THÁC BẢN GIỐC – ĐỘNG NGƯỜM NGAO
Về Cao Bằng, khi ngỏ ý muốn đi xem một thắng cảnh sẽ
được giới thiệu ngay: thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao. Hai nơi này gần nhau và
cùng trong huyện Trùng Khánh.
Thác Bản Giốc cách thị xã Cao Bằng
91km, muốn đến đây phải theo ĐT 206 qua huyện Hòa An (thị xã Cao Bằng nằm giữa
lòng huyện này), một đoạn ngắn của huyện Trà Lĩnh rồi huyện Quảng Uyên.
Phong cảnh ven đường thật thú vị. Ở đoạn khởi đầu, theo tầm mắt
bên phải ta nhìn thấy một nhánh của sông Bằng Giang uốn lượn quanh co, khi ẩn
khi hiện thấp thoáng dưới tàn cây, những ô ruộng bắp trong thung lũng đều đặn
xanh mướt. Bên kia sông, một con đường nhỏ màu đỏ, trông xa cũng biết được rất
dẽ, rất tốt. Đường vắng, không một bóng người. Khắp nơi những đỉnh núi nhọn như
thi nhau vươn lên trời cao. Vì vậy núi không có chân rộng, không có sườn dốc
thoai thoải. Có thể tưởng tượng đó là những người lính với tư thế nghiêm sắp
thành hàng ngũ sẵn sàng hi sinh để bảo vệ Tổ quốc. Trên một ngọn đèo cuộn khói
trắng đặc sánh bay lên, ai đó đốt lửa dưới hố sâu. Núi cứ như thế, hình dáng
giống nhau, màu sắc giống nhau, ruộng nương thì có phần khác, chỗ này ngổn
ngang nhiều khối đá đen tựa một bầy trâu thả rong, chỗ kia những đám tam giác
mạch nở hoa trắng đục. Sông suối rất nhiều, liên tiếp những nhịp cầu. Vào huyện
Trùng Khánh, qua cầu sông Bắc Vọng lại có một đoạn đường và sông quấn quít. Cứ
nghĩ là đang đi giữa non nước hữu tình. Ngày xưa, khi giao thông chưa thuận
tiện lắm chắc tha hồ băng sông lội suối.
Nhớ lại trong bài Kiếp đời luân lưu của nước tôi
đọc năm 1946 có đoạn tả cảnh vùng cao, thấy thích hơn đi trên xe:
Có khi lội suối thong dong
Mấy cô Mường Thổ má hồng thắm son
Miệng huê kể chuyện tươi giòn
Tay ngà xách giỏ măng non về nhà
Mấy cô Mường Thổ má hồng thắm son
Miệng huê kể chuyện tươi giòn
Tay ngà xách giỏ măng non về nhà
Thác Bản Giốc trên sông Quây Sơn
thuộc xã Đàm Thủy, cách thị trấn Trùng Khánh 26km. Từ trên đường cao xe quành
xuống bãi đất rộng. Tiếc rằng cỏ chẳng xanh mấy, những nếp quán lộn xộn, chỗ
này lều bạt che phủ, chỗ kia rác vứt bừa bãi, thiếu đi sự trật tự ngăn nắp mà
cũng không giữ được nguyên cảnh thiên nhiên. Mấy nhịp cầu gỗ đơn sơ chệch choạc
trông cũng hay hay nhưng khách vừa đi qua có người chạy đến hỏi tiền! Mấy chiếc
bè tre thì có vẻ rệu rã, không dám bước mạnh lên sợ xảy ra tai nạn. Con sông
Quây Sơn vẫn bình thản, êm đềm, lặng lẽ trôi xuôi, lòng mở rộng, nước xanh màu
ngọc, coi như bỏ mặc sự đời, không bận tâm gì hết! Bờ bên kia, nay là đất Trung
Quốc, sát triền núi, cây rừng cao, và nơi trảng rộng những ngôi nhà tầng màu
mái đỏ tươi.
Thác Bản Giốc đang ở trước mặt. Ta
quay ra sông thì thác nằm phía tay trái. Đọc trong tư liệu hướng dẫn thấy ghi
thác dài 300m, cao 53m. Nguồn nước đổ xuống, do những gành đá và chòm cây ngăn
cách tạo ra hai tầng thác với nhiều thác nhỏ, màu nước trắng và màu cây xanh xen
kẽ nhau. Thác Bản Giốc ở giữa núi cao, tiếp theo là sông dài, đất rộng, bên
trên không có gì che chắn, thấy cả bầu trời mênh mông, nên có vẻ đẹp hùng vĩ,
dễ chiếm được cảm tình của người vãn cảnh. Thêm vào đó, nó là chứng nhân thời
sự, là đề tài để chuyện trò bàn tán. Nếu đem so sánh với Thác Khói (Drei Sap) ở
Đắk Lắk thì Bản Giốc không hoành tráng bằng bởi kém độ dài, cũng không thơ mộng
bằng vì ở Drei Sap bụi nước tung lên làm cho cả núi rừng mờ ảo như chìm trong
sương khói và suốt ngày đêm vang lên tiếng vọng chỉ vừa đủ nghe, nửa như gần
gũi, nửa như xa vắng.
Cách thác Bản Giốc không xa có động Ngườm Ngao. Ngườmlà
hang, ngaolà cọp, có lẽ ở đây ngày xưa là hang cọp, hoặc ít nhất nó
được phong tặng danh hiệu ấy. Ngườm Ngao thuộc Bản Gun cùng xã Đàm Thủy. Dừng
lại ở bãi đỗ xe, qua một đoạn dốc đã được xây bậc cấp, một thung lũng nhỏ ruộng
lúa rất tốt, thấy sừng sững ngay trước mặt một quả núi hình thang cao, hai bề
đáy ngắn, trên đỉnh bằng phẳng, triền dựng đứng. Tôi vốn chịu ảnh hưởng các
truyện đường rừng trước 1945 của Thế Lữ, Lan Khai, Đái Đức Tuấn nên chợt liên
tưởng tới núi Văn Dú trong Vàng và Máu. Rồi tư duy bỗng nhảy cóc về
Tây Nguyên, nghĩ đến mái nhà rông của đồng bào sắc tộc Ba-Na ở Kon Tum.
Cửa vào dưới chân núi, gọi là Ngườm Luồm, có nghĩa là hang
gió, bước xuống đây đã nghe gió se se lạnh. Người hướng dẫn cho biết, theo
số liệu của đội khảo sát Hoàng gia Anh năm 1995 thì tất cả ngườm dài
2.144m, có 3 cửa chính. Chúng tôi đi theo một lối ghi ở bảng là 1.800m, quanh
co, lên xuống, dưới chân nhiều đoạn ẩm ướt, có đoạn trên đá hằn những vệt gờ
uốn lượn nhịp nhàng như nếp sóng ước lệ vẽ trong tranh cổ, có chỗ rộng như một
gian phòng, ngó lên trật ót, có chỗ hẹp phải lách mình từng người một bước qua,
hoặc thấp phải khom lưng cúi đầu. Tôi thường nhớ bâng quơ, lúc này nhớ câu đối
ở cổng nhà kia, cổng thấp lắm nên chủ nhân ghi: Đại nhân cúc cung nhi
nhập. Tiểu nhân tự tiện nhi hành (Người lớn cúi xuống mà
vào, người nhỏ tự tiện mà đi). Cả đoàn chúng tôi, đại nhân và tiểu nhân đều
phải cúc cung cả. Thạch nhũ trong hang đủ hình dáng và nhiều màu sắc. Màu hỏa
hoàng, màu vàng đất, pha thêm các màu xanh, đen, trắng, cam. Có khối trông
giống tượng Đức Phật Di Lặc. Có khối hình hoa sen, chiếc nấm, con lạc đà, con
sư tử, tha hồ cho người xem tưởng tượng và tha hồ cho người hướng dẫn bảo rằng
đây là trụ vàng, đây là trụ bạc, chỗ này các nàng tiên tắm gội, chỗ này các ông
tiên câu cá. Thiết tưởng trước mỗi thắng cảnh người hướng dẫn bớt “phịa chuyện”
và nên giải thích sơ qua chút ít về cách cấu tạo, địa chất v.v… thì hay hơn.
Thời nay, ai hơi đâu nghe cổ tích, nhất là biết rằng cổ tích… “phịa”. Cổ tích
phải kể bên bếp lửa hồng thơ ấu, ai lại đi kể cho những kẻ đã lăn lộn từng trải
chợ đời.
Nơi cửa ra có một bia khắc ngay trên mặt đá, bên trái hướng đi
ra. Vẫn theo người hướng dẫn thì năm 1921 có một đoàn gồm ông quan ba người
Pháp, hai ông quan người Việt và tùy tùng đã thám sát Ngườm Ngao, khắc bia để
lại. Chữ trên bia đã mòn hết, không đọc được nữa, phần trên lờ mờ 2 chữ Pháp “capitaine”
– “armée”, phần dưới rõ hơn một chút hai dòng quốc ngữ, tên người: VI
VĂN ĐỊNH – HOÀNG HUY GIAO. Tổng đốc Vi Văn Định thì ai cũng biết, còn Hoàng Huy
Giao chưa biết là ai.
Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao là
thắng cảnh thiên nhiên ở cực đông bắc của đất nước. Đi được đến đây thiết
tưởng cũng bõ công lặn lội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét