NGUYỄN VĂN THƯƠNG - MỘT TÀI NĂNG LỚN
Phạm Nam Anh
Có một điều mà ngành Bưu điện Việt Nam chưa tổng kết rằng trong số
rất nhiều những nhân viên của ngành qua thời gian đã trở thành những nhạc sĩ
nổi tiếng đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật. Văn Cao – nhân
viên Bưu điện Hải Phòng – giải thường Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật đợt
I. Nguyễn Văn Thương – nhân viên Bưu điện Sài Gòn (này là thành phố Hồ Chí
Minh) – giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật đợt II.
Hơn Văn Cao bốn tuổi (Nguyễn Văn Thương sinh 1919, còn Văn Cao
sinh 1923), nhưng cả hai tài năng này cùng bước vào âm nhạc từ năm 1936 và cùng
nổi tiếng năm 1939. Với Văn Cao là "Buồn tàn thu" viết ở Hải Phòng.
Còn với Nguyễn Văn Thương là "Đêm đông" viết ở Hà Nội khi từ Huế ra
học tại kinh thành Thăng Long.
Trong kháng chiến chống Pháp, khi làm công tác tuyên truyền ở mặt
trận Bình - Trị - Thiên, Nguyễn Văn Thương đã viết bản tráng ca rực lửa
"Bình Trị Thiên khói lửa". Còn với Văn Cao, sau chiến thắng Sông Lô
là "Trường ca sông Lô" lai láng chảy trong cuộc trường kỳ.
Song có điều giữa hai ông đã có những chuyên biệt khác nhau. Sau
hòa bình lập lại ở miền Bắc, Nguyễn Văn Thương tập kết ra Bắc. Khi Văn Cao tạm
dừng sáng tạo âm nhạc chuyển sang thơ và hội họa thì Nguyễn Văn Thương lại bước
sang sáng tạo những thể loại âm nhạc khác cùng ca khúc. Ông là một trong không
nhiều những nhạc sĩ đầu tiên viết nhạc múa như: thơ múa "Chim gâu",
múa "Tấm Cám", "Múa ô", "Múa chàm Rông", v.v..
Bên cạnh đó là những tác phẩm khí nhạc như "Lý hoài nam" (độc tấu sáo
trúc soạn cùng Ngọc Phan), "Buôn làng vào hội", "Quê hương"
(độc tấu violin, cello soạn cùng Hoàng Dương). Ở giữa đó là một ca khúc cực
ngắn "Bài ca trên núi" viết cho phim "Vợ chồng A Phủ".
Năm 1964, ông là giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc mà tiền thân là Đoàn
văn công Nhân dân Trung ương. Sau Đỗ Nhuận, ông là nhạc sĩ tiền chiến thứ hai
đi tu nghiệp ở nước ngoài. Khi Đỗ Nhuận chọn opéra thì Nguyễn Văn Thương lại
chọn giao hưởng. Bừng khởi trong thời gian tu nghiệp, Nguyễn Văn Thương thành
công từ những tiểu phẩm nhỏ đến những tác phẩm lớn như "Ngày hội non
sông" (độc tấu sáo trúc và bộ gõ), Rhapsodie số 2 cho đàn T'rưng và dàn
nhạc giao hưởng, "Trở về đất mẹ" cho violin, cello và piano, v.v..
Đặc biệt là thơ giao hưởng "Đồng khởi" trình diễn lần đầu tạiLepzic
(Cộng hòa Dân chủ Đức – nơi ông tu nghiệp âm nhạc) năm 1971. Tong kháng chiến
chống Mỹ, ngoài nhiệm vụ giám đốc, luôn luôn chia đoàn đi biểu diễn ở hỏa
tuyến, chiến trường, hợp xướng "Dân ta đánh giặc anh hùng" của ông
cũng đã vang lên một tầm cỡ lớn.
Rời Nhà hát Ca múa nhạc sau khi đưa ra quyết sách cử các nghệ sĩ
ra nước ngoài tu nghiệp nhạc nhẹ, Nguyễn Văn Thương về làm giám đốc Nhạc viện
Hà Nội. Ở đây, ông lại đưa hệ trung cấp âm nhạc cổ truyền lên hệ đại học. Chính
ông là tác giả những giáo khoa âm nhạc như "Tuyển tập piano" (hệ
trung cấp), "Tuyển tập 16 bài hát dân ca và dân vũ Việt Nam" (soạn
cho piano mà NXB Peters – Cộng hòa Dân chủ Đức đã từng ấn hành từ 1972). Không
chỉ thế, người con của xứ Huế thơ mộng còn viết những tác phẩm sân khấu như
"Mệnh lệnh", "Cải tô" và dịch cuốn sách
"Beethoven" (NXB thanh niên ấn hành).
Cứ thế, Nguyễn Văn Thương hành trình từ "Trên sông
Hương" (1936) – một ca khúc nhỏ đến những tác phẩm đồ sộ trong suốt gần 70
năm hoạt động âm nhạc không biết mỏi mệt. Nhìn lại hành trình ấy, mới thấy bên
cạnh tài năng âm nhạc bẩm sinh, là một sức lao động bền bỉ trong tình yêu âm
nhạc vô bờ bến. Năm 1996, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 60
năm hoạt động âm nhạc của ông bằng một đêm nhạc ở Cung thiếu niên Hà Nội mang
tầm vóc lớn. Không sinh cùng năm nhưng ông và người bạn đồng hương – nhà thơ Tố
Hữu lại "rủ nhau" về cõi thiên thai cùng năm 2002, để lại một khoảng
trống không thể bù đắp nổi trong lịch sử văn nghệ Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét