Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Thanh Tịnh - Thi nhân Việt Nam

Thanh Tịnh
Họ Trần. Sinh ngày 12 Décembre 1913 ở làng Dưỡng Nỗ (Thừa Thiên). Học: trường Đông Ba, trường Pellerin (Huế).
Đã viết giúp : Phong hóa, Ngày nay, Hanoi báo, Tiểu thuyết thứ năm, Tinh hoa,…
Đã xuất bản: Hận chiến trường (1936).
Xem thơ Thanh Tịnh, cái cảm giác trổi nhất của tôi là thấy một cái gì cứ dàn trải, dàn trải hoài mà lại lỏng. Có lẽ là một mặt hồ. Cũng chưa đúng. Hồ còn có bờ, có hình nhất định. Ở đây không có bờ, và nước - âu cũng phải goị là nước - cứ chảy tràn lan. Những cảnh sắc in hình trên mặt nước vẫn thường thay đổi; có khi là một cây liễu rũ, cũng có khi là một lũy tre. Nhưng cảnh sắc dầu có khác, bao giữ cũng chỉ ngần ấy nước mà thôi. Có một lần người ta bỗng thấy trên mặt nước dựng lên một lâu đài xương máu, nhưng khi người ta tới nơi, nó lại biến đâu mất. Thì ra một ảo cảnh.
Kể chỗ này cũng trống trai. Hình như đằng xa kia có vài ngọn núi. Nhưng đây vẫn là nơi hò hẹn của những ngọn gió bốn phương. Mỗi lần gió đến, mặt nước không buồn cưỡng, cứ tự nhiên lướt theo chiều gió. Có khi người ta còn thấy nó vươn mình lên cho ngang tầm gió, tưởng chừng như nó muốn hóa thân làm gió. Nhưng gió qua lại thôi và rồi nó cũng giữ được cái mềm mại, cái ẩn ước là bản sắc của nó.
Septembre 1941
Mòn mỏi
Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mờ
Xa nhìn trong cõi trời mây
Chị ơi em thấy một cây liễu buồn
Bên rừng em hãy lặng nhìn xem
Có phải chăng em ngựa xuống đèo
Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi
Trên mình ngựa hí, lạc vang theo
Bên rừng ngọn gió rung cây
Chị ơi con nhạn lạc bầy kêu sương
Tên chị ai réo giữa chiều
Phải chăng em hỡi tiếng chàng kêu
Trên giòng sông lặng em nhìn thư?
Có phải chăng chàng của chị yêu
Sóng chiều đùa chiếc thuyền nan
Chị ơi con sáo gọi đàn bên sông
Ôi kìa bên cõi trời Đông
Ngựa chàng còn ruổi dặm hồng xa xa
Này em ơi lẳng lặng nhìn
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống
Chị sợ bên sông bóng ngựa chìm
Ngựa hồng đã đến bên hiên
Chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người
(Tinh hoa)
Tơ trời với tơ lòng
Còn nhớ hôm xưa độ tháng này
Cánh đồng xao xác lá đùa cây
Vô tình thiếu nữ cùng ta ngắm
Một đọan tơ trời lững thững bay
Tơ trời theo gió vướng mình ta
Mỗi khắc bên nàng nhẹ bỏ qua
Ngiêng nón nàng cười, đôi má thắm
Ta nhìn vơ vẩn áng mây xa
Tìm dấu hôm xưa giữa cánh đồng
Bên mình chỉ nhận lúa đầy bông
Tơ trời lơ lửng vươn mình uốn
Để nối duyên mình với... cõi không.
(Phong hóa)
 Phạm Hầu
Con quan nguyên thượng thư Phạm Liệu. Sinh ngày 2 Mars 1920 ở Trừng Giang, phủ Điện Bàn (Quảng Nam). Học trường Quốc học Huế, trường Mỹ thuật Hà Nội.
Đã đăng thơ: Tao đàn, Mùa gặt mới
Lần đầu tôi xem thơ Phạm Hầu trên tạp chí "Tao đàn", những bài thơ in bằng thứ chữ chắc chắn, đậm nét. Lần ấy tôi bỏ qua. Hôm nay đại khái cũng những bài thơ ấy tôi lại thích. Sự thay đổi đó tôi tin rằng một phần cũng vì những bài tôi xem hôm nay đều do tác giả chép bằng một lối chữ khác hẳn lối chữ Tao đàn ngày trước. Những chữ mảnh khảnh, nhỏ nét, nằm trên trang giấy như còn e thẹn, ngập ngừng. Lối chữ này đã giúp tôi hiểu Phạm Hầu dễ dàng hơn. Ở đời có những người nói to bước vững. Phạm Hầu quyết không phải trong hạng ấy. Ở giữa đời Phậm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi. Người còn mải sống với mình và con người ta trưởng không có gì là một người vô vạn. Lòng người là một vọng hải đài, người chỉ việc đứng trên đài lòng mà nghắm: Qua lại thiếu gì mây sớm gió chiều. Một buổi trưa bình yên người thấy:
Có cái gì chuyển thay đây với đó,
Một cái gì lên xuống mãi không thôi.
Lắng càng lâu càng nghe mãi xa xôi...
Một tiếng nhẹ trong tiếng nào nhẹ nữa.

Cho đến khi yêu, người vẫn ưa nhìn lòng mình hơn nhìn nhan sắc người yêu:
Gặp tình cờ song chẳng biết vì đâu.
Chân em trắng vậy mà lòng anh lạnh.
Cái màu trắng kia tưởng ở trong lòng người thơ nhiều hơn là trên chân người đẹp.
Thơ như thế mà in ra bằng một thư chữ chắc chắn, rõ nét thì thực lệch lạc cả. Hồn thơ là một cái gì rất mong manh, có khi chỉ một tí cũng đủ làm tiêu tan hết. Không lẽ mỗi bài thơ - không, mỗi câu thơ - in một thứ chữ, nhưng phải như thế mới có nghĩa.
Octobre 1941
Chiều buồn
Tôi đã dám cầu xin hai giọt lệ
Trên mi nàng huyền bí vẻ say mê.
Cho điệu buồn man mác tự đâu về
Ddưa ngọn cỏ theo chiều mây lặng lẽ.
Cho tôi được nghiêng kề nàng thỏ thẻ
Vì lời yêu rên siết ẩn trong tôi
Chỉ khi buồn may mới thoáng qua thôi
Mà hương lệ đó là trang sổ quí.
Buồn len lỏi trên đầu cây thi vị
Gieo lệ vàng trên ngấn nắng chiều trôi;
Tôi kề nàng môi chạy kiếm làn môi,
Lời tôi lặn trên môi nàng rúng đô.ng.
Yêu đường đến tất cả chiều mơ mộng
Buồ n nhẹ nhàng trong làn gió thu không,
Buồn mơn man trên đầu tóc rối bòng
Và vơ vẩn bên đôi người vô tội
Nàng và tôi, nhánh sầu chung rẻ cội,
Kề vai tôi khi lệ với chiều rơi,
Khi giọt vương âu yếm nhỏ lên người,
Nàng và tôi là hai giòng lệ nối.
(Tao đàn)
Vọng hải đài
Chẳng biết trong lòng ghi những ai?
Thềm son từng dội gót vân hài.
Hỡi ôi! Người chỉ là du khách
Giây phút dừng chân vọng hải đài.
Cơn gió nào lên có một chiều
Ai ngờ thổi tạt mối tình kiêu
Tháng ngày đi rước tương tư lại
Làm rã chân thành sắp sửa xiêu.
Trống trải trên đài du khách qua
Mây ngày vơ vẩn, gió đêm là
Muôn đời e hãy còn vương vấn
Một sắc không bờtrên biển xa.
Lòng xiêu xiêu, hồ n nức hương mai.
Rạng đông về thức giấc hoa nhài.
Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chàng biết xa lòng có những ai?
(Tao đàn)
 Xuân Tâm
Chính tên là Phan Hạp. Sinh ngày 1 Janvier 1916 ở làng Bảo An, phủ Diện Bàn (Quảng Nam). Học: trường Chaigneau, trường Quốc học (Huế) có bằng thành chung. Hiện làm việc ở sở Kho bạc Tourane.
Đã đăng thơ: Tân Văn, Sông Hương
Đã xuất bản: Lời tim non (1941)
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.
Tôi không rõ Xuân Tâm, người học trò Quảng ấy, có phải lòng một cô gái Huế không? Nhưng cảnh Huế cũng là một cô gái và cô gái này đã quyến rũ lòng non trẻ của Xuân Tâm.
Mặc dầu cảnh Huế cơ hồ Xuân Tâm không nói đến, không khí sông Hương núi Ngự vẫn mang mác trong thơ Xuân Tâm. Tìm kiếm Xuân Tâm hoài , tôi chỉ thấy một ít Xuân Diệu, một Huy Cận không buồn mênh mông, một xứ Huế không có cái bâng khuâng của Phan Văn Dật, cái vẻ tài hoa của Nguyễn Đình Thư, cái dáng non yếu của Mộng Huyền, cái vẻ ngây thơ của Thu Hồng cái ẩn ước của Thanh Tịnh. Huế ở đây trong sạch đứng đắn và nhất là có chừng mực. Nhà văn sĩ Pháp Pujarniscle viết về Huế có câu: "Thành phố mỉm cười khi thương đau, thở than khi vui vẻ".
Quả có thế. Vui hay buồn ở Xuân Tâm đều có vẻ dịu dàng vừa phải. Ta hãy xem khi người buồn:
Đám cưới người ta vui vẻ nhỉ;
Pháo tràng gieo đỏ, tiệc liên miên;
Riêng tôi đi tránh, buồn và nghĩ:
- Cảnh ấy nào đâu phải cảnh tiên...
và khi vui:
Thấy chiều, hớn hở tôi ra đón
Như đứa trẻ con thấy mẹ về.
Chiều buồn, chiều đẹp, chiều mơn chớn,
Chiều ru êm ái khúc lòng tê.
Vui hay buồn cũng phảng phất như nhau.
Còn khi Xuân Tâm giận dữ thì thực... buồn cười: người như Xuân Tâm có lẽ không giận dữ được. Người mến tình yêu, ghét dục vọng. Muốn giữ vẻ thiêng liêng cho tình yêu, người hung hăng quát tháo: 
Ôi khốn nạn! Ôi điên rồ! Giận tức!
Đuổi đi mau Xác thịt, đuổi đi mau!
Dắt nó ra, ném nó xuống lầu
Đẹp đẽ và nguy nga tình Yêu mến...
Tôi tưởng tượng cái cười ranh mãnh của Xác thịt, trong khi bị nhà thơ đuổi. Nó biết cái người hét nhiều và nói nhiều ấy chỉ tức giận vờ, và đã ân cần bảo " dắt nó ra" thì chẳng có gan nào ném nó đi đâu!
Đứng trước cuộc đời, Xuân Tâm có vẻ dè dặt. Cảnh trời hay tình người, Xuân Tâm chỉ muốn hưởng ở xa xa. Có khi mơ tưởng cảnh Đế thiên, người thấy những tượng dá thử thách Thời gian. Nhưng Thời gian chịu thua:
Mua không tuôn, gió lặng, sấm không vang,
Trời nhạt nhạt sắp buông lời thân thiện...
Ấy bất cứ đề gì lời thơ vẫn một giọng nhẹ nhẹ, êm êm. Nó chậm chậm đi vào hồn ta như một buổi chiều Xuân Diệu.
Octobre 1941
Xa lạ
Chân ngắn quá không đi cùng trái đất
Để mắt nhìn cảnh lạ trải bên đường.
Hãy bằng lòng tấm tranh đóng trên tường
Và hình ảnh muôn màu in lá sách.
Mùi giấy mới thơm tho và trong sạch
Thế hương hoa ngào ngạt chốn xa vời...
Đây con tàu lướt sóng giữa mù khơi,
Mang với nó vui mừng hay chán nản;
Nơi quê cũ, đứng trên bờ hải cảng,
Có tình lang trông ngóng quả tim yêu;
Mỗi chấm đen là hy vọng ít nhiều,
Mỗi làn khói là một trời luyến ái...
Đây băng tuyết, giữa mùa đông tê tái,
Rơi, rơi, rơi ... và bao phủ đồng quê;
Con đường làng hiu quạnh ngủ say mê,
Cây trắng xóa, cửa nhà đều trắng xóa...
Người ta tưởng lạc loài vào đồng mả,
Chung quanh mình vây kín bức màn tang...
Đây hoàng hôn. Vài tia nắng gần tàn
Còn sáng sót trên đồi cay xanh đậm;
Lũ xe gỗ nặng nề bò chậm chậm
Chở nho về. Mấy thiếu nữ xinh tươi,
Chân bước theo và môi nở nụ cười,
Đôi má chín hơn buồng nho chín thắm...
Đây dòng suối reo cười. Đua lội tắm,
Đoàn tiên nga để lộ tấm thaan ngà;
Nước hôn chân... Sương thoa phấn màu da,
Hoa cỏ mởn tranh nhau cài mái tóc...
Cặp ngỗng trắng xinh xinh như bạch ngọc
Ngẩng cổ nhìn, say đắm đẹp thần tiên...
Đây nghênh ngang, pho tượng đá Đế thiên
Lăn tròng mắt tròn xoe, đang đố thách
Thời gian thử gội phai màu cẩm thạch,
Nhưng thời gian khuất phục muốn xin hàng;
Mưa không tuôn, gió lặng, sấm không vang,
Trời nhạt nhạt sắp buông lời thân thiện...
... Bao cảnh ấy trong trí tôi hiển hiện,
Nổi bật lên trước mắt nhắm lờ đờ
Mỗi khi thèm xa lạ, tôi ngồi mơ,
Và mở cửa thả hồn đi du lịch...
(Lời tim non)
Nghỉ hè
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ !
Một tiếng nói, trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi, chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.
Trong khoảnh khắc, sách bài là giấy cũ.
Nhớ làm chi, thầy mẹ đợi, em trông.
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông,
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.
Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót,
Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui.
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi,
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
(Lời tim non)
 Thu Hồng
Sinh ngày 19 Juillet 1922 ở Tourane. Chánh quán: làng Thần Phù, huyện Hương Thuỷ (Thừa Thiên). Học: trường Tourane, trường Đồng Khánh, Huế.
Đã xuất bản: Sóng thơ (1940).
Người ta vẫn nói giọng huế phải nghe từ miệng con gái Huế mới có duyên. Lần thư nhất trên thi đàn ta được nghe giọng một người con gái Huế, mà lại là một con người trong Hoàng tộc: Tôn nữ Thu Hồng.
Giá Thu Hồng chịu làm những câu trơn tru mà trống rỗng, chắc chẳng khó gì. Ai mà không làm được những câu trơn tru, trống rỗng? Nhưng người có cái ý muốn rất đáng quý là diễn đúng hình dáng riêng của hồn mình. Có phải vì thế mà giọng nói của người có vẻ ngọng nghịu rất ít có trong thơ ta. Ngọng nghịu khi ôn lại quãng đời thơ ấu đã đành; ngọng nghịu cả những khi ca ngợi cảnh trời:
Cảnh đẹp cứ dàn thêm bước
Lời ngợi khen mỗi phút lại thay thay.
Những tình ý người lớn trong giọng nói trẻ con ấy thực dễ thương.
Thực ra Thu Hồng cũng chỉ trẻ con ở cái giọng. Khi người ta muốn sống hoài trong thời thơ ấu, hẳn người ta không còn thơ ấu nữa. Người thiếu nữ ấy đã biết tình yêu là "mầm chán nản" và người ước ao:
Mầm chán nản chớ len vào niên thiếu,
Chớ len vào sớm quá, tội em mà!
Em chầm chậm để mong còn xa mãi;
Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái;
Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua.
Ta tưởng nghe nhưng lời Xuân Diệu. Nhiều chỗ khác cũng xui ta nghĩ đến Xuân Diệu, nhất là khi Thu Hồng băn khoăn muốn cắt nghĩa tình yêu. Bốn câu thơ của người không bóng bẩy nhưng cũng thật thà dễ thương:
Chỉ biết hôm xưa, một buổi chiều,
Cùng người trò chuyện chẳng bao nhiêu.
Người đi, tôi thấy sao mong nhớ!
Và cảm quanh mình nỗi tịch liêu.
Xem thơ Thu Hồng, tôi còn nghĩ đến vài người nữa, nhất là Nam Trân. Thu Hồng đã học được của Nam Trân cái lối ghi chép những hình sắc xứ Huế và ngòi bút của nữ sĩ đã vẽ nên đôi bức tranh nho nhỏ, có lẽ chưa được nổi nhưng có một vẻ linh hoạt riêng:
Đêm, trăng rạng rỡ soi
Thuyền ai thong thả trôi
Đàn hát chảy theo nước,
Không gian bỗng nô cười!
Ở xứ này, nói đến những thiếu nữ làm thơ người ta thường mỉm cười. Hình như thơ là một cái gì to chuyện lắm. Thu Hồng đã tránh được cái mỉm cười mỉa mai ấy vì người rất bình dị, rất hồn nhiên không lúc nào ra vẻ muốn làm to chuyện.
Septembre 1941
Tơ lòng với đẹp
Kìa trăng vỡ trong hồ khi nước động,
Sóng lao xao lấp loáng, ánh xa ngời.
Và búp hoa nghểnh dậy đón hương trời,
Cây tuôn bóng, lửng lơ, đò chẳng lướt!
Cảnh đẹp cứ dàn thêm bước bước,
Lời ngợi khen mỗi phút lại thay thay.
Tơ lòng với đẹp đêm nay
Rộn ràng thổn thức vì say nhiệm màu.
(Sóng thơ)
Êm đềm
Hồi tưởng nhiều mai dưới ánh dương,
Em vừa tỉnh giấc, dậy bên giường,
Mẹ em đôi mắt đầy âu yếm
Vây bọc chim khua, rộn giấc hường.
Vạn buổi êm trời, dịu mát hương,
Chưa bằng đôi mắt chứa yêu đương !
Mẹ hiền tựa cửa khi chờ ngóng,
Em thấy lòng vui lướt dặm đường.
Cũng có nhiều đêm gió rít vang,
Mẹ em ốm nặng thức trong màn,
Em ngồi mơ sách người xưa ước,
Nếu có thì em cũng ước tràn.
Nếu có thì em: ước mẹ lành,
Cha cho nhiều bánh với nhiều tranh,
Cây me cao quá bên vườn bắc,
Nghiêng xuống cho em bẻ một cành.
Có lắm hoàng hôn, mải cợt đùa,
Quên rằng bải bể sóng chiều khua,
Và nhà cơm đợi, chờ em vắng,
Em sắp hàng năm để chạy đua.
Rồi đến trăng nhô mới vội về,
Cha cười, song cũng chi roi đe:
" Mai mà chơi chậm thì con liệu,
Sắm sửa vài mo để đón che."
Ai có như em, một ấu thời ?
Đi tìm bướm bắt để nuôi chơi,
Búp bê đem tắm hơ cho ấm,
Lửa bén vèo !thôi cháy mất rồi.
Rỏ là em cũng quá lôi thôi,
Ai chả còn ghi quảng ầu thời,
Đằng đảng đường trường cơn gió bụi
Duy còn ôn lại những ngày vui.
(Sóng thơ)
Mảnh hồn thơ
Em muốn thơ em hoàn toàn vui,
Đừng sầu lá rụng, khóc hoa rơi,
Đừng than thở, tiếc ngày qua chóng.
Ước nguyện đành không đạt nguyện rồi!
Ô hay! đâu thoát khỏi triền miền,
Hồn lặng trong mê, ý dậy phiền.
Đời ít khi vui, hoài cảm xúc,
Thương sen lẫn lộn sống bên bùn . . . 
Cho nên nhiều lúc, muốn thơ cười,
Chợt nghĩ quanh mà bút không bỗn rời!
Ôm mảnh hồn thơ, đường oán hận,
Em dùng thổn thức, dãi nên lời.
(Sóng thơ)
 Nam Trân
Chính tên là Nguyễn Học Sỹ. Sinh ngày 15 Février 1907 ở làng Phú Thứ Thượng, Huyện Đại Lộc (Tỉnh Quảng nam). Học chữ Hán đến năm 12 tuổi và đã tập làm những lối văn trường ốc. Sau học trường quốc học Huế, trường Bảo Hộ Hà nội. Có bằng Tú tài bản xứ. Hiện làm: Tham tá toà khâm sứ Huế.
Đã đăng thơ: An nam tạp chí, Phong hoá, Tràng an.
Đã xuất bản: Huế, Đẹp và thơ, Tập đầu (1939).
Huế đẹp, Huế nên thơ. Ai chẳng nói thế? Ai chẳng thấy thế? Nhưng sao hình ảnh Huế trong thi ca lại tầm thường thế? Có lẽ cảnh Huế huyền diệu, quá mơ màng khồn biết tả thế nào cho thoát sáo. Cũng có lẽ ngắm cảnh Huế, Người ta khó tránh được cái buồn vơ vẩn đó là khí vị riêng của của xứ này và lòng người ta không đủ thản nhiên để ghi lấy hình sắc riêng của mỗi vật. Kể có ít câu của Thu Hồng và hai câu này của Quỳnh Giao cũng được:
Một hàng tôn nữ cười trong nón.
Sông mở lòng ra đón bóng yêu.
Nhưng tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân. Nam Trân không rơi vào khuôn sáo là vì người không mơ màng cũng không buồn vơ vẩn. Ở Huế mà ghét Nam Ai, nội chừng ấy cũng đã lạ. Người chỉ thản nhiên nhìn cảnh vật chung quanh và ghi lại những nét già dặn.
Thơ Nam Trân thường mỗi bài là một bức tranh nhỏ trong ấy thế nào cũng có ít điều nhận xét đặc sắc. Thỉnh thoảng người cũng ghép vào trong cảnh một ít tình. Nhưng đầu người có nói đến tình yêu, lời thơ vẫn mực thước, vẫn không mất vẻ thiên nhiên. Điều ấy thấy ngay ở bài đầu quyển "Huế, Đẹp và Thơ": một mẩu cảnh xinh xinh, một chút tình phảng phất trong những vần nhịp nhàng và lặng lẽ như giòng Hương Thuỷ trong veo. "Sóng lòng" thi nhân có xao động cũng chỉ trong khoảng khắc nhưng mặt nước sông kia mà thôi. ý thơ nhẹ nhàng, điệu thơ uyển chuyển. Ta nên để ý bài thơ này sáu câu trên thất ngôn mà bốn cau dưới lục bát. Thất ngôn tả vẻ thản nhiên của người đẹp, lục bát tả chút xao động trong lòng người thơ. một cảnh hai tình, nên thơ cũng một bài hai điệu.
Về âm điệu, thơ Nam Trân thực dồi dào. Thi nhân không theo điệu nào nhất định. Trước mỗi cảnh, mỗi tình, người lại cố tạo ra một điệu thơ thích hợp. Câu thơ luôn luôn biến hoá: số chữ thay đổi từ một đến mười. Điệu thơ đó là điều tối quan hệ với Nam Trân; người luôn luôn tìm kiếm, vì người nghĩ rằng chỉ có người mới chịu nằm hoài trong một khuôn khổ.
Những điệu thơ cũng như ý thơ, ở Nam Trân, đều là kết quả của sự đắn đo kỹ lưỡng, sự suy tính siêng năng. Nam Trân luôn luôn tự chủ ngòi bút của mình một cách chắc chắn, không bao giờ phóng cho nó đi theo những nhạc điệu âm thầm một đôi khi vẫn thao thức trong lòng ta.
Cho nên muốn thưởng thức thơ Nam Trân ta cũng phải luyện lây tâm trí cho bình thản. Hãy xếp thơ Nam Trân lại những lúc lòng ta có chuyện xôn xao.
Lối thơ tả chân vốn xưa ta không có. đây đó rải rác cũng nhặt được đôi câu, nhưng đến Nam Trân mới biệt thành một lối. Nam Trân đã tìm ra được một khoảnh đất mới và ở đó người ta đã dựng nên - ý chừng để sát nhập làng thơ Việt - cái cảnh núi Ngự sông Hương.
Thiết tưởng vị tình láng giềng đất Quảng Nam không thể gửi ra xứ Huế món quà nào quý hơn nữa: lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ.
Octobre 1941
Đẹp và thơ
(Cô gái Kim-luông)
Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng,
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo.
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo.
Thuyền qua đến bến; cô lui lại,
Vẩy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo.
Đăm đăm mắt mỏi vì chèo
Chèo cô quấy nước trong veo giữa dòng.
Biết không? Cô hỡi, biết không?
Chèo cô còn quấy, sóng lòng còn xao!
(Huế, Đẹp và Thơ)
Huế, ngày hè
Lửa hạ bừng bừng cháy,
Làn ma trốt trốt bay.
Tiếng ve rè rè mãi
Đánh đổ giấc ngủ ngày.
Đường sá ít người đi,
Bụi cây lắm kẻ núp,
Xơ xác quán nước chè,
Ra vào người tấp nập.
Phe phẩy chiếc quạt tre,
Chú nài ngồi đầu voi
Thỉnh thoảng giơ tay bẻ
Năm ba chùm nhãn còi.
Huê phượng như giọt huyết,
Giỏ xuống phủ lề đường.
Mặt trời gay gay đỏ
Nhuộm đỏ góc sông Hương.
(Huế, Đẹp và Thơ)
Huế, đêm hè
Trời nóng băm bốn độ.
Đèn, sao khắp đế đô,
Mặt trăng vàng, trỏn trẻn
Nấp sau nhánh phượng khô.
Ba dịp cầu Trường Tiền
Đứng dày người hóng mát;
Ngọn gió Thuận An lên,
Áo quần kêu sột sạt.
Đủng đỉnh chiếc thuyền nan
Qua, lại bến sông Hương...
Tiếng đờn chen tiếng hát,
Thánh thót điệu Nam Bường.
Hai tay xách hai vịm,
Một vài mụ le te,
Tiếng non rao lảnh lói:
Chốc chốc: "Ai ăn chè?"
(Huế, Đẹp và Thơ)
Trước chùa Thiên Mụ
Êm êm dòng nước Hương Giang chảy,
Xúm xít thuyền con chỗ ba, bảy.
Tiếng hát ngư ông đẫm bóng cây
Như luồng khói nhẹ, lên, lên mãi.
Tháp cao dòm nước: vết meo trôi.
Đồi thấp sừng trăng dõi dõi soi.
Mờ ớ, xa xa gà gáy sáng...
Trong chùa cảnh cảnh tiếng chuông hồi.
(Huế, Đẹp và Thơ)
Mùa đông
Cánh đồng An cựu
Lá bàng
Như lá vàng
Rụng.
Ôi! đìu hiu
Cảnh chiều
Đông!
Ruộng ngập: mênh mông
Nước phẳng.
Cò bay, yên lặng,
Quanh đồng.
Thi tứ viễn vông:
Thần Tưởng tượng
Như đàn có đói lượn
Đồng không.(Huế, Đẹp và Thơ)
Giận khúc Nam Ai
Đừng kể nữa những mảnh tình tan tác.
Hãy đứng lên, Nhạc sỹ, với tôi, đi!
Tôi ghét anh mê giọng hát sầu bi
Và tung mãi tâm hồn thừa truỵ lạc.
Hãy đứng dậy! Vứt chiếc cầm ảo não!
Tôi cần nghe những khúc nhạc rất hùng
-Thét ngựa lòng phi mãi chẳng chồn chân-
Sáng như gươm tuốt, mạnh như luồng bão.
Ôi nhạc sĩ, thật anh người thậm tệ:
Quan hoài chi những lối hát mê ly,
Những câu ca không Đẹp lại không Thi
Của kỹ nữ vọc cuộc đời ê chệ?
Hãy cung kính nhượng các ngài tuổi tác
Những bản đờn, dịp hát thiếu tinh thần.
Hãy ra nghe sóng vỗ, ngắm mây vần
Rồi sáng chế cho tôi vài điệu khác
(Huế, Đẹp và Thơ)
Nắng thu
Hát bài hát ngô nghê và êm ái,
Bên sườn non, mục tử cỡi trâu về,
Nắng chiều rây vàng bột xuống dân quê,
Lúa chín đỏ theo gió nồm sắp mái.
Trên suối nhỏ, chiếc cầu treo hẻo lánh
Tốp người qua, lẩy bẩy vịn thanh ngang
Lũ trẻ con sung sướng nổ cười vang
Đùa với bóng chảy theo giòng nước lạnh.
Dãy núi tím bỗng thay mầu xanh ngắt
Rồi ố làn trong giây khắc nhá nhem.
Âm thầm cảnh vật vào Đêm:
Vết ráng đỏ, tiếng còi xa cũng tắt.
(Huế, Đẹp và Thơ)
 Anh Thơ
Chính tên là Vương Kiều Ân - Vương họ cha, Kiều họ mẹ. Sinh tháng Janvier 1919 tại Ninh Giang. Học từ năm lên bảy, năm 12 tuổi mới lên lớp ba (Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang). Bỏ học sau một buổi bị cô giáo phạt quỳ.
Đã đăng thơ: Hanoi báo (ký Hồng Anh), Tiểu thuyết thứ năm, Ngày nay, Phụ nữ. Được giải thưởng khuyến khích về thơ của Tự lực văn đoàn năm 1919.
Đã xuất bản: Bức tranh quê (Đời nay, Hà Nội 1941), Xưa (hợp tác với Bàng Bá Lân, 1941).
Một hôm tôi nhận được bức thư đề : M. Hoài Thanh, professeur, L'instituteur Thuận Hóa. Tôi đã không dám khinh thường người viết thư mà lại còn kính phục thêm nữa. Vì tôi biết người viết thư là một nữ thi sĩ có danh : Anh Thơ. Đã đành hay thơ Viẹt không cần phải giỏi tiếng Pháp. Nhưng trong tình thế nước ta bây giờ một người thiếu niên muốn có một nền học vấn vừa vừa mà không cần đến tiếng Pháp quả là một điều thiên nan vạn nan. Cứ xem văn của Anh Thơ ai cũng phải bảo là người có học. Thế mà cái lối viết rõ ràng và chắc chắn ấy, Anh Thơ không từng học được trong tiếng Pháp. Càng kính phục người, ta càng mừng cho nền quốc văn. Quốc văn ta ngày một thêm phong phú và hiện nay đã có thể làm lợi khí đào luyện tinh thần cho một người như Anh Thơ.
Tôi vừa nói đến lối viết của tác giả "Bức tranh quê", tập thơ này cũng thuộc về lối thơ của người có học. Vẫn biết làm thơ đạo tình không phải bao giờ cũng là người ít học, nhưng thường người ít học chỉ có thể làm thơ đạo tình. Phải là người có học mới có thể đưa vào thơ cái cảnh:
Chó le lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng,
Lợn trói nằm hồng hộc thở căng dây.
Anh Thơ từ lâu chỉ chuyên lối thơ tả cảnh, mà lại tả những cảnh rất tầm thường : một phiên chợ, một đứa bé quét sân, một vài mụ đàn bà ngồi bắt chấy. Thơ của người biệt hẳn ra một lối. Có kẻ sẽ cho Anh Thơ là người vô tình. Nhưng có thiếu nữ nào hai mươi tuổi mà lại vô tình? Anh Thơ bắt đầu cũng đã làm những bài kể nỗi lòng mình. Hẳn người đã tập luyện nhiều lắm mới có thể đi đến cái thản nhiên, cái dửng dưng mà độc gải "Bức tranh quê" ắt phải lấy làm lạ. Nhiều lúc tôi tưởng người đã đi quá xa. Tranh quê có bức chỉ là bức ảnh; cái thản nhiên hàm xúc của nghệ sĩ đã nhường chỗ cho cái thản nhiên trống rỗng của nhà nghề. Theo gót thi nhân đến đó, ta thấy uất ức khó thở: người dẫn ta vào một thế giới tù túng rồi không cho ta mơ tưởng đến một trời đất nào khác nữa.

Không, thơ phải là một tia sáng nối cõi thực và cõi mộng, mặt đất với các vì sao. Thơ không cốt tả mà cốt gợi, gợi cảnh cũng như gợi tình. Cho nên mỗi lần Anh Thơ chịu đi ra ngoài lối tù túng đó để nhìn cảnh vật một cách sâu sắc hơn, lời thơ bỗng trở nên rộng rãi không ngờ và ta thấy khoan khoái biết bao. Sau câu thơ ta mơ hồ thấy một cái gì :có lẽ là hồn thi nhân. Như khi người tả cảnh bến đò trưa hè :
Mây đi vắng, trời xanh buồn rộng rãi...
Sông im dòng đọng nắng đứng không trôi.
hay tả cảnh một buổi sáng trong trẻo :
Gió man mát bờ tre rung tiếng sẻ,
Trời hồng hồng đáy nước lắng son mây.
Làn khói xám từ nóc nhà lặng lẽ
Vươn mình lên như tỉnh giấc mơ say.
Cảnh trong thơ cũng bất tất phải mênh mông. Một cái vỏ ốc đủ khiến ta nghe cả tiếng sóng biển rào rạt. Chỉ có ít bông hoa mướp, một lũ chuồn chuồn mà Anh Thơ gợi nên cả cái không khí thu :
Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác ;
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.
Thường người cũng không cần đến những cảnh vốn sẵn nên thơ như thế. Với một vài điều nhỏ nhặt hầu như thô lậu, người hé mở cho ta một cảnh trời. Chỗ này, giữa đám người ồn ào và đông đúc, vài ông thầy bói lặng lẽ đi
Bước gậy lần như những bước chiêm bao.
Chỗ kia, đêm ba mươi Tết, chung quanh nồi bánh chưng sôi sùng sục :
Đi lớn mơ chiếc váy sồi đen nhức,
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm.
Cho hay, vô cùng chỉ có thế giới bên trong. Và hình sắc đẹp là những hình sắc khéo dẫn người ta vào thế giới ấy.
Aoũt 1941
Chiều xuân
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.
(Bức tranh quê)
Trưa hè
Trời trong biếc không qua mây gợn trắng,
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa.
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng,
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua.
Trong thôn vắng, tiếng gà xao xác gáy,
Các bà già đưa võng hát, thiu thiu...
Những con ngồi buồn lê bắt chấy
Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu.
Ngoài đê thẳm, không người đi vắng vẻ
Lũ chuồn chuồn giỡn nắng, đuổi nhau bay.
Nhưng thỉnh thoảng tiếng nhạc đồng buồn tẻ
Của vài người cỡi ngựa đến xua ngay.(Bức tranh quê)
Rằm tháng bảy
Gió hiu hắt gieo vàng muôn cánh lá,
Trời âm u mây xám bóng sương chiều.
Làng xóm ngập nhà nhà trong khói tỏa
Vẳng đưa lời khóc mã lạnh hiu hiu.
Trong chùa, điện hương đèn nghi ngút sáng
Tiếng mõ, chuông hòa nhịp trống bên đình.
Lời cầu cúng truyền theo làn khói thoảng
Quyến cô hồn nương gió lại nghe kinh.
Ngoài đê rộng bồ đài nghiêng đổ cháo
Lễ chúng sinh từng bọn một ăn mày.
Cùng lẳng lặng như bóng ma buồn não
Dắt nhau tìm nơi cúng để xin may.
(Bức tranh quê)
Bến đò ngày mưa
Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.
Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt
Mặc con thuyền cắm lại đậu chơ vơ.
Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo
Vài quán hàng không khách đứng xo ro.
Một bác lái ghé buồm vào hút điếu
Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho.
Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.
Và họa hoằn một con thuyền ghé chở
Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa.
(Bức tranh quê)
 Hàn Mặc Tử
Chính tên là Nguyễn Trọng Trí. Sinh ngày 22 Septembre 1912 ở Lệ Mỹ (Đồng Hới), mất ngày 11 Novembre 1940, trú ngụ ở Qui nhơn từ nhỏ. Nhà nghèo, Cha mất sớm. Học trường Qui Nhơn đến năm thứ ba. Làm sở Đạc điền một độ, bị đau rồi mất việc. Vào Nam làm báo ít lâu lại trở về Qui Hoà. Kế đó mắc bệnh hủi, đưa vào nhà thương Qui Hoà rồi mất ở đó.
Làm thơ từ ngày mười sáu tuổi (lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh). Đến năm 1936, khi chủ trương tờ phụ trương văn chương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử.
Đã đăng thơ: Phụ nữ tân văn Saigon, Trong khuê phòng, Đông Dương tuần báo, Người mới.
Đã xuất bản: Gái quê (1936).
Tôi đã nghe người ta mạt sát Hàn Mạc Tử nhiều lắm. Có người bảo: "Hàn Mạc Tử. Thơ với thẩn gì! toàn nói nhảm." Có người còn nghiêm khắc hơn nữa: "Thơ gì mà rắc rồi thế! Mình tưởng có ý nghĩa khuất phục, cứ đọc đi đọc lại hoài, thì ra nó lừa mình!". Xuân Diệu có lẽ cũng nghĩ đến Hàn Mạc Tử rong khi viết đoạn này: "Hãy so sánh thái độ can đảm kiă thái độ những nhà chán thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc đột nhiên mà cười, chân nhảy, miệng vừa kêu: Tôi điên đây! Tôi điên đây! - Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống".
Nhưng tôi cũng đã nghe những người ca tụng Hàn Mạc Tử. Trong ý họ, thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mạc Tử . Bao nhiêu thơ Hàn Mạc Tử làm ra họ đều chép lại và thuộc hết. Mà thuộc hết thơ Hàn Mạc Tử đâu phải chuyện dễ.
Đã khúc mắc mà lại nhiều: tất cả đến sáu bảy tập. Họ thuộc hết và chọn những lúc đêm khuya thanh vắng họ sẽ cao giọng ngâm một mình. Bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ đã trở nên một vị giáo chủ. Chế Lan Viên nói quả quyết:
"Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử ".
Ngót một tháng trời tôi đã đọc thơ Hàn Mạc Tử. Tôi đã theo Hàn Mạc Tử từ lối thơ Đường đến vở kịch bằng thơ Quần Tiên hội. Và tôi đã mệt lả. Chính như lời Hàn Mạc Tử nói trong bài tự Thơ điên, vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến càng đi xa càng ớn lạnh.
Bây giờ đã ra khỏi cái thế giới kỳ dị ấy và đã trở về với cuộc đời tầm thường mà ý nhị, tôi xếp đặt lại những cảm tưởng hỗn độn của tôi.
THƠ ĐƯỜNG LUẬT - Theo ông Quách Tấn Phan Sào Nam hồi trước xem thơ Đường luật Hàn Mạc Tử có viết trên báo đại khái nói: "Từ về nước đến nay, tôi được xem thơ quốc âm cũng khá nhiều, song chưa gặp bài nào hay đến thế... Ôi hồng nam nhạn bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười lên một tiếng lớn ấy là thoả hồn thơ đó". Thơ Đường luật Hàn Mạc Tử làm ra nhiều nhưng bị thất lạc gần hết, tôi không được xem mấy bài. Song trong những bài tôi được xem, tôi cũng đã gặp ít câu hay, chẳng hạn như:
Nằm gắng đã không thành mộng được,
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi.
Dầu sao tôi vẫn nghĩ cái khuôn khổ bó buộc của luật Đường có lẽ không tiện cho sự nẩy nở một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng như nguồn thơ Hàn Mạc Tử .
GÁI QUÊ - Nhiều bài có thể là của ai cũng được. Còn thì tả tình quê trong cảnh quê. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình dị. Nhưng tình ở đây không có cái vẻ mơ màng thanh sạch như mối tình ta vẫn quen đặt vào trong khung cảnh những vườn tre, những đồi thông. Ấy là một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi. Ông Phạm Văn Ký đề tựa tập thơ ấy phải lắm; "Gái quê", và "Une voix sur la voie" đều bắt nguồn trong tình dục.
THƠ ĐIÊN - Thơ điên gồm có ba tập:
1) Hương thơm.
2) Mật đắng.
3) Máu cuồng và hồn điên.
HƯƠNG THƠM - Ta bắt đầu bước vào một ánh trăng, ánh nắng, tình yêu và cả người yêu đều muốn biến ra hương khói. Một trời tình ái mới dựng lên đâu đấy. Tuy có đôi vần đẹp, cảm giác chung nhạt tẻ thế nào.
MẬT ĐẮNG - Ta vẫn đi trong mờ mờ. Nhưng thỉnh thoảng một luồng sáng lạ chói cả mắt. Nguồn sáng toả ra từ một linh hồn vô cùng khổ não. Ta bắt gặp dấu tích còn hoi hóp của một tình duyên vừa chết yểu. Thất vọng trong tình yêu, chuyện ấy trong thơ ta không thiếu gì, nhưng thường là một thứ buồn rầu có thấm thía vẫn dìu dịu. Chỉ trong thơ Hàn Mạc Tử mới thấy một nỗi đau thương mãnh liệt như thế. Lời thơ như dính máu.
MÁU CUỒNG VÀ HỒN ĐIÊN - Đến đây ta hoàn toàn ra khỏi cái thế giới thực và cả thế giới mộng của ta. Xa lắm rồi. Ta thấy những gì xung quanh ta? Trăng, toàn trăng, một ánh trăng gắt gao, ghê tởm linh động như một người hay đứng hơn nhu một yêu tình. Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và cũng náo nức dục tình. Hàn Mạc Tử đi trong trăng há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra và rú lên những tiếng ghê người... Ta rùng mình, ngơ ngác, ta đã lục lọi khắp trong đấy lòng ta, ta không thấy có tí gì giống cái cảnh trước mắt. Trời đất này thực của riêng Hàn Mạc Tử ta không hiểu được và chắc chắn cũng không ai hiểu được. Nghĩ thế ta bỗng thương con người cô độc. Đã cô độc ở kiếp này và e còn cô độc đến muôn kiếp. Hàn Mạc Tử chắc cũng biết thế nên lúc sinh thời người đã nguyền với chúa sẽ không bao giờ cho xuất bản Thơ điên. Một tác phẩm như thế ta không có thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng dân gian, nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn. Ta chỉ biết ta đương đứng trước một người sượng sầm vì bệnh hoạn, điên cuồng vì đã quá đau khổ trong tình yêu. Cuộc tình duyên ra đời với tập Hương thơm, hấp hối với tập Mật đắng, đến đây thì đã chết thiệt rồi, nhưng khí lạnh còn toả lên nghi ngút.
Một nhà chuyên môn nghiên cứu những trạng thái kỳ dị của tâm linh người ta xem tập Máu cuồng và Hồn điên có lẽ sẽ lượm được nhiều tài liệu hơn một nhà phê bình văn học. Tuy thế, đây đó ta gặp những câu rất hay.
Như tả cảnh đồi núi một đêm trăng có câu:
Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ
Đầy mình lốm đốm những hào quang.
Lên chơi trăng có câu:
Ta bay lên! Ta bay lên.
Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm
Ta ở cõi cao nhìn trở xuống :
Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm. 
Đọc những câu ấy có cái thú vị ở xứ lạ gặp người quen, vì đó là những cảm giác ta có thể có. Lại có khi những cảm giác ở ta rất thường mà trong trí Hàn Mạc Tử rất dễ sợ. Một đám mây in hình dưới dòng nước thành ra:
Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng.
Trôi thây về xa tận cõi vô biên.
Cái ý muốn mượn lời thơ để tả tâm sự mình cũng chở nên điên cuồng và đau đớn dị thường:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút;
Mỗi lời thơ đều lính não tâm ta.
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,
Như mê man chết điếng cả làn da.
Cứ để ta ngất ngây trong vũng huyết,
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh;
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đương siết
Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh.
Tôi trích ra vài đoạn có thể thích được còn bao nhiêu đoạn nữa tuy ta không thích vì nó không có gì hợp với lòng ta, nhưng ta cũng biết rằng với Hàn Mạc Tử hẳn là những câu tuyệt diệu. Nó đã tả đúng tâm trạng của tác giả. Lời thơ có vẻ thành thực thiết tha lắm.
XUÂN NHƯ Ý - Mùa xuân Hàn Mạc Tử nói đây có khi ở đâu hồi trời đất mới dựng nên, có khi ra đời một làn tới Chúa J'sus, có khi hình như chỉ là mùa xuân đầu năm. Nhưng dầu sao cũng không phải là một mùa xuân thường với những màu sắc, những hình dáng ta vẫn quen biết. Đây là một mùa xuân trong tưởng tượng, một mùa xuân theo ý muốn của thi nhân, đầy rẫy những lời kinh cầu nguyện, những hương đức hạnh, hoa phẩm tiết, nhạc thiêng liêng, từng ánh trăng, ánh thơ. Nhất là ánh thơ. Với Hàn Mạc Tử thơ có một sự quan hệ phi thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng đế mà cũng để lối người ta với Thương đế, để ban phước cho cả thiên hạ. Cho nên mỗi lần thi sĩ há miệng - sao lại há miệng? - Cho thơ trào ra là chín từng mây nào loạn Muôn vì tinh tú xôn xao. Người ta sẽ thấy:
Đường thơ bay sáng láng như sao xa
Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc
Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa.
Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo không gì giống như vậy. Hàn Mạc Tử đã dựng riêng một ngôi đền thờ Chúa. Thiếu lòng tin, tôi chỉ là một du khách bỡ ngỡ không thể cùng quỳ lạy với thi nhân. Nhưng lòng tôi có dửng dưng, trí tôi làm saokhông ngợp cái vẻ huy hoàng, trang trọng, lung linh, huyền ảo của lâu đài kia?. Có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc nên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng. Xuân như ý rõ ràng là tập thơ hay nhất của Hàn Mạc Tử.
Với Hàn Mạc Tử Chúa gần lắm. Người đã tìm lại những rung cảm mạnh mẽ của các tín đồ thời Thượng cổ. Ta thấy phảng phất cái không khí Athalic. Cho nên mặc dầu thỉnh thoảng còn sót lại một hai dấu tích Phật giáo, chắc những người đồng đạo chẳng vì thế mà làm khó dễ với di thảo của thi nhân.
Huống chi thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng rằng đạo Thiên Chứa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm đượm tận đáy hồn đoàn thể.
THƯỢNG THANH KHÍ - Một vài bài đặc sắc ghi lại những cảnh thấy trong chiêm bao, ở đâu giữa khoảng các vì tinh tủtên kia. Đại khái không khác cảnh Xuân như ý mấy, chỉ thiếu tính cách tôn giáo, huyền bí nhưng không thiêng liêng.
CẨM CHÂU DUYÊN - Một hai năm trước khi mất , sự tình cờ đưa đến trong đời Hàn Mạc Tử ình ảnh một giai nhân có cái tên khả ái: nàng Thương Thương. Nàng Thương có lẽ chỉ yêu thơ Hàn Mạc Tử và Hàn Mạc Tử hình như cũng không biết gì hơn hai chữ Thương thương. Nhưng như thế cũng để thi nhân đưa nàng vào" tháp thơ". Nàng sẽ luôn luôn đi về trong những giấc mơ của người. Có khi người thơ thấy mình là Tư Mã Tương Thư đương nghe lời Trác Văn Quân năn nỉ:
Đã mê rồi! Tư mã chàng ôi!
Người thiếp lao đao sượng cả người.
Ôi! Ôi! Hãm bớt cung cầm lại
Lòng say đôi má cũng say thôi.
Song những phút mơ khoái lạc ấy có được là bao. Tỉnh dậy, người thấy:
Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả?
Trơ vơ buồn và không biết kêu ai!
Bức thư kia sao chẳng viết cho dài,
Cho khăng khít nồng nàn thêm chút nữa.
Ta tưởng nghe lời than của Huy Cận.
Nhưng cuộc đời đau thương kia đã đến lúc tàn, và nguồn thơ kia cũng đã đến lúc cạn, Hàn Mạc Tử chốc chốc lại ra ngoài biên giới thơ, lạc vào thế giới đồng bóng.
DUYÊN KỲ NGỘ và QUẦN TIÊN HỘI - Mối tình đối với nàng Thương Thương còn khiến Hàn Mạc Tử viết ra hai vở kịch bằng thơ này nữa. Quần tiên hội viết chưa xong và không có gì. Duyên kỳ ngộ hay hơn nhiều. Đây là một giấc mơ tình ái, ngắn ngủi nhưng xinh tươi, đặt vào một khung cảnh tuyệt diệu. THi nhân dẫn ta đến một chốn nước non thanh sạch chưa từng in dấu chân người. Ớ đó tiếng chim hót, tiếng suối reo, tiếng tiêu ngân đều biến thành những lời thơ tình tứ. Ớ đó Hàn Mạc Tử ẽ gặp nàng Thương Thương mà người không mong được gặp mặt ở kiếp này. Nàng sẽ nói với những lời nồng nàn âu yếm khiến chim nước đều say sưa. Nhưng rồi người sẽ cùng tiếng tiêu cùng đi như vụt nhớ đén cái nghiệp nặng nề đương chờ người nơi trần thế. Và giữa lúc nàng gục đầu khóc, cảnh tiên lại rộn rã tiếng suối ca.
Trong thi phẩm Hàn Mạc Tử có lẽ tập này là trong trẻo hơn cả. Còn từ thỏ Đường luật với những câu thơ:
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối;
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.
Cho đến "Gái quê", "Xuân như ý" và các tập khác, lời thơ thường vẩn đục.
Tôi đã nói hết cảm tưởng của tôi trong lúc đọc thơ Hàn Mạc Tử. KHông có bao giờ tôi thấy cái việc phê bình thơ tàn ác như lúc này. Tôi nghĩ đến người đã sống trong túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhựt trình che cho mái nhà đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người bị vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích. Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay nhìn cảnh thể phách lẫn linh hồn tan rã...
Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kể chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn.
Mai 1941
Bẽn lẽn
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu ,
Đợi gió đông về để lả lơi ...
Hoa lá ngây tình không mu,ốn động,
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi ...
Trong khóm vi vu rào rạt mãi :
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm ,
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe ...
Vô tình để gió hôn lên má,
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm...
Em sợ lang quân em biết được,
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em...
(Gái quê)
Tình quê
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Giòng nước quên trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng ganh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Dầu ai trên bờ liễu
Dầu ai dưới cành lê
Với ngày xuân hờ hững
Cố quên tình phu thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề.
(Gái quê)
Mùa xuân chín
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý Bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây.
Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
"Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?..."
(Hương thơm)
Trường tương tư
Hiểu gì không, ý nghĩa của trời thơ ?
Của hương hoa trong trăng lờn lợt bảy
Của lời câm muôn vì sao áy náy
Hiểu gì không em hỡi! hiểu gì không?
Anh ngâm nga để mở rộng cửa lòng
Cho trăng xuân tràn trề say chới với
Cho nắng hường vấn vương muôn ngàn sợi;
-- Cho em buồn trời đất ứa sương khuya,
Để em buồn, để em nghiệm cho ra
Cái gì kết lại mới thành tinh tú;
Và uyên ương bởi đâu không đoàn tụ,
Và tình yêu sao lại dở dang chi,
Và vì đâu, gió gọi giật lời đi.
-- Lời đi qua một chiều trong kẽ lá,
Một làn hương mới nửa lừng sa ngã
Anh mến rồi ý vị của làn mơ.
Lệ Kiều ơi! em còn giữ ý thơ
Trong đôi mắt mùa thu trong leo lẻo,
Ở xa xôi lặng nhìn anh khô héo
Bên kia trời hãy chụp cả hồn anh.
Hãy van lơn ở dưới chân Bàn Thành,
Cho yêu ma muôn năm vùng trở dậy,
Náo không gian cho lửa lòng bùng cháy,
Và để cho kinh động đến người tiên,
Đang say sưa trong thế giới Hão Huyền
Đang trửng giỡn ở bên sông Ngân biếc...
Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt,
Ngó như gần nhưng vẫn thiệt xa khơi!
Lau mắt đi đừng cho lệ đầy vơi.
Hãy mường tượng một người thơ đang sống
Trong im lìm lẻ loi trong dãy động.
-- Cũng hình như, em hỡi! động Huyền Không!
Mà đêm nghe tiếng khóc ở đáy lòng,
Ở trong phổi, trong tim, trong hồn nữa.
Em có nghĩ ra một chiều vàng úa,
Lá trên cành héo hắt, gió ngừng ru:
"Một mối tình nức nở giữa âm u,
"Một hồn đau rã lần theo hương khói,
"Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi,
"Một lời run hoi hóp giữa không trung,
"Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng,
"Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn".
Đấy là tất cả người anh tiêu tán,
Cùng trăng sao bàng bạc xứ Say Mơ,
Cùng tình em tha thiết như văn thơ,
Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế.
(Mật đắng)
Ave Maria
Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả,
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng.
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung-hô câu đường hạ ngớp châu sa.
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa:
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.
MARIA! Linh hồn tôi ớn lạnh,
Run như run thần tử thấy long nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng...
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhânđdức, giàu muôn hộc từ bi,
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ:
Dòng thao thao như bất tuyệt của nguồn thơ.
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua,
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị...
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí,
Và trong tay nắm một vạn hào quang...
Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan.
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ,
Ngọc Như Ý vô tri còn biết cả,
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh,
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới...
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi,
Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen.
Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú,
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, - bằng hương hoa sáng láng,
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng,
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?
Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh.
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý,
Trượng phu lời là Tông đồ triết lý,
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh
Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh.
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp,
Khói nghiêm trang sẽ dân lên tràn ngập
Cả Hàn giang và màu sắc thiên không,
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước...
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm,
Thơ trong trắng như một khối băng tâm,
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu,
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu,
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương,
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng,
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chung Mẹ Sầu Bi
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?
(Xuân như ý)
Đêm xuân cầu nguyện
Tặng cả và thiên hạ
Trời hôm nay bình an như nguyệt bạch,
Đường trăng xa, ánh sáng tuyệt vời bay...
Đây là hương quí trọng thấm trong mây
Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm :
Câu tán tạ, không khen long cả phiếm :
Bút Xuân thu mùa nhạc đến vừa khi
Khắp mười phương điềm lạ trổ hoài nghi :
Cây bằng gấm và lòng sông toàn ngọc!
Và đầu hôm một vì sao liền mọc
Ơ? phương Nam mầu nhiệm biết ngần mô!
Vì muôn kinh dồn dập cõi thơm tho,
Thêm nghĩa lý sáng trưng như thất bảo.
Ta chấp hai tay lạy quỳ hoan hảo.
Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian,
Để vừa dâng, vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế.
Đã no nê, đã bưa rồi, thế hệ
Của phường trai mê mẩn khí thanh cao.
Phượng Hoàng bay trong một tối trăng sao
Mà ánh sáng không còn khiêm nhượng nữa;
Đương cầu xin, ọc thơ ra dường sữa,
Ta ngất đi trong khoái lạc của hồn đau...
Trên chín tầng diêu rộng cả trân châu
Dường sống lại muôn ngàn hoa phẩm tiết
Nhịp song đôi : này đây, cung cầm nguyệt
Ướp lời thơ thành phước lộc của đường tu,
Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giê Su
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối,
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng :
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng.
(Xuân như ý)
Ra đời
Một chiều xanh - một chiều xanh huyền hoặc,
Sáng bao la vây lút cõi thiên không;
Xuất thế gian chưa có tại trong lòng,
Muôn ý tứ say chìm nơi Bất Giác.
Hương cám dỗ mê người trong khoái lạc,
A! A! A!
Thiên địa đắm hoang mang
- Là đương thờ khi lạy cả Thiên Đàng
Bay những tiếng : tung hô Thánh Đức
Muôn thần phẩm trong lâng lâng chầu chực
Ánh hào quang chan chói ngất lưu ly!
Ôi, cao sang không ví trọng ai bì,
Trên nước cả có vô vàn châu báu.
Trí rất ngớp, bởi chưng xuân hồn hậu,
Đã ra đời theo lịnh của Ngôi Hai
Ôi Thánh tai, thánh tai, và thánh tai!
Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc,
Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác,
Rất phương phi trên hết cả anh hoa.
Xuân ra đời! Điềm ngọc ấm như ngà,
Thớ có tuổi và chiêm bao có ích
Và tâm tư có một điều rất thích.
Không nói ra vì sợ bớt say sưa!...
- "Chàng ơi ! " Chàng ơi, sự lạ đêm qua!
Mùa xuân tới, mà không ai biết cả..."
( Xuân như ý )
Chúng tôi còn muốn trích ít bài nữa. Nhưng Ô. Quách Tấn, người giữ bản quyền thơ Hàn Mạc Tử, yêu cầu chúng tôi chỉ trích năm bài trở xuống trong những tập chưa in thành sách.
Chế Lan Viên
Sinh năm 1920. Quê ở Bình Định. Học trường Qui Nhơn. Có bằng thành chung.
Đã đăng thơ: Tin vắn, Tiểu thuyết thứ bảy, Phụ nữ, Trong khuê phòng, Người mới.
Đã xuất bản: Điêu tàn(1937).
Tôi cầm bút viết bài này thì văng vẳng bên tai tôi giọng ca Nam Bình đưa sang từ nhà bên cạnh. Giọng ca âm thầm ai oán, mỗi lần tôi nghe lại khiến tôi bồn chồn, chân tay tôi rời rã.
Cũng lạ! Bị chinh phục đến tiêu diệt mà cảm được lòng những kẻ đã diệt mình một cách sâu sắc như thế dễ chỉ có dân tộc Chiêm Thành. Những nhạc công của chúng ta luôn ca nỗi oán hờn của họ. Bao nhiêu thi nhân của ta đã bị ám ảnh vì nỗi oán hờn của họ. Chúng ta lại còn dành riêng cho họ một nhà thơ, để vì họ giải dùm cho những uất ức bao nhiêu năm như nghẹn ngào trên sông núi này... Vong linh đau khổ của nòi giống họ đã nhập vào Chế Lan Viên; cho nên, dẫu không phải người họ Chế, Chế Lan Viên vẫn là một nhà thơ Chiêm Thành. Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị.
Nó dựng lên một thế giới đầy sọ dừa, xương máu, cùng yêu ma.
Chỗ này một yêu tinh nghe tiếng trống cầm canh chợt nhớ nơi trần thế.
Rồi lấy ra một khớp xương rợn trắng
Nút bao dòng huyết dầm khí tanh hôi
Tìm những "miếng trần gian" trong tuỷ cạn,
Rồi say sưa, vang cất tiếng reo cười.
Chỗ kia trong:
... Những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi.
Đừng hỏi ai những cảnh ấy thi nhân đã thấy ở đâụ"Hãy nghĩ lại! Có ai thấy vào buổi chiều, rụng ở trong tháp một viên gạch cũ mà hỏi: viên gạch ấy chu vi, diện tích là bao nhiêu? Đúc từ đời nào? Ớ đâu? Bởi ai? Và để làm gì? ". Chế Lan Viên đã trả lời như vậy
Ta hãy theo dõi thi nhân trong cái thế giới lạ lùng ấy. Có khi ngồi trên bờ bể Chế Lan Viên bàng hoàng tự hỏi:
Ai kêu ta trong cùng thẳm Hư vô?
Ai réo gọi trong muôn sao chới với?
Và say sưa nhớ lại một đêm ân ái giữa khoảng các vì sao. Có khi Chế Lan Viên lại điên cuồng.
... Ngụp lặn trong ánh vàng hỗn độn
Cho trăng ghì, trăng riết cả làn da.
Lại có khi đứng suốt đêm với một bóng ma hay nhìn một chiếc quan tài đi qua mà tưởng thi thể mình nằm trong đó.
Hẳn có người sẽ nghĩ: Thơ muốn hay chứ muốn lạ thì khó gì, cứ nói trái sự thực là được. Sự thực người ta ngủ trong nhà thì cứ việc nói người ta ngủ trong sao.
Đừng tưởng! Lịch sử văn học cổ kim không từng có hai Bồ Tùng Linh. Nói láo đành dễ, những cái khó là nói láo mà vẫn không biết mình nói láo; cái khó là có thể tin lời mình nói. Mà Chế Lan Viên tin lời mình ghê lắm. Khi Chế Lan Viên kêu:
Hồn ai trú ẩn ở đầu ta?
Ý của ai trào trong đáy óc,
Để bay đi theo tiếng cười, điệu khóc?
tôi nhất quyết là thi nhân thành thực hơn khi tôi nói, chẳng hạn: tờ giấy kia trắng. Vì câu nói của tôi là một câu nói hờ hững, xuất tự tri giác, tôi vẫn tin mà không để vào đó tất cả lòng tin. Chế Lan Viên, trái lại, đã để trong tiếng kêu hốt hoảng của mình, một lòng tin đau đớn.
Ấy, người thường có người nỗi đau tựa hồ vô lý vậy mà thành thực vô cùng. Trong một năm người ưa nhất mùa thu. Mùa thu qua được một ngày người ta đã nhớ:
Ô hay, tôi lại nhớ thu rồi...
Mùa thu rớm máu rơi từng chút
Trong lá bàng thu đỏ ngập trời.
Đường về thu trước xa lăm lắm,
Mà kẻ đi về chỉ một tôi!
Nếu một nỗi đau đớn như thế mà có thể cho là bày đặt thì ở đời này không còn gì tin được nữa.
Một lần khác, cũng nhớ thu, Chế Lan Viên than:
Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.
Nỗi mong nhớ ở đây đã thành thực, mà còn to lớn lạ lùng. Con người này quả là người của trời đất, của bốn phương, không thể lấy kích tấc mà hòng đo được.
Ưa nhìn mùa thu, ghét mùa xuân, trong khi xuân đến, người muốn:
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!
Ý muốn ngông cuồng, ngộ nghĩnh? Đã đành. Trong cái ngộ nghĩnh, cái ngông cuồng ấy tôi cong thấy một sức mạnh phi thường. Chắn một luồng gió, chắn một dòng sông, chắn những đợt sóng hung hăng ngoài biển cả, nhưng mà "chắn nẻo xuân sang!" Sao người ta lại có thể nghĩ được như thế?
Ngày xưa Tản Đà chán nản than:
Đêm thu buồn lắm, chị Hằng ơi!
Trần giới em nay chán nửa rồi!
Cái chán nản hiền lành của người Việt. Nó khác xa với cái chán nản gay gắt, não nùng của Chế Lan Viên:
Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết
Những sắc màu hình ảnh của trần gian.
Có phải cái chán nản mạnh mẽ và to lớn dị thường?Người ta chánn đời người ta cầu một mảnh vườn, hay hơn chút nữa, một khoảnh núi để sống riêng. Chế Lan Viên chốn đời lại nghĩ đến một vì sao!
Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh,
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo.
Cái mạnh mẽ, cái to lớn ấy, những đau thương vô lý mà da diết ấy, cái thế giới lạ lùng và rùng rợn ấy, ai có ngờ ở trong tâm trí một cậu bé mười lăm mười sáu tuổi . Cậu bé ấy đã khiến bao người ngạc nhiên. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ hai mươi, nó đứng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật.Chúng ta, người đồng bằng, thỉnh thoảng trèo lên đó-có người trèo đuối sứcmà trầm ngâm và xem gạch rụng, nghe tiếng rên rỉ của ma Hời cũng hay, nhưng triền miên trong đó không nên. Riêng tôi mỗi lần nấn ná trên ấy quá lâu, đầu tôi choáng váng: Không còn biết mình là người hay ma. Và tôi sung sướng biết bao lúc thoát khỏi giấc mơ dữ dội, tôi trở xuống, thấy chim vẫn kêu, người ta vẫn hát, cuộc đời vẫn bình dị, trời xa vẫn trong xanh.
Octobre 1941
Thời oanh liệt
Rồi cả một thời xưa tan tác đổ
Dấu oai linh hùng vĩ thấy gì đâu?
Thời gian chảy, đá mòn, sông núi lở
Lòng ta luôn còn mãi vết thương đau!
Vẻ rực rỡ đã tàn bao năm trước,
Bao năm sau còn dội tiếng kêu thương.
Sầu hận cũ tim ta ai biết được?
Người vui tươi, ta mãi mãi căm hờn.
Ta đã khóc, ta vẫn còn phải khóc
Cả thời xưa cho đến cả thời nay.
Ngày phải tàn, ánh duơng rồi phải tắt,
Vỡ tan đi, đến cả quả cầu đây.
Mà thân ta phải nào không tiêu diệt
Ở trần gian và ở trí muôn người?
Trong những lúc còn xa xôi cõi chết,
Cứ khóc đi những cảnh ở chân trời.
Lệ ta nay muôn năm sau còn an ủi
Linh hồn ta ở tận đáy mồ sâu,...
Ta
Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng
Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma?
Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta?
Ý của ai trào lên trong đáy óc,
Để bay đi theo tiếng cười, điệu khóc?
Biết làm sao giữ mãi được ta đây,
Thịt cứ chìu theo thú dục chua cay!
Máu cứ nhảy theo nhịp cuồng kẻ khác!
Đau đớn thay cho đến cả linh hồn
Cứ bay tìm Chán Nán với U Buồn.
Để đỉnh sọ trơ vơ tràn ý thịt!
Mà phải đâu đã đến ngày tiêu diệt!
Ai bảo dùm: Ta có có Ta không?
(Điêu tàn)
Trên đường về
Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ
Quay về xem non nước giống dân Hời:...
Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi,
Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian,
Những sông vắng lê mình trong bóng tối,
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.
Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn,
Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ qui!
Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận,
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn.
Đây, những cảnh thái bình trong Chiêm Quốc
Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi
Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp
Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui
Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng,
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng,
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành.
Đây, trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo
Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà,
Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo,
Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa.
Những cảnh ấy Trên Đường Về ta đã gặp
Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi
Và từ đấy lòng ta luôn tràn ngập
Nỗi buồn thương, nhớ tiếc giống dân Hời.
(Điêu tàn)
Đêm tàn
Ta cùng nàng nhìn nhau không tiếng nói,
Sợ lời thay lay đổ cả đêm thâu,
Đôi hơi thở tìm nhau trong bóng tối,
Để linh hồn chìm đắm bể u sầu.
"Chiêm nương ơi,cười lên đi em hỡi!
Cho lòng anh quên một phút buồn lo!
Nhìn chi em chân trời xa vời vợi,
Nhớ chi em sầu hận nước Chàm ta?
Này,em trông một vì sao đang rụng ;
Hãy nghiên mình mà tránh đi,nghe em!
Chắc có lẽ linh hồn ta lay động
Khi vội vàng trở lại nước non Chiêm.
Lời chưa dứt,bóng đêm đã vụt biến!
Tình chưa nồng đã sắp phải phôi phai!
Trên trần gian vần ô kia đã đến
Gỡ hồn nàng ra khỏi mảnh hồn ta!
(Điêu tàn)
Hồn trôi
Cô em ơi! đằng xa cây toả bóng,
Sao cô không ngồi đợi giấc mơ nồng?
Đến chi đây, cho thân cô rung động
Lớp hồn tôi êm rải khắp trời trong?
Đừng hát nữa! Tiếng cô trong trẻo quá
Khiến hồn tôi tê liệt khó bay cao,
Này, im đi, nhìn xem, trong kẽ lá,
Một mặt trời giả dáng một vì sao.
Ngoài xa xa, không, ngoài xa xa nữa,
Thấy không cô, ánh nắng kéo hồn tôi?
Đến những chốn êm đềm như hơi thở,
Nồng tươi như suối máu lúc ban mai.
Cô bảo: Hồn có hay không trở lại
Một khi trôi vào giữa giấc mơ cuồng?
- Có, cô ơi, hồn tôi rồi trở lại
Với lòng điên, ý chết, với tình thương.
(Điêu tàn)
Thu
Chao ơi!Thu đã tới rồi sao?
Thu trước vừa qua mới độ nào!
Mới độ nào đây,hoa rạn vỡ,
Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao.
Cũng mới độ nào trong gió lộng,
Nến lau bừng sáng núi lau xanh.
Bướm vàng nhẹ nhẹ bay ngang bóng
Những khóm tre cao rũ trước thành.
Thu đến đây!Chừ,mới nói răng?
Chừ đây,buồn giận biết sao ngăn?
Tìm cho những xánh hoa đang rụng,
Tôi kiếm trong hoa chút sắc tàn!
Trời ơi!Chán nản đương vây phủ.
Ý tưởng hồn tôi giữa cõi Tang!
Xuân
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây đem chắn nẻo xuân sang!
Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cản tình xuân?
Có một người nghèo không biết tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!
Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran!
Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ!
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.
(Điêu tàn)
Sau Điêu tàn Chế Lan Viên còn có đăng ít nhiều thơ ở các báo, xin trích ra đây một bài nhẹ nhàng và
kín đáo khác hẳn các bài khác cùng một tác giả.
Trưa đơn giản
Trưa quanh vườn. Và võng gió an lành
Ngang phòng trưa, ru hồn nhẹ cây xanh.
Trưa quanh gốc. Và mộng hiền của bóng
Bỗng run theo... lá... run theo... nhịp võng
Trưa lên trời. Và xanh thẳm bầu trời,
Bỗng mê ly, nằm thấy, trắng, mây trôi...
Trưa! Một ít trưa, lạc vào lăng tẩm,
Nhập làm hồn những tượng xưa u thảm.
Trưa theo tàu, bước xuống những sân ga
Dựng buồn lên xa gửi đến Muôn Xa.
Đây trưa hiện hình trong căn trường nhỏ
Đưa tay lên thoa những hàng kính vỡ.
Trưa gọi kêu, nâng ngực gió lên trời:
Bên vú trái tròn, lá bỗng run môi.
Tiếng ai ca, buồn theo song cửa sổ:
"Nâng không gian trưa đặt giữa lòng người."
(Người mới)
 Hoài Thanh - Hoài Chân Thi nhân Việt Nam
Theo http://diendan.vtcgame.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chút nỗi niềm riêng

Chút nỗi niềm riêng Cũng gần xấp xỉ 50 nhưng chị vẫn giữ được nét thanh xuân mà đâu phải người phụ nữ nào cũng có. Chị đẹp, nét đẹp dịu dà...