Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Từ Sông Hương đến "Thiên Thai"

Từ Sông Hương đến "Thiên Thai"

NGUYỄN THỤY KHA
Có thể nhận ra sự giao hòa giữa nhiều chiều cảm xúc trong quá trình thai nghén bài hát "Thiên Thai". Song có lẽ cái lớn nhất, cái bao trùm, cái gốc để tỏa ra sự tràn trề giai điệu của bài hát này chính là sự phản ảnh có thực của một dòng sông nào đó.
Nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh: internet
Một người bạn cả quyết với tôi: "Giai điệu đẹp mênh mang như thế chỉ có thể đi tả một dòng sông thơ mộng như sông Hương mà thôi ". Tôi hơi nghi ngờ vì bạn là người Huế. Nhưng trong trường hợp này, linh cảm của người bạn là chính xác. Chính sông Hương là nơi bắt nguồn cho bài hát "Thiên Thai" của Văn Cao.
Văn Cao đến sông Hương mùa đông 1940. Thời kỳ ấy, nỗi khắc khoải về cuộc sống, về tình yêu của lứa tuổi mình trong cái thời mà sự sống con người bị thảm họa phát xít, các thế lực thực dân đe dọa hết sức nặng nề. Giống như nhà văn cùng tuổi người Tiệp Khắc - Jan Ôt-Sênasêch đã viết về tình yêu của lứa tuổi này trong những năm tháng ấy qua truyện "Rômêô, Juyliet, và bóng tối" Văn Cao đi tìm lối giải thoát cho những khắc khoải ấy qua âm nhạc. Có lẽ thế cho nên sông Hương - nơi sinh ra nền âm nhạc cổ điển Huế giữa tiếng nước rơi bán âm những mái chèo khuya của những người tài nữ đã âm vọng trong người nhạc sĩ trẻ một nỗi xót xa và cùng dội lên niềm khao khát. Ngay trong những ngày đó, Văn Cao đã viết bài thơ "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" với một tâm trạng phiền muộn già dặn:
Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi
Từng canh trời điểm một sao rơi
Tà tà trăng lặn hiu hiu gió
Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi
Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh

Rời sông Hương vào Sài Gòn, Văn Cao đã tiếp tục cảm hứng bằng bài hát "Trên sông Hương". Bài hát được viết ra vội và rơi nhanh vào quên lãng nhưng sông Hương lúc đó còn lại trong tâm hồn Văn Cao cô đọng một mô típ âm nhạc. Sau một năm trở lại cửa biển Hải Phòng, cùng bạn bè dong thuyền trên sông, nghe khúc Thiên Thai cổ và những đoạn thét nhạc của ca trù, nỗi xót xa và niềm khát khao đã nhận cảm mơ hồ ở sông Hương gặp dịp cất cánh. Bài hát "Thiên Thai" đã ra đời vào cuối năm 1941. Năm ấy, Văn Cao tròn 18 tuổi.
Mang chứa những khắc khoải về cuộc sống về tình yêu của tuổi trẻ trong một hình thức mở rộng của ca khúc, bài hát "Thiên Thai" xây dựng trên cơ sở của những điệu thức thứ, nguyên vẹn là một bài hát trữ tình, dạt dào truyền cảm. Sự biến chuyển tình tiết của huyền thoại cổ về hai chàng Lưu- Nguyễn được kể lể bằng những giai điệu đẹp, liên tục cuộn xiết như một dòng sông âm thanh. Ngay trong đoạn trình bày đầu tiên, Văn Cao đã viết:
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kìa đường lên tiên
Kìa nguồn hương duyên
Theo gió tiếng đàn xao xuyến...

Những hoài tưởng xen lẫn những cảm giác âm thanh gợi ra không khí huyền diệu, trầm lắng của Đường Thi. Nhiều khi trong sóng nhạc ta có cảm giác tác giả đưa đến một tinh cầu bí mật chan hòa ánh sáng, tràn ngập âm thanh:

Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần...
Ở đây, ở chốn tận cùng của niềm khao khát, con người gặp được tình yêu mê đắm của mình. Trong đoạn nhạc phát triển này, người ta nhận ra âm hưởng thét nhạc của ca trù nhằm diễn tả tới mức cao nhất mà lại tế nhị nhất của sự rung động tình yêu rất đạo và rất đời.
Này khúc Bồng Lai
Là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…

Có một số quan niệm cho rằng qua "Thiên Thai", Văn Cao muốn thoát ly cuộc sống đau khổ thực tại. Thái độ đó là thái độ của những kẻ quay lưng với cuộc sống, từ chối cuộc sống thực để vươn tới không tưởng? Nhưng đâu phải "Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ", cái sức sống tự nhiên tỏa ra từ bài hát đã vô thức chỉ ra ước mơ trong sáng của người nhạc sĩ trẻ. Văn Cao ước mơ những khao khát ấy, những tình cảm đẹp ấy phải được thực hiện ngay trên mặt đất này. Đó chính là một phía của hiện thực:
Thiên Thai ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Điều này thật đúng với tiêu chí phấn đấu của loài người hiện nay: "Chủ nghĩa cộng sản là thiên đường của loài người": Hãy tạo ra thiên đường ngay trên hành tinh chúng ta, ngay trong cuộc sống chúng ta. Rõ ràng là 20 năm sau khi bài "Thiên Thai" ra đời, mùa xuân năm 1961, trong cảnh sống thanh bình của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau…
Miền Bắc thiên đường của các con tôi.
Như vậy, ước mơ trong "Thiên Thai" có cơ sở biện chứng của nó. Khúc cuối cùng của bài hát mang tính chất Rông-đô và được chuyển sang giọng trưởng đối nghịch cũng là nhằm nói rõ, nhấn mạnh niềm khao khát thường nhật này:
Giọng hát trầm tiếng ca
Tiếng phách dồn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó
Đến se buồn lòng ta…

Ca khúc vốn là sản phẩm văn hóa của đô thị. Vì thế, chức năng nổi bật của nó là giải trí. Khi ca khúc phương Tây nhập vào Việt Nam những ngày đầu thế kỷ XX, có nhiều phái, nhóm viết ca khúc ở Việt Nam nghiêng về chức năng trên. Nhưng ở Văn Cao mà cụ thể là ở bài hát "Thiên Thai" chức năng giáo dục thẩm mỹ khá rõ rệt. Học Lê Thương ở sự trữ tình mơ mộng, hoặc Hoàng Quý ở sự vui tươi, sống động, tiếp thu tinh hoa của thể loại này, Văn Cao mau chóng phát ngôn nó theo cách của Việt Nam, nồng ấm tinh thần Việt Nam. "Thiên Thai" có thể trùng hợp với tác phẩm của Đờ-buýt-xuy trong mô tả tình yêu, nhưng đó là sự mô tả bằng ngôn ngữ Việt Nam. Trước Văn Cao, những tác giả ca khúc Việt Nam chưa ai tổ chức ca khúc trên một hình thức mở rộng như thế và mang chứa một nội dung như thế. Hình thức đó giúp Văn Cao đủ tự sự tâm trạng mình đến mức cá tính hóa rất cao.

Vì thế, nó lại tạo được độ khái quát lớn. Soi vào cá tính ấy, ai cũng gặp vẻ mặt mình trong đó. Đó cũng chính là lý giải vì sao bài hát này được nhiều người mến mộ. Cấu trúc của "Thiên Thai" báo hiệu những phát triển rực rỡ trong sáng tác của Văn Cao như "Trương Chi", và sau này đỉnh cao là "Trường ca Sông Lô". Ở "Thiên Thai", ngoài việc truyền hơi thở dân tộc, các điệu hát của dân tộc trong tiến hành giai điệu, ta có thể thấy tỉ mỉ hơn trong tiết tấu bóng dáng của rất nhiều tiết tấu phương Tây. Nhưng thật lạ lùng, khi nhập vào thế giới âm thanh của "Thiên Thai", các tiết tấu đó đều được thuần hóa từ trong bản chất để trở thành những bộ phận nhỏ, chuyển hóa nối tiếp nhau sinh động trong tiết tấu nội tâm riêng biệt của Văn Cao, và đặc biệt những giai điệu ấy, những tiết tấu ấy lại được dùng để truyền tải những ca từ thấm đẫm chất thơ. Chúng quyện vào nhau như một làn hương trong vườn nhiều hoa không thể tách được ra và cùng mang đến niềm hưng phấn thực sự trong thưởng thức. "Thiên Thai" đã tạo được tác động kỳ diệu của nghệ thuật, đúng với tinh thần chuộng đẹp của người Việt Nam. Nó ẩn chứa một từ trường bí mật để mọi người luôn luôn phải ngỡ ngàng. Vì thế, nó là một tác phẩm luôn luôn mới.
"Thiên Thai" ra đời và đạt được ngay vị trí vàng son của một ca khúc trữ tình. Lần đầu tiên, "Thiên Thai" được tốp nữ của trường Đồng Khánh Hà Nội (sau đổi là Trưng Vương) biểu diễn ở Nhà Hát Lớn có thêm phần múa phụ họa do nhạc sĩ Văn Chung biên đạo và dàn dựng. Khác với số phận bài "Trên Sông Hương" khi trước, "Thiên Thai" mau chóng lan truyền trong nhân dân cả nước và nhờ bản dịch tiếng Anh của Xuân Oanh, bài hát lan truyền tới nhiều nơi trên hành tinh. Những ngày đầu cách mạng tháng Tám, song song cùng với những hành khúc sôi nổi hào hùng như "Đống Đa", "Thăng Long hành khúc", "Tiến quân ca" v.v... các ca khúc trữ tình như "Suối mơ", "Thiên Thai", "Trương Chi" v.v... đã từ hai phía mà nói lên thành công lớn lao của nhạc sĩ trẻ Văn Cao. Trẻ già trai gái đâu đâu cũng hát tác phẩm của anh. Người ta hát tác phẩm của anh trên đài, ở ngoài đường, ở trong nhà, trong những đám cưới vui vẻ.
Người hát "Thiên Thai" hay nhất là ca sĩ có giọng hát vàng - anh Kim Tiêu. Yêu những tác phẩm của Văn Cao, Kim Tiêu đã tìm cách thể hiện rất đa dạng nhằm chuyển hóa được những cung bậc tự sự trong toàn bộ tác phẩm đến với người nghe. Trong kháng chiến 9 năm. Kim Tiêu đã bị bắt vì hát bài hát cách mạng. Vào tù, anh vẫn hát những bài hát cách mạng. Chính anh đã để lại cho Văn Cao nhiều xúc động và góp phần tạo nên cảm hứng trong bước đường sáng tác âm nhạc của Văn Cao.

Cũng đáng tiếc là do một số ca sĩ thời đó chưa thấu hiểu sâu sắc tác phẩm cũng như tác giả, họ đã "sướt mướt hóa" bài hát trữ tình này theo một "tình cảm ủy mị rẻ tiền" khiến cho bài hát bị nhìn oan như một "tác phẩm vàng vọt" trong khá nhiều năm.
Trong khung cảnh hiện tại, trong sự phát triển mạnh mẽ về văn hóa của đất nước, "Thiên Thai" đã được trả lại vị trí của những bài hát trữ tình mở đầu cho sự phát triển thể loại ca khúc ở Việt Nam trong thế kỷ này. Tháng 10-1983, trong buổi kỷ niệm 60 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao, tại hội trường của Hội nhạc sĩ Việt Nam, bài hát "Thiên Thai" đã được vang lên qua giọng hát của chị Kim Ngọc - và phần đệm piano của ông Đặng Hữu Phúc. Dường như lúc ấy trong hội trường, "không khí được cũ đi một cách dễ chịu". Mọi người đã im lặng thưởng thức lại giai điệu của "Thiên Thai" như gặp lại những niềm khát khao trong sáng của tuổi trẻ.


1 nhận xét:

  1. Từ ngày đó đến này tôi vẫn chỉ khâm phục đúng 1 người đó là ông một nhà thơ tiêu biểu đóng góp cho văn thơ của nước nhà
    .............................
    Mr. Khoa
    Click để xem chi tiết:
    thép hộp mạ kẽm | thép hòa phát

    Trả lờiXóa

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...