Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

“Tấm ván phóng dao” của MẠC CAN – Nỗi niềm về THÂN PHẬN CON NGƯỜI

“TẤM VÁN PHÓNG DAO” CỦA MẠC CAN – NỖI NIỀM VỀ 

THÂN PHẬN CON NGƯỜI

 Ths Ngô Thị Hy

Danh hài, nhà văn Mạc Can
Đọc sách là một cách giải trí thú vị. Một quyển sách hay, có ý nghĩa không những tạo được những phút giây giải trí thoải mái mà còn đem đến cho người đọc những cảm xúc khó quên bởi những ấn tượng sâu sắc về nó. Đối với tôi Tấm ván phóng dao của Mạc Can là một quyển sách hay đã thật sự gây chú ý cho tôi khi tiếp xúc với nó lần đầu tiên. Đây là quyển sách đạt được giải A trong cuộc thi viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2005, và các giải thưởng khác như Giải thưởng văn học thành phố Hồ Chí Minh, Giải thưởng Văn hóa doanh nhân Việt nam 2005.
Với Tấm ván phóng dao, người đọc có cảm giác dường như người diễn viên hài Mạc Can đã lấy chính chất liệu cuộc đời mình, những mất mát, đau buồn của riêng mình để viết thật cảm động về thân phận con người một thời qua câu chuyện của một gia đình Nam Bộ hành nghề xiếc rong.
Truyện là những trải nghiệm về những trang đời đau thương của những con người bất hạnh thể hiện qua những hồi ức của một đứa con trai con chủ gánh xiệc Sac Lô Trần. Qua đó có thể cảm nhận được cả kiếp nhân sinh đầy đau khổ của một lớp người nghèo hàng ngày phải âm thầm vượt qua biết bao những bi kịch đau đớn để tồn tại. Viết ra những điều ấy, tác giả đã bộc lộ nỗi niềm về thân phận con người qua giọng văn rưng rưng niềm thương cảm và cũng đầy xót xa day dứt.
Tiếp cận với tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của Mạc Can, điều tôi chú ý đến đầu tiên chính là giọng điệu tác phẩm – một giọng điệu trầm buồn, tràn đầy cảm xúc nhưng cũng lắng đọng suy tư day dứt về kiếp người. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ giọng điệu là một phương diện biểu hiện quan trọng của chủ thể tác giả khi phản ánh cuộc sống. Giọng điệu ấy gắn liền với cảm hứng chủ đạo của cuốn sách: cảm hứng về thân phận con người “trong bóng đen mịt mùng của nghèo khổ, bất công, bạo tàn”.
Quả thật vậy, câu chuyện đã đưa người đọc về một thời đã qua ở vùng đất Nam Bộ vào những năm tháng đầy khó khăn. Truyện kể về một gia đình với gánh hát “xiệc” sống phiêu linh như một kiếp “lục bình trôi nổi” trong hành trình tha phương cầu thực đầy gian khổ, nhọc nhằn. Trong câu chuyện đó có thể thấy được những số phận tủi cực, xót xa của những thành viên trong một gia đình phải mưu sinh bằng cách hành nghề xiếc rong rày đây mai đó. Kết cục số phận của hầu hết những nhân vật đều đầy bi kịch. Người cha, một ông bầu gánh hát mang tên Nghệ Tinh, nhưng mãi cũng không được thân vinh, cuối cùng phải sống bằng nghề nhổ răng dạo. Người mẹ nghèo luôn lo nghĩ về tương lai của gia đình nên đã chắt mót những đồng tiền dành dụm trong con heo đất để phòng khi gánh hát ế ẩm nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Những đứa con, vì mưu sinh của gia đình, mỗi người phải chịu đựng nỗi đau riêng. Gắn với màn biểu diễn có khả năng thu hút người xem và đem lại thu nhập cho gánh hát nghèo – màn biểu diễn phóng dao – là bộ ba bi kịch: người anh hai phóng dao, đứa em gái nhỏ đứng trước tấm ván và anh ba ở phía sau  vịn tấm ván. Đó là ba nhân vật chính làm nên câu chuyện và chuyển tải cảm hứng chủ đạo của tác phẩm.
   Có thể thấy giọng điệu buồn thương da diết đã xuất hiện ngay từ phần mở đầu qua những dòng tự sự đầy nỗi niềm của người trong cuộc – anh ba, cũng là người kể chuyện – như những lời tâm sự thì thầm đầy u uất:
“ Không có gì làm cho tôi sợ hơn là cơn mưa lúc nửa đêm, vì với riêng tôi, nhìn giọt mưa rơi long lanh, nghe tiếng mưa rì rào, tí tách, chẳng khác nào những lời thì thầm bên tai, nhắc nhở lại quá nhiều nỗi buồn của cuộc đời đã qua. Ai có tới một chợ quê, trong cảnh tha phương cầu thực với các gánh hát nghèo mới biết, mưa cầm chân người mua vui ở nhà, mưa làm cho sân khấu phông màn buông rủ buồn hiu. Con hát đói lạnh, không biết ngày mai sẽ ra sao, mà vốn liếng nào có gì cho cam, ngoài một giọng hát, hay một trò xiệc, trên hai bàn tay trắng…”
             Từ những lời thủ thỉ như khúc dạo đầu của dòng tâm tư nhân vật, câu chuyện lần lượt mở ra. Vì người trần thuật là một nhân vật trong câu chuyện nên lời kể mang điểm nhìn của nhân vật và thấm đượm nội dung tình cảm, thái độ ứng xử  của nhân vật trước hiện tượng đời sống. Bản thân chịu đựng quá nhiều nỗi đau thương trong cuộc đời nên giọng điệu kể chuyện của nhân vật không hề bình thản mà chứa chất trong đó là nỗi buồn thương thấm thía trong lời kể về chính cuộc đời và những người thân của mình:
“ Tôi chào đời vào một buổi chiều tàn, mà buổi chiều nào mà không buồn, nó là lúc chết của một ngày, còn sáng hôm sau là một ngày khác, cũng ngắn ngủi như ngày hôm qua…”
Từ lúc ra đời, cái sinh linh nhỏ bé ấy cứ thế lớn lên và đã cùng với gia đình tha phương cầu thực: “ Cha mẹ tôi cứ mãi lang thang, chúng tôi không có tương lai, sống rày đây mai đó, biết khi nào có một mái nhà, được về nhà”.
“ Thời thơ ấu của tôi, của anh em tôi cứ vậy, chầm chậm trôi theo những dòng sông vui buồn, trong cơ khổ đói khát, với hoàn cảnh riêng biệt không giống ai…”
Cuộc sống gia đình như thế đã để lại trong mỗi đứa con những bi kịch và nỗi đau riêng suốt từ lúc trí óc non nớt đến cả lúc trưởng thành. Có ai biết rằng chính cuộc sống mưu sinh đó đã có khả năng tàn phá con người, khiến họ phải chịu đựng những nỗi khổ tâm không phút nào nguôi trong lòng?
 Người anh hai trong con mắt đứa em trai dị tật đẹp như “một vị hoàng tử” nhưng cũng phải chịu cảnh đói khổ cùng cực như mọi người. Người anh điển trai này phải làm trò mua vui khán giả bằng màn phóng dao đầy tài hoa. Công việc của anh hai hàng đêm là phải phóng những lưỡi dao bén ngót về phía tấm ván mà ở đó có đứa em gái của mình đang đứng. Do công việc quá nguy hiểm, anh phải tuân thủ một kỷ luật của riêng mình, một kỷ luật quá nghiêm nhặt để phải thật tỉnh táo khi đối diện với nó. Và điều tối kỵ đối với anh là không được mất tập trung dù chỉ là một phút. Có lẽ vì vậy mà bề ngoài anh có vẻ lạnh lùng, trầm tĩnh, ít nói, có thể anh khổ tâm nhưng phải cố chịu đựng và “quen chịu đựng… khi nhìn thấy nỗi khổ của người khác”.  Anh luôn bị ức chế vì một điều gì đó và chỉ khi phóng một lưỡi dao, anh mới thoát khỏi ức chế. Do đó anh dường như không có cả quyền để mơ mộng. Thật không có gì tội nghiệp hơn  khi  anh không thể tìm kiếm cho mình một giấc mơ giữa cuộc đời quá nhiều cay đắng: “Anh nghèo tới nỗi không có được một góc tư giấc mơ, người nào mà không có một ít mơ mộng dù cho hão huyền, để tự an ủi mình, nó như cái bánh ngọt ngào trong cõi đời quá đắng…”. Câu hỏi của anh đối với em trai của mình thật lạ mà cũng biết bao xót xa thương cảm: “ Làm cách nào mà người ta tìm được một vài giấc chiêm bao?”.  Không được quyền mơ mộng nhưng khi tìm được một tình yêu riêng tư thì đó cũng là lúc bi kịch bắt đầu với anh. Đau buồn vì biết được gia đình Phương, người anh yêu, bắt cô về nhà để lấy chồng, anh đã phân tâm khi phóng dao. Và lần phân tâm duy nhất trong cuộc đời lãng tử phóng dao đã dẫn anh đến việc vô tình sát thương em gái. Điều ấy đã để lại cho anh niềm ray rứt suốt đời khôn nguôi.
Bi kịch không chỉ đến với người anh hai mà còn đến cả cô đào phóng dao, cô em gái đáng thương, hiện thân cho số phận những con người hàng ngày phải đem thân mình để làm vật hy sinh, hứng chịu những mũi dao oan nghiệt, luôn luôn phải đối diện với nguy hiểm. Cô bé tội nghiệp vì cuộc mưu sinh của gia đình, ngay từ nhỏ đã đứng trước tấm ván cho tới khi đã qua hết thời con gái. Cô đã trở thành một cô đào cho một màn biểu diễn nguy hiểm đến tính mạng do chính anh hai thực hiện. Cuối cùng cô đã bị lưỡi dao oan nghiệt chém vào sau gáy, nơi chứa nhiều ký ức, nhiều suy nghĩ nhất nên về già những ký ức đó khi còn khi mất, phải sống cô đơn với bộ não trẻ con. Viết về bi kịch của đứa em gái tội nghiệp, giọng điệu kể chuyện tràn đầy lòng thương cảm. Thường xuyên đứng trước nguy hiểm, cô gái cũng biết sợ nhưng không ai có thể thay đổi vị trí – như đang chờ đợi tử hình - của cô hàng đêm dưới ánh đèn sân khấu. Mọi chuyện rồi cũng sẽ trở thành thói quen, chỉ có người trong cuộc mới hiểu thấu nỗi khổ, nỗi lo sợ hàng đêm của mình mỗi lần tới màn biểu diễn phóng dao. Thường xuyên đứng trước nguy hiểm, nên hình thể cô bé “ khô cằn, không  ra dáng thiếu nữ, ở tuổi mười bốn, mười lăm, những đứa con gái khác đã trổ mã nhưng nó vẫn như đứa trẻ con, lại có vẻ “già” trước tuổi”. Công việc đã làm cho cô gái chỉ có đôi mắt là cử động như đang trông chừng những lưỡi dao xé gió lướt về mình, còn toàn thân thì bất động. Sau đêm diễn kinh hoàng, cô gái đã trúng lưỡi dao oan nghiệt của anh trai, người kể đã không khỏi ngậm ngùi khi thấy em mình về già trông giống như “ một đứa già cỗi suy dinh dưỡng, héo hắt, gầy nhom” và đặc biệt là vẫn có bản năng né tránh mũi dao tưởng tượng có thể hướng về mình:
“ Bà chợt ngã người như né tránh những lưỡi dao từ cõi xa xăm nào đó bay trở lại sáng lập lòe như những con đom đóm trong mắt bà. Tai bà nghe tiếng rè, tiếng kèn văng vẳng. Bà Tư run rẩy đưa hai bàn tay ốm nhom đầy gân xương tới đàng trước. Như là bà xua đuổi những lưỡi dao. Ông Ba cầm bàn tay em của ông, nó lạnh như một xác chết”
Nỗi lo sợ hàng ngày đã làm nên những thói quen trong sinh hoạt của cô khiến cô gái lúc nào cũng ngồi trong bóng tối với xâu chuỗi cầu kinh. Có lẽ chỉ người anh ba với trái tim quá nhạy cảm mới hiểu rõ nỗi đau của cô nào phải chỉ là chuyện sát thương da thịt? Đó là nỗi đau lớn hơn nhiều, nỗi đau trong tâm hồn, với câu hỏi mãi mãi nằm sâu trong cõi im lặng mà nhiều lần muốn hỏi nhưng cô đã không dám hỏi mẹ: “ Sao em là con gái của Mẹ mà Mẹ không nói một lời với Cha đừng để con mình đứng trước tấm ván phóng dao, em không hiểu?”.
            Giọng điệu buồn thương của câu chuyện thấm đượm trong lời kể của người trần thuật xưng “tôi” và trong những xúc cảm, suy tư chân thành của anh. Đó là một trong “bộ ba bi kịch” có cái kết thúc đáng buồn. Anh Ba, một người thường được người khác gọi là “người cõi trên”, còn mình thì tự nhận là một con người “dị tật có một trái tim quá lớn” lúc nào cũng suy tư, cô đơn và trăn trở với câu hỏi lớn lao“ tại sao” khi cuộc sống xung quanh luôn có bao điều khiến anh suy tư và mơ ước. Trong anh luôn khắc khoải bởi những câu hỏi mà anh biết rằng chính anh cũng không trả lời được. Trong lòng anh hằn sâu một nỗi khổ, không phải khổ vì nghèo đói mà khổ vì trái tim luôn thổn thức trước những nỗi đau của cuộc đời:
“ Còn tôi là ai? Từ trước khi tôi là một phôi thai chung dòng sữa Mẹ với anh, chúng tôi không biết nhau trước nhưng bây giờ vị Hoàng tử là anh ruột của tôi, tội nghiệp là anh cũng đói khổ cùng cực như mọi người… Trong cuộc sống trôi giạt, giả thật, qua nhiều năm tháng, điều tôi khổ nhứt là trái tim quá đỗi nhạy cảm của tôi, nó thổn thức từ khi tôi chưa đủ hình hài, trôi theo tôi sau chiếc ghe hát, trên những dòng sông là tấm ván phóng dao đầy thương tích như nỗi đau của kiếp người”
Nếu người anh trai tài hoa nghèo đến nỗi không có cả giấc mơ thì người anh Ba này chỉ có tấm ván dày cộm như tấm hòm dưới lưng là bạn.  Cứ mỗi lần nằm trên tấm ván lưu động ở mọi nẻo đường mưu sinh, anh đã xem đó là chiếc giường “sang trọng” nhất. Trên chiếc giường đó chưa hề có được một cái gối, chỉ gác đầu lên khuỷu tay rồi mơ ước, những ước mơ hết sức tội nghiệp:
“ Tôi mơ nhiều nhất là được tới trường học, mà suốt cuộc đời trôi sông lạc chợ của tôi, tôi thường thấy ở nhiều thị trấn hay những làng quê, đó là ngôi trường làng với tiếng trống thôi thúc vui tai. Một mảnh sân chơi dưới tàn cây bàng lớn, tấm bảng đen trên tường. Tôi luôn thấy tôi ngồi cạnh nhiều đứa bạn…tưởng tượng, ê a tập đánh vần”.
  Có lẽ vì khát khao được học nên trong giấc mơ của nhân vật này “chỉ có chữ” và anh đã “ khát chữ đến điên cuồng”. Vậy mà nhân vật chỉ được học trong… giấc mơ. Trong những giấc mơ hết sức là nhân bản đó, anh đã thuộc và viết rất nhiều chữ dù trong thực tế anh không được học một chữ nào. Nhưng có lúc nào anh có được một giấc mơ trọn vẹn? Khi giấc mơ đang ở đoạn đẹp nhất thì anh đã bị đánh thức bởi bà hàng thịt, vì lẽ anh đã gác cái tấm ván lên sạp của bà để ngủ. Anh ngơ ngác nhận ra rằng tất cả chỉ là hư không “Một cõi thiên đường trong mơ đã mất, trường học của tôi đâu mà tôi còn lẩm bẩm đánh vần? Tôi cố nhớ lại những dòng chữ đã học. Nó nhạt nhòa trong nắng đỏ mưa dầm của những chuyến đi dài thăm thẳm. Ngôi trường thân yêu của tôi, cây bàng, tiếng trống, bạn bè, chỉ là trong hư không”
Suốt cuộc đời thơ bé đến lúc trưởng thành, anh Ba gắn liền với tấm ván. Nó là bạn, là chiếc giường ngủ, nó còn là món nợ đời. Nó đem đến cho anh những giây phút êm đềm khi thả nó xuống nước tập bơi. Nó cũng đem đến cho anh những giấc mơ đẹp được đến trường khi anh  ngả lưng xuống nó trong những đêm lạnh. Nhưng nó còn là nỗi ám ảnh triền miên trong anh. Lưng anh như gù đi vì luôn luôn phải vác món nợ truyền kiếp này đến mức anh không lớn nổi dù năm tháng có đi qua. Anh sợ nhất là khi hàng đêm phải đứng sau nó vịn cho anh trai phóng những lưỡi dao sáng loáng về phía đứa em gái tội nghiệp. Cũng như em gái, lúc nào anh cũng có những hành động bản năng như muốn đỡ những lưỡi dao vô hình nào đó đang hướng về phía mình. Thương em gái, nhiều lần anh muốn nói với cha cái điều anh luôn chất chứa trong lòng như một ám ảnh triền miên về bi kịch đau thương có thể sẽ xảy ra và muốn khuyên cha bỏ nghề. Nhưng anh đã không nói được điều ấy để rồi cứ hàng đêm phải chứng kiến cảnh những lưỡi dao nguy hiểm phóng về phía em gái trong nỗi đau xót đứt ruột của chính mình và cả trong những dằn vặt đau thương: “ Giờ đây tôi đã biến thành kẻ lưu đày u tối, trong tiềm thức, tâm linh tôi như sương khói, nó cho thấy tôi là kẻ tội đồ, một kẻ thủ ác”.Cứ mỗi lần nhìn tấm ván phóng dao, đứng vịn nó hàng đêm trong màn biểu diễn của người anh, anh đều cảm nhận dường như nó cũng mang đầy thương tích như nỗi đau của con người, nỗi đau cứ trở đi trở lại trong suốt cuộc đời của anh. Những câu hỏi “tại sao” cứ lặp đi lặp lại như những lời tự vấn đau thương và cuối cùng lắng đọng lại thành những suy tư day dứt về thói vô tâm của người đời. Người ta hoàn toàn có thể kéo khách bằng màn phóng dao nguy hiểm để đảm bảo sự sống cho nhiều người bất chấp nguy hiểm có thể đến với cô em gái. Nhưng biết làm sao được khi “ Chỗ của em tôi quan trọng cho sự sống còn của nhiều cái bao tử, hoàn toàn vì mục đích kiếm tiền, không có gì thay đổi cho được”. Nhân vật nhận ra rằng “Sự vô tâm bàng quan ẩn náu trong từng con người như một con vi trùng, hay con rắn nằm êm dưới lớp lá mục  và đôi khi sự vô tâm ấy có thể thỏa hiệp với cái xấu, cái ác để dẫn con người yếu thế đến bi kịch. Chen lẫn vào giọng văn đầy xót xa day dứt, có thể cảm nhận được âm hưởng trầm buồn,  trĩu nặng suy tư, day dứt về kiếp người nghèo.
Lấy cảm hứng từ nỗi đau của thân phận con người nên có thể thấy toàn bộ câu chuyện được kể với một âm hưởng chung thấm thía nỗi xót xa thương cảm. Đó là âm hưởng của tiếng chuông buồn rưng rưng, cứ rủ rỉ ngân nga trong từng lời kể của người trần thuật, chen vào giữa cảm xúc của nhân vật anh Ba và thấm thía vào cả những lời độc thoại của cô em gái cô đơn khi về già chỉ biết tự tình với với chiếc lá, với con mèo già thật là già:
“…Mỗi ngày em ăn nửa chén cơm với miếng dưa chuột, trái chuối hay cọng rau, tới bây giờ em vẫn không hiểu, sao em là con gái của Mẹ, mà Mẹ không nói một lời với Cha đừng để con mình đứng trước tấm ván phóng dao? Nỗi đau của riêng em không còn là chuyện sát thương da thịt, nỗi đau lớn hơn nhiều, nó ở đâu nơi sâu thẳm như những hạt cát tội nghiệp dưới lòng biển, nơi mà ngàn năm trước triệu năm sau, có khi nào ánh mặt trời soi rọi tới, nó là một cõi im lặng, trầm ngâm vĩnh hằng…”
            Gấp lại quyển sách Tấm ván phóng dao, người đọc không tránh khỏi cảm giác băn khoăn, thương cảm. Một câu chuyện thật cảm động về kiếp nhân sinh đầy đau khổ của con người Nam Bộ ở một giai đoạn đã qua, trong cuộc mưu sinh để tồn tại. Dường như đó không còn là câu chuyện của một gia đình mà đã mang bóng dáng của cuộc đời mỗi thời. Có thể đây chưa phải là tác phẩm đủ sức tạo nên một “sự kiện lớn” nhưng có thể nói rằng tác phẩm đã thành công vì đã thật sự làm xúc động lòng người bởi giá trị nhân văn của nó. Nếu không được viết ra bằng tâm hồn nhạy cảm, tấm lòng tràn đầy nhân tình thì có lẽ tác phẩm không làm người đọc xúc động như thế. Nghĩ về cuốn sách, liên tưởng đến những gì đã đọc, tôi ngỡ rằng nhà văn đã vắt đến tận cùng những cảm xúc sâu xa trong tâm hồn của mình để phả vào cuốn sách niềm rưng rưng thương cảm cho số phận của con người.
12/2011
Tài liệu tham khảo
Mạc Can.2010. Tuyển tập. NXB Thanh niên TP Hồ Chí Minh.
Bakhtin M.1998.  Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Bản dịch tiếng Việt của Phạm Vĩnh Cư). Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.
Trần Đình Sử (Chủ biên ). 2008. Lý luận văn học (tập 2). Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội
 Trần Đình Sử. 2005. Dẫn luận Thi pháp học.  Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
 G.N.Pospelov (chủ biên) .1985. Dẫn luận nghiên cứu văn học. Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội.
 Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu thơ trữ tình, NXB Văn học Hà Nội.
“TẤM VÁN PHÓNG DAO” CỦA MẠC CAN – NỖI NIỀM VỀ THÂN PHẬN CON NGƯỜI
Ths Ngô Thị Hy
Đọc sách là một cách giải trí thú vị. Một quyển sách hay, có ý nghĩa không những tạo được những phút giây giải trí thoải mái mà còn đem đến cho người đọc những cảm xúc khó quên bởi những ấn tượng sâu sắc về nó. Đối với tôi, Tấm ván phóng dao của Mạc Can là một quyển sách hay đã thật sự gây chú ý cho tôi khi tiếp xúc với nó lần đầu tiên. Đây là quyển sách đạt được giải A trong cuộc thi viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2005, và các giải thưởng khác như Giải thưởng văn học thành phố Hồ Chí Minh, Giải thưởng Văn hóa doanh nhân Việt nam 2005.
Với Tấm ván phóng dao, người đọc có cảm giác dường như người diễn viên hài Mạc Can đã lấy chính chất liệu cuộc đời mình, những mất mát, đau buồn của riêng mình để viết thật cảm động về thân phận con người một thời qua câu chuyện của một gia đình Nam Bộ hành nghề xiếc rong.
Truyện là những trải nghiệm về những trang đời đau thương của những con người bất hạnh thể hiện qua những hồi ức của một đứa con trai con chủ gánh xiệc Sac Lô Trần. Qua đó có thể cảm nhận được cả kiếp nhân sinh đầy đau khổ của một lớp người nghèo hàng ngày phải âm thầm vượt qua biết bao những bi kịch đau đớn để tồn tại. Viết ra những điều ấy, tác giả đã bộc lộ nỗi niềm về thân phận con người qua giọng văn rưng rưng niềm thương cảm và cũng đầy xót xa day dứt.
Tiếp cận với tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của Mạc Can, điều tôi chú ý đến đầu tiên chính là giọng điệu tác phẩm – một giọng điệu trầm buồn, tràn đầy cảm xúc nhưng cũng lắng đọng suy tư day dứt về kiếp người. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ giọng điệu là một phương diện biểu hiện quan trọng của chủ thể tác giả khi phản ánh cuộc sống. Giọng điệu ấy gắn liền với cảm hứng chủ đạo của cuốn sách: cảm hứng về thân phận con người “trong bóng đen mịt mùng của nghèo khổ, bất công, bạo tàn”.
Quả thật vậy, câu chuyện đã đưa người đọc về một thời đã qua ở vùng đất Nam Bộ vào những năm tháng đầy khó khăn. Truyện kể về một gia đình với gánh hát “xiệc” sống phiêu linh như một kiếp “lục bình trôi nổi” trong hành trình tha phương cầu thực đầy gian khổ, nhọc nhằn. Trong câu chuyện đó có thể thấy được những số phận tủi cực, xót xa của những thành viên trong một gia đình phải mưu sinh bằng cách hành nghề xiếc rong rày đây mai đó. Kết cục số phận của hầu hết những nhân vật đều đầy bi kịch. Người cha, một ông bầu gánh hát mang tên Nghệ Tinh, nhưng mãi cũng không được thân vinh, cuối cùng phải sống bằng nghề nhổ răng dạo. Người mẹ nghèo luôn lo nghĩ về tương lai của gia đình nên đã chắt mót những đồng tiền dành dụm trong con heo đất để phòng khi gánh hát ế ẩm nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Những đứa con, vì mưu sinh của gia đình, mỗi người phải chịu đựng nỗi đau riêng. Gắn với màn biểu diễn có khả năng thu hút người xem và đem lại thu nhập cho gánh hát nghèo – màn biểu diễn phóng dao – là bộ ba bi kịch: người anh hai phóng dao, đứa em gái nhỏ đứng trước tấm ván và anh ba ở phía sau  vịn tấm ván. Đó là ba nhân vật chính làm nên câu chuyện và chuyển tải cảm hứng chủ đạo của tác phẩm.
   Có thể thấy giọng điệu buồn thương da diết đã xuất hiện ngay từ phần mở đầu qua những dòng tự sự đầy nỗi niềm của người trong cuộc – anh ba, cũng là người kể chuyện – như những lời tâm sự thì thầm đầy u uất:
“ Không có gì làm cho tôi sợ hơn là cơn mưa lúc nửa đêm, vì với riêng tôi, nhìn giọt mưa rơi long lanh, nghe tiếng mưa rì rào, tí tách, chẳng khác nào những lời thì thầm bên tai, nhắc nhở lại quá nhiều nỗi buồn của cuộc đời đã qua. Ai có tới một chợ quê, trong cảnh tha phương cầu thực với các gánh hát nghèo mới biết, mưa cầm chân người mua vui ở nhà, mưa làm cho sân khấu phông màn buông rủ buồn hiu. Con hát đói lạnh, không biết ngày mai sẽ ra sao, mà vốn liếng nào có gì cho cam, ngoài một giọng hát, hay một trò xiệc, trên hai bàn tay trắng…”
             Từ những lời thủ thỉ như khúc dạo đầu của dòng tâm tư nhân vật, câu chuyện lần lượt mở ra. Vì người trần thuật là một nhân vật trong câu chuyện nên lời kể mang điểm nhìn của nhân vật và thấm đượm nội dung tình cảm, thái độ ứng xử  của nhân vật trước hiện tượng đời sống. Bản thân chịu đựng quá nhiều nỗi đau thương trong cuộc đời nên giọng điệu kể chuyện của nhân vật không hề bình thản mà chứa chất trong đó là nỗi buồn thương thấm thía trong lời kể về chính cuộc đời và những người thân của mình:
“ Tôi chào đời vào một buổi chiều tàn, mà buổi chiều nào mà không buồn, nó là lúc chết của một ngày, còn sáng hôm sau là một ngày khác, cũng ngắn ngủi như ngày hôm qua…”
Từ lúc ra đời, cái sinh linh nhỏ bé ấy cứ thế lớn lên và đã cùng với gia đình tha phương cầu thực: “ Cha mẹ tôi cứ mãi lang thang, chúng tôi không có tương lai, sống rày đây mai đó, biết khi nào có một mái nhà, được về nhà”.
“ Thời thơ ấu của tôi, của anh em tôi cứ vậy, chầm chậm trôi theo những dòng sông vui buồn, trong cơ khổ đói khát, với hoàn cảnh riêng biệt không giống ai…”
Cuộc sống gia đình như thế đã để lại trong mỗi đứa con những bi kịch và nỗi đau riêng suốt từ lúc trí óc non nớt đến cả lúc trưởng thành. Có ai biết rằng chính cuộc sống mưu sinh đó đã có khả năng tàn phá con người, khiến họ phải chịu đựng những nỗi khổ tâm không phút nào nguôi trong lòng?
 Người anh hai trong con mắt đứa em trai dị tật đẹp như “một vị hoàng tử” nhưng cũng phải chịu cảnh đói khổ cùng cực như mọi người. Người anh điển trai này phải làm trò mua vui khán giả bằng màn phóng dao đầy tài hoa. Công việc của anh hai hàng đêm là phải phóng những lưỡi dao bén ngót về phía tấm ván mà ở đó có đứa em gái của mình đang đứng. Do công việc quá nguy hiểm, anh phải tuân thủ một kỷ luật của riêng mình, một kỷ luật quá nghiêm nhặt để phải thật tỉnh táo khi đối diện với nó. Và điều tối kỵ đối với anh là không được mất tập trung dù chỉ là một phút. Có lẽ vì vậy mà bề ngoài anh có vẻ lạnh lùng, trầm tĩnh, ít nói, có thể anh khổ tâm nhưng phải cố chịu đựng và “quen chịu đựng… khi nhìn thấy nỗi khổ của người khác”.  Anh luôn bị ức chế vì một điều gì đó và chỉ khi phóng một lưỡi dao, anh mới thoát khỏi ức chế. Do đó anh dường như không có cả quyền để mơ mộng. Thật không có gì tội nghiệp hơn  khi  anh không thể tìm kiếm cho mình một giấc mơ giữa cuộc đời quá nhiều cay đắng: “Anh nghèo tới nỗi không có được một góc tư giấc mơ, người nào mà không có một ít mơ mộng dù cho hão huyền, để tự an ủi mình, nó như cái bánh ngọt ngào trong cõi đời quá đắng…”. Câu hỏi của anh đối với em trai của mình thật lạ mà cũng biết bao xót xa thương cảm: “ Làm cách nào mà người ta tìm được một vài giấc chiêm bao?”.  Không được quyền mơ mộng nhưng khi tìm được một tình yêu riêng tư thì đó cũng là lúc bi kịch bắt đầu với anh. Đau buồn vì biết được gia đình Phương, người anh yêu, bắt cô về nhà để lấy chồng, anh đã phân tâm khi phóng dao. Và lần phân tâm duy nhất trong cuộc đời lãng tử phóng dao đã dẫn anh đến việc vô tình sát thương em gái. Điều ấy đã để lại cho anh niềm ray rứt suốt đời khôn nguôi.
Bi kịch không chỉ đến với người anh hai mà còn đến cả cô đào phóng dao, cô em gái đáng thương, hiện thân cho số phận những con người hàng ngày phải đem thân mình để làm vật hy sinh, hứng chịu những mũi dao oan nghiệt, luôn luôn phải đối diện với nguy hiểm. Cô bé tội nghiệp vì cuộc mưu sinh của gia đình, ngay từ nhỏ đã đứng trước tấm ván cho tới khi đã qua hết thời con gái. Cô đã trở thành một cô đào cho một màn biểu diễn nguy hiểm đến tính mạng do chính anh hai thực hiện. Cuối cùng cô đã bị lưỡi dao oan nghiệt chém vào sau gáy, nơi chứa nhiều ký ức, nhiều suy nghĩ nhất nên về già những ký ức đó khi còn khi mất, phải sống cô đơn với bộ não trẻ con. Viết về bi kịch của đứa em gái tội nghiệp, giọng điệu kể chuyện tràn đầy lòng thương cảm. Thường xuyên đứng trước nguy hiểm, cô gái cũng biết sợ nhưng không ai có thể thay đổi vị trí – như đang chờ đợi tử hình - của cô hàng đêm dưới ánh đèn sân khấu. Mọi chuyện rồi cũng sẽ trở thành thói quen, chỉ có người trong cuộc mới hiểu thấu nỗi khổ, nỗi lo sợ hàng đêm của mình mỗi lần tới màn biểu diễn phóng dao. Thường xuyên đứng trước nguy hiểm, nên hình thể cô bé “ khô cằn, không  ra dáng thiếu nữ, ở tuổi mười bốn, mười lăm, những đứa con gái khác đã trổ mã nhưng nó vẫn như đứa trẻ con, lại có vẻ “già” trước tuổi”. Công việc đã làm cho cô gái chỉ có đôi mắt là cử động như đang trông chừng những lưỡi dao xé gió lướt về mình, còn toàn thân thì bất động. Sau đêm diễn kinh hoàng, cô gái đã trúng lưỡi dao oan nghiệt của anh trai, người kể đã không khỏi ngậm ngùi khi thấy em mình về già trông giống như “ một đứa già cỗi suy dinh dưỡng, héo hắt, gầy nhom” và đặc biệt là vẫn có bản năng né tránh mũi dao tưởng tượng có thể hướng về mình:
“ Bà chợt ngã người như né tránh những lưỡi dao từ cõi xa xăm nào đó bay trở lại sáng lập lòe như những con đom đóm trong mắt bà. Tai bà nghe tiếng rè, tiếng kèn văng vẳng. Bà Tư run rẩy đưa hai bàn tay ốm nhom đầy gân xương tới đàng trước. Như là bà xua đuổi những lưỡi dao. Ông Ba cầm bàn tay em của ông, nó lạnh như một xác chết”
Nỗi lo sợ hàng ngày đã làm nên những thói quen trong sinh hoạt của cô khiến cô gái lúc nào cũng ngồi trong bóng tối với xâu chuỗi cầu kinh. Có lẽ chỉ người anh ba với trái tim quá nhạy cảm mới hiểu rõ nỗi đau của cô nào phải chỉ là chuyện sát thương da thịt? Đó là nỗi đau lớn hơn nhiều, nỗi đau trong tâm hồn, với câu hỏi mãi mãi nằm sâu trong cõi im lặng mà nhiều lần muốn hỏi nhưng cô đã không dám hỏi mẹ: “ Sao em là con gái của Mẹ mà Mẹ không nói một lời với Cha đừng để con mình đứng trước tấm ván phóng dao, em không hiểu?”.
            Giọng điệu buồn thương của câu chuyện thấm đượm trong lời kể của người trần thuật xưng “tôi” và trong những xúc cảm, suy tư chân thành của anh. Đó là một trong “bộ ba bi kịch” có cái kết thúc đáng buồn. Anh Ba, một người thường được người khác gọi là “người cõi trên”, còn mình thì tự nhận là một con người “dị tật có một trái tim quá lớn” lúc nào cũng suy tư, cô đơn và trăn trở với câu hỏi lớn lao“ tại sao” khi cuộc sống xung quanh luôn có bao điều khiến anh suy tư và mơ ước. Trong anh luôn khắc khoải bởi những câu hỏi mà anh biết rằng chính anh cũng không trả lời được. Trong lòng anh hằn sâu một nỗi khổ, không phải khổ vì nghèo đói mà khổ vì trái tim luôn thổn thức trước những nỗi đau của cuộc đời:
“ Còn tôi là ai? Từ trước khi tôi là một phôi thai chung dòng sữa Mẹ với anh, chúng tôi không biết nhau trước nhưng bây giờ vị Hoàng tử là anh ruột của tôi, tội nghiệp là anh cũng đói khổ cùng cực như mọi người… Trong cuộc sống trôi giạt, giả thật, qua nhiều năm tháng, điều tôi khổ nhứt là trái tim quá đỗi nhạy cảm của tôi, nó thổn thức từ khi tôi chưa đủ hình hài, trôi theo tôi sau chiếc ghe hát, trên những dòng sông là tấm ván phóng dao đầy thương tích như nỗi đau của kiếp người”
Nếu người anh trai tài hoa nghèo đến nỗi không có cả giấc mơ thì người anh Ba này chỉ có tấm ván dày cộm như tấm hòm dưới lưng là bạn.  Cứ mỗi lần nằm trên tấm ván lưu động ở mọi nẻo đường mưu sinh, anh đã xem đó là chiếc giường “sang trọng” nhất. Trên chiếc giường đó chưa hề có được một cái gối, chỉ gác đầu lên khuỷu tay rồi mơ ước, những ước mơ hết sức tội nghiệp:
“ Tôi mơ nhiều nhất là được tới trường học, mà suốt cuộc đời trôi sông lạc chợ của tôi, tôi thường thấy ở nhiều thị trấn hay những làng quê, đó là ngôi trường làng với tiếng trống thôi thúc vui tai. Một mảnh sân chơi dưới tàn cây bàng lớn, tấm bảng đen trên tường. Tôi luôn thấy tôi ngồi cạnh nhiều đứa bạn…tưởng tượng, ê a tập đánh vần”.
  Có lẽ vì khát khao được học nên trong giấc mơ của nhân vật này “chỉ có chữ” và anh đã “ khát chữ đến điên cuồng”. Vậy mà nhân vật chỉ được học trong… giấc mơ. Trong những giấc mơ hết sức là nhân bản đó, anh đã thuộc và viết rất nhiều chữ dù trong thực tế anh không được học một chữ nào. Nhưng có lúc nào anh có được một giấc mơ trọn vẹn? Khi giấc mơ đang ở đoạn đẹp nhất thì anh đã bị đánh thức bởi bà hàng thịt, vì lẽ anh đã gác cái tấm ván lên sạp của bà để ngủ. Anh ngơ ngác nhận ra rằng tất cả chỉ là hư không “Một cõi thiên đường trong mơ đã mất, trường học của tôi đâu mà tôi còn lẩm bẩm đánh vần? Tôi cố nhớ lại những dòng chữ đã học. Nó nhạt nhòa trong nắng đỏ mưa dầm của những chuyến đi dài thăm thẳm. Ngôi trường thân yêu của tôi, cây bàng, tiếng trống, bạn bè, chỉ là trong hư không”
Suốt cuộc đời thơ bé đến lúc trưởng thành, anh Ba gắn liền với tấm ván. Nó là bạn, là chiếc giường ngủ, nó còn là món nợ đời. Nó đem đến cho anh những giây phút êm đềm khi thả nó xuống nước tập bơi. Nó cũng đem đến cho anh những giấc mơ đẹp được đến trường khi anh  ngả lưng xuống nó trong những đêm lạnh. Nhưng nó còn là nỗi ám ảnh triền miên trong anh. Lưng anh như gù đi vì luôn luôn phải vác món nợ truyền kiếp này đến mức anh không lớn nổi dù năm tháng có đi qua. Anh sợ nhất là khi hàng đêm phải đứng sau nó vịn cho anh trai phóng những lưỡi dao sáng loáng về phía đứa em gái tội nghiệp. Cũng như em gái, lúc nào anh cũng có những hành động bản năng như muốn đỡ những lưỡi dao vô hình nào đó đang hướng về phía mình. Thương em gái, nhiều lần anh muốn nói với cha cái điều anh luôn chất chứa trong lòng như một ám ảnh triền miên về bi kịch đau thương có thể sẽ xảy ra và muốn khuyên cha bỏ nghề. Nhưng anh đã không nói được điều ấy để rồi cứ hàng đêm phải chứng kiến cảnh những lưỡi dao nguy hiểm phóng về phía em gái trong nỗi đau xót đứt ruột của chính mình và cả trong những dằn vặt đau thương: “ Giờ đây tôi đã biến thành kẻ lưu đày u tối, trong tiềm thức, tâm linh tôi như sương khói, nó cho thấy tôi là kẻ tội đồ, một kẻ thủ ác”.Cứ mỗi lần nhìn tấm ván phóng dao, đứng vịn nó hàng đêm trong màn biểu diễn của người anh, anh đều cảm nhận dường như nó cũng mang đầy thương tích như nỗi đau của con người, nỗi đau cứ trở đi trở lại trong suốt cuộc đời của anh. Những câu hỏi “tại sao” cứ lặp đi lặp lại như những lời tự vấn đau thương và cuối cùng lắng đọng lại thành những suy tư day dứt về thói vô tâm của người đời. Người ta hoàn toàn có thể kéo khách bằng màn phóng dao nguy hiểm để đảm bảo sự sống cho nhiều người bất chấp nguy hiểm có thể đến với cô em gái. Nhưng biết làm sao được khi “ Chỗ của em tôi quan trọng cho sự sống còn của nhiều cái bao tử, hoàn toàn vì mục đích kiếm tiền, không có gì thay đổi cho được”. Nhân vật nhận ra rằng “Sự vô tâm bàng quan ẩn náu trong từng con người như một con vi trùng, hay con rắn nằm êm dưới lớp lá mục  và đôi khi sự vô tâm ấy có thể thỏa hiệp với cái xấu, cái ác để dẫn con người yếu thế đến bi kịch. Chen lẫn vào giọng văn đầy xót xa day dứt, có thể cảm nhận được âm hưởng trầm buồn,  trĩu nặng suy tư, day dứt về kiếp người nghèo.
Lấy cảm hứng từ nỗi đau của thân phận con người nên có thể thấy toàn bộ câu chuyện được kể với một âm hưởng chung thấm thía nỗi xót xa thương cảm. Đó là âm hưởng của tiếng chuông buồn rưng rưng, cứ rủ rỉ ngân nga trong từng lời kể của người trần thuật, chen vào giữa cảm xúc của nhân vật anh Ba và thấm thía vào cả những lời độc thoại của cô em gái cô đơn khi về già chỉ biết tự tình với với chiếc lá, với con mèo già thật là già:
“…Mỗi ngày em ăn nửa chén cơm với miếng dưa chuột, trái chuối hay cọng rau, tới bây giờ em vẫn không hiểu, sao em là con gái của Mẹ, mà Mẹ không nói một lời với Cha đừng để con mình đứng trước tấm ván phóng dao? Nỗi đau của riêng em không còn là chuyện sát thương da thịt, nỗi đau lớn hơn nhiều, nó ở đâu nơi sâu thẳm như những hạt cát tội nghiệp dưới lòng biển, nơi mà ngàn năm trước triệu năm sau, có khi nào ánh mặt trời soi rọi tới, nó là một cõi im lặng, trầm ngâm vĩnh hằng…”
            Gấp lại quyển sách Tấm ván phóng dao, người đọc không tránh khỏi cảm giác băn khoăn, thương cảm. Một câu chuyện thật cảm động về kiếp nhân sinh đầy đau khổ của con người Nam Bộ ở một giai đoạn đã qua, trong cuộc mưu sinh để tồn tại. Dường như đó không còn là câu chuyện của một gia đình mà đã mang bóng dáng của cuộc đời mỗi thời. Có thể đây chưa phải là tác phẩm đủ sức tạo nên một “sự kiện lớn” nhưng có thể nói rằng tác phẩm đã thành công vì đã thật sự làm xúc động lòng người bởi giá trị nhân văn của nó. Nếu không được viết ra bằng tâm hồn nhạy cảm, tấm lòng tràn đầy nhân tình thì có lẽ tác phẩm không làm người đọc xúc động như thế. Nghĩ về cuốn sách, liên tưởng đến những gì đã đọc, tôi ngỡ rằng nhà văn đã vắt đến tận cùng những cảm xúc sâu xa trong tâm hồn của mình để phả vào cuốn sách niềm rưng rưng thương cảm cho số phận của con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giữ trên môi nụ cười" - Tuyển tập 40 ca khúc đậm chất trữ tình

"Giữ trên môi nụ cười" - Tuyển tập 40 ca khúc đậm chất trữ tình Nhân đọc tập nhạc Giữ trên môi nụ cười của Cung Minh Huân, Nhà x...