VĂN
KÝ - BÀI CA HY VỌNG
Nguyễn Thụy Kha
Đêm 13.11.2011, tại Cung văn hóa Hữu
Nghị Hà Nội đã diễn ra chương trình "Con đường âm nhạc" của nhạc sĩ
Văn Ký mang tên "Bài ca hy vọng" do VTV thực hiện. Rất đông các khán
giả mến mộ nhạc sĩ đã tới thưởng thức và chắc chắn rất đông những khán giả cả
nước đã đón nhận chương trình này qua màn ảnh nhỏ.Xã Liên Minh, huyện Vụ Bản,
tỉnh Nam Định thường tự hào rằng miền đồng chiêm này đã là quê hương của hai
nhạc sĩ nổi tiếng là Văn Cao và Văn Ký. Dường như Văn Ký là sự tiếp bước âm
nhạc sau Văn Cao. Khi Văn Cao đã dừng lại những sáng tạo âm nhạc bằng những
tiểu phẩm piano "Sông tuyến", "Biển đêm", "Hàng dừa
xa" dành cho cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, thì cũng là lúc Văn Ký
chất ngất lên cung bậc này ở "Bài ca hy vọng". Khi ấy, cả miền Nam
đang bao trùm bóng đen của luật 10.59 tàn ác, "Bài ca hy vọng" đã đem
tới ánh sáng của niềm hy vọng cho từng con tim chiến sĩ rớm máu ở chiến khu, ở
những căn hầm bí mật, ở những lao tù địa ngục trần gian.
"Về tương lai- đàn chim ơi!
Cùng nhau cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương- Gió
mưa- buồn thương- mùa đông và mây mù sẽ tan". "Bài ca hy vọng"
qua giọng hát Khánh Vân- chim sơn ca Nam Bộ một thời kháng chiến đã mang đến
ánh sáng hy vọng trong cả nước, nhất là miền Nam. Thời đó, "Bài ca hy
vọng" trở thành tiếng lòng của cả dân tộc. Bão táp cách mạng thời đấu
tranh thống nhất lại bắt đầu từ một giai điệu hết sức trữ tình như chính tâm
hồn người Việt Nam bao thế hệ bất khuất vì độc lập, tự do của tổ quốc.
Giờ đây, nghe Khánh Linh hát
"Bài ca hy vọng" trên nền nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, thấy
lại nguyên lành một thời dâng hiến và hy sinh đáng tự hào.
Cũng lúc ấy, bên cạnh những giai
điệu Tây Nguyên của Nhật Lai như "Chim Poong Kle", "Tiếng hát Mơ
Nông Ti Pi" người yêu nhạc lại đón nhận "Tây Nguyên bất khuất"
của Văn Ký như một đóng góp mới mẻ trong việc khai thác chất liệu âm nhạc
phong phú của miền cao nguyên này. Giai điệu hào sảng của "Tây Nguyên bất
khuất" qua giọng ca Trần Chất đã loang nhanh tới chính miền đất đỏ badan
qua làn sóng điệu, qua chính những ngày Trần Chất hiện diện ở chiến trường Tây
Nguyên hát dưới bóng đại ngàn. Tây Nguyên đã đưa Văn Ký tới đỉnh cao sáng tạo
của mình ở tổ khúc vũ kịch "Kow Nhi" gồm 7 chương viết cho dàn nhạc
giao hưởng đã nhiều lần biểu diễn ở Liên Xô (cũ), Cộng hòa dân chủ Đức và được
xuất bản toàn bộ tại Moscow (Nga) năm 1989. Ở những chương trình ấy, Văn Ký của
Việt Nam chống Mỹ đã hiện diện cùng các vĩ nhân âm nhạc như L.V. Beethoven, P.
I. Tchaikovsky ...
Năm 1960, "Bài ca hy vọng"
và "Tây Nguyên bất khuất" đã được trao giải nhất của Hội nhạc sĩ Việt
Nam. Chính lúc bắt đầu bước lên đỉnh cao sự nghiệp, bởi những năng lực thu nhận
được trên con đường tự học âm nhạc, trong Văn Ký lại xốn xang những âm hưởng
chèo, chầu văn quê hương. Ca khúc ông viết chào mừng đất nước tròn 15 tuổi
(2.9.1945-2.9.1960) lại thấm đẫm những âm hưởng này: "Reo lên muôn lời ca-
Như chim trong rừng hoa- Mười lăm năm xây dựng nước ta- Việt Nam dân chủ cộng
hòa ..." Ca khúc quần chúng này khi ấy đã được phổ biến rộng rãi chẳng kém
gì sức lan tỏa của "Bài ca hy vọng". Làn điệu "Trống cơm"
hóm hỉnh của dâm ca Quan họ lại được Văn Ký thổi sinh lực hùng tráng vào, để
biến thành bản hành khúc "Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh"
nghe vừa phơi phới vừa thúc giục: "Trường Sơn âm vang- Bài ca chiến thắng
- Tổ quốc ta- niềm tự hào- Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh". Khai
thác những vẻ đẹp bình thường trong cuộc sống của người vùng cao phía Bắc, Văn
Ký đã mang nhưng Sli lượn vào tác phẩm của mình vừa nhuần nhị, vừa cao sang. Ca
khúc "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi", không chỉ có ý nghĩa thực tế
đến bất ngờ như "Cô tắm giặt cho các em" mà còn có ý nghĩa tượng
trưng nhân bản: "Mỗi con người bình thường đều có quyền tìm đến đỉnh cao
khát vọng của chính mình".
Thống nhất đất nước. Giữa những âm
hưởng rạo rực của những ngày đầu toàn thắng, không rủ nhau, song hai nhạc sĩ
đồng hương, hai người bạn vong niên lại dâng tặng cho đất nước hai ca khúc trữ
tình đến nao lòng người. Ở Văn Cao là "Mùa xuân đầu tiên". Còn với
Văn Ký là "Nha Trang- Mùa thu lại về". Ca khúc qua giọng hát Ái Vân
mảnh mai, cứ dạt dào vào ta như những đợt sóng êm đềm của biền Nha Trang diễm
lệ: "Ơi Nha Trang- mùa thu lạivề - trong nụ cười và trong tiếng hát say mê
...". Ca khúc đã trở thành "tỉnh ca" một cách thật tự nhiên cho
tới hôm nay.
Dù có nhiều tìm tòi và khẳng định
trong nhiều thể loại, nhiều đề tài khác nhau của cuộc sống và tạo dựng lên
những đỉnh cao cho chính sự nghiệp của mình như những tác phẩm khí nhạc
"Hồi tưởng" (viết cho violin), ca kịch "Nhật ký sông
Thương", "Đảo xa" ... sự đóng góp của Văn Ký cho kho tàng
"Hà Nội ca" cũng là sự đóng góp đáng trân trọng. "Bài ca hy
vọng" tuy không có từ "Hà Nội" nào cũng đã chứa đựng một vẻ đẹp
hào hoa phong nhã của người Hà Nội. Không chỉ được hát lên, tác phẩm còn được
nghệ sĩ Hải Thoại đồng hương Nam Định chuyển sang trác tuyệt cho guitar, trở thành
bài học cho tất cả những người tập guitar. Bên cạnh đấy là "Quê
hương tôi", "Sông Hồng reo ca Hà Nội – Moscow", "Hà Nội mùa
xuân" và đặc biệt là "Trời Hà Nội xanh". Bầu trời của Thủ đô yêu
dấu không chỉ xanh mãnh liệt một sức sống mà còn xanh mãi mãi một khát vọng duy
mỹ, thanh lịch của "Người Tràng An". "Trời Hà Nội xanh" từ
khi Lệ Quyên thể hiện đến bây giờ vẫn là lựa chọn của bao thế hệ ca sĩ khi hát
về Hà Nội: "Xanh xanh thắm- bầu trời xanh Hà Nội- Hồ Gươm xanh như mái tóc
em xanh ...".
Cứ thế, Văn Ký và những nhạc phẩm
của ông bước đi không tuổi cùng ông dưới bầu trời Hà Nội, bầu trời Việt Nam và
thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét