Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao
từ cái nhìn đối sánh

Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội viên đầu tiên sáng lập Hội VHNT Thanh Hóa (Nguyên là Phó chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa). Tôi được biết về ông qua các nhà văn cùng thời với ông và thông qua các tác phẩm văn học. Tuyển tập Minh Hiệu gần 1000 trang là tài liệu quý, để hiểu hơn về sự nghiệp thơ, văn của người con quê hương Nông Cống- xứ Thanh, lớp người tiêu biểu, suốt đời cống hiến cho văn chương, cho sự nghiệp cách mạng.
Minh Hiệu là người viết đa dạng: thơ, văn, sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu… Là ” tác gia” đa phong cách, cẩn trọng, chỉn chu và nhiệt huyết. Trong rất nhiều khía cạnh khác nhau đó, mảng nghiên cứu rất đáng ghi nhận. Tác phẩm “Nghệ thuật ca dao” (Nxb Thanh Hóa, 1984, nay được đưa vào tuyển tập) là đóng góp của tác giả cho bạn đọc, cho học sinh, sinh viên tìm hiểu về thể loại này. Có thể nói đây là phần nghiên cứu công phu, tỉ mỉ, sắc sảo của một con người am hiểu ca dao. Nhất là ông lại trực tiếp sáng tác, sưu tầm ca dao nên thông qua sự phân tích những tác phẩm cụ thể, ta có thể nhận diện và hình dung về thể loại này một cách nhanh, toàn diện và sâu sắc. Trong bài viết nhỏ này, tôi có đôi điều cảm nhận về “nghệ thuật ca dao”- từ cái nhìn đối sánh. Chính sự đối sánh này đã tạo nên sự thuyết phục, lôi cuốn và có dấu ấn cá nhân Minh Hiệu đậm nét.
Ta có thể đọc nhiều nghiên cứu khác nhau về ca dao như của các tác giả: Đinh Gia Khánh, Nguyễn Xuân Kính, Chu Xuân Diên, Vũ Ngọc Phan..và các bài viết có liên quan trên các báo tạp chí Trung ương, địa phương… Nhưng những vấn đề mà Minh Hiệu đề cập trong cuốn “Nghệ thuật ca dao” là những vấn đề mà ở các công trình khác “chưa bàn đến nhiều hoặc có bàn mà chưa thật đầy đủ”. Ông đi vào nghiên cứu những nét đặc trưng của ca dao trong sự đối sánh để tìm ra sự khác biệt của ca dao khác với thơ, với diễn ca và các loại văn vần khác… Thông thường khi nghiên cứu về ca dao các tác giả thường dựa vào hình thức bên ngoài như dài ngắn, thể thơ, môtíp quen thuộc hoặc ba thể cách diễn tả là (tỷ, phú, hứng) để phân biệt ca dao và không phải ca dao. Tuy nhiên như nhà thơ Minh Hiệu thường tâm niệm phải đi vào nét đặc trưng của ca dao mới có thể hiểu đúng và đáp ứng yêu cầu nhận thức con người ngày càng cao. Nhất là vận dụng ca dao như thế nào cho đúng để bảo tồn, gìn giữ những giá trị vốn có, phát huy ưu thế của nó trong cuộc sống đương đại một cách phù hợp.
Trong yêu cầu nghiêm cẩn của người làm nghề và chu đáo với nghề, ông đã nghiên cứu tỉ mỉ để tìm ra bản chất của ca dao, đặc điểm tính trội và từ đó khái quát nên những đặc trưng của nó. Đối sánh đầu tiên của ca dao được ông tương quan với thơ. Ông đã đưa ra một nhận định có cơ sở khoa học “Ca dao là một loại hình của thơ, nên mang đầy đủ những đặc trưng của thơ. Nhưng ca dao là thơ dân gian, để ví von, để đối đáp, đối thoại… nên lại có thêm những đặc trưng của thể loại văn học nói khác với thơ bác học, về các mặt của nghệ thuật biểu hiện như: Cấu tứ, bố cục, diễn đạt, tu từ, xây dựng hình tượng và biến hóa linh hoạt trong các thể thơ…”. Việc tìm hiểu các thủ pháp riêng của nghệ thuật ca dao, đặc biệt là từng nét nghệ thuật đó gắn bó máu thịt với nội dung và sắc thái riêng từng bài cụ thể, làm sao để có thể thật sự hiểu hết chiều sâu cảm xúc, tâm tình chất chứa trong mỗi bài ca dao. Hơn nữa với việc tìm hiểu nguồn gốc cùng những nguyên nhân khách quan tạo nên những đặc trưng thẩm mỹ của ca dao trong cuốn sách không chỉ bổ ích với người tìm hiểu về ca dao mà ngay cả người làm thơ, viết kịch, các ngành nghệ thuật khác đều rút ra những điều thú vị. Chúng ta càng trân trọng cái đẹp, sự nhạy cảm, tinh tế, đa dạng, đa hình trong tâm hồn thơ và nghệ thuật dân gian Việt Nam.
Cái hay của cuốn sách “Nghệ thuật ca dao” Minh Hiệu, tác giả lấy ví dụ nhiều tác phẩm cụ thể, để qua đó làm nổi rõ dụng ý của các thủ pháp nghệ thuật và tác dụng của đặc trưng ca dao. Với những kiến giải cụ thể và khái quát, tác giả với mong muốn gợi mở, cùng với các công trình khác của các tác giả trong cả nước, bổ sung định hướng cho người đọc có thêm kiến thức về ca dao, thiết thực và hữu dụng nhất.
Tác phẩm Nghệ thuật ca dao được chia làm năm chương: Ca dao là thơ dân gian – điểm giống nhau và nét khác nhau giữa ca dao và thơ bác học; nghệ thuật vận dụng linh hoạt các thể thơ dân tộc; Sự kết hợp tài tình giữa tính thơ và ngữ điệu đời sống trong ngôn ngữ ca dao; Từ những chất liệu bình thường trong đời sống dân dã, ca dao đã tạo nên những hình tượng xúc động; Tính đa dạng trong nghệ thuật biều hiện của ca dao. Xuyên suốt toàn bộ cuốn sách Minh Hiệu lựa chọn phương pháp nghiên cứu là đối sánh là chủ yếu, cộng với phân tích và tích hợp để làm bật đặc trưng của nghệ thuật ca dao. Mục đích đầu tiên mà tác giả hướng đến là: Tránh tình trạng “gieo vừng ra ngô”
Nhà thơ Chế Lan Viên đã nói “Cái hay của thể loại văn học là thể loại nào phải có đặc trưng riêng biệt của thể loại ấy”. Vậy nên trong chương 1, tác giả có sự đối sánh giữa ca dao (thơ dân gian) với thơ bác học, từ đó rút ra một cách hiểu đúng đắn, thống nhất về tính chất và đặc trưng thẩm mỹ của ca dao. Thông qua việc tìm hiểu nghiên cứu các cuốn tài liệu, các từ điển khác nhau của các tác giả như Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, các cuốn từ điển định nghĩa về ca dao… tác giả đã tiếp nhận, lĩnh hội và khái quát lại quá trình hình thành, phát triển của ca dao. Tác giả tiếp thu có chọn lọc và có kiến giải của riêng mình. Mục đích của Minh Hiệu là trả lời cho câu hỏi: “Ca dao thực chất là gì? Có những đặc trưng gì?”, “Tiêu chuẩn để phân biệt đâu là thơ, đâu là diễn ca, đâu là vè, đâu là ca dao? Sách nào cũng nói ca dao là thơ truyền miệng, thơ dân gian. Minh Hiệu băn khoăn rất có lý: “… Đặc tính truyền miệng dân gian của ca dao là gì? Bởi trường ca, sử thi cũng là một loại hình của thơ, cũng được truyền miệng”… Thế nên ông đã đi đến so sánh, đối chiếu cụ thể để tránh tình trạng nhầm lẫn “gieo vừng ra ngô”. Ông khẳng định một đặc điểm của ca dao là “nói đến ca dao trước hết là nói đến chất thơ… Có khác chăng là thể thơ để nói, để ví von”. Chất thơ theo ông là “nói đến sự giao cảm, một sự đồng vọng diệu kỳ của tác phẩm đó, nó cứ lay động, lan tỏa và lan tỏa để thấm sâu mãi vào tâm hồn chúng ta”. Cũng từ việc nhắc lại nhận định của Hoài Thanh, thêm một lần ông khẳng định giá trị của ca dao là sản phẩm của trí thông minh, tinh hoa văn học dân tộc: “Ca dao, dân ca là một kho tàng của trí thông minh. Đó là một nét đặc biệt dân tộc. Tác giả của những bài ca dao đó có khi chỉ là những người nông dân không biết chữ nhưng ca dao lại thể hiện một cách nhìn, một cách nghĩ, cách xử sự, cách nói vừa thông minh vừa có văn hóa cao” (Trích bài đăng của Hoài Thanh – Tạp chí quân đội số 1-1982). Ông lập luận sắc bén “Ai am hiểu về thơ, đọc ca dao mới thấy “Sợ”, thán phục, nể cái tư duy của người xưa, bình dị mà thâm thúy, mộc mạc mà cụ thể, họ nói đúng, nói trúng tâm tư, tình cảm, sự vật, hiện tượng, con người một cách rất nghệ thuật. Cho nên ông đòi sự công bằng cho ca dao “những tiêu chuẩn về thơ, những suy nghĩ trân trọng nhất dành cho thơ cũng hoàn toàn là những điều phải có với ca dao”. Từ các ví dụ cụ thể ông nêu lên cái đẹp, cái hay của ca dao: “Sự đời nước mắt soi gương/ Càng yêu mến lắm, càng thương nhớ nhiều”. Ông muốn nhấn mạnh đến sự hàm xúc của ca dao không kém gì thơ “lời đã dừng mà ý còn vang mãi”. Hoặc là ở những khoảng lặng không nói hết thành lời được “Khả giải, bất khả giải chi nan” nhưng lại vẫn là câu ca dao hay, người ta có thể cảm được. Rất nhiều câu ca dao của các nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp thực sự được coi là ca dao như: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” (Thơ Hoàng Trung Thông). Hoặc như “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong” (Ca dao, Thanh Tịnh). Trong khi đó những câu viết quá dễ dãi người ta không thể xếp vào ca dao, dù cho người viết có học vấn hay là người lao động. Chẳng hạn: “Em là con gái chưa chồng/ Ai làm phân giỏi khăn hồng trao tay”. Cho nên không phải bắt chước nôm na, bình dân và khuyết danh là thành ca dao. Ca dao có sự kén chọn nghiêm khắc. Một bài diễn ca thế này không thể thành ca dao: “Thưa rằng em đi hái dâu/ Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn”. Minh Hiệu đã phân tích vì sao không phải ca dao vì thiếu tính nhất quán. Câu trên là lời chàng trai, câu dưới không phải lời cô gái mà chỉ là lời kể của tác giả. Nhạc điệu thơ và nhịp tình cảm trong ca dao đòi hỏi sự hài hòa, nên không chấp nhận sự cưỡng bức ý như câu trên. Cùng với việc tìm hiểu nhiều ví dụ khác nhau ông còn cảnh giác người dịch ca dao phải chú ý giữ nguyên chất thơ, cái hồn của nó, muốn vậy phải nắm vững đặc trưng của ca dao. Bài ca dao sau, ai ai cũng tâm đắc, nói về sự vất vả người lao động được dịch từ bài thơ ngụ ngôn của Lý Thân đời Đường: “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thấm thoắt như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Sở dĩ người đọc rung cảm được vì chất dân gian được vận dụng phù hợp. Bài thơ ngũ ngôn đó được Khương Hữu Dụng dịch sát là: “Xới lúa trời đứng bóng/ Mồ hôi đổ xuống ruộng/Ai biết cơm trong mâm/ Hạt hạt đều cay đắng”. Bài ca dao vận dụng ý trên của tác giả Lý Thân thật nhuần nhị làm cho nó trở thành bài ca dao biểu cảm, phản ánh đúng cuộc sống, tâm hồn Việt. Còn nữa, điều mà Minh Hiệu muốn nhắc người đọc là không cứ là thể lục bát mới là ca dao. Những đoạn không là lục bát vẫn là ca dao “Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày…”. Hay tính cá thể cũng có ở ca dao chứ đâu phải thơ bác học mới có: “Đêm qua anh nằm nhà ngoài/ Nghe em than vắn thở dài nhà trong/ Ước gì anh lọt vào phòng…”. Chẳng phải là tâm trạng cá nhân đó sao? Nhưng sở dĩ vẫn được xem là ca dao vì nó là “thơ để ví von, đối đáp, truyền miệng khác với thơ của dòng văn học viết”. Minh Hiệu kết luận “Ca dao là thơ dân gian, mang phong cách dân gian nhưng đồng thời phải có đầy đủ tính thơ mới là ca dao”. Ông đã khẳng định tính ưu việt của ca dao để không đánh đồng những bài ở các thể khác lẫn vào làm hỏng đi đặc trưng thẩm mỹ và giá trị của nó.
Đặc trưng nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh
Ở chương hai: Nghệ thuật vận dụng linh hoạt các thể thơ dân tộc, Minh Hiệu tiếp tục làm sáng tỏ cho những điều đã nêu ở phần mở đầu. Nếu những bài vè thường dễ dãi, thiên về kể lể thì diễn ca lai thiên về trình bày sự việc, ý kiến nào đó. Còn ca dao lại là lối diễn đạt cảm xúc. Hay như ở thơ và ca dao, mỗi loại có đặc điểm, phong cách riêng. Mặc dù đều là thơ nhưng không thể lẫn, có thể nó thâm nhập vào nhau về ý, tình nhưng phong cách lại khác. Tác giả chứng minh sự không thể lầm lẫn qua sự so sánh thơ Nguyễn Bính với ca dao. Viết bằng thể lục bát nhưng rõ ràng thơ Nguyễn Bính là thơ bác học: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn/ Hai người sống giữa cô đơn/  Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi/ Giá đừng có dậu mùng tơi/ Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng” (Người hàng xóm). Còn những câu thơ sau thì không thể gọi là thơ bác học vì nó rõ nét với đặc trưng của ca dao: “Thà rằng chẳng biết cho đừng,/ Biết ra dan díu nửa chừng lại thôi/ Khúc sông bên lở bên bồi,/ Một con cá lội mấy người buông câu!”. Ca dao còn vận dụng tài tình biến thể lục bát. Tài tình đến mức khi đã dùng biến thể thì đắc địa. Việc thêm hay bớt từ đều làm hỏng bài ca dao. Chẳng hạn: “Chập chập, cheng cheng,/ Con gà trống thiến để riêng cho thầy/Đơm xôi thì đơm cho đầy/Chớ đơm vơi đĩa thánh nhà thầy mất thiêng!” Vế lục câu đầu bớt còn 4 tiếng, vế bát câu sau thêm chữ thành chín tiếng… đã làm cho ngữ điệu thay đổi, diễn tả cái thói hủ tục cần lên án nên nhịp điệu ca dao có gì đó nhấn mạnh, đay nghiến, bất bình… Hiệu quả nghệ thuật và nội dung được rõ nét. Đồng thời cũng tạo nên sự đa dạng của ca dao. Nó phản ảnh đầy đủ hơi thở cuộc sống. Nó chuyên chở biết bao tâm trạng như dòng sông khi hiền hòa êm ái, có khi dữ dằn, gấp khúc, gập ghềnh. Ca dao cũng như thơ chấp nhận sự phá cách, có những khi nếu ai đó cố làm cho chỉn chu sẻ mất hết vai trò và ý nghĩa của câu thơ, câu ca dao. Tất cả đều phải theo quy luật thẩm mỹ, đặc trưng thể loại hay nói cách khác là tính hợp lý, hài hòa cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Từ quan điểm trên Minh Hiệu rút ra quy luật hay đặc trưng hết sức quan trọng của ca dao là: “Sự hài hòa của nội dung và hình thức phải hoàn toàn đạt đến mức tự nhiên, hầu như không được để lộ một gò sượng nào, dù là rất nhỏ, giữa nội dung với hình thể bài ca dao”. Ca dao phải đảm bảo “Vừa mang tính dân tộc, vừa dân gian lại vừa phải hết sức nhuần nhị sống động; Không đạt được như vậy không thể được coi là ca dao với ý nghĩa đúng đắn của nó”.
Một điều rất quý ở cuốn sách Nghệ thuật ca dao là ông thẳng thắn góp ý với các nhà xuất bản, những người làm biên tập ca dao mới và sáng tác ca dao hiện nay cần phải chấp nhận nhu cầu đổi mới, biến cách về nghệ thuật cho phù hợp với thời đại, con người. Từ đó một mặt cổ vũ cho sự đa dạng của ca dao và trân trọng ca dao mới để nó phát triển rộng rãi và có được đỉnh cao. Cần rút kinh nghiệm cho việc thêm bớt, sửa chữa làm mất tính hàm xúc, mất tính truyền cảm, rất đáng buồn. Còn một vấn đề muôn thuở mà Minh Hiệu muốn mượn ý của Lê Hữu Trác để giải bày, là dù là thơ hay ca dao kỵ nhất là sự quá thật thà mà “ý thơ quý ở chỗ sâu xa”. Quan điểm trên ai cũng “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng nói vẫn không thừa thì thơ hiện nay, ca dao mới hiện nay sự dễ dãi có phần lên ngôi khiến “loạn” cả văn hóa đọc.
Chương ba tác giả đi sâu vào khai thác một đặc điểm rất căn cốt của ca dao là “Sự kết hợp giữa tính thơ và ngữ điệu đời sống trong ngôn ngữ ca dao”. Ông nhấn mạnh về “tính cô đọng, súc tích, giàu hình tượng vừa biểu cảm như ngôn ngữ thơ, vừa cực kỳ giản dị tự nhiên”. “Nó phải thật sự là câu thơ, nhưng ngôn ngữ nó lại phải hoàn toàn gần với khầu ngữ, tự nhiên như cách nói hồn nhiên trong đời sống hàng ngày”. Tác giả lấy ví dụ: “Nạ dòng vớ được trai tơ/Đêm nằm hý hửng như mơ được vàng”. Có thể nói câu thơ chẳng cầu kỳ nhưng tinh tế, chuốt lọc, đúc rút từ kinh nghiệm đời sống và lại trả lại đời sống sau khi đã tái tạo bằng lăng kính thẩm mỹ của ca dao. Sức sống của nó phải chăng cũng một phần, từ sự tự nhiên nhưng nhuần nhị ấy? Tác giả đã phân tích, cân đo, đong đếm đến vị trí từng con chữ để thấy sự đắc địa “mỗi chữ không thể thay thế”. Cách luận giải sâu sắc, rất bổ ích, đặc biệt với học sinh sinh viên về cách cảm, phân tích một câu ca dao để thấy vẻ đẹp đích thực của nó. Khả năng gợi cảm mà xét về lô gíc học, xã hội học, thi pháp học… đều tinh tuyển, nhiều tầng nghĩa. Ngoài nghĩa thông thường nó toát ra sắc thái tình cảm riêng, sức sống riêng mới được tạo ra. MacximGorky đã nói “Văn học dân gian là ngọn nguồn đầu tiên của nghệ thuật ngữ ngôn”. Sự bổ ích của ca dao truyền thống với các nhà văn nhà thơ là có thực. Qua ca dao ta được làm quen với cái đẹp duyên dáng và sự phong phú của tiếng nói dân tộc mình. Văn hào Nga trên còn nhấn mạnh “Hình như tôi cũng suy nghĩ theo khuôn mẫu các câu thơ của ông bà tôi”. Điều này rất nhiều quan điểm đồng cảm với nhau rằng thơ hay là cốt ở tự nhiên không cần trang sức. Tuy nhiên không phải dễ dãi theo kiểu chủ nghĩa tự nhiên mà vẫn có sự tinh lọc, đó là tiêu chí của văn học nói chung và ca dao nói riêng cần.
Nhà thơ đúng khi quả quyết, chưa ở đâu mà sự khai thác nghĩa tiềm ẩn ngay trong ngôn ngữ đời sống lại tài tình như ở ca dao. Đặc biệt là ca dao truyền thống còn tái tạo thêm từ mới với trình độ cao đáng nể:
Chữ Trinh đáng giá ngàn vàng
Từ anh chồng cũ đến chàng là năm
Còn như yêu vụng nhớ thầm
Họp chợ trên bụng có trăm con người
Hoặc như:
Người xinh cái bóng cũng xinh
Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn.
Họp chợ trên bụng và cái tỉnh tình tinh đúng như Minh Hiệu nói là chưa có trong từ điển. Sự bất ngờ, mới lạ mà cũng rất tự nhiên ấy có được trong tư duy người Việt đã chứng minh sự thông minh, sắc sảo, tinh nghịch và sáng tạo. Minh Hiệu qua phân tích rất nhiều ví dụ đã cẩn trọng nhắc nhở về sự vận dụng các biện pháp tu từ (ẩn dụ, hoán dụ, chuyển nghĩa, từ mới…) đều chịu sự chi phối của đặc trưng ngôn ngữ trong ca dao.
Văn học là khoa học về ngôn ngữ hình tượng. Ca dao không là ngoại lệ. Ý thức rõ điều này trong chương bốn, tác giả tìm hiểu chủ đề thú vị: “Từ những chất liệu bình thường trong đời sống dân dã, ca dao đã tạo nên những hình tượng xúc động”.
Nói đến tính hình tượng hiểu một cách đơn giản là tính hàm xúc, cô đọng, gợi cảm gây được ấn tượng. Từ thời xưa với nhưng câu ca dao ví von, người xưa đã biết nói tế nhị, văn hóa ứng xử tinh tế. Kể cả lời trách oán dồn nén, giải bày mà vẫn rất văn hóa, rất hình tượng khiến đối phương hay người đọc đều phải động lòng trắc ẩn: “Yêu nhau chẳng đặng thì thôi/ Cầm bằng nước đổ lò vôi, sá gì”. Kẻ phụ bạc hẳn không khỏi giật mình, tự kiểm điểm lại mình cái sự đáng bị khinh bỉ mà day dứt cả đời.
Hiệu quả đem lại từ tính hình tượng trong ca dao được Minh Hiệu rút ra từ nhiều câu ca khác nhau. Ông đã thể hiện tài tích hợp, quan sát, khái quát của mình với các ý sau: Sự tinh tế và trừu tượng trong ca dao thông qua sự ví von làm cho câu chữ trở nên hàm xúc, gợi mở về ý tứ, có khả năng sống vượt thời gian và không gian. Thứ nữa là nó mang lại cho con người trực quan sinh động, khiến ta có thể cảm thấy như cầm nắm, nhìn, sờ được. Thứ nữa là sự tế nhị khiến cho những điều không thể nói ra được mà khi nói bằng hình tượng thì hiệu quả cao gấp bội. Cuối cùng là dư âm mà hình tượng mang lại sẽ còn đọng lại lâu bền cùng những cảm giác thẩm mỹ thú vị mang lại cho mình, cho người trong cuộc sống đa diện, đa chiều này.
Chẳng hạn tác giả chọn ví dụ cũng rất điển hình: “Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ trước gió biết vào tay ai” hay “Thân em như giếng giữa đàng/ Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân”. Sự may rủi, bấp bênh của con người được khắc họa trong hai câu thơ giàu chất dân dã. Cái éo le thoát thai từ cách nói đời thường mà thâm thúy để rồi từ đời này sang đời khác vận vào vẫn đúng, vẫn hay. Hoặc như câu ca dao “Những người thắt đáy lưng ong/ Vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con”. Với chất liệu hoàn toàn rút ra từ đời thường của người lao động. Những câu ca dao dạng như trên đã vượt qua thử thách thanh lọc thẫm mỹ bao đời, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Thậm chí còn được đề cao với tư duy mới tôn vinh vẻ đẹp ruyên ráng cùng những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ hôm nay. Như vậy khác với văn học viết “tính điển hình hóa” trong ca dao cũng có quy luật riêng mang đặc trưng riêng: Xây dựng hình tượng từ chất liệu quen thuộc đời thường.
Phần kết (chương năm), Minh Hiệu một lần nữa nhấn mạnh một đặc trưng quan trọng của ca dao là “tính đa dạng trong nghệ thuật biểu hiện”. Nếu như ở các chương trên Minh Hiệu qua việc đối sánh với thơ bác học, vè, diễn xướng, các loại hình nghệ thuật khác để làm “phát lộ” đặc trưng của nghệ thuật ca dao thì trong chương cuối này lại khác. Sự đối chiếu của ông từ xa đến gần, ông đi vào các dạng thể trong nội bộ ca dao để rồi tìm ra và khái quát lại sự đa dạng của ca dao về thủ pháp hay cách biểu hiện của nó. Sự đa dạng cách biểu hiện được ông chọn lọc và nêu bật ở các đề tài, chủ đề khác nhau của ca dao. Thứ nhất là loại hát ru: “Mèo già ăn trộm/ Mèo ốm phải đòn/ Mèo con phải vạ”. Chỉ với ba câu nựng trẻ, lấy con vật làm nhân vật thế mà hiện thực xã hội được phơi bày, lên án gay gắt. Phương pháp ngụ ngôn này, rất phù hợp để người “thấp cổ bé họng” trong xã hội cũ có thể lên án những thói hư tật xấu trong xã hội một cách kín đáo. Cách biểu hiện thứ hai là loại tố cáo trực diện: “Bộ binh, bộ hộ, bộ hình/ Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi”. Cách biểu hiện thứ ba là thông qua suy tưởng triết lý: “Ở sao cho vừa lòng người/Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”. Tác giả phát hiện đúng là cách này rất dễ khô khan nhưng ca dao vẫn làm được tạo cho con người những cảm xúc tinh tế. Hay trong sự đối sánh tác giả nêu ra cách biểu hiện thứ tư là khuyên dạy kinh nghiệm làm ăn. Đề tài này dễ đơn điệu, dạy đời. Thế mà ca dao vẫn cứ nói được một cách thuyết phục: “Người ta bắt chạch đằng đầu/ Mẹ em tham giàu bắt chạch đằng đuôi”. Hay về thế thái nhân tình, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”; “Thương anh không lẽ nói ra/ Trong ruột đã héo như hoa gẫy cành”; “Năng mưa thì giếng năng đầy, anh năng đi lại mẹ thầy năng thương…”. Hoặc như tình người gắn với thiên nhiên đầy sức gợi: “Tiếc thay cây quế giữa rừng/Thơm cho ai biết ngát lừng ai hay”… Còn nữa, Minh Hiệu đã không quên nói đến đặc điểm tiêu biểu: Ca dao đa dạng trong tiếng cười: Tự trào, tương phản, đối lập, chơi chữ rất dân gian, dí dỏm, chua xót, đáo để…
Đặc biệt trong lĩnh vực chính trị đối ngoại ca dao cũng góp mặt với dáng vẻ riêng. Nó có khi trở thành vũ khí để con người chiến đấu một cách hòa bình. Qua sưu tầm, khảo cứu Minh hiệu đã kể lại giai thoại về Đào Duy Từ dùng ca dao để ứng xử với chúa Trịnh, trung thành với chúa Nguyễn. Trước sự dụ dỗ của chúa Trịnh, Đào Duy Từ đã mượn cớ gửi thư cho bạn cũ ở Thăng Long để gián tiếp phúc thư cho chúa Trịnh với câu ca dao sau: “Ba đồng một mớ trầu cay/Sao anh không hỏi những ngày còn xanh/ Bây giờ em đã có chồng/ Như chim vào lồng như cá cắn câu/Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng biết thuở nào ra”. Minh Hiệu nói rõ câu ca trên “không biết do có sẵn hay do Họ Đào viết” nhưng mượn ca dao để nói mình đã có chủ, đừng dụ dỗ làm chi nữa uổng công. Biết được tài năng, vai trò, của họ Đào, chúa Trịnh vẫn cố để níu kéo. Lần dụ dỗ tiếp theo vẫn được ông đáp lại theo lối “gửi thư” bằng ca dao cho bạn: “Có lòng xin tạ ơn lòng/ Xin đừng đi lại mà chồng em ghen”. Trong hoàn cảnh éo le, xử sự của con người rất hồn nhiên mà đạt được ý tình sâu sắc tránh được những họa lớn xảy ra. Như vậy ca dao đa dạng và sinh động nó bám sát cuộc đời và xanh tươi giữa cuộc đời, có ích cho con người trong mọi lĩnh vực, mọi hoàn cảnh.
Bảo tồn, phát huy giá trị ca dao là trách nhiệm chung của dân tộc. Minh Hiệu một người suốt cuộc đời say sưa với công việc sáng tác, sưu tầm, khảo cứu văn học dân gian nói chung, đặc biệt là ca dao nói riêng. Vậy nên cuốn Nghệ thuật ca dao của ông được viết công phu, đã hội tụ được đặc trưng của ca dao. Kết quả của cuốn sách còn có sự kế thừa và phát huy một cách chọn lọc từ những người đi trước nên tương đối toàn diện, khái quát và cũng rất chi tiết. Nhất là cuốn sách tạo được sự lôi cuốn vì có sự đối sánh rất cụ thể với các thể loại khác có liên quan nên dể hiểu, dễ tiếp cận. Mặc dù không tránh khỏi những điều còn “nông cạn” như lời tự bạch của ông. Nhưng với nhiệt huyết nghiên cứu, sưu tầm cuốn sách đủ sức để gợi mở và định hướng nghiên cứu về nghệ thuật ca dao. Do vậy đây là cuốn tài liệu cần, hữu ích góp phần phổ biến kiến thức về ca dao cho bạn đọc nhất là bạn trẻ trong việc tiếp cận với thể loại văn học dân gian truyền thống của dân tộc.
7/4/2021
Thy Lan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...