Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Lâu Đài Chateau de Chambord

Lâu Đài Chateau de Chambord

Những ngày đầu tiên vừa đặt chân tới tỉnh Annemasse của nước Pháp, hai bố con tôi gặp rất nhiều khó khăn nơi xứ lạ. Bạn bè thì nhiều, nhưng ở khá xa. Hai người gần nhất là Nguyễn hiền Trung và Phạm cô Giao thì ở mãi tận Lyon, cách nhau cả vài tiếng lái xe. Mặc dù hai người luôn luôn nhắc nhở mầy cần gì gọi chúng tao ngay, sẽ tới liền, nhưng tôi vốn ngại ngùng khi phải nhờ vả bạn bè nên gồng mình chịu trận.
Nay qua người bạn, tôi quen được anh chị Cân, thật là một cái duyên may vì anh chị đối đãi với tôi như người trong nhà, và nhất là anh Cân, nay đã về hưu, rất thích đi đây đó. Hôm nay như đã nói, anh sẽ đưa tôi và Hồng Phúc đi thăm lâu đài Chateau de Chambord. 

Chateau de Chambord
hình quảng cáo trên Internet
Vì phải đi xa nên anh Cân đánh thức chúng tôi dậy sớm khi trời chưa sáng tỏ. Cũng như hôm qua anh đã lo đầy đủ mọi vật dụng và thức ăn cần thiết rồi chúng tôi ra xe đi ngay. Anh âm thầm làm việc trong im lặng khi chị Dung và chúng tôi còn đang ngủ. Tôi muốn nói nhiều lời cảm ơn anh nhưng tôi biết sẽ dư thừa và khách sáo bởi anh Cân đâu cần, hoặc chỉ một lời là đủ.
Tôi vô cùng háo hức vì sẽ được đi trên những con đường xuyên qua lòng nước Pháp. Những con đường về những miền quê mà mấy mươi năm trước đây đã là niềm mơ ước của một cậu học sinh nghèo mỗi lần mở trang sách trong cuốn 
Cours de langues của giờ Pháp ngữ. 

Lâu đài Chambord nhìn từ trên không
Trời còn sớm không kẹt xe nên chỉ vài phút sau là chúng tôi đã ra xa lộ. Tuy có máy chỉ đường (GPS) nhưng anh Cân cũng đưa cho tôi một tấm bản đồ để liên tục theo dõi đường đi. Hai bên đường cây xanh nhìn chưa rõ lá, ánh đèn vàng mờ tiếp nối nhau làm không gian như có màu tơ. Không biết có phải bị ảnh hưởng bởi cái trữ tình lãng mạng của nước Pháp hay không mà với khí hậu mát mẻ, êm đềm của một đêm gần sáng mùa thu hôm nay tôi cảm thấy hương đêm như có mùi mật ngọt, nồng nàn.
Anh Cân cho xe dừng đổ xăng trong một quán 
convinience store bên đường. Quán mang tên Flunch Express, sạch sẽ với những trụ bơm hiện đại, lắp ráp và trình bày như ở Mỹ. Tôi mua Café cho mình và anh Cân, ngạc nhiên thấy anh tu một hơi như người ta uống nước ngọt. Trong quán người ta bày bán nhiều thứ làm Hồng Phúc cứ thẩn thơ nhìn ngắm. Tôi lưu ý là phải tiết kiệm thì giờ. 

Một trạm xăng trên đường vào xa lộ
Đi một lúc thì trời hừng sáng. Chúng tôi đã ra khỏi thành phố để đi vào vùng quê nước Pháp. Khoảng một tiếng sau anh Cân cho xe ra khỏi xa lộ dừng lại ở một rest area ven đường để chúng tôi ăn sáng. Vì còn sớm nên khu nghỉ chân vắng lặng. Chúng tôi tìm một cái bàn bày thức ăn mà anh Cân đã mua sẵn, lấy ra đĩa giấy và muỗng niã, phết bơ vào bánh mỳ và cho thịt nguội cà chua vào trong rồi rót nước ngọt ra ly như ở nhà. Người dân Pháp ăn uống trịnh trọng và thú vị khi thưởng thức đồ ăn chứ không xuề xoà mau mắn như người dân Mỹ. 

Một khu vực nghỉ chân bên đường
Khoảng hai giờ sau chúng tôi rời bỏ xa lộ vào những con đường quê quanh co trong những hàng cây. Có những lúc đi qua những ngôi nhà nối liền nhau như ở phố nhưng rõ ràng là một làng quê. Có những khi đi qua những con đường thất đẹp, anh Cân tiếc rằng mùa này còn sớm lá chưa vàng đủ để màu sắc vương vào không gian tạo nên một bức tranh đẹp mùa thu. 
Một làng quê nưóc Pháp
Rồi chúng tôi cũng tới con đường nhỏ dẫn vào lâu đài. Nơi đây không có xóm làng, không có nhiều hoạt cảnh sinh đông như ở ngoài kia. Giữa một không gian im vắng lâu đài Chambord uy nghi và đồ sộ toạ lạc giữa cánh rừng.
Chúng tôi gửi xe đi vào con đường đá sỏi dẫn vào hồ nước phiá sau lâu đài. Qua những tàng cây bấy giờ chúng tôi mới thấy phía bên phải là những quán xá chắc để bán đồ lưu niệm và những tiệm ăn, nhà ở cho những nhân viên bảo tồn phục vụ. Tôi đi theo con đường đá cũ, tới bức tường thành một phần đã đổ nát bên hồ nước, yên lặng nhìn toàn cảnh lâu đài lặng yên soi bong bên hồ, hoang vu mà lồng lộng giữa trời xanh.
Nếu ngày xưa còn bé, đọc chuyện nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, mơ ước làm hoàng tử để đánh thức nàng công chúa dậy trong một lâu đài mơ mộng ở trong rừng thì hôm nay đây, giữa đất Pháp trữ tình và lãng mạng này một phần ước mơ đã thành sự thực. Lâu đàu Chambord đẹp quá tuy rằng có những chỗ rêu phong mái đổ trầm buồn, nhưng càng buồn càng đẹp với thời gian. 
Mặt trước lâu đài Chateau de Chambord
Lâu đài có bốn ngọn tháp to ở bốn góc, bốn tầng cao và hơn hai mươi ngọn tháp chen chúc nhau ở phía trung tâm. Mái nhọn cao vút lên không của những ngọn tháp mang đến cho tôi cảm tưởng như lọt vào một không gian xa xưa với những tình yêu mang đầy huyền thoại. Thì chính tình yêu đã xây dựng nên lâu đài này đây. Nghe chuyện thật có trong sử sách mà cứ tưởng như chuyện hoang đường.
Mua vé xong chúng tôi đi vòng bên hông lâu đài tiến về phía trước vào con đương trải đá trước cổng lâu đài. Toạ lạc trong một cánh rừng rông hơn 13 ngàn mẫu với vô vàn muông thú, tôi được anh Cân kể rằng lâu đài được vua Francois đệ nhất của Pháp xây dựng từ năm 1519 chỉ dùng để nghỉ khi săn bắn và đề gần nàng tình nhân vốn là vợ của của một nhân vật trong gia đình giàu có Pháp, chủ lâu đài Muides ở gần đó. Mê gái đến độ xây hẳn một lâu đài nguy nga để dâng tặng người tình thì trên đời này mấy ai hơn được ông vua này. Huy hiệu của nàng Claude Rohan, người tình nhân tốt số được trang trí trong khắp lâu đài đủ cho ta biết vua Francois lãng mạng vô cùng. Vua đã thế trách nào dân Pháp không đa tình sao được. 
Mặt sau của lâu đài Chateau de Chambord
Trình vé qua cổng, ba anh em tiến vào sân gạch được bao quanh bốn bức tường cao biệt lập với bên ngoài. Hôm nay không đông người lắm làm tăng thêm vẻ hoang phế vốn đã tự ngàn năm. Thật vậy, Chateau de Chambord được xây dựng nên để dâng tặng cho một tình yêu, để làm chỗ nghỉ chân khi săn bắn chứ không để ở. Mà suốt dọc về sau này, số phận của nó cũng trống vắng như lúc ban đầu người ta xây dựng nó.
Tôi đi thẳng vào phòng thuyết trình và chiếu phim để muốn biết về lâu đài. Có máy thuyết trình bằng tiếng Anh để du khách biết tổng quán những nơi mình muốn đến. Tôi đi lên lầu hai, lầu ba ,bốn cho đến hết bậc thang xuắn ốc. Người ta đồn rằng bậc thang này là một kiến trúc độc đáo của Leona de Vinci với hai đường lên xuống du khách không hề chạm mặt nhau. Người ta cũng đồn rằng chính Leona deVinci mới là người vẽ kiểu đầu tiên để xây dựng lâu đài chứ không phải Domenico da Cortona. 
Cầu thang hai chiều lên và xuống giữa 
các tầng lầu không hề trông thấy nhau
Những phòng rộng lớn được bài trí thiếu thực tế. Ngay cả hệ thống phòng thủ an ninh cũng không được nghĩ đến. Sự thay đổi về kiến trúc luôn xẩy ra trong suốt hơn hai mươi năm xây dựng lâu đài.
Về lịch sử của lâu đài Chambord cũng lạ lùng. Khi vua Francois I mất đi lâu đài bị bỏ hoang phế mục nát trong 80 năm sau đó. Đến năm 1639 vua Louis 13 cho người em là Gaston d’Oleans. Ông này chỉnh trang lại một phần. Đến đời vua Louis 14 lâu đài được tu sửa lại hoàn toàn nhưng cũng chỉ dung để nghỉ ngơi trong lúc săn bắn mà thôi rồi từ năm 1685 lâu đài cũng trở thành hoang phế.
Đời Louis 15 lâu đài được cho Stanislas Leszcinsky, vua Ba Lan bị truất ngôi , cũng là nhạc gia của Louis15. Sau bao nhiêu trôi nổi điêu tàn cuối cùng lâu đài thuộc về Ducal family rồi thành tài sản của chính phủ Pháp ngày nay.
Bên trong lâu đài được tô bằng đất sét màu ngà. Trần nhà được khắc tỉ mỷ những huy hiệu của vua Francoi I là những con rồng lửa. Tôi lên tới đỉnh, cả một mặt bằng cũa sân thượng rộng mênh mông được xây dựng nên hơn hai mươi ngọn tháp với đủ hình đủ kiểu với những mái nhọn cao vút lên trời.
Trên trần được chạm khăc tỉ mỷ 
những huy hiệu của vua Francois I
Tôi đứng rất lâu để nhìn ngắm một công trình vừa vĩ đại vừa lãng mạng của người xưa. Tình yêu quả là vĩ đại để hai mươi mấy năm trời, với bao nhiêu công sức tiền của của người dân Pháp xây dựng nên, hiện hữu mà tay tôi sờ thấy được hôm nay.
Trên bậc thang cuối cùng để lên tầng tháp có biết bao nhiêu tên tuổi và trái tim được khắc vào tường đá của những cắp tình nhân đã đến đây. Tôi cũng muốn khắc tên mình vào trong đá nhưng một nửa của tôi đã đi vào thiên thu cho nên tôi chỉ khắc được một trái tim cô độc mà thôi. 
Từ trên sân thượng hơn 20 ngọn tháp 
vươn lên trời xanh.
Đi hết những tháp cổ chúng tôi xuống thang vào những phòng đ ược trưng bày bên trong như phòng ngủ của vua Louis 14, phòng giải trí và vô số các phòng khác mà tôi không thể nào nhớ hết. Lâu đài Chambord có tất cả 440 phòng lớn nhỏ, 365 lò sưởi và 84 cầu thang lên xuống. Được kiến trúc đặc trưng thời Phục Hưng, pha trộn truyền thống Pháp, Ý cổ xưa. Đây là một lâu đài rộng nhất vùng Loire Valley, đẹp như tranh vẽ và gây ấn tượng đẹp nhất trên thế giới. 
Một góc của lâu đài Chambord 
nhìn từ lầu 4
Chúng tôi đi qua các phòng để những dụng cụ quyền quý thuở xưa . Cỗ xe ngựa vương giả mà vua chúa xưa dùng. Những bức tượng khoả thân của những nàng thiếu nữ với vòng đo không thể chê vào đâu được. Tôi ngó trước ngó sau không thấy ai bèn để máy ảnh trên một bệ cao tự chụp cho mình một tấm.
Những bức tượng mỹ nhân khỏa thân

với những vòng đo làm chóng mặt nhiều người.
Đến chiều chúng tôi mới ra về. Đói quá ba anh em ghé vào một quán ăn lộ thiên ngay đó. Tưởng rằng sẽ bị chém tới nơi vì đây nằm trong khu du lịch ai ngờ lại rẻ hơn nơi khác. Chúng tôi tự thưởng cho mình rượu vang và thịt bò, khoai tây chiên vừa ăn vừa nhìn lại lâu đài. Ngày xưa vua quan Pháp mỗi khi đi săn về chắc cùng nhau chè chén nơi này. Tôi cứ trầm ngâm mãi cho đến khi Hồng Phúc và anh Cân giục giã ra về. 
Một rừng tháp lớn nhỏ trên sân thượng lâu đài
Anh Cân cho xe vào trạm trả tiền để vào xa lộ. Tổng cộng con đường khoảng hơn một trăm miles chúng tôi phải trả hết 28 Euro lệ phí, thật là quá đắt so với Hiệp chủng quốc Hoa kỳ. Nhưng để đi đến một nơi mà mình đã thích thì cũng không đắt lắm. 
Một trạm thâu tiền lưu hành xe trên xa lộ
Anh Cân lại bảo ngày mai sẽ chở chúng tôi quanh một vòng ven bờ sông Seine, phía bắc Paris xem phong cảnh, sinh họat và vào rừng hái trái noir về lám bánh. Tôi và Hồng Phúc cảm động với sự săn sóc của anh, nhưng không thể phiền anh chị thêm được nữa.
Theo đúng dự trù thì chiều ngày mai chúng tôi sẽ phải giã từ anh chị Cân để lên quận 20 Paris thăm một người anh Hồng Phúc. Ngay đêm đó chúng tôi sẽ ra 
Gare du Nord để mua vé vượt biên giới Pháp qua thành phố Franford của nước Đức. Ở đó có anh chị Phạm Trương Long đang chờ chúng tôi viếng thăm xứ xở của những thiên tài.
Nguyễn Bá Thuận


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khu ổ chuột Những ngôi nhà dột nát… Những thân hình dặt dẹo… Những bóng đèn tù mù… Những con đường quanh co không lối thoát… Một góc H...