Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Mùa thu HÀ NỘI, mùa thu SÀI GÒN

MÙA THU HÀ NỘI, MÙA THU SÀI GÒN

Trong khi Hà Nội đang bước vào thu, thì ở sài Gòn mùa thu cũng đang về nhưng cảm nhận về mùa thu không rõ rệt.
1. Thu Hà Nội
Tháng 8, Thu đã về trên từng con phố. Những ngày này, cả Hà Nội đón mưa chuyển mùa trong mát. Mưa đến và đi cũng rất nhanh mang lại cho đất trời, cho lòng người bao cảm xúc, xuyến xao đến lạ lùng. Hà Nội mùa này đẹp lắm, và càng đẹp hơn khi mưa thu về.
Mùa thu khoác lên Hà Nội vẻ đẹp lãng mạn rất riêng. Vẻ đẹp tự nhiên ấy không thể diễn tả bằng lời, chỉ có thể cảm nhận bằng cảm xúc của tâm hồn, của con tim.
Hà Nội vào thu tô vẽ bằng những chiếc lá bàng đỏ, bằng mùi hương hoa Sữa thơm từng cơn gió, bằng mùa cốm xanh đồng hành cùng nhịp bước thong thả trên mỗi con đường, vỉa hè xưa. Loáng thoáng đã thấy thiếu nữ Hà thành khoác lên mình chiếc áo thun mỏng chầm chậm dạo phố.

Thu về, Hà Nội đẹp trong từng góc phố của không gian và thời gian.  Đường Phan Đình Phùng thoang thoảng hương sấu chín cuối mùa. Những con đường rợp bóng cây vương vấn hương ngọc lan quyện với chút hanh hao của cái lạnh vào thu. Sóng hồ Trúc Bạch dập dềnh như muốn góp cùng ai câu chuyện. Nước hồ Tây còn trong xanh và mênh mang cho ánh mắt ai nhìn xa xăm để tự hỏi đã bao lần đặt chân đến nơi này với người yêu dấu. Hơi nước tan trong gió hòa vào bầu không khí dịu dịu đến mát lành. Bên bờ sông Hồng, từng chiếc lá tre tung mình xoay xoay trong điệu valse trước khi hạ mình phiêu du cùng sóng nước.
Hồ Tây bây giờ không còn “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” nữa, cũng không vắng vẻ yên tĩnh như thời chúng tôi còn đạp xe dạo quanh hồ. Không khí trong lành đã bị khói xe máy át đi phần nào, nhưng vẫn đẹp trong ánh bình minh, vẫn lãng đãng vấn vít khói sương mặt hồ khi chiều buông.
Có phải cái không đủ đầy, cái không vẹn toàn làm cho người ta yêu hồ Tây hơn chăng? Ngắm hồ Tây đẹp nhất là vào một sớm mùa thu, thong thả đi dạo từ đầu đường Thanh Niên, qua đền Quán Thánh, rồi lên tận chùa Trấn Quốc.

Tiếp tục lên đê Yên Phụ, nơi đầu tiên nên đến là đoạn gần Khách sạn Thắng Lợi để tìm những xe hoa còn vẹn nguyên sương gió và giọt mồ hôi mằn mặn vị đất của chị hàng hoa đọng trên những cánh cúc, cánh hồng, cánh lay-ơn.
Ngắm hoa, ngắm vẻ đẹp của “mùa thu vào hoa cúc” đi cùng gió heo may và mua dăm bông hoa tinh khôi về. Hoa cúc chưng được lâu, dù không có hương nhưng mùa thu về mà không có lọ cúc vàng trong nhà thì thật có lỗi với mùa thu.
Lòng vòng qua hồ Gươm ngắm mùa thu. Các loại xe hơi, xe máy hiện đại chạy vùn vụt trên đường, nhưng hồ vẫn dành cho người đi bộ những bất ngờ đáng yêu: một gốc cây xum xuê um tùm, một vườn hoa rực rỡ, một cầu Thê Húc duyên dáng.

Vòng vèo phố cổ Hà Nội. Những con phố xưa ngõ xưa với lô xô nhà cổ bé xíu, mái ngói rêu phong thâm trầm nép mình dưới những tán bàng lòe xòe tỏa bóng mát. Lá bàng vẫn xanh, lấp ló qua những tán lá thấy cả một tầng trời xanh ngắt. Đến cuối thu lá mới ngả sang màu đỏ.
Dưới gốc bàng, một bà cụ đang bán cốm. Mùa thu mà được nhâm nha cốm giót với chuối trứng cuốc thì tuyệt! Phải nói nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tả cốm rất hay: “Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ. Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua”. Thứ “thời trân” quý giá ấy, món quà quê xinh xinh bọc trong những gói thơm phức ấy vẫn còn có chỗ đứng giữa thời cuộc ngày càng sôi động gấp gáp này thì kể cũng là may.
Mùa thu Hà Nội là mùa của những cung bậc sắc thái tình cảm, xa gần nhung nhớ, là mùa của những ký ức ngọt ngào chợt ùa về, của nhớ mong yêu thương và cả giận hờn trách móc.
Mưa thu đến bất chợt. Mưa mùa thu Hà Nội không ồn ào, xối xả như mưa mùa hạ, cũng không phải là kiểu mưa phùn, mưa bụi của mùa xuân. Cơn mưa mùa thu đến bất chợt rồi đi cũng rất nhanh. Trong lành, mát rượi, hòa cũng với cái thời điểm giao mùa xoa đi bao nắng gắt, bụi bặm của mùa hè để lại. Mưa mùa đông rả rich, lạnh đến tê người, còn mùa thu mưa về dịu dàng, thanh mát. Người ta giật mình, kêu mưa mùa đông lạnh quá chứ chưa thấy ai chê mưa mùa thu lạnh. Hình như trong các mùa thì mưa mùa thu được ưu ái và mến thương nhất. Hồ Gươm sau cơn mưa lại mênh mang, xanh mướt một màu. Tháp Rùa vẫn đó bao đời vẫn vẻ ưu tư, trầm mặc ấy sau cơn mưa lại bừng tỉnh, đầy kiêu hãnh. Chiều mưa ấy, mưa lâu hơn mọi khi, những chuyến xa qua vội vã. Xa xa có chị bán hàng rong khoác chiếc áo tơi, sải dài từng bước chân, trên đôi quang gánh còn sót lại một bó gương sen chưa kịp bán.
2. Thu Sài Gòn
Nếu mùa Thu là mùa của lá vàng rụng rơi thì Sài gòn như không có mùa Thu. Sau những cơn mưa mùa hè cây lá  tươi xanh mãi cho đến sang năm sau bước qua mùa khô nắng hạn mới để rơi dần những chiếc lá đã nâu khô qua những ngày nắng cháy. Có những cây thay lá từ từ. Qua vài cơn mưa lá rụng đi ít nhiều, lá mới lại mọc lên. Trên cây lá xanh non xen lẫn lá già cho bóng mát quanh năm.

Thu Sài gòn kết bằng những tia nắng ngủ quên vào sáng sớm đến mãi tận chiều chợt bừng tỉnh chói chang, khiến sinh hoạt thành phố bỗng kéo dài hơn trong những tháng Thu.
Sài Gòn vào thu rất lặng lẽ, không có phút chuyển mùa rực rỡ, đầy thi vị như Hà Nội. Mùa thu nơi đây nắng vẫn chói chang ngã giọt lên dòng người tấp nập, ven bên đường cây cũng trút lá rơi nhiều, nhưng không đượm sắc vàng xao xát mà vẫn rì rì xanh một màu khó tả. Mùa thu Sài Gòn đến qua những cơn mưa và giọt nắng rơi nhẹ cuối hè. Dường như thu đến quá lặng lẽ nên ít ai biết, ít ai nhận ra hơi thở của một mùa. Có chăng cũng chỉ nhận ra thu về khi trang lịch tháng 9 bị bóc vội vàng, để đón chào những ngày tháng 10 đang tới.
Mùa thu ghé ngang Sài Gòn khi tiết trời bỗng se se lạnh vào buổi sáng sớm. Cái lạnh nhè nhẹ dìu dịu, chẳng đủ để ai hít hà xuýt xoa.

Đạp xe ngang những con đường xanh ngắt hai hàng cây thằng tắp. Gió thổi. Những chiếc lá rơi nhẹ, xoay xoay trong gió. Ngỡ ngàng vài giây, rồi tự nhủ: “Mùa lá bay, Sài Gòn vào thu rồi đấy…”.
Mùa thu Sài Gòn đẹp lắm những cơn mưa. Mưa thu nơi đây là cơn mưa cuối mùa, không tầm tã như trận mưa hè mà nhẹ nhàng làm tươi mát những nẻo đường nhộn nhịp, nhẹ nhàng làm suy tư bao kẻ ngắm nhìn. Mưa thu không lớn cũng không nhỏ, không ngắn cũng không dài, mưa vừa vừa… nhưng đủ hững hờ làm ướt áo người lữ khách. “Sài Gòn mùa này buồn lắm những cơn mưa…”
Sài Gòn vào thu, đôi khi chỉ là một khoảnh khắc. Là lúc con trai con gái cùng nấp dưới một mái hiên tránh cơn mưa vừa đến. Con trai ngại ngùng chẳng dám nhìn sang, chẳng dám bắt chuyện. Để đến khi trời hửng nắng, khi bóng dáng ai kia đã kịp hòa vào dòng người tất bật trên đường phố, mới đứng nhìn theo mà thầm tiếc ngẩn ngơ… Mùa thu đến cũng giống như những cơn mưa Sài Gòn. Chợt đến chợt đi, thật nhẹ, mà cảm xúc để lại thật dài, thật sâu.
Huyền Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...