Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Chiều chiều chim vịt kêu chiều

Chiều chiều chim vịt kêu chiều

Ths.Trần Tùng Chinh
 Khác với thời gian quá khứ được thể hiện trong thần thoại, truyền thuyết, sử thi anh hùng và cổ tích thần kỳ, thời gian nghệ thuật trong ca dao dân ca trữ tình, theo viện sĩ Đ.X. Likhatrôv, về thực chất là thời gian hiện tại, thời gian của chính thời điểm diễn xướng. Đó làhôm nay, bây giờ, sáng ngày, ngày ngày, đêm đêm… Và đặc biệt xuất hiện với một tần số cao là công thức thời gian chiều chiều:
 - Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau
    – Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
            Thật vậy, Chiều chiều trong ca dao dân ca trữ tình là một đơn vị thời gian đã trở thành một công thức truyền thống mang tín hiệu riêng của thế giới những bài ca. Xuất hiện phổ biến phải chăng vì bản thân thời điểm chiều chiều đã chứa đựng đậm đà trong đó những yếu tố trữ tình ? Chiều chiều là thời điểm kết thúc một ngày, là khoảnh khắc của ngày tàn, là thời điểm giao nhau giữa ánh sáng ban ngày  và bóng tốI đêm đen. Thời điểm ấy gợi lên những mất mát của những gì đi qua không còn có thể trở lại được nữa. Mà sự mất mát nào cũng gợi cảm giác tiếc nuối buồn bã (kiểu thời gian tâm lý như Xuân Diệu thổ lộ: Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều, Lòng không sao cả hiu hiu sẻ buồn).
Người bình dân xưa với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm càng có nhiều khả năng cảm nhận sâu sắc thời khắc này như một sự trùng khớp của tâm cảnh và ngoại cảnh, tạo nên một vùng thẩm mỹ riêng độc đáo để kết tinh thành những bài ca dao phong phú với mẫu đề Chiều chiều.
Ta có thể dễ dàng nhặt ra trong kho tàng ca dao dân ca trữ tình giàu có của dân tộc mình những bài ca như thế.
– Chiều chiều én liệng nhạn bay
Ta đây nhớ bạn, bạn rày nhớ ai
- Chiều chiều mây phủ Ải Vân
Chim kêu gành đá gẫm thân thêm buồn
- Chiều chiều mây phủ Sơn Trà
Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm
- Chiều chiều ra đứng bờ biền
Nhện giăng, tơ dóng, cảm phiền thương em
- Chiều chiều ra đứng ngõ trông
Ngõ thì thấy ngõ, người không thấy người
- Chiều chiều vịt lội bờ bàng
Thương người áo trắng vá quàng nửa vai.
- Chiều chiều xách giỏ hái rau
Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần
- Chiều chiều vịt lội bờ mương
Anh chê cũng phải vì chưng em nghèo
- Chiều chiều ra đứng bờ ao
Nước kia không khát, khát khao duyên chàng
- Chiều chiều đưa bạn lên đàng,
Trăm năm xin nhớ nghĩa đá vàng đừng quên.
- Chiều chiều mây kéo về kinh,
Ếch kêu giếng cạn, thảm tình đôi ta.
- Chiều chiều ra đứng bờ mương,
Bên tình bên hiếu biết thương bên nào.
- Chiều chiều ra đứng đầu truông,
Gió thổi từng luồng đứt ruột đứt gan
- Chiều chiều ra đứng ngõ trông,
Nhớ người quân tử biệt tăm, biệt hình…
Khảo sát một số bài tiêu biểu đã dẫn trên đây, ta thấy “thi liệu” quen thuộc của không gian – bức tranh cảnh vật là: Én liệng nhạn bay, mây kéo tối sầm, mây phủ Ải Vân, mây phủ Sơn Trà, mây kéo bờ kinh, vịt lội cò bay, chim vịt kêu chiều, ếch kêu giếng cạn, nước lớn đò trôi, ngọn cỏ ướt đẫm cành sương, bãi vắng, bờ biền, ngõ xuôi, ngõ sau, bờ bàng, bờ mương, bờ ao, mả mẹ, đầu truông…
Như vậy, công thức thời gian chiều chiều có một ngữ nghĩa nghệ thuật riêng. “Ngữ nghĩa ấy là do chính nó và quan hệ của nó với các công thức khác  tạo nên và có những “gói” tương quan riêng” (Bùi Mạnh Nhị). Trong các bài ca theo công thức chiều chiều chỉ có thể là Ra đứng lầu tây, ra đứng ngõ sau, ra đứng bờ sông, ngó ngược ngó xuôi, nghe chim vịt kêu chiều, nước mắt và lộn cơm, ruột đau như dần, ngó lên mả mẹ, muốn về quê mẹ,nhớ ai, buồn thay, thương ngùi ngùi, khát khao duyên chàng, đứt ruột em ơi, thảm tình đôi ta…
Cái tầng nền văn hoá của công thức chiều chiều phải chăng là quan niệm của ông cha ta về sự gắn kết đoàn tụ, chiều chiều là thời điểm của gặp gỡ, trở về. Ví như chim bay về tổ, thủy triều về với biển cả, con người tìm đến mái ấm để sum họp và gia đình là chỗ dựa, là điểm tựa chắc chắn cho tình cảm gia đình – tình mẹ con, tình chồng vợ, tình yêu đôi lứa… Chính vì vậy, trong thời khắc mà  con người phải sống trái với quy luật tự nhiên đó, người con xa quê mẹ, người phụ nữ bị gả chồng xa ở nơi chim kêu vượn hú, chàng trai cô gái cô đơn xa cách người thương… khi cất lên hai tiếng chiều chiều (trong môi trường diễn xướng là cảnh vật buổi chiều), đã không kềm chế được những nhớ thương nhức buốt, những hiu hắt cô đơn, những nỗi niềm đau khổ dội lên và oà vỡ trong lòng.
Vì lẽ đó, TS Bùi Mạnh Nhị rất có lý khi đúc kết rằng “trên nền truyền thống của văn hóa dân gian thể hiện trong thể loại, mốI công thức thời gian có hành lang vận động riêng, cầu trường riêng để tạo nên ngữ nghĩa” (Tạp chí văn học số 4 – 1998, tr. 36). Điều này tỏ ra rất hiệu quả trong việc giải mã tình cảm nhân vật trữ tình trong bài ca. Nhân vật trữ tình đang diễn xướng ở thời điểm nào thì ít nhiều ta có thể xác định điều gì đang diễn ra trong tâm trạng của nhân vật ấy. Và công thức chiều chiều cũng như thế.
Đó là “nỗi nhớ, nỗi buồn có thể là nỗi nhớ mẹ, nhớ quê của người xa xứ, người con gái lấy chồng xa quê. Dòng sông cánh đồng đối với người  xưa đôi khi là cả một bờ cách trở. Bên kia sông là quê mẹ, là ký ức tuổi thơ với những buồn vui đã xa, có những điều không bao giờ trở lại” (Phạm Thu Yến – Những thế giới nghệ thuật ca dao):
- Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi
Ngó không thấy mẹ bùi ngùi nhớ thương
- Chiều chiều ra ngõ đứng trông
Trông non non ngất, trông sông sông dài
Trông mây mây kéo ngang trời
Trông mẹ trông đứng trông ngồi mẹ ơi !
- Chiều chiều lo bảy lo ba
Lo cha mẹ già đầu bạc tuổi cao
Đó cũng là nỗi nhớ, nỗi mong của tình yêu đôi lứa, là lời nhắn nhủ đầy tình nghĩa, là những yêu thương khó nói hết bằng lời
- Chiều chiều vác cuốc kiếm lươn
Nước trơn lươn trượt người thương mất rồi
- Chiều chiều nước lớn đò trôi
Cây khô lá rụng, bạn ngồi chờ ai ?
- Chiều chiều con quốc kêu la
Bạn ơi, bạn dứt ngãi ta sao đành ?
- Chiều chiều gió địu măng oằn
Phụ mẫu thương bậu không bằng ta thương.
- Chiều chiều ra ngõ đứng trông
Ngó hoài ngó huỷ cũng không thấy nàng
- Chiều chiều đi ngang xóm cát
Gió trên đèo thổi mát tận xương
Dây tơ hồng ai khéo vấn vương
Gặp nhau một bữa mà thương nhớ hoài
- Chiều chiều bóng đổ qua cầu
Con ong say vì mật, con bướm sầu vì hoa
- Chiều chiều ra ngắm sông sâu
Thấy lòng nước chảy dạ đau từng hồi
- Chiều chiều sóng bủa bãi bùn
Một ngày xa bạn ăn vàng không ngon
Có thể nói, việc tác giả dân gian lựa chọn công thức thời gian chiều chiều hoàn toàn phụ thuộc vào vấn đề nhân vật trong bài ca là ai, tâm trạng như thế nào, bài ca muốn thể hiện điều gì ? Tuy nhiên cũng có thể hiểu ngược lại rằng chính thời điểm đầy cảm xúc của một ngày đã khơi gợi tâm trạng tương ứng của người bình dân khi diễn xướng bài ca dao trữ tình. Và thơ ca trữ tình dân gian cũng chính là cảm xúc thật của trái tim, là “tiếng  hát  đi từ trái tim lên miệng”.
Cứ thế, những bài ca trữ tình chiều chiều cứ chảy mãi, chảy mãi như những buổi hoàng hôn mỗi ngày ta trải qua. Còn thời gian, là còn những buổi chiều đầy tâm trạng ấy. “Thời gian trong ca dao dân ca trữ tình là thời gian của một thế giới rất riêng – thế giới bài ca. Chính những cái riêng trong đó thêm một lần đòi hỏi và mở đường cho chúng ta về cách “đọc” và giải mã ca dao dân ca” – những bài ca tuyệt vời nhất của cha ông.

                                                                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bạn văn ở quê Đọc Mai Tiến Nghị (MTN) những năm gần đây, tôi quý giọng văn mộc mạc, chân quê của người vùng chân sóng. Tại trại viết Phú...