Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Cảm nhận thơ Tâm Hướng - Lê Đình Ngân

Cảm nhận thơ Tâm Hướng - Lê Đình Ngân
Đỗ Tư Nhơn
Thắp nén tâm hương tưởng nhớ Thầy, nhà thơ đã 42 năm xa đời
Tâm Hướng là bút hiệu của thầy Lê Đình Ngân (1916-1971), một trong những thầy giáo dạy trường Nguyễn Hoàng từ những ngày đầu tiên tại khu vực vườn hoa cạnh bờ sông Thạch Hãn.                               Quách Tấn, Yến Lan tiêu biểu cho nhóm thơ Bình Định và Trường thơ Loạn sau này (bớt Quách Tấn nhưng có thêm Bích Khê, Hoàng Diệp, Quỳnh Dao, Xuân Khai). Theo Quách Tấn, lúc thi sĩ họ Hàn bệnh nặng đã có những người bạn thơ ở gần thường lui tới thăm Tử như Lê Đình Ngân, Hoàng Tùng Ngâm, Bửu Đáo, Trần Kiên Mỹ (Đôi nét về Hàn Mặc Tử). Cũng như Hàn Mặc Tử và các thi hữu trong Thái Dương văn đoàn, Lê Đình Ngân đi từ thơ Đường đến thơ Mới, từ chủ nghĩa cổ điển sang chủ nghĩa lãng mạn…
Vẻ đẹp thơ Đường của Tâm Hướng
Quay lại với thi ca Việt Nam thời trung đại (khoảng thế kỷ XI đến cuối XIX) chúng ta gặp thơ của các thiền sư, nho sĩ, vua  quan… Tất cả đều mang những đặc điểm chung của chủ nghĩa cổ điển: từ quan niệm sáng tác (văn chuyên chở đạo lý, thơ để nói lên chí hướng), đến cách tư duy nghệ thuật thiên về sự mẫu mực ước lệ. Về thể loại thì chú trọng niêm luật chặt chẽ, ngôn ngữ trang nhã, ưa dùng điển tích. Dân tộc chúng ta đã tắm gội trong dòng sông văn học cổ điển phong phú sâu sắc biết bao! Từ đó đã hình thành những nhân cách cao đẹp trong sách sử, để lại những bài học làm người cho muôn đời noi theo.
Bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật có nhan đề là Xuân đạo lý được gia đình thầy gởi đến Hương Quê Nhà - Xuân Kỷ Sửu 2009 có thể xem tiêu biểu cho thơ cổ điển Tâm Hướng sáng tác trong buổi giao thời (thập niên 30-40/thế kỷ XX) mang vẻ đẹp của thơ ca Việt Nam, khơi gợi những dư hưởng của quá khứ:             
Chẳng rượu, chẳng cờ, cũng chẳng hoa
Xuân về ta có thú riêng ta.
Dăm ba pho sách, dăm ba bạn,
Một ít vần thơ, một ít trà.
Người kiếm mai vàng mừng tết đến
Ta trồng cỏ biếc dưỡng tâm già.
Gió xuân có biết mà thăm hỏi,
Đã có chim vườn cất tiếng ca.
Trước tiên, đến với nhân vật trữ tình trong bài thơ: “Ta” (ta có, ta trồng). Trong  tập sách lý luận văn học Những thế giới nghệ thuật thơ. Tiến sĩ Trần Đình Sử cho biết là thơ cổ điển với nhân vật xưng “Ta” đã thể hiện tính chất phi cá thể, một con người tự tôn, tự túc, tự đắc dù trong nghịch cảnh. Từ quan niệm triết lý Đông phương, với mô hình vũ trụ: Thiên - Địa - Nhân, trong đó con người là tiểu vũ trụ hòa trong đại vũ trụ. Bởi thế nhà thơ tìm thú vui trong ngày tết khác với nhân gian, không cần đến những cái rất thiết thực nhằm tạo khung cảnh, mang lại hương vị mùa xuân, bằng hình thức điệp từ “chẳng”, “chẳng”, “cũng chẳng”, tạo nên sự từ chối dứt khoát: Chẳng rượu, chẳng cờ, cũng chẳng hoa.
Con người này đã “tri túc” (biết đủ) và “quả dục” (ít ham muốn) nên luôn cảm thấy bằng lòng an lạc trong cuộc sống hằng ngày.
Dăm ba pho sách, dăm ba bạn,
Một ít vần thơ, một ít trà.
Pho sách quý, bạn tri âm, vần thơ tuyệt tác cùng hương trà  tuy thanh đạm nhưng thật quá đỗi đầy đủ, một cách thưởng thức thanh cao, tao nhã của người quân tử và thi nhân. Đi xa hơn nữa, trong hai câu luận của bài thơ, Tâm Hướng muốn gởi vào đây quan niệm nhân sinh của thế hệ nhà Nho thấm nhuần tư tưởng.
Người kiếm mai vàng mừng tết đến,
                                      Ta trồng cỏ biếc dưỡng tâm già.                                                                                                          
Thiên nhiên ở đây tuy có: “mai vàng / cỏ biếc” nhưng mang tính ước  lệ. Bởi tác giả xem thiên nhiên như tấm gương để soi ngắm mình, để tu dưỡng tâm tính. Hình ảnh nhà đạo học Chu Đôn Di đời Tống bỗng hiện về nơi câu thơ tiêu sái của Tâm Hướng, bởi người xưa đã để cỏ mọc đầy trước cửa nhà học của mình như một sở thích, như một liệu pháp cho tâm hồn.
Để khép lại một cách nhẹ nhàng bài Xuân đạo lý, hãy nghe lời tự tình tự nhủ cùng nụ cười hiền triết: 
Gió xuân có biết mà thăm hỏi,
Đã có chim vườn cất tiếng ca.
Trở lên trên, ngoài nhóm từ “dăm ba, một ít”, nhà thơ vận dụng điệp từ “chẳng” ba lần để phủ định những nhu cầu, sau đó thi sĩ họ Lê dùng  đến ba từ “có” trong số  năm mươi sáu  từ của bài thất ngôn bát cú. Chúng ta biết rằng thơ Đường vốn chuộng tính súc tích, ít lời nhiều ý, ý ở ngoài lời. Điều này có phải do sự dễ dãi trong diễn đạt chăng? Người đọc không nên quá chú ý đến  từ ngữ mà quên đi giọng điệu toàn bài toát lên nội dung lạc quan. Tác giả tự cảm thấy hạnh phúc, an lạc trong lời khẳng định: ta có thú riêng ta - gió xuân có biết - đã có chim vườn... Không có gì trọn vẹn hơn khi thiên nhiên cùng bạn quý, với sách hiếm, thơ hay ít trà cho nhà thơ, nhà giáo đón xuân!
Tất cả hệ thống ngôn ngữ, nhân vật trữ tình, thiên nhiên, giọng điệu, ngắt nhịp, đối ngẫu trong bài thơ trên đã đạt đến sự hòa điệu nhịp nhàng và mẫu mực tạo nên vẻ đẹp tương ứng giữa hình thức và nội dung, thể hiện quan niệm “Thơ nói lên chí hướng”. Bài thơ Đường luật của Tâm Hướng đã cho người đọc nghe lại giọng nói tiếng cười trong trẻo nhẹ nhàng của cha ông xưa từng sống, sáng tác với tâm thức “Vong bần lạc đạo” (Vui với đạo quên cảnh nghèo) mà ta từng đọc qua thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người đến chốn lao xao.
                                           (Thú nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm)                   
Hay:
Đầu trò tiếp khách trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
                                                     (Bác đến chơi nhà - Nguyễn Khuyến)
Vẻ đẹp thơ Mới của Lê Đình Ngân
Bước vào căn vườn thơ Mới - thơ lãng mạn, cơn gió phương Tây thổi về đây  những sắc màu, hình ảnh, giai điệu mới mẻ, với nhân vật trữ tình hoàn toàn đổi khác. Đó là sự bừng tỉnh của ý thức cá nhân, cái Tôi cá nhân làm chủ cảm xúc, bộc lộ chân thành thế giới nội tâm khát khao giao cảm với cuộc đời. Tạo nên vẻ đẹp của sự giải phóng cá thể ra khỏi những ràng buộc xưa cũ.
Hưởng ứng phong trào thơ Mới, Lê Đình Ngân cho đăng thơ trên tờ Tiểu thuyết Thứ Bảy và một số tạp chí cùng thời. Từ đây nhân vật trữ tình mạnh mẻ xưng TÔI. Nói năng, kể lể khóc cười không còn ngại ngùng e ấp, không ẩn nấp vào thiên nhiên. Hãy cùng đọc bài thơ “Tương tư » để cảm nhận sự chuyển mình từ cái TA trong thơ Cổ điển sang cái TÔI trong thơ Mới:
Hôm nay tôi lại nhớ người rồi
Người ở  bên tôi vẫn nhớ người
Tôi đã tương tư mấy kiếp rồi.
Nhân vật xưng: "Tôi - Người" chuyển thành "Anh - Em" để từ đây nhà thơ mở rộng lòng mình cùng trí tưởng tượng vốn là tố chất của chủ nghĩa lãng mạn, nhằm tỏ bày nỗi nhớ thương cùng những phương cách tìm cho thấy được đối  tượng yêu thương dù bao ngăn trở của ngoại giới. Chủ thể bày tỏ những trạng huống  sâu kín như: nhớ em / muốn chết/ thức/mộng/đau xót...  cho tới cử chỉ, hành động: anh kiếm lời em/ anh dệt hình em /anh cố hôn em trong kẽ lá. Chưa bao giờ chúng ta thấy người thơ tha thiết si tình đến thế, nhưng tất cả đều vô vọng, trống không như trong bài Thu nhớ.
Ban đầu:
Thu về - gió lá cũng theo về,
đã nhớ em rồi, nhớ quá đi.
Anh muốn chết dần cùng phượng đỏ,
trên cành rướm máu quả tim si. 
Và:
Anh kiếm lời em trong nắng mới
Nắng tàn - nghe vẳng  lá vàng rơi
Anh dệt hình em trong tưởng tượng
Bóng chiều che khuất mắt em cười.
Cuối cùng:
Anh cố hôn em trong kẽ lá      
Gió vàng thổi  héo cả đôi môi.
Tình yêu nồng nàn đắm đuối si mê trong thơ họ Lê khiến chúng ta liên tưởng đến Xuân Diệu, vì có sức cuốn hút người đọc trẻ. Tuy nhiên ở Xuân Diệu mang tính nhục cảm và vội vã vồ vập hơn “Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm” / “Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự” / “Mau với chứ vội vàng lên với chứ!”. (Giục giã - Xuân Diệu).
Hình ảnh thiên nhiên trong thơ lãng mạn Lê Đình Ngân không còn ước lệ trừu tượng mà gần gũi, sinh động theo cảm xúc nhà thơ. Đó là dòng sông, con đường, hàng cây, giếng nước, đồng lúa quê nhà được nhìn ngắm bằng con mắt và tâm hồn chất chứa tình yêu gắn bó của người con  xa xứ mong muốn trở về: 
Sông nũng nịu chảy theo hàng cây mát,
Đường quanh co ôm sát bóng tre xanh.  
Và:
Đây hồ sen thoang thoảng gió đưa hương,
Bên bến nước trăng vàng thường tắm bóng.
Đây giếng ngọc - nơi trăng thường hay ngủ,
Những đêm sương sợ lạnh, chẳng về trời
Đã mươi bận, lòng buồn và gối mỏi,
Tôi trở về nghe lại lá tre reo
                                                                                           (Làng tôi)
Một bức tranh thiên nhiên khác gồm: trời - trăng / mưa - gió / núi - sông / bóng cây - mặt thành / gạch - rêu xanh… Ở đây từng cặp có sự tương giao, hô ứng lẫn nhau phù hợp với tâm hồn nhà thơ lãng mạn:
Trong mưa trời bỗng vén màn,
Cười qua giọt lệ trăng ngàn lên cao.
Núi chào sông khẽ cúi đầu,                                    
Gío đưa mộng đẹp qua hàng mi xanh.
Bóng cây ngã xuống mặt thành
Gạch xưa lên tiếng, rêu xanh ngẩng đầu.
Tay trong tay sắp giải sầu
Nụ cười vĩnh viễn nhạt màu thời gian
                                                               (Trăng trong mưa)                   
Tương tự trong nét bút mô tả vẻ đẹp của nông thôn thật ấn tượng và thơ mộng, ta thử gặp Hàn Mặc Tử và Anh Thơ với gam màu tươi sáng:
Trong làn nắng ửng, khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang.
                                                          (Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử)

Hay:
Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác,
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.
                                                                 (Bức tranh quê - Anh Thơ)
Một phương diện nữa của thi pháp thơ lãng mạn tạo ra sự khác biệt với thơ cổ điển là ở giọng điệu.
Nếu thơ cổ điển thuộc loại trữ tình điệu ngâm, chú trọng hệ thống âm thanh bằng - trắc trong từng câu,  thì thơ mới thuộc loại trữ tình điệu nói, điệu kể nên  tự do về âm thanh, thêm vào đó là dùng nhiều hô ngữ như: Ô. hay! Ôi chao! Người ơi!
Chao ôi! Ly biệt chẳng nhìn nhau,
Chẳng hẹn hò nhau được nửa câu.
                                                                               (Nắng xuân)
Và:
Mưa vàng! Mưa vàng! Mưa trong trăng
Cách sông cách núi có mưa chăng?
Chao ôi! trời vẫn bình yên quá 
Chỉ lệ người vừa nhỏ xuống khăn.
                                                                                  (Lệ ngọc)     
Hoặc:
Bến của lòng tôi mở suốt ngày  
Người ơi! hãy ghé một vài giây.  
Người gần - gần quá mà xa quá ,
Ôi! Chẳng bao giờ dám hé môi!
                                                                     (Tương tư)                                                       
Như đã trình bày ở trên, nhân vật trữ tình thơ mới - thơ lãng mạn muốn thể hiện cái Tôi cá nhân, phơi bày phần sâu xa nhất của tâm hồn nên phải nói, kể lể bằng mọi cung bậc, mọi cách thức khi thì thủ thỉ, nỉ non, khi van lơn, khi khóc thương, gầm thét. Bài thơ Cảm xúc của Xuân Diệu và bài Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ như bản tuyên ngôn chung của thơ lãng mạn về quan niệm sáng tác, quan niệm sống được hoàn toàn giải phóng ra khỏi ràng buộc: 
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.
                                                                 (Xuân Diệu)                                                             
 Cùng với:
Tôi là khách bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi.
                                                                                    (Thế Lữ) 
                 
Bước song hành cùng thơ mới giai đoạn 1932-1945, thơ Lê Đình Ngân đã góp vào dàn hợp xướng đa thanh của thời đại bằng giọng điệu trữ tình trong trẻo yêu thương trong thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn, có sức mạnh rung động tâm hồn người đọc cho đến bây giờ… Tuy chưa được xếp vào chỗ ngồi tiêu biểu trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, nhưng Lê Đình Ngân cũng khiến chúng ta tự hào về lớp trí thức tân học Quảng Trị thời bấy giờ đã vươn mình đón nhận tinh hoa mới làm giàu thêm cho văn học Việt Nam.
Nhu cầu thẩm mỹ tuy thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào vốn liếng văn hóa của người đọc, nhưng những bài thơ hay, thường vượt qua năm tháng trở về tình tự với nhân gian. Từ thơ Đường mang hương vị cổ điển đến thơ Mới - thơ lãng mạn, Lê Đình Ngân đã đi qua hai phạm trù của cái Đẹp, hai khuôn mặt của Nàng Thơ. Giờ đây, chúng ta đã có được độ lùi cần thiết để thưởng thức các trào lưu, chủ nghĩa văn học trong quá khứ, bỏ đi cái nhìn cực đoan một phía, cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp thi ca. Giữa cuộc sống hiện đại tiện nghi và bề bộn, nghe nhiều, đọc nhiều, bỗng nhiên chúng ta thèm một bài thơ kiệm lời, ý tứ thâm trầm, tỏa ra chất Đạo nhẹ nhàng vui tươi như để gặp lại ông cha ta ngày xưa... Có khi hứng khởi cùng bằng hữu xướng họa mừng thọ thi huynh thi hữu, hay khi tự gẫm đời mình trong bộ áo dài khăn đóng của ngôn ngữ và thi luật. Ở một thời điểm nào đó lòng ta muốn giao cảm với cuộc đời rộng lớn, hướng ngoại hơn, tâm hồn trở nên ưa thích những câu thơ Mới «mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây”. Những lúc ấy thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Lê Đình Ngân… hiện về mời gọi người đọc tham dự hành trình văn chương - cuộc viễn hành khám phá thế giới tâm linh sống động diệu kì của thi nhân và của mỗi chúng ta.
Quảng Trị - Hạ vàng 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc phố ba người và ai nữa

Góc phố ba người và ai nữa? “Tôi như thế nào thì truyện của tôi như thế. Văn là người mà. Chắc do tôi không biết sống và viết giả trá nên ...