Những ai đã từng sinh ra và
lớn lên gắn bó với làng quê, với những cánh đồng lúa, ngô, khoai, đỗ,
lạc… thì chắc hẳn đều có những kỷ niệm khó phai với chốn quê. Cánh đồng
là không gian lao động và sinh hoạt của người nông dân, cũng là không
gian của tuổi thơ tôi, nơi tôi từng thả diều, đá bóng, bắt cá những
trưa hè nắng gắt…
Trên những thửa ruộng của mỗi gia đình, đất không
ngừng nghỉ ươm những mầm xanh và nuôi sống con người. Cứ thế ngày này
qua tháng khác, màu xanh quê hương gối nhau đan xen tạo một mảng màu
tuyệt đẹp cho bức tranh quê. Mỗi khi đi xa về, màu xanh của lúa đang
thì con gái hay màu ơ ơ vàng của đậu đỗ sắp đến ngày thu hoạch cho lòng
tôi một cảm giác thanh thản và gần gũi biết bao sau những mệt nhọc trên
dặm đường thiên lý.
Ngày nhỏ, tôi cứ nghe các anh chị lớn tuổi bảo những đêm trăng thanh ra
ngoài đồng nghe lúa hát thật thú vị. Điều đó gây cho tôi một sự tò mò
và lôi cuốn biết bao. Tôi cũng từng có ý định muốn theo anh trai đi
nghe lúa hát xem thế nào nhưng đã bị mẹ ngăn lại và anh trai cũng không
đồng ý. Nhưng rồi vào một trưa hè tôi cùng mấy đứa bạn đã trốn ngủ trưa
ra khu gò cao giữa cánh đồng để thả diều, đánh đáo… và thật tình cờ,
tôi đã được nghe lúa hát. Giữa thinh không bỗng có những cơn gió nhẹ
thi thoảng lại thổi qua cánh đồng, lúa dạt nghiêng mình rồi lại đứng
dậy như đang phụ họa cho những lời ca của mình. Trên cao tiếng vi vu
của sáo diều như cùng hòa điệu và còn có vai trò như vị chỉ huy dàn
nhạc đồng quê mà khán giả lúc đó chỉ có mấy đứa trẻ chúng tôi quần áo
lấm lem bùn đất. Không gian tràn ngập mùi hương lúa mới đang vào sữa
(lúa đang hình thành hạt) của nhiều giống lúa như mộc tuyền, 203, nếp
cái, đặc biệt là mùi thơm của nếp cái không thể lẫn, gợi cho chúng tôi
hình dung tới món cốm và chõ xôi của mẹ nấu trong ngày giỗ chạp… Âm
thanh và mùi thơm dịu nhẹ đó khác hẳn không khí oi nồng và mùi của bùn
đất trong buổi trưa hè oi bức tháng Tư. “Bản giao hưởng đồng quê” hiền
hòa, êm ả ấy được cất lên từ cây lúa, đồng đất quê nhà trong buổi trưa
hè đó như hằn sâu trong tiềm thức của tôi mỗi khi nhớ về tuổi thơ, quê
hương mình. Các cô, các bác nông dân có lẽ cũng là một trong những tác
giả của bản giao hưởng đó, những con người đã tạo ra sự hồi sinh cho đất
thành màu xanh dâng tặng cho đời. “Bản giao hưởng đồng quê” ấy chỉ diễn
ra trong một thời khắc rất ngắn ngủi nhưng tâm hồn non nớt trẻ thơ của
chúng tôi lúc bấy giờ cũng cảm nhận được những thanh âm trong trẻo của
đồng quê đang ru ca cuộc đời.
Cuộc sống giờ có nhiều thay đổi, quá trình hiện đại hóa đang diễn ra
mạnh mẽ, mỗi khi về quê chứng kiến cánh đồng đang nhỏ hẹp lại, tôi cảm
thấy chút gì đó bùi ngùi. Người dân quê mình cũng không còn thiết tha
lắm với cảnh ruộng đồng, nhiều ô ruộng bỏ không, nhất là việc trồng cây
vụ đông, rồi màu trắng của các ống khói nhà máy như đang lấn dần màu
xanh của lúa, ngô, khoai… Khi được hỏi vì sao người dân quê mình không
còn gắn bó với ruộng đồng như trước thì tôi đều nhận được câu trả lời
là việc trồng lúa, ngô, khoai vất vả mà mang lại lợi ích kinh tế không
cao bằng việc kinh doanh, làm nghề thủ công… vì quê tôi cũng cách thủ
đô không bao xa, chỉ hơn 30km. Nhìn cánh đồng quê đang dần chuyển màu
mà lòng tôi cảm thấy như mất đi “bản giao hưởng xanh” của cuộc sống -
điều đã gắn bó máu thịt với mình bao năm qua
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét