Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Chàng Trương Chi của những bản tình ca và hùng ca

Chàng Trương Chi của những bản tình ca và hùng ca
Trịnh Chu
Nhạc sĩ Văn Cao – chàng Trương Chi gõ mạn thuyền mà ca vào một thời lãng mạn xa xưa cũng là một đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam, mà theo lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư…”. Ông cũng là một trong những người đặt nền móng cho nền tân nhạc Việt Nam thế kỷ XX.
Trong giới nghệ thuật của Việt Nam, Văn Cao là một nghệ sĩ hiếm hoi mà bước lãng du ở lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn sâu đậm, từ thơ ca đến nhạc họa. Nhưng ca khúc là lĩnh vực ông thành công hơn cả.
     Người nghệ sĩ đa tài Văn Cao sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại Hải Phòng, sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Người thầy dạy nhạc muốn phát huy năng khiếu thiên bẩm của cậu học trò nhỏ đã gửi Văn Cao vào trường dòng Bonnal để học nhạc. Văn Cao tập sáng tác ca khúc từ đó.
     “Buồn tàn thu”, ca khúc đầu tiên, sáng tác khi ông mới 17 tuổi, với những ca từ rất lãng mạn: “Nhờ bóng chim uyên/ Nhờ gió đưa duyên/ Chim với gió bay về/ Chàng quên hết lời thề…” đã làm chấn động công chúng yêu nghệ thuật ở Hải Phòng và thủ đô Hà Nội. Văn Cao nổi danh từ đó.
Từ hơi hướng nghệ sĩ lãng mạn, với những “Buồn tàn thu”, “Thu cô liêu”… Văn Cao đã nhanh chóng hòa nhập vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Năm 1944, mới 21 tuổi, trong những ngày mới đến với cách mạng, Văn Cao đã viết bài “Tiến quân ca”  được Quốc hội khóa I (năm 1946) công nhận là quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một vinh dự lớn bởi không phải nhạc sĩ nào cũng được dân tộc tôn vinh và lấy một bài hát làm quốc ca. Sau “Tiến quân ca”, một loạt ca khúc cách mạng ra đời: “Công nhân Việt Nam”; “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”; “Tiến về Hà Nội”; “Bắc Sơn” và đặc biệt “Trường ca sông Lô”… là những hùng ca nhưng vẫn mang phong cách thư thái, đỉnh đạc mà dung dị của tâm hồn người Việt Nam.
     Song song với những bản hùng ca, Văn Cao vẫn dành sự ưu ái cho tình ca. Nhiều người vẫn say sưa hát bài “Thiên Thai”: “Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian/ Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn quá một lần/ Đèn soi trăng êm, nhạc lắng tiếng quyên đây đó nỗi lòng mong nhớ/ Này khúc bồng lai là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi/ Đàn xui ai quên lời dương thế/ Đàn non tiêu, đàn khao khát cuộc tình duyên…”. Hay bâng khuâng, mơ mộng với “Trương Chi”: “Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ/ Trầm trầm không gian mới rung thành tơ/ Vương vất heo may hoa bướm mong chờ/ Nghe tiếng cầm ca thu tới bao giờ…”. Rồi lại say đắm, mơ màng cùng “Suối mơ”: “Suối ơi! Ôi nguồn yêu mến/ Còn ghi khi bóng ai tìm đến/ Đàn ai nắn buông lưu luyến/ Suối hát theo đôi chim quyên/ Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối/ Nghe suối róc rách trôi/ Hoa lừng hương gió ngát/ Dàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi…”. Nếu “Buồn tàn thu”, “Thu cô liêu” còn mang hơi hướng lãng mạn thì đến “Thiên Thai”, “Trương Chi”, “Suối mơ”, “Mùa xuân đầu tiên”, “Làng tôi”… Văn Cao đã đổi mới sáng tác, cách tân giai điệu, khúc thức và hướng về âm nhạc dân tộc, thể hiện một bản lĩnh vững vàng, biết kế thừa và phát huy vốn âm nhạc dân tộc.   
     Không những có năng khiếu âm nhạc, Văn Cao còn có năng khiếu hội họa. Văn Cao đã tham gia cuộc triển lãm Salon Unique tại Hà Nội ở Nhà Khai Trí Tiến Đức cùng với các danh họa như Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiến Chung, Lưu Văn Sìn vào năm 1944, với 3 bức sơn dầu “Cô gái dậy thì”; “Thái Hà ấp đêm mưa” và “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử” đã gây sự chú ý cho giới mỹ thuật về bút pháp và màu sắc.
     Nhận xét về hội họa Văn Cao, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân viết: “Ở Văn Cao tiếng vọng hoài niệm như một vẻ đẹp có thẩm mỹ siêu thực, theo tôi là một ẩn hiện di truyền lác đác trong cả cuộc đời nghệ sĩ đẹp đẽ của anh. Nhưng cái nhìn hội họa ở anh có địa vị dẫn đường và chi phối: chính Văn Cao và vài ba người nữa (Bùi Xuân Phái, Sỹ Ngọc, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng…) vào những năm 60 đã mở hướng thẩm mỹ mới cho minh họa và đồ họa. Có thể nói Văn Cao đã lập được một trường phái minh họa vẽ bìa sách. Nhiều minh họa của anh trên báo Văn Nghệ phải gọi là xuất sắc. Nếu âm nhạc, thơ ca là một bản thể tươi tốt của anh, thì hội họa là một tâm thức sâu sắc. Văn Cao có cái nhạy bén về cảm xúc tinh tường trong quan sát”.
 Rồi người nghệ sĩ đa tài trải qua bao thăng trầm cũng đến lúc dừng bước lãng du. Tháng 7 năm 1995, ông đã vĩnh viễn ra đi trong niềm tiếc thương của người yêu nhạc cả nước. Trước sau, ông vẫn là một nhân cách lớn, không a dua, chạy theo thời thế. Trong lời vĩnh biệt người nghệ sĩ đa tài Văn Cao, nhạc sĩ Thế Bảo đã viết: “Thơ với họa đã theo suốt hành trình âm nhạc hơn nửa thế kỷ, vỗ về an ủi ông, chia sẻ những cảm xúc đầy ắp tâm hồn nghệ sĩ mà đôi lúc âm thanh dường như phải nhường bước cho ngôn từ và màu sắc”.
     Văn Cao đã yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng. Mọi vui buồn, được mất của đời nghệ sĩ cũng đã lắng xuống. Ông đã đến với chúng ta, sống giữa chúng ta rồi rời xa chúng ta và để lại những “Buồn tàn thu”; “Thiên Thai”; “Trương Chi”; “Suối mơ” “Mùa xuân đầu tiên”; “Trường ca sông Lô”… như những bó hoa tươi thắm dâng tặng cho đời.
Nguồn: nghethuatbieudien.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...