Cocktail
Tôi kể lại câu chuyện này mà các tình tiết của nó chẳng liên
quan gì đến "Chuyện tình nơi quán rượu" (1) với nam tài tử Tom Cruise
trong vai anh chàng pha rượu bảnh trai có cái lắc hông khiến cả nửa dân số thế
giới dán mắt vào vô tuyến. Cũng không hề dính dáng tới những bữa tiệc cocktail
của giới thượng lưu, nơi các quý ông ngày ngồi đếm phong bì tối đến đứng tụm lại
thành vòng tròn bàn chuyện nên mua hòn đảo nào giữa đại dương, và các quý bà
vai trắng nõn nà bận rộn với việc bắt tay hơn là uống champagne. Câu chuyện của
tôi xảy ra cách đây 8 năm và nó gây cho tôi một phản xạ có điều kiện khi cứ mỗi
lần uống một ly cocktail vào lúc 11 giờ đêm (thói quen tôi không thể bỏ) là phải
soi tận đáy cốc qua cái ánh đèn kềnh kệch trong quầy bar. Và đôi mắt nàng, vẫn
hiện hữu như thể 2920 ngày mới chỉ là hôm qua.
Năm ấy tôi 26 tuổi, chưa từng có việc làm. Hai chữ "thất
nghiệp" đeo bám trong đầu tôi đến nỗi tôi đâm thù ghét tất cả mọi cuộc gặp
gỡ xã giao với những câu hỏi được đúc khuôn như phát ra từ một chiếc đĩa hát
thu sẵn "Thế bao giờ mới cho bọn tớ ăn bánh kẹo đây? Ðang làm ở đâu rồi?
Lương lậu thế nào?" Dần dần tôi hình thành thói quen hễ cứ thấy bóng người
quen là vờ tuột giây giày hoặc quên gì đó phải quay hướng ngược lại. Một lần gã
anh họ của tôi đến chơi sau hơn 10 năm sống lưu vong ở nước ngoài. Gã trịnh trọng
chia các vi dít cho cả sáu thành viên trong gia đình tôi, trên đề chức danh chủ
tịch hội đồng quản trị tập đoàn Tư vấn thương mại. Gã vỗ vai tôi bồm bộp
"Cậu phải đi theo học hỏi tớ. Hai bằng đại học như cậu mà vẫn ăn cơm mẹ nấu
là không ổn đâu". Tôi ngượng chín người. Cái điều vẫn lẩn khuất trong tiềm
thức được gã nói trắng ra trước thanh thiên bạch nhật khiến cả nhà tôi gật gù.
Gã ngoáy mũi rồi chùi luôn vào vạt áo com lê "Bằng cấp mà làm đếch gì.
Giáo sư tiến sĩ còn đang thất nghiệp đầy ra nữa là các cậu". Mẹ tôi bê nước
trà đến trước mặt gã mà quên mất 10 năm trước bà cấm tiệt không cho anh em tôi
giao du với ông anh họ quý hoá. "Thì bây giờ anh em bảo ban nhau mà làm
ăn. Gia đình ta neo người nên thím giao nó cho anh. Anh có việc vặt gì sai bảo
nó cũng được". Nghiễm nhiên tôi có việc làm. Dù không ưa lắm tay anh họ ruột
thịt nhưng giữa chúng tôi cũng có điểm chung. Tôi thù ghét từ "thất nghiệp"
còn gã thù ghét từ "bằng cấp". Nỗi khổ tâm làm chúng tôi dính lấy
nhau như hình với bóng. Gã luôn giới thiệu tôi với đám khách hàng "Chú em
tôi giỏi lắm. Hai bằng đại học, tiếng Anh nói như gió, việc gì cũng thạo. Có gì
cần các anh cứ bảo chú ấy." Thật tình thì tôi làm sang cho gã cũng như những
bức tranh treo ở phòng khách công ty mà khách khứa đều phải khâm phục trí sáng
tạo phong phú của chủ nhân, bức tranh Phật bà treo cạnh poster in mẫu Cadillac
ba khoang đời mới nhất, kế tiếp là tấm ảnh khổ lớn gã chụp cùng một quan chức
trong chính phủ tại một buổi lễ cắt băng khánh thành và kề ngay đó là chân dung
cô gái tóc vàng có vòng một vừa được mua bảo hiểm 2 triệu đô la. Cái việc cần
mà gã anh họ nói với các ông khách nước ngoài mắt một mí được trịnh trọng giao
phó cho tôi. Những ngày đầu tôi tháp tùng gã và mấy ông khách kia đi ngoại giao
tại các quán karaoke ruột của gã trong thành phố. Trên đời có hai thứ tôi chưa
từng được đụng đến dù có mục sở thị, đó là rượu và phụ nữ. Trước nay tôi vẫn được
khen sáng dạ, song lần này gã anh họ khẳng định "Chú tối lắm. Tao thấy lạ
khi thím tao khai giới tính cho chú mày trong giấy khai sinh". Gã cười
khìn khịt "Ðấy, bằng cấp mà làm đếch gì. Hôm nào cắp sách đến tao chỉ cho
vài đường cơ bản". Kết quả những ngày đi làm đầu tiên của tôi là những cơn
buồn nôn thường trực. Ðến độ chẳng cần mùi whisky hay mùi nước hoa sộc ra từ những
bộ ngực không che đậy tôi cũng đã đủ gợn cổ họng vào mỗi sáng như đàn bà ăn dở.
Hết tháng đầu gã anh họ tuyên bố "Từ nay công tác ngoại giao tôi giao cậu
quản lý." Tôi phản ứng yếu ớt "Hay anh chỉ định người khác. Em chưa
quen việc". Gã cười nhạt "Vậy thì ai làm? Tao làm? Mấy con thư ký õng
ẹo kia hay thằng tài xế?". Nói đoạn gã dỗ dành "Thôi, tao giao cho
chú công việc nhẹ nhàng nhất, chỉ việc ăn với chơi. Ðấy là tao nể thím lắm. Ðối
tác họ thích chú vì mặt mũi hiền lành lại nói được tiếng Anh. Chú làm tốt thì
tháng sau tôi bổ chú làm trưởng phòng đối ngoại". Dĩ nhiên là tôi vẫn tối
như thường. Ðối tác của gã phàn nàn liên tục và lần cuối cùng trước khi đoàn
khách thứ bảy về nước, gã gọi tôi lên phòng "Mày ăn gì vào mồm mà ngu thế?".
Tôi cứ ngắm mãi mũi giày. Gã càng tức "Sao mày dám đánh khách hàng của
tao. Mày có biết hợp đồng tiền tỉ nằm ở đấy không." Tôi cắt ngang "Em
chỉ lỡ tay xô lão thôi. Tại lão tát con bé trong quán". Gã nhìn tôi như thể
nhìn con bệnh ung thư giai đoạn cuối "Mày để tình thương của mày cho thím
tao ấy, người đã nuôi báo cô mày mấy chục năm. Còn loại đàn bà kia không thằng
này tát có thằng khác tát. Thôi từ mai chú mày lại về nhà ăn cơm mẹ nấu,
nhá". Câu sau cùng này khiến tôi suýt khuỵu xuống. Có ông
Maslow(2) nào đó đã cho rằng trong Năm Nhu cầu, nhu cầu sinh tồn là
nhu cầu đầu tiên và mạnh mẽ nhất. Lần này tôi thấm nhuần mớ lý thuyết của
Maslow hơn lúc nào hết. Sáng sớm hôm sau, tôi bê một tách cà phê thơm phức và xẹt
lửa vào điếu thuốc cho vị cứu tinh. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt ti hí sát sống
mũi của gã "Anh cho em tiếp tục đi làm. Việc hôm qua em sai rồi".
Một năm sau, tôi là cục cưng của cả công ty. Hợp đồng tôi kéo
về đủ để tôi muốn gì được nấy. Giờ không những chai lì với mùi whisky và nước
hoa, tôi còn có thể thẩm định được tất cả các dòng rượu mạnh cũng như thuộc
lòng ý thích của từng khách hàng. Gã buôn phế liệu tàu biển người Nhật Bản
thích rượu gin và con gái da ngăm đen phốp pháp. Thằng cha Mễ Tây Cơ lai Tàu
kinh doanh bất động sản lại chỉ thích rum trắng và phụ nữ dong dỏng cao. Còn
tay giám đốc Ðài Loan vừa gặp chân ướt chân ráo đã uống Brandy (3) tì tì như nước
lã và vỗ mông bất kỳ cô gái nào đi qua bàn của hắn. Mỗi lần như vậy tôi cũng cười
hềnh hệch hưởng ứng, rồi gọi cô gái kia lại để hắn nhét tiền vào khe áo. Các đối
tác của gã anh họ mê tôi như điếu đổ. Ðến nỗi mỗi lần xuống sân bay, từ đầu
tiên họ nhắc đến là tên tôi rồi mới đến câu chào và chuyện làm ăn. Thế rồi tôi
quen nàng trong một quán bar, hay đúng hơn trong một chuyến công tác vào
phương Nam. Năm ấy khủng hoảng kinh tế Châu á. Lượng khách hàng của gã anh
họ ít dần. Họ rút hết vốn đầu tư lại để dồn sức cho công ty mẹ trong nước. Gã
anh họ thức thời không biết cũng sắm sanh được ở đâu hai bằng đại học giống như
tôi, rồi lần hồi có cả bằng tiến sỹ. Gã được bổ nhiệm vào một Vụ quan trọng. Khởi
đầu là chuyên viên, nhưng một ngày nọ gã trịnh trọng gọi tôi lên "Tôi được
thăng chức rồi. Chức giám đốc công ty tôi trân trọng giao lại cho chú".
Tôi thành giám đốc, đương nhiên, chỉ trên giấy tờ.
Lần đó tôi dẫn một khách hàng đi khảo sát thị trường
phía Nam. Sau giờ làm việc, tôi với hắn lại rúc vào một quán bar. Hắn chỉ
cô gái đang quấn lấy chiếc cột inox bằng động tác của một con mèo hoang "Ðẹp
lắm". Tôi hét lên át tiếng nhạc "Tao có thứ này còn hay hơn".
Ðôi mắt một mí của hắn sáng lên "Thật à". Tôi ra ngoài và dẫn vào một
cô gái có đôi môi trễ nải ướt át. Tôi trao đổi vài câu với cô gái bằng tiếng Việt
và với hắn bằng tiếng Anh. Hắn cảm ơn tôi rồi vui vẻ khoác vai cô ta đi ra
ngoài. Tôi thở phào, gọi cho mình một ly Margaritta và ngay khi vừa chạm môi
vào viền muối trên cốc, có vật gì đó chạm nhẹ vào tôi "Anh mới vào nghề
à?". Tôi trố mắt nhìn cô gái trước mặt qua ánh sáng mờ ảo quyện khói thuốc,
cảm thấy vừa ngượng vừa tức. Hẳn cô ta tưởng tôi là một tên ma cô chuyên nghiệp.
Tôi cuống cuồng rút chiếc các vi dít từ trong ví ra, chẳng màng nhìn lại quần
áo xem có ra dáng một giám đốc không. Cô gái mỉm cười vẻ hối lỗi "Em chỉ
tưởng nhầm nên báo anh cảnh giác với tụi chuyên nghiệp ở đây. Tụi nó dữ đòn với
những ma mới lắm." Cô gái nói giọng Bắc. Ðôi mắt đen đến ngạc nhiên. Nhìn
chung khuôn mặt cô không có vẻ gì ấn tượng ngoài đôi mắt với hàng mi dày rợp dễ
khiến những gã đàn ông như tôi quên mất ly cocktail hấp dẫn trước mặt "Tối
nay em rảnh chứ?". Tôi đặt tay lên vai cô gái. Bất ngờ cô đứng phắt dậy,
hàng mi nhướng lên "Em không phải là... Em là một bartender (4)". Tôi
ngồi lại đến một giờ sáng. Trước khi định gọi một chiếc taxi về khách sạn, tôi
đi tới đi lui trước quầy bar rồi cuối cùng cũng cất lời "Em mắt đẹp ơi.
Cho anh xin lỗi chuyện hiểu lầm ban nãy nhé. Mới đầu em cũng hiểu lầm anh còn
gì. Một đều được chưa. Mà em pha Margaritta ngon lắm". Cô gái đang thoăn
thoắt đôi tay với bình shaker, đôi mắt tươi rói trong khi khuôn miệng hơi trĩu
xuống giận dỗi "Margaritta chào đón anh lần sau".
Sau lần ấy, những chuyến bay về phương Nam của tôi
dày hơn. Thậm chí chẳng cần dẫn khách đi ngoại giao tôi cũng tự mình mò đến
quán bar của Margaritta. Tôi đặt tên cho nàng bằng tên loại cocktail tôi yêu
thích, cũng là tên cô đào hồng nhan bạc mệnh được một tay bartender vô danh nào
đó gắn lên thứ nước pha cồn diệu kỳ này. Tôi chỉ được gặp nàng vào ban đêm. Ðó
cũng là lý do cho đến những năm về sau, mỗi lần tôi nhìn thấy nàng trong những
giấc mơ không màu, chỉ đôi mắt nàng là có thật và đen hơn cả màn đêm. Tôi không
biết nhiều về nàng. Cho dù sau vài lần bị từ chối khi có nhã ý đưa nàng về, tôi
đã cất công đứng ngoài cửa đến tận 3 giờ sáng để bám theo nàng về nhà. Nhưng lần
nào cũng hướng ấy, con đường ấy, nàng mất hút vào một xóm nhỏ ven nội, như thể
nàng mãi là bóng đêm, trên đường phố, trong quầy bar, trong những giấc mơ đen
trắng và cả ký ức rặt một màu bóng đêm của tôi nữa. Có lần tôi gọi ly
Margaritta thứ chín trong một buổi tối và hỏi nàng "Trước em học trường nấu
ăn à?". Nàng mỉm cười dịu dàng, lấy cho tôi vài tờ giấy ăn để thấm vết ứơt
trên cà vạt "Không, trước em học dược. Sau này vì kiếm sống mà phải học
pha cocktail thôi". Trước nay tôi vẫn coi cocktail là một thứ làm mát cổ họng
sau khi dạ dày được tưới đẫm whisky. Nhưng những lúc nhìn ánh loang loáng của
bình shaker trên đôi tay nhỏ nhắn, nhìn cách nàng đổ rượu vào ly đầy điệu nghệ,
nhìn nụ cười khi nàng đặt ly Margaritta lên quầy bar, lần đầu tiên tôi cảm nhận
vị mặn của muối hoà quyện với hơi cay từ vỏ chanh và hương thơm lan tỏa của rượu
tequila trên đầu lưỡi. Nó cũng ám ảnh chẳng khác nào đôi mắt đen hơn bóng đêm của
Margaritta. "Học dược khó nhất điều gì em". Nàng thái vỏ chanh vào một
chiếc ly mà không nhìn tôi "Khó nhất là phân biệt những nguyên tố để riêng
thì vô hại mà kết hợp với nhau thì thành độc tố". Tôi giơ chiếc ly đã uống
cạn "Như Margaritta phải không. Ðể riêng muối, chanh và tequila thì chẳng
ai muốn uống nhưng hoà vào nhau thì thành độc dược chết người. Uống rồi không
sao quên được". Tôi nhìn nàng đầy ý nghĩa. Chút tequila chẳng đủ làm tôi
say nhưng tôi thấy mặt nóng bừng. Margaritta cũng nhìn tôi luống cuống. Nàng
suýt đổ nhầm nước sốt Tabasco vào ly Tom Collins.
Lần khác tôi hỏi nàng "Sao em không làm nghề dược?"
"Em bỏ học giữa chừng" "Tại sao?" "Em sang Nga"
"Còn sau đó?". Nàng vờ bận pha cocktail không trả lời. Tất cả những
gì tôi biết về nàng chỉ có thế. Nàng mãi là một bí ẩn như những dải đêm phía
sau Thiên Hà. Nhiều lần sau, tôi vẫn gắng gợi chuyện "Anh họ anh cũng ở
bên Nga hơn 10 năm". Nàng nhướng mi "Vậy à, anh họ anh làm gì ở bên ấy?"
"Anh không biết. Anh ấy không nói. Cũng như em vậy", tôi giận dỗi. Quả
thật, tôi cũng không biết sau 10 năm lưu lạc xứ người, gã anh họ tôi đã làm gì
để kiếm được ngần ấy tiền. Thời gian này, tôi chỉ gặp gã những lúc trao đổi
công việc cần thiết. Dù mối làm ăn với đối tác nước ngoài ít dần, gã vẫn tuồn
công việc ra ngoài nhờ vào chiếc ghế mới. Một lần gã gọi tôi lên phòng, chốt cửa
cẩn thận, đôi mắt sít vào sống mũi "Không xong rồi. Lão cốp này đưa gì
cũng không nhận". Tôi xoè lửa cho gã "Cả thứ kia cũng không à?".
Gã rít thuốc khổ sở "Nó không thích hàng chợ" "Hàng tinh vậy?"
"Cũng không được". Tôi văng tục "Thế vụ giấy phép này hỏng mất
à. Sếp ơi, dạo này làm ăn khó lắm. Em vất vả lắm mới kéo được hợp đồng này về đấy".
Gã vò điếu thuốc, tay dò số điện thoại "Biết rồi. Mày đừng làm tao cuống.
Thằng trợ lý của lão nói lão này chỉ thích hàng độc". Tối hôm đó, gã hẹn
tôi ở một khách sạn ngoại ô. Gã đi cùng một cô bé trạc 20 tuổi mà tôi đã gặp
vài lần. Gã từng tâm sự với tôi rằng cô bé sinh viên quê mùa ấy chính là điểm dừng
tuyệt vời của cuộc đời gã, rằng gã sẽ giữ cho cô nguyên vẹn đến tận ngày cưới.
Lúc đó tôi cho rằng chính khuôn mặt như Ðức Mẹ đồng trinh của cô bé đã khiến gã
nguỵ tạo một điều mê tín hoang tưởng. Gã thì thào với tôi "Tao phải đi
đây. Lão kia sắp đến. Tao giao phó cho mày." Tôi kinh hoàng "Em không
làm được". Gã rít lên "Vậy thì ai làm? Tao làm? Mấy con thư ký õng ẹo
kia hay thằng tài xế?". Mặt gã đỏ tía "Mà việc này không chỉ mỗi giấy
phép thôi đâu. Lão này đã nắm hết mấy phi vụ trước của mày rồi. Mày làm. Mày
ký. Mày là giám đốc. Mày thích tự tử thì cứ về trước đi". Tôi thề rằng gã
anh họ ruột thịt kia chưa hề tham vấn ông Maslow nhưng đã đánh gục tôi khi đụng
đến cái nhu cầu thứ hai. Tôi cúi mặt "Vâng ạ. Em sai rồi". Những ly
Margaritta nhẹ như nước khoáng chẳng thể làm tôi quên đôi mắt ngơ ngác trên
khuôn mặt Ðức mẹ. Tôi còn bị gã gửi gắm "hàng độc" thêm vài lần nữa
và sau mỗi bận, tôi đều bay hai nghìn cây số chỉ để xin nàng vài ly Brandy.
"Anh có chuyện căng thẳng à? Thứ này không tốt như Margaritta đâu".
Nàng đẩy ly Brandy của tôi ra xa. Tôi ngước nhìn nàng như con chiên thú tội trước
Ðức cha. Nàng đâu biết rằng tôi đã trở thành một tên đồ tể chính hiệu.
Có một lần tôi dẫn gã anh họ đến quán bar của Margaritta. Vừa
thoáng thấy bóng nàng tôi vẫy tay, định sẽ giới thiệu nàng với người thân duy
nhất mà tôi có thể đưa vào thành phố này. Nhưng nhìn thấy tôi, khuôn mặt nàng
tái lại và phút chốc biến mất trong bóng tối phía quầy bar. Ðận ấy tôi không gặp
được nàng cho dù tối nào cũng hứa với gã anh họ nhất định sẽ giới thiệu nàng,
người đầu tiên khiến tôi cảm nhận vị ngọt ngào của những ly cocktail. Chuyến
công tác kề sau đó, nàng chủ động gặp tôi với một vẻ bồn chồn hiếm có ngay khi
tôi vừa bước chân vào quán. "Người đi cùng anh hôm nọ là ai vậy?"
"Anh họ anh. Anh đã kể với em rồi. Sao mấy hôm đó em mất tích lâu thế?".
Nàng không trả lời, vội vã đi pha cho tôi một ly Margaritta, không quên hỏi gã
nước ngoài cao lớn đi bên cạnh tôi uống gì. "Tequikalu", gã dụi bàn
tay đầy lông lên cằm, nheo mắt thích thú. Margaritta đặt hai ly cocktail lên quầy
bar, đôi mắt nàng lộ rõ vẻ căng thẳng. Gã đối tác lông lá của tôi chồm qua quầy
bar túm chặt cổ tay nàng, khèn khẹt cái giọng Mỹ miền Tây "Tao muốn uống
Tequikalu theo kiểu Mexico". Tôi uống cạn ly cocktail để đẩy cơn điên
dại tụt xuống dạ dày, cố gắng giải thích cho gã khốn kiếp kia hiểu trong lúc ra
hiệu cho nàng lẩn ra phía sau. Gã càng hăng tiết "Gọi người quản lý ra
đây. Tequikalu phải uống thế nào hả, lũ lừa cái." Gã trỏ tay vào mặt nàng,
rút xấp tiền xanh lè in hình ngài Franklin huơ huơ như lên đồng. Tên
quản lý xanh mắt, rít lên với nàng "Làm đi". Trước khi tôi kịp định
hình được chuyện gì xảy ra, trước khi tôi kịp phang nắm đấm vào giữa mặt thằng
cha lông lá và trước khi tôi kịp ngỏ lời yêu nàng, câu nói mà hàng trăm ả đàn
bà cố moi từ miệng tôi, Margaritta lạnh lùng dằn mạnh ly tequikalu xuống mặt
bàn. Màu nâu sẫm của rượu Kahlua từ từ hoà lẫn ánh vàng rượi của tequila như những
xấp hợp đồng mà gã anh họ ruột thịt đã nhuộm đen cuộc đời tôi. Margaritta thản
nhiên kéo vạt áo lên. Nếu là lúc khác, trong một hoàn cảnh khác tôi đã có thể
ngắm nhìn và tôn thờ món quà tặng tuyệt vời mà tạo hoá đã ban cho nàng. Nhưng
khi ấy, tôi kinh hoàng nhìn Margaritta thản nhiên áp bộ ngực màu ngà voi lên
cái mặt lông lá đang ngửa sẵn chờ đợi và từ từ đổ thứ cocktail đen ngòm kia vào
mồm gã. Cả quán bar đã dừng mọi hoạt động, nhạc tắt, các cô vũ nữ ngừng quấn lấy
cây cột inox, những ly rượu mạnh nằm yên lặng trên mặt bàn. Tôi có thể nghe rõ
tiếng nuốt ực khi những giọt cocktail cuối cùng trườn vào cái cổ họng khả ố. Tiếng
vỗ tay dậy lên hưởng ứng. Gã kia cười thỏa mãn, nhét xấp tiền vào ngực nàng
"Cô khá lắm." Tôi gặp nàng ở cửa sau quán bar "Em làm cái trò gì
vậy?". Nàng không nhìn tôi "Em cần việc". Tôi khổ sở "Anh sẽ
cho em công việc khác, tốt gấp trăm lần ở đây?" Nàng bỏ vào trong, kiên
quyết "Em cần làm việc ở đây". Tôi mãi mãi không hiểu nàng. Cả cho đến
bây giờ nữa. Hôm sau Margaritta gọi điện cho tôi "Em sẽ bỏ việc ở đây.
Nhưng anh mời anh họ anh đến một lần để em pha cocktail đãi anh ấy". Khỏi
phải nói tôi mừng rỡ đến mức nào và lấy tình cảm keo sơn ruột thịt mấy năm trời
nay để thuyết phục gã anh họ rời chiếc ghế sa lông một ngày vào gặp nàng. Tôi
nháy mắt với nàng và ngay lập tức, hai ly Margaritta được đặt trước mặt chúng
tôi. Gã anh họ như thường lệ, cho dù là rượu mạnh, cocktail hay trà đá đều uống
cạn một hơi ngay khi vừa mang ra. Nàng mỉm cười "Chào anh. Em là bạn gái của
em họ anh. Dạo này anh khoẻ chứ?". Vừa nhìn thấy đôi mắt màu bóng đêm của
nàng, cái miệng rộng ngoác của gã bỗng cứng lại, rồi khó khăn lắm mới thốt lên
được "Tại sao cô... lại ở đây?". Chưa nói được hết câu, gã ôm chặt lấy
cổ họng rồi nện cả thân hình kềnh càng xuống mặt sàn đầy vết rượu. Ðôi mắt bé
tí dãn ra ngoài sống mũi và kinh hoàng nhìn thẳng lên trần nhà.
Cả quán bar nhốn nháo. Sau đó giám định pháp y tìm thấy trong mớ hỗn độn ở dạ dày gã một hợp chất cực độc nhưng không rõ chất tạo thành. Nhiều ngày liên tiếp tôi phải ở phòng thẩm vấn. Người ta khoanh vùng những thức ăn gã tống vào tối hôm đó và mọi mối quan hệ của gã từ trước đến nay, nhưng cả hai thứ đều lộn xộn và bí hiểm như nhau. Margaritta của tôi cũng bị hỏi đến, song từ lúc nhìn thấy ly cocktail cuối cùng do nàng pha, tôi không còn được gặp nàng nữa. Giữa ánh sáng chói chang nơi thành phố đầy nắng và gió, nàng biến mất như bóng đêm không để lại dấu vết. Tay chủ quán bar đắt khách tìm mọi cách lo lót để đầu mối của cuộc điều tra lái về một hướng khác. Một tháng sau, tôi tìm thấy một mẩu giấy trong túi chiếc áo vét mặc hôm cuối cùng gặp nàng và gã anh họ. Một dòng chữ nắn nót, nhưng hơi run rẩy, chứng tỏ người viết ra nó không vội vàng gì "Hãy tin em, ly Margaritta của anh ngày hôm nay chỉ có muối, tequila và nước chanh. Vĩnh biệt anh". Mãi mãi, tôi không thể đoán được gã anh họ tôi đã làm hại gì nàng, đến nỗi, để sắp xếp kế hoạch cho một ly Margaritta chết người, nàng sẵn sàng từ bỏ lòng tự trọng khi đổ rượu vào mồm tên khách bỉ ổi, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống tuyệt đẹp dưới ánh sáng mặt trời và, sẵn sàng từ bỏ tôi, người mà nàng biết sẽ uống bất kỳ ly cocktail nào nàng pha, cho dù trong đó có thứ gì đi nữa. Vụ ngộ độc của gã anh họ tôi vẫn là điều bí ẩn. Nhưng những cái tít giật gân trên mặt báo rồi phai đi, những cuộc thẩm vấn thưa dần và gia đình tôi cũng thôi không nhắc đến gã. Có người nói rằng những vụ án giết người thế nào rồi cũng được tìm ra, cho dù không còn chút manh mối nào. Ðấy là linh hồn của những người bị chết oan đưa đường chỉ lối cho người điều tra. Nhưng tôi tin rằng, ở dưới kia có những linh hồn tốt, nhưng cũng có những linh hồn xấu, hay có cả linh hồn nửa tốt nửa xấu, như dưới ánh mặt trời kia, có những người nửa tốt nửa xấu, giống như tôi và nàng vậy.
Chú thích:
1. Một bộ phim nổi tiếng của Mỹ mà tên nguyên bản là
"Cocktail"
2. Abraham Maslow đưa ra thuyết 5 nhu cầu: Nhu cầu tồn tại
(ăn, mặc, ở), nhu cầu an toàn (tính mạng, tài sản), nhu cầu giao tiếp, nhu cầu
được tôn trọng, nhu cầu tự khẳng định
3. Một loại rượu mạnh được lên men từ trái cây
4. Người pha cocktail 18/9/2009
10/9/2006
Di Li
Theo https://www.vanchuongviet.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét