Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Âm nhạc và tình yêu của Từ Công Phụng

Âm nhạc và tình yêu của Từ Công Phụng

Nhạc sĩ Lê Minh

“Nếu không viết nhạc thì tôi chắc là sẽ sống vô nghĩa lắm. Âm nhạc nó tự ăn vào máu tôi, trời đày tôi với gông cùm âm nhạc. Nhưng là một hình phạt êm ái, tuyệt diệu mà tôi mãi mãi chỉ mong mình là phạm nhân may mắn được lưu đày trong xứ sở thiêng liêng ấy”.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng. 
Những người say mê âm nhạc Từ Công Phụng đều có chung một nhận định là cảm tưởng ông làm thơ trong nhạc và viết nhạc trong thơ. Dù trong gia tài đồ sộ gần hai trăm tác phẩm của ông, chiếm gần một nửa là những tình khúc được phổ thơ từ những tác phẩm của các thi sĩ lẫy lừng một thời đất Sài thành xưa. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tài năng của Từ Công Phụng trong việc kiến tạo ngôn ca đa tầng, đầy sắc thái và khi đứng riêng, tách lời ra khỏi nhịp điệu, tiết tấu người ta vẫn có thể gọi đó là bài thơ âm nhạc.
Thi sĩ Du Tử Lê tác giả bài thơ Trên ngọn tình sầu được Từ Công Phụng sau này phổ nhạc đã viết về sáng tác của Từ Công Phụng như thế này: Những tình khúc của họ Từ, hình như đã không chỉ như những tình khúc hiểu theo nghĩa một sáng tác nói về tình yêu đôi lứa. Ẩn giữa những dòng nhạc, giấu trong những lời ca, mỗi tình khúc của Từ Công Phụng còn là một thánh thoát êm đềm, dù cho nhạc phẩm nói về một tình yêu đổ vỡ. Ở đâu đó trong những dòng nhạc, giữa những từ ngữ vẫn thấp thoáng một nhân sinh quan đầy cam chịu và độ lượng.Với Từ Công Phụng, tình yêu là một sự cần thiết hơn bất cứ điều gì, đắt giá hơn mọi giá trị trong đời sống. Và sự trân trọng của ông đối với tình yêu trong các tình khúc là một thái độ rất lịch sự đầy kiêu hãnh của một người hiểu đến chân tơ kẽ tóc hai tiếng yêu thương. Cũng có lẽ bởi tình yêu như ngọn lửa luôn âm ỉ cháy sẵn trong lòng và thiên khiếu bẩm sinh về âm nhạc mà dẫu không kinh qua bất cứ trường lớp, sách vở nào nhưng Từ Công Phụng vẫn biết chơi piano, đánh guitar một cách thành thạo và rất tài hoa.Từ Công Phụng lại là người hát nhạc của mình hay và tuyệt nhất. Nghe chính ông cất giọng, người ta hiểu nguồn mạch của những ca từ ấy, giai điệu ấy được cất lên từ chính trái tim và nhờ giọng hát ngân nga mà ấm nồng đầy bản năng, quyền lực đàn ông ấy mà thấu chạm vào tận tâm can, khối óc người khác. Từ Công Phụng chính là ca sĩ hát nhạc mình một cách tuyệt trác nhất. Cái khoan thai, man mác mà đau đáu tình đời, không kỹ thuật nào có thể xử lý hay bè phối. Thứ âm nhạc không son phấn, không cần lên gân hay làm màu bởi đao to búa lớn triết lý xa vời. Âm nhạc của ông đơn sơ nhưng không dễ hát.Ngoài những tác phẩm tình ca đi sâu vào lòng người, nhạc sĩ Từ Công Phụng còn nổi tiếng là người đàn ông yêu vợ hết mực. Với ông, bà Janine Ái là người vợ, người phụ nữ không gì có thể so sánh. Mỗi bước đường, hành trình của ông từ âm nhạc đến đời sống đều có bóng dáng của người vợ, người tình, người tri kỷ trong đó.
Có lần Từ Công Phụng không giấu nổi xúc động nói về tình cảm mình dành cho vợ, bà Janine Ái: “Ca khúc gây cho tôi ảnh hưởng nhiều nhất là bài Ơn em (Giữ cho đời nhau) phổ từ thơ của Du Tử Lê. Nhờ chỗ tôi ca ngợi người tình và tôi biết trân quý người đàn bà cho nên bài đó cũng gây cho tôi nhiều rắc rối lắm, nhất là các ông cứ phiền trách tôi hoài, bởi các bà nghe cái bài ấy thích quá nên các ông đâm ra không được vui lắm nhưng mà đó là lối mà các ông phải hiểu, phải trân quý người đàn bà, bởi vì trong đời sống của các ông mà không có các bà thì các ông chẳng làm nên sự nghiệp gì, phải không? Họ như cái bóng bên cạnh chăm sóc mình, giúp đỡ mình này kia. Hồi xưa là “chồng chúa vợ tôi” nhưng từ khi bài này ra thì “chồng” không còn là “chúa” nữa, và “vợ” không phải là “tôi” nữa. Đại khái mình làm một cuộc thay đổi dựa trên bài thơ của Du Tử Lê để làm một cuộc giải phóng phụ nữ”.
Lời tâm sự tưởng chừng rất đơn giản của Từ Công Phụng hóa ra lại là lời cảm ơn của một người chồng đến người vợ thân yêu, lời sám hối của một người đàn ông đôi khi vì sự vô tâm, vô tư quá đỗi của mình mà trở nên tạm quên vai trò của người phụ nữ đồng hành bên cạnh cuộc đời.
Trước những lời ca như mật ngọt của chồng, bà Janine Ái cũng không ngần ngại trao gửi những suy tư sâu nặng nhất của nghĩa vợ chồng với tất cả những người yêu nhạc Từ Công Phụng: Trong đời sống vợ chồng thì có một cái giao ước với nhau, cái giao ước là yêu thương nhau lúc thời trẻ, rồi chung sống với nhau, rồi có những vui buồn trong đời sống, và để đi tới mảnh đời còn lại trong tuổi già bóng xế. Và đã giao ước với nhau như thế nào? Giao ước với nhau là sẽ yêu nhau trọn đời, và khi buồn vui cũng như khi đau ốm cũng cùng chia sẻ với nhau. Thì khi mà nghe những bài như “Ơn em” mà nhà tôi đã cho, không phải cho riêng tôi mà cho những người vợ đang sống trong một đời sống của người vợ thương yêu chồng và giúp đỡ chồng, không phải chỉ khi còn trẻ mà trong những lúc tuổi già
Tình cảm vợ chồng nghĩa nặng tình sâu được coi như động lực chính để Từ Công Phụng vượt qua cơn bạo bệnh của đời mình và cũng để ông luôn cảm thấy nguồn cảm hứng âm nhạc thăng hoa, dồi dào để viết nên những tình khúc cháy mãi, sáng mãi như tình yêu bền lâu, tươi đẹp trong kiếp đời nhân sinh.“Cuộc sống của mình trôi theo dòng đời giống như dòng sông từ nguồn chảy ra biển cả vậy. Nó có những khúc quanh trong đời sống mà mình gặp phải và bắt mình suy nghĩ về đời sống, thì những bài hát về sau này có một chủ đề duy nhất là viết về tình yêu; nhưng tình yêu ở đây nó trải rộng ở chỗ thân phận làm người cũng giống như định mệnh đưa đẩy mình tới hoàn cảnh nào đó mà mình phải cố gắng gìn giữ tình yêu trong suốt cuộc đời của mình”.
-NV: Ngoài việc là một nhạc sĩ nổi tiếng, ông còn có cử nhân luật, nhưng thật ra nói đến Từ Công Phụng thì khó ai hình dung ông là một luật sư? Ông có thể nói về việc này?
-Nhạc sĩ Từ Công Phụng: Tôi muốn kể một chuyện có tính cách gia đình. Lúc còn trẻ tôi đi học đại học, bố tôi khuyến khích tôi nên đi học luật, ông làm cho tòa án, không phải tòa xử mà loại tòa hòa giải. Học luật xong ra thì ông hối tôi lấy bằng thẩm phán, tôi bảo bố ơi, đời con con chưa xử được thì xử ai bây giờ. Tỉ dụ như con xử người đó mà con xử sai chẳng hạn thì mang tội quá, không biết đâu chừng, vậy tốt nhất là mình đừng xử ai cả, mình cứ sống rất là bình thường và cởi mở với mọi người, nếu mình có thì mình san sẻ, nếu mình không có thì mình chịu thôi, không có không hẳn là điều quá cấp bách với mình trong đời sống.
-NV: Nếu vậy thì trong thời gian học luật nhạc sĩ có thích môn học đó không?
-Nhạc sĩ Từ Công Phụng: Không, tôi không thích lắm, nhưng phải cố học thôi (cười), ở Việt Nam hồi đó mà, ai cũng phải có danh vị. Ðây cũng vậy nữa ai cũng phải có danh vị thì mình nói gì người ta nghe cái đó. Nhưng thực sự nó chẳng giúp gì, mình không thích thì khó mà ở với mình lâu.
-NV: Làm thế nào để có một bản nhạc hay, và thế nào là một bản nhạc hay, theo nhạc sĩ?
-Nhạc sĩ Từ Công Phụng: Âm nhạc là vấn đề của tai, nếu mình nghe được thì có thể những người khác cũng nghe được. Ca khúc là hình thức nhỏ của nhạc lớn thôi, nhạc lớn người ta không nghe được. Ca khúc dùng lời diễn tả tâm tư mình, nó đơn giản như vậy thôi. Nếu có bài hát nào hay là bài hát đầu tiên là mình tấu lên nó gây ấn tượng cho người khác, mà sau đó khi lời được cất lên nó lại càng ấn tượng, bởi vì nó nói được tâm tư của mình mà chính của người khác, thì nó sẽ hay.
-NV: Trong tiến trình làm nhạc thì thường ông viết nhạc trước hay viết lời trước hay là viết song song?
-Nhạc sĩ Từ Công Phụng: Tùy theo, thí dụ có một câu thơ trong đầu tôi, tôi thấy nó hay, thì tôi ghi nó lại đó rồi tìm cách bỏ nốt nhạc vào, rồi từ đó tôi phát triển ra, để cái nốt ra. Cái vấn đề là cái ý chính của dòng nhạc trước rồi mới đến nốt nhạc sau, đó là kỹ thuật của âm nhạc, khi âm điệu (melody) xong rồi thì bắt đầu mình viết lời, mình lấy tâm sự của mình hay là chuyện gì mình nghĩ trong đầu mình đưa vào. Ðó là viết nhạc trước rồi lời sau. Ðôi khi lời ra trước, nhạc đi sau, và đôi khi cùng lúc. Không có một nguyên tắc nhất định nào hết. Còn viết xong rồi, nhạc có hay hay không là khả năng của mỗi người.
-NV: Theo ông thì điều gì tạo sắc thái đặc biệt hay dòng nhạc của một nhạc sĩ?
-Nhạc sĩ Từ Công Phụng: Như tôi vừa nói lúc nãy, âm nhạc là cái tai. Phải có tai nghe thì biết âm nhạc hay hay dở. Cái thẩm âm của mình quan trọng lắm. Mỗi người đều có cá tính, có sắc thái riêng của mình, cái đó là trời cho chứ mình cũng không tạo ra được. Tính tình của mỗi người mỗi khác. Mỗi người có một lối diễn tả. Khi nào mà tôi hát một câu nhạc nào đó lên, thì người ta nghe người ta nói ồ cái này tôi đoán có thể bẩy, tám chục phần trăm của ông Từ Công Phụng, thì đó là cái thành công nếu mình tạo ra được một nét riêng như thế. Ðó là một trong những yếu tố đưa tới thành công trong âm nhạc.
-NV: Có phải mỗi một bản nhạc là một mối tình?
-Nhạc sĩ Từ Công Phụng: Tôi gặp nhiều lần người ta hỏi như thế. Bây giờ tôi hỏi lại cô thế này nhé, nếu tôi có 100 bài hát, thì tôi có 100 người tình à? Trời ơi sao tôi chịu nổi! (cười lớn). Thế thì mỗi cách diễn đạt mỗi khác, cùng một cái nhìn mà diễn đạt nhiều khía cạnh khác nhau. Một bóng hình như thế có thể mình nhìn ở nhiều góc cạnh khác nhau, và diễn đạt nó nhiều cách khác nhau. Thế thôi chứ không phải mỗi bài hát là một kỷ niệm cho một người tình. Tôi là người rất nghiêm túc về chuyện này.
-NV: Có bao giờ người đàn bà đang ở bên cạnh nhạc sĩ muốn biết họ có phải hình ảnh trong bài nhạc, hay có bao giờ họ ghen tuông hay tra hỏi ai là em trong bài nhạc mới của nhạc sĩ không?
-Nhạc sĩ Từ Công Phụng: Không biết ai thì như thế nào, còn bà xã của tôi bây giờ thì không hỏi đến cái chuyện đó, vì nhiều khi biết quá rõ đời sống của tôi rồi. Thế còn tôi viết em này em kia thì không thành vấn đề, bởi vì nó không có ý gì cả. Em đây có thể là một đối tượng mà mình nghĩ tới, hay có thể mình muốn diễn đạt tâm tư của một người nào đó
-NV: Ngoài nhạc tình, nhạc sĩ có sáng tác hay dự định sáng tác những loại nhạc khác không?
-Nhạc sĩ Từ Công Phụng: Từ bước đầu bước lên nấc thang của âm nhạc thì tôi vẫn tự dặn lòng là tôi chọn con đường tình ca để tôi viết. Bởi tình ca là một điều vĩnh cửu, ngày nào còn những đôi tình nhân thì còn những bài tình ca để mà ca ngợi tình yêu từ thế hệ này đến thế hệ kia, không bao giờ chấm dứt cả, ngay cả mấy trăm năm qua, mấy ngàn năm qua. Bởi tình yêu rộng lớn lắm, nó là mấu chốt của mọi vấn đề. Nói một cách khác tình yêu là một sự đồng lõa của sự tồn tại của nhân loại. Nếu không có tình yêu thì nhân loại đã triệt tiêu rồi. Người ta bảo là tình yêu đôi lứa thì nó nhỏ bé quá, tình yêu quê hương mới là lớn, thì tôi xin lỗi tôi nói thế này. Con người ta sinh ra từ sơ sinh chập chững bước đi rồi mới trở thành người lớn, thì tình yêu đôi lứa là căn bản của mỗi con người, khi lớn lên phải có như thế thì mới có sự tồn tại của nhân loại. Phải có tình yêu thì mới lấy nhau thì mới sinh con đẻ cái. Nếu không có tình yêu thì thế giới này đâu còn nữa. Vì thế tôi cho là tình ca ca ngợi tình yêu đôi lứa không phải là nhỏ đâu, và cũng không dễ làm đâu.
-NV: Câu trả lời của nhạc sĩ khiến không thể không hỏi ông nghĩ gì về hôn nhân đồng tính và cái nhìn của xã hội ngay nay về khuynh hướng này?
-Nhạc sĩ Từ Công Phụng: Tôi thấy là nếu mà mình có đức tin đó thì làm sao mà chấp nhận được hai người đồng tính lấy nhau? Họ thương nhau về vấn đề tình cảm, ăn ở với nhau thôi, thế nhưng mà đến một lúc nào đó thì điều đó không có lý nữa. Bởi vì Thượng Ðế đã tạo ra người nam và người nữ, bất cứ giống vật nào cũng có hai, có đực và cái. Thượng Ðế tạo ra như thế để làm gì, để hai bên đến với nhau để thế giới tồn tại, mà nếu mà không có hai giới thì tôi nghĩ nó sẽ sinh ra bệnh hoạn lắm, không tốt. Tôi thấy là khuynh hướng xã hội này nghiêng về hướng đó, có lẽ cũng có nguyên nhân của nó, chẳng hạn như người ta thấy nhiều gia đình không có hạnh phúc. Cái đồng tính luyến ái thì sẽ đưa con người đến chỗ nào, thì thực sự tôi không biết được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ Bùi Minh Vũ, cũng giống như rất nhiều người làm thơ hôm nay trăn trở, quyết liệt (nếu không muốn ...