Từ đây người biết thương người
Cuối năm 2012 nhận được một món quà đặc biệt từ
cô ca sĩ thần tượng Nguyên Thảo, bài "Mùa Xuân Đầu Tiên" của Văn Cao do cô trình bày theo kiểu jazz. Mấy
ngày liền, ra đường thì tôi để iPhone lập đi lập lại, về nhà thì để iTunes lập
lại lập đi mỗi một bài này. Bài nhạc không được nghe nhiều so với những tuyệt
tác của Văn Cao viết trước 1954, nhưng sao nghe cô Nguyên Thảo ca vẫn thấy có
điều gì đó thu hút mình nghe lại một lần nữa, một lần nữa ...
Có lẽ nhiều người cũng biết Nguyên Thảo thích
nghe nhạc jazz và hát
nhạc jazz rất hay - như
nhạc sĩ Dương Thụ có lần nói Nguyên Thảo là Norah Jones của Việt Nam! Tôi giới
thiệu bài này tới bạn bè, có người mê tít thò lò, nhưng có người không thích. Tôi đoán là đám đông
cũng vậy, sẽ có người thích có người không. Thích thì có thể vì là thích nhạc jazz hay vì là fan của Nguyên Thảo (nghĩa là cô hát gì nghe cũng thấy
hay). Còn không thích thì có thể vì không thích nhạc jazz, hay là đã quen với Mùa Xuân Đầu Tiên ca theo thể cách bình thường, một bài nhạc xuân
điệu valse vui vẻ ...
Mùa Xuân Đầu Tiên là tác phẩm sau
cùng của Văn Cao, và là nhạc phẩm đầu tiên (và duy nhất) kể từ những ngày Nhân
Văn Giai Phẩm. Theo như kiểu nói của các văn công trong nước thì sự nghiệp của
Văn Cao có thể chia làm ba khúc. Khúc đầu là 27 tác phẩm viết trước 1954, khúc
giữa không có gì hết, và khúc cuối (sau 1975) thì chỉ có mỗi một bài Mùa
Xuân Đầu Tiên. Văn Cao khởi viết Mùa
Xuân Đầu Tiên cuối tháng 12-1975, hoàn
thành trong dịp tết Bính Thìn năm 1976 . Bài nhạc được báo "Sài Gòn
giải phóng" in trước tết Bính Thìn: 01-01-1976, được hát trên Đài Tiếng
nói Việt Nam mấy lần liền, nhưng sau bị cấm phổ biến cho mãi tới 1991 mới
được công diễn trở lại trong một cuốn phim tài liệu về Văn Cao.
Trước Nguyên Thảo vài ca sĩ đã trình bày Mùa
Xuân Đầu Tiên như là Thanh Thúy, Ánh
Tuyết, Duy Quang, Tam ca 3 Thế Hệ, nhóm 5 Dòng Kẻ ... Tất cả đều cố
gắng thể hiện Mùa Xuân Đầu Tiên như một bài nhạc xuân, người này hay hơn hay
khác hơn người khác một chút nhưng nghe kĩ thì vẫn không ra một bài nhạc xuân
hoàn toàn, nghĩa là điệu valse vui vẻ hân hoan hồ hởi phấn khởi mừng xuân vân vân và vân vân, nhưng sao
nghe vẫn có chút gì đó gượng gạo, không hoàn toàn không trọn vẹn.
Tôi đoán là bài Mùa Xuân Đầu Tiên có lẽ không hẳn là một bài nhạc xuân vui như nhiều bài
nhạc xuân khác. Có thể Văn Cao muốn mượn bài hát này bộc lộ cái tâm sự của ông
lâu nay. Tâm sự của ông thì chỉ có ông mới biết. Nhưng thực tế lúc đó ông sống
chắc không khác gì so mới mười mấy hai chục năm qua. Nhạc và thơ của
ông (cũng như thơ của Hữu Loan, Hoàng Cầm, Phùng Quán ...) vẫn bị cấm - ngoại
trừ bài Tiến Quân Ca, không
phải chỉ miền Bắc mà nay còn tệ hơn nữa là cả trong Nam luôn. Cho mãi tới thời
"đổi mới" thập niên 1990.
Mới nghe thì về âm nhạc bài Mùa
Xuân Đầu Tiên không
"grandeur" như những tuyệt tác Thiên Thai, Trương Chi hay Trường Ca Sông Lô. Nhưng lời ca thì như một bài thơ.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông,
Gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh,
Giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người .
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông,
Gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
Văn Cao dùng hình tượng "én về" để nhấn mạnh mùa xuân. Hình ảnh "mẹ
nhìn đàn con nay đã về" hay "Nước
mắt trên vai anh" làm người nghe nghĩ
tới "ngày trở về" của những người lính chiến. Văn Cao cũng dùng hình
ảnh "khói bay trên sông"
hay "Gà đang gáy trưa bên sông"
để nói về hòa bình tuy nhiên nghe sao thảm não quá. Văn Cao lập đi lập lại hai
chữ "đầu tiên", làm như
lâu nay ông không có mùa xuân vậy. Và "Mùa xuân mơ ước ấy xưa có
về đâu" ? Nhưng lạ nhất có lẽ là
hai câu:
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người .
Chẳng lẽ ý ông muốn nói là lâu nay "người" không thương "người" sao?
Cách hát kiểu jazz của Nguyên Thảo có lẽ vô tình đã "giả
mã" cái tâm sự của Văn Cao khi viết bàiMùa Xuân Đầu Tiên. Bài hát về một mùa xuân dù vui, những nỗi niềm ẩn
uất trong quá khứ vẫn còn đó, những tiếc nuối vễ những giấc mơ xưa không thành,
những mất mát không bao giờ có lại được, những nghi ngại trong hiện tại và
những âu lo về tương lai. Các bạn thử nghe cô Nguyên Thảo ca và bỏ thêm hai dấu
hỏi vô cuối hai câu này xem sao:
Từ đây người biết thương người ?
Từ đây người biết yêu người ?
Đối với những ca sĩ trẻ ở Việt Nam bây giờ tìm
một hướng đi đúng đắn cho mình không dễ dàng gì.
Những Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam ... vẫn cứ
lẩn quẩn với những bản nhạc cũ (Phạm Duy, Trịnh Công Sơn ...) và không cũ mấy
(Dương Thụ, Phú Quang ...) trong những liveshow để kiếm tiền trước khi giọng ca
xuống dốc theo tuổi tác. Tùng Dương có lẽ là giọng ca nam sáng giá nhất ở Việt
nam bây giờ. Anh đã thành danh với phong ách ma mị phiêu diêu, "lên
đồng" trên sân khấu nhưng không thể chỉ hát tới hát lui mãi mấy bài Chiếc
Khăn Piêu, Quê Nhà, Mưa Bay Tháp Cổ ...
nên mới đây đã "thỏa hiệp", chịu hát nhạc của dòng "nhạc
xưa" như Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn để bán vé cho mấy
live show của anh! Có thể là dòng "nhạc xưa" vẫn cứ ăn khách,
nhưng có thể là vì không có một dòng "nhạc nay" để mà lấp cho đầy cái
khoảng trống âm nhạc hiện tại. Cho nên nhạc tây nhạc Tàu nhạc Hàn nhạc Thái
chen vào là vậy.
Vì sao lại có cái khoảng trống trong âm nhạc
Việt Nam hiên đại như vậy ? Câu trả lời không đơn giản và không nằm trong phạm
trù bài viết này. Nhưng cứ tưởng tượng giá như mà Văn Cao cũng vào Nam
như Phạm Duy, và được tự do sáng tác như Phạm Duy thì có lẽ nhạc Văn Cao sẽ
không chỉ có "khúc đầu" với Tiến Quân Ca 27 ca khúc khác như Thiên thai, Trương
Chi, Suối Mơ… và kết thúc ở mỗi một Mùa
Xuân Đầu Tiên mà có thể cả ngàn (1000)
ca khúc như Phạm Duy hay năm sáu trăm (500-600) bài như Trịnh Công Sơn vậy!
Mới đây Nguyên Thảo than thở là "Tìm
ra con đường đã khó ...", có lẽ cô
vẫn còn đang tìm kiếm và chưa dừng chân ở một dòng nhạc nào hẳn. Không ai muốn
mang tiếng chỉ là ca sĩ của dòng "nhạc xưa" (trừ Quang Dũng và những
ai muốn nối gót Chế Linh!), nhưng trong vài năm qua Nguyên Thảo đã chứng tỏ cô
là một trong vài ca sĩ hát nhạc Phạm Duy hay nhất của thế hệ của cô. Từ Thu
Cạn (của Giáng Son) cho tới Mùa
Xuân Đầu Tiên của Văn Cao, Nguyên Thảo
đã cho thấy là cô có đủ kỹ thuật lẫn làn hơi để hát nhạc jazz, và có lẽ là một trong vài ca sĩ Việt Nam hát jazz/blues hay nhất bây giờ (có thể kể thêm một vài tên như Trần
Thu Hà, Ánh Tuyết, Trần Thái Hòa). Nhạc jazz Việt Nam không bao nhiêu, người nghe chắc cũng không
nhiều, tuy nhiên mong là Nguyên Thảo sẽ có điều kiện để phát triển thêm về dòng
nhạc này, để trở thành một Norah Jones thật sự của âm nhạc Việt Nam, không chỉ
trong giọng hát mà còn sản phẩm âm nhạc nữa.
Nguyễn Sĩ Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét