Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Rơi lệ ru người

Rơi lệ ru người

Có những bài hát thoạt mới nghe qua, đã cảm thấy đó là một ca khúc hay. Tuy nhiên sự cảm nhận ấy chỉ là một sự cảm nhận mơ hồ, mông lung và chưa rõ ràng. Phải đợi đến lúc nghe đi nghe lại không phải chỉ một mà nhiều lần, hoặc đầu hôm trước giấc ngủ, hoặc những lúc nửa đêm chợt thức giấc, không gian quanh mình im lặng đến nỗi tưởng chừng như nghe được cả giọt sương rơi lẫn tiếng sóc chuyền cành, bạn ơi bạn tin tôi đi đến lúc đó cảm nhận của mình về ca khúc ấy sẽ thay đổi.
Rơi Lệ Ru Người của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trường hợp điển hình.
Thí dụ bây giờ tôi phải đi, tôi phải đi
Tay chia ly cùng đời sống này
Có chiều hôm, đưa chân tôi về biên giới mới
Nghe ra, quanh tôi đêm dài
Có còn ai, trong yên vui về yêu dấu ngồi
Rơi lệ ru người từ đây.
Khánh Ly trình bày 
Người nghệ sĩ trình diễn dù đó là nghệ sĩ trình diễn những vở kịch trên sân khấu kịch nghệ, ca sĩ hát hò trên sân khấu cải lương hay tài tử của màn ảnh nhỏ, phần lớn chỉ là những kẻ than vay khóc mướn. Khi tấm màn nhung khép lại, sau những cảnh rơi nước mắt và làm người xem cũng rơi nước mắt, họ trở về với nếp sinh hoạt thường lệ ăn uống ngủ nghĩ làm tình như không có chuyện gì xảy ra. Ngược lại có những nghệ sĩ sáng tác, tác phẩm của họ chính là phương tiện để tự thể hiện, để nói lên nỗi lòng riêng tư, phơi trãi những tâm tư sâu kín, những niềm vui nỗi buồn. Tác phẩm của họ còn là một sự giải bày khi thì cái thân phận nhỏ nhoi của con người trước cái bao la vô cùng tận của vũ trụ, khi thì sự bất lực của chính mình nhìn thấy cảnh đồng loại giết chóc nhau trong chiến tranh, khi thì cái đau của kẻ bị tình phụ, cái xót của kẻ đối diện với sự phân ly... Những giọt lệ rơi thật !
Nếu thật hôm nào em bỏ đi, em bỏ đi
Sau lưng em còn con phố dài
Những hàng cây loan tin nhau rồi im tiếng nói
Quanh đây hoang vu tiếng cười
Có ngày xưa em theo tôi cùng ra quán ngồi
Bên đời xe ngựa ngược xuôi
Nhớ lại những năm tụi nhỏ còn học tiểu học, thường thấy chúng nó đem về nhà những trang giấy vẽ hình, mới ngồi nghiệm ra rằng con nít bên này được dạy cách diễn tả, biểu lộ tình cảm ra ngoài, vui thì vẽ khuôn mặt cười, buồn vẽ mặt mếu, giận dữ vẽ đầu bốc khói... Bởi vậy lớn hơn một chút vào tuổi dậy thì, nhiều cô cậu thích nhau, đứng ôm nhau hun hít công khai giữa đường phố, bất chấp thiên hạ đứng nhìn. Đến khi đi làm, lúc bất đồng ý kiến, giận nhau cái như mổ bò, xong vài ngày sau gặp lại cười hề hề như không có chuyện gì xảy ra. Bạn bè thân sơ gặp nhau không những tay bắt mặt mừng mà còn ôm hôn và áp má.
Thời mình lớn lên lại khác, được dạy là phải kềm chế những cảm xúc trong lòng, bị cấm đoán đủ thứ, con nít vô tư thì bị cấm nghịch phá, lúc phá phách chẳng những bị đánh đòn đau gần chết mà còn bị cấm không cho khóc, hể khóc là bị đánh thêm nhiều roi nửa. Lục dục thất tình gì cũng đều phải bị đè nén, che. Chừng lớn lên có thích hay thương nhớ ai cũng chỉ dám lấy mắt nhìn. Cho nên mới có cái gọi là tình đơn phương, thương thầm nhớ trộm, yêu mà không dám tỏ bày, bộc lộ, đến chừng người yêu đi lấy chồng/vợ rồi mới ngồi tiếc hùi hụi.
Có nhiều cách tự thể hiện. Bằng hàng hiệu mác này hay mác nọ. Bằng mái tóc hi-lite technic- color, hay bằng nữ trang mắc tiền đeo trên người như những sao/siêu sao Hollywood, Bollywood hay gì gì đó wood. Sự tự thể hiện còn bằng những hình xâm mỹ thuật hay không mỹ thuật chút nào trên người cả nơi lộ liễu lẫn chỗ kín đáo cần phải che dấu. Không còn tuổi teen để hãnh diện với hàng hiệu. Trời lại không cho giàu có để mua vài cái hột xoàn đeo trên người khoe với đời ! Xâm mình thì sợ đau. Cũng không còn ở tuổi đôi mươi ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung, chơi nổi thể hiện bằng những ly rượu mạnh dzô một trăm phần trăm. Cũng không có tài sáng tác như những nhạc sĩ tài danh, lưu lại cho đời những ca khúc bất tử. Thôi thì đành viết nhăng viết cuội coi như là một cách tự thể hiện vậy. Nếu có làm phiền lòng hàng xóm và làm mất sự yên tĩnh của bạn bè thì cũng xin cho hai chữ đại xá !
Nếu thật, hôm nào tôi phải đi, tôi phải đi
Ối bao nhiêu điều chưa nói cùng
Với bình minh, hay đêm khuya và từng trưa nắng,
Bao nhiêu sen xanh, sen hồng
Với dòng sông hay anh em
Và những phố phường
Chắc lòng rất khó bình yên
Trong điện thư chúc Tết, anh bạn học cùng lớp Phạm Quốc Hòa đưa ra câu đối:
Tối ba mươi Tết, đón giao thừa, xem bắn pháo bông, nhìn dòng xe cộ tất bật ngược xuôi. Nhớ bạn bè.
Biết là chưa chỉnh song vẫn xin đáp lại rằng:
Ngày mồng Một Xuân, mừng năm mới, cầm ly rượu đỏ, gẫm chuyện năm qua buồn vui lẫn lộn. Quên phiền muộn.
VNToàn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...