DƯƠNG THIỆU TƯỚC - NHẠC SĨ KHAI PHÁ
DÒNG NHẠC VIỆT
Những năm đầu của thập niên 1930 văn hóa Âu Châu, nhất là của Pháp
ồ ạt xâm nhập Việt Nam . Các nhà văn hóa, văn nghệ Việt Nam cũng bắt đầu chuyển
hướng. Về lĩnh vực văn chương có nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Về mỹ thuật có trường
Cao Đẳng Mỹ Thuật được mở năm 1926.
Về âm nhạc thì các nhạc sĩ VN thời đó một phần chịu ảnh hưởng của
âm nhạc Pháp nhưng mặt khác họ cố tìm một đường hường mới để không bị nhạc Tây
„lấn át". Năm 1938 báo Ngày Nay kêu gọi các nhạc sĩ Việt Nam khi viết
nhạc Cải Cách nên cố gắng giữ hồn Việt Nam. Một trong các nhạc sĩ
tham gia hưởng ứng kêu gọi đó là Dương Thiệu Tước.
Dương Thiệu Tước sinh ngày 14.01.1915. là một nhạc
sĩ tiền chiến nổi tiếng và được coi là một trong những nhạc sĩ tiền
phong của tân nhạc Việt Nam.
Quê ông ở làng Vân Đình, quận Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà
Tây). Xuất thân từ một giòng họ khoa bảng. Ông là cháu nội cụ Dương Khuê
(1836-1898). Cụ đỗ Tiến Sĩ và làm quan dưới triều Nguyễn. Cụ cũng là một nhà
thơ có tiếng trong văn học Việt Nam. Thân phụ ông là cụ Dương Tự Nhu làm Bố
Chánh tỉnh Hưng Yên.
Thuở nhỏ ông học ở Hà Nội, trong thập niên 1930 ông
gia nhập nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa lưu ly) gồm Thẩm
Oánh, Lê Yên, Vũ Khánh... Dương Thiệu Tước cũng là người có sáng kiến
soạn nhạc "bài Tây theo điệu ta", những nhạc phẩm đầu tay của ông
thường được viết bằng tiếng Pháp. Mặc dù theo học nhạc Tây, nhưng nhạc của
ông vẫn thắm đượm hồn dân tộc.
Mang máu nghệ sĩ trong người, ông chọn con đường âm nhạc ngay từ
lúc ấu thơ. Có cái may là cụ Dương Tự Nhu là người trọng văn học, không coi âm
nhạc là "xướng ca vô loại", nên ông đã được khuyến khích học nhạc từ
lúc còn nhỏ. Cụ Nhu mua cho ông đàn Nguyệt lúc ông 7 tuổi. Ngoài đàn Nguyệt ông
còn học thêm đàn Tranh tại các bậc thầy miền Trung. Đến lúc 14 tuổi, ông bắt
đầu chú ý đến nhạc Tây Phương và chuyển qua học đàn dương cầm với một thầy
người Pháp. Lúc 16 tuổi ông học thêm lục huyền cầm (tây ban cầm), nhạc cụ sở
trường của ông. Sau này ông trở thành một cây đàn guitar có hạng tại Việt Nam
và đồng thời là giáo sư tại Viện Quốc Gia Âm Nhạc Việt Nam dạy đàn này cho vô
số các nhạc sĩ của thế hệ sau. Ngoài tây ban cầm ông còn tự học thêm đàn Hạ Uy
Di. Cũng như ông, các nhạc sĩ Việt Nam cùng thời đều tự học, mua sách của Pháp
về rồi tự học hay học hỏi lẫn nhau. Họ đều không có cơ hội theo học tại trường
âm nhạc nào.
Mặc dù học nhạc, kỹ thuật sáng tác nhạc Tây Phương, nhưng các tác
phẩm của ông vẫn đượm hồn dân tộc, đúng như báo Thời Nay lúc đó kêu gọi. Trong
một ấn phẩm viết tay, ông ngỏ ý: "Theo tôi, tân nhạc Việt Nam phải thể
hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ
nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ
truyền".
Các nhà phê bình nhạc cho rằng ý nghĩ này đã được thể hiện rõ
trong các tác phẩm Tiếng Xưa và Đêm Tàn Bến Ngự . Theo các nhà khoa học
nghiên cứu âm nhạc thì bài Đêm Tàn Bến Ngự được viết dựa theo các điệu Nam
Bình, Nam Ai nổi bật cá tính của Huế. Những sáng tác khác của ông trong những
năm cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950 phải kể Kiếp Hoa, Áng Mây Chiều,
Nhạc Ngày Xanh, Dưới Nắng Hồng, Xuân Mới, Thiếu Niên Xuân Khúc Ca, Thuyền Mơ,
Đêm Tàn Bến Ngự ...
Theo Phùng Quốc Thụy nhận xét, Dương Thiệu Tước "là người có
dáng vẻ rụt rè ít nói, không ưa sự phô trương ầm ỹ, nhưng lại là người sốt sắng
nhất trong việc xây dựng, cổ động, phổ biến nền tân nhạc mới hình thành, với
mọi hình thức: sáng tác, biểu diễn, xuất bản, đào tạo, lý luận, phê bình“. Ông
cũng viết các bài tham khảo cho tập san VIỆT NHẠC. Ông thành lập Hội KHUYẾN
NHẠC cùng với nhạc sĩ Thẩm Oánh để cổ động và phổ biến nền Tân Nhạc Việt Nam.
Cũng cùng với Thẩm Oánh ông thành lập ban nhạc đặt tên là MYOSOTIS (Hoa Lưu
Ly). Ban nhạc thường chỉ chơi tại nhà riêng, rất ít khi trình diễn nơi công
cộng.
Năm 19 tuổi, ông lập gia đình với bà Lương Thị Thuần và có được 3
gái và 2 trai.
Năm 1940, lúc đó ông 25 tuổi, ông mở cửa hiệu bán và sửa chữa đàn
tại 57 Hàng Gai, Hà Nội. Cửa hàng sau đó phải đóng vì chiến tranh. Những sáng
tác của Dương Thiệu Tước trong thời điểm này phải kể Ngọc Lan, Chiều, Bóng
Chiều Xưa....
Năm 1954 lúc đất nước chia đôi, ông vào Sài Gòn sinh sống. Tại
đây, ông thành hôn với Bà Minh Trang, xướng ngôn viên và ca sĩ của Đài Pháp Á.
Ông và Bà Minh Trang có thêm 4 gái và 1 trai. Từ giữa thập niên 60 qua thập
niên 70 trở đi ông bớt sáng tác. Tác phẩm có tiếng phải kể lúc này là Ơn Nghĩa
Sinh Thành.
Tại Sài Gòn, ông làm Chủ Sự phòng văn nghệ tại Đài Phát Thanh Sài
Gòn đồng thời được mời làm giáo sư dạy Tây Ban cầm tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc.
Đã cả chục năm trôi qua nhưng vẫn ấp ủ ý nguyện hội nhập cá tính và hồn Việt
Nam vào tân nhạc, ông cho ra đời một chương trình có tên là CỔ KIM HÒA ĐIỆU,
phát thanh thường xuyên tại đài Phát Thanh Sài Gòn những năm cuối thập niên
1950. Trong chương trình này ông xử dụng cả hai nhạc cụ Tây Phương và cổ truyền
Việt Nam để trình diễn tân nhạc Việt.
Biến cố 30.04.1975 đánh dấu một khúc quanh trọng đại trong sự
nghiệp của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Các tác phẩm của ông bị coi là nhạc lãng
mạn, ủy mị nên bị cấm phổ biến, không ai được trình diễn nhạc của ông. Ông cũng
ngưng dậy học tai trường Quốc Gia Âm Nhạc. Ít lâu sau đó Bà Minh Trang cùng con
cái sang Hoa Kỳ. Ông ở lại Sài Gòn. Bà Lương Thị Thuần, năm 1979 đã qua CHLB
Đức đoàn tụ với gia đình người con trai cả của bà.
Đầu thập niên 1980 ông về chung sống với Bà Nguyễn Thị Nga tại
quận Bình Thạnh, nguyên là một học trò của ông lúc bà theo học đàn guitar tại
Trường Quốc gia âm nhạc. Bà Nga, một phụ nữ có tư cách, đứng đắn, mẫu mực,
đảm đang, hết lòng lo lắng, chăm sóc cho ông lúc tuổi xế chiều. Không những là
một danh cầm về đàn lục huyền cầm Guitar, bà còn là một giáo sư dậy Anh ngữ tại
Sàigòn. Năm 1983 ông có thêm một con trai với bà Nga.
Những năm tháng cuối cùng cuộc đời ông, ông sống rất đạm bạc. Đến
ngày 01.08.1995 ông đã vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 80 tuổi.
Như một định mệnh, cô bé Nguyễn thị Ngọc Trâm chào đời ngày 18
tháng 8 năm 1921 tại một nhà hộ sinh nằm ngay trên Bến Ngự, thành phố Huế. Hai
mươi lăm năm sau, một khúc hát bất hủ mang tên "Đêm Tàn Bến Ngự" ra
đời, được viết nên bởi một nhạc sĩ tài hoa, đã gắn liền với tên cô , ngày nay
đã trở thành một danh ca mang tên Minh Trang. Tác giả bản nhạc đó là Dương
Thiệu Tước, cũng là người chồng sau này của cô, cả hai đã tạo nên một gia đình
âm nhạc và để lại cho thế gian những tình khúc bất tử.
Ở Huế vào cuối thế kỷ 19, người ta biết nhiều tới Mỹ Lương Công
Chúa hay Bà Chúa Nhứt, là chị ruột của Vua Thành Thái. Bà là người giòng giõi
nhưng không câu nệ, tính rất nghệ sĩ. Trong nhà bà Chúa có nuôi hẳn một ban hát
tới mấy chục người và có riêng một ban ca Huế. Vị công chúa đó là bà ngoại của
ca sĩ Minh Trang, do đó khi lớn lên, vì thân phụ là cụ Nguyễn Hy nhiều khi phải
đáo nhậm những nhiệm sở xa, bà Minh Trang có dịp được gần gũi với bên ngoại.
Nhờ những âm thanh ca Huế thấm nhuần vào tâm hồn trong tuổi ấu thơ, mới bảy tám
tuôåi, bà đã thuộc những bài cổ nhạc, ca Huế như những khúc Nam Ai, Nam Bình,
Kim Tiền, Lưu Thủy...Tuy nói giọng Quảng vì thân phụ bà là gốc người Quảng
Ngãi, chất Huế trong người bà đã khiến cho bà hát bản "Đêm Tàn Bến Ngự"
một cách dễ dàng như chính tác giả đã viết bài này ra để dành riêng cho cho bà,
người ca sĩ, đó là Minh Trang.
Lớn lên trong khung cảnh của một danh gia vọng tộc một thời ở đất
thần kinh, cũng như những gia đình khác có lẽ tân nhạc vẫn còn là một điều gì
mới mẻ, tuy vậy bà Minh Trang là người sớm hấp thụ nền văn hóa tây phương. Lúc
nhỏ bà theo học trường Jeanne d' Arc, một trường giòng danh tiếng ở Huế và đã
bắt đầu làm quen với những phím dương cầm từ đó. Lên trung học, bà theo gia
đình ra Hà Nội. Vào khoảng 1941, thân phụ bà về nhậm chức tại Bộ Lại (tức là bộ
Nội Vụ) tại Huế, bà lại theo về học tại Lycée Khải Định. Tại đây bà gặp một ông
thầy dạy Việt Văn là ông Ưng Quả, cũng là vị "phụ giáo" của triều
đình Huế (dạy thái tử Bảo Long).
Hai người, một thầy, một trò đã tỏ ra tâm đầu ý hợp và tiến đến
hôn nhân. Tuy lúc đó Thầy Ưng Quả là một người đàn ông góa vợ đã có hai con
trai, nhưng cả hai gia đình đều là những gia đình quyền quí ở Huế, thầy Ưng Quả
là cháu nội của Tuy Lý Vương, bà Minh Trang là cháu nội của Diên Lộc Quận Công,
phải nói là rất "môn đăng hộ đối". Hai người sinh hạ được một trai là
Bửu Minh và một gái là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, (tức là ca sĩ Quỳnh Giao).
Bà dùng tên của hai người con ghép lại để làm nên cái tên âm nhạc cho
mình.
Năm 1951, giáo sư Ưng Quả, lúc đó là Giám Đốc Nha Học Chính Trung Phần qua đời, bà Minh Trang đem hai con vào Saigon, và kiếm được một việc làm tại Đài Phát Thanh Pháp Á (France-Asie), vừa là xướng ngôn viên vừa làm biên tập tin tức bằng tiếng Pháp. Sự việc Minh Trang trở thành ca sĩ cũng là chuyện tình cờ không tính trước, trong chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Đức Quỳnh, vì ca sĩ chính không đến đài hát được, bà phải miễn cưỡng thay chỗ, và ca khúc duy nhất bà thuộc lúc ấy là "Đêm Đông" của NS Nguyễn Văn Thương. Trong một lần ra Hà Nội theo lời mời của Thủ Hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí khi ông này tổ chức Hội Chợ, bà đã hát trong ban Việt Nhạc và gặp gỡ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tại đây.
Năm 1951, giáo sư Ưng Quả, lúc đó là Giám Đốc Nha Học Chính Trung Phần qua đời, bà Minh Trang đem hai con vào Saigon, và kiếm được một việc làm tại Đài Phát Thanh Pháp Á (France-Asie), vừa là xướng ngôn viên vừa làm biên tập tin tức bằng tiếng Pháp. Sự việc Minh Trang trở thành ca sĩ cũng là chuyện tình cờ không tính trước, trong chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Đức Quỳnh, vì ca sĩ chính không đến đài hát được, bà phải miễn cưỡng thay chỗ, và ca khúc duy nhất bà thuộc lúc ấy là "Đêm Đông" của NS Nguyễn Văn Thương. Trong một lần ra Hà Nội theo lời mời của Thủ Hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí khi ông này tổ chức Hội Chợ, bà đã hát trong ban Việt Nhạc và gặp gỡ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tại đây.
Hai người nghệ sĩ này, Minh Trang - Dương Thiệu Tước kết hôn năm
1951 tại Saigon và sau đó sinh hạ được năm người con, một trai Dương Hồng Phong
và bốn gái Vân Quỳnh, Vân Khanh, Vân Hòa, Vân Dung. Cũng như Bửu Minh và Đoan
Trang, các con của Ông Bà đều được theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc với sự dìu
dắt của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ngày nay Quỳnh Giao, Vân Quỳnh đã trở thành
ca sĩ. Dương Hồng Phong tốt nghiệp vĩ cầm tại QGAN và Bửu Minh du học Pháp năm
1961 nay là dương cầm thủ chính (đệ nhất vĩ cầm) trong ban nhạc đại hòa tấu
"Staatsphihlarmonic Rheinland Plalz" của Đức Quốc.
Sau tháng 4-1975, các cô con gái đã lập gia đình đều đã ra đi, nhưng ông bà Dương Thiệu Tước còn ở lại Việt Nam, lý do là con trai duy nhất của hai người, Dương Hồng Phong, động viên năm 1972 đang bị kẹt tại Chu Lai và bị bắt làm tù binh. Với số lương 64 đồng một tháng dành cho giáo sư Dương Thiệu Tước dạy lục huyền cầm cổ điển, hai ông bà phải sống trong những điều kiện vô cùng chật vật. Bà Minh Trang kể lại suốt trong những ngày đen tối, công việc của bà là ngồi lượm sạn và bông lúa để lo bữa cơm cho chồng con, trong khi đứa con trai tù tội vẫn chưa về. Năm 1978 khi Dương Hồng Phong ra tù, bà nghĩ đến việc phải rời đất nước. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vì thường đau ốm nên không muốn đi. Bà Minh Trang cùng ba con đến Thái Lan vào cuối năm 1979, và đi định cư tại Hoa kì.
Sau tháng 4-1975, các cô con gái đã lập gia đình đều đã ra đi, nhưng ông bà Dương Thiệu Tước còn ở lại Việt Nam, lý do là con trai duy nhất của hai người, Dương Hồng Phong, động viên năm 1972 đang bị kẹt tại Chu Lai và bị bắt làm tù binh. Với số lương 64 đồng một tháng dành cho giáo sư Dương Thiệu Tước dạy lục huyền cầm cổ điển, hai ông bà phải sống trong những điều kiện vô cùng chật vật. Bà Minh Trang kể lại suốt trong những ngày đen tối, công việc của bà là ngồi lượm sạn và bông lúa để lo bữa cơm cho chồng con, trong khi đứa con trai tù tội vẫn chưa về. Năm 1978 khi Dương Hồng Phong ra tù, bà nghĩ đến việc phải rời đất nước. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vì thường đau ốm nên không muốn đi. Bà Minh Trang cùng ba con đến Thái Lan vào cuối năm 1979, và đi định cư tại Hoa kì.
Xứ Huế vẫn còn nhớ tới Minh Trang tên tuổi một thời, thính
giả đài Pháp Á không quên tên người ca sĩ này, cái tên Minh Trang hình như gắn
liền với âm điệu của một làn dân ca Huế, nỉ non và cũng ai oán trong "Đêm
Tàn Bến Ngự" cũng như với cái tên Dương Thiệu Tước. Cuộc đời sinh ra bà để
chúng ta có những tình khúc dịu dàng, thơm tho như một khu vườn Huế những đêm
trăng, đó là "Ngọc Lan", là "Ai về bến Ngự"....
(Nguồn: vietinfo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét