, nhưng đời người ta cũng là con thuyền trôi trên sóng nước cuộc đời mà mỗi khắc mỗi giây luôn thay đổi cùng với sự đổi thay của đất trời, vũ trụ, của chính cơ thể mình nữa. Thuyền đi mà nước cũng trôi Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay Tôi đi trên chiếc thuyền này Lòng thơ mơ tưởng cũng thay khác rồi Cái bay không đợi cái trôi Từ tôi phút trước sang tôi phút này Thuyền chuyển động, nước chuyển động, mây chuyển động, tôi chuyển động.
Bốn cái động tương tác thành chuyển hóa của "tôi" phút trước sang "tôi" phút này. Dòng sông thời gian trôi lững lờ, dửng dưng, chỉ con người là thấy nó như nước chảy mây trôi khi êm đềm, khi bão tố. Mỗi con người chỉ ngụp lặn một thời đoạn trên dòng sông thời gian. Nhân loại thì sống với dòng sông ấy kiếp này qua kiếp khác. Thời gian một đi không trở lại nên con người sống là phải chạy đua với thời gian, phải tận hưởng những lạc thú ở đời. Trong những lạc thú ấy có rượu. Rượu uống để say đê mê, để quên những phiền muộn, để được ảo giác thăng hoa, và cái chính là để quên đi cái kiếp người hữu hạn trên dòng thời gian. Lý Bạch (701 - 762) ca khúc "Tương tiến tửu" vì ngẫm đời người sáng tóc còn xanh chiều đã bạc trắng, như nước sông Hoàng Hà chảy ra biển khơi khôn vời lại được. Vậy nên "Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch / Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh" ( "Thánh hiền bặt dưới cỏ xanh / Chỉ phường bợm rượu lưu danh trên đời" - câu dịch của nhà thơ Lê Đạt). Uống rượu như thế là một cách chống chọi với sự chảy trôi của thời gian, một cách tìm ý nghĩa sự tồn tại của đời người. Nguyễn Du (1765 - 1820) cũng chung một ý này: "Sinh tiền bất tận tôn trung tửu / Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi?" ("Rượu không uống cạn sinh thời / Tới khi xuống mộ ai người tưới lên"). Nhà thơ của chúng ta khi qua một con sông cũng thấy nước chảy về đông "thao thao cánh bất hồi" ("cuồn cuộn trôi đi không trở lại"). Trong một giấc mộng ông cũng lại thấy "Thệ thủy nhật dạ lưu" ("Dòng nước ngày đêm chảy mãi") mà người đi xa mãi không về ("du tử hành vị quy").

Một lần nhìn sông Lam nước lên to, ông ngẫm ngợi kiếp người sao cứ liều mình vào chỗ hiểm nguy, "khứ giả hà
thao thao / lai giả thượng vị dĩ" ("Người trước đã cuồn cuộn qua rồi / Người sau còn đến tiếp không ngớt"). Biết sao được, dòng sông thời gian cứ thế cuốn ta đi. "Nước thời gian nhuộm tóc trắng phơ phơ" (Đoàn Văn Cừ) Nhưng "nước đi ra bể lại quay về nguồn" (Tản Đà), mỗi con người, mỗi thế hệ người lại nối tiếp nhau trên dòng thời gian đi tới phía trước, mang theo tất cả những nỗi niềm nhân sinh của bao đời bao kiếp như thuở ban đầu, mà chừng như nhân loại không bao giờ thỏa mãn, bằng lòng. Chàng Faust từng kêu lên "thời gian ơi, ngừng trôi", nhưng có bao giờ nước ngừng trôi từ sông ra bể. Có chăng, là một tâm trạng bùi ngùi "Đến đây gần bể xa nguồn / Con sông chảy chậm nỗi buồn tan lâu" (Vũ Quần Phương). Không ai cưỡng được dòng chảy thời gian, nhưng là con người, ai cũng có thể dùng tâm trí tâm tưởng tách mình lên trên dòng chảy, ngoái nhìn những bờ bãi đã qua, vọng tới những chân trời sắp tới, để vừa hoài niệm vừa hy vọng, trông chờ. Nhất là mỗi độ chuyển mùa...  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hình tượng con người công dân và con người cá nhân trong văn học Việt Nam trung đại

  Hình tượng con người công dân và con người cá nhân trong văn học Việt Nam trung đại 1. Một số giới thuyết 1.1. Văn học thời trung đại ...