Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Thung Lũng Sông Rhein

Thung Lũng Sông Rhein

Cứ lang thang đi bộ qua các con đường của khu mua sắm Zeil chúng tôi đã mất hết buổi trưa. Không khí đầu thu thích hợp lạ lùng với những quán cà phê suốt dọc con đường nên rất đông người thưởng thức. Cái lành lạnh trong không khí sao mà đồng điệu với vị đăng đắng nồng nàn của cà phê, làm cho làn khói thuốc không thể thiếu trong những quán hàng đông vui. Người ta làm việc và thưởng thức cuộc đời ung dung nhàn nhã, chẳng thấy một dấu hiệu gì cho sự khó khăn khốn khó.
Chị Yến dẫn chúng tôi đi vào khu phố cổ. Toàn bộ khu quảng trường Romerberg rộng mênh mông được lát bằng những hòn đá nhỏ mà có lần tôi được thấy chiều sâu dài gấp hơn hai lần bề mặt. Sâu như thế chẳng trách nào khoảng sân bền bỉ mãi với thời gian.
Nhà thờ lớn trong thành phố cổ
Quảng trường nằm ngay trung tâm thành phố với toà thị chính có từ thế kỷ thứ 14, được bao quanh bởi những toà nhà cổ có lối kiến trúc thời hậu Gothic kiểu cách và tôn nghiêm như những thánh đường. Nơi đây có con đường trải đá như trong sân dẫn đến nhà thờ lớn (Kaiserdom st Bartholomaus). Ngày xưa các vị vua của vương triều Đức thường đi bộ từ nhà thờ sau lễ đăng quang đến quảng trường để dự tiệc mừng trong tòa thị chính. Trước nhà thờ lớn là vườn treo lịch sử với các cổ vật được khai quật từ thời La Mã cổ xưa. 

Tại khu phố cổ, 6 căn nhà trước quảng trường Romerberg
bị tàn phá trong thế chiến thứ 2 được xây dựng lại.
Phía sau là nhà thờ lớn.( ảnh từ Internet)
Đứng tại nơi đây tôi như thuộc về dĩ vãng của sáu bảy trăm năm trước, thời mà các hiệp sĩ vung gươm chỉ kiếm tiến ra sa trường với cung tên trên lưng ngựa. Ra đến ngoài kia, chỉ khoảng mười lăm phút dạo chơi tôi đã lạc vào một thế giới hoàn toàn khác hẳn, với những nhà cao tầng như muốn chọc thủng trời xanh với những phương tiện tối tân của điện tử mà ngồi tại nơi đây với chiếc handphone nhỏ xíu, bấm vài con số ta có thể đánh thức được người phía bên kia, xa ta hằng nửa vòng trái đất thức dậy để nói chuyện tâm tình. 

Một bức tượng trong công viên khu phố cổ
Chiến tranh thế giới thứ hai đã tàn phá một phần lớn khu phố cổ này. Ngày nay thành phố Frankfurt đã trùng tu và sửa sang mới lại các căn nhà nhưng không mất đi dấu vết cổ xưa nhất là sáu căn nhà phía đông của quảng trường hầu gần như phải làm mới lại hoàn toàn.
Cả một phần thành phố, từ khu mua sắm Zeil đến khu phố cổ là một thế giới khác hẳn. Sinh hoạt nhộn nhịp tươi vui nhưng không xô bồ ồn ào, không có những âm thanh như muốn xé toang màng nhĩ. Không có xe hơi, xe máy mà chỉ có xe đạp và người đi bộ. Muốn dạo chơi mà thương hại đôi chân người ta có thể thuê những chiếc xe nhỏ dễ thương chắc rằng chạy bằng điện vì không bao giờ có khói và tiếng động. 

Đây có phải là một chiếc xe xích lô của Frankfurt
Tôi ngồi xuống một bệ đá dưới chân đài phun nước trong quảng trường Romerberg để nhìn về phía nhà thờ lớn có vườn treo lịch sử tần ngần nhớ về một khoảng thời gian đen tối của chiến tranh xưa. Sao một đất nước tươi đẹp như thế này mà mấy mươi năm trước lại sản sinh ra một chế độ Phát Xít cực kỳ tàn bạo giết hại hơn sáu triệu người Do Thái chỉ vì khác giống vơí mình. Lòng kiêu hãnh cộng thêm quyền uy và bạo lực đã xô đẩy nhân loại đến vực thẳm kinh hoàng. Thật vậy, con người nếu một ngày nào đó xa rời ánh sáng của chân thiện mỹ thì sẽ sa ngay vào địa ngục tối tăm.
Hôm nay tôi có giây phút may mắn bình an được chiêm ngưỡng những công trình thiện mỹ của người xưa, cầu mong nhưng giây phút này sẽ kéo dài mãi mãi trong đời. Cầu mong lòng tự tôn và quyền lực đang ngự trị trên quê hương tôi sẽ sớm nhận ra chân lý.
Đi với thời gian trôi nhanh, chưa thưởng thức được bao nhiêu thì chiều đã xuống. Mưa thu lất phất bay càng thêm mau tối. Chúng tôi vội vã trở lại điểm xuất phát ban đầu để chờ anh Long đến đón. Tôi và Hồng Phúc đi dọc theo bờ sông để nhìn hoàng hôn xuống, mặc cho gió thổi mưa bay.
Tôi nhận xét một điều là tại Franfurt xinh đẹp này chỉ thấy những chiếc xe hơi bóng loáng, sang trọng chứ không thấy một chiếc xe cũ kỹ sờn tróc nước sơn nào thì chị Yến đã giải thích rằng đó là luật của thành phố. Người chạy xe xấu xí, không thẩm mỹ sẽ bị phạt nên ai cũng phải o bế chùi rửa chiếc xe của mình để giữ vẻ mỹ quan cho thành phố.
Ngày hôm sau, chị anh Long và chị Yến đưa chúng tôi đi thăm người em gái của chị, một dược sĩ làm việc ở tỉnh kế bên. Cô là một thuyền nhân của thập niên 80, kết hôn với môt thanh niên cùng lứa là một nhà đấu tranh nhân quyền nổi tiếng của châu Âu. Tuy hai người không muốn được nói đến nhưng tôi vẫn nhắc tới đây như một lời cảm ơn trân trọng.
Ngày kế tiếp chúng tôi được anh Long và chị Yến cho đi chơi xa. Cho dù anh chị đã nói trước về chuyến đi này nhưng thú thực tôi không ngờ là nó mang đến cho tôi nhiều ngạc nhiên và thú vị đến thế. Đó là đi dọc theo dòng sông Rhein để thưởng thức một vùng thung lũng đẹp nhất của nước Đức nếu không muốn nói là của cả Âu châu. 

Xa lộ nước Đức rộng rãi thênh thang không thua gì đất Mỹ
Chúng tôi đi bằng xe hơi, bắt đầu từ sáng sớm, chỉ khoảng mươi lăm phút qua các con đường là đã ra tới xa lộ A 5. Khi trước ở Pháp tôi được anh Cân giải thích rằng nếu các xa lộ mang chữ A ở đầu là xa lộ liên bang. Chắc ở Đức cũng mang cùng ý nghiã này nhưng khác hơn là chạy trên các xa lộ của Đức quốc không bao giờ phải trả tiền như hầu hết các xa lộ ở Mỹ nên rất là thoải mái. Cái ngạc nhiên của tôi là không ngờ nhà cửa lúc nào cũng san sát, chạy dọc theo hai bên bờ sông hàng trăm cây số,và có lẽ còn nhiều hơn nữa vì chúng tôi chỉ đi tới hợp lưu giữa hai con sông Rhein và Mosel mà thôi. Tôi có cảm tưởng rằng con sông là con đường chính chạy dài bất tận. Nơi đây cũng có “Cánh đồng bất tận“ của nhà văn Nguyễn ngọc Tư, nhưng là sự bất tận của những bức tranh sông nước tuyệt vời và sự giàu sang không bao giờ hết. 
Rất nhiều lâu đài trên sườn núi dọc hai bên bờ sông Rhein
Xe chạy trên con đường phía bắc của dòng sông. Tôi nhìn sang bờ phía Nam để thấy một màu xanh non của những ngọn đồi trồng nho với những hàng cây đều đặn. Phía duới là nhà cửa với đủ mọi kiểu cách chen nhau giữa những con đường ngắn dẫn lên đồi. Xa hơn nữa trên lưng chừng núi, lẩn khuất trong những tảng đá to và cây cổ thụ là những toà lâu đài đá cổ mà tuổi đời có khi đã ngàn năm. Màu xám xanh của đá bền vững như thách thức với thời gian. Ở đâu, giữa trời Âu chúng tôi đều thấy dĩ vãng và hiện tại như trộn lẫn vào nhau.
Một khúc quanh trên thung lũng sông Rhein (ảnh từ Internet)
Nhớ lại lời của người bạn tôi Đỗ nguyên Thiện, đã từng sống lâu năm ở Âu châu khuyên rằng muốn khám phá vẻ đẹp của châu lục cổ xưa này phải từ từ, bóc dần từng lớp áo sao thấy hợp lý vô cùng. 
Những vườn nho bạt ngàn hai bên bờ sông Rhein
Sông Rhein, nguyên âm bằng tiếng Đức là con sông dài và quan trọng nhất nước. Nó dài hơn 1200 km bắt nguồn từ Thụy Sĩ, vượt qua một hành trình dài, xuyên qua xứ Hoà Lan để chảy về biển Bắc. Các hợp lưu của sông Rhein và sông Mosel cùng với sông Neckar tạo nên một vùng ấm áp, đầy ánh mặt trời và là vùng dân cư sầm uất đứng vào hàng thứ hai của nước Đức với hơn năm triệu người. Nơi đây khí hậu rất thích hợp với nông nghiệp, các vườn trồng nho cheo leo trên sườn núi chạy bạt ngàn hai bên bờ sông và là chiếc xương sống của kỹ nghệ rượu nho của nước Đức. 
Sinh hoạt trong một ngôi làng cổ bên bờ sông Rhein
Anh Long dừng lại ở một thị trấn bên sông . Ở đây người ta xây dựng một tượng đài lớn. Đó là đài tưởng niệm Niederwald monument. Đài tưởng niệm được thành lập để tưởng niệm sự tái thiết lập đế chế Đức sau chiến thắng trận chiến Pháp - Đức (1870-1871). Theo lời của anh Long, ngày ấy nước Pháp bại trận phải mất một phần lãnh thổ cho người Đức. 

Đài tưởng niệm Niederwald ở Rudesheim.
Nơi đây người ta có đường dây cáp di chuyển khách du lịch lên đỉnh núi để ngắm nhìn một vùng sông núi hữu tình, một khúc quanh của dòng sông chảy siết.
Chúng tôi tìm chỗ để xe để đi bộ vào thị trấn. Ngoài con đường chính chạy dọc ven sông là những con đường ngang nho nhỏ chạy ngược lên sườn đồi. Cái đặc biệt là những con đường đều lát gạch, thứ gạch chôn sâu xuống đất hai phần như tôi đã nói. Những con đường quanh co như vào ngõ hẻm vừa đủ rộng để cho người ta tản bộ. Tuyệt nhiên xe hơi không thể đi vào.
Du khách đông vui như ngày mở hội. Chúng tôi đi qua những gian hàng, những tiệm ăn những bar rượu ngoài trời. Những người bán hàng chào mời vui vẻ, không giằng co lôi kéo, không chụp giựt ồn ào. 
Một hầm rượu nho sâu trong lòng đất
Các cô gái Đức rất trẻ chào mới du khách một loại rượu nho sống vừa mới lên men. Tôi uống thử cho biết vì cũng rẻ, chỉ 1 Euro một ly chẳng ngờ ngon quá với vị vừa chua vừa ngọt. Tôi uống thêm tới ly thứ hai đã ngấm men say, chắc vừa say rượu vừa say đôi má hồng hồng của người con gái phương xa.

Quán rượu nho với cô bán hàng mặc áo màu xanh đang rót rượu
Chúng tôi tình cờ gặp hai cô gái Việt Nam. Chào hỏi nhau tôi biết là hai du học sinh đến từ miền Bắc. Các cô đi dạo chơi trước khi nhập học. Chị Yến và Hồng Phúc chụp hình với hai cô và không quên lời nhắn nhủ.
Chi Yến, Hồng Phúc và hai du sinh Việt Nam tại một làng quê bên bờ sông Rhein
Chúng tôi vào ăn trưa ở một gian hàng mà phòng ăn chính ở dưới tầng hầm. Thức ăn ngon và không đắt lắm so với bên Pháp nhưng vào đến phòng vệ sinh thì tôi hơi thất vọng. Nhìn bên ngoài tuy sạch sẽ nhưng mùi hôi thì vẫn còn. Có lẽ họ không dùng hóa chất như ở bên Mỹ chúng ta chăng.
Ăn xong, thay vì phải dùng dây cáp thì chúng tôi lên xe để lên đỉnh núi cho đỡ tốn tiền. Nơi đỉnh này có cái tên mà tôi vẫn nhớ: Lorely
Có tấm bảng ghi rằng bạn đang đứng ở một nơi đẹp nhất thế giới. Có đúng vậy không.
Đường đi quanh co theo sườn núi lên cao dần. Có lẽ đỉnh này là nơi cao nhất trong khúc quanh của dòng sông. Trên đỉnh có những chỗ để người ta nhìn toàn cảnh giòng sông. Tôi bắt gặp một dòng chữ bằng tiếng Anh: Bạn đang đứng ở một nơi đẹp nhất trên thế giới. Thực vậy hay chăng ?
Bức tượng cô gái tóc vàng trên đỉnh Lorely
Xen giữa các căn nhà dành cho khách du lịch là một bức tượng cô gái tóc vàng. Anh Long kể tôi nghe về chuyện cô gái này là con một người giàu có trong vùng rất hiền hòa và đầy nhân ái hay giúp đỡ người nghèo khó. Không hiểu vì lý do gì mà cô từ giã cuộc đời ngay giữa giòng sông (Anh Long có kể chi tiết mà tôi không nhớ rõ). Trước kia, khúc sông này quanh co hiểm trở nên các thương thuyền qua đây thường gặp tai nạn khi trời giông bão. Từ khi cô gái tóc vàng mất đi, thương nhân thường hay cầu nguyện đến cô mỗi khi gặp sự hiểm nguy. Lạ lùng thay sau đó trời quang mây tạnh, sông nước yên bình, tai qua nạn khỏi. Từ đó người ta biết ơn cô và dựng tượng kỷ niệm ở khúc quanh này.
Khi xuống núi anh Long chở chúng tôi đi thêm một đoạn đường dài, đến tận ngã ba của hai giòng sông Mosel và Rhein. Nơi đây cũng có một bức tượng to lớn mà tôi cũng không thể nhớ tên. Tôi và Hồng Phúc trèo lên những bậc thang để tới đỉnh đài nơi đặt bức tượng đồng to lớn của một vị tướng quân đang cưỡi ngựa. Tuy dưới chân tượng đài nhưng tôi cũng có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn hợp lưu của hai giòng sông . 

Bản đồ gắn ở bên đường ghi tổng quát những địa điểm du lịch trong thung lũng sông Rhein
Trời bắt đầu vào tối mà chúng tôi vẫn còn ở rất xa Frankfurt. Anh Long cho xe đi qua phía bên kia sông để trở về. Khi trên đỉnh cao tôi nhìn thấy giòng sông quanh co đầy những ánh đèn long lánh đẹp vô cùng. Lâu lâu lại có những chiếc cầu bắc ngang như một giải ánh sáng vắt qua dòng sông. Trời đêm lành lạnh cho chúng tôi thêm sức khoẻ. Tôi cảm ơn anh chị Long đã cho tôi được biết một vùng đất xinh tươi của châu Âu mà trước đây tôi không ngờ tới.
Sẽ có thể không bao giờ tôi được nhìn thấy những cảnh vật thơ mộng này lần nữa, nhưng tôi biết mảnh đất này sẽ là một phần của tâm hồn tôi. Một tâm hồn chưa bao giờ già theo năm tháng.
Ngày mai chúng tôi sẽ chia tay và giã từ Frankfurt. Giã từ thung lũng sông Rhein và nước Đức để trở về đất Pháp. Tôi sẽ xuôi Nam, băng qua Thuỵ Sĩ để đến tỉnh Annemasse. Lưu Hồng Phúc sẽ sang đông để về lại Paris. Tất cả những ngày qua sẽ là những ngày tươi đẹp đáng nhớ trong đời.

Nguyễn Bá Thuận



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muố...