Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Bâng khuâng mùa đến lớp

Bâng khuâng mùa đến lớp

Mỗi khi cứ đến trung tuần tháng tám, là không khí mùa thu đã rạo rực lắm rồi. Lũ trẻ con chúng tôi ai cũng bồi hồi bâng khuâng chuẩn bị cho ngày khai trường, đón một năm học mới. Tháng tám mùa thu, mùa thu tháng tám. Mùa mang về những cơn mưa bất chợt, xối xả, ngập nửa bánh xe mỗi chiều mẹ đi làm về. Mùa mang về những đợt nắng vừa khô vừa rát làm rám trái bòng, làm sạm màu da của bố. Tháng tám năm nay mang theo ngày lễ Vu Lan để cho ta kịp nói lời tạ ơn đến ông bà tổ tiên hay các bậc sinh thành dưỡng dục trước thềm năm học. Tháng tám, khoảnh khắc giao thời kết thúc một kỳ nghỉ hè, chào đón một năm học mới. Nô nức râm ran đâu đó khắp nẻo làng quê vẫn còn tiếng trống ếch của những ngày trại hè đầy kỷ niệm. Mỗi khi tiếng trống ếch vang lên, trong lòng tôi vẫn còn thấy rạo rực, nao nao nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ của mình với những buổi múa hát, vui chơi, sinh hoạt hè thật bổ ích. Tiếng trống ếch râm ran còn nhắc ta nhớ về một mùa thu cách mạng đầy hào khí năm nào mà thế hệ chúng tôi chỉ được nghe kể lại qua từng trang sách. Năm nay, những ngày cuối tháng tám này tuy trời vẫn còn oi lắm, kèm theo những cơn mưa bất chợt tạt qua ngang chiều. Thế nhưng, buổi sáng sớm tiết trời cũng dễ chịu lắm. Đi ra đường, bắt gặp đâu đó những làn gió nhẹ tinh khôi se lạnh, ta cảm thấy như heo may về sớm hơn mọi bận. Cuối chiều, những vạt nắng đổ dài trên đường, từng cơn gió thu cuộn về làm những đám cỏ lau đổ dạt về một phía. Ta cảm thấy như tâm hồn trẻ trung tươi sáng hơn khi nhìn thấy dải cầu vồng sau mỗi chiều mưa chạy dọc tít chân trời. “Bố ơi! Có chân trời không hả Bố”? Ngày bé, tôi vẫn hỏi người như thế. “Không có chân trời đâu con. Chân trời chỉ là giới hạn của tầm mắt con nhìn mà thôi. Sau này lớn lên con sẽ hiểu”. Và tôi lớn...
Tùng! Tùng! Tùng! Tiếng trống trường đã vang lên đâu đó. Nhớ lại ngày xưa, buổi học đầu tiên là ngày tôi vừa đi vừa khóc khi mẹ dắt tay tôi đến lớp. Hôm đó tôi được mẹ mặc cho chiếc áo hoa mới, thật đẹp. Tôi đến trường từ sớm, khi ngoài đồng từng giọt sương vẫn còn đọng trên từng lá cây ngọn cỏ. Từng đợt gió cuộn về tạo nên những gợn sóng dào dạt trên cánh đồng lúa đang xanh thì con gái, rộng dài tít tắp. Dưới mái trường làng là tiếng nói tiếng cười tíu tít râm ran. Từng tốp, từng tốp các anh chị lớp trên vui đùa, nhảy dây, đánh bi, đánh chuyền hay túm năm tụm ba chơi ô ăn quan với nhau, rồi sau đó lại cãi nhau chảnh chọe. Ai cũng nô nức vui vẻ là thế mà tôi cứ đứng thập thò ngoài cửa lớp, chẳng dám vào. Buổi học đầu tiên của tôi là thế đó. Hai cánh cửa lớp học hôm ấy cứ mở toang đón những vệt nắng vàng. Bài học đầu tiên, tôi được học về hình hài đất nước. Ở nơi ấy “có bóng hình núi sông yêu thương những cánh đồng tiếp bước đường cha ông”. Bài học đầu tiên hôm ấy “giọng thầy như tiếng hát, lời thầy như bài thơ cho con những ước mơ tới chân trời rộng mở”. Buổi học đầu tiên của các em bây giờ có giống như ngày ấy của tôi không và thế hệ các em hôm nay sẽ mang theo những hành trang gì đến lớp? Mười hai năm học đã mang đi mười hai mùa khai giảng. Bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy xao xuyến bâng khuâng. Có những ngày tựu trường, tay em lóng ngóng còn vương đầy mực tím. Có những ngày khai trường mà khi nghe thầy hiệu trưởng nhắc về một tấm gương ai đó vẫn còn làm cho tôi xúc động đến bây giờ. Mỗi ngày khai trường sẽ là những ngày cho ta thắp sáng ước mơ. Kỳ diệu thế đấy, chỉ vài ngày nữa thôi năm học mới lại bắt đầu. Thế hệ cha ông cha chúng ta đã mang về cho ta mùa thu tháng tám để các em hôm nay sẽ lại có thêm một mùa đến lớp. Tiếng ve tắt rồi, xếp sách vở vào cặp, các em sẽ lại rộn ràng tới trường trong một “mùa đến lớp” bâng khuâng…
 Theo nguoi di nhat nang 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...