MÙA THU Ở HUẾ - GỬI EM Ở TẬN SÔNG HỒNG
Thân Văn Trọng Bình
Ở Huế mùa này buồn lắm em à! từng cơn mưa rả rich, từng đợt mưa
tuôn trào, từng làn mưa bay bay. Mưa như tiếc thương khoảng trời xanh mây trắng
nhởn nhơ… và dòng sông mưa bồng bềnh trôi đi bao ngậm ngùi kỷ niệm. Huế mùa thu
là vậy đó em à!
Nhưng có một tập bài hát có thể làm cho em hiểu thêm về cuộc sống,
ước mơ và khát vọng vươn lên của người Huế, đất Huế ngày qua, hôm nay và mai
này. Đôi khi, ước mơ và khát vọng ấy cứ thì thầm, thấp thoáng sau cánh nón
nghiêng che vẫn ngời lên cái chân chất, dung dị, lắng đọng, chân tình như chính
đất Huế và con người xứ Huế - chính là tập bài hát “Huế mùa thu”* đó em!…
Các bài hát được giới thiệu trong tập bài hát “Huế mùa thu”, đã
phản ảnh nhiều góc cạnh của đời sống xã hội, tâm tư tình cảm của con người
thông qua thể loại ca khúc mà nội dung, chất liệu làm nền là tiết thu,
mưa thu, lá thu, tình thu xứ Huế... Dù ở góc cạnh nào: phương pháp
phối âm, phối khí và phong cách biểu hiện của ca sĩ ra sao, thì các ca khúc vẫn
mang lại cho người nghe hơi thở say đắm, ngọt ngào và êm dịu của mùa thu, gần
như đa số các ca khúc là những khúc ca hoài niệm về mùa thu, về quê hương, tình
người, nghe tưởng đã cũ, nhưng trong lịch sử âm nhạc đã từng là những bản tình
ca bất tận, chưa bao giờ nói được hết và luôn luôn chẳng nói nên lời. Cũng
phải, Huế từng có một lớp nhạc sĩ “gạo cội” mà tên tuổi của họ gắn liền với
những khúc ca thu, những mây giăng, mưa bay, sương buông, tím chiều,
hạt nắng, tơ vương... Dường như chẳng nói mà ai cũng hiểu được đó là Thu và
đó cũng là Huế. Hình ảnh của Huế và Thu hòa quyện với nhau không thể tách rời,
đã tạo nên những kiệt tác âm nhạc về Huế mà chúng ta từng được biết đến qua hợp
tuyển “Tình khúc Huế thế kỷ 20” (NXB Âm nhạc - năm 2002).
Một số tác phẩm khác lại bám theo dòng thời sự xã hội để phản ánh
cuộc sống xây dựng phát triển quê hương Thừa Thiên Huế hôm nay, mà tiêu biểu là
các ca khúc “Âm vang Tả Trạch” của Minh Phương; “Em lại về với Huế” của Huy
Chu. Ca ngợi vẻ đẹp con người và thiên nhiên xứ Huế như các ca khúc “Nhớ về Huế
yêu” của Trần Hữu Pháp; “Tình biển Lăng Cô” của Mai Xuân Hòa; “Chiều thu Huế”
của Nguyễn Việt; hoặc phản ánh những diễn biến tâm lý xã hội hôm nay như ca
khúc “Tôi không thể...” của Giáo sư, NS Hà Sâm.
Trở lại với chủ đề Huế mùa thu, dường như đa số tác phẩm đều khai
thác triệt để kiểu giai điệu êm đềm, sang trọng như những vũ điệu cổ điển, hoặc
giai điệu dạt dào, bồng bềnh khát khao, ngậm ngùi kỷ niệm của một thời bạn và
tôi (hoặc anh và em) ở Huế, bạn và tôi xa Huế, bạn và tôi trở về Huế. Và để tạo
sự gắn kết giữa ca từ với loại giai điệu này để thành Thu Huế, hẳn rằng, ca từ
phải nêu được những địa danh xưa, cảnh đẹp xưa... ví như nguồn
cội xưa, vĩ dạ xưa, không gian xưa, con đường xưa, dòng sông xưa,
bến nước xưa và người xưa...
Một đặc điểm chung nữa là đa số các ca khúc được sáng tác với hình
thức tương đối đơn giản (hình thức hai đoạn đơn), không cầu kỳ, phức tạp, không
lấy thủ pháp và kỹ thuật sáng tác làm trọng, vậy mà nhiều tác phẩm đã trở thành
một ca khúc nghệ thuật (Romance), một khúc nhạc chiều (Serenade) hay một bản dạ
khúc (Nocture) khoáng đạt, trang nhã, lãng mạn và yêu kiều. Có thể tạm chia các
ca khúc trong tập bài hát “Huế Mùa thu” thành 4 nhóm phong cách như sau:
- Nhóm ca khúc mang phong cách ngợi ca, chính ca gồm: “Âm vang Tả Trạch” của Minh Phương; “Em
lại về với Huế” của Huy Chu; “Nhớ về Huế yêu” của Trần Hữu Pháp; “Tình biển
Lăng Cô” của Mai Xuân Hòa; “Chiều thu Huế” của Nguyễn Việt; “Huế và em” của Lê
Hồng Lĩnh và “Tôi không thể...” của Hà Sâm.
- Nhóm ca khúc ảnh hưởng phong cách tân nhạc lãng mạn gồm: “Phiên khúc thu Huế” của Phạm Phước Nghĩa;
“Huế thu” của Ngọc Ánh; “Đường xưa” của Trần Hữu Dàng; “Tiễn người đi” của Lê
Phùng; “Tình thu” của Đoàn Lan Hương; “Cho mùa thu trở lại” của Đoàn Phương
Hải; “Chiều” của Văn Đình; “Nỗi nhớ mùa thu” của Quốc Anh.
- Nhóm ca khúc mang âm hưởng dân ca hoặc kết hợp giữa dân gian và
hiện đại gồm: “Ngẫu hứng sông Hương”
của Lê Anh; “Hương tình xứ Huế” của Đại Dũng; “Tang tình tang” của Việt Đức;
“Trăng nghiêng” của Vĩnh Phúc; “Thẳm sâu” của Dương Bích Hà.
- Nhóm ca khúc mang phong cách trữ tình nghệ thuật gồm: “Huế vào thu” của Khắc Yên; “Tiếng thời gian”
của Việt Đức.
Tuy nhiên, giới hạn của các nhóm phong cách không phải là điều
tuyệt đối, chúng ta sẽ gặp các ca khúc với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các
nhóm phong cách với nhau như ngợi ca, chính ca với lãng mạn, trữ tình như “Ngẫu
hứng sông Hương” của Lê Anh; “Em lại về với Huế” của Huy Chu; “Tình biển Lăng
Cô” của Mai Xuân Hòa; “Chiều thu Huế” của Nguyễn Việt; kết hợp giữa phong
cách lãng mạn với ca khúc nghệ thuật như “Huế vào thu” của Khắc Yên; “Tiếng
thời gian” của Việt Đức. Đặc biệt là các ca khúc kết hợp âm nhạc dân gian và
hiện đại của Vĩnh Phúc, Dương Bích Hà, Việt Đức...
Một vài hạn chế của một số ca khúc trong tập bài hát này cũng cần
được nêu ra để rút kinh nghiệm, ví dụ một số bài nội dung xa rời với chủ đề Huế
mùa thu; rất ít bài gắn liền và bám sát thực tiễn cuộc sống để phản ánh, một số
bài sử dụng lối giai điệu cũ mòn, chưa nêu lên được sắc diện của nền âm nhạc
Việt Nam đương đại.
Huế mùa thu và mùa thu ở Huế là vậy đó em à!
Và cuối
cùng, tôi muốn báo cho em một tin mừng là cùng với việc phát hành tập ca khúc
“Huế mùa thu”, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Đài Phát thanh -
Truyền hình Thừa Thiên Huế tổ chức truyền hình trực tiếp, in ấn băng đĩa để
phát hành rộng rãi trong công chúng Đây là cơ hội rất mới, thỏa mãn một phần
nhu cầu của các nhạc sĩ sáng tác rằng: không thể để tác phẩm âm nhạc
của mình vĩnh viễn nằm im trong ngăn kéo ngay từ khi chúng vừa cất tiếng hát
chào đời..
*Tập
ca khúc “Huế mùa Thu” - Hội Âm nhạc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên
Huế phát hành - năm 2008.
ở trên đất nước Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung mình thấy mùa thu hà nội là đẹp nhất :)
Trả lờiXóa..............................................................................
Mr. Sỹ - Chuyên viên tư vấn giải pháp hội nghị truyền hình cho các doanh nghiệp
SDT:0909223007- 0918642886
Click để xem chi tiết:
hoi nghi truyen hinh | hội nghị truyền hình