Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Tháng ba, mùa con ong đi lấy mật

Tháng ba, mùa con ong đi lấy mật

Tháng ba Tây Nguyên, “mùa con ong đi lấy mật” là những ca từ rất hay thường được hát từ trái tim những sơn nữ lên rẫy lên nương. Nhìn hoa loa kèn nở trắng muốt vườn khuya, ý tứ tỏa ra mùi hương thơm ngát mà kín đáo như tính cách người phụ nữ phương Đông, lòng chợt nhớ mùa của những cành hoa dâng tặng mẹ hiền, vợ yêu và bạn bè thân quý gần xa nhân ngày 8-3.
Theo người phương Tây thì hoa loa kèn hương thơm rất hấp dẫn và bí ẩn, tượng trưng cho khả năng tiềm ẩn và sự quyết đoán của người phụ nữ khôn ngoan luôn tìm cách thoát ra khỏi những tình thế khó khăn nhất.
Người có tính siêng năng cần mẫn thường được ví như loài ong. Có lẽ 2/3 là phụ nữ chăng? Tôi không biết nữa, nhưng sự thực mẹ tôi, chị và em gái tôi, vợ tôi là một minh chứng hùng hồn cho điều đã nói. Vì vậy nếu có ai hỏi người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất đời tôi là ai, thì tôi không ngần ngại trả lời rằng chính là họ. Họ là những hy sinh, chịu đựng và dịu dàng như những loài ong luôn đi tìm mật ngọt dâng cho cuộc đời này.
Nhiều người thường ví phụ nữ là những đóa hoa xinh đẹp, tỏa hương. Đúng thế, nhưng tôi vẫn thích cách nói của người Tây Nguyên hơn. Họ là những “con ong đi lấy mật” rất sống động trong tính cách chịu thương chịu khó nhất. Hình ảnh những “con ong” eo thon, rù rì rủ rỉ, bay hết cánh rừng này sang cánh rừng khác cốt tìm cho được những giọt mật thơm ngon của đất trời về nuôi một “xã hội” ong đang hoạt động khiến chúng ta luôn nghĩ về mẹ - đại diện cho lớp người phụ nữ nết na và đức hạnh.
Riêng mẹ tôi, tôi luôn tôn vinh mẹ là “ngọn đèn” soi rọi tâm hồn tôi từ thuở thiếu thời. Mẹ đã truyền sự hy sinh và lòng yêu nước cho tôi. Nên ai đó đã nói yêu mẹ cũng chính là yêu quê hương đất nước vậy. Từ đó mà nên tiếng Việt: “Đất mẹ, quê mẹ, tình mẹ...”, cũng đều phát xuất từ những người phụ nữ vĩ đại mang thiên chức làm mẹ ấy. Vì thế, nhiều người đến tuổi khôn lớn biết yêu người phụ nữ có tính cách giống mẹ mình, ắt cũng là điều dễ hiểu.
Một cành hoa - một lời chúc cũng chính là lời cảm ơn chân thành nhất mà xã hội hôm nay dành cho họ. Tôi luôn tự hào về điều đó. Bởi một xã hội biết cảm ơn phụ nữ là một xã hội văn minh và phát triển. Chợt thương những bản làng nào đó còn lạc hậu, coi thường phụ nữ, tước đi quyền bình đẳng của họ, dập vùi họ trong tối tăm khổ nhục...
Bà tôi, mẹ tôi... đã từng một thời bị xã hội phong kiến rẻ khinh. Bà đã làm “con ong” hút cho đến giọt mật cuối cùng. May mắn thay, mẹ được lớn lên trong thời đại cách mạng, không chịu nổi lề thói hủ tục, mẹ đã theo cách mạng đấu tranh.
 Và đến hôm nay, những người như chị, em tôi, vợ tôi được ngẩng cao đầu cắp sách đến trường và tham gia công tác xã hội, được mọi người tặng hoa với lời cảm ơn sự có mặt của họ trong cuộc đời này. Chính những điều đó nói lên vai trò không thể thiếu của phụ nữ. Họ đã đưa vai gánh vác trái đất này không thua kém những người đàn ông. Họ tinh tế dịu dàng làm cho cuộc sống luôn luôn khởi sắc. Vì thế sẽ là một thiếu sót lớn nếu thế giới không có ngày 8/3...
Tôi đang chọn những cành hoa tươi thắm nhất dành cho họ - những người phụ nữ cao quý mà tôi yêu mến, kính trọng với lời nói tự trong trái tim: “Xin cảm ơn mẹ, xin cảm ơn em và cảm ơn tất cả...”.
Nguyễn Thánh Ngã

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bao giờ hoa dại lên ngôi Gió may về, lang thang triền đê. Biển vắng. Cánh buồm lẻ loi duyềnh trên sóng bạc đầu. Chim thiên di xoải cánh ...