Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Những khoảnh khắc bốn mùa kỳ diệu của Tchaikovsky!

Những khoảnh khắc 

bốn mùa kỳ diệu của Tchaikovsky!

Trong 12 tiểu phẩm của tổ khúc Bốn mùa, Tchaikovsky vẽ nên những bức tranh phong cảnh với những khoảng không vô biên của những cánh đồng Nga, các phong tục tập quán ở nông thôn, các bức tranh đời sống thị thành ở St. Petersburg, những cảnh sinh hoạt âm nhạc của người dân Nga...
Nếu như tổ khúc Bốn mùa của Antonio Vivaldi là một bộ 4 violon concerto (Xuân, Hạ, Thu, Đông) thì tổ khúc Bốn mùa của Pyotr Ilyich Tchaikovsky lại gồm 12 tiểu phẩm viết cho piano tương ứng với 12 tháng của năm.
Ngoài sự giống nhau về tên gọi, còn có một sự tương đồng nữa giữa hai tổ khúc
 Bốn mùa. Đó là các bản nhạc đều được xuất bản kèm với những thi phẩm hỗ trợ cho sự tưởng tượng của thính giả khi nghe nhạc. 
Nguồn: shockwave-sound.com
Bốn violon concerto trong Bốn mùa của Vivaldi được soạn tương ứng với 4 bài thơ thể sonnet in kèm với bản nhạc và có giả thuyết cho rằng Vivaldi là tác giả của những sonnet này. Còn Bốn mùacủa Tchaikovsky được xuất bản với 12 đề từ, là những khúc thơ nhỏ của các thi sĩ Nga. Lý do Tchaikovsky sáng tác các tiểu phẩm Bốn mùa có lẽ là bức thư đặt hàng của chủ bút tạp chí Nouvellist - N.M. Bernard vào tháng 11/1875.
Trong thư trả lời đề ngày 24/11/1875, Tchaikovsky viết:
 "Tôi đã nhận được thư của ngài. Tôi rất cảm ơn ngài về số tiền nhuận bút rất cao mà quý báo sẵn sàng trả. Tôi sẽ cố gắng để ngài hài lòng và bản thân không phải xấu hổ.
Tôi sẽ gửi cho ngài tiểu phẩm đầu tiên sớm nhất có thể được, mà cũng có thể gửi ngay một lần 2 hoặc 3 tiểu phẩm. Nếu như không có gì trở ngại công việc sẽ kết thúc nhanh chóng: Hiện tôi đang rất có hứng sáng tác các tiểu phẩm cho piano. Tchaikovsky của ngài. Tất cả các đề từ của ngài tôi sẽ giữ lại".
Như vậy ta có thể hiểu tên gọi của các tiểu phẩm - đồng thời cũng là chủ đề các tiểu phẩm đó là do chủ bút tạp chí đề nghị. 
Quá trình chuẩn bị cho việc xuất bản các tiểu phẩm trên tạp chí Nouvellist bắt đầu vào ngày 13/12/1875, khi Tchaikovsky gửi đến St. Petersburg hai tiểu phẩm đầu tiên (Tháng Giêng và Tháng Hai), căn cứ vào một bức thư của nhà soạn nhạc. Tạp chí ra vào ngày 1 hàng tháng.
Các tiểu phẩm của Tchaikovsky mở đầu mỗi số (trừ số tháng 9, vở nhạc kịch của V.I. Glavach mở đầu).
Cũng trong số báo này xuất hiện thông báo tặng cho bạn đọc thường xuyên của tạp chí một tuyển tập tất cả 12 tiểu phẩm của Tchaikovsky. Trên bìa của ấn phẩm này có in 12 tranh nhỏ và nhan đề Bốn mùa


Hình ảnh những đêm trắng thật đặc biệt
và lãng mạn của St. Petersburg
Những đêm trắng - Tháng Năm
Đêm đẹp sao! Vạn vật đều hạnh phúc!
Cảm ơn người, miền đất trắng nửa đêm!
Từ vương quốc của giá băng, bão tuyết
Tháng năm về trong veo, ngực căng tràn!
(thơ A.A. Fet)
Đêm trắng là cách gọi các đêm tháng năm ở miền Bắc Nga, nơi mà trong tháng này đêm cũng sáng gần như ngày. Những đêm trắng ở St. Petersburg, thủ đô Nga, luôn luôn được kỷ niệm với những cuộc dạo đêm đầy chất thơ và tràn đầy tiếng hát.
Hình ảnh những đêm trắng được rất nhiều hoạ sĩ thể hiện trên các tác phẩm của mình và được ngợi ca không kém trong văn học.
Âm nhạc trong tiểu phẩm này thể hiện sự thay đổi rất phức tạp của các tâm trạng hoàn toàn trái ngược: những suy tư đắng cay được thay dần bởi những phút lặng ngọt ngào của tâm hồn ngập tràn niềm cảm phục trước khung cảnh thiên nhiên hiếm có, đầy chất lãng mạn trong thời kỳ đêm trắng.
Khúc hát người chèo thuyền - Tháng Sáu 
Nào ta lên bờ thôi,
Dưới chân ta những con sóng nhỏ
Đang chờ dịu dàng hôn.
Và trên đầu ta chỉ còn
Những vì sao buồn bí hiểm.
(thơ A.N. Plesheev)
Barcarola là một từ tiếng Ý chỉ khúc hát của người chèo thuyền trong âm nhạc dân gian. Các khúc ca này đặc biệt thịnh hành ở Venise, thành phố trên bờ những con kênh, và phương tiện giao thông chính là những con thuyền đặc chủng đi lại trên các con kênh này trong giai điệu trầm bổng rất đặc trưng của các bài hát.
Nhịp điệu và nhạc đệm của chúng mô phỏng những động tác chèo nhịp nhàng và tiếng mái chèo khua nước. Các bài hát này trở nên rất phổ biến trong nền âm nhạc Nga đầu thế kỷ XIX, và trở thành một phần không thể thiếu của thanh nhạc trữ tình Nga, đi vào thi ca Nga và cả hội hoạ.

Tiểu phẩm Tháng 6 là khúc hát người chèo thuyền,
mô phỏng những động tác chèo nhịp nhàng và 

tiếng mái chèo khua nước...
Khúc hát người chèo thuyền là một tiểu phẩm nữa vẽ nên phong cảnh St. Petersburg trong tổ khúcBốn mùa. Thậm chí ngay cả tên gọi của nó cũng làm người ta nhớ đến những con kênh đào và những dòng sông của Thủ đô phương Bắc.
Giai điệu phóng khoáng của phần đầu tiểu phẩm vang lên ấm áp và gợi cảm, khiến người nghe cảm thấy dường như cũng bị "lắc lư" theo nhạc đệm gợi nhớ đến tiếng ngân của ghita và măng đô lin trong các bản barcarola truyền thống.
Phần tiếp theo tâm trạng thể hiện trong âm nhạc trở nên vui tươi hơn và vô lo hơn, người nghe dường như thấy cả những nhịp chèo khua nước nhanh và vang.
Những khoảnh khắc chuyển bốn mùa kì diệu... Nguồn: flickr.com
Nhưng rồi sau đó tất cả lại trở về bình ổn, và giai điệu rất đẹp, khiến người ta cảm thấy yên lòng, cùng với phần đệm có cả giọng thứ réo rắt. Dường như đó là hai giọng song ca. Tiểu phẩm kết thúc bằng những nốt nhạc tắt dần - con thuyền đã đi xa, và cùng với nó những giọng ca cùng với tiếng sóng vỗ cùng dần tắt.
Mười tiểu phẩm còn lại trong
 Bốn mùa của Tchaikovsky là: Bài ca cắt cỏ - Tháng Bảy ; Mùa gặt - Tháng Tám ; Đi săn - Tháng Chín ; Bài ca mùa thu - Tháng Mười ; Trên xe tam mã - Tháng Mười Một ; Hội mùa đông - Tháng Chạp ; Bên lò sưởi - Tháng Giêng ; Lễ Tiễn mùa đông - Tháng Hai ; Chim sơn ca - Tháng Ba ; Hoa xuyên tuyết - Tháng Tư.
Trong các tiểu phẩm này, Tchaikovsky tiếp tục vẽ nên những bức tranh phong cảnh với những khoảng không vô biên của những cánh đồng Nga, các phong tục tập quán ở nông thôn, các bức tranh đời sống thị thành ở St. Petersburg, những cảnh sinh hoạt âm nhạc của người dân Nga thời kỳ đó.
Người ta không còn giữ được chứng cứ về lần lần đầu tiên công diễn trọn vẹn 12 tiểu phẩm, về các buổi công diễn ra mắt từng tiểu phẩm riêng biệt hay bất kỳ ý kiến phản hồi nào của bạn đọc.
Nhưng có điều này là chắc chắn: chỉ một thời gian rất ngắn sau khi được công bố, tổ khúc
 Bốn mùađã trở nên rất được ưa chuộng, và sau đó trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhạc Nga dành cho piano. 
Kỳ Tú



The seasons (Bốn mùa), Op. 37b

 “Bốn mùa” là tên một tổ khúc gồm 12 tiểu phẩm viết cho cho piano Op. 37b của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga Peter Ilyich Tchaikovsky.
 "Bốn mùa" của Tchaikovsky – một kiểu nhật ký bằng âm nhạc độc đáo của nhạc sĩ, ghi lại những những bức tranh thiên nhiên, những mảnh cuộc sống và những cuộc gặp gỡ làm ông xúc động. Sau này M.I. Tchaikovsky, em ruột nhạc sĩ, nhớ lại: “Hiếm có người yêu cuộc sống như Peter Ilyich. Mỗi ngày đều có ý nghĩa riêng biệt đối với ông, và cứ mỗi ngày trôi qua ông lại cảm thấy buồn với ý nghĩ mọi điều ông từng trải qua trong ngày hôm đó đã trở thành quá khứ mà không để lại một dấu vết nào”. Tổ khúc “Bốn mùa” là một trong những tuyệt tác âm nhạc của Tchaikovsky tràn đầy thi cảm, tình yêu cuộc sống.
 Trong các tiểu phẩm này Tchaikovsky đã vẽ nên những bức tranh phong cảnh với những khoảng không vô biên của những cánh đồng Nga, các phong tục tập quán ở nông thôn, các bức tranh đời sống thị thành ở Peterburg, những cảnh sinh hoạt âm nhạc của người dân Nga thời kỳ đó.
 Tác phẩm của Tchaikovsky được xuất bản với 12 đề từ, là những khúc thơ nhỏ của các thi sĩ Nga: 
Bên lò sưởi - Tháng giêng
A.C. Pushkin
“Màn đêm êm ái buông
Trên góc nhỏ thanh bình
Lò sưởi dần lụi tắt
Mặc cây nến lung linh.”
Lễ Tiễn mùa đông - Tháng hai
P.A. Viazemski
“Lễ Tiễn mùa đông sắp đến rồi
Tưng bừng bàn tiệc mở khắp nơi.”
Chim sơn ca - Tháng ba
A.N. Maikov
“Ngoài đồng hoa dại lả lơi,
Nắng vàng sóng sánh khắp bầu trời,
Chim sơn ca báo xuân đến sớm
Lảnh lót trong màu xanh chơi vơi.”
Hoa xuyên tuyết - Tháng tư
A. N. Maikov
"Hoa tuyết mong manh nở
Xanh lơ nhạt tinh khôi!
Ngay bên những bông tuyết
Cuối mùa lất phất rơi…
Những giọt buồn sau cuối
Tiễn nỗi đau đã qua.
Đón những ước mơ nhỏ
Hạnh phúc không còn xa."
Đêm trắng - Tháng năm
A.A. Fet
“Đêm đẹp sao ! Vạn vật đều hạnh phúc !
Cảm ơn người, miền đất trắng nửa đêm !
Từ vương quốc của giá băng, bão tuyết
Tháng năm về trong veo, ngực căng tràn !”
Khúc hát người chèo thuyền - Tháng sáu
A.N. Plesheev
"Nào ta lên bờ thôi,
Dưới chân ta những con sóng nhỏ
Đang chờ dịu dàng hôn.
Và trên đầu ta chỉ còn
Những vì sao buồn bí hiểm."
Bài ca cắt cỏ - Tháng bảy
A.V. Koltsov
"Thôi nào hãy vươn vai,
Thôi nào dang thẳng cánh
Làn gió giữa trưa ơi,
Phả hương cỏ nồng nàn vào mặt !"
Mùa gặt - Tháng tám
A.V. Koltsov

“Trên đồng cả nhà ta vung hái
Cắt ngang thân lúa mạch cao cao!
Từng bông nặng trĩu hạt
Xếp thành lượm đi nào!
Rồi thâu đêm suốt sáng
Vang tiếng xe về làng.”
Đi săn - Tháng chín
A.S.Pushkin

“Lên đường, lên đường, tiếng tù và vang vang :
Người và chó sẵn sàng ;
Mới hửng sáng người đã trên lưng ngựa
Lũ chó kéo căng dây cương.”
Bài ca mùa thu - Tháng mười
A.K. Tolstoi

“Mùa thu lá rụng khắp vườn nghèo
Nhuộm vàng cả gió cuốn bay theo...”
Trên xe tam mã - Tháng mười một
N.A.Nhecrasov

"Đừng nhìn đường rầu rĩ thế em yêu
Và đừng vội chạy theo xe tam mã
Nỗi khắc khoải trong tim em buồn bã
Dập tắt nhanh, dập tắt vĩnh viễn thôi."
Hội mùa đông - Tháng chạp
N.A.Nhecrasov

“Chiều muộn Hội mùa đông
Đám con gái má hồng
Cởi giầy ném ra ngõ
Xem hướng đi lấy chồng.”
  Sự xuất hiện của các tiểu phẩm “Bốn mùa" có liên quan trực tiếp đến quan hệ của Tchaikovsky với gia đình Bernard, những người chuyên nghề xuất bản nhạc phẩm và tạp chí “Nouvellist” của họ. Tạp chí được thành lập năm 1842. Người chủ gia đình là Matvei Ivanovich Bernard (1794-1871), người sáng lập công ty xuất bản âm nhạc và tạp chí “Nouvellist”, đồng thời cũng là một nhạc công piano kiêm nhà soạn nhạc. Người thừa kế và nối tiếp sự nghiệp của ông là con trai Nikolai Matveevich (1844-1905), cũng là một nhạc công nổi tiếng, và tổng biên tập tạp chí là Alexander Ivanovich(1816-1901),  em ruột ông Matvei, cũng là một nhạc công kiêm nhà soạn nhạc nổi tiếng. Tạp chí “Nouvelist” giới thiệu với công chúng các tác phẩm mới của các nhà soạn nhạc Nga, các nhạc công nghiệp dư và cả các tác phẩm nước ngoài. Ngoài các bản ký âm, tạp chí còn giới thiệu các thông tin liên quan đến cuộc sống âm nhạc của nước Nga, Tây Âu và Mỹ. Tchaikovsky cộng tác với “Nouvellist” từ năm 1873 với một vài bản romance.
 Lý do Tchaikovsky sáng tác các tiểu phẩm “Bốn mùa” có lẽ là bức thư đặt hàng của chủ bút tạp chí “Nouvellist” N.M. Bernard (ngày nay không còn giữ được tài liệu này) vào tháng 11 năm 1875. Tuy vậy, nội dung của nó dễ được biết qua bức thư trả lời của nhà soạn nhạc đề ngày 24 tháng 11 năm đó: “Tôi đã nhận được thư của ngài. Tôi rất cảm ơn ngài về số tiền nhuận bút rất cao mà quý báo sẵn sàng trả. Tôi sẽ cố gắng để ngài hài lòng và bản thân không phải xấu hổ. Tôi sẽ gửi cho ngài tiểu phẩm đầu tiên sớm nhất có thể được, mà cũng có thể gửi ngay một lần 2 hoặc 3 tiểu phẩm. Nếu như không có gì trở ngại công việc sẽ kết thúc nhanh chóng: Hiện tôi đang rất có hứng sáng tác các tiểu phẩm cho piano. Tchaikovsky của ngài. Tất cả các đề từ của ngài tôi sẽ giữ lại”. Như vậy ta có thể hiểu tên gọi của các tiểu phẩm - đồng thời cũng là chủ đề các tiểu phẩm đó là do chủ bút tạp chí đề nghị.
 Tạp chí “Nouvellist” số ra tháng 12 năm 1875 đã in thông báo cho các bạn đọc thường xuyên đặt mua tạp chí về việc trong năm tới sẽ xuất bản các tiểu phẩm mới của nhạc sĩ Tchaikovsky và tên các tiểu phẩm tương ứng với mỗi tháng trong năm, hoàn toàn trùng với các nhan đề mà nhà soạn nhạc về sau sẽ viết trong bản thảo viết tay của mình.
 Ta còn lại rất ít thông tin về quá trình sáng tác những tiểu phẩm này, chỉ biết rằng, vào thời điểm bắt đầu làm việc từ cuối tháng 11 năm 1875, Tchaikovsky sống ở Matscơva. Ngày 13 tháng 12 năm 1875 ông viết cho N.M.Bernard: “Sáng sớm nay, mà cũng có thể là từ hôm qua tôi đã gửi cho ông qua bưu điện 2 tiểu phẩm đầu tiên. Tôi gửi chúng cho ông mà không tránh khỏi hồi hộp: có thể ông thấy chúng quá dài và không hay ho gì. Mong ông hãy cho tôi biết các nhận xét thật lòng của ông, để tôi có thể viết các tiểu phẩm tiếp theo có tính đến các nhận xét đó. Nếu như tiểu phẩm thứ 2 chưa đạt, xin ông hãy cho tôi biết. Nếu như ông muốn tôi viết lại "Lễ Phục sinh", xin ông đừng khách sáo, hãy cho tôi biết điều đó và hãy tin rằng tôi sẽ viết cho ông tiểu phẩm khác, đúng hẹn, tức là trước ngày 15 tháng giêng. Ông trả cho tôi khoản nhuận bút lớn khủng khiếp đến mức có quyền đòi hỏi bất cứ sự thay đổi, thêm bớt, rút ngắn hay viết lại"... Các tiểu phẩm đều làm N.M. Bernard thoả mãn, vì chúng đều được xuất bản theo đúng kế hoạch đã định trước và chính xác như bản viết tay của tác giả.
 Các tiểu phẩm "Bốn mùa" khi được xuất bản trên tạp chí "Nouvellist" đều có một thi phẩm nhỏ làm đề từ. Hai trong số đó (tiểu phẩm số 1 và số 3), căn cứ vào nét chữ, được chính N.M. Bernard viết tay vào bản thảo. Ông Bernard vốn là một người rất am hiểu về thi ca và văn học Nga, thậm chí ông cũng sáng tác một vài tác phẩm. Dường như chính ông là tác giả của sáng kiến đưa các đề từ bằng thơ này vào các tiểu phẩm của Tchaikovsky. Nhạc sĩ có biết trước về các đề từ này không, và có cùng với Bernard chọn thơ không, ngày nay chúng ta không được biết, tuy nhiên, các đề từ đó được in trong tất cả các lần xuất bản sau này khi Tchaikovsky còn sống, và điều đó khiến chúng ta có thể tin chắc Tchaikovsky biết và chấp nhận các đề từ đó.
 Nhan đề các tiểu phẩm được định trước, nhưng Tchaikovsky đã chủ động đưa thêm nhan đề phụ -- đó là tiểu phẩm thứ 8 - Mùa gặt, có thêm tên Scherzo, còn số 12 - Waltz. Những nhan đề phụ này được giữ nguyên trong các xuất bản phẩm của Bernard, nhưng trong các xuất bản phẩm sau này của P.I. Yurgenson thì không còn nữa. Tên chung của 12 tiểu phẩm "Bốn mùa" xuất hiện vào cuối năm 1876, trong một tuyển tập cả 12 tiểu phẩm, sau khi tất cả các tiểu phẩm đã lần lượt được công bố trên tạp chí "Nouvellist", và sau đó xuất hiện trong tất cả các lần xuất bản sau, với các nhan đề phụ hơi khác nhau.
 Quá trình chuẩn bị cho việc xuất bản các tiểu phẩm trên tạp chí "Nouvellist" bắt đầu vào ngày 13 tháng 12 năm 1875, khi Tchaikovsky gửi đến Peterburg hai tiểu phẩm đầu tiên, căn cứ vào một bức thư của nhà soạn nhạc. Tạp chí ra vào ngày 1 hàng tháng. Các tiểu phẩm của Tchaikovsky mở đầu mỗi số, trừ một ngoại lệ - số tháng 9, vở nhạc kịch của V.I. Glavach mở đầu cho số này. Cũng trong số tháng 9 xuất hiện thông báo tặng cho bạn đọc thường xuyên của tạp chí một tuyển tập tất cả 12 tiểu phẩm của Tchaikovsky. Trên bìa của ấn phẩm này có in 12 tranh nhỏ và nhan đề "Bốn mùa".
 Người ta không còn giữ được chứng cứ về lần lần đầu tiên công diễn trọn vẹn 12 tiểu phẩm, về các buổi công diễn ra mắt từng tiểu phẩm riêng biệt cũng như không giữ được bất kỳ ý kiến phản hồi nào của bạn đọc. Tuy nhiên, chỉ một thời gian rất ngắn sau khi được công bố, tổ khúc "Bốn mùa" đã trở nên rất được ưa chuộng, và sau đó trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhạc Nga dành cho piano.
“Bên lò sưởi” - Tháng giêng
Trong những tối mùa đông dài, các gia đình Nga thường tập trung bên lò sưởi. Trong các căn nhà gỗ ở nông thôn đó là nơi phụ nữ làm ren, kéo sợi hay dệt vải, và họ vừa làm vừa hát những bài ca trữ tình buồn buồn. Trong các gia đình quý tộc bên lò sưởi là nơi để các thành viên gia đình đọc sách, trò chuyện và chơi nhạc. Tiểu phẩm “Bên lò sưởi” vẽ nên một bức tranh nhỏ với tâm trạng mơ mộng và man mác buồn.
Phần đầu của tiểu phẩm xây dựng trên một chủ đề (theme) rất gợi cảm, gần như ngữ điệu của giọng người. Nó vang lên giống như những lời trò chuyện ngắn, chậm rãi, với những khoảng dừng và trong tâm trạng ưu tư trầm ngâm sâu lắng. Trạng thái tình cảm này có thể thấy trong những bức thư của Tchaikovsky: “Đó là cái tình cảm buồn trầm tư thường xuất hiện vào buổi tối, khi người ta ngồi một mình cô đơn, mệt mỏi vì những công việc ban ngày. Muốn cầm lấy cuốn sách mà sách cứ tự rơi khỏi tay lúc nào. Những hồi tưởng bất tận tràn về. Và buồn vì ta đã trải qua nhiều thế, nhưng tất cả đã trở thành quá khứ. Hồi tưởng về thời thanh xuân thật dễ chịu. Và tiếc nuối về quá khứ, và không còn muốn bắt đầu lại cuộc đời mình. Cuộc sống làm ta mệt mỏi. Phút nghỉ ngơi để nhìn lại quá khứ thật dễ chịu. Ta cảm thấy nỗi buồn nhẹ nhàng và thật ngọt ngào khi chìm vào những hồi tưởng về quá khứ”.
Phần hai của tiểu phẩm sôi nổi hơn, nhưng cũng dựa trên những motive ngắn với những nét lướt (passage) gợi nhớ đến tiếng ngân rung của đàn harp. Phần ba trở lại giống với phần một với sự bổ sung và kết thúc cả tiểu phẩm với giai điệu lặng dần một cách rất riêng, vẫn với tiếng ngân của đàn harp. Âm nhạc như tan dần và bức tranh cảm xúc cũng dần dần biến mất.
"Lễ Tiễn mùa đông" - Tháng hai
Lễ Tiễn mùa đông, hay còn gọi là tuần Tiễn mùa đông, là tuần lễ hội diễn ra trước Tuần Đại trai. Trong tuần Tiễn mùa đông người ta tổ chức vui chơi tưng bừng với các trò chơi vui tưởng như không còn giới hạn, những cuộc dạo chơi trên xe ngựa và nhiều thú vui khác nữa. Nhà nhà làm bánh tráng blin, món ăn đã bén rễ trong cuộc sống của người Nga từ thuở xa xưa. Lễ hội Tiễn mùa đông trộn lẫn những nét riêng của nghi thức tiễn mùa đông của đa thần giáo sơ khai và phong tục đón mùa xuân của Thiên chúa giáo, diễn ra trước tuần Đại trai và lễ hội tôn giáo tiếp theo sau Đại trai là lễ Phục sinh.

Lễ Tiễn mùa đông là bức tranh du xuân, những thời điểm náo nhiệt nhất của cuộc vui trong tiếng nhạc rộn ràng của đám đông đang đi dạo, vang vọng tiếng các nhạc cụ truyền thống. Tiểu phẩm như sự tổng hợp các bức tranh nhỏ, một kiểu kính vạn hoa trong đó các hoạt cảnh liên tiếp thay đổi cho nhau, nhưng luôn luôn quay lại chủ đề đầu tiên. Với nhịp điệu như ngắt quãng, hơi thô nhám, Tchaikovsky vẽ nên một bức tranh với những tiếng reo hò vui sướng của đám đông, tiếng giậm chân nhảy múa của những người diện các bộ cánh lễ hội, các trận cười bùng nổ và lẫn trong đó cả tiếng thì thầm bí mật. Âm nhạc vẽ nên một lễ hội dân gian rực rỡ sắc màu.
"Chim sơn ca" - Tháng ba
Chim sơn ca là loại chim sống trên đồng nội, ở Nga chúng được coi như con chim vui báo hiệu mùa xuân. Tiếng hót của nó gắn với mùa xuân đến, vạn vật bừng tỉnh khỏi giấc ngủ đông dài để bắt đầu một cuộc sống mới. Bức tranh phong cảnh Nga được vẽ bằng những hình ảnh rất đơn giản, nhưng vô cùng gợi cảm.

Cơ sở của tiểu phẩm này là hai chủ đề: giai điệu trữ tình đệm bằng hợp âm (accord) rất khiêm tốn, và chủ đề thứ hai, cũng tương tự như vậy, nhưng với những hơi thở phóng khoáng và những cú thăng hoa cao vút. Hai chủ đề gắn kết và trộn lẫn với nhau một cách rất hài hoà, thể hiện rất nhiều sắc thái tình cảm – mơ mộng, buồn và tươi sáng. Sự hoà trộn hài hoà và phổ rộng cảm xúc như vậy mang lại sức quyến rũ của cả tiểu phẩm. Cả hai chủ đề có chung những yếu tố gợi nhớ đến tiếng hót rung vang của chim sơn ca trong bài hát mừng xuân của nó. Chủ đề đầu tiên như một cách tạo khung đóng cho chủ đề thứ hai, phát triển rộng hơn. Tiểu phẩm chấm dứt bằng âm hưởng tiếng hót chim sơn ca dần tắt.
"Hoa xuyên tuyết " – Tháng tư
Người Nga gọi loại hoa đồng nội nở rất sớm vào mùa xuân, ngay khi tuyết vừa bắt đầu tan, là hoa xuyên tuyết. Nó mong manh nở tím nhạt hay trắng ngay sau những cơn lạnh tê tái của mùa đông vừa chấm dứt, thiên nhiên như không còn sức sống. Đó là loại hoa đồng nội rất được yêu chuộng ở Nga, nó được coi như biểu tượng của sự hồi sinh trong thiên nhiên, và trở thành đề tài cho rất nhiều các nhà thơ Nga.

Tiểu phẩm “Hoa xuyên tuyết” mang nhịp điệu như một bản waltz, toàn bộ tác phẩm thể hiện những cao trào của cảm xúc. Đó là nỗi xúc động trước sự hồi sinh của vạn vật khi xuân đến, cùng với nó là hy vọng lạc quan giấu kín tận đáy sâu tâm hồn về tương lai, và sự chờ đợi điều gì chưa rõ.
Tiểu phẩm chia làm ba phần. Phần đầu và phần ba lặp lại nhau, nhưng phần thứ hai cũng không có một sự tương phản về hình tượng rõ rệt, nó chỉ khác các phần khác ở sự thay đổi trạng thái tình cảm, chính xác hơn là các sắc thái tinh tế của một cảm xúc mà thôi. Cao trào cảm xúc trong phần kết của tác phẩm được duy trì đến tận nốt nhạc cuối cùng.
"Những đêm trắng" - Tháng năm
Đêm trắng là cách gọi các đêm tháng năm ở miền Bắc Nga, nơi mà trong tháng này đêm cũng sáng gần như ngày. Những đêm trắng ở Peterburg, thủ đô Nga, luôn luôn được kỷ niệm với những cuộc dạo đêm đầy chất thơ và tràn đầy tiếng hát. Hình ảnh những đêm trắng được rất nhiều hoạ sĩ thể hiện trên các tác phẩm của mình, và được ngợi ca không kém trong thi ca. Nhà văn vĩ đại Fedor Dostoevsky có một tiểu thuyết nhan đề "Những đêm trắng".

Âm nhạc trong tiểu phẩm này thể hiện sự thay đổi rất phức tạp của các
tâm trạng hoàn toàn trái ngược: những suy tư đắng cay được thay dần bởi những phút lặng ngọt ngào của tâm hồn ngập tràn trong cảm phục trước khung cảnh thiên nhiên hiếm có, đầy chất lãng mạn trong thời kỳ đêm trắng. Tiểu phẩm gồm hai phần mở đầu và kết, đó là bức tranh phong cảnh bằng âm nhạc, và hình tượng chủ đạo của nó là những đêm trắng. Phần mở đầu bao gồm những giai điệu ngắn, như nhịp thở, gợi cho ta nhớ đến cái tĩnh lặng trên đường phố Peterburg vào những đêm trắng, đến tâm trạng cô đơn, đến ước mơ hạnh phúc. Phần thứ hai tâm trạng có đôi chút đổi khác, trở nên thiết tha hơn, và ngắt quãng hơn, những tình cảm dâng trong tâm hồn đến cao trào, đến mức trở thành hân hoan mừng vui. Sau phần thứ hai này là một bước chuyển ngắn sang phần kết, khép lại cả tiểu phẩm. Tâm trạng trở lại ôn hoà, và trước thính giả bức tranh những đêm trắng miền bắc trong thành phố Peterburg với vẻ đẹp thâm nghiêm lại dần hiện ra.
Tchaikovsky rất gắn bó với Peterburg. Tại đây ông đã trải qua thời niên thiếu, được công nhận là một nhạc sĩ, chính nơi đây ông sống qua những phút giây thành công trong sự nghiệp, và cũng chính tại đây ông đã giã từ cuộc sống. Phần mộ của ông cũng ở đây.
"Khúc hát người chèo thuyền" - Tháng sáu
Barcarola là một từ tiếng Italia chỉ khúc hát của người chèo thuyền trong âm nhạc dân gian. Các khúc ca này đặc biệt thịnh hành ở Venise, thành phố trên bờ những con kênh, và phương tiện giao thông chính là những con thuyền đặc chủng đi lại trên các con kênh này trong giai điệu trầm bổng rất đặc trưng của các bài hát. Nhịp điệu và nhạc đệm của chúng mô phỏng những động tác chèo nhịp nhàng và tiếng mái chèo khua nước. Các bài hát này trở nên rất phổ biến trong nền âm nhạc Nga đầu thế kỷ XIX, và trở thành một phần không thể thiếu của thanh nhạc trữ tình Nga, đi vào thi ca Nga và cả hội hoạ.

"Khúc hát người chèo thuyền" là một tiểu phẩm nữa vẽ nên phong cảnh Peterburg trong tổ khúc "Bốn mùa". Thậm chí ngay cả tên gọi của nó cũng làm người ta nhớ đến những con kênh đào và những dòng sông của Thủ đô phương Bắc.
Giai điệu phóng khoáng của phần đầu tiểu phẩm vang lên ấm áp và gợi cảm, khiến người nghe như cảm thấy dường như cũng bị "lắc lư" theo nhạc đệm gợi nhớ đến tiếng ngân của ghita và măng đô lin trong các bản barcarola truyền thống. Phần tiếp theo tâm trạng thể hiện trong âm nhạc trở nên vui tươi hơn và vô lo hơn, người nghe dường như thấy cả những nhịp chèo khua nước nhanh và vang. Nhưng rồi sau đó tất cả lại trở về bình ổn, và giai điệu rất đẹp, khiến người ta cảm thấy yên lòng, cùng với phần đệm có cả giọng thứ réo rắt. Dường như đó là hai giọng song ca. Tiểu phẩm kết thúc bằng những nốt nhạc tắt dần - con thuyền đã đi xa, và cùng với nó những giọng ca cùng với tiếng sóng vỗ cùng dần tắt.
"Bài ca cắt cỏ" - Tháng bảy
Những người cắt cỏ phần lớn là đàn ông, ra đồng cắt cỏ từ mờ sương. Bằng những động tác vung tay nhịp nhàng đều đặn, và thường là theo đúng nhịp một bài dân ca lao động nào đó mà người ta thường hát trong khi làm việc. Những bài dân ca như thế tồn tại ở nông thôn Nga từ xa xưa. Người ta hát trong khi cắt cỏ rất đều và vui. Công việc cắt cỏ cũng là một đề tài quen thuộc trong nghệ thuật Nga. Nhiều thi sĩ, hoạ sĩ đã sáng tác về đề tài này. Còn các bài hát dân ca thì vô số.
"Bài ca cắt cỏ" là một bức tranh bằng nhạc về cuộc sống lao động ở nông thôn. Giai điệu chủ đạo chứa những yếu tố gợi nhớ đến các bài dân ca. Tiểu phẩm gồm ba phần, về tính chất chung khá giống nhau. Phần đầu và phần cuối về bản chất đúng là bài ca của người nông dân cắt cỏ, cánh tay vung hái nhịp nhàng, mạnh mẽ, hát vang bài ca vui vẻ tràn đầy nghị lực, một bài hát có giai điệu và nhịp điệu rõ ràng. Trong phần thứ hai xuất hiện những hợp âm thoáng qua, có đôi chút gợi nhớ đến âm thanh của những nhạc cụ truyền thống của Nga. Đoạn kết trên nền bè đệm bài ca của người cắt cỏ vang lên một lần nữa, dường như anh ta đã trở lại với công việc của mình thật sung sức sau một khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn.
Tchaikovsky rất yêu mùa hè ở nông thôn, ông viết trong một bức thư : “Vì sao thế? Vì sao một cảnh rất bình thường trong đời sống của người Nga, vì sao một cuộc dạo chơi mùa hè ở nông thôn Nga trên những cánh đồng, trong những khoảng rừng, trên thảo nguyên... thường gợi nên trong tôi những cảm xúc như thể tôi đang nằm dài trên mặt đất trong một tình trạng gần như bất lực vì làn sóng tình yêu thiên nhiên đang tràn đến”
"Mùa gặt" - Tháng tám
Mùa gặt là mùa thu hoạch lúa mì chín trên đồng. Mùa gặt trong cuộc sống của nông dân Nga là một thời gian cực kỳ quan trọng. Cả gia đình làm việc cật lực ngoài đồng từ sáng sớm đến tối mịt, và tất nhiên không thể thiếu các bài hát.

“Mùa gặt” là một bức tranh lớn về cuộc sống nông thôn. Trong bản thảo của mình nhạc sĩ có viết thêm “scherzo”. Thực tế, đó là một tiểu phẩm mở dành cho piano vẽ nên một bức tranh hoàn mỹ về cuộc sống đời thường của người nông dân. Trong đó ta thấy sự nhộn nhịp, cao trào đặc trưng của một công việc tập thể rất lớn của những người nông dân.
Ở đoạn hai, bức tranh lao động được thay thế bằng bức tranh phong cảnh nông thôn trữ tình, đặc trưng cho phong cảnh miền Trung Nga, nơi đang diễn ra cảnh gặt hái. Và âm nhạc trong đoạn này khiến người ta liên tưởng đến những dòng viết của nhạc sĩ: “Tôi không thể diễn tả hết sức quyến rũ của nông thôn và phong cảnh Nga đối với bản thân mình”
"Đi săn" - Tháng chín
Đi săn là từ chỉ hoạt động kinh tế - việc săn bắt các con thú hoang, nhưng từ “đi săn” trong tiếng Nga lại có chung gốc với từ chỉ nguyện vọng, ước muốn, sự tự nguyện, lòng khát khao một cái gì đó. Săn bắn là một chi tiết cũng rất đặc trưng của cuộc sống Nga thế kỷ XIX, và là đề tài của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật lớn. Ta có thể nhắc đến những trang viết mô tả cảnh đi săn trong nhiều tác phẩm của L. Tolstoi, trong các truyện vừa và truyện ngắn của Turgenev, những bức tranh của các hoạ sĩ Nga. Đi săn ở Nga luôn là lĩnh vực của những con người khát khao, mạnh mẽ, say mê, thường một cuộc săn diễn ra hết sức ồn ào, vui vẻ, với tiếng tù và và rất nhiều chó. Đi săn trong các trang ấp của giới quý tộc thế kỷ XIX thường được tổ chức vào mùa thu, và nó không còn đơn thuần là hoạt động kinh tế, mà đã mang nặng tính giải trí, đòi hỏi những người tham gia lòng dũng cảm, sức mạnh, sự khéo léo, tính cách sôi nổi và sự nhiệt tình.
"Bài ca mùa thu" - Tháng mười
Mùa thu ở Nga là mùa được ca ngợi và mô tả nhiều nhất trong văn học nghệ thuật. Các nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ và nhạc sĩ có vô vàn các tác phẩm về đề tài này. Nó thể hiện vẻ đẹp hiếm có của phong cảnh thiên nhiên Nga được mùa thu khoác cho bộ cánh vàng lộng lẫy, xen lẫn với vô vàn các sắc màu khác. Nhưng cũng có những thời điểm thu hoàn toàn khác – mùa buồn, bởi đó là mùa chết của thiên nhiên, gắn liền với nỗi buồn về mùa hè đã qua, mà mùa hè là biểu tượng của cuộc sống. Cái chết của vạn vật vào thời điểm trước khi mùa đông tới là một trong những trang buồn nhất, bi thảm nhất trong mùa thu.

“Bài ca mùa thu” chiếm một vị trí hết sức đặc biệt trong tổ khúc. Bởi màu sắc bi kịch của mình, nó trở thành trung tâm, thành đoạn tổng kết tất cả mọi điều đã được kể về cuộc sống Nga và thiên nhiên Nga. Tháng mười với “Bài ca mùa thu” là bài ca về cái chết của thiên nhiên, của sự sống.Trong giai điệu tràn đầy những nốt buồn, như những tiếng thở dài. Đoạn hai xuât hiện đôi chỗ cao trào, như sự thể hiện hy vọng vào cuộc sống và cuộc vật lộn để tự bảo vệ mình. Nhưng phần ba, nhắc lại phần đầu, trở lại với những tiếng thở dài buồn bã, và kết thúc bằng sự héo tàn vô vọng, cái chết trọn vẹn.
Dòng nhạc cuối cùng của tiểu phẩm được tác giả viết “morendo” - tức là “chết lịm”, không còn một hy vọng nhỏ nhoi nào cho sự hồi sinh, cho sự xuất hiện cuộc sống mới. Toàn thể tiểu phẩm giống như một bức phác thảo trữ tình tâm lý, trong đó phong cảnh và tâm trạng con người đã hoà nhập làm một. Nhạc sĩ đã viết : “Ngày ngày tôi đi dạo rất xa, cố tìm cho mình một góc nhỏ ấm áp trong rừng và tận hưởng bầu không khí thu tràn ngập mùi lá rụng, sự yên tĩnh và cái quyến rũ của phong cảnh mùa thu với những sắc màu đặc trưng của nó”.
"Trên xe tam mã" - Tháng mười một
Xe tam mã là loại xe thường thấy ở Nga với ba con ngựa đóng chung một ách. Nó thường được trang trí bằng những cái chuông nhỏ, reo vui theo nhịp xe chạy, tiếng trong như tiếng bạc. Người Nga rất thích các cuộc dạo chơi trên xe tam mã, và đó là đề tài cho không ít các bài hát dân ca. Sự xuất hiện của tiểu phẩm “Trên xe tam mã” thường được đánh giá như niềm hy vọng vào cuộc sống, mặc dù nhìn chung âm nhạc ở đây khá buồn. Những con đường như dài vô hạn trên các khoảng rộng vô biên của nước Nga, bộ ba con ngựa trở thành một kiểu biểu tượng cho cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Tháng mười một ở Nga tuy theo lịch vẫn còn là mùa thu, nhưng thực tế thời tiết đã lạnh theo kiểu mùa đông rồi. “Những cơn lạnh nối tiếp nhau, dù mặt trời vẫn còn sưởi ấm đôi chút. Cây cối nằm dưới lớp tuyết màu trắng bạc, và bức tranh phong cảnh mùa đông đó đẹp đến mức khó có thể tả hết bằng lời” – chính Thaikovsky đã viết như vậy.
Tiểu phẩm bắt đầu với một giai điệu phóng khoáng, gợi nhớ những bài hát dân ca Nga mênh mang, rồi xuất hiện những tiếng vọng buồn, những suy tư buồn, nhưng tiếng chuông ngân rung ngày càng rõ ràng hơn. Tiếng chuông vui vẻ dường như tạm thời che lấp và lấn át tâm trạng buồn kia, nhưng rồi giai điệu đầu tiên đã xuất hiện trở lại - lần này là bài hát của người đánh xe, được đệm bằng những chiếc chuông. Những nốt nhạc bắt đầu từ từ tắt, rồi tan hẳn khi chiếc xe đã đi xa.
"Hội mùa đông" -Tháng chạp
Hội mùa đông là khoảng thời gian giữa hai ngày lễ Thiên chúa giáo lớn - từ Giáng sinh đến lễ Ba vua. Đó là lễ hội dân gian có các yếu tố kết hợp giữa các nghi lễ của Thiên chúa giáo và đa thần giáo sơ khai bản địa. Trong hội mùa đông những đoàn người hoá trang đi đến các nhà, múa hát vui vẻ, các cô gái có nhiều cách để bói về tương lai của mình. Mọi gia đình đều vui chơi tưng bừng. Đoàn người hóa trang trong các trang phục ngộ nghĩnh độc đáo, hát các bài dân ca có nội dung chuyên về ngày hội này, và cầm tay nhau nhảy khorovod (một điệu nhảy dân gian Nga). Chủ nhà đãi họ bằng các thức ăn ngon và tặng quà.
Tiểu phẩm cuối cùng của tổ khúc “Bốn mùa” có tiêu đề phụ do chính tay nhạc sĩ viết trong bản thảo là “Waltz”, và không phải là tình cờ ông viết tiểu phẩm này theo phong cách đó. Thời đó waltz là điệu nhảy rất phổ biến, tượng trưng cho các ngày lễ gia đình. Giai điệu chủ đạo của tiểu phẩm được viết theo phong cách âm nhạc đời thường, với từng đoạn waltz xen kẽ. Tiểu phẩm kết thúc bằng một đoạn nhạc waltz êm dịu, một ngày hội của gia đình đầm ấm xung quanh cây thông Giáng sinh. Và cả tổ khúc cũng kết thúc êm đềm như vậy.
P.E.Vaidman (tchaikov.ru)
Nguyễn Quỳnh Hương (nhaccodien.info) dịch




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cocktail

  Cocktail Tôi kể lại câu chuyện này mà các tình tiết của nó chẳng liên quan gì đến "Chuyện tình nơi quán rượu" (1) với nam tài tử...