Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Huyền thoại nhà trăm mái ở Đà Lạt

Nhà Trăm Mái - 57 Phan Bội Châu
Cách đây 7 năm, giới kiến trúc sư cả nước cùng du khách yêu Đà lạt giật mình khi biết công trình kiến trúc "Nhà 100 mái", tái hiện nguồn gốc dân tộc Việt qua câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ của kiến trúc sư Lữ Trúc Phương bị cưỡng chế đập bỏ. Với một tình yêu Đà Lạt cùng sức sáng tạo phi thường, người kiến trúc sư ấy lại cho ra đời một công trình kiến trúc hấp dẫn khác với tên gọi "Đường lên trăng"
"Đường lên trăng" toạ lạc trên đường Phan Bội Châu, trung tâm thành phố hoa, với bề ngoài là một quán cà phê được thiết kế lạ mắt như một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Tầng 1 thể hiện cảnh một hang động với cây cỏ, hoa lá theo kiểu "cây chen đá, lá chen hoa". Những bậc thang vòng vèo đưa du khách đến các gian phòng nhỏ nhắn ở 2 tầng hầm và tầng lầu. Nếu không có tác giả giới thiệu thì không thể phát hiện ra một cái "giếng trời" nép mình theo vách đá hay 3 dòng suối "thiên thai" chảy theo vách từng gian phòng nhỏ, tạo cho du khách cảm giác đang ở giữa thiên nhiên.
 
http://chotroidalat.vn/diendan/images/misc/nCode.png
Ảnh đã được thu nhỏ. Nhấn vào đây để xem 
kích thước thật 640x480px.
Trung tâm của "Đường lên trăng" là "căn phố lầu" với "một thoáng Việt Nam thu nhỏ": Một dòng suối chảy từ mái nhà đổ vào máng tre, từ máng lại đổ vào một đại dương. Trong đó, ấn tượng nhất vẫn là một mô hình chữ S thu nhỏ với 50 người đang lên núi, 50 người xuống biển. Lan can của lầu 1 cũng được cách điệu táo bạo so với một căn phố bình thường. Theo tác giả: "Đất ở trung tâm rất đắt nên ngôi nhà đã được thiết kế dựa trên lối chơi không gian". Từ tầng lầu của quán cà phê, du khách có thể thu vào tầm mắt phong cảnh hữu tình của khu chợ Đà Lạt và của một góc Hồ Xuân Hương, đồi Cù - trái tim của phố núi. 

http://chotroidalat.vn/diendan/images/misc/nCode.png
Ảnh đã được thu nhỏ. Nhấn vào đây để xem 
kích thước thật 640x480px.
Ngồi tại 100 Cafe, các bạn càng cảm nhận thêm hương vị tuyệt vời của cafe. Giá ly cafe là 10.000/ly đen đá. Các ly khác khoảng từ 10-15.000/ly.
Nguồn: Internet


Nơi giới kiến trúc tốn giấy mực nhất 
Việt Nam một thời
Trên khắp xứ Đà Lạt mộng mơ, người đời vẫn bắt gặp những sáng tạo, sản phẩm dở dang kết tinh từ sự tìm kiếm không mệt mỏi trong thế giới kỳ dị của vị kiến trúc sư Lữ Trúc Phương như hồ rồng, đường lên trăng, con gà 9 cựa nặng 8 tấn,... Và dường như đã trở thành huyền thoại là ngôi nhà trăm mái, nơi khiến giới kiến trúc tốn giấy mực hơn chục năm về trước.
Huyền thoại nhà trăm mái
Những năm 90, giới kiến trúc TP. Đà Lạt nhộn nhịp với nhiều sáng tạo táo bạo độc đáo. Ngoài nhà kiến trúc lão làng Phạm Văn Hạng với vườn tượng danh nhân nơi góc rừng thông Yên Thế, người ta bắt đầu để ý đến Lữ Trúc Phương với những sáng tạo "không giống ai". Và chính từ những "sáng tạo" không giống ai đó một thời khiến báo chí và Hội kiến trúc sư Việt Nam nổi dông, nổi bão khi vào năm 1992, ngôi nhà trăm mái bị dỡ bỏ với nhiều lý do. Tuy nhiên, cho đến nay, những người biết về ngôi nhà dựa trên truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ vẫn nhớ như in hình ảnh ngôi nhà đồ sộ, chi chít mái nhọn.
Quái kiệt Lữ Trúc Phương.
Ông Nguyễn Văn S. (54 tuổi, ngụ TP. Đà Lạt) kể: "Khi chưa bị dỡ bỏ, ngôi nhà từng được xem là biểu tượng du lịch mới của thành phố. Ngôi nhà đặc biệt này cách nhà tôi chỉ vài trăm mét. Lúc đó, mặc dù chưa hoàn thiện, nhưng ngôi nhà cũng thu hút một lượng khác du lịch nhất định". Theo lời ông, nhà trăm mái vốn dĩ là căn nhà bình thường có kiến trúc kiểu Pháp của một sĩ quan ngụy. Kiến trúc sư Lữ Trúc Phương có được ngôi nhà trên do chính chủ nhân của nó chuyển nhượng để khất nợ.
Bỗng một ngày sau hơn 17 năm gắn bó, Lữ Trúc Phương nảy ra ý định mà nhiều người đương thời cho là hão huyền, phi thực tế: Nâng số mái ngôi nhà từ 2 lên... 100. Quái kiệt phố núi cho biết, ông lấy ý tưởng  xây dựng ngôi nhà từ truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ và sẽ đặt tên cho nó là "Tổ ấm Âu Lạc". Và để hiện thực hóa ước mơ, ông đã dành hơn 5 năm vỡ vạc ý tưởng trên giấy rồi cặm cụi chắp vá, xây lấp. Ngay từ khi mới hình hài, nhà trăm mái đã khiến người đời choáng ngợp trong những bất ngờ. Người ta bất ngờ, tò mò trước lối kiến trúc được cho là kỳ dị, phá vỡ mọi lối kiến trúc thông dụng, cổ điển, hiện đại trước đó.
Trước mắt người dân phố núi, ngôi nhà hiện lên đồ sộ như một ngọn núi đá chi chít đỉnh, góc nhọn đâm tủa ra tứ phía. Những mái nhà to nhỏ khác nhau, được sắp xếp, hình khối ở những vị trí, góc cạnh với kích thước khác nhau khiến ngôi nhà trở nên đồ sộ, huyền bí đến lạ thường. Tuy nhiên, ít ai thấy được nỗi đau của lão kiến trúc sư chếnh choáng men mơ mộng và yêu thích sự kỳ dị khác người. Có chăng, người ta chỉ nghĩ ông muốn chơi trội, muốn chứng minh chứng tỏ bằng những chuyện không giống ai mà không biết rằng để hoàn thành ngôi nhà ấy, ông hi sinh rất nhiều. Thậm chí, hi sinh cả tình cảm vợ chồng.
Ông kể: "Khi thiết kế và phá ngôi nhà 2 mái để bắt tay biến nó thành nhà 100 mái, vợ tôi đã không thông cảm, hai vợ chồng lục đục với nhau suốt 3 năm tu sửa ngôi nhà, và chúng tôi bất hòa cho đến bây giờ!". Và càng đau đớn hơn khi "Tổ ấm Âu Lạc" của ông sau những bất hòa, hi sinh thầm lặng, vừa lợp xong 98 mái tạm bợ bằng giấy dầu, ông nhận được lệnh dỡ bỏ của chính quyền.
Ông S. cho biết: "Chuyện này từng khiến báo chí nổi dông, bão một thời. Ban đầu, ngôi nhà bị dỡ bỏ với lý do "chiếm dụng bất hợp pháp, cơi nới trái phép". Sau này, người ta cho biết thêm là ngôi nhà không an toàn, lôi kéo nhiều khách du lịch trái phép...". Sau lần dỡ bỏ trong sự phản đối vô vọng, quái kiệt phố núi tiếc nuối tưởng niệm chính đứa con tinh thần của mình trong những trang sổ lưu niệm của khách thập phương. Nhà trăm mái, mới đó thôi mà đã trở thành huyền thoại.
Ngôi nhà trăm mái huyền thoại.
Những dở dang để đời
Có người hiểu và biết Lữ Trúc Phương đã thông cảm và nhận xét rằng một nửa đời ông là những "dở dang". Đó cũng là nỗi buồn, nỗi đau của một con người trầm luân trong dở dang và tẩy chay. Tuy nhiên, những sự dở dang của Lữ Trúc Phương lại trở thành điểm hấp dẫn người đời, du khách. Thế nên, dù chưa trọn vẹn, chưa hoàn mỹ, tác phẩm của ông vẫn đi vào huyền thoại, trở thành những công trình để đời. Và rất nhiều những dở dang của ông trở thành "sản phẩm du lịch", thành "tour" để đưa khách đến. Chúng  trở thành cơ hội kiếm tiền của các hãng lữ hành, là "kiến thức" của các hướng dẫn viên du lịch. Thế nên, một thời người ta tranh nhau đưa vào những cuốn guidebook, kể cả xuất bản ra ngoài hay trong nước, ở Sài Gòn, Hà Nội hay ngay tại Đà Lạt.
Sau ngày ngôi nhà trăm mái chính thức đi vào huyền thoại và chỉ tồn tại trong những trang ký ức, người ta tìm đến: Gà chín cựa K'Long ở làng người Cill Darahoa dưới chân đèo Prenn, hồ nước Thống Nhất, hồ con rồng ở Đa Thiện, nhà thờ dòng Don Bosco,  "đường lên trăng" ở bên hông đồi thông dinh tỉnh trưởng... Cũng như nhà trăm mái, gà chín cựa K'Long cũng nhận nhiều những ý kiến trái chiều khi biết mục đích chính của nó là cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào nơi đây. Tuy nhiên, con gà trống được làm bằng xi măng cao 3,2m, nặng khoảng 8 tấn, có đôi cân to khỏe đặc biệt với 9 chiếc móng sắc nhọn được đặt trên một mô đất cao 1,5m sừng sững giữa làng vẫn trở thành biểu tượng của nơi đây.
Thế nhưng, nó cũng rơi vào những tác phẩm dở dang của người kiến trúc có tài có tâm. Trong ý tưởng thiết kế của Lữ Trúc Phương, công trình không chỉ hoàn thành nhiệm vụ cấp thoát nước mà còn phải mang ý nghĩa biểu tượng văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc. Theo người dân nơi đây, việc con gà có 9 cựa là kết quả của truyền thuyết về tình yêu cay đắng của đôi trai gái K'Tiên và Hơ Bông. Lữ Trúc Phương muốn thổi hồn văn hóa của mảnh đất này vào hình ảnh con gà. Hơn thế, hình ảnh con gà 9 cựa xuất phát từ truyền thuyết trên còn mang ý nghĩa xóa bỏ các hủ tục môn đăng hộ đối lạc hậu.
Những người biết về công trình này khẳng định, ngoài những ý tưởng trên, quái kiệt phố núi còn có ý định làm cho con gà cất tiếng gáy vào mỗi bình minh. Thế nhưng, đó chỉ mãi là ý tưởng trong sức sáng tạo riêng của ông, chưa một ngày trở thành hiện thực. Tương tự như trên, hồ Thống Nhất được khởi công từ những năm 1980 cũng rơi vào sự dở dang đến đáng buồn. Được biết, công trình sau khi hoàn tất sẽ tạo ra một hồ nước rộng lớn nằm trên ngọn đồi cao ở miền cao nguyên để cung cấp nước tưới cho 240ha trồng rau ở vùng Đa Thiện. Tuy nhiên, cho đến nay, mới hoàn thành phần biển Đông còn con tàu mơ ước đất nước lao ra đại dương hòa vào thế giới vẫn rêu phong neo trong sự dở dang.
Gần đây nhất, quán cà phê "Đường lên Trăng" nơi được du khách đánh giá là có kiến trúc độc đáo cũng chỉ dừng lại ở hạng mục lòng đất. Trong công trình này, khát khao của con người đam mê sáng tạo, khát khao tìm kiếm cái mới lạ trong sự kỳ dị muốn tạo ra một không gian có thể đưa con người đi từ bí ẩn của lòng đất lên bầu trời. Thế nhưng, sau những năm khiến thế giới du lịch thán phục, đến nay, "Đường lên Trăng" cũng cửa đóng then cài, rêu phong cùng năm tháng.
Tương tự là công trình "Nhập cùng nguồn cội" (biến những ngọn đồi, dãy núi cùng thác nước ở khu Prenn thành một vùng khám phá thuở ban sơ của loài người, với sơn động, núi thờ thần mặt trời; và khi vượt qua chín tầng trời, chín tầng mây sẽ gặp đồi xe duyên, đồi báo hiếu, đồi nghĩ về tổ tiên, đất mẹ...) và "Ngôi nhà Việt Nam" (làng du lịch qui tụ những tinh túy bản sắc kiến trúc, văn hóa dân gian, lễ hội... của ba vùng Bắc - Trung - Nam) bị gạt ra ngoài vì mơ mộng hão huyền...
Tuy nhiên, những áp lực tâm lý, nỗi đau từ hai chữ dở dang, tẩy chay chưa một lần khuất phục được sự kiên cường của lão quái kiệt. Chính nỗi đau, nỗi buồn từ cuộc đời với một chuỗi dài của bi kịch đã tiếp thêm cho ông những sức mạnh, óc sáng tạo không mệt mỏi. Ở tuổi xưa nay hiếm, đâu đó trên đường đời, người ta vẫn bắt gặp hình ảnh ông già cặm cụi, suy tư bên bản vẽ thiết kế, lặng thầm bên những công trình dở dang để đời.  
Kiến trúc Angkor luôn là sự ám ảnh
Chia sẻ về những sáng tạo độc đáo, dị biệt của mình, kiến trúc sư Lữ Trúc Phương cho biết: "Tôi có thời gian dài thực tập công trình ở trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Campuchia. Những công trình như kiến trúc Angkor luôn là sự ám ảnh đối với tôi. Đó là những công trình không thể tìm thấy phiên bản". Kiến trúc sư Lữ Trúc Phương vốn quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp từng tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương những năm 1950 và 1960 tại Pnom Penh, Campuchia. Ông cũng từng tham gia thiết kế công trình cho đại sứ Pháp ở nước này. 
Nguyễn Sơn

KHÔI PHỤC LẠI CÔNG TRÌNH 
"NHÀ TRĂM MÁI" của KTS 
LỮ TRÚC PHƯƠNG


Công ty cổ phần Quốc An (Lâm Đồng) cho biết sẽ cất lại tòa nhà 100 mái nổi tiếng của kiến trúc sư (KTS) theo trường phái biểu hiện Lữ Trúc Phương (Đà Lạt) vào đầu năm tới tại địa bàn xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.
Nhà 100 mái mới sẽ tọa lạc trên một đế nền có biểu tượng là một đồng xu cổ, rộng 3.000m2, cao bảy tầng với 100 phòng nghỉ dưỡng cao cấp... Điểm nhấn bên trong công trình là quả trứng khổng lồ chiếm gần ba tầng trên cùng, một tháp nước làm nguồn mạch chảy qua giữa tòa nhà, trong khi 100 mái nhà vươn ra... Tổng kinh phí trên 60 tỉ đồng, dự tính thi công trong ba năm. Công ty Quốc An nói đã tìm đến KTS Lữ Trúc Phương để đặt vấn đề phục hồi tuyệt phẩm kiến trúc trên.
Ngôi nhà 100 mái cũ nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngay cạnh đồi Cù (TP Đà Lạt), bị nhà chức trách ở Lâm Đồng cưỡng chế phá bỏ vào tháng 10-1993. Lý do: không đảm bảo an toàn, chủ sở hữu không rõ ràng... Đây là “sự kiện văn hóa chấn động” ở thời điểm ấy bởi Bộ VH-TT, Hội KTS VN, du khách và giới KTS trong và ngoài nước tìm cách ngăn cản nhưng đều thất bại. Sau đó Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng tìm cách bố trí cho cất lại ngôi nhà tại một vị trí nào đó ở TP du lịch này.
NGUYỄN HÀNG TÌNH




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...