Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Thơ ca dân tộc Mông thời hiện đại

Thơ ca dân tộc Mông thời hiện đại
1. Một số đặc điểm về nội dung
Như chúng ta đã biết, dân tộc Mông có tên gọi (bao gồm cả tên tự nhận) là: Mông, Na Mẻo, Mèo, Mẹo, Miếu ha, Mán trắng [27], là một dân tộc ít người ở Việt Nam với dân số hiện nay khoảng 90 vạn người, cư trú trên 16 tỉnh miền núi phía Bắc, chủ yếu ở các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và Cao Bằng.
Nằm trong một quốc gia đa dân tộc, dân tộc Mông được coi là một thành viên quan trọng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, có số lượng cư dân đứng hàng thứ 8 trong bảng danh sách các dân tộc Việt Nam.
Lịch sử của cộng đồng người Mông ở Việt Nam là lịch sử của những cuộc thiên di, là một bản trường ca đầy bi tráng mà mỗi trang đều được viết lên bằng nước mắt và máu. Lịch sử đau thương và hào hùng cùng với điều kiện sống hết sức khắc nghiệt đã góp phần hun đúc lên một diện mạo tâm hồn Mông với bản lĩnh can trường, dũng cảm đến táo bạo, chai sạn đến chắc nịch như đá núi với một sức chịu đựng bền bỉ dẻo dai hiếm có. Vượt lên trên tất cả lại là một tinh thần lạc quan, phóng túng, đôi khi hồn nhiên đến độ thơ ngây. Tất cả những đặc điểm đó đã được khúc xạ trong một nền văn học dân gian Mông rất phong phú và đậm đà bản sắc, chi phối mạnh mẽ đến giọng điệu và cảm hứng cũng như nội dung thể hiện của thơ ca thời kì hiện đại của dân tộc Mông.
Cùng với chiều dài lịch sử, dân tộc Mông sớm có một nền văn học dân gian phong phú, đa dạng, phản ánh đời sống văn hoá cũng như tâm tư tình cảm và nguyện vọng của cộng đồng. Các thể loại văn học dân gian của dân tộc Mông cũng giống như các dân tộc thiểu số khác bao gồm: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích và đặc biệt là thơ ca dân gian với hai mảng chính là truyện thơ và dân ca.
Truyện thơ của người Mông không chỉ phản ánh những phong tục tập quán, những cách cảm nhận về đời sống rất đặc trưng của người Mông - mà còn thể hiện những khát vọng mãnh liệt về tình yêu và hạnh phúc của họ, dù phải trải qua bao những biến cố thăng trầm. Có thể nói, mỗi câu chuyện trong truyện thơ của người Mông đều gắn liền với một kiểu nhân vật đặc sắc, đầy cá tính, như các truyện thơ: “A Thào Nù Câu”, “Nàng Dợ Chà Tăng”, “Dìa Pàng - Dùa phông”, “Nàng Phan- Nồng Dí”... Truyện thơ của người Mông là một quá trình tự sự hoá dân ca trữ tình. Mỗi truyện thơ là một tác phẩm hoàn chỉnh cả về cốt truyện lẫn hệ thống nhân vật. Có thể tìm thấy trong truyện thơ quá trình phát triển của xã hội người Mông, những truyền thống văn hoá cùng đạo lí sống và những phong tục tập quán dân tộc qua nhiều thế kỉ đã tạo nên bản sắc riêng của cả một cộng đồng.
Dân ca là một thể loại rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt tinh thần của người Mông. Đó là những bài hát mang nội dung trữ tình, biểu lộ tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào trong cuộc sống thường ngày. Ẩn chứa trong đó bao niềm vui, nỗi buồn và cả trăm ngàn sắc thái, cung bậc tình cảm khác nhau. Người Mông yêu dân ca với một thứ tình cảm mang tính bản năng. Với họ - cuộc sống chính là một bài dân ca trường thiên bất tận. Đời sống của người Mông luôn song hành với quá trình lưu truyền và sáng tạo dân ca. Dân ca trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người Mông trong cuộc sống hàng ngày.
Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, dân ca Mông có thể được phân chia nội dung thành 5 mảng đề tài chính bao gồm: Tiếng hát tình yêu (gầu plềnh), tiếng hát cưới xin (gầu xống), tiếng hát làm dâu (gầu ua nhéng), tiếng hát mồ côi (gầu tú giua) và tiếng hát cúng ma (gầu tuờ).
Kho tàng tục ngữ của người Mông cũng rất phong phú, nó đã phản ánh một cách chân thực những tri thức và kinh nghiệm sống của dân tộc này trong quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của họ. Trong đời sống và trong tư duy - tục ngữ thể hiện được những kinh nghiệm trong sản xuất, chiến đấu, trong cách thức ứng xử (các mối quan hệ xã hội) và cả trong tư tưởng mang tính triết học (nguyên thủy) của cộng đồng này.
Nhìn chung, thơ ca dân gian Mông tồn tại dưới dạng các làn điệu dân ca, tục ngữ, câu đố... phong phú cả về nội dung lẫn hình thức. Đó là sự thể hiện những quan niệm về vũ trụ, quan niệm về nhân sinh, là sự cảm nhận về thiên nhiên, con người và các mối quan hệ tình cảm như tình yêu, hôn nhân, quan hệ gia đình, xã hội, lối sống và phương thức ứng xử, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Bên cạnh đó, thơ ca dân gian Mông nói chung còn thể hiện tiếng hát than thân, phản kháng những thói xấu và cái ác trong xã hội - bằng một lối tư duy nghệ thuật rất đặc thù trong kết cấu và biểu hiện.
Thơ ca thời kì hiện đại dân tộc Mông xuất hiện vào khoảng nửa cuối của những năm 60 của thế kỉ XX, được phổ biến chủ yếu ở các khu tự trị Việt Bắc và Tây Bắc và cũng chủ yếu ở Hà Giang (nơi có khoảng 200 nghìn người Mông sinh sống) và ở Lào Cai (khoảng 110 nghìn người) - là những địa phương có số cư dân Mông sinh sống đông đúc hơn cả.
Một trong những người có công đầu trong việc dịch thơ của các tác giả dân tộc Mông ra tiếng phổ thông để giới thiệu rộng rãi với bạn đọc là nhà nghiên cứu văn hoá, văn học dân gian Minh Khương (1920 - 2001). Ông đã lựa chọn và dịch thơ của một số tác giả người Mông như Giàng A Páo (Zangz A Paor), Giàng A Lử (Zangz A Lưv), Sùng A Thào (Shong A Thaox), Sùng A Giàng (Shong A Zangx)… tập hợp rồi in trong các tập “Hoa chàm nở” (Ty Văn hoá Thông tin Nghĩa Lộ, 1975), “Mặt trời hoa mây” (Ty Văn hoá Thông tin Hoàng Liên Sơn, 1978).
Thời gian này, xuất hiện một số bài thơ mô phỏng dân ca Mông của Hùng Đình Quý, được chính tác giả hát trên sóng của Đài Phát thanh Khu tự trị Việt Bắc, chủ yếu là thơ tuyên truyền, phục vụ cách mạng trong việc vận động bà con dân tộc Mông ở Hà Giang. Bên cạnh đó, một số bài thơ ban đầu của Mã A Lềnh ở Lào Cai được nhiều người biết đến.
Tuy nhiên, thơ ca hiện đại dân tộc Mông được xuất hiện dưới hình thức các tập thơ in riêng của các tác giả người Mông thì phải đợi đến những năm 90 của thế kỉ XX với các tập thơ: Người Mông nhớ Bác Hồ (1993); Chỉ vì quá yêu (1998) của Hùng Đình Quý; Bên suối Nậm Mơ (1995), Mã A Lềnh thơ (2002) của nhà thơ Mã A Lềnh; rồi đến các tác giả trẻ hơn như: Hờ A Di, Giàng Xuân Hồ, Giàng A Của, Mùa A Sấu, Mã Anh Lâm, Mã Én Hằng, Hùng Thị Hiền... có những tác phẩm được xuất hiện trên các báo, tạp chí của các Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương và địa phương.
Số lượng những tác phẩm thơ ca dân tộc Mông không nhiều, không dầy dặn và phong phú (như thơ ca của một số dân tộc khác như các dân tộc: Tày, Thái, Mường, Chăm … và điều này có lí do riêng của nó), nhưng nó cũng đã có mặt và phát triển, tạo nên một mảng màu riêng biệt, đậm đà bản sắc trong bức tranh nhiều màu sắc rực rỡ của thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.
Thơ ca thời kì hiện đại của dân tộc Mông mang một bản sắc riêng - như là một sự soi chiếu diện mạo tâm hồn dân tộc Mông trong những góc cạnh khác nhau của cuộc sống cùng những giá trị văn hoá tinh thần được bảo tồn và gìn giữ từ ngàn xưa và trải qua những cuộc thiên di đầy nước mắt và máu. Theo đánh giá của nhà thơ Lò Ngân Sủn thì thơ ca dân tộc Mông nói riêng (cũng như một số thơ ca của các dân tộc thiểu số khác) có “cái độc đáo, đặc sắc riêng của nó, đặc biệt là các bài thơ làm từ tiếng dân tộc, bằng những hình ảnh hình tượng đậm đặc chất dân tộc và miền núi” [97, tr53].
Thơ ca Mông thời kì hiện đại, trước hết đã phản ánh một cách sinh động, cụ thể những nét đặc trưng về cuộc sống, thiên nhiên, con người của cộng đồng Mông. Thiên nhiên ở đây thật hùng vĩ, tươi đẹp nhưng cũng rất đỗi khắc nghiệt; con người thì hết sức trung thực, mộc mạc, nhưng cũng rất mạnh mẽ và phóng túng; còn cuộc sống ở đây thì đầy khó khăn, gian khổ cộng với những hủ tục lạc hậu còn tồn tại - nhưng cũng rất phong phú, đáng yêu và giàu bản sắc.
Người Mông ở chót vót trên những đỉnh núi cao, có những nơi quanh năm mây mù bao phủ, khí hậu khắc nghiệt như là một thử thách cho sự sinh tồn của họ:
Từ một đến hai tháng tuyết phủ trắng phau
Giống nương giống rẫy khoanh tay xếp chân co ro ngồi
                                                                  (Dân ca Mông)
Tuy nhiên, thiên nhiên ở đây cũng thật đẹp, thật thơ mộng:
Mùa đông mây nằm chưa trôi đi, mây mùa xuân đã sà xuống
Ngọn núi và lưng rừng nào cũng đến mùa xuân hoa đào mới nở
                  (Núi mọc trong mặt gương - Mùa A Sấu)
Có lúc thiên nhiên mang một dáng vẻ kiều diễm, rực rỡ đến choáng ngợp: “Mặt trời nâng hoa mây/ Bồng bềnh sáng núi đá”. Ở đó, có những con người sống như những nghệ sĩ tài hoa của núi rừng, vừa mạnh mẽ, phóng túng, vừa mộc mạc, chân thành. Những con người “hồn nhiên như chim khướu chim ri”, sống hết mình đến tận cùng của sự yêu ghét - khi yêu thì mãnh liệt đam mê: “Nếu ta là bông tuyết trắng/ Ta xin tan dưới bàn chân nàng/ Là chàng trai rừng núi/ Ta xin tan trên thân thể nàng” (Mã A Lềnh); khi ghét thì dữ dội quyết liệt: “Kẻ nào bụng không tốt tỏ lời từ trong quả bầu, ta sẽ bóp chết ngay từ trong trứng” (Mùa A Sấu); Từ tư thế cheo leo của núi, người Mông đã neo đậu, đã tạo nên những bến đỗ vững vàng. Cuộc sống du canh du cư đói nghèo và lạc hậu đã dần qua, người Mông đã có một cuộc sống ổn định, ngày một no ấm và hạnh phúc hơn.
Từ khởi thuỷ là một nền văn minh lúa nước [27], [47], sau các cuộc thiên di phải sống bám vào núi với hình thức canh tác chủ yếu là nương rẫy, là một thử thách lớn lao và quyết liệt đối với tộc người này. Người Mông không chỉ chấp nhận cuộc sống đó mà còn bằng lòng, thậm chí thật tự hào khi họ có một quê hương như thế:
Người Mèo ta cũng có quê
Quê ta là Mèo Vạc
(Dân ca Mông)
Ở đâu cũng vậy, tình cảm quê hương từ bao đời nay vẫn là một thứ tình cảm thiêng liêng, thiết tha, gắn bó một cách máu thịt với con người. Chính vì vậy mà viết về quê hương bao giờ người nghệ sĩ cũng có được một sự chân thành và cảm động. Cùng sống trong cái nôi chung của vùng Việt Bắc, Tây Bắc, nhưng mỗi dân tộc lại có một cách cảm nhận về quê hương khác nhau. Người Tày, người Nùng lựa chọn các lòng thung, các bãi bằng để canh tác lúa nước; người Mường, người Thái định cư trên thượng nguồn các con sông; người Dao sống bám vào các triền núi; còn người Mông lại sống cheo leo trên các đỉnh núi cao. Và vì thế mỗi dân tộc thiểu số miền núi lại có một khung cảnh thiên nhiên riêng của dân tộc mình để yêu thương, gắn bó và gửi gắm tâm tư.
Trên tận những đỉnh núi cao dường như vượt qua cả cảm nhận và điểm nhìn của người Tày, người Thái, người Dao... ở Việt Bắc và Tây Bắc - đó là quê hương của người Mông! Người Mông sống ở trên đỉnh của sự dữ dội, trên đỉnh của sự hùng vĩ và cả trên đỉnh của sự thơ mộng lãng mạn của thiên nhiên. Vì thế, thiên nhiên của người Mông ở là một điều kiện sống vừa khắc nghiệt, vừa nên thơ mà không phải bất cứ dân tộc nào cũng có được (hay phải chịu đựng). Có thể nói một cách không khoa trương rằng: Núi cao của người Tày, người Thái, người Mường, người Dao... chỉ là "đất bằng" của người Mông. Từ đỉnh cao Phanxipăng (Lào Cai) đến cổng trời Lũng Cú (Hà Giang); từ những cánh rừng già Tây Bắc đến cao nguyên đá Đồng Văn là quê hương của người Mông. Có lẽ chẳng có nơi nào trên đất nước này mà thiên nhiên lại khắc nghiệt đến như vậy: “Từ một đến hai tháng, tuyết phủ đến trắng phau/Giống nương giống rẫy khoang tay xếp chân co ro ngồi” (Dân ca Mông). Thiên nhiên của người Mông có sự khác biệt với thiên nhiên của các dân tộc khác không hẳn chỉ ở độ cao về mặt địa lí mà chính là ở cái thế cheo leo trên những đỉnh núi chót vót. Chính vì thế mà khi viết về núi non, nhà thơ của các dân tộc khác thường có điểm nhìn từ dưới lên cao với một cảm giác choáng ngợp trước sự trùng trùng, điệp điệp của núi non hùng vĩ:
Núi bế núi
Núi thi nhau đan rào
Phên tiếp phên chồng chất
                  (Núi đan rào - Lò Văn Cậy - dân tộc Thái)
Thậm chí, núi non hiểm trở đối với họ đầy uy nghi, dữ dội đến khốc liệt:
Vách núi Lỷ như gấu đứng ưỡn bụng sẽ cào
Vách núi Sáng như hổ dựng cao thân sắp chộp
                              (Cầu Nôi - Vương Trung - dân tộc Thái)
Người Mông lại không có cảm giác đó. Bởi một điều đơn giản:
Người Mông ta trên núi
Rừng trập trùng mây bay mây lượn
                                                                  (Giàng A Páo)
Tư thế của người Mông là tư thế ở trên cao, điểm nhìn của người Mông là điểm nhìn từ đỉnh núi nhìn xuống, nên tầm nhìn thật phóng khoáng và bao quát được cả một không gian rộng:
Ôi! bầu trời ngọn núi cao ơi
Miền núi cao như bức tranh đẹp hiện trong mặt gương
Mùa đông mây nằm chưa trôi đi, mây mùa xuân đã sà xuống
Ngọn núi và lưng rừng nào cũng đến mùa xuân hoa đào mới nở
                  (Núi mọc trong mặt gương - Mùa A Sấu)
Và có lẽ chỉ có ở chót vót trên những đỉnh non cao của người Mông mới có được cảm giác này:
Mặt trời nâng hoa mây
Bồng bềnh sáng núi đá
(Mặt trời hoa mây - Giàng A Páo)
Ngay cả cách tả núi của những nhà thơ Mông cũng có sự khác lạ, lạ ở cách nhìn nhận, cách cảm, lạ ở sự liên tưởng độc đáo và táo bạo:
Núi Malipho là núi đầu rồng
Dông Malipho là dông núi xếp
Đường Malipho là đường ngang núi
Lối Malipho là sợi chỉ xuyên qua sống váy Mèo
      (Malipho - Mùa A Sấu)
Hình ảnh điển hình cho một thiên nhiên khắc nghiệt - nơi người Mông sinh sống - đó là cao nguyên đá. Trong thơ Mông hiện đại xuất hiện rất nhiều hình ảnh đá núi. Đá núi đầu tiên và cuối cùng vẫn là nơi chở che, nương tựa, làm vơi đi nhữngday dứt, ám ảnh về một quá khứ đầy bi thương của dân tộc Mông:
Quá khứ trầm luân nặng nề trong kí ức
Chiếc nôi êm là tảng đá giữa non ngàn
                                                                              ( Mã A Lềnh)
Hình ảnh người đàn ông dân tộc Mông với “mái đầu trơ một mỏm đá hoang” gợi lên một sự so sánh liên tưởng rất thú vị và độc đáo về sự từng trải đến chai sạn, sự vượt lên qua bao sương gió cuộc đời. Đá núi trong cách nhìn của những nhà thơ Mông là một thế giới sống động, có tính cách và tâm hồn:
Đá nằm như hổ rình mồi
Đá đứng như trâu gặm cỏ
Đá vươn như ngựa phi giữa nắng chiều tà
                                                      (Đá ở Sapa - Mã A Lềnh)
Phải là những người “sống trên đá không chê đá gập ghềnh”  thì mới có được một cái nhìn và tình cảm gắn bó thân thiết với đá núi đến như vậy.
Nhưng thiên nhiên của người Mông không chỉ dữ dội, khắc nghiệt mà còn rất đáng yêu, rất thơ mộng, lãng mạn. Không chỉ có đá núi, ở “vòm trời khoảnh đất quê mình” - còn có tiếng “chim diều chim cắt kêu”, có những “Đồi nương ngô chín vàng/Rộn ràng từng hốc đá”(Giàng Xuân Hồ); có tiếng chim Câu Kỉ Giàng gọi mùa, tiếng chim “Đá Lâu” bên sườn núi; có “Cúc cu kêu tiếng rõ rành rọt/ Kêu cho trời nắng thúc ngô vàng” (Hùng Đình Quý); có “hoa rừng hoa núi đua nhau nở”; có “Triền núi cao sinh ra cây vàng / Lòng núi cao sinh ra măng bạc”. Thiên nhiên ở trên những đỉnh núi cao có sự thơ mộng riêng, vắng vẻ nhưng không lạnh lẽo, thậm chí còn ấm áp tưng bừng với “Bầy ong tung tăng đi hút nhuỵ hoa gianh/Hoa gianh trắng ngà ấm áp” (Giàng A Của); những thửa ruộng bậc thang ngày mùa báo hiệu một cuộc sống no ấm “Bậc thang vút lên mây/Mùa vào thơm lúa chín/Hương lúa tràn quê hương”. Thiên nhiên gắn bó với người Mông - đến nỗi, mỗi địa danh đều trở lên trĩu nặng ân tình, đều đẹp đến lãng mạn: “Phi Lềnh là sống núi bay/ Tử Củ Thảng     là vùng tê giác/ Cắng Đinh Nhà là điếu thuốc bạc” (Mùa       A Sấu).
Sống giữa một thiên nhiên vừa hùng vĩ hoang sơ, vừa thơ mộng trữ tình đến như vậy, con người dân tộc Mông cũng mang những đặc trưng riêng cả về hình thức, tâm hồn và tính cách, dễ nhận ra và khó có thể trộn lẫn với bất cứ một dân tộc nào khác. Thơ ca dân tộc Mông thời kì hiện đại đã phần nào khắc hoạ được những hình ảnh con người Mông đầy cá tính và bản lĩnh. Đó là những con người vừa chân thật chất phác đến thơ ngây, vừa mạnh mẽ phóng túng đến ngang tàng; khéo léo đến độ tài hoa; vừa chan hoà giữa thiên nhiên vừa nổi bật giữa thiên nhiên như những nghệ sĩ của núi rừng.
Chân thật, chất phác là đặc điểm dễ nhận thấy ở người miền núi nói chung và người dân tộc Mông nói riêng. Những người Mông dù mang họ Mã, họ Thào, họ Sùng hay họ Giàng đều có thể đối xử với nhau một cách chân thành, đều là “người Mông ta”(pêz HMôngz) như câu nói cửa miệng hàng ngày, hay cách nói hình ảnh mà rất đỗi thân thương: “Ta cùng một giống lanh với nhau”. Có thể khẳng định một điều, trong tâm thức người Mông, không có một niềm tin nào lớn hơn niềm tin vào những người cùng dòng tộc. Giao tiếp với các dân tộc khác, người Mông có thể ít lời nhưng khi đã quây quần giữa những người Mông với nhau bên chén rượu ngô ngất ngây men đất men rừng thì ít ai có thể cởi mở, nồng nhiệt bằng họ. Chân thật đến hồn nhiên là đặc tính của người Mông. Những người con của núi cao “hồn nhiên như chim khướu chim ri” (Mã A Lềnh) thách thức những khó khăn, thách thức cả những buồn khổ lo toan trong cuộc sống. Bản tính của người Mông chất phác đến ngây thơ, luôn “sống hiền hậu như con gà nhà”, “sống hiền lành như con chim núi”(Hùng Đình Quý). Hồn nhiên giữa cao nguyên đá, những mái nhà, những xóm làng, những con người dân tộc Mông chụm vào nhau mà “sống tưng bừng như một tổ ong mật”, “sống ầm vang như một tổ ong khoái”. Hình dáng, trang phục của người Mông là sự tự biểu hiện nét chân thực hồn nhiên, dường như chưa có sự pha trộn của cuộc sống hiện đại. Hình ảnh những cô gái Mông với đôi gò má ửng hồng, với ánh mắt tinh anh và cái nhìn vừa rụt rè, vừa táo bạo; với bắp chân to khoẻ và dáng đi uyển chuyển mềm mại trong chiếc váy Mông rực rỡ trông tựa như những bông hoa di động trên các đỉnh non cao. Cô gái Mông “trắng đẹp trắng xinh như hoa mạch hoa lan nở lưng rừng” với những khát khao mơ ước thầm kín và mãnh liệt: “… đã từng thao thức/ vẽ vào gấu váy của mình/ Và thêu ngọn gió hoang thổi vào mơ ước”, dẫu cho “đầu ngón tay em kim nhọn đâmnát biết bao lần”. Hình ảnh những chàng trai Mông mắt sáng, mày sắc, mạnh mẽ và tài hoa, cốt cách như dao chém đá, ý chí như những ngọn núi cao. Khi yêu, yêu đến nồng nàn đam mê với trái tim chân thành và một sự chung thuỷ hiếm thấy. Sau tiếng khèn khắc khoải chờ đợi bạn tình, sau những phút giây đắm say tình tự đến thâu đêm, chàng trai Mông “…lê bước về nhà/ Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em” (Dân ca Mông). Người Mông chân thật, chất phác nhưng cũng thẳng thắn bộc bạch lòng mình bằng tình yêu mạnh mẽ đến tan chảy, đến “chín rụng cõi lòng” như thế này đây:
Nếu ta là bông tuyết trắng
Ta xin tan dưới bàn chân nàng
Là chàng trai rừng núi
Ta xin tan trên thân thể nàng
      (Mã A Lềnh)
Khi yêu, trai gái Mông thương đến từng nỗi nhớ, nỗi tương tư của người yêu: “Em đừng nhắc đến anh, anh sẽ không nhắc đến em/ Kẻo hai đứa nhặt phải cái điều ốm đau” (Hùng Đình Quý). Có lẽ cũng chính vì bản tính chân thực mà những tình cảm yêu ghét của người Mông nhiều khi được đẩy tới độ cực đoan. Yêu đến đam mê, đắm say là vậy nhưng khi đã ghét, đã căm giận thì cũng hết sức quyết liệt:
Kẻ nào bụng không tốt tỏ lời từ trong quả bầu,
                    ta sẽ bóp chết ngay từ trong trứng
Tỏ lời qua khe cửa và lỗ hổng chái nhà, ta sẽ bịt ngay để
 không một ai thấy
                    (Núi mọc trong mặt gương - Mùa A Sấu)
Đó là những suy nghĩ, những lời nói thẳng, không e dè, không cần viện đến bất cứ một sự vòng vo, bóng bẩy nào khác. Người Mông không chấp nhận những gì nửa vời, nhất là trong tình cảm: “Bóp chết ngay từ trong trứng” là thái độ và hành động của người Mông đối với kẻ thù - Ta ít gặp trong thơ của các dân tộc khác một cách diễn đạt “không thơ lắm” như vậy. Nhưng đó là tính cách của người Mông. Trong vốn thơ ca không nhiều lắm của các tác giả Mông thời kì hiện đại, ta cũng thường bắt gặp những cách nói, cách thể hiện như vậy. Hùng Đình Quý diễn tả thái độ, hành động của anh trai Mông đánh Mỹ ngoài mặt trận: “Đi gặp giặc Mỹ giữa đường/ Anh trai Mông đánh như sét đánh chó/ Đi gặp giặc nguỵ giữa lối/ Anh trai Mông đánh như sét đánh rắn”. Bản tính chân thực của người Mông cũng hồn nhiên đi vào thơ Mông hiện đại, và chính nó đã trở thành một nét bản sắc để người đọc thêm cảm thấy quý mến thơ ca Mông.
Con người dân tộc Mông không chỉ chân thật, chất phác đến hồn nhiên mà còn mạnh mẽ đến quyết liệt. Mạnh mẽ từ bước đi chắc nịch với “đôi chân trần đạp trên đá sắc” (Mã A Lềnh). Mạnh mẽ trong lao động sản xuất để làm ra từng bắp ngô, hạt thóc nơi đỉnh núi cao nguyên khắc nghiệt: “Muốn bật đất lên trời” để mà “Be bờ ruộng bậc thang mỗi năm một vụ" (Mã Én Hằng). Không khuất phục là bản lĩnh của người Mông đã được kiểm chứng từ trong lịch sử bằng các cuộc khởi nghĩa chống lại sự áp bức, đô hộ của người Hán, người Mãn. Ý chí mạnh mẽ cũng chính là một thứ vũ khí được tôi luyện từ bản năng sinh tồn của người Mông trước sự đe dọa của thú dữ và thiên nhiên. Cuộc sống du canh, du cư trước đây đã hun đúc cho người Mông những phẩm chất và ý chí, dám đương đầu với những khó khăn, khốc liệt nhất, can hệ đến cả sinh mạng của cá nhân và dòng tộc. Không có bản lĩnh mạnh mẽ thì không thể có được triết lí vừa giản dị vừa sâu sắc như thế này: "Chỉ có con cóc mới đi không hết đường/ trở về chết dưới bàn tay vợ". Quan niệm về lẽ sống chết ở đời của các anh hùng hào kiệt xưa nay như "Chết vinh còn hơn sống nhục" hay "Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành", xem ra cũng không phải là xa lạ với người Mông, bởi họ có quan niệm về sống chết rõ ràng, như một chân lí: "Có chết/ chết trên lưỡi sắc/ chớ chết sau sống dao". Chính vì vậy mà người Mông luôn thường trực một tư thế hiên ngang ngẩng đầu mà sống, mà thách thức với cuộc đời, thể hiện rõ ràng, dứt khoát một phong cách mạnh mẽ đến ngang tàng: "nghênh ngang, xù xì như hòn đá tảng giữa ngàn lau".
Người Mông không chỉ "sống hiền lành như con chim núi" cũng không phải chỉ là những "thợ rừng" lành nghề, ở người Mông còn tiềm ẩn và thường trực một tâm hồn nghệ sĩ rất mực tài hoa. Không phải ngẫu nhiên mà dân tộc Mông lại sở hữu những điệu khèn, những tiếng kèn lá, đàn môi hết sức độc đáo và đặc sắc. Con người dân tộc Mông không chỉ cần mẫn siêng năng mà còn rất khéo léo. Bàn tay người đàn ông Mông chai sạn thô ráp, khai phá ruộng nương, săn bắn chim muông thú dữ; đôi bàn tay rèn ra khẩu súng, con dao, nhưng cũng là đôi bàn tay tạo nên những chiếc khèn Mông và sử dụng tài tình, mở ra những thanh âm ngọt ngào tình tứ. Những chiếc lá trên cây đâu có vô tri, đâu phải vô tình, qua bàn tay của chàng trai, cô gái Mông là có thể đặt lên môi thành tình tứ thành lời:
Nhớ buổi tiễn chân ta qua đồi
Em ngắt lá thổi bài kèn réo rắt
(Dân ca Mông)
Mùa xuân trên những triền núi cao, khắp các xóm bản của người Mông, luôn tràn đầy những thanh âm rất đặc trưng như là những sứ giả của tâm hồn người Mông:
Điệu khèn vui xóm núi
Tiếng kèn môi giục lòng
                              (Lên cao nguyên - Giàng Xuân Hồ)
Khéo léo, tài hoa là nét bản tính đặc trưng của con người dân tộc Mông. Người Mông rất yêu ca hát, yêu âm nhạc. Có lẽ do nét đặc trưng của hoàn cảnh sống đã chi phối và góp phần tạo nên những diện mạo tâm hồn ấy của người Mông. Đó là những nét rất riêng mà thiên nhiên và cuộc sống đã ban tặng cho con người ở nơi đây: "Do sống giữa một vùng rừng núi nhấp nhô, đa dạng với muôn ngàn hoa lá khác nhau, nên con mắt của người miền núi có nhiều màu sắc, dáng hình kì vĩ, ít chấp nhận những cái gì bằng phẳng đơn điệu, lặp đi lặp lại đến sáo mòn... Do sống giữa một vùng thiên nhiên như thế, phải đấu tranh chống thú dữ để sinh tồn và bảo vệ mùa màng nên có tác phong hùng dũng đến dữ dội? Hoặc sống trong khoảng không gian bao la mà tâm hồn phóng khoáng nhiều khi đến phóng túng [38]. Đó cũng chính là tính cách và diện mạo tâm hồn con người dân tộc Mông.
Trước cách mạng, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông điển hình cho cuộc sống khổ đau, đói rách do bị mất tự do cùng các tập quán du canh du cư với những hủ tục lạc hậu của chính cộng đồng luôn đeo đẳng, trói buộc suốt mấy trăm năm qua. Người Mông phải sống cơ cực "như con ma không mẹ cha ăn của thừa", "như con ma mồ côi chăn trâu người". Câu chuyện bi thương về cuộc sống với những hoàn cảnh nghiệt ngã của người Mông (đói ăn, đói muối) được nhà thơ Bàn TàiĐoàn ghi lại bằng những vần thơ đầy cảm thông và đầy sự xót xa:
Người Mèo ngày xưa bao đời lại
Ở đất Đồng Văn đói khổ nghèo
Ngẩng đầu thấy núi cao chót vót
Cúi đầu thấy đá chồng chất nhau
Bắp vùi xuống đất trong khe đá
Nó mọc lên không chịu ra hoa
                                          (Muối của cụ Hồ - Bàn Tài Đoàn)
Cuộc sống du canh, du cư của người Mông luôn là nỗi lo thường trực, là những thử thách khắc nghiệt của số phận con người nơi đây. Người Mông du canh du cư tưởng trốn được khỏi cái nghèo, nhưng rốt cuộc hóa ra: "Người trốn đất Mèo cũng khổ/ Người ở đất Mèo thêm nghèo". Không phải họ không nhận ra rằng: "Giàu di cư thì nghèo/ nghèo di cư thì chết" (tục ngữ Mông) nhưng do tập quán, do sự bần cùng của cuộc sống vẫn luôn dẫn dắt người Mông đi theo con đường "định mệnh" ấy của mình.
Cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại đã giải phóng cuộc đời của cả dân tộc. Đồng bào miền núi nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng cũng đã thoát khỏi những cảnh đời tăm tối để bắt tay vào xây dựng một cuộc sống mới, một tương lai mới cho dân tộc mình. Lớp thế hệ nhà thơ Mông đầu tiên được ra đời và lớn lên trong cuộc sống hoà bình, hiểu sâu sắc giá trị của cuộc sống, của hai chữ tự do. Chính vì vậy mà cảm hứng nổi trội nhất trong thơ ca dân tộc Mông thời kì hiện đại là cảm hứng về cuộc sống mới do Cách mạng, Đảng và Bác Hồ đem lại. "Chữ Bác Hồ" là món quà lớn lao nhất mà người Mông có được từ chế độ mới, góp phần quan trọng và tích cực để đưa cuộc đời người Mông từ bóng tối ra ánh sáng, từ khổ đau đến với hạnh phúc. Bởi lẽ, chữ viết luôn là nỗi khát khao thường trực của người Mông, là một trong những lí do dẫn đến các cuộc thiên di: "Vì người Mèo ta không có chữ/ Thua kiện người Hán ta mới đi" (Dân ca Mông). Ước mơ có chữ viết luôn được bộc lộ tràn đầy trong các bài ca trước đây của người Mông. Người Mông nhận thức sâu sắc đói nghèo và cùng cực là hệ luỵ tất yếu của nạn mù chữ, thất học: "Người Hán có chữ/ Người Hán ăn không hết tài hết phép/ Người Mông không có chữ/ Quanh năm suốt tháng cơ hàn" (Dân ca Mông). Điều đó lí giải việc ca ngợi chữ Bác Hồ, biết ơn Đảng, Chính phủ là đề tài, là cảm hứng của rất nhiều tác giả người Mông. Người Mông tự hào vì có chữ "dạy cách làm ăn tốt, làm uống hay", "dạy cách làm ăn tốt, làm mặc đúng" và thể hiện tấm lòng tri ân đối với Đảng và Bác Hồ:
Có chữ giúp ghi lại cuộc đời
Học chữ người Mông nhớ công ơn Đảng không nguôi
Có chữ giúp ghi lại cuộc sống
Học chữ người Mông nhớ công ơn Bác Hồ mãi mãi.
(Người Mông có chữ)
Lòng biết ơn là một thứ tình cảm nổi trội và luôn được biểu hiện một cách chân thành và cảm động trong thơ dân tộc Mông thời kì hiện đại. Nói thế nào cũng không đủ, nói thế nào cũng không hết - dường như, với các tác giả người Mông, khi đặt bút làm thơ, mục tiêu đầu tiên là thể hiện được tấm lòng của mình, của dân tộc mình, lòng biết ơn đối với Cách mạng đã khai sinh cho người Mông có được một cuộc đời mới. Hùng Đình Quý có các bài thơ Người Mông có chữ(1968), Ơn Đảng (1969), Nhớ Bác Hồ (1969), Ánh đuốc trên đỉnh Vần Chải, Việt Bắc ngày nay (1972); Giàng A Của có bài thơ Có Cụ Hồ về; Vừ Thị Dưa có bài Nhớ đến Chính phủ; rồi Giàng Páo Ly, Giàng A Páo, Mùa A Sấu, Sùng Nhìa Tú... đều có những bài thơ nói lên lòng biết ơn sâu nặng của dân tộc Mông đối với Đảng, với Chính phủ và Bác Hồ.
Tuy nhiên, không phải cứ có được tự do là có ngay được một cuộc sống no ấm hạnh phúc. Người Mông vẫn phải đối mặt với những thử thách, những khó khăn muôn mặt của cuộc đời; vẫn phải "còng lưng bới đá gieo hạt ngô"; vẫn phải kiên tâm bền bỉ gùi từng "lù cở" đất lên núi đá cao nguyên để bắt đá nảy mầm, bắt núi trổ bông để cải tạo cuộc sống. Cuộc sống dẫu còn đơn sơ, nhưng đã đậm đà niềm vui, báo hiệu một tương lai tốt đẹp. Dân tộc Mông là một dân tộc có tính cộng đồng rất cao. Có lẽ do sống khu biệt trên các đỉnh núi hẻo lánh nên tình cảm cộng đồng được cộng hưởng, được nở rộ như những bông hoa dưới ánh mặt trời. Không khí vui tươi, sôi nổi rộn rã ở miền Bắc trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội đã lan toả đến tận các bản làng heo hút của người Mông. Cuộc sống dần văn minh hơn, vì thế việc xoá bỏ những hủ tục cũ kĩ, lạc hậu cũng vẫn luôn là một chủ đề quen thuộc trong các sáng tác của các nhà thơ Mông. Bên cạnh đó là một chủ đề lớn, bao trùm - đó là hình ảnh cuộc sống mới với những thửa ruộng bậc thang lúa vàng trĩu hạt; những mái trường có con em của người Mông theo học, như những “bầy ong tung tăng đi hút nhị hoa”; Những chính sách của Đảng tựa như những làn điệu dân ca bay bổng, lay động, thấm sâu vào tâm hồn người Mông... Khắp nơi rộn rã không khí đổi mới vui tươi, tràn ngập niềm tin vào cuộc sống. Cảm giác lâng lâng của con người được giải phóng, được tự do thật là kì diệu, để người Mông nhìn thiên nhiên cũng thấy như có tâm hồn, có sự đồng điệu cùng nâng bước nhau lên:
Mặt trời nâng hoa mây
Bồng bềnh sáng núi đá
Cuồn cuộn toả ngọn rừng tre
Như nâng cuộc đời ta đi lên
                              (Mặt trời hoa mây - Giàng A Páo)
Bậc thang vút lên mây
Mùa vào thơm lúa chín
Hương lúa tràn quê hương
                              (Lên cao nguyên - Giàng Xuân Hồ)
Cuộc sống của người Mông đã có sự bình yên, đã có sự no ấm và đẹp một cách lãng mạn. Chất lãng mạn ấy đã ngấm sâu vào tim, vào óc của mỗi người, để thăng hoa thành những tâm hồn nghệ sĩ hát về dân tộc mình, về núi rừng của mình:
Từ đá
Sinh ra những chàng thi sĩ
Hát về đất trời, tình yêu của mình
                                          (Đá ở Sa Pa - Mã A Lềnh)
Sự đổi thay đáng ghi nhận nhất trong cuộc sống của người Mông có lẽ là sự đổi thay về số phận của người phụ nữ. Chúng ta đã quá quen thuộc hình ảnh cô Mỵ trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài. Cô Mỵ sống một cuộc đời câm lặng trong đau khổ "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa" nhà thống lí Pá Tra. Những cô Mỵ ngày xưa đã được cách mạng đem đến cho một cuộc đời mới, được làm chủ bản thân và tương lai của mình, được học hành để tâm hồn lúc nào cũng phơi phới niềm vui: "Đi trên đường lá óng ánh/ Em gái Mông/ Lòng dạ cười lấp lánh". Kì diệu hơn, cô gái Mông ngày nay đã có thể trở thành cô giáo, đem cái chữ Bác Hồ để soi sáng cho đồng bào mình, dân tộc mình. Hình ảnh cô giáo người Mông đi dạy học là một hình ảnh đẹp đến thi vị về cuộc sống hạnh phúc của người Mông trong xã hội mới:
Đom đóm thắp đuốc dầu
Đom đóm thắp đuốc sáng
Sáng soi Vần Chải những mái nhà tranh
Đấy là cô giáo Gầu Mông
Tay giỏi tay cầm sách
Tay trắng tay cầm đèn
Đi dạy học xuống giữa thôn
      (Ánh đuốc trên đỉnh Vần Chải - Hùng Đình Quý)
Nhưng để có được một cuộc sống hạnh phúc, người Mông luôn phải cảnh giác và đấu tranh quyết liệt với những tệ nạn, những hủ tục lạc hậu, sự xúi giục của bọn người xấu lợi dụng lòng chân thật và niềm tin nhiều khi đến ngây thơ của người Mông để phục vụ cho những mưu đồ đen tối, muốn cho người Mông lầm đường lạc lối. Sứ mạng vẻ vang và trọng trách lớn lao của những nhà thơ Mông là người định hướng tâm lí, định hướng tương lai cho bước đường đi của dân tộc mình.
Như ta đã thấy, cuộc sống của người Mông trên núi cao đơn sơ nhưng không đơn điệu, một phần cũng bởi người Mông có đời sống tinh thần phong phú. Âm nhạc chính là một chất men say trong tâm hồn người Mông. Người Mông yêu âm nhạc bằng một tình yêu gần như là bản năng, đầy chất nghệ sĩ. Cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông không thể thiếu những tiếng khèn, tiếng đàn môi, kèn lá - những nhạc cụ quen thuộc và gần gũi của dân tộc Mông. Chàng trai Mông múa khèn tài hoa như những nghệ sĩ đích thực trong các buổi chợ phiên, những đêm trăng hay trong các lễ hội “Gầu tào”: “Điệu khèn vui xóm núi/ Tiếng đàn môi giục lòng”. Những thiếu nữ Mông thả tâm tình trong tiếng đàn môi dìu dặt, trong tiếng kèn lá ẩn chứa những tâm sự vui buồn: “Nhớ buổi tiễn chân ta qua đồi/ Em ngắt lá thổi bài kèn réo rắt”. Âm nhạc Mông không ưa sự quân bình mà ưa đi đến tận cùng của những cung bậc thanh âm, chót vót cao và thăm thẳm sâu. Có lẽ đó cũng chính là cá tính của một dân tộc mạnh mẽ, tài hoa, chứa bao điều bí ẩn trong tâm hồn.
Cuộc sống của người Mông trên các cao nguyên đá ngoài sự khắc nghiệt là một sự thơ mộng đến lãng mạn. Những chủ nhân của núi đá vùng cao này có đời sống tinh thần hết sức phong phú, họ sống hết mình và yêu nồng nàn với duyên trời xe: 
Em là cô gái Mèo hoa
Anh là chàng trai Tày trắng
Trời có mắt, trời cho ta thấy
Đất có lòng, đất cho ta duyên
Trời đất xe duyên trên sườn núi
                  (Tình ca ở Chu Lầu Thí - Giàng Xuân Hồ)
Đời sống văn hoá Mông với sự phong phú, độc đáo và đặc sắc góp phần tạo nên một diện mạo tâm hồn dân tộc Mông. Những buổi chợ phiên miền núi cao ngập tràn những thanh âm sắc màu của những tiếng mời chào, nói cười nghiêng ngả, của hoa văn thổ cẩm đủ bảy sắc cầu vồng, của những bát rượu nồng nàn hương bắp bên những chảo “thắng cố” bốc hơi ngào ngạt. Tất cả tạo nên một không khí náo nức, tươi vui, mê đắm lòng người. Có thể những nhà thơ Mông thời kì hiện đại chưa phải là những người thợ mỏ lành nghề để khai thác và tinh luyện những mỏ quặng còn rất đỗi nguyên sơ với một trữ lượng khổng lồ tiềm ẩn trong đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc Mông, nhưng dẫu sao,với khả năng và trái tim nồng nàn yêu mến của mình, các tác giả người Mông đã phần nào làm hiển lộ được kho tàng quý giá ấy, để làm cho người đọc biết đến và yêu mến thơ Mông cũng như yêu quý những giá trị văn hoá tinh thần mang nét bản sắc rõ rệt và sâu đậm của dân tộc Mông.
Trân trọng và cảm phục, đồng cảm và chia sẻ với cuộc sống khắc nghiệt, dữ dội mà hào hoa của dân tộc Mông, nhà thơ người Dao - Triệu Kim Văn đã phải thốt lên:
Có dân tộc nào như người Mông hỡi em
Sinh trên đá đợi bạn tình trên đá
Hiếm hoi cây lên khan từng chiếc lá
Đặt lên môi thành tình tứ thành lời
(Đá núi Đồng Văn - Triệu Kim Văn)
Thơ ca dân tộc Mông thời kì hiện đại là sản phẩm tinh thần của các nhà thơ Mông, là tấm gương phản chiếu đời sống, xã hội dân tộc Mông, bởi các tác giả thơ Mông "bao giờ cũng bám rễ vào cuộc sống một cách hồn nhiên, phản ánh sắc nét, sinh động đời sống tình cảm cũng như phong tục, tập quán của đồng bào HMông" [36, tr76]. Đó là tình cảm của con người yêu mến, gắn bó với thiên nhiên - một thiên nhiên miền núi đá cao rất đặc trưng của người Mông; Đó còn là sự phác họa hình ảnh con người dân tộc Mông đầy bản lĩnh và cá tính; mạnh mẽ và tài hoa, chân thực và lãng mạn. Đó là sự miêu tả, phản ánh cuộc sống của đồng bào Mông trong xã hội mới với không khí vui tươi lao động, phấn khởi và tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ; Và cuộc sống của một dân tộc với những phong tục tập quán đầy bản sắc.
2. Thơ ca Mông - vài nét về nghệ thuật
Thơ ca Mông thời kì hiện đại được sáng tạo từ cảm xúc chân thành và tình cảm thiết tha yêu cuộc sống, yêu dân tộc của những nhà thơ Mông, tiêu biểu và đại diện cho tiếng nói tình cảm của dân tộc Mông - thật đúng như nhận xét của nhà thơ Chế Lan Viên: "Thơ ca Mông là công cụ thực dụng trong đời sống, chứ không phải chỉ giúp con người đôi cánh hư ảo để bay lên trên, thoát ra ngoài. Đời sống do đó vào cụ thể, tràn đầy trong thơ"[132].
Sự tiếp thu và phát triển một cách sáng tạo mạch thơ ca dân gian truyền thống đã tạo cho thơ ca dân tộc Mông thời kì hiện đại có một sắc thái riêng với cả một sự phong phú và thống nhất. Thống nhất ở âm hưởng, ở hình thức thơ, ở sự kế thừa vốn văn hoá, văn học truyền thống Mông; phong phú ở sự đa dạng của những nét riêng mang dấu ấn cá nhân của từng tác giả. Sự thống nhất và sự phong phú ấy góp phần tạo nên và hình thành những cá tính thơ của từng tác giả và cá tính của cả tâm hồn dân tộc Mông được soi chiếu qua những trang thơ thời hiện đại.
Kiểu kết cấu trùng điệp là một hình thức nghệ thuật rất đặc trưng và phổ biến trong thơ Mông nói chung và xuất hiện trong sáng tác của từng tác giả với các mức độ đậm nhạt khác nhau. Đây cũng chính là sự kế thừa tinh hoa của thơ ca truyền thống - bởi kết cấu trùng điệp là hình thức phổ biến nhất trong thơ ca dân gian dân tộc Mông. Ví dụ như trong một đoạn thơ sau:
Bố mẹ sinh ra em nổi tiếng đẹp xinh
Ta thường lấy núi đồi làm thang bắc lên thăm
Bố mẹ sinh ra em lừng danh tươi giòn
Ta thường lấy núi đồi làm thang bắc lên hỏi
                                                                  (Dân ca Mông)...  
                   
Các nhà thơ hiện đại đã tiếp thu và chiếm lĩnh hình thức kết cấu đặc trưng này như là một cách biểu hiện riêng cho thơ ca của dân tộc Mông mình vậy.
Thủ pháp trùng điệp tạo nên sự tràn đầy trong mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình, làm tăng sức thuyết phục của lí lẽ và tính nhất quán của hình tượng thơ. Sự có mặt của các cụm từ ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần và mỗi lần lặp lại đều có sự biến đổi đôi chút theo quy luật phù hợp với âm, vần - khiến việc lặp lại không bị nhàm chán, đơn điệu, vừa sinh động, vừa khắc hoạ rõ ý đồ nghệ thuật, tạo nên sắc thái biểu đạt riêng cho mỗi bài thơ.
Có một tác giả thơ dân tộc thiểu số cũng đã nói về điều này: “Thơ dân tộc thiểu số thuộc loại thơ giản dị, chân mộc, dễ hiểu, nhưng vẫn hay và đầy ám ảnh” [97, tr12]. Đũng như vậy, ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu là nét đặc trưng của thơ các dân tộc thiểu số. Xuất phát từ đặc điểm tâm lí của người miền núi, ưa sự chân thật, chất phác, giản dị, và dị ứng với những lời khuôn sáo, mĩ miều, nên các nhà thơ đã đưa vào tác phẩm của mình những lời ăn tiếng nói hàng ngày của người miền núi. Và ngay cả cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt của họ cũng rất giản dị. Có cảm giác là các tác giả thơ dân tộc thiểu số khi họ nghĩ gì thì viết thế, nên luôn giản dị, mộc mạc mà dễ hiểu. Điều này cũng thường thấy trong thơ của các tác giả người dân tộc Mông. Suy cho cùng, ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu sẽ có độ chân thực cao - mà chân thực lại là một điều kiện cần thiết cho thơ! Tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu là một tình cảm lớn lao, thiêng liêng của dân tộc Mông nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung và luôn là đề tài, là cảm hứng cho rất nhiều bài thơ của thi sĩ các dân tộc thiểu số. Người Mông diễn đạt tình cảm đó một cách hết sức giản dị: “Ơn Bác Hồ người Mông nợ/Chồng cao bằng núi đá/Chất cao bằng núi đất” (Hùng Đình Quý). Nếu ta so với cách viết về Bác của nhà thơ Tố Hữu (ví dụ như câu: Người là cha, là bác, là anh/Quả tim lớn lọctrăm dòng máu đỏ), thì ta nhận thấy đó không chỉ là sự khác nhau về ngôn ngữ, hình ảnh thơ mà chính là sự khác nhau về đặc trưng tâm lí của hai dân tộc. Người miền núi thường chỉ ví nỗi nhớ, tình yêu thương với những cái gì nhìn thấy được (trực quan), ít khi ví với cái gì chỉ cảm thấy, không nhìn thấy được; Lấy cái có thể đo đếm được để diễn tả cái không thể đo đếm được. Để nói về lòng biết ơn, người Mông thường nói bằng những hình ảnh rất cụ thể, rất gần gũi như:
Người ta gieo kê,
Kê ra bông
Những công ơn ấy
Người Mông xin ghi nhớ trong lòng
Người ta gieo lúa, lúa ra hạt
Những công ơn ấy
Người Mông xin ghi nhớ trong bụng
      (Ánh đuốc trên đỉnh Vần Chải - Hùng Đình Quý)
...
Trong thơ Mông thời kì hiện đại, ngôn ngữ giao tiếp, lời ăn tiếng nói hàng ngày của đồng bào được các tác giả đưa vào thơ một cách rất tự nhiên. Chính điều đó làm thơ Mông trở lên giàu bản sắc bởi những nét đặc trưng riêng trong cách nói, cách tư duy, cách diễn đạt của dân tộc mình. Chẳng hạn, để nói sự gắn bó với mảnh đất quê hương mình, Giàng A Páo viết “Người Mèo ta trên núi/Bền nơi ở, bền nơi làm”; Để khuyên nhủ người Mông tránh xa thuốc phiện “bỏ thuốc phiện bằngđược” nhà thơ sử dụng cách nói của người Mông “Nay ta đem con đường hút thuốc phiện chặt phăng đi” (Mùa A Lao); Ca ngợi con ong mật siêng năng, chăm chỉ, nhà thơ Mông biểu hiện tình cảm bằng hình ảnh: “Em quý con ong mật làm đúngtim mình”(Giàng A Tủa); Người Mông không nói “ăn mặc” mà thường nói “làm ăn, làm mặc” - Cách nói này đã được nhà thơ Hùng Đình Quý sử dụng trong bài thơ nói lên tình cảm vui mừng phấn khởi của người Mông khi được học chữ: “Chữ mình học là biết rộng/Chữ dạy cách làm ăn tốt, làm mặc đúng”; nhà thơ động viên đồng bào Mông cho con em đi học để “Biết conđường chữ hay/Hiểu con đường chữ đẹp” với lời khuyên thật mộc mạc chân tình: “Dù dành cho con cái/Tiền của chất hàng bồ/Cũng chẳng bằng cho đi/Lấy con đường học theo đầy bụng”! Hoặc ca ngợi vẻ đẹp của thiếu nữ dưới con mắt của chàng trai Mông đang say đắm trong tình yêu thì là: “Không biết bố mẹ em ăn gì sinh ra/Để anh ngắm nhìn mải miết/Cứ thấy đôi mắt đôi má em/Trắng đẹp trắng xinh như hoa mạch lan ở lưng rừng”...
Như chúng ta đã biết, chiến tranh không chỉ gieo rắc đau thương tai hoạ cho người Kinh mà cả người dân tộc thiểu số. Đồng bào Mông ý thức được trách nhiệm lên đường đánh Mỹ để giành lại tự do, đem lại sự bình yên cho quê hương miền núi, cho Tổ quốc Việt Nam. Khí thế đầu quân ở đây thật sôi nổi, mạnh mẽ: “Trời đất khói mù/Việt Bắc không run/Thanh niên Mông, Dao đi bộ đội như nước lũ’. Việc sử dụng cách nói hàng ngày của người Mông vào trong thơ đã làm cho thơ Mông hiện đại càng thêm gần gũi và chiếm được tình cảm của đồng bào. Bởi lẽ các nhà thơ Mông đã suy nghĩ theo lối nghĩ hộ họ, đã nói hộ họ được bao điều mà trong lòng họ chất chứa trong cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên, cách nói mộc mạc, dân dã ấy đôi khi cũng có hạn chế nhất định - nó làm cho các bài thơ, câu thơ phần nào mất đi sức gợi, chất lãng mạn, bay bổng của thơ!
Nhưng bên cạnh đó, ngôn ngữ thơ dân tộc Mông thời kì hiện đại lại rất giàu tính biểu cảm và giàu nhạc điệu. Đây cũng là đặc trưng của ngôn ngữ thơ ca nói chung. Tuy nhiên, thơ Mông đặc sắc ở chỗ: Tính biểu cảm và tính nhạc trong thơ rất phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ của người Mông, bởi nó xuất phát từ việc phản ánh đời sống tình cảm và tính cách của mỗi cá nhân trong cộng đồng Mông - mà những nhà thơ Mông là người đại diện tiêu biểu. Họ có tâm thế của người trong cuộc nên hiểu rõ cách nghĩ, cách cảm, cách nói của đồng bào Mông trong khi diễn đạt cảm xúc của mình.
Người dân tộc thiểu số nói chung rất ưa cách nói bằng những lời có vần. Một phần có thể do thể loại truyện thơ dân gian, lời thơ trong các bài dân ca... đã ngự trị quá lâu trong đời sống tinh thần của họ, nên đã tạo thành thói quen. Cách nói vần có ưu thế là dễ nhớ, dễ thuộc, đặc biệt là những câu thành ngữ, tục ngữ được vận dụng nhiều trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của họ. Dân tộc Mông cũng vậy, từ thơ ca dân gian đến thơ hiện đại không có sự cách biệt quá lớn về mặt hình thức và cả trong cách tư duy, cách biểu hiện. Bởi vậy, thơ ca thời kì hiện đại của dân tộc Mông cho dù có được sáng tác ghi lại bằng chữ Mông hay bằng chữ quốc ngữ, thì con đường đi đến trái tim, khối óc của đồng bào Mông vẫn chủ yếu là qua con đường truyền khẩu. Cách nói vần vè là điều kiện thuận lợi để các nhà thơ Mông diễn đạt tình cảm, suy nghĩ của mình phù hợp với việc diễn tả nội dung của các bài thơ mang cảm hứng chung là ngợi ca một cách đầy vẻ phóng túng. Từ cảnh cảnh đẹp của thiên nhiên rực rỡ và tráng lệ trên những triền núi cao quê hương của người Mông: “Mặt trời nâng hoa mây/Bồng bềnh sáng núi đá”, đến cảnh đẹp của đời sống người Mông đầm ấm, tươi vui trong vụ mùa thu hoạch “Bậc thang vút lên mây/Mùa vào thơm lúa chín/Hương lúa tràn quê hương”, đến tình cảm yêu mến đến tự hào về môi trường sống đặc trưng của dân tộc mình: “Người Mèo ta trên núi/Rừng trập trùng mây bay mây lượn” (Giàng A Páo)...
Ngôn ngữ, hình ảnh thơ... của một dân tộc đã phản ánh trung thực những nét đặc trưng của đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc ấy. Thơ thời kì hiện đại của dân tộc Mông cũng vậy. Các nhà thơ hay có cách thể hiện tương đồng, thậm chí trùng hợp trong việc sử dụng các hình ảnh thơ, các biểu tượng trong thơ - nhất là các hình ảnh đặc trưng cho thiên nhiên, con người và cuộc sống của cộng đồng mình. Ta bắt gặp rất nhiều những hình ảnh thơ được trở đi trở lại nhiều lần, có giá trị như những biểu tượng mang tính điển hình. Biểu tượng cho cảnh thiên nhiên của dân tộc Mông có lẽ là những hình ảnh “núi đá”, “mây”, và “mặt trời”. Có lẽ, do sống trên những triền núi đá cao nên gần gũi nhất với người Mông vẫn là hình tượng núi; và do khí hậu khắc nghiệt gần như quanh năm sương mù che phủ nên mặt trời luôn là biểu tượng của sự ấm áp rực rỡ. Và bầu trời ở nơi đây như cao hơn, nắng như sáng hơn, nên khi pha sắc màu cho những đám mây - mây cũng trở nên lộng lẫy, rực rỡ hơn - mây trở thành biểu tượng của cái đẹp trên đỉnh núi. Khác với thiên nhiên của người Kinh và các dân tộc thiểu số khác, thiên nhiên của người Mông thường không có hình ảnh những dòng sông mà chỉ có các dòng suối, có thác nước vừa dữ dội vừa đẹp một cách lãng mạn. Trong thơ của người Thái hình ảnh hoa Ban xuất hiện rất nhiều, như là nét đặc trưng của núi rừng Tây Bắc thì trong thơ người Mông - hình ảnh của loài hoa đặc trưng lại là hoa Đào, hoa Phong lan: “Ngọn núi lưng rừng nào cũng đến mùa xuân hoa đào mới nở” (Mùa A Sấu), “Em trắng đẹp trắng xinh như hoa mạch hoa lan nở giữa rừng” (Hùng Đình Quý)...
Những hình ảnh “núi”, “đá núi” xuất hiện trong thơ Mông hiện đại không chỉ đơn thuần là nội dung phản ánh của hiện thực cuộc sống người Mông, cuộc sống của một dân tộc “Sinh trên đá đợi bạn tình trên đá” (Triệu Kim Văn) mà nhiều khi đã trở thành những biểu tượng mang tính nghệ thuật (qua sự so sánh, liên tưởng) rất độc đáo và đặc sắc. Dáng vẻ uy nghi, sừng sững của những ngọn núi là hình ảnh để so sánh với công ơn của Đảng của Bác Hồ đối với người Mông: “ơn Bác Hồ người Mông nợ/Chồng cao bằng núi đất/chất cao bằng núi đá”; có khi để diễn tả niềm vui, nhà thơ Mông dùng hình ảnh “đá nở hoa, hang sai quả”; hay hình ảnh người đàn ông Mông mạnh mẽ, phong trần với “mái đầu trơ một mỏm đá hoang”, và tính cách “nghêng ngang, xù xì như hòn đá tảng giữa ngàn lau”...
Hình ảnh “nắng”, “mặt trời” cũng xuất hiện trong thơ Mông với một mức độ khá dầy đặc, với những ẩn dụ, so sánh, liên tưởng hết sức phong phú. Mặt trời là Đảng, là Bác Hồ, là cuộc sống no ấm, hạnh phúc: “Mặt trời đến sớm toả tia nắng/ Như ánh sáng của Đảng soi”, “Mặt trời chiếu tia nắng xuống bên đồi dốc / Ta có Bác Hồ - Bác Hồ bảo người Mông ta cách làm ăn” (Sùng Nhìa Tú). Nhiều bài thơ còn sử dụng cách so sánh ví von trực tiếp với hình ảnh mặt trời như: “Có cụ Hồ về”(Giàng A Của), “Mặt trời hoa mây” (Giàng A Páo), “Ánh mặt trời” (Giàng A Lử), “Mặt trời, mặt trăng và Bác Hồ” (Sùng Nhìa Tú), “Nhớ đến Chính phủ” (Vừ Thị Dưa)... Bên cạnh đó, có những bài thơ mà hình ảnh “nắng”, “mặt trời” lại mang ý nghĩa ẩn dụ đã bộc lộ một cách kín đáo những suy nghĩ, tình cảm của các tác giả như: “Ngửa mặt lên tôi say uống nắng vàng”, “Ở trên đầu nắng rọi mênh mang”, “Nắng lại toả xua tan u ám / trong lòng ta mang sắc nắng tràn trề”; và gần trời hơn nên người Mông đã có những nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của nắng đối với sự sống của nắng đối với đời người: “Cuộc sống này sinh sôi vì có nắng/Nắng đậu trên môi nụ cười tươi rạng” (Mã A Lềnh)...
Những bài thơ viết về cuộc sống đồng bào Mông thường xuất hiện rất nhiều những hình ảnh “cây lanh”, “sợi lanh”, “con ong”, “chim ri”, “chim khướu”, “ruộng bậc thang”... như những hình ảnh vừa gần gũi với con người, vừa là những biểu tượng đặc trưng cho cuộc sống của người Mông. Sợi lanh dường như là một thứ “bất li thân” của người phụ nữ Mông, khi đi nương, khi làm bếp, ngay cả trong lúc nghỉ ngơi, người phụ nữ vẫn luôn luôn tước lanh để rồi dệt nên những bộ trang phục vừa bền chắc, vừa rực rỡ sắc màu. Vì vậy, trong thơ Mông, hình ảnh sợi lanh như một biểu tượng cho sự cần mẫnchăm chỉ và cho cả tình yêu chung thuỷ của cô gái Mông:
- Sợi lanh căng do em se
Đôi ta kết đường tình duyên
Trước cửa nhà em có cây lanh mọc
Ong mới về tìm đậu
                                                            (Dân ca Mông)
- Guồng se lanh nối dài vô tận sợi lanh
Mùa xuân này trời xui đất khiến cho em gặp anh
                                                                              (Mã A Lềnh)
Hình ảnh “tổ ong” cũng thường được các nhà thơ Mông sử dụng để thể hiện sự đoàn kết và niềm vui trong cuộc sống của cộng đồng:
- Mẹ con, bố con
Sống tưng bừng như một tổ ong mật
...Để người vùng cao vùng thấp
 Mới được ở ầm vang như tổ ong khoái ong mật
                                                                  (Hùng Đình Quý)
- Có ngày cuộc sống của ta như ong khoái
                                                                  (Sùng A Trống)
- Đôi ta thành vợ chồng
 Nảy nở sinh sôi như tổ ong mật
                                                                  (Dân ca Mông)
...
Chúng tôi chưa có điều kiện để khảo sát đầy đủ những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng trong thơ ca Mông, nhưng với sự xuất hiện với tần số cao của những hình ảnh tiêu biểu cho thiên nhiên, con người và cuộc sống vật chất tinh thần của người Mông đã góp phần làm cho thơ Mông thời kì hiện đại có một nét đặc trưng riêng. Hay nói cách khác, đó là một trong những biểu hiện cụ thể của bản sắc dân tộc trong thơ Mông hiện đại. Những hình ảnh “chim khướu, chim ri”, “tiếng khèn”, “đàn môi”, "sợi lanh" … là những biểu tượng mang nét đặc trưng về cuộc sống vật chất và tinh thần của người Mông - những biểu tượng này rất cần tiếp tục có những nghiên cứu một cách cụ thể, thấu đáo và hệ thống. Thiết nghĩ, chắc chắn đó sẽ là những khám phá lí thú về vấn đề đặc trưng bản sắc văn hóa tộc người của dân tộc Mông.
Về kết cấu thơ, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy: Thơ Mông thời kì hiện đại mang những đặc điểm riêng, có thể phân chia thành hai xu hướng: xu hướng kết cấu theo lối truyền thống và xu hướng kết cấu theo hướng hiện đại.
Kết cấu theo lối truyền thống là một trong những đặc trưng nổi bật của thơ Mông thời kì hiện đại. Đó vừa là một ưu thế đồng thời vừa là một hạn chế của thơ Mông. Việc sử dụng các hình thức kết cấu của thơ ca truyền thống tạo cho thơ Mông có đặc điểm riêng mang đậm bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều lối kết cấu đó sẽ làm cho các bài thơ trở nên đơn điệu, dễ nhàm chán, không bắt kịp được với lối tư duy hiện đại, là một sự kìm hãm trong việc chuyển tải nội dung phản ánh cũng như ý đồ đổi mới nghệ thuật của các tác giả.
Thơ ca Mông thời kì hiện đại cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của dân ca Mông về mặt hình thức kết cấu. Lối kết cấu đối ngẫu, lặp lại nhiều lần những từ ngữ, hình ảnh, cấu trúc câu thơ kết hợp với sự phối âm các thanh điệu: bằng, trắc đã làm cho thơ Mông hiện đại có những giai điệu rất gần với giai điệu của các bài dân ca Mông. Ví dụ như đoạn thơ sau:
Em gầu Mông
Nếu em nhớ dài, anh nhớ lâu
Thì cho dù hang ra hoa, đá ra quả
Cũng chẳng ai tách rời được hai ta đâu!
Nếu em nhớ đầy, anh nhớ đủ
Thì cho dù đá ra quả, hang ra hoa
Cũng chẳng ai tách rời hai ta được!
(Đợi chờ - Hùng Đình Quý)
Thậm chí, có những bài thơ khi đọc lên ta có cảm giác như đã thấy rõ những giai điệu để có thể cất lên tiếng hát:
Trên vòm trời mây quang
Dưới vòm trời trăng sáng
Con chim hoạ mi nhảy nhót
Con chim khướu đậu cành lan hót vang
Qua hội xuân này kẻo mình đi nhà mình, ta trở về nhà ta thôi
Đôi ta không còn tựa lưng nhau thổi đàn môi
      (Hội xuân - Mã A Lềnh)
Có thể nói, thơ Mông rất giàu nhạc điệu, một phần là do âm hưởng của các điệu dân ca Mông đã trở nên quá sâu đậm trong tâm thức của người Mông, nó chi phối từ cảm xúc đến kết cấu, từ hình ảnh đến nhịp điệu của từng câu thơ, ví dụ như:
Em là cô gái Mèo hoa
Anh là chàng trai Tày trắng
Trời có mắt trời cho ta thấy
Đất có lòng, đất cho ta duyên
Trời đất se duyên bên sườn núi
                  (Tình ca ở Chu Lầu Thí - Giàng Xuân Hồ)
Tuy nhiên, ảnh hưởng quá nhiều từ hình thức kết cấu của dân ca cũng đã làm cho thơ Mông hiện đại không tránh khỏi sự lặp lại đến đơn điệu, đôi khi sáo mòn, ví dụ một số đoạn thơ sau:
- Con bướm vàng mặc váy hoa vàng
Ngày ngày làm dáng
Chạy loăng quăng bên rừng
Con bướm mặc váy mới hoa lụa
Ngày ngày làm dáng chạy nhênh nhang
                                                                  (Giàng A Tủa)
- Anh trai Mông
 Nước trong, trong vắt không vẩn đục
Anh hãy đi rồi mau trở lại
Nước trong, trong vắt không vẩn ngầu
Anh hãy đi rồi mau rồi trở về
                                                                  (Hùng Đình Quý)
...
Lối kết cấu đối ngẫu, trùng điệp cũng đã làm cho thơ Mông trở nên dàn trải, thiếu sự cô đọng cần thiết. Đây cũng chính là một trong những hạn chế của những bài thơ chịu ảnh hưởng quá nặng nề của hình thức dân ca. Tuy nhiên, nó có vẻ lại là món ăn “hợp khẩu vị” của người Mông ở khả năng hành dụng hát không cần phổ nhạc. Vì thế mà những bài thơ của Hùng Đình Quý, Giàng A Páo... từ trước tới nay vẫn được nhiều người Mông ưa thích.
Bên cạnh xu hướng kết cấu thơ chịu ảnh hưởng của lối thơ ca truyền thống, thơ ca Mông còn mang những đặc điểm của lối cấu trúc thơ ca hiện đại. “Nếu so với dân ca dân tộc thiểu số thì thơ hiện đại dân tộc thiểu số đã có một bước nhảy vọt về nội dung tư tưởng và nghệ thuật thể hiện” [97, tr59]. Điều này thể hiện rõ trong việc dồn nén câu chữ, đặc biệt là cách gieo vần, ngắt nhịp trong các câu thơ, bài thơ. Trước hết, sự cô đọng thể hiện ở nhan đề các bài thơ. Nếu như giai đoạn trước năm 1975, thơ Mông thường chỉ có nội dung dàn trải, giọng điệu giãi bày, kể lể; tên các bài thơ thường dài (chẳng hạn, các bài thơ “Mặt trời, mặt trăng và Bác Hồ” của Sùng Nhìa Tú; “Ánh đuốc trên đỉnh Vần Chải” của Hùng Đình Quý; “Chim Câu kỉ Giàng gọi mùa” của Giàng A Của, “Núi mọc trong mặt gương” của Mùa A Sấu …) thì thơ Mông sau 1975 thiên về những bài thơ ngắn với cách đặt tiêu đề cũng rất cô đọng, chắt lọc. Tập “Mã A Lềnh thơ” (2002) gồm 42 bài thơ, trong đó, xuất hiện tới 22 bài thơ nhan đề chỉ có  từ một đến hai chữ. Bài thơ có tiêu đề dài nhất cũng chỉ có bốn chữ. đặc biệt xuất hiện những bài thơ tứ tuyệt mà gần như chưa bao giờ xuất hiện trong thơ Mông trước đây. Thậm chí có những bài thơ nhỏ chỉ có hai câu (“Nhà văn”, “Thực tế”, “Văn”, “Thơ”, “Truyện ngắn”, “Trường ca” - gần như là những định nghĩa riêng, độc đáo trong “chùm thơ đạo nghiệp” của Mã A Lềnh).
Thể loại lục bát là một hình thức kết cấu gần như "độc quyền" phổ biến của thơ ca dân tộc Kinh, đã được sử dụng khá thành công trong thơ của các dân tộc thiểu số khác từ sau Cách mạng tháng Tám - cũng đã xuất hiện trong thơ hiện đại của dân tộc Mông một cách khá nhuần nhuyễn:
Lương hưu đầu tháng lĩnh rồi
Đưa em nguyên vẹn. Em cười cất đi
(Hưu - Mã A Lềnh)
Thậm chí, có những bài thơ mà cấu trúc thể loại lục bát đã được cách điệu, tạo nên cách ngắt nhịp mang dấu ấn nghệ thuật hiện đại khá rõ:
Tuyết buông
                         nhoà trắng
                                    góc trời
Sương sa trên má
                                      một người                  
                                                vợi xa
Cánh chim chấp chới
                                            chiều tà
Thinh không
                        lá rụng
                                           vỡ oà
                                                    hoàng hôn
(Chiều xưa - Mã A Lềnh)
Cách ngắt nhịp theo kiểu chẻ nhỏ các câu thơ, “đánh rơi” từng con chữ hay lối thơ bậc thang từng xuất hiện trong thơ của Nguyễn Vĩ trong phong trào Thơ Mới cũng được các tác giả người Mông như: Mã A Lềnh, Mã Ngân Hà sử dụng,cũng không thể nói là không có những hiệu quả nghệ thuật nhất định:
Đường con đi phía trước
                                                       bắt đầu
                                                                       từ
                                                                              CHA
     (Cha - Mã Ngân Hà)
Có giọt đau nào
                                              trót
                                             sa
                                                              nơi
                                                                    ngực
                                                                rồi                                                                                     phải không cha?
 (Với cha - Mã A Lềnh)
Thậm chí, thơ văn xuôi là một biến thể đặc biệt của thơ trữ tình cũng đã được các nhà thơ Mông sử dụng với sự bộc lộ, tuôn chảy mãnh liệt của cảm xúc: Tôi chợt vô ý nước mắt chan ra say đắm lang thang một mình đứng xem các bạn Chăm say sưa với điệu dân ca dân vũ suốt ngàn năm sương rừng gió núi và hoàn thiện qua bấy nhiêu năm ánh sáng cách mạng soi đường (Từ Vân Hồ 86 - Mã A Lềnh)...
Có thể nói, các nhà thơ dân tộc Mông thời kì hiện đại đang kiên tâm bền bỉ trên hành trình đổi mới cho thơ, với những mong ước rất đáng trân trọng là để thơ dân tộc Mông tạo nên một nguồn mạch mới, bắt nhịp và chan hoà vào dòng chảy chung của thơ ca hiện đại các dân tộc thiểu số nói riêng và thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung.
Tư duy nghệ thuật của nhà thơ một mặt bắt nguồn từ thực tiễn đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc, một mặt là do sự từng trải và vốn tri thức văn hoá mà nhà thơ qua quá trình học hỏi, rèn luyện mà có được. Cũng như thơ ca của các dân tộc khác, thơ ca thời kì hiện đại của dân tộc Mông đã phản ánh một cách tư duy, cách diễn đạt mang đậm dấu ấn văn hoá của dân tộc mình. Nhà thơ Chế Lan Viên nhận xét: “Thơ HMông có yếu tố của tình cảm, có yếu tố của bản năng. Nhưng thơ HMông cũng diễn tả suy nghĩ. Trong thơ HMông có yếu tố rất rõ của lí trí. Người HMông là người muốn biết rõ lí lẽ phải trái, nguyên nhân vì đâu” [132]. Một nét đặc trưng trong cách tư duy, diễn đạt của người Mông là cách nói hình ảnh bằng thứ ngôn ngữ giàu tính tạo hình mang ý nghĩa triết lí - cái triết lí của người Mông. Người Mông sống vui vẻ lạc quan là vậy, nhưng cũng có nhiều lúc suy tư chiêm nghiệm về cuộc đời - nhất là cuộc đời trong xã hội cũ: “Đời người như bóng râm từ từ ngả bên đồi”, “Đời người như củ cải phơi nắng/Già cứ dần trẻ lại qua mau” (dân ca Mông). Cuộc sống khắc nghiệt qua những cuộc thiên di từ trong quá khứ đau thương của lịch sử dân tộc đã đúc kết cho người Mông một chân lí mới mẻ mà giản dị: “Ở đâu có bầu trời, đó là Tổ quốc”. Sự lựa chọn cuộc sống ở thế cheo leo trên những đỉnh núi là một sự lựa chọn mang nhiều ý nghĩa, vì chỉ ở đó, người Mông mới có cảm giác của sự bình yên, của sự tự do. Với họ núi cao, đá tảng chính là: “Chiếc nôi êm giữa non ngàn”. Những câu thơ mang tính triết lí trong các sáng tác của dân tộc Mông thường là “những hình ảnh thấm thía, bắt người đọc phải suy tư và tự lí giải. Những triết lí thường không dễ dãi, không quen thuộc. Đó là những khám phá, sáng tạo của nhà thơ” [101, tr18].
Người Mông thật thà, cả tin nhưng cũng rất tỉnh táo, nhìn nhận sự việc không chỉ bằng trái tim mà bằng cả lí trí. Đạo “Vàng Chứ” lan tràn trong các vùng của người Mông một cách ồ ạt trước đây không phải chỉ có nguyên nhân từ niềm tin mù quáng, mà một phần do thực tế khắc nghiệt của cuộc sống đặt ra: Môi trường thiên nhiên của người Mông đã bị tàn phá; thiên nhiên không còn ưu ái nhiều cho họ nữa, đời sống bấp bênh. Niềm tin đôi khi là cứu cánh cuối cùng của sự giải thoát. Nhưng không phải không có những người Mông đã nhận ra điều sâu xa này: “Người rước đạo về lừa ta/Là kẻ muốn ta hết giống/Người đem đạo về dối mình/Là kẻ muốn ta tiệt gốc”, hay: “Người ta khen người ta sức khoẻ/Người Mông khen người Mông lợn béo” để rồi thực tế “Lợn béo không thấy/Chỉ thấy mê li chén rượu cồn/Lại còn toan tính theo đường Vàng Chứ luôn”. Những nhà thơ Mông là những người đi tiên phong trong cuộc chiến chống hủ tục lạc hậu, chỉ ra những niềm tin mù quáng trong đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc mình. Nhà thơ người Mông giảng giải, phân tích cặn kẽ, chí lí, chí tình để làm cho những người Mông nhẹ dạ, cả tin có nhận thức đúng: “Người ta lừa rằng/Theo Vàng Chứ không làm cũng có ăn/Thách các người cứ thử đợi?Nếu đúng như vậy/Tôi xin đi bằng đầu xuống đất!”. Một lẽ giản đơn, người Mông rất coi trọng tổ tiên, ông bà - vậy mà những người theo đạo “Vàng Chứ” đang tâm phá bỏ bàn thờ tổ tiên. Nhà thơ Mông khẳng định như một chân lí: “Người Mông nếu không còn tổ tiên ông bà/Dù cho còn sống tròn đôi mắt/Cũng chẳng khác chi con ngươi bị mù loà"!...
Để bộc lộ suy nghĩ, tình cảm một cách chí lí, chí tình như vậy, các nhà thơ Mông đã sử dụng khá nhiều thủ pháp nghệ thuật, trong đó phổ biến hơn cả là các biện pháp so sánh, nhân hoá, ẩn dụ … Đó cũng chính là các thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của thơ ca nói chung, của thơ Mông nói riêng. Chỉ có điều cách so sánh, đối tượng so sánh, hình ảnh mang tính ẩn dụ, nhân hóa... trong thơ Mông là khác - mang đậm tính dân tộc của mình.
Trong thơ Mông hiện đại xu hướng sử dụng liên tiếp nhiều hình ảnh để biểu đạt sự so sánh, ví von là khá phổ biến. Chẳng hạn, để nói về cuộc sống bi thảm của người Mông trong xã hội cũ, nhà thơ Mông sử dụng hình ảnh “Như con ma không mẹ cha ăn của thừa”, “Như con ma mồ côi chăn trâu người”; ca ngợi cuộc sống đổi mới, nhà thơ Mông sử dụng những hình ảnh liên tiếp “khác nào rắn xanh lột da”, “khác nào măng mai lột bẹ”... Các hình ảnh so sánh, ví von trùng điệp này tạo cho vấn đề được biểu đạt vừa cụ thể hơn, vừa sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, các thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, nhân hoá cũng thường xuyên được sử dụng và sử dụng rất có hiệu quả trong thơ Mông hiện đại. Ví dụ muốn nói lên nạn mù chữ, thất học là nguyên nhân của sự đói nghèo, thơ Mông dùng cách nói hình ảnh “cái miệng muốn ăn/Nhưng tay chẳng với tới”; còn nói về niềm vui hạnh phúc các nhà thơ Mông đã diễn đạt bằng những hình ảnh mới lạ và độc đáo: “Bò đực biết đẻ con”, “đá nở hoa, hang sai quả”.v.v...
Tuy nhiên, thơ Mông còn bộc lộ những hạn chế nhất định, khó tránh khỏi do đặc điểm tâm lí tộc người và khả năng, trình độ nhận thức tư duy thơ của dân tộc cũng như của từng cá nhân mỗi nhà thơ. Đó là tính đơn giản, đơn nghĩa trong cách phản ánh hiện thực và trong cách diễn đạt câu thơ; sự lặp lại của những yếu tố cả về nội dung và hình thức nghệ thuật đã làm cho thơ Mông đôi khi trở nên cũ kĩ, sáo mòn. Thơ hiện đại Mông thiên về tả, kể nhiều hơn gợi; tính khái quát, tính đa nghĩa, đa thanh hạn chế (những tính chất vốn rất cần thiết của thơ hiện đại); Một số bài thơ còn gượng ép trong cách nghĩ, cách viết, bộc lộ những non kém cả về việc thể hiện nội dung và hình thức nghệ thuật. 
Trên hành trình đến với những giá trị đích thực của thơ ca, các nhà thơ dân tộc Mông đã có những cố gắng không mệt mỏi, bằng đam mê và sáng tạo để đưa thơ hiện đại dân tộc Mông lên một tầm cao mới, với một vị thế mới trong nền thơ các dân tộc thiểu số nói riêng và thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung; đưa tiếng nói thơ ca của người Mông hoà vào tiếng nói thơ ca của các dân tộc anh em khác. Trong nỗ lực đó, thơ Mông thời kì hiện đại đã thể hiện được những nét đặc trưng riêng trong tư duy nghệ thuật, trong ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ, trong cấu trúc thơ và trong cách diễn đạt ý thơ.
Thơ Mông thời kì hiện đại là một thứ thơ chân mộc, giản dị. Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh và nhạc điệu. Cấu trúc thơ vừa chịu ảnh hưởng của cấu trúc thơ ca truyền thống dân tộc Mông, vừa phát triển theo xu hướng cấu trúc thơ hiện đại. Lối tư duy, cách biểu đạt vừa gần gũi với cách nghĩ, cách cảm, cách diễn đạt của người dân tộc thiểu số, vừa bộc lộ rõ đặc trưng bản sắc của dân tộc Mông. Các nhà thơ Mông đã không ngừng sáng tạo, tự đổi mới cho thơ, làm cho thơ Mông ngày càng tiệm cận những chuẩn mực khắt khe về giá trị nghệ thuật của thơ ca đương đại.
 Mặc dù còn bộc lộ những hạn chế nhất định do những yếu tố khách quan và chủ quan chi phối, thơ ca thời kì hiện đại của dân tộc Mông cũng đã bước đầu khá thành công trong việc khắc hoạ bức tranh thiên nhiên, con người và cuộc sống đa sắc màu và độc đáo của dân tộc Mông; khắc hoạ được diện mạo và bức chân dung tinh thần của dân tộc Mông - một dân tộc còn ẩn chứa bao điều kì diệu trong tâm hồn, trong lối tư duy đậm bản sắc dân tộc của mình.
Trần Thị Việt Trung - Nguyễn Kiến Thọ
Theo http://www.vanhocviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...