Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Những giai điệu biển đảo: Biển hát chiều nay - Nơi đảo xa

Những giai điệu biển đảo: Biển hát chiều nay
Phan Cao Tùng
    Một trong những bản nhạc, lời ca bất hủ, đi vào lòng người phải kể tới Biển hát chiều nay của nhạc sĩ Hồng Đăng với những câu hát nằm lòng nhiều thế hệ.
Nhạc sĩ Hồng Đăng và nhóm Năm Dòng Kẻ trong chương trình Con đường âm nhạc tôn vinh sự nghiệp sáng tác của ông - Ảnh: T.L
Ca khúc nổi tiếng cũng là cái duyên
“Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam!/Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”, ca khúc Biển hát chiều nay được nhạc sĩ Hồng Đăng viết từ năm 1979 - 1980, nhưng phải đến những năm 1990 bài hát mới bắt đầu ghi dấu trong lòng khán giả.
Với riêng nhạc sĩ Hồng Đăng thì đây chính là ca khúc thành công nhất về đề tài biển đảo của ông và đã được hát qua rất nhiều thế hệ ca sĩ như Tuyết Thanh, Cẩm Vân, Ngọc Bích, Lê Dung, Trung Đức, Thanh Lam, Thu Phương, Mỹ Linh, Quang Minh, Lan Anh, Phương Nga, nhóm Năm Dòng Kẻ... Như nhạc sĩ chia sẻ, ca khúc nổi tiếng, đi vào lòng công chúng cũng là một cái duyên, vì “có những ca khúc cần sự trải nghiệm của thời gian” và Biển hát chiều nay là một ví dụ! Khi viết xong, ông nghĩ ca khúc này sẽ nhanh chóng được yêu thích vì ông rất tâm đắc, nhưng mãi tới hơn 10 năm sau, Biển hát chiều naymới trở nên phổ biến rộng rãi khắp nước.
Cho đến thời điểm này, bất cứ người con đất Việt nào khi nghĩ về biển đảo cũng có thể ngân nga một cách tự hào những giai điệu và ca từ đượm chất thơ, da diết: “Có gì sáng nay mà sóng xôn xao?/Chân trời vẫn xanh màu nắng vẫn ngọt ngào/Mỗi một tình yêu, mỗi một cuộc đời/Qua bao nhiêu thăng trầm lửa thử vàng mới nên người/Biển xanh vẫn hát những lời yêu thương/Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương”. Nhạc sĩ từng tâm sự: “Tôi viết câu hát Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam... rất đỗi tự hào như thế là cảm xúc mãnh liệt khi được đi dọc bờ biển từ bắc chí nam, thấy biển quê ta đẹp nức lòng. Ca khúc này có thể được hát lên bất kỳ lúc nào khi người ta nghĩ về biển, quê hương đất nước, hay đơn giản người ta muốn hát để thể hiện tình đồng đội, tình người trong đời sống…”.

Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936, tại Yên Thành, Nghệ An. Trong số hơn 1.000 ca khúc do nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác có khoảng 20 bài về biển, bởi tuổi thơ của ông cũng gắn liền với biển nên chất biển cũng tự nhiên mà “thấm” vào gần cả một đời người. Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ.
Mặc dù nhạc sĩ Hồng Đăng đã từng viết rất nhiều ca khúc về biển theo đơn đặt hàng cho phim, với riêng Biển hát chiều nay, ông sáng tác không theo bộ phim nào nhưng vẫn được đưa vào làm nhạc phim. Hầu như những bộ phim có cảnh biển ra đời trong những năm 1980 đều có lồng đoạn nhạc của bài hát này.
Còn cảm xúc là còn sáng tác
Nhạc sĩ Hồng Đăng không chỉ được biết đến với Biển hát chiều nay, mà ông còn nổi tiếng qua ca khúc Hoa sữa với những ca từ lãng mạn:Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/Có lẽ nào anh lại quên em/Có lẽ nào anh lại quên em…”. Trò chuyện với người từng là Phó tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc, Thế giới âm nhạc... mới thấy được ở tuổi 78, ông vẫn còn sung sức lắm! Ông nói: “Dù về hưu nhưng tôi vẫn tham gia sinh hoạt nhiều hoạt động không chỉ ở Hội Âm nhạc, mà còn ở Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam... Khi cảm xúc đến, tôi vẫn sáng tác, như ca khúc Mưa bụi mới nhất vừa cho ra mắt”.
     Nói về ca khúc Biển hát chiều nay trong những ngày biển Đông sôi sục, đang được nhiều người dân Việt Nam làm clip rồi truyền nhau nghe, xem những hình ảnh ý nghĩa về biển đảo, tình yêu Tổ quốc trên các trang mạng, nhạc sĩ cho biết: “Bài hát là tiếng nói của nghệ sĩ, cũng là tiếng nói chung của những người yêu nước, yêu nghệ thuật. Tôi thấy xúc động khi người dân từ trên xuống dưới đều đồng lòng! Tôi mong mọi người giữ mãi tình yêu biển gắn chặt với tất cả thân phận người Việt, để “Chân trời vẫn xanh màu nắng vẫn ngọt ngào và biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương!”.
Những giai điệu biển đảo - 'Nơi đảo xa'

  Dạt dào như từng đợt sóng, mỗi lời ca trong Nơi đảo xa của nhạc sĩ Thế Song thấm đẫm tình yêu chan chứa đối với Tổ quốc thiêng liêng.

Ca sĩ Tùng Dương (trái) đến thăm nhạc sĩ Thế Song (giữa) tháng 5.2014 - Ảnh: NVCC
Trong những ngày biển khơi dậy sóng, ca khúc như tiếng gọi hàng triệu trái tim Việt Nam hướng về biển Đông!
Tối 1.6, trong chương trình Bài hát yêu thích tháng 6 diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM (truyền hình trực tiếp trên VTV3), một lần nữa giai điệu và ca từ Nơi đảo xa lại vang lên qua giọng hát tuyệt vời của ca sĩ Tùng Dương. Cùng với dàn hợp xướng, Tùng Dương đã khiến gần 3.000 khán giả tại nhà hát và hàng triệu người xem qua truyền hình xúc động với những câu hát da diết tình yêu giữa đất liền và biển đảo.
Tác giả hài lòng với Tùng Dương
                               Ca khúc Nơi đảo xa đã trở thành nhịp cầu âm nhạc nối giữa đất liền với những hòn đảo xa xôi, nơi có biết bao người lính đang canh giữ vùng biển của Tổ quốc qua những câu hát: Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/Quần đảo đứng hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng. 35 năm qua, Nơi đảo xa được hàng triệu người yêu mến và đánh giá là một trong những ca khúc hay nhất về biển đảo, đặc biệt là những người lính đảo.
Ca khúc này từng được nhiều ca sĩ thể hiện. Khán giả vẫn đánh giá ca sĩ,  NSƯT Tiến Thành - người đầu tiên hát ca khúc này - là hay nhất. Nhưng với tác giả ca khúc, ngoài Tiến Thành và Trọng Tấn cũng từng hát rất hay nhưng do phần nhạc đệm chưa thực sự chuẩn, nhạc sĩ Thế Song đặc biệt dành tình cảm, lời ngợi khen cho Tùng Dương vì nam ca sĩ sinh năm 1983 đã mang lại một hơi thở mới cho ca khúc đã theo cùng năm tháng.
Nhạc sĩ Thế Song - tác giả ca khúc, hiện đang điều trị tại nhà bởi căn bệnh tai biến mạch máu não khiến ông bị liệt nửa người cách đây hơn một tháng. Lần tai biến này của nhạc sĩ xảy ra khi biển Đông nóng bỏng từng ngày, và ca khúc Nơi đảo xa của ông được nhiều người tìm nghe. Người thân trong gia đình kể lại: “Khi ở bệnh viện thi thoảng ông vẫn ra hiệu cho các con mở nhạc để nghe, còn kể từ khi về nhà hằng ngày, vào mỗi buổi sáng, các con vẫn mở máy, bật những ca khúc do ông sáng tác hoặc những ca khúc cách mạng để gợi cho ông trí nhớ, đánh thức tiềm thức trong ông”. Bị tai biến lần 2, sức khỏe nhạc sĩ Thế Song hiện yếu hẳn so với trước, nhưng như ca sĩ Tùng Dương vừa đến tận nhà thăm ông kể lại thì: “Dù nằm một chỗ và không nói được, nhạc sĩ vẫn còn tỉnh táo và nhận biết mọi người. Khi tôi hát mộc cho ông nghe ca khúc Nơi đảo xa, ông hấp háy mắt hài lòng và cười mãn nguyện... Tôi rất hãnh diện vì được ông hài lòng phần thể hiện của mình”.
Duyên cớ để tên tuổi Tùng Dương gắn liền với ca khúc Nơi đảo xa, thật ra có dính líu tới… Báo Thanh Niên bởi chính Báo khi tổ chức chương trình Khát vọng trẻ lần đầu tiên năm 2010 tại Hà Nội đã “chỉ định” Tùng Dương hát ca khúc này. Như anh thổ lộ: “Ban đầu cũng bỡ ngỡ, không ngờ khi tập hát thử, tôi thật sự yêu thích giai điệu và ca từ của Nơi đảo xa. Sau lần hát đầu tiên quá thành công tại Khát vọng trẻ, nhiều đơn vị khác xem truyền hình biết tôi có biểu diễn ca khúc này nên khi có dịp là đặt hàng tôi hát Nơi đảo xa ngay!”.
“Câu hát nào cũng thấm đượm tình yêu !”
Nhạc sĩ Thế Song đã viết bài hát này vào tháng 4.1979 khi đi sáng tác thực tế ở vùng đông bắc và có dịp ghé tới xã Bắc Sơn (tỉnh Quảng Ninh) có đơn vị hải quân Quân khu 3, trước lời đề nghị của các chiến sĩ rằng “hãy viết ca khúc về lính hải quân vì đất nước ta có tới hơn 3.000 km đường biển mà”. Nhạc sĩ từng chia sẻ: “Tất cả ca từ trong ca khúc này tôi đều thích. Nếu nghe kỹ thì sẽ thấy không câu nào thừa. Câu nào cũng thấm đượm tình yêu từ đất liền gửi tới người lính đảo đang canh giữ vùng biển Tổ quốc”.
Ngoài các giọng đơn ca rất hay như Tiến Thành, Trọng Tấn, Tùng Dương, công chúng còn được nghe và xem bài hát bằng nhiều hình thức đồng ca nhiều người trên trang YouTube. Ấn tượng nhất phải kể đến hợp ca do 1.000 người cùng hòa giọng, trong đó có cả học sinh, sinh viên, cán bộ - công nhân viên, doanh nhân và các nghệ sĩ như nhạc sĩ Giáng Son, ca sĩ Lưu Hương Giang, Đức Tuấn, Tuấn Hiệp, M4U, Thùy Chi, Phương Anh...
Với ca khúc Nơi đảo xa, nhạc sĩ Thế Song đã được Bộ Tư lệnh hải quân tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhạc sĩ Thế Song sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông từng có 40 năm gắn bó với Đài tiếng nói Việt Nam (1956 - 1996) và hơn 400 ca khúc bao gồm nhiều đề tài, thể loại khác nhau. Phần lớn sáng tác của ông viết về biển cả và những người lính đang ngày đêm canh giữ đảo xa. 
Phan Cao Tùng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đỉnh cao chói lọi 5XXXX

Đỉnh cao chói lọi 5 NGƯỜI ANH EM (4) Nói rồi ông nhanh nhảu ra lệnh cho trợ lý. Anh này lục tìm cuốn danh bạ đơn vị, hí hoáy tẩy chữ Nôn...