Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Nhạc sĩ Phạm Duy – Tình bạn – Ttình dân tộc

Nhạc sĩ Phạm Duy – Tình bạn – Tình dân tộc (Viết cho Chân dung Người hát rong của Phong Quang)

Nhạc sĩ Phạm Duy là một người sống rất phóng túng, “ham chơi”. Ông đã bị dư luận một thời lên án chuyện phóng túng, ham chơi của ông. Biết thế nhưng ông không sửa được. Ông đã thú nhận: “Trời sinh tôi ra tôi ra như thế”, và, ông cầu xin “Thương tôi thương tôi cho sống say mê. Không thương không thương xin giết tôi đi”. (Tâm Ca số 9, 1965).
Một trang ảnh “Chân dung người hát rong”
  Phạm Duy & Bạn của Phong Quang
Ông sống say mê để sáng tác âm nhạc dân tộc. Nhờ thế không ai giết ông và ngược lại ông được quá nhiều người thương. Trong những năm 1965, 1966, mỗi lần gặp ông ở Sài Gòn tôi hay hỏi ông về bước đường sáng tác âm nhạc của ông. Ông kể ông có hai người bạn đang ở miền Bắc mà ông xem như hai người thầy đó là nhạc sĩ Văn Cao và nhà thơ Hoàng Cầm. Và hai người bạn trước ở miền Bắc sau vào Sài Gòn là Nguyễn Đức Quỳnh (nhà văn) và Lê Ngộ Châu (nhà báo, chủ báo Bách Khoa). Hai người nầy hiểu ông và thường chia sẻ những vui buồn trong cuộc đời sáng tác cũng như những góc khuất trong đời sống tình cảm của ông. Tôi được ông đưa đến gặp ông Nguyễn Đức Quỳnh nhiều lần và qua câu chuyện giữa hai người tôi thấy ảnh hưởng của Nguyễn Đức Quỳnh đối với Phạm Duy rất lớn. Sau năm 1975, tôi đi kháng chiến về, Phạm Duy đã ra nước ngoài, tôi hay gặp nhà báo Lê Ngộ Châu và có dịp nhắc đến Phạm Duy, nhắc đến chuyện tình 10 năm của ông và nhà thơ trẻ Lệ Lan. Đặc biệt qua cái cầu “dân tộc nhạc học” , tôi được gặp GSTS Trần Văn Khê mỗi lần Giáo sư về Việt Nam. Hai thầy trò là bạn và bạn vong niên của nhạc sĩ Phạm Duy nên thường thông báo cho nhau về tin tức trong và ngoài nước có liên quan đến Phạm Duy. Tôi không ngờ nhà dân tộc nhạc học quốc tế Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy đã có một mối tâm giao từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp cho đến nay. Thầy trò tôi hiểu được tình cảm yêu nước của nhạc sĩ Phạm Duy nên hẹn nhau tìm mọi cách “dụ” Phạm Duy xin về nước để tiếp tục làm âm nhạc cho dân tộc. Từ đó tôi được kết thân với hai nghệ sĩ lớn của dân tộc.
Nguyễn Đắc Xuân, GS.TS Trần Văn Khê, 
 Nhạc sĩ  Phạm Duy và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn .
Có nhiều lần Giáo sư Trần đã phê phán chuyện ham chơi của nhạc sĩ  họ Phạm: “Anh là một nhạc sĩ lớn, tôi có thể hát Tục ca của anh cho các cháu tôi nghe được không?”. “Không”. “Vậy anh sáng tác những bài ấy làm gì?” Nhạc sĩ Phạm xin giãi bày trong hoàn cảnh nào ông sáng tác Tục Ca chứ không giận người bạn họ Trần đã phê phán ông rất gay gắt. Quen biết Phạm Duy gần nửa thế kỷ, tôi thấy Phạm Duy có một tình bạn rất lạ. Phạm Duy biết ơn những người bạn mà ông đã chịu ảnh hưởng và xem những người ấy là thầy mình. Ông thích người nào thì chơi, không ngại xu hướng chính trị, không ngại tuổi tác của bạn và chơi cho đến cùng. Bạn bè, người yêu nhạc Phạm Duy đến dự đám tang của ông sáng ngày 3-2-2013 có đủ các lứa tuổi, đủ các tầng lớp xã hội (doanh nhân, văn nghệ sĩ, người tu hành), đủ các thành phần có xu hướng chính trị khác nhau, kẻ Bắc, người Nam, kẻ ở chấu Âu, người châu Mỹ. Phạm Duy với tài năng sáng tác âm nhạc dân tộc, sống vượt lên trên mọi hoàn cảnh, giữ được mối quan hệ sâu đậm với bạn bè  và người yêu nhạc của ông. Phạm Duy đang sống sau khi ông được người thân và bạn bè đưa ông về an nghỉ ở Công viên nghĩa trang Bình Dương.
Huế, tháng 5-2013
Nguyễn Đắc Xuân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc thơ Hồ Chí Bửu

  Đọc thơ  Hồ Chí Bửu MÁY BAY TUỔI THƠ Những năm trước gia đình mình cơ cực Mẹ đi bán chưa về, chiều mưa bụi bay bay Bốn đứa con quây ...