Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Nghệ thuật của sự đồng cảm

NGHỆ THUẬT CỦA SỰ ĐỒNG CẢM
Cù Lệ Duyên
Có lẽ hạnh phúc lớn nhất đối với mỗi người sáng tạo nghệ thuật là khi những đứa con tinh thần của mình tìm được sự đồng cảm của công chúng. Dù loại hình nghệ thuật nào, phong cách nào, con người khi thưởng thức thường đi tìm chính mình trong tác phẩm nghệ thuật ấy. Trong âm nhạc cũng vậy, mỗi thính giả thường mang theo thế giới quan, thẩm mỹ và tâm tư tình cảm của mình khi cảm thụ. Tác phẩm âm nhạc thành công là tác phẩm tìm được sự đồng cảm của thính giả nhưng không nhất thiết phải là số đông, bởi nếu thẩm định giá trị nghệ thuật theo số lượng thính giả thì chẳng lẽ những khúc nhạc "sến" nghe đến não cả ruột với những ca từ rẻ tiền làm hỏng thẩm mỹ âm nhạc của công chúng lại có giá trị hơn những ca khúc vượt thời gian của Đỗ Nhuận, Hoàng Việt hay những tác phẩm giao hưởng của Beethoven? Sự đồng cảm mà chúng ta muốn nói đến ở đây là sự đồng cảm về chiều sâu tâm hồn.
Không phải ngẫu nhiên, trên thế giới có nhiều ca khúc hay về người mẹ, về tình yêu chân chính và những tâm tư đó luôn tìm được sự đồng cảm của thính giả. Từ sâu thẳm của tâm hồn chúng ta vẫn ngân vang mãi những bài ca Cách mạng rực lửa một thời, không chỉ vì những lời ca đó tràn đầy ý chí chiến đấu góp phần thôi thúc tinh thần Cách mạng của nhân dân ta. Thính giả không chỉ dễ cảm thụ, dễ nhớ những giai điệu mang đầy hào khí mà họ cũng rất nhạy cảm với những nét nhạc êm ái, trữ tình. Cho dù thính giả ở thành phần nào cũng không bao giờ dửng dưng với một bài hát mà ở đó, họ tìm thấy được sự cảm thông, sự an ủi và chia sẻ cho dù là những nỗi bất hạnh lớn nhưng qua đó, họ cảm thấy ý nghĩa cuộc sống. Chúng ta không thể cầm lòng được khi nghe những câu hát như: "Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng yên" (Đất nước - nhạc: Phạm Minh Tuấn, lời thơ: Tạ Hữu Yên) hoặc "Xa nhau đã chín bao mùa lúa, ấy ngày gặp lại nhớ mênh mông. Ôi bát ngát chân trời biển hạ, tím tình yêu tím cả ước mong" (Anh ở đầu sông em cuối sông - nhạc: Phan Huỳnh Điểu, lời thơ: Hoài Vũ). Nhưng chúng ta không thể chấp nhận những điệu nhạc than thở, nỉ non chỉ làm bải hoải tâm hồn hoặc những tiếng thét, tiếng gầm rú gây xung động thần kinh. Có những người cho rằng phải như thế mới là hiện đại, mới là sung sướng tột độ mà quên rằng niềm vui thực sự chính là sự cảm thông sâu sắc giữa con người và con người.
Đấy là với ca khúc, một thể loại âm nhạc dễ cảm nhận một phần nhờ ca từ. Còn với khí nhạc của chúng ta thì sao? Làm thế nào để ngôn ngữ âm nhạc tạo được sự đồng cảm không chỉ của thính giả trong nước mà cả khu vực và quốc tế? Chúng ta vẫn biết rằng, khi đánh giá âm nhạc của một quốc gia, người ta dựa vào nền khí nhạc của quốc gia đó. Một quốc gia có nền âm nhạc hùng mạnh là quốc gia có nền khí nhạc hùng mạnh. Đôi khi chúng ta vô cùng bảo thủ mà cho rằng, chỉ cần chú trọng phát triển âm nhạc cổ truyền bởi đó mới là sự giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Chính vì vậy nên đã có những ý khiến cho rằng các nhạc cụ dân tộc của chúng ta phong phú hơn nhiều so với dàn nhạc giao hưởng. Thực ra để hình thành nên mỗi loại nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng, nhạc cụ đó phải trải qua hàng bao thế kỷ tiến hoá và không ít loại nhạc cụ đã được kết tinh từ nhiều loại nhạc cụ dân gian mà nên. Chúng ta tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống nhưng không thể phủ nhận những giá trị vĩnh hằng của âm nhạc hàn lâm - ngôn ngữ kỳ diệu không của riêng quốc gia nào. Đó còn là sự liên kết giữa các dân tộc, là tài sản chung của văn hóa nhân loại.
Trong quá trình hội nhập, chúng ta không chỉ cần tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới mà còn cần truyền bá văn hóa Việt Nam thông qua ngôn ngữ âm nhạc hàn lâm đến với bạn bè năm châu. Như thế không có nghĩa đơn giản rằng ta cứ sáng tác một bản giao hưởng là bản giao hưởng đó có thể tìm được sự đồng cảm của thính giả khắp toàn cầu. Đôi khi chúng ta vô tình hay hưu ý đã ỷ lại vào học vấn và viết nên những tác phẩm bắt chước theo phong cách của các thời đại đi trước. Cũng có người lại lầm tưởng rằng, với những phong cách đó và đưa thêm dân ca vào là tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc. Chúng ta đang sống ở thời đại của khoa học kỹ thuật và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thính giả hơn bao giờ hết cần đến những tư duy mới. Nhân đây xin nhắc đến chuyện một nhà văn hoá khi được hỏi "Ông chờ đợi gì ở nghệ thuật" đã trả lời rằng "Tôi chờ đợi những gì mà tôi chưa biết". Nhưng để "những gì chưa biết" ấy được thế giới đón nhận phải là ngôn ngữ âm nhạc với bản sắc dân tộc đậm đà và sự cách tân trong phương thức biểu cảm làm toát lên được thẩm mỹ của con người thời đại mới.
Để làm được điều đó, chúng ta cần một đội ngũ các nhà soạn nhạc có năng lực sáng tạo và trình độ chuyên môn cao bởi như lời của nhà soạn nhạc nổi tiếng Pierre Boulez "Âm nhạc- còn gì cao hơn thế nữa kể cả về khía cạnh khoa học lẫn nghệ thuật. Ai biết kết hợp cả hai- người đó chính là thiên tài".



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...