Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Nhớ quê qua mấy vần thơ

NHỚ QUÊ QUA MẤY VẦN THƠ
PGS Tiến sĩ Nguyễn Công Lý
Đại Học KHXH&NV TP HCM
Có những người cả đời cầm bút làm thơ, làm thơ từ lúc tóc còn xanh, dụng công “thôi xao”, gò văn gọt chữ, có thơ xuất bản hẳn hoi, điều đó thật đáng quý và đáng trân trọng nhưng cuối đời, khi tóc đã ngả màu sương khói thì còn được câu nào, bài nào sống trong lòng bạn đọc? Cũng có những người không dụng công, không chuyên tâm, chỉ bất chợt ngẫu hứng mà thốt lời thành thơ, lại là thơ hay. Chuyện đời là thế, nói làm sao hết. Âu đó cũng là cái Duyên với văn chương chữ nghĩa đấy thôi! Nói như cụ Phan Phu Tiên ngày xưa “Tâm hữu sở chi tất hình ư ngôn, cố thi dĩ ngôn chí dã.”(Trong lòng có điều gì tất thể hiện ra lời nói, cho nên thơ là để nói cái chí mình vậy – Tựa “Việt âm thi tập”, 1433). Cái chí đó cũng có thể hiểu là tiếng lòng, nỗi niềm, tình cảm của người viết gởi gắm trong mấy dòng thơ. Nói như thế để muốn giới thiệu với bạn đọc  mấy vần thơ của một người viết ngẫu hứng, một kiến trúc sư quê ở Ninh Hoà, Khánh Hoà, tên là Dương Tấn Long, anh viết chơi mà thành thơ, thơ có hồn, ăm ắp một nỗi niềm đối với quê hương của một người con vì công việc mà phải xa xứ. Bài thơ được nhà thơ Lê Khánh Mai, chủ tịch Hội VHNT Khánh Hoà tuyển chọn đưa vào tuyển tập Lời ru sông Dinh và vinh dự được nhà thơ lão thành Giang Nam viết lời giới thiệu tập thơ, có trích dẫn mấy câu của bài thơ này. Xin mời các vị cùng tôi đọc lại những vần thơ đó.

Cố hương
Về đây nhặt lại tuổi thơ
Nhặt hoàng hôn rụng ven bờ sông Dinh
Nhặt sương sớm lúc bình minh
Nhặt hương hoa rợp xứ Ninh dạt dào
Nhặt tình xưa, chút ngọt ngào   
Nhặt âm xưa đã hớt hao quá nhiều
Nghe mưa buồn suốt chín chiều
Miên man tiếng ếch nhái kêu ngập lòng
Xôn xao đợi nước trắng đồng
Nhặt mong manh giữa mênh mông diệu vời
“Chim bay về núi tối rồi”
Vọng phu mờ bóng bồi hồi nhớ nhau
Chợ Dinh qua mấy nhịp cầu
Lối xưa lạc bước, còn đâu dáng người?
Thăm nhau tìm lại nụ cười
Bâng quơ kỷ niệm, ngập ngời xưa xa
Lặng từng đêm ngắm bao la
Vầng trăng huyền hoặc tuổi ngà ngọc xưa
Đợi từng ngọn gió nam trưa
Bên hiên nhà nắng hàng dừa lả lơi
Tiếng gà đầu xóm chơi vơi
Mênh mang lời mẹ ầu ơi ví dầu
Người xưa cảnh cũ còn đâu
Lung linh ngày tháng sắc màu phôi pha
Ngập ngừng đứng giữa ngã ba
Bồi hồi đất tổ quê cha ngày về
Về đây sống lại tuổi thơ
Đợi hoàng hôn rụng ven bờ sông Dinh.
      (Trích Lời ru sông Dinh, thơ của nhiều tác giả, Hội VHNT Khánh Hoà xb 2004)
Được biết Lời ru sông Dinh là một tập thơ tuyển của nhiều cây bút: chuyên nghiệp có, nghiệp dư có với nhiều thế hệ, viết về vùng đất Ninh Hoà, nơi có con sông Dinh chảy qua phố huyện. Những cây bút đó đa phần là con dân của quê hương Ninh Hòa thân yêu, đang sống và làm việc ở quê nhà hoặc đang xa quê; còn phần nhỏ là những cây bút đến từ nơi khác nhưng ít nhiều có gắn bó, cảm thấy mến cảnh và yêu người nơi đây nên có những vần thơ đậm tình đầy nghĩa. Có thể nêu ra đây những tên tuổi lớn quen thuộc, được bạn đọc cả nước biết đến từ mấy mươi năm qua như  Giang Nam, Nguyễn Gia Nùng …
Xin trở lại bài thơ Cố hương. Có thể người viết đã trải qua nhiều lần về thăm quê và cũng chừng ấy những tháng năm trăn trở, anh mới thốt thành lời với 14 cặp lục bát đậm hồn quê hương, đầy chất dân tộc như các vị vừa đọc. Trong văn chương, đề tài cố hương, cố lý, cố quốc là đề tài quen thuộc, thường gặp và người viết phải là những người con xa quê, nhớ quê da diết mới có những cảm xúc sâu đậm rồi dùng con chữ làm phương tiện để giải bày nỗi niềm, do vậy mới thành thơ văn. Ở Cố hương cũng thế, anh kiến trúc sư  xa quê đã gần 30 năm, nay về thăm quê cốt để kiếm tìm ký ức tuổi thơ. Một loạt động từ “ nhặt”được lặp lại (điệp từ) trong mấy dòng thơ đầu giúp người đọc văn bản khẳng định điều này. Nhặt là một động tác kiếm tìm có chủ ý, có chọn lựa những gì mình đã vô tình đánh rơi. Ở đây, người viết trở lại thăm quê để nhặt lại những gì mình đã đánh rơi lúc tuổi thơ, trong những ngày xa xưa của một thời quá vãng. Anh trở lại quê để kiếm tìm những gì? Về để nhặt lại tuổi thơ, nhặt hoàng hôn rụng, nhặt sương sớm, nhặt hương hoa dạt dào, nhặt tình xưa ngọt ngào, nhặt âm xưa đã hớt hao... và tinh tế hơn, anh còn  nhặt được những thứ mà người ta không thể nhặt được: nhặt mong manh giữa mênh mông diệu vời. Nếu ai đó có nói thơ là tiếng nói tâm tình, là tiếng lòng dạt dào cảm xúc thì chỉ cần đọc mấy câu trên cũng đủ thấy chất thơ. Đó là chưa nói đến trong mấy câu trên người viết có cách diễn đạt lạ, sáng tạo và nhiều liên tưởng. Nhặt lại tuổi thơ là cách diễn đạt hay, ai cũng hiểu và thường nói, nhưng nhặt hoàng hôn rụng là cách nói lạ, có liên tưởng và sáng tạo.
Chiều buông, đứng ở quê nhìn về hướng tây, cuối cánh đồng bạt ngàn là dãy Nam Trường sơn trập trùng, nơi ấy, ánh tà dương từ từ khuất bóng, người viết đã dùngrụng để diễn đạt hiện tượng trên, tưởng không còn từ ngữ nào chính xác, gợi tả và hay hơn. Lại nữa, có ai đi nhặt hoàng hôn bao giờ, mà làm sao nhặt nó được? Về quê còn là dịp để tìm lại một chút tình xưa ngọt ngào tuổi học trò ngây thơ vụng dại một thời ở trường Trung học đệ nhất và đệ nhị cấp Trần Bình Trọng Ninh Hoà (nay là trường THCS Đinh Tiên Hoàng) nghe sao mà dịu lịmRồi nhặt cả những giọng nói tiếng cười của ngày nào, giờ đã không còn hay chỉ sót lại chút ít bởi chúng đã hớt hao quá nhiều! Và đặt biệt là anh còn nhặt được những thứ li ti, dễ vỡ, dễ tan biến, mà cái thứ nhỏ nhoi ấy lại tồn tại trong không gian vũ trụ nghìn trùng diệu vợi:Nhặtmong manh giữa mênh mông diệu vời. Chiều xuống, đứng nơi cầu Dinh dõi mắt vềhướng Tây Bắc, nhìn dáng núi Vọng phu nhạt nhoà, một nỗi niềm chờ đợi đến hoá đá, lòng anh bồi hồi thương nhớ. Rồi những kỷ niệm cũ chợt về, một nỗi buồn thoáng qua làm cho con tim nhói đau! Một cánh chim cô đơn đã đủ gợi một buổi chiều buồn, anh lại nhớ đến một vần ca dao xưa.
Quê cũ còn đây nhưng cảnh cũ đổi thay. Dãy phố cổ, chợ Dinh xưa giờ không còn nữa. Tất cả đã đô thị hoá và hiện đại hơn. Sự đổi thay là tất yếu bởi quy luật phát triển của lịch sử xã hội, điều đó thật đáng mừng nhưng đối với những người con xa xứ như chàng kiến trúc sư  trong bài thơ này thì đó lại là niềm nuối tiếc, mất mát, buồn buồn. Cho nên người trở về mới có cảm giác: Chợ Dinh qua mấy nhịp cầu / Lối xưa lạc bước, còn đâu dáng người. Giống như ngày xưa, cách nay cả thế kỷ Bà huyện Thanh Quan Nguyễn Thị Hinh bùi ngùi nhớ tiếc Thăng Long một thời vang bóng: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Về quê còn để tìm lại vầng trăng tuổi ngọc ngà, những ngọn gió nồm nam mát rượi bên tàu dừa xào xạc lả lơi, nghe tiếng gà quê hương ban trưa xao xác chơi vơi gợi chút thoáng buồn và nhất là tìm nghe lại lời ru ầu ơi của mẹ hiền thuở nằm nôi mà qua thời gian, những sắc màu ấy giờ đây đã phôi pha.
Bởi thế nên ngày về, người trở lại mới ngập ngừng và bồi hồi, để cuối cùng mới thổ lộ khát vọng: Về đây sống lại tuổi thơ / Đợi hoàng hôn rụng ven bờ sông Dinh. Mở đầu bài thơ, người viết muốn Về đây nhặt lại tuổi thơ thì kết thúc lại là Về đây sống lại tuổi thơ để đợi hoàng hôn rụng bên bờ sông quê hương. Hai câu đầu và hai câu cuối của bài thơ có kết cấu vòng tròn, lặp ngôn từ chứ không lặp ý tưởng. Ý tưởng, nỗi niềm khát vọng trong hai câu cuối có sự phát triển. Nếu ban đầu là hoài vọng tìm về ký ức tuổi thơ thì giờ đây là niềm khát khao, ước vọng muốn cuối đời được sống ở quê, hơn thế, khi nhắm mắt xuôi tay được an nghỉ trên mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn. Một ước vọng thật đẹp biết bao! Viết đến đây tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Trương Hỗ (? – 853), một nhà thơ khá nổi tiếng của thời Vãn Đường ở Trung Hoa cũng có cái ước vọng cuối đời thật đẹp ấy trong bài thơ Hoài Nam:

Nhân sinh kỳ hạp Dương Châu tử,
Thiều trí sơn quang hảo mộ điền.
(Đời người chỉ chết ở Dương Châu là hợp, Ánh mặt trời chiều trên núi tĩnh lặng, chiếu trên nấm mộ ngoài ruộng). 
   Xin cám ơn anh Dương Tấn Long, một cây bút không chuyên đã cho bạn đọc ở quê nhà mấy vần thơ mang đậm tình quê với nỗi nhớ quê. Người viết giới thiệu mấy vần thơ này cũng là một người xa xứ bởi nợ áo cơm, nên tình cờ đọc những vần thơ trên  có cảm giác như  anh Long đã nói hộ tâm trạng, nỗi niềm của mình vậy.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng

Bùi Phan Thảo với khúc ca bi tráng Trường ca “Những ngọn khói về trời” của Bùi Phan Thảo là cuốn truyện bằng thơ, kể lại một thảm họa lịch...