Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Phiêu lưu chốn tang bồng trên “nóc nhà” Đà Lạt

Phiêu lưu chốn tang bồng 

trên “nóc nhà” Đà Lạt

Dường như mỗi cảnh quan, điểm du lịch ở Đà Lạt đều gắn với một truyền thuyết, huyền thoại... Lang Biang cũng vậy, nó được gắn với huyền thoại của tình yêu đôi lứa, sự thủy chung. Vẻ đẹp, sức hấp dẫn của Lang Biang luôn mang đến cho du khách sự ngạc nhiên, tiếp đó là ham thích phiêu lưu, mạo hiểm.
Nằm ở độ cao 2.169m so với mặt biển, cao nguyên Lang Biang (Đà Lạt - Lâm Đồng) ẩn chứa trong mình truyền thuyết về một tình yêu say đắm, vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến. Lang Biang còn được ví như “nóc nhà” của Đà Lạt, là nơi lý tưởng để du khách tận hưởng cảm xúc bồng bềnh, khám phá những bất ngờ và thoả chí phiêu lưu, tang bồng…
Người dân TP Đà Lạt thường ví von hai ngọn của núi Lang Biang như “bộ ngực tràn căng sức sống của một cô thiếu nữ xinh đẹp” đón nhận ánh mặt trời chiếu rọi… Đến ngọn núi này, du khách có thể tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, lắng nghe truyền thuyết hấp dẫn.
Chuyện kể về tình yêu của của chàng K’lang (người Lát, một nhánh của dân tộc K’Ho) và người con gái tên Hơbiang (người Chil, một nhánh của dân tộc K’Ho) đã làm xúc động bao du khách khi đặt chân đến đây. Nhà K’lang và Hơbiang đều ở dưới chân núi, họ tình cờ gặp nhau trong một lần lên rừng hái quả. Hơbiang gặp nạn và chàng K’lang đã dũng cảm cứu nàng thoát khỏi đàn sói hung dữ. Một lần gặp gỡ nhưng cả hai đã cảm mến, rồi họ đem lòng yêu nhau. Nhưng do lời nguyền giữa 2 tộc người mà Hơbiang không thể lấy K’lang làm chồng. Vượt qua tục lệ khắt khe và lễ giáo phong kiến, hai người vẫn quyết tâm đến với nhau. Họ trở thành chồng vợ rồi bỏ đến một nơi trên đỉnh núi để sinh sống. Khi Hơbiang bị bệnh, K’lang tìm mọi cách chữa trị nhưng không khỏi. Chàng đành quay về báo cho buôn làng để tìm cách cứu nàng.
Kết thúc câu chuyện, Hơbiang bị chết do nàng đỡ mũi tên có tẩm thuốc độc của buôn làng nhắm bắn K’lang. Đau buồn khôn xiết, K’lang đã khóc rất nhiều, nước mắt chàng tuôn thành suối lớn, ngày nay gọi là Dankia (suối Vàng). Sau cái chết của hai người, cha Biang rất hối hận, đứng ra thống nhất các bộ tộc thành một dân tộc có tên là K’Ho. Từ đó các đôi nam nữ trong làng dễ dàng đến với nhau. Ngọn núi cao ở làng La Ngư Thượng, nơi chàng K’lang và nàng Hơbiang chết được đặt lên là Lang Biang - tên ghép của đôi trai gái, để tưởng nhớ hai người và tình yêu của họ.
Đến Lang Biang, du khách có thể khám phá đỉnh núi bằng cách đi bộ theo đường mòn hoặc đường xe chạy. Con đường quanh co uốn lượn giữa bạt ngàn thông reo... Cảm giác đầu tiên khi bạn đặt chân lên đỉnh núi thật dễ chịu. Một không gian rộng lớn giữa khoảng trời mênh mông và cái se lạnh đặc trưng của thành phố “tiểu Paris”. Ở nơi này, mây và núi như hoà quyện vào nhau.
Đứng trên đỉnh núi, dòng sông Đankia với những “mạch máu” nhỏ uốn lượn dưới chân núi. Từ xưa, đây được gọi là dòng sông Vàng, sông Bạc của người Lạch. Phóng tầm mắt ra xa, Đà Lạt hiện ra với những ngôi nhà nhấp nhô xen lẫn giữa núi và cây, những mảnh vườn bậc thang đẹp đẽ, chăm chút,… càng tô điểm cho vẻ đẹp rạng ngời. Nếu gom tất cả lại thành một bức tranh, ắt hẳn sẽ mang một vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, đặc sắc.
Lang Biang được xem là khu du lịch đặc thù với loại hình du lịch dã ngoại, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu nét văn hoá của người dân nơi đây. Cả vùng đồi của Lang Biang được bao phủ bằng lớp cỏ dày, cao và xanh mướt vào mùa mưa. Thung lũng là nơi sinh sống của nhiều loại động, thực vật. Lưng chừng núi có một thung lũng khá lớn, nơi tổ chức thành công lễ hội 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Do đó, nó được gọi là Thung lũng trăm năm, được thiết kế như một khu du lịch sinh thái, giải trí. Tại đây, du khách có thể thưởng thức chương trình giao lưu, đốt lửa trại, uống rượu cần với đồng bào dân tộc, nghe họ kể những câu chuyện và văn hoá của dân tộc mình.
Theo TTVN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...