Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Giáo sĩ đắc lộ trong thế giới huyền ảo

Giáo sĩ đắc lộ trong thế giới huyền ảo
“…Louise Marie de Bourbon là người đàn bà thứ hai trong pháo đài nghe thấy tiếng chuông nhà thờ. Ngay tiếng chuông đầu tiên, dì phước đã biết đó là tiếng chuông ma quỷ. Tiếng chuông mênh mang đánh đi thật xa vang vọng đến mất hút rồi trở về co giật dạ con từng cơn của một cổ tử cung nào đó đang co thắt sinh nở. Tiếng chuông nức nở tựa tiếng khóc, đôi lúc gấp rút hối hả liên tục rồi chửng lại bất ngờ thành khoảng trống âm u. Giữa hai khoảng chuông chen tiếng rên la quái dị, nửa đau đớn, vừa thích thú khoái lạc của sự sống đang dẫy dụa cựa quậy trong tử cung một người đàn bà.”.1
Lần đầu tiên đọc truyện của Trần Vũ, tôi sốc.
Thật vậy, nếu ai đã từng đọc truyện của ông sẽ có cảm giác choáng váng trong ma trận chữ nghĩa của nhà văn. Truyện của Trần Vũ luôn tạo ấn tượng đặc biệt nơi người đọc, đồng thời cũng gây nhiều tranh cãi trong làng văn.
Trần Vũ bắt đầu viết truyện năm 25 tuổi. Tác phẩm đầu tiên:Truyện ngắnĐồng cỏ Miên2 kể về ba thanh niên Việt Nam đi bộ đội sang Campuchia tìm đường thoát sang Thái Lan bị Khmer Đỏ bắn chết… nói lên tâm trạng bế tắc của những thanh niên miền Nam, một giai đoạn lịch sử đầy cay đắng. Truyện gửi đăng trên nguyệt san Làng Văn tháng 5/1988, lập tức gây được tiếng vang. Các truyện ngắn tiếp theo đều gây sự chú ý. ĐếnNgôi nhà sau lưng văn miếu3 và Bên trong pháo đài4 đăng trên tạp chí Văn Học, Trần Vũ trở thành hiện tượng của văn học hải ngoại hai năm 1988-1989 và là người viết trẻ tuổi nhất lúc đó. Giai đoạn 1991-1993 Trần Vũ lại gây xôn xao báo giới, bị công kích gay gắt vì loạt truyện lịch sử về các anh hùng Nguyễn Huệ, Trần Thủ Độ với văn phong và cách nhìn táo bạo, bị cho là đi ngược lại với quan niệm truyền thống. Năm 1994, truyện vừa Giấc mơ Thổ kể về cuộc hành trình ngược dòng quá khứ, với những hình ảnh đầy bạo lực, câu văn như ứa máu cùng cảnh ăn thịt rồng đã gây không ít phẫn nộ, ở một bộ phận độc giả5. Năm 2002 truyện vừa Giáo sĩ lại gây phản ứng dữ dội vì đụng chạm đến tôn giáo.6
Trong hai mươi năm, Trần Vũ đã sáng tác trên 40 tác phẩm gồm nhiều thể loại, truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tiểu luận, truyện dịch.
Trần Vũ đã xuất bản các tập truyện ngắn:
- Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu, Thời Văn 1988, Hồng Lĩnh tái bản 1994
- Cái Chết Sau Quá Khứ, Hồng Lĩnh xuất bản 1993
- Sous Une Pluie d’Epines, nxb Flammarion 1998
- The Dragon Hunt, nxb Hyperion 1999
Ngoài ra, ông còn các truyện ngắn: Nhã Nam, Táo Mỹ và những nhụy cúc, Vĩ Diên, Dấu hỏi Sorrente; Truyện vừa: Giấc mơ Thổ, Giáo sĩ, Cái chết sau quá khứ. Ký: Sài Gòn ngày lạ mặt, Hiệp Hội tương tế Bắc Việt nghĩa trang. Tiểu luận: Đông dương 1993, Lịch sử trong tiểu thuyết; Trang tôn kinh huyền hoặc hậu hiện đại. Điện Biên Phủ, định mệnh của kẻ thù; Sát Thát;Suy nghĩ Mãn Thanh. Truyện dịch: Rửa tội của Nina McPherson, María Dos Prazerès của Gabriel García Márquez… in rải rác trên các báo, tạp chí: Granta, Le Serpent à Plume, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Làng Văn, Thế Kỷ 21, Talawas.
Viết về Trần Vũ thật không dễ, vì đã có quá nhiều bài viết7. Viết về một nhà văn hải ngoại đối với một người đọc trong nước lại càng là một thách thức, vì những khó khăn về mặt tài liệu. Biết vậy, nhưng tôi vẫn làm một việc “liều lĩnh”8.
Bài viết này, giới hạn trong việc phân tích truyện vừa Giáo sĩ qua đó tìm hiểu bút pháp và quan niệm sáng tác của nhà văn.
Truyện vừa Giáo sĩ được Trần Vũ bắt đầu viết vào năm 1991 và đăng đoạn đầu trên Tạp chí Hợp Lưu số 25, tháng 10/19919. Trong version đầu tiên, Hợp Lưu giới thiệu đây là một truyện dài, khởi đăng nhiều kỳ với tựa đề Pháo đài kể về cuộc Thánh chiến ở Cao Bằng, truyện kể xoay quanh mối tình giữa cố đại úy Francis Garnier và dì phước Louise, hình ảnh nhân vật vợ chồng A Phủ bước ra khỏi tiểu thuyết, cha cố A.De Rhodes sống lại còn mờ nhạt. Tuy nhiên, truyện dừng lại ở những chương đầu. Vì nhiều lý do, tác giả không tiếp tục viết tiếp… sau đó nhiều năm vẫn nghĩ đến truyện này, cho đến năm 2002 khi truyện đã chín mùi trong suy nghĩ, ông bắt tay viết lại với nội dung khác và thay đổi nhân vật, lấy tựa đề Giáo sĩ như văn bản đăng trên tạp chí Hợp Lưu năm 2002. Văn bản này lấy Giáo sĩ Alexandre de Rhodes10 làm nhân vật trung tâm, thêm nhân vật trung úy De Lattre11, đức chúa Jésus; Hai nhân vật tiểu thuyết A Phủ, Mỵ trong Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài được thay thế bằng nhân vật Tuyết trong Đời mưa gió của văn hào Nhất Linh, Khái Hưng. Cố đại úy Francis Garnier và dì phước Louise vẫn có mặt trong truyện nhưng là những nhân vật phụ, làm đầy câu chuyện.
Thời gian diễn biến vào đầu thập niên 50 của thế kỷ 20 tại Bắc Việt, trong khu tam giác Cao-Bắc-Lạng, nơi xảy ra cuộc chiến ác liệt giữa Việt Minh và quân đoàn viễn chinh Pháp trên tuyến đường Biên Giới.
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes hồi sinh sau 300 năm, mang gương mặt thống khổ và si mê của một oan hồn vất vưởng, chưa hề biết đến tình yêu, mà đã mang nỗi buồn chín thối ruột gan của những người đàn ông không toại nguyện thân xác. Đức cha, bị ám ảnh tình dục, chui rúc trong nhà nguyện, mặc cảm với tất cả đàn bà vì theo đạo nên không thể hành sử chức năng đàn ông. Giáo sĩ chỉ còn một giải trí duy nhất, nỗi đam mê cuối cùng, đam mê tiểu thuyết. Alexandre de Rhodes khám phá ra tiểu thuyết An-nam của Tự Lực Văn Đoàn và say mê dịch những cuốn tiểu thuyết diễm tình, như ngày xưa ông đã dịch phép giảng tám ngày từ tiếng Bồ sang tiếng Việt. Rồi đến một ngày giáo sĩ thảng thốt bắt gặp nhân vật Tuyết trong Đời mưa gió bật dậy từ trang sách. Đức cha de Rhodes cứ ngỡ rằng nàng là cô gái thành Goa, người thiếu nữ mà khi còn là chủng sinh Cha đem lòng yêu thương từ năm 14 tuổi, nhưng vì điều răn của chúa trời, Cha không thể thổ lộ tình yêu, và cũng không được quyền yêu. Tình yêu chưa toại nguyện trên trần thế và chiếc bánh thánh ngậm trong miệng không bao giờ tan day dứt linh hồn giáo sĩ: “Cho đến phút lâm chung trút hơi thở cuối cùng, trên giường bệnh trong thành Ba Tư, Alexandre vẫn hãy còn kêu tên người đàn bà mà anh chưa hề biết. Nhưng anh không tìm ra chữ… Anh không thể thốt lên lời tỏ tình chưa ghi chép trong kinh thánh”, để rồi ba trăm năm sau, linh hồn giáo sĩ bỗng bừng cháy khi tìm thấy cô gái thành Goa qua nhân vật Tuyết. Như sống lại thời trai trẻ Cha khao khát tận hưởng trái cấm, bất chấp lời răn đe của hồng y Richelieu, để một lần biết đến hương vị ngọt ngào của tình yêu mà Cha chờ đợi. Những ức chế trong tâm hồn giáo sĩ được khai mở, ước muốn được sống như một người đàn ông bình thường, được yêu thương và tận hưởng, không còn mặc cảm đau đớn của một người đàn ông bất lực. Và Đức cha sẵn sàng đón nhận hình phạt bị lửa Satan đốt cháy khi phạm điều răn của chúa trời. Cảnh làm tình của hồn ma giáo sĩ với nhân vật tiểu thuyết là một trường đoạn dữ dội, đam mê chất ngất: “…Alexandre bị nhấc bổng lên không trung theo điệu múa quỷ quái của quả chuông rồi kéo lê lết đến tận bao lơn tháp trước khi chịu lôi giật về hướng ngược lại. Ở mỗi cơn động kinh Alexandre bị các cuồng lửa bắt xém vào áo chùng làm phỏng rộp thịt da cho đến lúc tấm áo cháy tiêu và thân thể anh hoàn toàn trần truồng. Chính lúc đó Tuyết xuất hiện ở cửa tháp. Chính lúc đó Alexandre tin chắc ngày cuối cùng đã đến và Thiên Chúa sống dậy phán xét loài người.
- Blời ơi! Tận thế rồi!
 Tuyết ôm chầm lấy giáo sĩ lúc đó.
(…) Lửa của buổi sáng đó cũng bắt vào hai vạt áo dài của Tuyết khiến cháy tiêu quần áo trên mình nàng. Tuyết khám phá ra nàng không thể chết. Nàng là một nhân vật tiểu thuyết không có khả năng chết. Gió xô đẩy cả hai đến sát bao lơn, Tuyết khiếp hãi co chân quắp lấy mình Alexandre, cho trĩu thêm sức nặng để cả hai đừng rớt ngã xuống khoảng trống chơi vơi sâu hút. Chính lúc đó trong sâu chín sợ hãi Tuyết đã cảm ra da thịt giáo sĩ tươi rói cứng cáp đâm thẳng vào cửa mình nàng đột ngột bất ngờ như tiếng chuông bỗng hét lên tiếng rú rách trời. Tuyết đã kêu lên đau đớn tưởng chừng nàng có thể ngất đi vì sướng. Chưa bao giờ Tuyết làm tình với một người đàn ông rắn chắc khỏe mạnh như với giáo sĩ, tuồng thân thể anh là chiếc gậy chống của Moise, cây gậy chống dài có thể xẻ đôi Hồng Hải. Tuyết rên la từng cơn, mỗi lúc lửa vây lấy cả hai cháy rực các bức rèm nhung có ngọn, mỗi lúc Alexandre xâm nhập vào sâu trong thân thể nàng làm như anh cũng hoảng sợ cố bám víu vào thân xác Tuyết di truyền một giọt máu. Tuyết kêu la không ngớt, bấu chắc lấy cần cổ Alexandre đánh đu dưới quả chuông đong đưa, theo nhịp giật của dây thừng kéo lôi cả hai từ bao lơn này đến bao lơn khác, hết vực sâu này xuống vực sâu khác, rơi từ vực thẳm của sung sướng xuống những mái nhà ngói đỏ li ti rồi nhảy giật lên tháp trong tiếng rên la của thân xác.”           
Nhân vật Bernard de Lattre trong Giáo sĩ là một trong những sĩ quan trẻ của trung đoàn 3 Lê Dương.12 Anh “…mang trên mình sức sống còn trinh nguyên của những bông lys trắng chưa héo úa. Viên trung úy trẻ mang vẻ đẹp cao sang quyền quý của những tử tước thời trung cổ, vừa vương giả, vừa tinh khiết của các cô dâu ngày cưới. Nhưng khác hẳn đại tướng Jean de Lattre, là một người lính nhưng Bernard không đi tìm hào quang chiến thắng, không ước muốn chinh phục Ðông Dương, anh chỉ mang một khát vọng duy nhất, đơn sơ, thầm kín, tìm thấy tình yêu lứa đôi trong đời sống”. Và Trần Vũ đã cho De Lattre tìm được tình yêu của mình trước khi chết: “…trung úy De Lattre vẫn hãy còn nhớ đã choáng váng, lảo đảo như trúng sét. Anh vừa trông thấy rõ rệt định nghĩa tình yêu bấy lâu tìm kiếm, chép đầy đủ trên thân thể cô gái không sót một hàng, một chữ nào. (...) Bernard nhớ rõ, thiếu nữ in hệt người đàn bà trong trí tưởng bấy lâu anh lùng kiếm, đôi mắt lá răm cuống quýt, mái tóc đen bóng tối, nước da ửng mật giữa trưa nóng, cô gái mang suốt thân thể những bí ẩn của tình yêu và điều kỳ lạ, anh đọc được hết tất cả những mật mã ghi chép tường tận trên da mặt cô gái, viết chi chít ở vành môi dầy và lan xuống đến hai vai, ở bắp tay thuôn nõn săn chắc, đầy ắp ở lồng ngực lên xuống chỉ bị che khuất bởi vạt áo lụa đang trải ra trước mắt. Bernard nhớ anh đã vật cô gái ra đất, xé toạc áo sống để nhìn cho rõ những nguyên lý thầm kín của tình yêu chép nắn nót trên hai bầu ngực, viết quanh rốn, xâm từng chữ ở hai đùi và chính giữa bụng thiếu nữ. Và kỳ diệu, mỗi khi đọc đến đâu, xác thân anh sống lại, hai bàn tay ấm dần, tròng mắt trong xanh và môi không còn thâm tím. Bernard đọc ngấu nghiến tất cả những chữ viết xoắn xít trên mình thiếu nữ, anh không thể nhớ đó là chữ La Tinh, An-nam hay Tây Ban Nha, chỉ nhớ anh có thể hiểu hết tất cả, những định nghĩa tình yêu đang chảy đột ngột tuôn vào người anh như sấm sét ”.
Tuyết, nhân vật trung tâm nối kết những người đàn ông, là nhân vật tiểu thuyết bước ra từ trang sách của Tự Lực Văn Đoàn, nàng là sản phẩm sáng tạo của Nhất Linh và Khái Hưng. Trong Giáo sĩ, nhà văn Trần Vũ cho Tuyết sống một cuộc đời khác. Nàng là mẫu đàn bà mà tất cả đàn ông đều ham muốn, vì họ chỉ nhìn thấy khía cạnh nhan sắc, nhục thể ở người đàn bà, mà ít khi quan tâm phụ nữ còn những phẩm chất khác. Trong truyện, nhân vật Tuyết lần lượt chữa lành bệnh “thối ruột” cho giáo sĩ De Rhodes, trung úy De Lattre - chứng bệnh của những người đàn ông chưa một lần thỏa mãn thân xác và thiếu vắng tình yêu. Nàng tượng trưng cho tình yêu thân xác, thỏa mãn nhục dục ở người đàn ông: “…Trước đây, Tuyết không hề cảm giác gì rõ rệt mỗi khi luyến ái với Chương, do Nhất Linh và Khái Hưng không miêu tả kỹ. Làm tình với Bernard, Tuyết thấy rõ người thanh niên, dù chỉ mới lần đầu đã kiểm soát hơi thở của anh, đã chờ đợi chia sẻ thân xác của cả hai, tựa cả hai cùng chống một chiếc thang hai chân giữa khoảng không chơi vơi, cùng leo lên, cùng đợi nhau và cố nghiêng ngả kềm hãm bấu víu lẫn nhau để chiếc thang khỏi chao đảo ngã đổ, để cùng đi lên đến tận trời. Lần đầu tiên Tuyết nếm vị sữa đậm sệt như cặn rượu chát.”
Mối tương quan giữa tình yêu và tôn giáo, được nhà văn khắc họa rõ nét trong tuyến nhân vật này. Người đọc tự hỏi vậy hạnh phúc con người nằm ở đâu? Con người tin vào thế giới tôn giáo để mong kiếm tìm sự cứu rỗi, thế nhưng tôn giáo có thật sự mang lại hạnh phúc cho con người? Cuối cùng, nhân vật giáo sĩ cũng ngộ ra rằng cuộc đời con người chỉ có hạnh phúc khi có tình yêu “... thứ tình cảm vĩnh cửu của nhân loại còn dai dẳng hơn cả sự sống hứa hẹn đời đời trên nước Chúa”.
Sự xung đột nội tâm của giáo sĩ còn mở ra một chiều kích lớn. Đó chính là cuộc đấu tranh âm thầm nhưng khốc liệt tự vượt lên chính mình của loài người dám phá bỏ lý tưởng, đức tin khi nhận ra sự ngụy tín, hư ảo, để trở về với những giá trị nhân bản của chính con người lập ra. Trần Vũ đề cao bản năng thân xác, vì đó là bản năng bình thường của con người. Thứ bản năng bình thường mà không tầm thường, vì chính là tình yêu – cội rễ của sự sống.
Chính tình yêu cứu chuộc tất cả. Tình yêu khiến con người đứng trên thần chết, cái chết không còn ý nghĩa gì khi có tình yêu. Bởi tình yêu chính là sự sống: “…Tiếng chuông ngân lên lúc đó, bao la và say đắm, tựa tiếng kêu của thiếu nữ lúc ân ái, gọi anh xuất tinh để cùng thỏa mãn.Bernard nhỏm dậy, anh vụt hiểu, vì đâu anh không thể chết. Chính tình yêu tạo ra sự sống và nuôi dưỡng sự sống, giản dị như định nghĩa ghi chép trên mình thiếu nữ. Nguyên lý cơ bản của sự sống khởi đi từ tình yêu và trung úy De Lattre đang yêu không thể chết. Tiếng chuông chín tiếng, như chín lần thiếu nữ gọi anh trở về. Bernard phát lên cười khanh khách (…) Viên trung úy còn thắc mắc vì sao sắc tộc Kinh, lưu trữ bốn ngàn năm quá khứ đã không coi trọng tình yêu, thứ tình cảm đầu tiên và cuối cùng của kiếp người ”.
Bên cạnh mối tương quan giữa tình yêu và tôn giáo làm khung sườn cho tác phẩm, truyện vừa Giáo sĩ còn phản ảnh cuộc chiến tranh đẫm máu giữa lính Lê Dương và quân đội Việt Minh
Qua Giáo sĩ, Trần Vũ muốn lật lại lịch sử, truy tìm nguyên nhân quân đoàn viễn chinh Pháp thảm bại tại Việt Nam?
Trong truyện, người đọc tinh ý sẽ thấy nhà văn xây dựng các nhân vật Pháp đều là những hồn ma, trong khi đó các nhân vật An-nam là những người đang sống.
Tôi nghĩ rằng, tác giả có dụng ý khi cố tình xây dựng hai tuyến nhân vật ma / người, quá khứ / hiện tại đan xen như vậy, để ám chỉ một điều mà tác giả muốn lý giải: Có phải vào giữa thế kỷ 20 tại Việt Nam, quân đội Pháp đã là những con ma (Đế chế Pháp đã là quá khứ). Thống lĩnh khu biên thùy Đông Bắc Cao Bằng-Lạng Sơn là hồn ma thống chế Ney. Viên thống chế đã theo Napoléon đánh chiếm Moscow năm 1812, áp dụng phương thức chiến tranh lạc hậu từ thế kỷ thứ 19, chống trả lại đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực chính quy Việt Minh do Vương Thừa Vũ thống lãnh áp dụng lối đánh chiến tranh nhân dân + du kích + giải phóng + vận động theo phương thức thế kỷ 20.13
Để chứng minh nhận thức chiến thuật sai lầm của tướng lĩnh Pháp, Trần Vũ đã mượn lời đại tá Charton: “Tự trong thâm tâm Charton không phục Ney, mặc dù viên thống chế đã tham dự các trận đánh lẫy lừng Iéna, Austerlitz bên cạnh hoàng đế Napoléon đệ nhất. Nhưng Ney không sao hiểu cách chuyển quân như sóng rừng của sư đoàn 308, không còn di chuyển đội hình ô vuông ban ngày, và Ney cũng không hiểu những quy ước chiến tranh do vong hồn Karl Von Clausewitz đang tiếp tục giảng dạy tại các trường đại học quân sự Tây Phương đã không còn được Việt Minh tuân thủ. Charton tin chỉ một mình ông khám phá ra chiến thuật Việt Minh. Lối đánh Phật giáo, chết đi sống lại luân hồi liên tục, khiến với quân số không tăng viện, trung đoàn Thủ Ðô vẫn có thể xung phong biển người, hết lớp này đến lớp khác, mà các đại liên Bren, Browning, Hotchkiss bốn nòng không thể chận đứng. Bộ đội Việt Minh không thể tử vong”. Quân đội Pháp không thể chiến thắng vì họ không theo kịp thời đại, họ là hồn ma của quá khứ. Chủ nghĩa thực dân chính là bóng ma lịch sử.
Bên cạnh lý do quân sự trên, chúng ta còn nhận thấy trong Giáo sĩ, nhà văn đã biện giải sự thất bại bằng một lý do khác: thất bại về mặt tâm lý. Người Pháp sang Việt Nam với chiêu bài khai hóa, nhưng thực chất xâm chiếm nước khác, khai thác tài nguyên của các nước bản xứ đem về làm giàu cho mẫu quốc. Đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Quân đoàn viễn chinh Pháp là một thế hệ thanh niên tươi trẻ, được mẫu quốc rao giảng đi khai hóa các xứ sở man rợ. Những người lính ấy trong lòng vẫn còn mang tâm thức hưởng thụ thời bình ở quê nhà: say mê nghệ thuật Á Đông, yêu phụ nữ bản địa, lòng đang dạt dào nhựa sống. Sang Đông Dương chiến đấu mà trung úy Bernard de Lattre lại được Trần Vũ miêu tả như một vương tử quý tộc thời hoàng kim đầy lãng mạn, chỉ ước mong đi tìm tình yêu đôi lứa, trong khi đó Việt Minh được miêu tả như những người lính can trường, với tâm lý sẵn sàng hy sinh chiến đấu để giành độc lập cho quê hương. Hình ảnh Việt Minh chết rồi đầu thai sống dậy trùng trùng lớp lớp để tiêu diệt quân thù (theo thuyết luân hồi của Phật giáo), tượng trưng cho tinh thần bất diệt chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Trần Vũ đã miêu tả khá rõ hình ảnh này qua trường đoạn trung úy Bernard de Lattre lúc chạy từ Đông Khê về Cao Bằng bị Việt Minh luân hồi sống lại chém giết: “…Suốt đêm trung úy De Lattre dẫn đại đội sống sót mở đường máu, dẫm lên những xác chết mà De Lattre kinh hoảng khám phá đang đầu thai từ từ, chậm chạp ngồi dậy, thậm chí có những xác quân chủ lực Việt Minh chồm lên, tròng mắt trắng dã, la hét chụp lấy mã tấu chém xối xả vào đội hình lính Pháp mà chỉ mới một phút trước đây đã bị tiểu liên của binh sĩ Lê Dương cắt đứt đôi người”. Chiến thắng của Việt Minh là cái chiến thắng đã được báo trước. Chiến thắng của sức mạnh ý chí và của cả niềm tin tâm linh. Trong khi đó, quân đội viễn chinh Pháp đánh mất niềm tin vào tôn giáo của chính họ. Khi cuộc chiến đến giai đoạn khốc liệt, binh lính Pháp chỉ còn biết dựa vào niềm tin cuối cùng, tin vào tôn giáo sẽ giúp họ chiến thắng: “Rất đông các sĩ quan Pháp đã tin tưởng lữ đoàn kỵ binh giáp sắt sẽ xuất hiện chống trả Việt Minh ngày Cao Bằng bị tấn công, chỉ cần cha cố rao giảng phúc âm ở tuyến đầu. Hiếm ai lúc đó không tin tưởng vào nhà thờ, như niềm tin chiến thắng cuối cùng”. Thế nhưng, Chúa Jésus xuất hiện ở Đông Khê, đã chỉ có thể đẩy lui tiểu đoàn Hoàng Diệu, không giúp được binh đoàn Le Page chiến thắng. Mặt khác, Công giáo bế tắc không giải thích được sau khi chết rồi vong hồn người ta làm gì cho đến ngày Phán xét cuối cùng? Vì vậy các vong hồn lính Pháp vất vưởng không siêu thoát nên tiếp tục hiện diện ở Đông Dương. Ngược lại, đứng về mặt siêu hình, Phật giáo với thuyết luân hồi lý giải mạch lạc hơn về điều gì xảy ra sau khi chết. Con người sẽ đầu thai một kiếp khác, có thể tốt đẹp hơn. Chính đạo Phật đem đến ý chí bất diệt, sức mạnh và hy vọng cho dân tộc Việt Nam chống Pháp; dù phải chết, sau kiếp nô lệ sẽ là kiếp đời độc lập. Cuộc chiến chống thực dân cũng là cuộc chiến giữa hai khái niệm thế giới người sống-người chết của Công giáo và Phật giáo. Cuối cùng Pháp thảm bại trên cả hai mặt quân sự và siêu hình. Đó cũng chính là sự va chạm của hai nền văn hóa Đông-Tây.
Bên cạnh những nội dung được trình bày trên, Giáo sĩ còn phản ánh một khía cạnh quan trọng khác, mà theo tôi nội dung này là một trong những chủ đề chính mà tác giả đã có nhiều dụng công suy nghĩ sáng tạo. Sự giao thoa và ảnh hưởng của hai nền văn hóa Pháp-Việt.
Hình ảnh nhân vật Tuyết bật dậy bước ra từ trang sách, để sống một kiếp đời khác, gần như một kiếp luân hồi, là một hình ảnh sáng tạo kỳ lạ của Trần Vũ. Sự kết hợp thân xác giữa giáo sĩ A.De Rhodes – người khai sinh ra chữ quốc ngữ và nhân vật tiểu thuyết, hiện thân của chữ quốc ngữ, là hình ảnh tượng trưng cho sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Pháp-Việt. 
Trong Giáo sĩ, nhà văn đã cố tình cho nhân vật tiểu thuyết lặp lại nhiều lần câu nói: “Vâng em là Tuyết của Đời Mưa Gió, của Nhất Linh và Khái Hưng trong Tự Lực Văn Đoàn, người chịu ơn của anh!” khi gặp đức cha A.De Rhodes và trung úy De Lattre lần đầu.14
Kết thúc truyện người đọc càng nhận rõ hình ảnh tượng trưng này khi:“…Tuyết hiểu nàng không có tên trên danh sách loài người khi Jésus Christ gỡ tay (…) Sáng đó Tuyết đã khóc thật nhiều vì vụt hiểu ra nàng chỉ có thể hiện hữu bằng tình yêu khai hóa duy nhất của Alexandre Lucien Abel de Rhodes.” Nàng là nhân vật tiểu thuyết được khai sinh từ ngôn ngữ, nàng hiện hữu được là do chữ viết, nàng chính là văn chương nghệ thuật.
Có lẽ, ý nghĩa “khai hóa” mà thực dân Pháp làm được cho dân tộc Việt là khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Tôi cho rằng, đoạn lý giải sự khai sinh ra chữ viết của đức cha A. de Rhodes là một trong những trường đoạn hài lòng của Trần Vũ. Bước vào chương này, người đọc như đắm mình trong dòng văn miên man, đầy sảng khoái của tác giả.15
Khai sinh ra chữ Quốc ngữ, người Pháp đã đem nền văn hóa nghệ thuật phương Tây du nhập vào Việt Nam, cộng hưởng với nền văn hóa bản địa tạo ra sự đa dạng màu sắc, giúp văn hóa Việt Nam phát triển.
Ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp lên nền văn hóa Việt bàng bạc trên khắp các loại hình nghệ thuật từ tiểu thuyết, thi ca, âm nhạc, hội họa, điêu khắc…Trong Giáo sĩ, sự ảnh hưởng của nền văn chương Pháp thể hiện rõ nét qua thể loại tiểu thuyết. Đầu thế kỷ 20 tiểu thuyết Việt Nam bắt đầu phôi thai qua tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, phỏng theo “in hệt tiểu thuyết Pháp”, “tiểu thuyết Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Trọng Quản không khác mấy thời giáo sĩ viết Phép Giảng Tám Ngày ”…cho đến thời Tự Lực văn đoàn – hội đoàn do anh em nhà Nguyễn Tường Tam du học từ Pháp về thành lập - tiểu thuyết Việt Nam đã phát triển vượt bậc.
Truyện vừa Giáo sĩ thực chất là tiểu thuyết luận đề về con người, phản ánh rõ nét những chủ đề mà nhân loại hằng quan tâm: tôn giáo, chiến tranh, lịch sử, tình yêu, sáng tạo nghệ thuật. Kết hợp nhiều mối tương quan: quá khứ với hiện tại, sự giao thoa giữa các nền văn hóa, quan hệ giữa người sống với người chết, giữa người đọc và người viết, giữa Công giáo và Phật giáo.
Trần Vũ từ nhỏ đã được gửi vào học trường dòng, và sau đó qua Pháp ở Viện mồ côi 5 năm16 cũng là nơi con chiên của Chúa hành đạo, nên ông hiểu rõ tôn giáo quan trọng như thế nào trong đời sống tâm linh của người phương Tây. Tại sao sống trong lòng xã hội phương Tây gần cả đời người, Trần Vũ lại không đề cao niềm tin tâm linh của phương Tây?
Phải chăng kinh nghiệm cuộc sống trong các trường dòng, kinh nghiệm đối diện với cái chết và sự dã man của con người trong chuyến vượt biển17, và kinh nghiệm cuộc sống lạnh lùng của một xã hội phương Tây hào nhoáng, đã làm ông hoài nghi tất cả, phản kháng tất cả. Ông không tin tôn giáo có thể cứu rỗi con người?
Trong Giáo sĩ, Đức cha A.De Rhodes, dì phước Louise, mẹ bề trên Thérèse …từ bỏ hạnh phúc tự nhiên của con người trần thế để mong tìm hạnh phúc chốn thiên đàng. Nhưng thực chất trong sâu kín tâm hồn họ đều không tìm được sự bình yên, đều không tìm được hạnh phúc. Tất cả đều khao khát được sống như một con người bình thường với tất cả bản năng của con người. Kể cả đức chúa Jésus cũng vậy: “Louise đã chứng kiến đấng Christ im lặng, nỗi im lặng sâu thẳm mà dì phước không đoán nổi, thứ im lặng đớn đau của một người đàn ông bất lực”. Cuộc đời con người thực chất là một chuỗi dài đi tìm hạnh phúc, đi tìm tình yêu. Dẫu rằng tình yêu không chắc đã có thực trong mỗi phận người, nhưng tin vào tình yêu là tin vào một khả hữu hiện sinh trong đời sống con người, hơn là những hứa hẹn của tôn giáo về một thế giới vĩnh cửu của linh hồn. Trần Vũ đã đem tình yêu đặt trên tôn giáo, đặt trên thần chết, với ông tình yêu chính là cội nguồn của sự sống, tình yêu mới là cứu cánh cứu rỗi con người.
Tại sao sống trong lòng nước Pháp gần ba thập kỷ, từ nhỏ đã tiếp xúc với nền văn hóa Tây Phương, Trần Vũ lại không đề cao nước Pháp. Ông lạnh lùng, mổ xẻ ngọn nguồn sự thất bại của thực dân Pháp tại Đông Dương, thậm chí không ngần ngại nói rõ bản chất phi nghĩa của thực dân Pháp đi xâm chiếm các thuộc địa với chiêu bài khai hóa mà Thập Tự đi trước, giáo mác theo sau? Lý giải sao về ý thức phản kháng trong Giáo sĩcủa Trần Vũ: một tác giả phương Đông, vì hoàn cảnh lịch sử dân tộc đã phải lưu vong trên xứ sở của một đất nước từng là kẻ thù trong lịch sử? Tại sao giáo dục phương Tây không ảnh hưởng nhiều tâm hồn Trần Vũ? Phải chăng nhìn lại lịch sử là bản năng của Trần Vũ, cho dù lịch sử nước nào thái độ ông cũng thẳng thừng – khách quan. Phải chăng tâm thức của nhà văn đã định hình từ khi ông còn ở quê nhà – ý thức người Việt đã là máu thịt của ông?
Trong tiểu luận: “Điện biên phủ, định mệnh của kẻ thù”, Trần Vũ viết: “Lịch sử thật, lịch sử thế giới, lịch sử da vàng chiến thắng da trắng lần đầu tiên dân tộc Việt vừa viết lên. Nhưng hơn một trang sử, Điện Biên Phủ mang định mệnh của dân tộc. Trong thế kỷ 20, trước Điện Biên Phủ người Việt đã có một quá khứ nô lệ và sau Điện Biên Phủ, khả năng đi tìm một tương lai khác”.18Điều đó chứng tỏ, mặc dù sống trên đất Pháp nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Trần Vũ vẫn luôn khắc khoải về lịch sử đất nước mình, luôn kiêu hãnh về dân tộc mình.
Trong Giáo sĩ, nhà văn lý giải thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, cho dù vũ khí, kỹ thuật hiện đại nhưng là cuộc chiến phi nghĩa nên thảm bại. Sức mạnh của cái ác sẽ không bao giờ chiến thắng sức mạnh chính nghĩa. Lịch sử nhân loại từ xưa đến nay đã minh chứng, sự chiến thắng của sức mạnh, của cái ác là vô nghĩa vì kẻ chiến thắng cuối cùng sẽ không được gì, lịch sử đời sau rồi cũng phán xét. Chỉ có những hành động xuất phát từ ý nghĩa cao đẹp của loài người với nhau, mới thực sự có giá trị cho nhau. Chính sự khai sinh ra chữ quốc ngữ của người Pháp, đem lại chữ viết cho dân tộc Việt mang tinh thần nhân bản mới thực sự “cứu rỗi” nước Pháp. Giáo sĩ De Rhodes chỉ được cứu rỗi bởi Tuyết, một sản phẩm của chữ quốc ngữ do chính De Rhodes tạo ra. Văn chương nghệ thuật đã cứu rỗi linh hồn giáo sĩ. Chính sáng tạo nghệ thuật mới cứu rỗi linh hồn con người. Thông qua tác phẩm Giáo sĩ, Trần Vũ đề cao vai trò sáng tạo nghệ thuật. Ông đưa ra quan niệm: tiểu thuyết cũng nhiệm màu và vĩnh hằng như kinh thánh. 19 Tiểu thuyết có khả năng khai sinh ra tất cả và xóa bỏ tất cả. Nhân vật trong tiểu thuyết là nhân vật giả, chính vì vậy Tuyết có thể bước ra từ trang sách, Jésus Christ trong Giáo sĩ cũng chỉ là một nhân vật tiểu thuyết. Vì thế, chúa Jésus, một nhân vật tiểu thuyết “không trọng lượng” không thể cứu quân đoàn viễn chinh Pháp thất bại ở Việt Nam. Cuộc đời trong tiểu thuyết là một cuộc đời không có thật, đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của nhà văn.
Với bút pháp hiện thực huyền ảo pha nhiều kịch tính giễu cợt, nhà văn cố tình xây dựng câu chuyện một cách hư hư thực thực, với nhiều tình tiết khôi hài như một câu chuyện đùa. Làm sao nhân vật tiểu thuyết lại có thể bước ra từ trang sách làm chức năng “cứu rỗi” những người đàn ông? Làm sao hồn ma giáo sĩ lại có thể làm tình với nhân vật tiểu thuyết? Làm sao trung úy De Lattre lại có thể đọc được định nghĩa tình yêu chép trên thân thể một nhân vật hư cấu? Làm sao chúa Jésus lại tái thế ở Đông Khê để cứu chuộc binh đoàn Le Page và Charton đang sa lầy... Người đọc biết rằng không có thật, nhưng vẫn say mê theo dõi tình tiết, diễn biến câu chuyện. Chính không khí đặc biệt của truyện đi liền với trí tưởng tượng kỳ lạ của tác giả đã tạo ra giá trị của Giáo sĩ.
Tìm ra được chủ đề khác thường để phản ảnh đã khó, đem tất cả những nội dung ấy đan thành một truyện cực kỳ hỗn tạp mà vẫn liền lạc, nhất quán, xuyên suốt có tư tưởng và nhân sinh quan rõ rệt phải là một sự dày công suy nghĩ. Thế nhưng, làm thế nào để lôi cuốn người đọc vào tác phẩm của mình, bằng lối diễn đạt khác lạ, hấp dẫn lại là một điều khó hơn. Vậy mà, Trần Vũ đã làm được tất cả những điều ấy một cách rất nghệ thuật. Giáo sĩ xứng đáng là một tác phẩm xuất sắc tiêu biểu trong dòng văn học hiện thực huyền ảo Việt Nam.
Nghiên cứu quá trình sáng tác của Trần Vũ, người đọc dễ dàng nhận thấy sự bứt phá ngoạn mục trong từng tác phẩm. Mỗi tác phẩm là một bứt phá. Từ tác phẩm đầu tiên Đồng cỏ Miên đến Giáo sĩ là một cuộc chạy đua tiếp sức. Chứng tỏ, Trần Vũ là một nhà văn cầu tiến luôn ý thức tự làm mới mình. Có lẽ Trần Vũ là một trong những nhà văn có chủ ý rõ ràng đem hành động vào truyện ngắn Việt Nam. Xem truyện ông, người đọc bị hớp hồn vào không khí đầy hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị với hình ảnh bất ngờ, rõ từng động tác, các nhân vật trong truyện giống như các tài tử đang diễn trong phim. Vận tốc truyện nhanh, hình ảnh luôn thay đổi, thời gian xáo trộn liên tục. Có khi chỉ trong vài dòng tác giả đã xáo trộn thời gian, không gian như một vòng xoáy, làm người đọc không kịp thở: “…De Rhodes đã nhận ra mọi thứ biến hóa cấp kỳ ở An-nam. Lần chứng kiến cố Du tử đạo, De Rhodes đã để ý những khóm dứa trồng quanh pháp trường chỉ cao bằng đọt măng tây, đã lớn nhanh như thổi từ lúc đao phủ của Chúa Nguyễn hươi đao cho đến khi chặt thủ cấp cố Du, đã đơm trái chín vàng ngọt rụng xuống các gánh hàng rong xăm que bán cho khách đi xem hành quyết. (…) De Rhodes cũng chứng kiến sắc tộc Kinh có khả năng học ngoại ngữ rất nhanh. Những ngày ở Ðàng Trong, khuyến khích các con chiên vừa mới theo đạo xưng tội, De Rhodes để ý các cô gái chỉ biết khai bằng tiếng Khmer ông không sao hiểu, nhưng cũng các cô gái đó, khi lập gia đình đến nhờ ông làm phép giao, đã nói lưu loát tiếng Trung Hoa và khi De Rhodes rửa tội cho đứa con đầu lòng, các cô dâu trẻ đã biết nói merci và xin pourboire”. Trong khi đó, truyện ngắn Việt Nam bình thường có nhịp độ chậm, và gần như rất ít hành động.
Trần Vũ thường kết hợp lối viết tương phản trong cùng một tác phẩm tạo ra những trạng thái bất ngờ, gây tâm lý mới lạ cho người đọc, đẩy người đọc đến tận cùng cảm xúc. Lắm lúc, tác giả vừa nâng tâm hồn người đọc lên chín từng mây, tâm trạng còn đang chơi vơi, tiếp liền tức khắc dìm người đọc xuống chín tầng địa ngục.
Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy lối viết tương phản như vậy trong Giáo sĩ, trường đoạn miêu tả nhân vật Tuyết trước và sau khi xuất hiện: đoạn đầu là những hình ảnh thần tiên như phim thần thoại vào một buổi sáng đẹp trời: “…Buổi sáng đó, buổi sáng có những khúc lụa bay chậm rãi trong giấc ngủ thiu thiu, De Rhodes có cảm giác một làn sương sớm tinh khiết thơm cây trái đang phả suốt hầm. Hương hoa mỗi lúc một tỏa ngát đậm đặc. Cha cố tỉnh ngủ hẳn. Ông nhìn trân trối đóa hồng đỏ gắt đang mọc nhú từ từ, trổ từ bức tường lâu năm ám khói, thứ hồng đỏ gắt rực rỡ Nhật Tân mà có lần De Rhodes đã trông thấy ở xứ bảo hộ Bắc Kỳ. Cha cố kinh ngạc không hiểu vì sao khóm hồng đỏ lịm đã có thể đâm xuyên thủng trần hầm thư viện. Nhưng rõ ràng các đài hoa đang nứt rạn vách đá. Trong một phút, ngôi huyệt cổ đơm chi chít mẫu đơn, glaieul và hồng tía, tựa nhà thờ sắp có lễ giao. De Rhodes lấy tay phủi mây để nhìn cho rõ và ông chết cứng khi ấy, khi tay hãy còn nắm níu những cọng mây đang trôi lơ lửng”.
Tiếp theo sau là một không khí âm u, rờn rợn, như những thước phim ma gây cảm giác rùng rợn, kinh dị nơi người đọc.
“Mỗi tối Tuyết dọn ăn trong phòng riêng của cha cố. Tuyết hay hầm chuột sốt vang với mận Tây Bắc, ngâm với lá nguyệt quế, có khi băm nhỏ chục vắt tươi với hành sống tưới mật trộn sữa làm gỏi, những món cha cố rất thích. (…) Các nấc thang gỗ cổ xưa vang những tiếng rên như giam hãm những linh hồn khẩn khoản van nài trên mỗi bậc thang càng làm nàng sợ hãi. Cha cố đã kể nhà thờ Cao Bằng xây bằng những viên gạch đã có từ lâu lắm, từ những thành lũy của Mạc Ðăng Dung, mỗi thỏi gạch đều chứa mang âm hồn An-nam tắm máu chiến tranh và máu người. Tuyết cố gắng đi thật nhanh lên nóc chuông nhưng những bậc thang trơn trợt nhấp nhô rung chuyển tựa có những bàn tay vô hình cứ nắm chắc lấy cổ chân nàng.”
Đặc điểm của Trần Vũ thích mô tả các trạng thái tình cảm con người đến mức cực đại, ông thường sử dụng những từ cực tả như: cực kích thích, cực ham muốn; cực kỳ thỏa mãn; chết sững, chết cứng. Màu sắc dưới mắt Trần Vũ, cũng mang một tâm trạng dữ dội: đỏ gắt, đỏ một màu huyết dụ, xanh hực, sắc xanh hực gai góc. Trần Vũ thích “hình ảnh hóa cảm xúc tình cảm”, tạo ấn tượng mạnh nơi người đọc, nhiều lúc đẩy đến mức cực đoan. Ví dụ để diễn tả sự thiếu vắng tình yêu thân xác của người đàn ông, nhà văn đẩy lên thành căn bệnh “buồn chín thối ruột”. Nỗi buồn thống thiết trống vắng tình yêu ở giáo sĩ lây lan đến khắp vạn vật, đến mức chỉ cần đi đến đâu “…các ruộng mạ mới xanh mơn mởn bỗng dưng héo úa hóa ra cằn cỗi… như đã cháy khô từ bao kiếp nào. Các gốc sữa chai sần không thể trổ hoa và ngay đến con sông Hiểm nổi tiếng hung dữ, mặt nước bình thường cuộn siết xoáy nhận chìm biết bao bè gỗ cũng vụt trở nên lặng lờ thiu chảy”, căn bệnh của giáo sĩ lây đến cả con người “các con chiên giáo xứ òa khóc vật vã tức tưởi” khi trông thấy giáo sĩ xuất hiện, đến mức các viên sĩ quan cấm các binh sĩ lui tới nhà thờ “để tránh hội chứng cô buồn giáo sĩ”. Ngược lại, để diễn tả sự hân hoan khi tình yêu xuất hiện, vạn vật cũng tràn đầy nhựa sống “…khác mọi khi, các gốc sữa phía sau nhà thờ xum xuê rậm rạp trổ hoa trắng khác thường, tiết ra mùi sữa bột Guigoz nhờn nhờn khi vừa trộn nước sôi và vườn cà đã ba trăm năm chưa cho trái chen chúc, lúc nhúc những quả cà to bằng trái bí rợ nằm lổn ngổn trên đất”. Để diễn tả sự say mê sáng tạo nghệ thuật của giáo sĩ, Trần Vũ miêu tả: “…De Rhodes viết đêm ngày, trăng lên trăng xuống ông không hay, mưa bão ông không hề biết, viết đến rách giấy, viết đến thủng bàn gỗ cẩm lai khiến ý văn tung tóe, chảy lai láng trên mặt đất. Thậm chí bình mực đã cạn giáo sĩ vẫn tiếp tục chấm, tiếp tục viết đến lúc ngòi bút cùn vẹt, cán bún lụn dần rồi biến mất mà mực vẫn cứ tiếp tục trào ra chảy ở đầu ngón tay ông sưng đỏ như quả ớt”. Để tỏ tấm lòng trong sáng của Nhất Linh, Trần Vũ đẩy lên thành một cái chết mang ý nghĩa tượng trưng đẹp vô vàng: “Tuyết đã bàng hoàng trông thấy cơn mưa sáng gai góc sắc buốt nhểu xuống khu vườn lan rũ úa bên suối Đa Mê, đã sửng sốt chứng kiến Nhất Linh già đi, ốm yếu, uống từng giọt độc dược đắng, đen, như những giọt mực anh đã dùng viết tiểu thuyết. Nhất Linh đã uống cạn ve thuốc độc như muốn nuốt trôi hết tất cả chữ nghĩa đã viết.” Những giọt mực viết nên tác phẩm cũng chính là những giọt độc dược giết chết tác giả. Cái chết của Nhất Linh là cái chết “sinh nghề tử nghiệp” mà ngàn sau người đời vẫn còn kính phục.
Chính những hình ảnh đẩy đến mức phóng đại của Trần Vũ đã tạo ra những tình tiết nghệ thuật mang tính siêu thực theo kiểu kỹ xảo điện toán của điện ảnh rất phù hợp với trường phái văn học hiện thực huyền ảo. Ngôn ngữ gây sốc, kết hợp với đề tài nhạy cảm, chắc chắn tác giả Trần Vũ đã dự phóng tác phẩm của mình sẽ gặp nhiều phản ứng nơi người đọc. Và dĩ nhiên, người đọc với trình độ khác nhau, tầm đón nhận cũng sẽ khác nhau. Với lối viết mang tính ước lệ cao, người đọc sẽ thỏa sức tưởng tượng theo trường liên tưởng của riêng mình, tạo sự hấp dẫn, thích thú nơi người đọc “lý tưởng”. Tuy nhiên, cũng chính lối viết “tài hoa” ấy đã gây ra nhiều ngộ nhận nơi độc giả. Tiêu biểu cho ý kiến phản đối gay gắt này là độc giả Ngô Lê Từ. Trong thư ngỏ gửi Phùng Nguyễn ngày 12/3/2003, ông đặc biệt cảnh cáo Hợp Lưu về việc đã đăng truyện vừa“Giáo Sĩ” của Trần Vũ, mà theo người viết thư, truyện này mang tính cách đả phá tôn giáo và phản khoa học! Hư cấu như vậy là coi thường độc giả thấp kém. Xúc phạm tu sĩ và tôn giáo quá mức.”20
Với lối ẩn dụ táo bạo – Trần Vũ đã cho nhân vật Tuyết chữa lành bệnh giáo sĩ A.De Rhodes bằng một phương pháp quá đặc biệt gây sốc cho người đọc, nếu chỉ nhìn trên phương diện văn bản trần trụi21. Trong tiểu luận: Lịch sử tiểu thuyết – một tùy tiện ý thức, Trần Vũ từng nêu rõ quan điểm của mình: “Tiểu thuyết không nhất thiết phải viết y chang như thật, có thể pha trộn nửa thật nửa ảo và có quyền phóng đại thực tế lên đến mức... tiểu thuyết. Kỹ thuật chính của bút pháp hiện thực huyền ảo nằm ngay trong phương thức phóng đại từng chi tiết nhỏ nhặt này.”22
Và những độc giả như Ngô Lê Từ đã rơi vào hỏa mù đó.
Một lần nữa, Trần Vũ ở hải ngoại đã cùng với Nguyễn Huy Thiệp (Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết) 23, Phạm Thị Hoài (Thiên sứ), Tạ Duy Anh (Thiên thần sám hối), Hồ Anh Thái (Cõi người rung chuông tận thế)… tạo thêm cú sốc cho người đọc về mặt tiếp nhận tác phẩm, điều này góp phần làm thay đổi cách đọc của người Việt trước những đề tài và bút pháp lạ lẫm so với quan niệm truyền thống.
Bao giờ cũng vậy, cái trái ngược nào cũng gây nhiều phản ứng. Chính những nhà văn tài năng này đã góp phần hình thành nên một cách tiếp nhận mới trong tiến trình tiếp nhận văn học ở Việt Nam.
Trần Vũ viết với một ý thức sáng tạo rõ rệt, ông đặt trọng tâm vào kỹ thuật kể cả giọng văn và cốt truyện, trong khi viết ông luôn dựa trên hư cấu. Trả lời phỏng vấn ông nói: “Trong khi viết tôi luôn dựa trên hư cấu. Viết về một đề tài nào đó mà mình không sống qua, chưa có kinh nghiệm; chẳng hạn lịch sử hay chiến tranh, tôi tìm đọc sách sử và địa lý nhân văn của thời đại đó. Ðọc bốn năm cuốn và đọc đi đọc lại cho đến lúc tất cả chi tiết phong thổ lịch sử thấm vào mình, tưởng như mình đã sống qua, trông thấy, chứng kiến; lúc ngồi vào bàn viết chúng sẽ hiện lên trở lại một cách tự nhiên. Xây dựng truyện trên tưởng tượng còn cho người viết những tự do mà sự thật đã tước đi. Gần đây tôi tin lối thoát của mình là từ bỏ con đường hiện thực. Viết lại sử Việt cận và hiện đại bằng kỹ thuật huyền ảo của Marquez sẽ là một cuộc phiêu lưu kỳ thú.” 24

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh cũng nhận định: “Kỹ thuật là bận tâm của người viết, vì người đọc chỉ muốn thưởng thức cái được viết ra, câu chuyện!... Như vậy, kỹ thuật tiểu thuyết trở nên quan trọng, là cái riêng của mỗi tác giả, trong cách kể, cách viết, trong không khí mà tác phẩm tạo nên được!” 25

Chính kỹ thuật viết làm nên “căn cước” của tác giả.
Nếu nhà văn Nguyễn Mộng Giác dùng lối viết chân phương, cổ điển, văn phong mềm mại, câu văn dài, diễn biến truyện chậm, dàn trải, thời gian, không gian tịnh tiến, xây dựng tác phẩm dựa trên nền hiện thực thì Trần Vũ hoàn toàn trái ngược.

Trần Vũ thường sử dụng bút pháp hiện thực huyền ảo, ngôn ngữ lạnh và ác, câu văn ngắn, dứt khoát.26 Diễn biến truyện nhanh. Thời gian, không gian xáo trộn liên tục, xây dựng tác phẩm hoàn toàn hư cấu.
Chính kỹ thuật viết khiến các tác giả khác nhau, ở cách truyền đạt và sử dụng ngôn từ.
Có người cho rằng kỹ thuật viết một trường thiên tiểu thuyết sẽ kỳ công hơn một truyện ngắn, truyện vừa. Tôi nghĩ rằng không thể so sánh như vậy. Mỗi tác phẩm của mỗi tác giả có những con đường riêng của nó.
Nếu trường thiên tiểu thuyết Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác gồm 5 tập dài 1860 trang, hoàn thành trong 7 năm.27 Thì truyện vừa Giáo sĩcủa Trần vũ chắt lọc 50 trang, thai nghén và ấp ủ trong vòng 10 năm mới hoàn thành.28
Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Mộng Giác là một bước tổng hợp giữa sử thi cổ điển với những thành tựu của nghệ thuật tiểu thuyết nửa đầu thế kỷ 20. Giá trị tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác không phải chỉ ở chỗ ông là bậc thầy trong việc khai thác tâm lý nhân vật một cách tinh tế, quan trọng chính là những độc thoại nội tâm nhân vật gắn liền với diễn biến lịch sử của đất nước.

Trong khi đó, tiểu thuyết của Trần Vũ là một bước kế thừa và tổng hợp văn hóa Đông-Tây trên con đường hiện đại hóa của thế kỷ 20. Ông là nhà văn Việt Nam tiên phong trong lối viết hiện thực huyền ảo.

Nói như nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ: “Một quy luật phổ biến diễn ra trong thế kỷ 20 là các thể loại văn học nghệ thuật muốn tồn tại và phát triển, chúng phải tổng hợp được vào bản thân mình những thành tựu của các loại hình nghệ thuật khác... (...) ...Những xung đột giàu kịch tính tiểu thuyết lấy của sân khấu, những đoạn văn trữ tình thơ mộng tiểu thuyết lấy của thi ca. Những đoạn miêu tả thiên nhiên giàu màu sắc, đường nét và ánh sáng, tiểu thuyết lấy của hội họa. Và tiểu thuyết sử dụng cả nhật ký, bút ký, phóng sự, thư từ... và cả xảo thuật điện ảnh. Điện ảnh tuy mới xuất hiện vào đầu thế kỷ XX nhưng nó đã vượt lên như một loại hình nghệ thuật chủ đạo trong thế kỷ này. Vì điện ảnh đã tổng hợp vào bản thân mình những thành tựu của văn học, sân khấu, hội họa, âm nhạc, điêu khắc và cả những thành tựu của vật lý (quang học), của máy tính (tin học)... chính khả năng tổng hợp nói trên đã làm nên tính hiện đại của điện ảnh”29

Cũng như vậy, tiểu thuyết của Trần Vũ mang tính hiện đại của thế kỷ 20 vì nó đã tự làm giàu cho mình bằng cách tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của các thể loại văn học nghệ thuật nói trên, đặc biệt Trần Vũ đã thành công khi đem kỹ xảo điện ảnh vào tác phẩm của mình – tạo thành một bút pháp kỳ ảo, pha trộn màu sắc “phim kiếm hiệp” của Tàu và “phim hành động, kinh dị” phương Tây.

Tuy nhiên, theo tôi “kỹ xảo” nào cùng có hai mặt của nó. Giống như con dao hai lưỡi, nhà văn tài năng sẽ nâng lên thành nghệ thuật, nhưng nếu chưa đúng tầm cỡ tác phẩm sẽ trở thành sản phẩm “rẻ tiền”. Không phải bất cứ người viết nào cũng làm chủ ngòi bút của mình để sai khiến con chữ một cách mê hoặc người đọc được như vậy. Trần Vũ là một trong số ít nhà văn đạt được tầm cỡ đó.
Trong tư cách nhà văn, Trần Vũ kiêu hãnh cho trí tưởng tượng phong phú của mình tự do tung hoành. Đọc truyện ông, người đọc luôn bắt gặp những trường đoạn sảng khoái, điều mà ít nhà văn có được bởi những giới hạn vô hình.30
Trên con đường hình thành và phát triển tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, Trần Vũ là một trong những cánh chim đại bàng dũng mãnh, tự vạch cho mình một lối đi riêng đầy ý thức sáng tạo. Tác phẩm của ông đã có những thành công nhất định về phương diện cách tân trong bút pháp. Chỉ riêng Giáo sĩ, Trần Vũ xứng đáng có vị trí trang trọng trong lịch sử phát triển tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.  
Ghi chú:
 (1) Trần Vũ, Giáo sĩ, tạp chí Hợp Lưu Số 68 - Xuân Quý Mùi,Tháng 12/2002 và tháng 1/2003, California, Hoa Kỳ. http://tranvu.free.fr/baiviet/index.html
(2) Đồng cỏ Miên, in trong tập Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu, Thời Văn 1988, Hồng Lĩnh tái bản 1994, Hoa Kỳ.
(3) Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu, Thời Văn 1988, Hồng Lĩnh tái bản 1994, Hoa Kỳ.
(4) Bên trong pháo đài, in trong tập Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu, Thời Văn 1988, Hồng Lĩnh tái bản 1994, Hoa Kỳ.
(5) Xem thư bạn đọc Diễn Đàn Forum (Paris) số 38. (Trích từ Đoàn Cầm Thi, Từ hành xác đến hành văn đọc “Giấc mơ Thổ” của Trần Vũ, tạp chíHợp Lưu, số 23, 1995, California, Hoa Kỳ)
(6)Phản ứng qua bài “Giáo sĩ” và trả lời của tácgiả.(www.giaodiem.com/doithoaiIII/09_trvu_III.htm - 29k -)
(7) Thụy Khuê, Trường hợp Trần Vũ, Sóng từ trường II (thuykhue.free.fr); Nguyễn Mạnh Trinh, Đọc cái chết sau quá khứ tập truyện Trần Vũ, tạp chíHợp Lưu số 12; Nguyễn Hưng Quốc, Những họa phẩm của Trần Vũ , tạp chí Văn Học số 53&54) ; Đoàn Cầm Thi, Từ hành xác đến hành văn đọc “Giấc mơ Thổ” của Trần Vũ, tạp chí Hợp Lưu số 23, 1995; Đinh Từ Bích Thúy, Siêu Thị và quái thai, damau.org; Đoàn Nhã Văn, Truyện ngắn của Trần Vũ: Nhảy dựng ngang trời thế đá tung, damau.org.
(8) Tôi mượn lời của nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi trả lời phỏng vấn cách đây 7 năm: “Viết trước hết là để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình, nhưng đã viết, thì cần phải chia sẻ những gì viết được cho người khác, đã nghĩ tới người khác, thì phải viết thế nào để người khác có thể hiểu được, có thể thông cảm với mình được, có thể vui buồn hờn giận theo cùng nhịp tim của mình, đã nghĩ tới người khác (vì người khác vô danh và ở cùng khắp, nên rất đáng ngại), thì người viết không thể chơi trò tiểu xảo được. Người đọc ở khắp nơi, trình độ học vấn và khiếu thẩm mỹ của họ khôn lường, nên không có trò giả trá nào qua được mắt họ. Ta chưa nghe họ nói gì, chỉ vì họ không thèm nói, hoặc họ nói mà ngại ta đau lòng nên nói quá khéo ta chưa hiểu đấy thôi. Càng nghĩ đến nụ cười bí hiểm của những người đọc vô danh, tôi càng thấy viết là một hành động liều lĩnh.” (Họ làm thơ viết văn cho ai; Tạp chí Chủ đề, số 5, Mùa Xuân 2001)
Thực vậy, lời thổ lộ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng chính là suy nghĩ của tôi, tự sáng tác đã khó, nhận định về người khác lại càng khó gấp bội. Nghĩ đến nụ cười bí hiểm của người đọc, tôi thấy mình đang làm một hành động liều lĩnh.
(9) Pháo Đài, tạp chí Hợp Lưu số 25, tháng 10/1991, California, Hoa Kỳ.
(10) Tiểu sử Alexandre de Rhodes: Alexandre de Rhodes là một nhà truyền giáo dòng Tên (Jésuites), sinh năm 1591 tại Avignon, miền nam nước Pháp và có thời kỳ sinh sống tại Goa ở Bồ Đào Nha, nơi hồi ức xảy ra trong truyện, trước khi qua đời ở Ba Tư. Năm 1625, A.De Rhodes đến An-nam bắt đầu truyền đạo. Trong hành trình truyền đạo cha gặp rất nhiều khó khăn, vì triều đình dùng chữ Hán, sĩ phu sử dụng chữ Nôm, quần chúng hầu như mù chữ. A.De Rhodes quyết định ký âm ngôn ngữ An-nam ra mẫu tự La-tinh để truyền bá thánh kinh. Chữ quốc ngữ dễ học, gần gũi với người Việt nên nhanh chóng được truyền bá rộng rãi. (Vào thời kỳ De Rhodes thế kỷ 17, chữ quốc ngữ chưa là chữ viết chính thức, chỉ mới xuất hiện trong các xóm đạo, đến cuối thế kỷ 18 chữ quốc ngữ bắt đầu được dạy trong một số trường thông ngôn, và chỉ thật sự được quảng bá rộng từ hậu bán thế kỷ 19, mất ba thế kỷ).
Vào năm 1651, cha cho in cuốn Từ Điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) dựa trên các ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý trước đó. Có thể coi đây là mốc đánh dấu sự ra đời của chữ quốc ngữ. Để ca ngợi công đức của cha A.De Rhodes người khai sinh ra chữ quốc ngữ, nguyệt san MISSI viết: “Khi cho Việt Nam các mẫu tự La-tinh, cha Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ”. “…Thật vậy, giống như Nhật Bản và Triều Tiên, người Việt Nam luôn luôn sử dụng chữ Hán của người Trung Hoa và bị nô lệ vào chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Triều Tiên mới chế biến ra một chữ viết riêng của họ. Còn người Nhật thì, sau nhiều lần thử nghiệm dùng mẫu tự La-tinh, đã phải bó tay và đành trở về với lối viết tượng hình biểu ý của người Trung Hoa… Trong khi đó, người Trung Hoa đang tìm cách dùng các mẫu tự La-tinh để chế biến ra chữ viết của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Vậy mà dân tộc Việt Nam, nhờ công ơn của cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), đã tiến bộ trước người Trung Hoa đến 3 thế kỷ”. (http://vi.wikipedia.org/wiki/Alexandre_de_Rhodes)
(11) Tiểu sử Trung úy De Lattre: Trung úy Bernard de Lattre de Tassigny là con trai của đại tướng tổng tư lệnh quân đoàn viễn chinh Jean de Lattre de Tassigny, về sau vinh thăng thống chế. Bernard de Lattre xuất thân dòng dõi quý tộc, biểu tượng của quân đội và sự tinh túy cao đẹp của tuổi trẻ nước Pháp những năm 50. Bernard de Lattre chết ngày 30 tháng 5 năm 1951 tại Ninh Bình, theo báo cáo của toán quân lượm xác khi chết trên mình mang 80 vết thương lưỡi lê và mảnh lựu đạn. Cả nước Pháp khóc ngày Jean de Lattre mang xác con về chính quốc. Khi chết Bernard de Lattre mới được 23 tuổi, chưa lập gia đình, chưa có hôn thê. 34 năm sau khóa sĩ quan 1984-1985 của trường sĩ quan liên quân Ecole Militaire InterArmes mang tên Bernard de Lattre.(http://emia.delattre.free.fr/parrain.html)
(12) Ngoài đời thật, Bernard de Lattre đầu quân tại trung đoàn 1 Săn Giặc Thuộc Địa (1er Régiment de Chasseurs Coloniaux) đồn trú tại Ninh Bình, không tham dự trận Đường Biên Giới, nhưng trong “Giáo Sĩ” được tác giả hoán chuyển về trung đoàn 3 Lê Dương (3ème Régiment Etranger d’Infanterie) đóng đồn Đông Khê.
(13) Trưởng thành trong chiến đấu, hồi ký của Vương Thừa Vũ, nxb Quân Đội Nhân Dân, 1979; Trận đánh 30 năm, ký sự lịch sử, Hoàng Văn Thái và Trần Độ biên soạn, nxb QĐND, 1985.
(14) “Vâng em là Tuyết của Đời Mưa Gió, người chịu ơn anh” do chính tay Nhất Linh viết trong tiểu thuyết Đời Mưa Gió, dòng thứ 13, tr 35, nxb Đời Nay, Sài Gòn, 1961.
(15) Đoạn văn miêu tả quá trình khai sinh chữ quốc ngữ: “Khi đến Gia Ðịnh lần đầu tiên, De Rhodes đã biết ông đặt chân tới một vùng đất kỳ bí. Hơi nóng ngùn ngụt như thiêu, đốt liên tục suốt ngày sắc xanh hực gai góc của những cánh rừng trùng điệp ngút ngàn mà dù đứng xa ông vẫn nghe thấy tiếng trò chuyện râm ran của vạn vật. Tất cả thanh âm An-nam bật lên dưới nắng sức sống mãnh liệt hừng hực hắt dội lửa dâng lên khắp mặt đất, không chỗ nào không có tiếng nói, ngợp bóng người, như thể mỗi người đàn ông An-nam là một cây chuối xanh biết đi đứng, mỗi người đàn bà An-nam là một buồng chuối xum xuê quả. Mãi sau nhiều ngày De Rhodes mới hiểu do người An-nam chết yểu, chết sớm quá nhiều nên phải tận lực sinh sản. Và lý do tử tuất cao lẫn tiếng động không ngớt ầm ĩ, không ngơi nghỉ, từ sáng đến trưa, suốt chiều, đêm khuya cho đến thâu đêm, phát sinh ở thảm kịch sắc tộc Kinh thiếu chữ viết để ghi nhớ những chuyện cần nhớ. Tất cả dân bản xứ đều phải kể chuyện huyên thuyên, nói thật to, bất kể người đang ngủ cần yên tĩnh, để những điều cần nhớ được lập đi lập lại không dứt và truyền bá rộng rãi, cho phép những người đã quên có thể nhớ lại, và lưu truyền cho con cháu. Ðến mức nhiều gia trưởng lập đi lập lại lời trăn trối của tổ tiên cho đến khi tắt hơi qua đời, và kẻ thừa kế được dòng họ nuôi nấng chỉ để học thuộc bí kíp gia truyền và lẩm nhẩm trả bài trước bàn thờ cho đến lúc kiệt sức và cứ thế con cháu thay nhau lập lại một suy nghĩ đã có từ nhiều ngàn năm trước. Ðến nỗi trong buổi giảng đầu, De Rhodes không sao truyền bá thánh kinh, vì những kẻ tò mò đến xem, không ngớt lập lại những điều gia đình căn dặn, để đừng quên, sau khi tan lễ phải ra chợ mua bao nhiêu lạng hành tỏi, gà, rau, đậu, mắm, và ghé đến nhà ai mời giỗ, thu họ, đóng hụi chết, bao nhiêu xâu tiền kẽm, khiến buổi ra mắt sách Cựu Ước thứ nhất của De Rhodes ồn ào như một chợ cá. Chính lúc đó De Rhodes quyết định ký âm thứ ngôn ngữ kỳ lạ lảnh lót như tiếng họa mi ríu rít, với mục đích giúp dân bản xứ có thể ghi chép những điều thường nhật cần nhớ, sẽ rảnh rỗi im lặng hơn khi nghe giảng kinh, và đặc biệt thôi lập lại những điều Thiên Tử ban truyền ngăn cấm giáo hội. Chỉ một thời gian ngắn, giáo sĩ nhận ra ông đã thành công. Từ khi có chữ viết, số tử vong vì kiệt sức giảm hẳn, sắc tộc Kinh thông tin cho nhau dễ dàng việc đồng áng, lúa gạo nhiều hơn, khiến thanh niên An-nam lớn nhanh như thổi, cao đến đầu gối, rồi đến bụng, cuối cùng đứng ngang tầm ngực ông, nhưng ngưng ở đó, vì dân bản xứ có truyền thống ăn rau sống với bánh tráng cuốn ruồi nhặng chấm nước dòi, đưa đến bệnh tiêu chảy triền miên làm teo tọp thân thể. Chính các Chúa Nguyễn thời đó cũng không sao ngăn cấm được thứ chữ do De Rhodes ký âm, vì rất ít ai đọc được các sắc chỉ dụ viết bằng tiếng Trung Hoa, nên không hiểu các Chúa muốn gì. De Rhodes cũng khám phá, sức mạnh của sắc tộc Kinh nằm trong những đứa trẻ, đông đúc chiếm hai phần ba dân số, một phần do những cụ già yểu thọ, một phần do phụ nữ An-nam mắn đẻ, chỉ cần ăn hơn một rổ khế chua đã có thể thụ thai. De Rhodes luôn luôn ngạc nhiên trước những đứa trẻ cực kỳ thông minh, linh hoạt, sinh động và gần như không bao giờ già đi, chỉ chết non vì chiến tranh. Giáo sĩ nhớ rõ, ông đã gặp một cậu bé khôi ngô, chỉ trong một tuần lễ đã dạy ông cách phát âm của mọi miền đất An-nam với tất cả thanh sắc. Cậu bé thông thạo mọi thứ, biết hết mọi chuyện, từ cách đổi tiền quan ra tiền kẽm, lãi thấp, đến cách thuê trâu giúp ông di chuyển, đến mọi thứ trái cây, đồ tế nhuyễn bản xứ. Chỉ trong một đêm cậu bé đọc vanh vách kê khai tất cả mọi món ngon vật lạ ở An-nam, và tuyên bố đã ghi chép trong hai cuốn sách do chính cậu viết. Ðiều kỳ lạ, thiếu niên không biết tiếng Pháp, nhưng hiểu hết những điều giáo sĩ nói, chỉ qua cử động của đôi môi. Chính De Rhodes cũng đã tiếp thu toàn bộ văn hóa An-nam qua những điều thiếu niên kể. Mãi sau, khi rời Gia Ðịnh lên Quy Nhơn, rồi ra Kẻ Chợ, giáo sĩ mới biết thiếu niên tên chữ Lê Quý Ðôn, về sau chết trong trận giặc sông Gianh rồi đầu thai theo quốc giáo, và cho xuất bản hai bộ sách Phủ Biên Tạp Lục cùng Vân Ðài Loại Ngữ”.
Giáo sĩ, tạp chí Hợp Lưu Số 68 - Xuân Quý Mùi, tháng 12/2002 và tháng 1/2003 (tr 226-262)
(16) Ký: Hiệp Hội tương tế Bắc Việt nghĩa trang, Tạp chí Văn số Xuân Quý Mùi tháng 2/2003, California, Hoa Kỳ.
(17) Biển rợn san hô, in trong tập Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu, Thời Văn 1988, Hồng Lĩnh tái bản 1994, Hoa Kỳ.
(18) Trần Vũ, Điện Biên Phủ, định mệnh của kẻ thù. tạp chí Hợp Lưu, số 79 tháng 10&11/2004, California, Hoa Kỳ.
(19) Trong tiểu luận Lịch sử tiểu thuyết – một tùy tiện ý thức, Trần Vũ cho rằng kinh thánh ngang hàng với tiểu thuyết “Sự thật nằm trong kinh thánh. Cựu Ước và Tân Ước, những cuốn tiểu thuyết hiện thực huyền ảo”. tạp chí Hợp Lưu, số 72, tháng 8&9/2003, California, Hoa Kỳ. http://tranvu.free.fr/baiviet/index.html
(20)Phảnứng qua bài “Giáo sĩ’ và trả lời của tác giả.(www.giaodiem.com/doithoaiIII/09_trvu_III.htm - 29k -)
(21) Phản ứng của độc giả Ngô Lê Từ: Trần Vũ viết “…Tuyết quyết định chữa dứt di căn của chứng bệnh thối ruột gan, như nàng đã chữa cho trung úy De Lattre. Tuyết mút dương vật cha cố, hút hết các chất lỏng vàng hôi thối rồi nhổ xuống chậu gốm, cho đến khi chậu gốm đầy ắp phải đem đổ ở gốc sữa. Mỗi tối Alexandre de Rhodes rên la vì thân thể ông căng phồng lên đến mức áo chùng rách bươm, và mỗi khi Tuyết mút quá mạnh, bụng giáo sĩ teo tọp hẳn lại tựa tất cả ruột gan đều trôi vào miệng nàng. Tuyết cũng xấu hổ, biết nàng làm chuyện dơ bẩn, thiếu kính trọng, thiếu đạo đức của một con chiên, nhưng Tuyết quyết tâm chữa cho bằng hết chứng cô buồn giáo sĩ. Nhất Linh đã bắt nàng làm một con điếm không nhân cách, nhưng Tuyết vẫn là một người đàn bà giàu tình thương, lòng trắc ẩn. Tuyết muốn trả ân nghĩa đã thọ ơn cha cố. Mỗi tối nàng miệt mài hút hết chất nước vàng cho đến một đêm chất lỏng trở nên trắng ấm thơm mùi lúa mạch nhuyễn bột như vị bánh thánh Alexandre de Rhodes vẫn cho nàng ngậm mỗi sáng Chủ Nhật rước lễ trong nhà nguyện. Kể từ sau đêm ấy, giáo sĩ hoàn toàn khỏi bệnh, ông trở nên khỏe mạnh và trẻ măng như một vị linh mục vừa tốt nghiệp trường thần học …” (trang 243). …(…) Hư cấu như vậy và coi thường độc giả thấp kém (hay chính tác giả thấp kém vì phản khoa học?). Xúc phạm tu sĩ và tôn giáo quá mức. (www.giaodiem.com/doithoaiIII/09_trvu_III.htm - 29k)
(22) Trần Vũ, Lịch sử tiểu thuyết – một tùy tiện ý thức, tạp chí Hợp Lưu, số 72, tháng 8&9/2003, California, Hoa Kỳ.(http://tranvu.free.fr/baiviet/index.html)
(23) Với bộ ba Kiếm Sắc, Vàng Lửa, Phẩm Tiết, Nguyễn Huy Thiệp đã gây sóng gió trong giới độc giả trong nước những năm 80. Nói như nhà phê bình Thụy Khuê “Rất có thể là vì cho tới bây giờ, người ta chưa quen với một phong cách văn chương đa diện, đa âm như thế. Trên con đường một chiều, bạn đi dọc ngang, đa đoan, đa dạng, là loạn”. http://chimviet.free.fr/vanhoc/thuykhue/stt1/thiep1.html (Thụy Khuê, Sử quan trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp, Sóng Từ Trường).
(24) Nhà văn Trần Vũ trả lời ba câu hỏi chung về sáng tác, tạp chí Văn Học số 114 tháng10/1995, California, Hoa Kỳ.
(25) Nguyễn Vy Khanh, Thế kỷ tiểu thuyết, tạp chí Hợp Lưu số 73, tháng 10&11/2003, California, Hoa Kỳ.
(26) riêng trong Giáo Sĩ câu văn rất dài.
(27) Lời cuối cho một bộ trường thiên: Phải chờ đến bảy năm bốn tháng, cuối cùng tôi mới viết được ba dòng chữ đơn giản sau đây vào trang bản thảo: HẾT. bắt đầu viết ngày 28-01-1982 tại đảo Kuku, Nam Dương. Viết xong ngày 02-06-1989 tại Orange Country, Hoa Kỳ. Nguyễn Mộng Giác,Mùa biển động (tập5), nxb Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ. (tr 1849)
(28) Lời tác giả.
(29) Phan Cự Đệ, Những bước tổng hợp mới trong Văn học Việt Nam thế kỷ 20, TCVH số 10/2001, Hà Nội.
(30) Nguyễn Hưng Quốc, May mắn của các cây bút hải ngoại.(Tienve.org)
Ban Mai


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...