Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Yoshii Michiko, TRẦN VĂN KHÊ

Yoshii Michiko, TRN VĂN KHÊ 

Michiko là một trong số ít các bóng hồng bên TCS, cùng với Hoàng Anh (Khánh Ly là ngoại lệ, và Diễm hay DA quen TCS lúc TCS còn là một chàng lãng tử vô danh) mà không nghĩ là mối quan hệ giữa hai người có dấu vết vụ lợi của một trong hai.
Michiko là nhà nhà trí thức (tốt nhiệp ĐH Nhật, Pháp, giáo sư Đại Học), có tài (chơi đàn , và đàn cổ điển VN), hát cũng không kém một số ca sĩ phòng trà VN, và đẹp.
Michiko và TCS làm giàu cho Cty điện thoại Pháp và VN với những tâm sự và ý kiến không dứt. 
Trong số các nhà trí thức đã từng có mối quan hệ thời VNCH, hai người trí thức vẫn có uy tín nhất hiện nay tại nước ngoài và tại VN là Nguyễn Xuân Vinh và Trần Văn Khê TVK viết về Michiko:
“Đại học Sorbonne chẳng hạn – nhưng trông cũng cũ kỹ vì màu xám, màu nâu sậm của nước sơn bên ngoài và cũng vì cố tật “phá hoại” của sinh viên Pháp, ít tôn trọng “của công”, khẩu hiệu đấu tranh đầy dẫy mặt tiền và trên các tường, dầu đã được bôi đi nhưng vẫn còn những vết thẹo lem luốc. Tuy vậy trường Đại học này cũng có những ưu điểm mà các trường khác không có. Nơi đây có một trung tâm nghiên cứu khoa học được trang bị máy móc tối tân, một phòng thí nghiệm về thanh học từ hơn ba mươi năm nay đã nghiên cứu rất nhiều nhạc khí trên thế giới, có cả đờn bầu, đờn tranh, đờn nguyệt, đờn nhị, ghi ta phím lõm, sinh tiền, song lang (chớ không phải “song loan” như chúng ta thường gọi vì “song loan” là kiệu hai người khiêng, còn “lang” là miếng tre non, “song lang” là hai miếng tre non dùng làm nhịp phách).
Nhà trường cũng có dạy về Văn hóa văn học Đông Nam Á, có khoa Ngôn ngữ và Văn học Đông Á chia ra bốn phân khoa: Trung Quốc, Nhựt Bổn, Triều Tiên và Việt Nam. Có nhiều thang máy, nếu bạn chọn sai thang máy thì sẽ bị lạc đường. Bạn theo tôi đến thang máy “Tháp 34”, lên từng thứ nhứt, phòng số 101. Tôi đã có mấy lần đến đây nghe các giáo sư từ Việt Nam được mời sang diễn thuyết, giảng dạy văn hóa hay trình bày những vấn đề liên quan đến văn hóa Việt Nam. Ban Giám khảo hôm nay gồm có Giáo sư Trưởng khoa Philippe Langlais và Giáo sư Phạm Đăng Bình. (Giáo sư chỉ đạo luận án là Nguyễn Phú Phong đang đi điền dã tại Việt Nam nên đã đề nghị Giáo sư Phạm Đăng Bình thay thế). Ngoài Ban giám khảo và các giáo sư giảng viên của Phân khoa Việt Nam như Giáo sư Đặng Tiến, còn có Giáo sư Georges Boudarel, Giáo sư Võ Quang Yến cùng với bạn bè người Việt và Pháp của thí sinh Michiko đến dự.
Xin giới thiệu vài nét về thí sinh Michiko Yoshii, mà theo truyền thống các nước Đông Á phải để họ trước tên là Yoshii Michiko, viết theo chữ Hán đọc âm Việt là “Cát Tỉnh Mỹ Tri Tử”. Cát nghĩa là tốt, Tỉnh là giếng, Tử là chữ dành riêng cho phụ nữ Nhật (cũng tựa như chữ “Thị” của phụ nữ Việt Nam), Mỹ là đẹp và Tri là biết. Michiko là một thiếu nữ mảnh mai duyên dáng, tóc dài vừa phủ ót, miệng lúc nào cũng mỉm cười. Michiko đã có bằng Văn chương Pháp trước khi sang Paris vừa làm thông dịch viên vừa soạn luận án Cao học tại khoa Ngôn ngữ và Văn học Đông Á. Trước khi soạn luận án về Trịnh Công Sơn thì cô đã có bằng Cao học (Maitrise) về Văn học Nhựt Bổn với chủ đề về một ca sĩ Nhựt nổi tiếng đương thời là Miyuki Nakajima.
Cô có giọng hát rất hay, biết đờn piano và lục huyền cầm. Cách đây mươi hôm, tôi đã được Michiko đón đi dự tiệc tiễn các thực tập sinh trẻ tuổi dạy tiếng Pháp của Việt Nam sang tu nghiệp tại Pháp từ một năm nay. Bốn người này sanh trưởng ở đất Thần kinh nên họp mặt tại nhà Giáo sư Cao Huy Thuần ăn cơm Huế và vui chơi văn nghệ trước khi về nước. Hôm đó tôi đã được thưởng thức tài ca hát của Michiko.
Giới thiệu với các bạn về Michiko như thế cũng chưa đủ nhưng buổi bảo vệ luận án sắp bắt đầu. Mời bạn vào chỗ ngồi. Giữa phòng có một bàn lớn dài và ghế sắp xếp chung quanh chớ không phải như một lớp học thường. Cô Michiko ngồi đầu bàn, cây lục huyền cầm và tập luận án đặt trước mặt. Giáo sư Bình mời tôi ngồi cạnh Ban giám khảo. Giáo sư Phạm Đăng Bình mở đầu buổi họp: –

Hôm nay, cô Michiko bảo vệ luận án Cao học về ảnh hưởng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong xã hội Việt Nam thời chiến tranh. Cô có viết phần đầu: “Đọc một trăm bài viết về một bài hát không bằng nghe biểu diễn một bài hát”. Vậy mời cô mở đầu buổi bảo vệ luận án hôm nay bằng một bài hát trước khi tóm tắt nội dung về công trình nghiên cứu của cô. Cô Michiko nâng đàn lục huyền cầm và cất tiếng hát hai bài Đại bác ru đêm và Ngủ đi con. Tiếng hát êm êm nhè nhẹ không kiểu cách, không sắc sảo mà rất thấm thía, đi vào lòng người. Phát âm rất chuẩn.

Nếu nhắm mắt lại thì có lẽ bạn không thể nghĩ rằng người hát là một thiếu nữ Nhựt, chỉ học tiếng Việt trên đất Pháp mới bốn năm. Trong giây phút, tôi quên rằng đây là một buổi bảo vệ luận án Cao học ở một trường Đại học tại Pháp. Giám khảo và thính giả ngồi im thưởng thức hai bài hát như trong một buổi hòa nhạc. Dứt tiếng đờn, một tràng pháo tay nổi lên. Trong đời làm giáo sư đại học của tôi chưa bao giờ gặp cảnh thí sinh mới mở đầu, chưa đề cập nội dung của luận án mà đã được vỗ tay tán thưởng nồng hậu như thế này.
Sau khi hát xong Michiko tóm tắt nội dung luận án. Một công trình nghiên cứu trong mấy năm trời, tìm hiểu lời và nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng Việt rồi dịch ra tiếng Pháp: cả hai ngôn ngữ đều là tiếng nước ngoài đối với Michiko, thật là một việc không dễ làm. Hôm nay cô trình bày tóm tắt trong nửa tiếng đồng hồ những điểm chính yếu: – Lý do khiến cô nghĩ đến việc nghiên cứu những bài ca phản chiến của Trịnh Công Sơn. – Xác định vị trí nhạc
Trịnh Công Sơn trong âm nhạc Việt Nam. – Xem qua hơn một trăm sáu mươi bài hát của Trịnh Công Sơn để tìm ra bao nhiêu bài ca phản chiến, bao nhiêu bản tình ca, nhận xét bài nào hay, bài nào chưa đạt. – Đề cập đến thái độ của Trịnh Công Sơn đối với buổi đầu chiến tranh từ những năm 1966, 1967, 1968 khi nhạc sĩ còn đứng ở vị trí một chứng nhân quan sát, rồi qua thơ và nhạc mô tả cuộc sống và những nỗi đau của người dân Việt Nam trong chiến tranh mà chưa khẳng định rõ thái độ chống chiến tranh như thời kỳ sau năm 1968, khi Trịnh Công Sơn đòi “ngưng tiếng súng chấm dứt chiến tranh”. Michiko cũng đề cập đến ảnh hưởng của những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn đối với trong và ngoài nước Việt Nam, ảnh hưởng của nhạc Trịnh Công Sơn qua không gian và thời gian. Trong nước cũng như ở hải ngoại, tại Mỹ, trong giới người Việt di tản nói riêng và trong giới Việt kiều ở khắp nơi nói chung, trong những Nhạc hội tổ chức đó đây, trong các băng cassette, nhạc Trịnh Công Sơn đều có mặt. Ở Nhựt, theo Michiko thì bài hát của Trịnh Công Sơn được phổ biến nhiều nhứt, được dịch ra tiếng Nhựt hay được đặt lời mới trên giai điệu của những bài hát quen thuộc.

Có hai quyển sách viết bằng tiếng Nhật trong đó tác giả nhắc đến Trịnh Công Sơn. Và cô cũng tìm cách lý giải tại sao bên Nhật nhiều người thích nhạc Trịnh Công Sơn. Cô nhắc đến những buổi hòa nhạc trong đó Khánh Ly hát nhạc Trịnh và thái độ khác nhau của người Việt bên Mỹ đối với nhạc Trịnh và thừa nhận rằng nhạc Trịnh Công Sơn vẫn được phổ biến mạnh mẽ trong giới người Việt ở nhiều nơi. Nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn sáng tác từ thời Việt Nam còn chìm trong khói lửa, đến nay tuy đã hòa bình mà những bài hát ấy vẫn còn trên môi của nhiều người. Nhạc Trịnh Công Sơn đã lan rộng trong không gian và dài theo thời gian. Cô kết luận về giá trị nghệ thuật của nhạc Trịnh và các đề tài rất phổ biến trong nhân loại.
Michiko trình bày mọi vấn đề rất rõ ràng, mạch lạc, không hấp tấp, không ấp úng. Thư mục đầy đủ, trình bày rất đẹp, có cả chân dung của Trịnh Công Sơn tự họa bằng mấy nét đơn sơ. Các vị giáo sư trong Ban Giám khảo đều khen sự sưu tầm và khảo cứu vấn đề rất công phu. Michiko đã sang tận Việt Nam nhiều lần gặp Trịnh Công Sơn để được soi sáng về những điểm cô chưa rõ. Cô nhận xét rất tế nhị, tinh vi và kết luận rất dè dặt. Các vị giáo sư trong Ban giám khảo đều đánh giá cao luận án này. Giáo sư Đặng Tiến cho rằng đề tài Michiko lựa rất phức tạp do bối cảnh chánh trị. Lời ca nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn rất khó hiểu và khó dịch ra tiếng Pháp, nhưng Michiko đã dày công phiên dịch và trình bày rất mạch lạc, nghiêm túc.

Giáo sư Langlais đề nghị in trong luận án những
bản nhạc Trịnh Công Sơn đã được phân tích với cả phần ký âm cho những độc giả muốn tìm hiểu về âm nhạc học. Giáo sư cũng đề nghị vượt ra ngoài khuôn khổ của âm nhạc mà đề cập về phương diện nghệ thuật hiện đại của xã hội Việt Nam trong phần kết luận. Giáo sư Bình có nhã ý mời tôi nói ít lời về hai điểm, tại sao nhiều người thích nhạc Trịnh Công Sơn và Trịnh Công Sơn có chịu ảnh hưởng của nhạc Văn Cao hay không? Bỗng nhiên từ địa vị thính giả, tôi trở thành “diễn giả”. Mặc dầu tôi không phải là chuyên gia nghiên cứu nhạc Trịnh Công Sơn, tôi cũng đưa ra vài nhận xét có tính đại cương về nhạc Trịnh, mối liên hệ giữa Trịnh Công Sơn với Văn Cao và vấn đề ảnh hưởng của một nhạc sĩ này đối với sáng tác của một nhạc sĩ khác. Giáo sư Bình đề nghị sửa vài chữ dịch chưa sát nghĩa, ông nói rằng đó chỉ là những sai lầm nhỏ không ảnh hưởng đến công trình chung mà giáo sư cho là rất đạt. Cuối cùng, Giáo sư tuyên bố Ban Giám khảo cho 17 điểm và hạng “tối ưu” (Très bien). Từ khi Phân khoa tiếng Việt thành lập cho đến lúc đó, chưa hề có sinh viên nào được điểm và thứ hạng cao như thế. Ban giám khảo và những người dự thính đồng loạt vỗ tay hoan nghinh. Giáo sư Bình đề nghị Michiko kết thúc buổi bảo vệ luận án bằng ba bài hát: Ca dao Mẹ (dịch ra tiếng Nhựt), bài Tình ca người mất trí và Nối vòng tay lớn. Những người có mặt trong thính phòng thuộc những bản nhạc này đều cất tiếng hát cùng với Michiko. Trước đây tại trường Đại học Sorbonne từng có một thí sinh bảo vệ luận án Tấn sĩ quốc gia (Doctora d’ État) về nhạc sĩ Georges Brassens là người đã viết rất nhiều bài hát loại ca khúc chớ không phải nhạc sĩ cổ điển. Nay, tại Đại học Paris VII, lại có một sinh viên ngoại quốc làm luận án về Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ Việt Nam đang còn sống và cô đã chịu khó học tiếng Việt để dịch trọn sáu bài hát của nhạc sĩ.
Tuy cô không phân tích về mặt nhạc học nhưng chú trọng đến ảnh hưởng của nhạc Trịnh Công Sơn đối với trong nước ngay lúc còn chiến tranh và hiện tại khi đã có hòa bình, nhận xét ảnh hưởng nhạc Trịnh Công Sơn qua thời gian, khi chiến tranh đã qua rất lâu mà những bài hát ấy vẫn còn trên môi của thanh niên Việt Nam. Cô lại chỉ rõ ảnh hưởng nhạc Trịnh Công Sơn đã vượt biên giới Việt Nam, nhiều bài hát hoặc được dịch ra tiếng Nhựt, hoặc được đặt lời mới bằng tiếng Nhựt, nay lại được chọn làm đề tài nghiên cứu để lấy bằng Cao học tại một đại học của Pháp. Chiều nay trong gian phòng này, tôi thấy lòng dạt dào sung sướng khi nghe Michiko, một thiếu nữ Nhựt chính cống, hát rất hay và rõ lời những bài hát của Trịnh Công Sơn cho những người Việt chúng tôi nghe, cho Ban Giám khảo cùng với thính giả gồm người Nhựt và Pháp nghe trong khung cảnh trang nghiêm của một trường Đại học Pháp chớ không phải tại một tụ điểm sinh hoạt phong trào hay trên sân khấu ca nhạc nào ở đất nước Việt Nam.
Một tiệc rượu champagne chấm dứt buổi họp ngày hôm đó. Rời trường Đại học Jussieu, trên đường về tôi bâng khuâng tự hỏi: “Trong nước và ngoài nước Việt Nam, liệu đã có bao nhiêu công trình nghiên cứu về những nhạc sĩ sáng tác hay âm nhạc truyền thống của chúng ta?
”GSTS TRẦN VĂN KHÊ “
TVK phê bình về văn học và âm nhạc, khó ai có thể phản biện ngang hàng với ông. Và TVK khen Michiko nhiều, rất nhiều, và nhiệt tình.
Thu Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Từ một trang văn Trang Thế Hy

Từ một trang văn Trang Thế Hy “Tiếng sấm Đồng Khởi” Bến Tre (1960) âm vang dai dẳng dồn dập nhiều năm khiến chế độ cộng hòa đương thời còn...