Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Ngày khai trường

Ngày khai trường

“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đương có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học ”…
Thanh Tịnh đã bắt đầu câu chuyện về ngày đầu cắp sách đến trường bằng những câu văn miên man cảm xúc như thế. Bởi với Thanh Tịnh, “hôm nay tôi đi học” là một sự kiện trọng đại đầu tiên mà ông trải qua. Bởi ngày đầu tiên đi học là một ấn tượng khắc sâu trong tâm khảm đến mức  hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc ”“ lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm hoang mang của buổi tựu trường ”. Cái ý tưởng “ghi lên giấy” một kỷ niệm sâu sắc của tuổi thơ bắt đầu từ tâm trạng “nao nức” ấy.
Ngày tựu trường là một ấn tượng đẹp tuyệt vời của không riêng một ai nếu đã có một lần nhập học dù sau này có thành đạt trong việc học hay không.

Nhà văn Pháp Anatole France ghi lại kỷ niệm Ngày khai trường của ông vô cùng cảm động. Nó giử ở người đọc hình ảnh một cậu bé tung tăng đi nhập trường tuy người đọc lúc bấy giờ chưa từng biết qua vườn Lục-xăm-bảo ở đâu. Bản văn của Anatole France, chắc trong chúng ta có không ít người còn nhớ vì nó được chọn làm bài chánh tả của Lớp Nhứt ( Cours Supérieur, thi Bằng Sơ Học) mà sau khi dò lỗi chánh tả, học sinh gần như đã thuộc lòng vì nó như một bài thơ bằng tản văn phong phú hình ảnh và âm điệu:
«
Tôi sẽ nói với bạn điều mà hằng năm làm cho tôi nhớ lại, đó là bầu trời mùa thu vần vũ, những bửa ăn tối dưới ánh sáng ngọn đèn và những chiếc lá bắt đầu vàng trên hàng cây lay động; tôi sẽ nói với bạn điều mà tôi trông thấy khi tôi băng ngang khu vười Lục-xăm-bảo (Luxembourg, Paris VI) trong những ngày đầu tháng mười; lúc bấy giờ khu vườn hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết; vì đó là lúc lá vàng rơi từng chiếc trên bờ vai trắng của những pho tượng. Điều mà tôi thấy lúc bấy giờ trong khu vườn ấy, đó là một cậu bé, hai tay thọc vào túi, và cặp da trên lưng, đi tới trường vừa nhảy nhót tung tăng như một con chim sẻ . Chỉ có trí tưởng của tôi trông thấy cậu bé ấy mà thôi; vì cậu bé ấy, chính là một cái bóng; đó là cái bóng của chính tôi cách đây hai mươi lăm năm.
...Cách nay hai mươi lăm năm, cùng lúc này, cậu bé ấy băng ngang khu vườn xinh đẹp kia trước tám giờ để tới trường. Cậu ta cảm thấy lòng se thắc vì hôm ấy là ngày khai trường.
Tuy nhiên cậu ta nhảy tung tăng, sách vở mang trên lưng, và con vụ (con quay) trong túi. Ý tưởng gặp lại bạn bè làm cho cậu ta cảm thấy vui ngay trong lòng. Cậu bé sẽ có biết bao câu chuyện để nói và để nghe.
Thế là cậu bé băng ngang vườn Lục-xăm-bảo trong cái mát mẻ của buổi sáng. Những gì cậu bé trông thấy lúc bấy giờ, hôm nay tôi trông thấy lại .
Cũng cùng khung trời và cùng lối đi, cảnh vật còn giử linh hồn của ngày xưa, linh hồn đó có làm cho tôi vui, làm cho tôi buồn và làm cho tôi bâng khuâng; duy chỉ có cậu bé ấy, ngày nay không còn nữa .
Vì vậy khi tôi ngày càng già đi, tôi càng quan tâm nhiều hơn tới Ngày khai trường.
Theo zing.blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...