Những ca khúc lời Việt -
Come Back to Sorrento của
DE CURTIS; Serenata của TOSELLI
DE CURTIS; Serenata của TOSELLI
Ernesto De Curtis (1875-1937)
Sau phần dẫn nhập và giới thiệu một số sáng tác để đời của các nhà
soạn nhạc lừng danh ở Đức, Áo, Ba-lan và Đông Âu trong nền nhạc cổ điển, bắt
đầu từ bài này, chúng tôi mời quý độc giả cùng xuôi về phương Nam để thưởng
thức những ca khúc nổi tiếng của các nhà soạn nhạc Ý, Tây-ban-nha và Mỹ
La-tinh.
Trước hết là bản Torna a Surriento (tựa tiếng
Anh: Come Back to Sorrento, tựa tiếng Việt: Trở về mái nhà
xưa) của hai anh em người Ý Ernesto De Curtis (1875-1937)
và Giovanni Battista (gọi tắt là Giambattista) De
Curtis (1860-1926).
Viết một cách chi tiết hơn,Torna a Surriento là một ca
khúc được Ernesto phổ từ một bài thơ có cùng tựa của Giambattista. Tuy nhiên
hiện nay, nếu không kể ở Ý, hầu như tất cả mọi ấn bản được lưu hành chỉ ghi tên
tác giả là Ernesto De Curtis.
Trong số này, có người (Việt) còn lầm lẫn một cách tai hại khi
viết: “…tác giả là Ernesto De Curtis,còn được gọi là Giambattista”!
Tìm hiểu tới nơi tới chốn, chúng ta sẽ thấy nếu không có bài thơ
của Giambattista, hoặc ông không yêu cầu Ernesto phổ nhạc, đã không có ca khúc
bất hủ này. Có thể nói, Torna a Surriento là một sự phối hợp
tuyệt vời giữa những rung động trong lời thơ của Giambattista và nét nhạc của
Ernesto.
Giovanni Battista De Curtis (1860-1926)
Torna a Surriento là một ca khúc thuộc thể loại “ca khúc xứ Naples” –
tức “Neapolitan songs”.
Naples (tiếng Ý là Napoli) được xem là cái nôi của nền ca nhạc
hiện đại của Ý, khởi đầu vào cuối thời kỳ lãng mạn với những ca khúc thiết tha,
trữ tình, mà lời hát được phát âm theo thổ âm đặc biệt của vùng Naples, chẳng
hạn chữ ”sorrento” phát âm thành “surriento”.
Ngoài bản Torna a Surriento, người Ý còn
có nhiều “ca khúc xứ Naples” nổi tiếng quốc tế khác, chẳng hạn bản O
Sole Mio (Mặt trời của tôi), một ca khúc quen thuộc qua tiếng hát của
hầu hết danh ca tenor trên thế giới. Về sau, bản O Sole Mio còn
được người Mỹ đặt lời bằng tiếng Anh với tựa It’s Now or Never, và
trở thành một trong những ca khúc “nhãn hiệu cầu chứng” của Ông vua nhạc rock
Elvis Presley.
Hai anh em Giambattista và Ernesto De Curtis sinh trưởng trong một
gia đình quý tộc ở Naples – nguyên là một vương quốc ngày nước Ý chưa thống
nhất; cha là “họa sĩ fresco” tên tuổi Giuseppe De Curtis, và ông cố là nhà soạn
nhạc nổi tiếng Saverio Mercadante.
Giambattista sinh năm 1860, còn Ernesto ra chào đời sau đó 15 năm.
Với người Ý nói chung, Giambattista nổi tiếng hơn Ernesto, bởi vì trong khi
Ernesto chỉ là một nhà soạn nhạc và viết ca khúc, thì Giambattista vừa viết ca
khúc, soạn ca kịch, vừa sáng tác thơ văn, vừa điêu khắc, vừa vẽ tranh, đặc biệt
là tranh “fresco”, nhờ được thân phụ huấn luyện, đào tạo từ nhỏ.
[Chú thích: “fresco” là một hình thức vẽ tranh đặc
thù của thời Trung cổ và thời Phục hưng. Đó là kỹ thuật và nghệ thuật vẽ trên
vữa (plaster) chưa kịp khô của các bức tường hoặc trần nhà, với mục đích giữ
cho lâu bền.
Nhà nguyện Sistine (Sistine Chapel) ở Rome là nơi tập trung những
bức “fresco” nổi tiếng nhất: trên trần là tranh của danh sư Michelangelo, và
trên tường là các tác phẩm của Botticelli cùng nhiều họa sĩ thời danh khác.
Cái khó khăn nhất trong việc vẽ “fresco” là một khi đã vẽ, không
thể sửa đổi các chi tiết. Bức họa lừng danh “Bữa tiệc ly” (The Last Supper)
của thiên tài Leonardo Da Vinci – mà một số người gọi là
“fresco” - tuy cũng được vẽ trên tường phòng ăn của tu viện Santa Maria delle
Grazie ở Milan, nhưng thực ra không phải “fresco” vì được vẽ trên tường đá, cho
nên đã bị hư thoái trầm trọng (tróc sơn) ít lâu sau khi ông qua đời.
Cũng may cho hậu thế, vào khoảng năm 1520 (hơn 20 năm sau ngày bức
họa được hoàn tất),Giovanni Pietro Rizzoli (có tên nghệ sĩ là Giampietrino),
một người phụ tá của Leonardo Da Vinci, thấy được nguy cơ hư thoái của bức họa,
nên đã vẽ lại bằng sơn dầu (oil on canvas) với cùng một kích thước (một bề 4.5
mét, một bề 8.7 mét) và với một mức chính xác tuyệt vời. Nhờ đó, gần 5 thế kỷ
sau, khi bức họa The Last Supper nguyên thủy của Leonardo Da
Vinci được trùng tu toàn phần - một công việc kéo dài 20 năm (từ 1978 tới
1998), người ta mới có “mẫu” để vẽ lại những phần đã bị tróc trên bức họa
nguyên thủy.
Ngày nay, bức họa The Last Supper (vẽ lại) của
Giampietrino thuộc quyền sở hữu của Hàn lâm viện Nghệ thuật Vương quốc Anh
(Royal Academy of Arts) ở Luân-đôn.
Cũng nhờ tài vẽ tranh “fresco” mà Giambattista De Curtis được ông
Thị trưởng Guglielmo Tramontano của Sorrento trọng đãi.
Thị trấn cổ kính Sorrento
Sorrento là một thị trấn cổ kính ở tỉnh Campania, miền Nam nước Ý,
cư dân chỉ vào khoảng 16,500 người. Với những di tích lịch sử từ thời Đế quốc
La-mã, khung cảnh thơ mộng hữu tình, nằm bên vịnh Sorrento xanh biếc của Địa
Trung Hải, gần Naples, núi lửa Vesuvius và thành phố Pompeii đã bị núi này chôn
vùi dưới lòng biển, Sorrento đã trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng, và
nơi nghỉ mát lý tưởng.
Gia đình De Curtis là chỗ quen thân với ông Thị trưởng Tramontano
của Sorrento, kiêm chủ nhân khách sạn nghỉ mát Grand Hotel nổi
tiếng của thị trấn; và Giambattista đã được ông mời phụ trách việc trang trí,
vẽ những bức “fresco” trên tường khách sạn; về sau, Giambattista còn vẽ nhiều
bức tranh trên vải để trưng bày tại đây.
Sự trọng đãi của ông Thị trưởng Tramontano cùng với khung cảnh thơ
mộng hữu tình, khí hậu lý tưởng của Sorrento đã khiến Giambattista De Curtis
xem thành phố này như quê hương thứ hai; trong suốt 20 năm liên tục, năm nào
ông cũng tới sống ở Sorrento trong 6 tháng hè, ngụ tại Grand Hotel, để
vẽ, làm thơ, sáng tác ca khúc, và... xuất hiện bên cạnh những bông hoa biết nói
đẹp nhất – cho tới khi lập gia đình vào tuổi 50 với tiểu thư Carolina
Scognamiglio - sau 20 đính hôn!
Về phần cậu em Ernesto De Curtis, tuy không “bách nghệ tinh” và
đào hoa như ông anh Giambattista, nhưng lại là một danh thủ dương cầm và nhà
soạn nhạc, soạn ca khúc chuyên nghiệp, tốt nghiệp Nhạc viện San Pietro ở
Naples.
Bình thường, Giambattista hay viết ca khúc chung với nhà soạn nhạc
Vincenzo Valente (1855–1921), một người bạn vong niên, chỉ thỉnh thoảng mới
viết chung với cậu em Ernesto, trong đó bảnTorna a Surriento.
Theo lời truyền tụng, nguyên nhân ra đời của bản Torna a
Surriento là chuyến viếng thăm thị trấn Sorrento của Thủ tướng Ý
Giuseppe Zanardelli vào năm 1902. Dĩ nhiên, ngài Thủ tướng cư ngụ tạiGrand
Hotel. Vì thế ông Thị trưởng Tramontano đã yêu cầu hai anh em De Curtis
sáng tác một “ca khúc xứ Naples” để đón mừng. Thế là Giambattista làm bài thơ Torna
a Surriento rồi đưa cho Ernesto phổ nhạc.
Tuy nhiên, một số tài liệu được khám phá gần đây cho thấy ca khúc
này đã được hai anh em sáng tác vào năm 1894, tức là 8 năm trước ngày Thủ tướng
Zanardelli viếng thăm Sorrento; như vậy việc ca khúc này được xuất bản vào năm
1902 – năm có chuyến viếng thăm của Thủ tướng Ý, chỉ là một sự vô tình trùng
hợp. Thế nhưng cho tới nay, không ít tác giả khi viết về lai lịch ca khúc Torna
a Surriento, vẫn cố tình “phớt lờ” khám phá nói trên,
không ngoài mục đích duy trì tính cách thú vị của những thêu dệt đáng yêu, và
vô hại ấy!
Lời hát trong Torna a Surriento (Hãy trở lại
Sorrento), là lời trách móc một chàng trai đang bỏ Sorrento ra đi, bỏ lại biển
xanh với những cổ vật dưới đáy, và trên mặt nước những nàng nhân ngư đang đắm
đuối nhìn theo, bỏ lại những khu vườn thân thương vương thoảng mùi hoa cam dịu
dàng..., cùng với lời nhắn nhủ “Hãy trở lại Sorrento!”
Ngay sau khi được đăng ký bản quyền quốc tế vào năm 1905, Torna
a Surriento đã trở thành một “hiện tượng”, được ưa chuộng và phổ biến
khắp nơi, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, nơi mà người di dân Ý còn mang nặng tình hoài
hương.
Từ đó tới nay, hầu như không một danh ca nào của phương tây mà
không hát bản này; riêng Dean Martin, một danh ca Mỹ gốc Ý, đã thu đĩa tới 3 ấn
bản khác nhau: nguyên tác tiếng Ý Torna a Surriento, bản dịch sang
tiếng Anh với tựa Come Back to Sorrento, và một bản lời Anh khác có
tựaTake Me in your Arms.
Về sau, hai tác giả Doc Pomus và Mort Shuman còn soạn lại phần nhạc
và đặt lời hát với tựaSurrender cho Ông vua nhạc rock Elvis Presley
thu đĩa.
Bên cạnh đó, nét nhạc của Ernesto de Curtis trong Torna a
Surriento cũng có một sức thu hút lạ thường, và đã được nhiều dàn nhạc
cổ điển và bán cổ điển trình tấu.
Có thể nói, nếu cần một nhạc khúc, ca khúc quốc tế để diễn tả nỗi
buồn xa xứ, sự hoài niệm quê xưa, thì Torna a Surriento phải
được xem là nhạc khúc, ca khúc điển hình nhất.
Thật vậy, người nghe nhạc ở khắp năm châu, không phải ai cũng
biết, hoặc bỏ công tìm hiểu thị trấn Sorrento nằm ở đâu, thơ mộng tới mức nào,
nhưng sao qua nghe ca khúc này, hầu như mỗi người đều thấy trong đó hình ảnh
một nơi chốn riêng đầy ắp những kỷ niệm thân thương của chính mình.
Theo ký ức của nhạc sĩ Thanh Trang, nhạc sĩ
kiêm ca sĩ Mạnh Phát trong Nam là người đầu tiên đặt lời Việt
cho bản Torna a Surriento với tựa đề “Trở về mái nhà xưa”; lời
hát tuy đơn sơ nhưng rất thấm thía.
Khoảng năm 1949-1950, nhạc sĩ Phạm Duy
cũng đặt lời Việt cho Torna a Surriento, và cũng với tựa đề “Trở về
mái nhà xưa”.
Ông viết trong hồi ký:
“Bản ca nổi danh của nước Ý là COME BACK TO SORRENTO cũng được tôi
soạn lời Việt với cái tên TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA tại Chợ Neo, Thanh Hoá. Lời ca nói
lên phần nào sự mệt mỏi của con người trong kháng chiến, mơ tới ngày được trở
về với cái bình thường của mình. Bài này có thêm chút không khí Bồ Tùng Linh vì
tôi là người Á Ðông:
Về đây khi mái tóc còn xanh xanh
Về đây với mầu gió ngày lang thang
Về đây với xác hiu hắt lạnh lùng
Ôi lãng du quay về điêu tàn.
Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan.
Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan.
Về đây nhé ! Cắm xong chiếc thuyền hồn
Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn.
Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh.
Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh.
Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh.
Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn
Ðốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh.
Sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh.
Và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về
Ðang khóc than trên đường não nề.
Ðâu tiếng đàn ngoài hiên mưa ?
Và đâu bướm tơ, vui cùng mùa ?
Một mùa Xuân mới, mắt êm nắng hào hoa.
(Thôi nhé đừng hoài âm xưa
Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà
Người ngồi im bóng, lắng nghe tháng ngày qua)
Về đây với mầu gió ngày lang thang
Về đây với xác hiu hắt lạnh lùng
Ôi lãng du quay về điêu tàn.
Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan.
Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan.
Về đây nhé ! Cắm xong chiếc thuyền hồn
Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn.
Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh.
Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh.
Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh.
Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn
Ðốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh.
Sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh.
Và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về
Ðang khóc than trên đường não nề.
Ðâu tiếng đàn ngoài hiên mưa ?
Và đâu bướm tơ, vui cùng mùa ?
Một mùa Xuân mới, mắt êm nắng hào hoa.
(Thôi nhé đừng hoài âm xưa
Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà
Người ngồi im bóng, lắng nghe tháng ngày qua)
Ca khúc thứ hai của Ý chúng tôi giới thiệu trong bài này là bản Serenata của
tác giả Enrico Toselli(1883-1926) với lời hát của Alfredo
Silvestri.
Với nhiều người yêu nhạc cổ điển, khi nói tới những bản “serenata”
nổi tiếng của Ý, thì bản La Serenata của Francesco
Paolo Tosti (1846-1916), ra chào đời trước Enrico Toselli 37 năm, được
đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, nếu nói về tính cách phổ biến, bản Serenata
của Enrico Toselli được nhiều thành phần thính giả biết tới và ưa
chuộng hơn; một phần vì giai điệu êm tai, nét nhạc dung dị, một phần vì đời tư
sôi nổi của tác giả - tức cuộc hôn nhân của ông với Nữ đại công tước
Louise – một mệnh phụ nổi tiếng và gây tranh luận vào thời đó, không
thua gì Công nương Diana của thế kỷ 20.
Enrico Toselli ra chào đời tại Florence năm 1883, ngay từ nhỏ đã
tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Được thọ giáo các danh sư về dương cầm
và sáng tác, năm 16 tuổi Enrico Toselli đã sáng tác bản Serenata bất
hủ (sẽ đề cập tới ở phần sau) đồng thời nổi tiếng với tài đàn
dương cầm, không chỉ trình diễn ở Ý mà còn được mời tới các kinh thành ở khắp
Âu châu, tới tận cố đô Alexandria của Ai-cập, và cả Bắc Mỹ.
Thế nhưng đang nổi tiếng với tiếng đàn, năm 1907, tại thủ đô Anh
quốc, vào tuổi 24, Enrico Toselli đã “dừng bước giang hồ” để kết hôn với một
thiếu phụ 7 con, hơn chàng 13 tuổi. Thiếu phụ ấy chính là Nữ đại công tước
Louise, tức Công chúa Louise xứ Tuscany, vợ cũ của Đông cung Thái tử Frederick
xứ Saxony, người sau này trở thành vua Frederick đệ Tam của vương quốc này.
Nữ đại công tước Louise
Cũng nên biết vào đầu thế kỷ thứ 19, sau khi chinh phục Âu châu,
Hoàng đế Nã-phá-luân đệ Nhất của Pháp đã cho giải thể đế quốc Holy Roman
Empire, chia thành nhiều vương quốc nhỏ, như Saxony (ngày nay là Vương quốc
Bỉ), Tuscany (miền bắc nước Đức ngày nay)... Sau khi Nã-phá-luân bị đại bại
trước liên quân Âu châu, các vương quốc này trực thuộc đế quốc Áo – Hung.
Louise thuộc dòng tộc Bourbon của Pháp, con gái vua Ferdinand IV
xứ Tuscany, được hoàng đế Áo Franz Josef phong tước “Nữ đại công tước Áo quốc”
(Archduchess of Austria). Đây là tước cao nhất dành cho nữ giới trong đế quốc
Áo; trước kia Hoàng hậu Marie-Antoinette (vợ vua Louis 16) và Hoàng hậu
Marie-Louise (vợ của Nã-phá-luân đệ Nhất) cũng được phong tước này.
Năm 21 tuổi, Louise kết hôn với Đông cung Thái tử Frederick của
vương quốc Saxony, người sau này trở thành vua Frederick đệ Tam. Trong cương vị
một hoàng hậu tương lai (Crown Princess), Louise rất được thần dân Saxony yêu
mến, nhưng lại bị ông bố chồng - vua George xứ Saxony, ghét cay ghét đắng, một
phần vì nàng có đầu óc cấp tiến, không chịu tuân thủ các nghi lễ, thủ tục trong
triều, một phần vì bị nhà chồng lên án là lả lơi, thiếu đứng đắn.
Cuối năm 1902, khi đang mang thai đứa con thứ 7, Louise khám phá
ra việc ông bố chồng đang âm mưu nhốt mình vào viện tâm thần Sonnestein Mental
Asylum suốt đời, nàng đã nhờ người anh trai giúp mình trốn khỏi kinh đô
Dresden, bỏ lại 6 đứa con dại.
Qua đầu năm 1903, vua George xứ Saxony đã ban sắc lệnh chấm dứt
cuộc hôn nhân giữa con trai, tức Đông cung Thái tử Frederick, và Louise, tước
bỏ tước hiệu “Her Imperial and Royal Highness, Crown Princess of
Saxony” của nàng.
Sau đó, có một khoảng thời gian Louise chung sống với André Giron,
nguyên là thầy giáo dạy Pháp văn của các con, và tới năm 1907, kết hôn với
Enrico Toselli tại Luân-đôn. Chỉ tới khi ấy, Louise mới bị Hoàng đế Áo tước bỏ
tước hiệu “Nữ Đại công tước Áo quốc” do ông phong trước đây.
Ngày ấy, và cả cho tới nay, việc “Công chúa Louise xứ Saxony bỏ
chồng” đã được các sử gia xem là vụ “xì-căng-đan vương giả” lớn nhất từ nhiều
thế kỷ qua, khởi đầu cho một “cuộc cách mạng trong các cung đình”.
Qua năm sau (1908), Louise cho ra chào đời cậu con trai Carlo Emanuele
Toselli; tuy nhiên cuộc hôn nhân giữa nàng công chúa và chàng nhạc sĩ được mô
tả là không hạnh phúc, và hai người ly dị sau 4 năm chung sống.
Sau khi ly dị, Toselli về sống tại Florence, vừa sáng tác vừa dạy
nhạc, thỉnh thoảng mới trình diễn dương cầm cho giới mộ điệu.
Điều đáng tiếc cho người yêu nhạc là Toselli lại có cả tài cầm
bút: sau thành công của loạt bài viết về chuyện tình và cuộc hôn nhân giữa ông
và Louise, Toselli đã dành quá nhiều thì giờ cho việc viết cuốn hồi ký rất ăn
khách, có tựa tiếng Pháp là Mari d’altesse: 4 ans de mariage avec
Louise de Toscane, ex-princesse de Saxe. (Trèo cao: 4 năm làm chồng Louise
xứ Tuscany, cựu Công chúa xứ Saxony) do Albin Michel Éditeur, Paris, xuất bản
năm 1912.
[Tuy nhiên, với các sử gia, đây lại là một việc “không đáng tiếc”
chút nào. Bởi vì cùng với cuốn hồi ký của Louise (My own Story, Louise
of Tuscany, Former Crown Princess of Saxony) xuất bản tại Luân-đôn năm 1911,
cuốn hồi ký của Enrico Toselli được xem là một sử liệu hiếm quý về những diễn
biến chính trị trong buổi hoàng hôn của các triều đại đế quốc ở Âu Châu]
Vì thế, so với tài năng thiên phú, sự nghiệp âm nhạc Enrico
Toselli để lại cho đời phải được xem là quá khiêm nhượng, chỉ gồm 2 vở opera
ngắn (operetta) và mấy chục ca khúc, nhạc khúc, trong đó có bản Serenata bất
hủ, sáng tác năm 16 tuổi.
Chữ “serenata” (tiếng Pháp là “sérénade”) trong nền nhạc cổ điển,
chúng tôi đã giải thích một cách chi tiết trong bài nói về bản Sérénade (Dạ
Khúc) của Schubert, cho nên ở đây chỉ xin nhắc sơ lại:
“Serenata” phát xuất từ Ý vào thời Trung cổ, nguyên là thể loại ca
khúc êm dịu được “chàng” sử dụng để tỏ tình với “nàng”.
Về sau, tới thời nhạc cổ điển, nội dung cũng như hình thức của
“serenata” đã được nới rộng (không nhất thiết phải có lời hát mà có khi chỉ
viết cho nhạc cụ), nhưng căn bản vẫn là nhẹ nhàng, êm ái, thiết tha, thường
được trình diễn vào lúc chiều tối, tức “mộ khúc”, hoặc “dạ khúc”.
“Serenata” là hình thức sáng tác rất phổ biến trong nền nhạc cổ
điển, hầu như nhà soạn nhạc nào cũng viết một vài bản (riêng Mozart viết tới 13
bản), cho nên khi đề cập tới một bản “serenata” (hay “sérénade”) nào đó, người
ta phải nói rõ là của tác giả nào, thậm chí có khi còn ghi số thứ tự của tác
phẩm và tuyển tập (opus).
Tuy nhiên, để khỏi mất công dài dòng và tránh nhức đầu cho người
nghe nhạc, hiện nay người ta gọi 4 bản “serenata” (sérénade) phổ biến nhất
trong nền nhạc cổ điển một cách đơn giản như sau:
1- Sérénade số 13 của Mozart là “Eine Kleine
Nachtmusik” (tiếng Đức có nghĩa là “Tiểu dạ khúc”), cũng là
tựa đề mà chính Mozart đã đặt cho bản “sérénade” này.
2- Sérénade của Schubert là “Sérénade de Schubert”
3- Serenata của Tosti là “La Serenata”
4- Serenata của Toselli (đề cập tới trong bài viết này) là Serenata
“Rimpianto” (Bản nhạc chiều luyến tiếc).
Riêng với thính giả tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, mà phần
lớn chỉ biết tới 2 bản của Schubert và Toselli, người ta đã đơn giản tới mức tối đa: bản
của Schubert thì gọi là “Sérénade”,còn bản của Toselli là “Serenata”.
Khi đặt tựa tiếng Việt, nhạc sĩ Phạm Duy cũng rất ngắn gọn: “Sérénade” thành
“Dạ khúc”,“Serenata” thành “Chiều tà”.
Bản Serenata được Toselli sáng tác vào năm 16 tuổi, dưới tựa “Serenata
for Violin and Piano”(No.1, Op. 6) với lời hát của Alfredo Silvestri (rất
tiếc, chúng tôi không tìm thấy bất cứ tài liệu nào viết về tác giả này).
Vì nội dung lời hát là sự luyến tiếc những kỷ niệm đẹp, những hạnh
phúc ngọt ngào của mối tình tuổi thanh xuân rực rỡ nay đã mất, cho nên người Ý
còn gọi bản Serenata của Toselli là Serenata“Rimpianto’
.
Trong tiếng Ý “Rimpianto” có nghĩa là “sự hoài niệm, luyến tiếc”.
Sự tài tình của Toselli là đã khiến người yêu nhạc, hoặc nghe nhạc cổ điển
có chút trình độ và tâm hồn, chỉ cần nghe phần nhạc cũng có thể đoán ra phần
nào nội dung lời hát. Đặc biệt là những đoạn viết cho vĩ cầm – khi thiết tha,
khi lên tới tận cùng đau đớn, để rồi cuối cùng trầm lắng, buông xuôi, ngậm ngùi
trước những gì đã qua, đã mất…
Mặc dù được Toselli viết chủ yếu cho vĩ cầm và dương cầm, bản Serenata ‘Rimpianto’ còn
được nhiều dàn nhạc, hay nhạc sĩ, ca sĩ trình bày dưới những hình thức khác
nhau, chẳng hạn ca sĩ + dương cầm + ban hòa tấu, hoặc đàn mandolin…
Serenata ‘Rimpianto’ đã được Phạm Duy đặt
lời Việt với tựa “Chiều Tà” – được nhiều người đánh giá là một trong những bản
lời Việt (cho ca khúc ngoại quốc) hay nhất của ông.
Lắng trầm tiếng chiều ngân
Nhạc dặt dìu ái ân
Người ơi ! Nhớ mãi cung đàn
Năm tháng phai tàn
Duyên kiếp vẫn còn lỡ làng.
Ðã quên hết sầu chưa
Lời này là tiếng xưa
Quỳ dâng dưới nắng phai mờ
Bên gối ơ thờ
Ôi tiếng tơ tình mong chờ.
Chiều êm êm đưa duyên về người
Ðàn triền miên nắn tiếng sầu đời
Người hỡi !
Ðến bên tôi nghe lời xao xuyến
Như chuyện thần tiên
Niềm mơ xưa là đó
Cho ta nâng niu lời ca
Chiều mơ không gian
Hờ hững cõi Thiên Ðàng
Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ
Xin hãy lắng nghe bao lời thơ… chiều tà
Nhạc chiều của chúng ta
Là câu ân ái muôn đời
Bóng đã xế rồi
Hãy nép trong lòng cõi đời
Tình Yêu mãi mãi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét