Phân tích nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều
Đời người, với những nỗi buồn sầu thế và những
bất hạnh khôn cùng trải dài ra mênh mông, vô tận, cập bến lửa thiêng và đến với
nhà thơ Nguyễn Du- một đại thi hào của dân tộc. Thân phận con người, đặc biệt
là thân phận người con gái trong xã hội phong kiến suy tàn với bao bất công
ngang trái, coi trọng thế lực đồng tiền đã đi vào trái tim nhà thơ với bao rung
cảm và bao xót xa đau đớn. Hình tượng Thuý Kiều ra đời trong bao dồn nén về
cuộc đời, về thân phận con người của nhà thơ. Đó là đại diện cho một kiếp người,
một lớp người trong xã hội phong kiến hủ bại và thối nát. Qua hình tượng nàng
Kiều và với những giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo sâu sắc trong tác phẩm
“Truyện Kiều”, ta có thể thấy rõ được quan niệm nghệ thuật mới tiến bộ về con
người, về cá nhân của đại thi hào Nguyễn Du.
“Truyện Kiều” được sáng tác dựa trên cơ sở cốt
truyện của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc “Kim Vân Kiều truyện”. Tuy nhiên
Nguyễn Du đã sáng tạo nên một tác phẩm mới, với cảm hứng mới, nhận thức lý giải
về nhân vật theo cách của riêng ông, với thể loại truyện thơ khác hẳn “Kim Vân
Kiều truyện” là tác phẩm tự sự văn xuôi.
Nhân vật nàng Kiều hiện lên trên nền bi kịch của
cuộc đời. Nàng có ý thức về nhân phẩm của mình nhưng lại bị xã hội hủ bại chà
đạp nhân phẩm. Đó là bi kịch lớn nhất của đời người. Nỗi xót xa, đau đớn bao
trùm lên một con người mà “hoa ghen đua thắm liễu hờn kém xanh”, “một hai
nghiêng nước nghiêng thành- Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai”. Văn học trung
đại viết về con người đã ít, viết về số phận con người, đặc biệt là số phận của
người phụ nữ lại càng ít hơn. Với cái xã hội trọng nam khinh nữ thì một Nguyễn
Du và một “Truyện Kiều” xuất hiện như toả sáng nền văn học tối tăm, soi đường
chỉ lối và tôn lên giá trị nhân phẩm cao quý của con người.
Thuý Kiều- một người con gái tài hoa, xinh đẹp-
một vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà, một tài năng hiếm thấy, nổi bật về cả cầm, kì, thi,
hoạ. Nguyễn Du đã dồn hết tâm huyết của mình vào sáng tạo hình tượng Thuý Kiều,
tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ vốn không được coi trọng trong xã hội đương
thời bằng một tấm lòng trân trọng yêu thương. Đó là điều hiếm, hoặc thậm chí
không tìm thấy trong các tác phẩm trước “Truyện Kiều”, và các nhà thơ khác
trước Nguyễn Du. Nghệ thuật đòn bẩy được sử dụng thật tài tình, cái đẹp “mười
phân vẹn mười”, “sắc sảo mặn mà”,
Thuý Kiều quả là một giai nhân hiếm có trên đời. Nếu như Thuý Vân có một vè đẹp “mây thua”, “tuyết nhường”, hài hoà với cảnh vật xung quanh, với thiên nhiên, tính cách đoan trang thuỳ mị như ngầm báo trước một tuơng lai êm đềm, phẳng lặng thì Thuý Kiều với vẻ đẹp khiến cho “hoa ghen”, “liễu hờn”, ngầm dự báo trước số phận của nàng sẽ gặp nhiều bất trắc, nhiều sóng gió bão táp. Nàng Kiều đã tự viết lên khúc nhạc ai oán, não nùng. Phải chăng nàng đã tự dự đoán trước được tương lai, số phận của mình- tương lai, số phận của người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh trong cái xã hội chỉ coi trọng đồng tiền mà vùi dập, chà đạp lên thân thể, danh dự và cả nhân phẩm của con người. Qua hình ảnh nàng Kiều, ta thấy được cái nhìn yêu quý, trân trọng, cảm thông của Nguyễn Du với nhân vật lý tưởng của mình, cũng như với những kiếp người nhỏ bé trong xã hội. Đó là quan niệm nghệ thuật mới tiến bộ về con người, cá nhân của nhà thơ Nguyễn Du.
Thuý Kiều quả là một giai nhân hiếm có trên đời. Nếu như Thuý Vân có một vè đẹp “mây thua”, “tuyết nhường”, hài hoà với cảnh vật xung quanh, với thiên nhiên, tính cách đoan trang thuỳ mị như ngầm báo trước một tuơng lai êm đềm, phẳng lặng thì Thuý Kiều với vẻ đẹp khiến cho “hoa ghen”, “liễu hờn”, ngầm dự báo trước số phận của nàng sẽ gặp nhiều bất trắc, nhiều sóng gió bão táp. Nàng Kiều đã tự viết lên khúc nhạc ai oán, não nùng. Phải chăng nàng đã tự dự đoán trước được tương lai, số phận của mình- tương lai, số phận của người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh trong cái xã hội chỉ coi trọng đồng tiền mà vùi dập, chà đạp lên thân thể, danh dự và cả nhân phẩm của con người. Qua hình ảnh nàng Kiều, ta thấy được cái nhìn yêu quý, trân trọng, cảm thông của Nguyễn Du với nhân vật lý tưởng của mình, cũng như với những kiếp người nhỏ bé trong xã hội. Đó là quan niệm nghệ thuật mới tiến bộ về con người, cá nhân của nhà thơ Nguyễn Du.
Biết cảm thông, chia sẻ, Kiều đã cảm thấy rất
buồn và thương cho nấm mộ Đạm Tiên bên đường cỏ mọc hoang, không ai chăm sóc.
Người con gái mang kiếp cầm ca, sống thì bị dè bỉu, chết đi thì nấm mồ cũng vẫn
cô đơn hiu quạnh.
“Kiếp hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”
Phải chăng, cũng từ đây mà một cơn giông tố đang
sắp ập đến trên đầu người thiếu nữ vô tội. Nấm mồ hoang kia phải chăng như một
sự báo thức, như đánh dầu bước ngoặt cuộc đời của Kiều:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Kiều- một con người có vẻ đẹp ngoại hình, có tâm
hồn trong sáng, lương thiện, tài năng, đồng thời nàng cũng là người có khát
vọng tình yêu, hạnh phúc, vượt ra khỏi lễ giáo phong kiến:
“Tình trong như đã mặt ngoài còn e
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê”
Đặc biệt là hình ảnh “xăm xăm băng nẻo đường
khuya một mình” của Thuý Kiều để tìm Kim Trọng, tìm đến hạnh phúc của mình.
Kiều đã vượt qua những gò bó của thời cuộc để đi tìm hạnh phúc, điều mà khó tìm
thấy nơi những người con gái khác trong khi quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi
đấy” vẫn đang tồn tại rất mạnh mẽ trong xã hội. Nguyễn Du đã làm cho nhân vật
của mình thật nổi bật trên nền xã hội đồng tiền, xã hội phong kiến hủ bại, thối
nát. Ông coi trọng con người, coi trọng sự tự do, hạnh phúc và quyền được tìm
hạnh phúc cho mình của mỗi người mặc cho định kiến xã hội đang vây lấy tất cả.
“Thuý Kiều sắc sảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành
Lại mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong”
Con người sinh ra tài hoa không phải là một cái
tội, nhưng đặt trong hoàn cảnh lễ giáo phong kiến, những người có tài, có sắc,
đặc biệt là người phụ nữ lại hay phải chịu những truân chuyên, vất vả. Đang ở
độ tuổi đẹp nhất của thời con gái, vừa gặp được mối tình đầu của mình, tưởng
như cuộc sống sẽ chuyển mình bước trên một con đường hạnh phúc, nhưng ông trời
thường hay thử lòng người. Phải chăng, khúc nhạc mà Kiều sáng tác trước kia đã
trở thành chính cuộc đời nàng, ai oán và não nùng. Chỉ vì đồng tiền, bọn sai
nha đã gây nên vụ án oan trong gia đình Kiều, vì đồng tiền mà bọn chúng đã phá
hoại hạnh phúc gia đình Kiều, từ một mái ấm êm đềm bỗng tan hoang, lạnh lẽo.
Thuý Kiều, với tư cách là một người chị cả phải đứng ra lo liệu mọi chuyện, nàng
phải hi sinh mối tình với Kim Trọng, bán mình lấy tiền hối lộ cho sai nha để
cứu cha và em khỏi bị tra khảo dã man. Bi kịch cuộc đời bắt đầu từ đây, khi mà
con người , khi mà nhân phẩm bị người ta mua đi bán lại như một món hàng. Mã
Giám Sinh, Tú Bà xuất hiện càng làm nổi bật lên hình tượng một Thuý Kiều bất
hạnh, đau đớn ê chề:
“Đắn đo cân sắc cân tài
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ
… Cò kè bớt một thêm hai”
Cái tài, cái sắc giờ đây bị mang ra cân đong đo
đếm, bị quy ra thành tiền:
“Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
Cảnh mua bán hiện lên thật sinh động, có người
mua, kẻ bán, có sự thử hàng, trả giá, mặc cả, giao kèo. Từ “ép”, “thử” đã lột
trần bản chất của Mã Giám Sinh, đồng thời khắc hoạ được rõ nét nỗi đau đớn, bất
hạnh khi bị coi như một món hàng mua bán của Thuý Kiều. Từ một nghìn mà bị ngã
giá xuống bốn trăm lạng, trong xã hội đồng tiền, con người chỉ đáng giá thế
thôi sao?
Xã hội phong kiến đã chà đạp lên nhân phẩm và
đạo đức của con người. Phẩm giá bị xúc phạm, Thuý Kiều căm tức những kẻ đã gây
ra cho gia đình nàng nỗi ô nhục này: “nỗi mình thêm tức nỗi nhà”. Nàng đau xót,
nàng khóc cho số phận hẩm hiu của mình:
“Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng
Ngại ngùng dợn gió e sương”
Hình ảnh Thuý Kiều hiện lên thật tội nghiệp.
Nàng đau khi nghĩ đến “nỗi mình”- tình duyên dang dở, “nỗi nhà” bị vu oan giáng
hoạ. Mỗi bước đi của nàng nước mắt tuôn mà lòng quặn thắt. Là một tiểu thư khuê
các mà giờ đây lại trở thành một món hàng nên càng tủi thẹn, xấu hổ ê trề khi
phải đối mặt với sự thật. Nhưng Thuý Kiều càng buồn bao nhiêu thì lại càng đẹp
bấy nhiêu: “Nét buồn như cúc điệu gầy như mai”. Với bút pháp ước lệ tượng
trưng, tác giả đã khắc hoạ thành công nỗi buồn của Kiều, đồng thời thể hiện
niềm cảm thông sâu sắc trước thực trạng con người bị chà đạp. Thuý Kiều hiện
lên trên bức tranh khổ đau vẫn thật đẹp về cả ngoại hình lẫn nhân phẩm. Dù bị
xã hội dồn ép, đè nén, nhưng hình ảnh một người con gái hi sinh hạnh phúc của
mình và gia đình hiện lên thật đáng quý, đáng trọng. Đó cũng là nét nghệ thuật
tiến bộ về con người, cá nhân của Nguyễn Du khi mà trong văn học cũ, con người
không được đề cao.
Biết rằng cuộc đời mình sẽ chuyển sang một trang
mới, biết rằng mối tình Kim- Kiều sẽ chẳng đi về đâu. Sau những đêm trắng nghĩ
đến thân phận và tình yêu, Kiều quyết đinh nhờ Vân thay mình kết duyên với Kim
Trọng:
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Là chị mà Kiều phải lạy, phải thưa với em của
mình, một thái độ vừa kính trọng, vừa biết ơn. Kiều đã nghĩ rất chu toàn, biết
rằng việc này rất khó cho Vân nên nàng rất khó để mở lời. Nàng tâm sự với em về
mối tình trong sáng, cao đẹp của mình đối với chàng Kim. Đối với Kiều, giữa chữ
hiếu và chữ tình, nàng đều muốn trọn vẹn cả hai.
Đau đớn nhất trong đời người là nhân phẩm bị chà
đạp, và nỗi đau đớn đó càng nhân lên gấp bội khi phải từ bỏ tình yêu của mình.
Kiều trao duyên cho Thuý Vân mà lòng đau xót, nuối tiếc, nhớ lại tất cả những
kỉ niệm đã qua, nhận ra mình là người bạc mệnh:
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này”.
Kiều tưởng tượng về tương lai mờ mịt của mình,
nàng nghĩ mình sẽ chết, nhưng dù có chết vẫn trở về lời nguyền thuỷ chung:
“Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”
Đau đớn đến cực điểm, tâm hồn nàng như mê man,
đang nói với em mà lòng như hướng về chàng Kim và mong chàng hiểu cho nỗi niềm
oan khuất của mình:
“Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”
Nỗi đau đớn, xót xa, nghẹn ngào đến xé lòng.
Trong đau thương, Kiều vẫn sáng ngời lên vẻ đẹp của mình, giàu lòng vị tha và
đức hi sinh”
“Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”
Từ một cô gái tiểu thư khuê các, vô lo vô nghĩ
về cuộc đời, hạnh phúc tình yêu đang chớm nở, giờ đây Kiều đã mất tất cả, hạnh
phúc lứa đôi, mái ấm gia đình. Nguyễn Du đã nhìn nhân vật của mình bằng một ánh
mắt cảm thông, chia sẻ, cho nàng được bộc lộ nỗi đau đớn của mình. Mỗi dòng
thơ, mỗi câu chữ đều thâm đẫm tình cảm của tác giả với số phận của Kiều, của
những người con gái như Kiều, không chỉ thế, ông còn gián tiếp tố cáo xã hội
phong kiến đã gây ra cho con người bao tang thương, mất mát, bao đau đớn, ê
chề, xã hội coi trọng đồng tiền hơn cả con người, cái xã hội mà tại đây, bao
con người, bao người con gái đã bị dẫm đạp lên nhân phẩm, đã phải sống cuộc đời
của một con người mà sống không bằng chết, đau đớn, nhục nhã.
“Đau đớn thay phận đàn bà
Từ lúc gặp biến cố, phải bán mình chuộc cha,
trao duyên lại cho em là Thuý Vân, Kiều đã trải qua 15 năm lưu lạc, trong 15
năm ấy, Kiều đã gặp phải bao sự lọc lừa nhưng có lẽ đau đớn nhất là lần Kiều bị
Mã Giám Sinh lừa bán đến lầu xanh. Đó là bước ngoặt bẻ ngang cuộc đời Kiều sang
một hướng khác. Rơi vào tay Tú Bà, Kiều rút dao tự vẫn nhưng không thành. Ở lầu
Ngưng Bích, Kiều lại mắc bẫy Sở Khanh, bị đánh đập tơi bời “Thân lươn bao quản
lần đầu- Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”.
Sống ở lầu Ngưng Bích, trong cảnh cô đơn tuyệt
đối, Kiều không biết tâm sự với ai, nàng đành tự tâm sự với chính mình. Trước
hết nàng nhớ đến chàng Kim, nhớ đến lời thề đôi lứa: “Tưởng người dưới nguyệt
chén đồng- Tin sương luống những rày trông mai chờ”. “Tưởng”, đó là tâm trạng
của những người yêu nhau trong xa cách. Nàng nhớ đến lời thề nguyền dưới ánh
trăng. Hình dung ra nỗi nhớ, sự chờ mong nàng trong vô vọng của chàng Kim. Nàng
nghĩ đến chàng Kim trong cảnh cô đơn, bơ vơ nơi chân trời, góc bể. Thuý Kiều là
một người con hiếu thảo nhưng tác giả lại để cho Kiều nhớ đến chàng Kim trước ,
nhớ đến cha mẹ sau. Điều này thể hiện sự tinh tế của tác giả phù hợp với quy
luật tâm sinh lý bởi vì Kiều đã bị Mã Giám Sinh làm nhục, ép tiếp khách làng
chơi nên nỗi đau lớn nhất của Kiều là “tấm son gột rửa bao giờ cho phai”. Có
thể hiểu theo hai nghĩa, tấm son là tấm lòng nhớ tới chàng Kim không bao giờ
nguôi hoặc tấm lòng son của Kiều bị vùi dập hoen ố không biết bao giờ mới gột
sạch được. Nàng nhớ đến cha mẹ sau vì dù sao, khi bán mình chuộc cha, nàng cũng
đã phần nào báo đáp được cha mẹ. Nàng nhớ và thương cha mẹ khi sớm chiều tựa
cửa ngóng trông con. Nàng xót xa lúc cha mẹ ốm đau mà nàng không được tự tay
chăm sóc, phụng dưỡng. Nàng tưởng tượng cảnh quê hương tất cả đã thay đổi, và
thay đổi lớn nhất là cha mẹ ngày càng già yếu. Trong cảnh ngộ bị giam lỏng
trong lầu Ngưng Bích, không lúc nào là nàng không nhớ về Kim Trọng, về gia
đình. Kiều đã bộc lộ phẩm chất đáng quý, một tấm lòng vị tha đáng trọng, một
con người thuỷ chung, hiếu thảo. Nguyễn Du hiểu thấu tâm trạng và suy nghĩ của
nhân vật của mình. Với ngòi bút xuất sắc của mình, kèm các điểm tích, điển cố,
tác giả đã làm tôn lên sáng ngời vẻ đẹp trong tâm hồn của người con gái bất
hạnh, dù bị hoàn cảnh xô đẩy nhưng tâm hồn vẫn luôn trong sáng, lương thiện,
luôn hướng về mái ấm gia đình, hạnh phúc lứa đôi. Đây cũng chính là phẩm chất
đáng quý của người phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại, ngời sáng những lý tưởng
cao đẹp.
Nhớ người yêu, nhớ cha mẹ, Kiều càng thấm thía
nỗi cô đơn trống vắng của mình:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trong ngọn cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duyềnh
Ầm ấm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Người buồn, cảnh cũng buồn. Nỗi buồn vô vọng,
kéo dài, trải rộng ra mênh mang. Tiếng sóng như báo trước sóng gió dữ dội của
cuộc đời hay là tiếng kêu đau đớn của Kiều đồng vọng với thiên nhiên? Kiều
không chỉ buồn mà còn lo sợ, kinh hãi trước sóng gió, bão táp của cuộc đời đang
sắp đổ xuống đầu nàng! Nỗi buồn thoảng thốt lo âu, dự cảm hãi hùng của một
người con gái lần đầu lạc bước giữa cuộc đời lắm sóng gió và truân chuyên. Lúc
này Kiều trở nên tuyệt vọng để rồi “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Tiếng
sóng gầm lên dữ dội như muốn hất tung, nhấn chìm người con gái cô đơn, tội
nghiệp trên chiếc ghế đời mỏng manh. Qua đó, ta càng thấy rõ được tấm lòng chân
trọng, cảm thông của tác giả đối với số phận người con gái tài hoa bạch mệnh.
“Trăm năm trong cõi người ta- Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”
Kiều- một nhân phẩm quá đỗi cao đẹp, một tâm hồn
trong sáng, một bông hoa từ cảnh sống “êm đềm chướng rủ mành che” bỗng nhiên bị
ném vào bùn nhơ, giữa cái xót. Sống trong cảnh lầu xanh biết bao “bướm lả ong
lơi” mà Kiều vẫn giữ được một tâm hồn trong sáng. Giật mình lúc nửa đêm khi
tỉnh rượu, nàng chợt nhận rõ tình cảnh của bản thân. Sống trong cảnh lầu xanh,
Thuý Kiều vẫn không quên đi nỗi nhục của bản thân. Phải chăng, nếu nàng quên
được thì đã không đau khổ đến thế này? Đau khổ vẫn ở trước mắt, quá khứ tươi
đẹp lại quá xa xôi. Cảnh thiên nhiên đẹp nhưng thấm đậm nỗi buồn:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?….
Vui là vui ngượng kẻo là,
Ai chi âm đó mặn mà với ai?”
Nàng chán chường vì không tìm ra được người tri
âm tri kỉ. Câu hỏi được đặt ra giống như nàng đang đi tìm tri âm của mình,
nhưng cũng chính là tự khẳng định: không có ai cả. Thuý Kiều rơi vào một tình
cảnh trớ trêu, dễ làm con người đánh mất nhân phẩm. Kiều ý thức rõ nhân phẩm
đau khổ của mình, tiếc nuối quá khứ, khinh ghét bản thân, thờ ơ với những thú
vui ở lầu xanh. Nguyễn Du không thương xót chung chung mà ông chú ý đến nỗi đau
cá nhân của con người. Sau lối xưng “ta” đặc trưng của văn học trung đại, ta
chợt nghe thấy một giọng ca riêng cùng nỗi thương thân của cái “tôi”. Thương
mình là nền tảng vững chắc cho lòng thương người. Mà đây là “nỗi thương mình”
của con người dưới đáy xã hội nên nó càng mới lạ và giàu tính nhân đạo. Nó cho
thấy Nguyễn Du quan tâm tới mọi tầng lớp trong xã hội chứ không chỉ ở tầng lớp
trên. Không phải những người ở hoàn cảnh xấu đều xấu. Đó là quan điểm nghệ
thuật mới tiến bộ về con người, cá nhân của Nguyễn Du.
Bên cạnh những phẩm chất đáng quý trong tâm hồn,
ở Kiều còn nổi bật lên hình ảnh một con người bao dung, giàu lòng vị tha. Đối
với Thúc Sinh, kẻ đã cứu nàng thoát khỏi bùn lầy nhơ nhuốc, nàng đã rất trân
trọng biết ơn:
“Nàng rằng nghĩa nặng nghìn non
Lâm tri người cũ chàng còn nhớ không?
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân”
Còn đối với Hoạn Thư, nàng cũng rộng lòng tha
thứ: “Dã lòng tri quá thì nên- Truyền quân lịnh xuống trướng tiền tha ngay”.
Thuý Kiều trong toàn tác phẩm hiện lên luôn thật cao đẹp và sáng ngời. Nguyễn
Du đã thổi hồn vào cây bút, làm nên một Thuý Kiều đẹp về cả thể xác lẫn tâm
hồn. Tuy cuộc sống luôn gặp nhiều bất trắc nhưng tâm hồn vẫn nở hoa giữa bùn
nhơ của cuộc đời, của xã hội bất công chà đạp con người.
Trên một nền tảng nhân đạo chủ nghĩa vững chãi,
với tài năng điêu luyện, sự lựa chọn thể truyện thơ kết hợp nhuần nhuyễn với
chất tự sự và trữ tình, với sự am hiểu đồng thời cả ngôn ngữ bình dân cũng như
ngôn ngữ văn học bác học, Nguyễn Du đã sáng tạo một kiệt tác độc nhất vô nhị
của văn học trung đại Việt Nam. Qua hình tượng Thuý Kiều, cái mới trong quan
điểm nghệ thuật về con người và cá nhân của Nguyễn Du được bộc lộ khá rõ nét.
Ông đề cao, cảm thông sâu sắc đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những
con người nhỏ bé, bất hạnh, những người phụ nữ. Những con người vốn bị coi rẻ
trong xã hội vẫn được ông đề cập đến một cách trân trọng, thương yêu. Đồng thời
ông cũng khái quát bản chất tàn bạo của xã hội phong kiến, bộc lộ sự phẫn nộ
đối với những kẻ chỉ vì đồng tiền mà hãm hại người khác, chà đạp lên nhâm phẩm
của người khác. Ông là người đầu tiên trong văn học trung đại đã nêu lên một
cách tập trung vấn đề về thân phận những người phụ nữ có sắc đẹp và tài năng
văn chương nghệ thuật. Ông đã đề cập đến một số vấn đề rất mới nhưng cũng rất
quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học: xã hội cần phải trân trọng
những giá trị tinh thần, do đó cần phải trân trọng những chủ thể đã sáng tạo ra
những giá trị tinh thần đó. “Truyện Kiều” thấm đẫm tinh thần ngợi ca, trân
trọng vẻ đẹp kì diệu của tình yêu đôi lứa.
Chuyên Mục: Văn Mẫu Lớp 10
- Nguồn:
Sưu Tầm
- Người
đăng: Hoàng Mạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét