Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Mỗi nghệ sĩ phải là một thế giới riêng

MỖI NGHỆ SĨ PHẢI LÀ MỘT THẾ GIỚI RIÊNG

Nguyễn Đình Đăng - trích dịch

Arthur Rubinstein sinh năm 1887 tại Ba Lan.
Ông bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ năm 2 tuổi. Lên 4 ông đã được coi là thần đồng. Bố ông muốn ông học violon, nhưng ông đã đập nát cây violon, nói rằng ông không có hứng. Bố ông đành để ông học… piano.
Ông không thành công lắm khi ra mắt tại Hoa Kỳ năm 1906. Thất bại, nợ nần, người yêu bỏ, đã khiến ông suýt tự tử vào năm 1908, nhưng rồi ông cũng tự thu xếp làm một nghệ sĩ piao biểu diễn tại châu Âu.
Trong Đệ Nhất Thế Chiến ông làm phiên dịch để kiếm sống. Sau khi Đệ Nhất Thế Chiến kết thúc, ông được thế giới biết đến trong những lần lưu diễn tại châu Âu và Nam Mỹ.
Năm 45 tuổi (1932), hiểu rằng mình đã không luyện tập đầy đủ khi còn trẻ, ông ngừng biểu diễn, đóng cửa nghiên cứu tổng phổ và luyện kỹ thuật piano.
Trước khi nổ ra Đệ Nhị Thế Chiến, Rubinstein kịp di tản sang Mỹ và trở thành công dân Hoa Kỳ năm 1946. Tại đây ông trở nên nổi tiếng tới mức được giới chuyên môn và công chúng coi là “nghệ sĩ piano vĩ đại nhất thế kỷ 20”.
Bản thân Rubinstein nghĩ thế nào về danh hiệu này?
Mời quý vị xem phần trích dịch trả ông lời phỏng vấn khi ông 90 tuổi dưới đây.
Ông mất tại Geneva (Thụy Sĩ), thọ 95 tuổi.
Có thể theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn dưới đây:
Hỏi:
Khi mọi người nói rằng ông là nghệ sĩ piano giỏi nhất thế kỷ này, ông có tin họ không?
Arthur Rubinstein:
Không. Chẳng những tôi không tin, mà còn rất tức giận vì đó hoàn toàn là một điều nhảm nhí dị dạng đáng kinh tởm.
Hoàn toàn không có cái gọi là nghệ sĩ piano vĩ đại nhất trong bất cứ thời đại nào, của bất kỳ ai hay bất kỳ cái gì. Trong nghệ thuật không có gì là hay nhất, mà luôn luôn chỉ có sự khác nhau.
Đây là lý thuyết của tôi: Tôi cho rằng một nghệ sĩ, bất kể đó là hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ trình diễn, nhà soạn nhạc, nhạc công, hay bất cứ người nào mang danh nghệ sĩ, phải là người có cá tính không bị trộn lẫn được, tức chỉ có một, mà không có người thứ hai. Anh ta là Joe Smith, và không có người nào như vậy.
Đối với tôi, nếu người ta nói với tôi: “Ông biết không, anh ta chơi như một Liszt thứ hai, một Paderewski thứ hai…” “Một người thứ hai” thì đã là hỏng rồi. Nếu anh ta là người thứ hai, anh ta không có giá trị gì hết, anh ta chỉ là kẻ bắt chước. Một nghệ sĩ, bằng bất cứ kiểu gì, phải là một thế giới riêng của chính anh ta.
Giả sử bây giờ tôi hỏi anh: “Thực sự theo anh thì ai là hoạ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại: Leonardo da Vinci, hay Michelangelo, hay Raphael, hay Titian, hay Velasquez, hay Rembrandt?” thì anh sẽ trả lời thế nào đây? Mỗi người trong số họ là cả một thế giới riêng, cả một thế giới! Nếu tôi xem một triển lãm các tác phẩm của Rembrandt, mà tôi đã từng được xem một lần tại Amsterdam, nhân dịp kỷ niệm ông, 350 tác phẩm, không phải tất cả các tác phẩm là của Rembrandt, nhưng là phần lớn là của ông ấy, thì tôi dám chắc với anh rằng không có gì trên thế giới này lại có thể tương tự như vậy cả.
Tôi tự hỏi: “Đâu là nguyên nhân của những thành công tôi từng có trong suốt cuộc đời tôi?”. Bởi vì rõ ràng tôi chơi piano không giỏi như phần lớn các pianists từng chơi. Tôi cũng chưa bao giờ lao động nhiều như họ. Họ chơi piano quá hoàn hảo. Các pianists trẻ bây giờ chơi piano tới mức không thể nào chơi giỏi hơn được nữa! Nhưng khi tôi nghe họ chơi như vậy, tôi hỏi họ: “Vậy khi nào các bạn sẽ bắt đầu tạo ra âm nhạc?”.
Tạo ra âm nhạc – đó là điều khiến tôi quan tâm nhất. Điều đó có nghĩa tạo ra âm nhạc là cái gì đó siêu hình. Một bức tranh là một bức tranh, ta có thể nhìn thấy được. Một bức tượng cũng là một vật ta có thể nhìn thấy được. Một bài thơ cũng là thứ ta có thể thấy được trên giấy. Trong khi đó âm nhạc cũng là thứ ta có thể nhìn thấy nhưng không phải tất cả, vì ta còn cần phải có một phần khác để làm cho ta thấy, để trình bày diễn dịch âm nhạc, đó là những nhạc công. Tôi thuộc nhóm người đó - những người diễn dịch. Tôi gọi những người diễn dịch là những tài năng, còn các nhà soạn nhạc là những thiên tài.
Nhưng điều xảy ra với tôi lại là một cái gì đó rất lạ mà tôi thường gặp. Tôi thường thấy một bức tranh khá buồn cười: tại buổi hoà nhạc, tôi đi ra sân khấu để diễn, tầm vóc bé nhỏ của tôi khiến tôi trông giống một tay phục vụ nhà tang lễ, còn cây đàn piano thì trông từa tựa như chiếc quan tài. Còn khán giả thì sao? Khán giả ngồi kín khán phòng. Họ đến xem sau khi vừa ăn bữa tối no nê, các quý bà ăn mặc lộng lẫy còn các quý ông đang suy tư về các vụ làm ăn, về các cuộc chơi, về các trận đấu thể thao, v.v.
Tôi đứng trước đám đông như vậy, không phải tất cả bọn họ đều có tai nghe âm nhạc, hiểu biết về âm nhạc, nhưng họ yêu âm nhạc, và đó là tình huống rất khó. Tôi phải cuốn hút được sự chú ý của họ bằng cảm xúc của tôi chứ không phải bằng bất cứ cách gì khác. Tôi không thể nhìn vào mắt họ, không thể nhăn nhó mặt mũi, không thể hét lên: “Này, nghe này, đoạn này rất hay đây này, đây là đoạn rất cực kỳ cho quý vị đây, a ha ha…”, không thể làm bất cứ cái gì kiểu như vậy. Tôi phải chơi, nhìn thẳng về phía trước. Nhưng có một ăng-ten nào đó, một cái gì bí mật phát ra không phải từ tôi, mà từ cảm xúc của tôi. Anh có thể gọi đó là linh hồn nếu anh muốn.Tôi không biết linh hồn có nghĩa gì, nhưng đó là từ hay được dùng trong những tình huống như vậy. Và cái gọi là linh hồn ấy phóng chiếu những điều tôi cảm nhận vào khán giả khiến đột nhiên toàn bộ khán giả như nằm trong tay tôi.Tôi có thể giữ họ như giữ một nốt nhạc trong không khí, và lúc đó tất cả khá phòng nín thở, chờ đợi điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, cái gì sẽ đến trong âm nhạc.
Đó là khoảnh khắc vĩ đại. Không phải lúc nào nó cũng đến nhưng khi nó đến đó là khoảnh khắc vĩ đại trong cuộc đời.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹ ơi

Mẹ ơi... XUÂN VỀ NHỚ MẸ TÔI XA… Câu ca dao: “Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”… Còn tôi, mỗi lần Tết đến Xuân ...