Tiến sĩ NGUYỄN CÔNG LÝ
Quê xã Ninh Quang, dạy Đại Học XHNV Sài Gòn
Đông tàn xuân tới là một
quy luật tuần hoàn của thiên nhiên, của đất trời. Xuân về với trăm hoa khoe sắc
tỏa hương, cây cối đâm chồi nẩy lộc, biểu tượng cho sức sống dồi dào, viên mãn.
Vì thế, người đời thường ví mùa xuân với sức trẻ: “Một năm khởi đầu mùa xuân.
Cuộc đời bắt đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại”. Chính
biểu tượng này mà mùa xuân không bao giờ già, chẳng tàn phai, dù ba tháng đầu
năm đã qua đi. Mùa xuân thường gắn với tình yêu. Mà tình yêu thì muôn đời bất
diệt, muôn thuở vẫn vậy. Tình yêu không có tuổi. Có ai tính được tuổi của tình
yêu chưa ? Thơ tình yêu cũng vậy – nhất là những bài tuyệt tác – càng không
tính được tuổi bao giờ. Thơ tình mùa xuân càng hơn thế, luôn luôn và mãi mãi là
sức trẻ.
Bước vào xuân, thiên nhiên lại khoác lên mình một chiếc áo mới đầy
nhựa sống, toàn màu non tơ mơn mởn. Thơ tình mùa xuân vì thế mang trong bản
thân nó cái rạo rực thiết tha đến bồi hồi, nồng cháy, đằm thắm mặn mà đến mê
say, không bờ bến. Cái không bờ bến đó chỉ cảm nhận, không thể diễn tả, không
thể luận bàn được. Vẻ đẹp tình xuân cũng vậy. Hãy để hồn mình giao hòa, rung
động với đối tượng, mới có thể nhận ra hết mọi điều tuyệt diệu. Đến phút giây
bừng vỡ, ta sẽ mỉm cười một mình. Tình yêu cũng thế, chỉ có cảm chứ không cắt
nghĩa. Nhà thơ tình số một Xuân Diệu đã hơn một lần tuyên bố : “Làm sao cắt
nghĩa được tình yêu, Có nghĩa gì đâu một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng
nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”.
Đề cập đến thơ tình nói chung, thơ tình mùa xuân nói
riêng, trong chúng ta ai cũng nghĩ tới dòng thơ lãng mạn 1932 – 1945 ở Việt Nam. Bởi lẽ, không nhà thơ nào của thế hệ này mà không có thơ tình yêu, thơ tình mùa xuân. Từ Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận đến Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương đều có thơ tình và thơ tình mùa xuân. Có khi đó là cảm giác xôn xao rung rinh, nơi đó bóng giai nhân thoáng hiện say mê khúc nhạc xuân tình và nàng xuân như ngưng đọng lại trên đôi má ửng hồng làm cho thi nhân ngỡ ngàng thốt lên : “Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao/ Cây vàng rung nắng, lá xôn xao/ Gió thơm phơ phất bay vô ý/ Đem đụng nhành mai sát nhánh đào.” và “Mùa xuân chín ửng trên đôi má/ Xui khiến lòng ai thấy nặng nề.” (Nụ cười xuân - Xuân Diệu). Thi nhân cảm thấy bóng giai nhân đang xâm chiếm cõi lòng mình chăng ?
riêng, trong chúng ta ai cũng nghĩ tới dòng thơ lãng mạn 1932 – 1945 ở Việt Nam. Bởi lẽ, không nhà thơ nào của thế hệ này mà không có thơ tình yêu, thơ tình mùa xuân. Từ Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận đến Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương đều có thơ tình và thơ tình mùa xuân. Có khi đó là cảm giác xôn xao rung rinh, nơi đó bóng giai nhân thoáng hiện say mê khúc nhạc xuân tình và nàng xuân như ngưng đọng lại trên đôi má ửng hồng làm cho thi nhân ngỡ ngàng thốt lên : “Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao/ Cây vàng rung nắng, lá xôn xao/ Gió thơm phơ phất bay vô ý/ Đem đụng nhành mai sát nhánh đào.” và “Mùa xuân chín ửng trên đôi má/ Xui khiến lòng ai thấy nặng nề.” (Nụ cười xuân - Xuân Diệu). Thi nhân cảm thấy bóng giai nhân đang xâm chiếm cõi lòng mình chăng ?
Có khi đó là một tình yêu mơ màng, một chúng thoáng qua nhưng ngấm
sâu như mưa xuân. Hay là một mùa xuân ngập tràn sắc xanh: xanh non tơ của đất
trời, xanh ở ruộng lúa, lũy tre, xanh trong lòng người hy vọng khi tình yêu vừa
chớm nở từ cái thắt lưng xanh của cô thôn nữ dịu dàng đi trẩy hội trong thơ
Nguyễn Bính; Có khi đó là nỗi say mê rạo rực đến trào dâng mà thi nhân như muốn
vồ vập, cắn xé, ngấu nghiến trước vẻ đẹp xuân tình của Xuân Diệu.
Mùa xuân cũng là mùa hạnh phúc lứa đôi. Mùa xuân – mùa cưới thường
sóng đôi nhau để đi vào cõi vĩnh hằng của thời gian. Ngày xưa vẫn thế, ngày nay
cũng vậy. Mảng đề tài này, văn chương lãng mạn nhiều vô kể.
Trong thơ, thi nhân thường quan niệm rằng mùa xuân không chỉ dừng lại ở quãng thời gian ba tháng mà là một cõi xuân bất tận của lòng người đang yêu. Chỉ cần vài giọt nắng lung linh, dăm ba sợi sương mỏng mảnh, mấy cành xanh lộc non tơ, dăm bảy sắc màu yêu dấu cũng làm nên một tình xuân! Một chút rung động ngỡ ngàng thoáng qua và tình yêu vừa hé nụ đủ làm cho trái tim thi nhân xao xuyến cõi xuân lòng. Ở đó, nói theo ngôn ngữ của Xuân Diệu, là đầy hoa xuân của một xuân không mùa : “Xuân của đất trời nay mới đến/ Trong tôi xuân đến đã lâu rồi, Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi/ Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”(Nguyên đán).
Thơ ca lãng mạn viết về tình xuân bâng khuâng rạo rực cũng là lẽ
đương nhiên. Các cụ ngày xưa – rất xưa cũng
rạo rực không kém. Thế mới lạ. Từ thời Lý, thời Trần với những tên tuổi Mãn Giác, Trần Thánh Tôn, Trần Quang Khải, Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Chu Văn An, Nguyễn Phi Khanh cho đến các đời sau với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu ít nhiều đều có thơ tình mùa xuân. Hóa ra, tình xuân lại có sức quyến rũ của riêng nó. Thi nhân thường là người đa sầu đa cảm nên có duyên nợ nhiều hơn. Điều tôi muốn thông báo ở đây là một hiện tượng rất lạ và độc đáo : “Vô tiền khoáng hậu” trong văn chương, đó là nỗi lòng rạo rực rất đáng yêu, rất dễ thương trước tình xuân của một con người tưởng chừng như đã thoát khỏi bụi trần: Nhà thơ – thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254 – 1334), tổ thứ ba thiền phái Trúc Lâm với bài “Xuân nhật tức sự”(1)
rạo rực không kém. Thế mới lạ. Từ thời Lý, thời Trần với những tên tuổi Mãn Giác, Trần Thánh Tôn, Trần Quang Khải, Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Chu Văn An, Nguyễn Phi Khanh cho đến các đời sau với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu ít nhiều đều có thơ tình mùa xuân. Hóa ra, tình xuân lại có sức quyến rũ của riêng nó. Thi nhân thường là người đa sầu đa cảm nên có duyên nợ nhiều hơn. Điều tôi muốn thông báo ở đây là một hiện tượng rất lạ và độc đáo : “Vô tiền khoáng hậu” trong văn chương, đó là nỗi lòng rạo rực rất đáng yêu, rất dễ thương trước tình xuân của một con người tưởng chừng như đã thoát khỏi bụi trần: Nhà thơ – thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254 – 1334), tổ thứ ba thiền phái Trúc Lâm với bài “Xuân nhật tức sự”(1)
Nhị bát giai nhân thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì.
Người đẹp 16 xuân xanh đang ngồi thêu gấm chậm rãi. Dưới lùm hoa tử
kinh, tiếng chim hoàng oanh hót líu lo. Cô thấy lòng mình thương biết bao cái ý
thương xuân vô hạn. Cùng dồn lại ở giây phút dừng kim và chẳng nói nên lời. Bài
thơ là một bức tranh đẹp về mùa xuân với lòng rạo rực của nhà thơ trước bóng
giai nhân đang độ xuân thì. Nhà sư mơ mộng quá! Trái tim nhà sư giàu xúc cảm
rạo rực quá ! Vì thế mới tái hiện cảnh xuân, tình xuân ngập tràn hơi thở cuộc
sống đầy mê say, đến nỗi – người đời sau hạ bút viết lời bình “Thì tuy giai
phi tăng gia ngữ dã” (Lê Quý Đôn – trong “Kiến văn tiểu lục” – Thơ tuy hay
nhưng không phải khẩu khí của nhà tu hành). Một lần, nhìn hoa mai đang mỉm cười
trước gió xuân mơn man, nhà thơ – thiền sư muốn hái hoa về để “mượn
màu xuân đỡ bệnh già” (Mai hoa). Đêm khuya nghe tiếng dế eo
óc, rầu rĩ, nhà thơ cũng sinh tình. Có lúc nhìn cảnh xuân không có chủ
nên tác giả không có cảm hứng làm thơ, do thế, mấy cây hoa buồn bã trước gió
xuân (Thứ Bảo Khánh tự bích gian đề). Một nhà sư có lòng rạo
rực tràn trề với cuộc sống trần tục như thế, chẳng trách người đời vu cho ông
có dan díu với tình ! Chuyện có thật hay không, lịch sử đã xác minh. Điều tâm
sự này, nhà thơ có ghi lại trong bài “Nhân sự đề Cứu Lan tự”. Một thiền
sư lòng đã trống không, tâm nhập niết bàn, mà trái tim vẫn luôn rạo rực, thao
thức hướng về cuộc đời, về con người với những rung động tinh tế trước vẻ đẹp
của trần thế là chuyện rất lạ.
Nói như thế để khẳng định rằng, bất kỳ thời đại nào, tình xuân bao
giờ cũng có sức mạnh huyền bí và quyến rũ của nó. Đó chính là tố chất, là nguồn
cảm hứng để thi nhân (dù là thiền sư) cất bút đề thơ. Cho nên chút tình xuân
rạo rực vẫn là đề tài muôn thuở của thi ca
(1) Lê Mạnh Thát, trong bài “ Về tác giả bài thơ Xuân nhật tức sự”.
Tạp chí Văn học số 1 – 1984 phát hiện đây là bài thơ Thiền đời Tống (Trung
Quốc) của Ảo Đường Trung Nhân. Nhưng khi đối chiếu văn bản vẫn có ít nhiều sai
dị so với bài thơ gốc. Phải chăng Huyền Quang đã mượn bài thơ gốc của Trung
Quốc rồi chỉnh lại chút ít để biểu đạt cảm hứng thâm thúy của mình ? như GS
Nguyễn Huệ Chi đã nhận xét : hiện tượng giao lưu – tiếp nhận – vay mượn trong
văn học giữa các nước trong khu vực là chuyện bình thường vào thời trung đại.
Riêng tôi (không biết mình có bảo thủ hay không) vẫn xem bài thơ này là của
Huyền Quang vì mạch văn, ý văn như tấm lòng rạo rực đối với cuộc sống trong bài
thơ này có cùng nét chung với một số bài thơ khác hiện còn của ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét