Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

BEETHOVEN – Trên đôi cánh của người

BEETHOVEN – TRÊN ĐÔI CÁNH CỦA NGƯỜI
Trần Đương
Người ta gọi Beethoven là Tòa nhà vĩ đại của các bản giao hưởng. Nhưng sinh thời, ông chỉ sống và sáng tác trong một căn phòng nhỏ ở Bonn, tại một ngôi nhà cũ kỹ. Căn phòng giáp trần nhà, chỉ có hai cây đàn piano thời ông - hai cây đàn thủ công, phím đàn piano toàn bằng gỗ. Những phím đàn ấy đã làm bật lên những âm thanh tươi vui, phấn khởi, mỹ lệ, và cả những âm thanh nghẹn ngào, uất hận từ tâm hồn, từ trái tim một thiên tài âm nhạc.
Ông chỉ sống vẻn vẹn 57 năm, từ 1770 đến 1827, nhưng những gì ông cống hiến cho nhân loại thật vĩ đại, tạo thành một sức sống tuyệt vời, quá sức người - thông qua những âm thanh hùng tráng, giàu sức chiến đấu. Nghe nhạc của ông, Lênin - vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản thế giới đã thốt lên: "Tôi luôn luôn tự hào và có lẽ ngây thơ nghĩ rằng, đấy, con người có thể làm nên được những điều kỳ diệu biết bao!". Còn Romain Rolland, nhà cách mạng Pháp đánh giá Beethoven là "người vĩ đại nhất, người bạn tốt nhất của những ai đang đau khổ và những ai đang đấu tranh". Ông đã thấy ở Giao hưởng số 9 "bài ca về con người ở đỉnh cao của lòng nhân ái, vượt qua mọi khác biệt và mọi biên giới". Xưa kia, đại thi hào Goethe từng viết:
Ai muốn hiểu thơ
Hãy đến xứ sở của thơ
Ai muốn hiểu nhà thơ
Hãy đến Tổ quốc của nhà thơ ấy
Tôi đã đến Frankfurt bên sông Main - quê hương của Goethe cũng như đã đến Bonn thành phố khai sinh của Beethoven, song không dám nói là đã hiểu những thiên tài cùng thế hệ này của nước Đức. Họ là những tầm cao vời vợi, muốn hiểu họ phải bỏ cả cuộc đời mình ra để nghiên cứu. Nhưng, tôi đã thầm so sánh về nơi ra đời của hai ông, một người từ gia đình quyền quý, giàu sang, một người từ ngôi nhà nghèo túng, chật vật quanh năm. Phải chăng, tuổi thơ của họ đã là khởi điểm cho tính cách, cho dáng vóc, cho tư tưởng của họ. Đã có những giai đoạn thú vị về hai bậc vĩ nhân này. Như Goethe đã giận Beethoven vì câu chuyện xảy ra trong một lần hai người cùng dạo chơi. Hôm ấy, nhà thơ và nhạc sĩ đang sóng bước thì thấy gia đình nhà vua từ đằng kia đi lại. Goethe lễ phép và cung kính đứng nép bên đường. Beethoven, hầm hầm quay nhìn ông, tiếp tục đi tới và hai tay vòng trước ngực, ông xông thẳng vào giữa đám người của hoàng cung, làm họ phải rẽ ra hai bên. Từ câu chuyện này, một nhà văn đã viết: Goethe, con người của thế kỷ XVIII cổ điển, trong sáng; còn Beethoven, con người của tương lai, người tiên phong, người sáng lập chủ nghĩa lãng mạn, đi trước thời đại mình bằng những bước khổng lồ thường còn khó hiểu ngay cả với những nhạc sĩ thức thời hồi bấy giờ. Hai con người như vậy làm sao hiểu nhau được!.
Beethoven, ngay khi còn trẻ, đã sống giữa những tư tưởng tiên tiến của nền triết học Đức. Và cuộc cách mạng Pháp đã khơi dậy trong ông - nhà soạn nhạc - cũng như ở Schiller - nhà thơ, nhà soạn kịch - người chiến sĩ nhiệt tình đấu tranh cho nền cộng hòa. Beethoven từng chỉ rõ: "Tự do và tiến bộ là mục đích của nghệ thuật, cũng như của cả vũ trụ!". Và cũng như Schiller ông đấu tranh với tất cả nhiệt huyết cho tự do, bình đẳng, bác ái. Ông đòi hỏi ở người nghệ sĩ: Phải là lãnh tụ tinh thần, nhà khai sáng cải tạo ý thức con người. Nghệ thuật phải tác động mạnh mẽ đến quần chúng, làm cho họ tiếp xúc với những lý tưởng đạo đức cao cả, phải thức tỉnh và kích thích những hành động anh hùng. Nghệ thuật không chỉ mang đến niềm khoái cảm, mà còn phải "làm bừng cháy những con tim". Vì lẽ ấy, ông xứng đáng được mệnh danh là "người bạn tốt nhất của những ai đang đau khổ và đang đấu tranh". Tác phẩm của ông, về hình thức cũng như thể loại đều hướng về nhân dân, cho dù trong cuộc đời đầy trắc ẩn, đau thương của mình, ông buộc phải phục vụ cho tầng lớp quý tộc thiển cận... Là con người của thời đại, ông sớm bắt gặp chủ nghĩa dân chủ chân chính, lại cũng là người tiếp thu mọi tinh hoa của nền âm nhạc Châu Âu thời đó, từ những Bach, Haydn, cho đến Gluck, Mozart... trong sáng tác của ông cũng hòa quyện những âm điệu trong sáng từ các bài hát dân gian của các dân tộc Châu Âu. Tuy nhiên, những tinh hoa ấy, những âm điệu ấy chỉ có ý nghĩa bồi đắp, làm giàu thêm tính cách âm nhạc của ông - đó là tính cách anh hùng, với những âm thanh hùng tráng, quyết liệt, vang dậy như những cơn bão táp được khơi nguồn, dâng cao, xốc tới từ trong lòng xã hội. Cũng có lúc, tác phẩm của ông thể hiện những đau khổ, bi thương, song, đau khổ và bi thương ấy càng tô đậm thêm ý nghĩa cách mạng, lòng dũng cảm của con người thời đại. Âm nhạc của ông bao giờ cũng là niềm khát khao hướng tới lý tưởng thiêng liêng, cao cả, bao giờ cũng tràn đầy tình yêu đối với thiên nhiên và con người. Chất hùng tráng Beethoven chính là ở tư tưởng anh hùng cao cả, thúc giục tranh đấu, kêu gọi giai cấp cần lao vùng lên phá bỏ xiềng xích nô lệ, vươn tới một cuộc sống xứng đáng với con người. Cho nên, cũng là ông, người Nga coi là nhà cách mạng, người Mỹ thấy ở ông một nhà dân chủ.
Không biết do con mắt tinh đời hay một sự ngẫu nhiên, thiên tài âm nhạc Mozart trong lần đầu gặp cậu bé Beethoven có dáng điệu cục mịch, vai rộng, trán cao đã cho rằng cậu bé "có vẻ sinh ra là để chiến đấu". Cũng lần ấy, Mozart xúc động dõi theo những ngón tay Beethoven - dưới đó lần lượt vang lên những âm thanh êm dịu, kích động, khi vui tươi, khi buồn thảm và Mozart nói rằng: "Nếu tôi không nhầm thì người ta sẽ phải nói đến cậu bé này!". Chia tay cậu bé, thiên tài Mozart quả quyết: "Anh sẽ là một nhạc sĩ lớn!".
Một lời tiên tri? Một sự khích lệ? Câu nói: "Ông thánh Mozart" làm anh sung sướng, cảm động, tin tưởng biết bao, làm cho anh có cảm giác như "đang bước giữa lưng trời" vậy. Và, hơn lúc nào hết, Beethoven nghĩ tới lời ông nội từng dặn anh khi bé:
"Âm nhạc là một công việc khó nhọc, nhưng là nghệ thuật tuyệt diệu nhất để an ủi và ca ngợi con người!".

Để "an ủi" và "ca ngợi" con người, Beethoven vượt qua bao đau khổ của gia đình, của riêng mình, phấn đấu trở thành "tòa lâu đài vĩ đại của các tác phẩm giao hưởng". Người ta đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để phân tích và ca ngợi từng bản giao hưởng của ông, mà nhiều nhất có lẽ là giao hưởng số 3 - Anh hùng, giao hưởng số 5 - Từ bóng tối đến ánh sáng và đặc biệt: Giao hưởng số 9 - Hướng tới niềm vui trên nền lời thơ của đại thi hào cùng lý tưởng Schiller:
Niềm vui ngọn lửa thiêng
Thần linh bay đến với chúng ta
Làm ngây ngất lòng bạn
Chúng ta đi vào miếu thiêng sáng láng con người
Chủ đề của bản giao hưởng này là "mọi người hãy xích lại gần nhau". Schiller nói: "ở nơi nào mọi người là anh em, thì ở đó đôi cánh dịu dàng của niềm vui sẽ vỗ cánh". Câu thơ này dường như mang triết lý trìu tượng, với Beethoven tư tưởng ấy được mở rộng ra, chứa đựng nội dung xã hội: "Niềm vui chân chính chỉ có ở nơi nào tất cả mọi người là anh em".
Tôi lại nhớ đến hai câu thơ trong tác phẩm của F.Schiller:
Hỡi triệu triệu con người hãy ôm lấy nhau
Ta gửi cái hôn này cho toàn nhân loại!
Các bản giao hưởng của Beethoven, dù là Anh hùng hay Định mệnh, Đồng quê hay Hướng tới niềm vui...đều thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả của một nền âm nhạc cách mạng. "Bạn ơi! Đừng buồn, chúng ta cùng hát bài chính ca vui vô hạn!". Beethoven đã viết như thế, trong niềm lạc quan nhất của thế giới giao hưởng. Sẽ càng hiểu ông, càng kính trọng ông biết mấy, khi được biết ông hát lên như thế giữa lúc cuộc đời ông đang đi vào giai đoạn nặng nề nhất: Bị điếc, bệnh tật và những nỗi đau buồn tinh thần sâu kín.
Với âm nhạc của Beethoven, mỗi người chúng ta, dù ở phương trời nào, cũng có thể tiếp thu một sức sống mãnh liệt, một niềm lạc quan yêu đời. Ông vẫn đâu đây, an ủi và khích lệ chúng ta. Riêng tôi, từ thuở thiếu thời, rất tự nhiên, rất hồn nhiên, dường như đã nhiều phen được bay trên đôi cánh âm nhạc của ông và có với ông biết bao kỷ niệm. 35 năm trước, một đêm Hà Nội, các bạn Đức đến thăm Việt Nam, được dự buổi trình diễn nhạc Beethoven với tất cả niềm say mê và hứng khởi. Các bạn ấy nói: "Cám ơn Việt Nam đã đưa Beethoven về đây để góp tiếng nói, góp vũ khí vào việc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Beethoven mãi mãi đứng trong hàng ngũ những người chiến thắng!".
Trên đôi cánh âm nhạc của ông, tôi từng bay từ sông Rhein đến sông Hồng, bay trong những âm thanh hào hùng, kiên nghị. Quên sao được Đêm nhạc L.V. Beethoven tại khách sạn Horison của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Thụy Sĩ - Marc Kissoczy với ba tác phẩm: Overture Leonore No1, Concert for piano No3 và Symphonie No4. Đó là đêm 15/5/1999. Gần một năm sau, trong các đêm 24 và 25/3/2000 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, bản giao hưởng số 9 của ông được 260 nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng Nhạc viện Hà Nội trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Pháp - Xavier Sist. Xúc động trước thành công của đêm nhạc hoành tráng ấy Xavier Sist đã khóc. Hai năm sau nữa, kỷ niệm lần thứ 175 ngày mất của Beethoven, thì cùng một lúc, bên bờ sông Rhein và sông Hồng đã vang lên các bản giao hưởng của ông. Các dàn nhạc hàng đầu của nước Đức trình diễn Giao hưởng số 5 và Appaxionata ở Bonn, trong đêm Lễ hội Beethoven. Bên này sông Hồng, cũng dịp ấy, nhạc trưởng người Đức - Wolgang Hoyer chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trình diễn bản giao hưởng số 4 (B-Dur op 60). Là vị sứ giả của nền âm nhạc Đức, đến từ quê hưởng Beethoven vĩ đại, Wolgang Hoyer đã tỏ ra sung sướng về các thành công của đêm trình diễn. Ông xiết chặt tay các đồng nghiệp Việt Nam và bày tỏ nguyện vọng còn tiếp tục sang làm việc ở Việt Nam - một đất nước ông "mến yêu đặc biệt". Đêm ấy, dưới ánh sáng chói lòa, Hoyer đã hát như một danh ca thực thụ. Ấy là lời trong Hướng tới niềm vui:
"Hân hoan niềm sướng vui lửa ấm tỏa ngời rạng soi ánh sáng thiêng liêng.
Nhân gian hướng tới ngất ngây trong thiên đàng của Thiên chúa cao vời vợi!
Nơi đây phép màu thiêng nối bao người trong minh ước trong tình huynh đệ.
Nhân dân ai cũng sẽ là anh em ở bên cánh ấm yên của mình!".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ - Bị quên tên trong những ca khúc

Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ Bị quên tên trong những ca khúc... Ở thị trấn Phan Rí (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có một nhà thơ tuổi sáu mươi H...