Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Dấu chân trên cát

Dấu chân trên cát
Trời bên ấy sáng chưa
Tặng Huệ Liên
Trước ngõ dòng sông cuồn cuộn
Mây trắng nhẹ hồn thơ ấu
Sau vườn hoa cải rực vàng
Bướm lạc quê hương
Vầng mộng chàng trao
Mặt trời là mặt trời chung
Hoa bưởi tóc em phải nào hương xa lạ
Đôi tay nhỏ thay chàng khuya sớm
Hồn trên nét bút
Màu pha khói sóng
Thương những giờ chàng buông bút dạy con
Vai gánh lấy trọn vẹn giang sơn
Đòn gánh trĩu hai đầu văn hóa
Đông tây tiếng gà bồn chồn tấc dạ
Nghiêng gối hỏi thầm : trời bên ấy sáng chưa ?
Trọn một mùa đông
Lửa hồng ấp ủ tin yêu
Tiếng ngâm thơ vang qua trời tuyết
Rau dưa nuôi lấy tương lai
Mùa xuân hoa nở thắm đồi
Mắt xanh vì trời xanh
Hoa phượng lên rồi
Nửa trời tình yêu vừa hé mở.
Đuốc thơ còn cháy trên trang sử người
Đêm này dù đã về ngôi
Hồn thơ vẫn thấy luân hồi thế gian
Bút hoa ngàn kiếp không tàn
Đuốc thơ còn cháy trên trang sử người
Có không mù mịt biển khơi
Nẻo về đã rạng chân trời thênh thang
Tỉnh say vẫn một cung đàn
Lửa anh hào đốt cháy tan đêm sầu
Thơ lên bay vút bồ câu
Triều âm chấn động phương nào chẳng nghe ?
Giấc mơ Hồ Điệp đi về
Biển Đông sóng vỗ, kình nghê vẫn còn.
Mây trắng thong dong
Nhớ thuở xưa - khi ngươi còn là đám bạch vân bay thong dong
Ta theo nguồn múa ca đi về đại dương mênh mông,
Ngươi lưu luyến chốn đỉnh cao, lắng tiếng reo cười ngàn thông
Ta nhấp nhô trên sóng bạc, lên xuống vào ra muôn trùng.
Kịp đến khi thấy trần gian quằn quại lệ chảy thành dòng
Thì ngươi biến thành mưa, nhỏ giọt tuôn tràn đêm đông
Mây đen mịt mờ một phương chừ, mặt trời hấp hối
Ngươi gọi ta về, cùng nhau giăng tay nổi trận cuồng phong.
Lòng thảnh thơi đâu, khi hoa ngàn cỏ núi còn rên siết hận bất công,
Ngươi đưa hai tay thiên thần, quyết tâm tháo bỏ cùm gông
Trong khi bóng tối phủ đầy, họng súng đen ngòm bạo lực
Xương dồn thành gò cao chừ, trong khi máu đã chảy dài thành sông.
Hai bàn tay ngươi dập nát, thương ôi, xích xiềng vẫn chưa tháo được
Ta gọi sấm sét về bên ngươi, quyết cùng bạo lực mở cuộc thư hùng.
Gan dạ hơn người, trong đêm ngươi hóa thành Sư Vương rống lớn
Hàng vạn loài ma quái nghe ngươi, đã cầm cập run trong đêm sương.
Hiên ngang không lùi bước chừ, dù phía trước dày đặc hầm chông,
Ngươi thản nhiên đưa mắt nhìn bạo lực chừ,
như nhìn vào khoảng không
Sống Chết là chi chừ, ép uổng nhau sao được ?
Ngươi gọi tên ta mà cười chừ, không một lời rên siết,
dù tra tấn cùm gông.
Bây giờ thoát đi, xiềng xích chẳng còn buộc nổi chân thân,
Ngươi trở về kiếp xưa mây trắng, thảnh thơi trên bầu mênh mông ;
Đến, Đi, tự ngươi - đỉnh cao nào thích thú thì ngươi dừng lại,
Cưỡi trên sóng bạc đầu chừ, ta hát ru ngươi khúc hát bi hùng.
Giây neo
Cành lá thì thào
Rồi cành lá lặng yên
Thuyền tôi cập bến trăng sao
Hơi thở là giây neo
Tôi duy trì vũ trụ
Những hàng đậu mới
Tôi là tôi của đất
Đất là đất của tôi
Tôi gửi tôi cho đất
Đất gửi đất cho tôi
Những hạt đậu sáng nay
Nẩy mầm thành những hàng dài
Hai chiếc lá non chắp tay trên đầu
Chào ánh sáng.
Babita
Hai mắt mở tròn
Chưa đủ thì giờ để ngạc nhiên
Babita đã nằm trong vòng tay tôi
Toàn thân Babita
Run rẩy
Tiếng khóc như tiếng rên
Babita không dám khóc to
Vì Babita đột nhiên
Rơi vào vùng xa lạ
Babita đột nhiên
Lọt vào đền thánh uy nghiêm
Hai bàn tay tôi run theo
Trên mái tóc non
Miệng tôi nói những lời trấn an
Mà Babita không hiểu
Nhưng rồi Babita nằm yên
Babita nằm yên
Ôi tôi muốm ôm vào hai tay
Tất cả những em bé mồ côi hai tuổi rưỡi
Họ bỏ Babita ở đây
Để còn lo cách mạng
Babita có thể chờ
Những tháng ngày không sữa
Những ngày dài bò trên sân nắng
Trộn nước mũi với bùn đất
La lết bên đống phân
Babita còn trẻ
Babita có thể chờ
Ngày cách mạng thành công.
Bắc một chiếc cầu
Có cây ngô đồng cho chim Phượng đậu
Có người đứng đó cho tình thương sâu
Luật lệ nhiều khi như màn lưới sắt
Giam người trong kiếp trầm luân thương đau
Nhưng lòng nhân ái như bàn tay Phật
Phá tan địa ngục đập nát u sầu
Thành phố sáng nay nắng lên bát ngát
Có chim bồ câu bay liệng trời cao
Tôi nhớ tới người tấm lòng cương trực
Nụ cười mát dịu như nước nhiệm mầu
Trẻ thơ nhớ người như hoa nhớ nắng
Như nước nhớ nguồn, như trăng nhớ sao
Tâm đã quyết rồi hiềm gì bạo lực
Thân đi vào đời cưỡi trên ba đào
Bắc một cây cầu từ hang địa ngục
Lên tới cõi trời, mở hội ngàn sao.
Ngày nào tôi tháo được trái tim
1- Người anh em (da nâu) của tôi đói. Địa ngục sát ngay một bên. Tôi ngẩn ngơ ngơ ngẩn làm sao, để cho ông chiếm mất miếng thịt bò.
2- Người anh em (da vàng) của tôi khốn cùng. Đứa con anh buổi sáng không có củ khoai vào bụng, xỉu ngất trên ghế nhà trường. Tôi còn lo tranh đấu để chủ nhà đừng tăng tiền nhà, thì ông đã trang bị được máy mới rồi, và tôi thất nghiệp.
3- Người anh em (da đen) của tôi thiếu ăn mà không ngớt sinh con đẻ cháu. Anh ơi, sinh ra nhiều quá cơm gạo đâu mà nuôi. Nhưng anh biết làm sao. Người vợ không có sữa có cơm, ẵm con bỏ bên vệ đường, hy vọng có người động tâm đem về nuôi dưỡng. Mười hai triệu trẻ em chết đói tại các nước chậm tiến mỗi năm. Tôi ngày đêm tranh đấu để tăng đồng lương smic. Tôi ngày đêm tranh đấu để chống giá sinh hoạt vọt cao. Thì giờ đâu mà lo lắng cho người anh em khốn khổ.
4- Người anh em (da trắng ) của tôi làm 3 x 8, ăn ngủ thất thường, từ nhà máy về nổi dóa đập vợ la con. Địa ngục là ngay đây. Chúng tôi bận tranh đấu ngay tại nơi này, thì giờ đâu lo cho người anh em chúng tôi nơi khác ?
5- Ông bảo vì quyền lợi quốc gia, không thể ngưng đà phát triển kinh doanh. Ông muốn thu dụng tôi vào xưởng chế tạo đạn bom cung cấp về các nước Á Phi chậm tiến. Tôi thất nghiệp, đói mèm, thiếu điều đưa tay cho ông ràng trói. Người anh em tôi bên đó thiếu gạo thiếu cơm, nào phải cần đạn cần bom để tương tàn tương hại ?
6- Vì tôi ngẩn ngơ, ông đã chiếm mất miếng thịt bò. Vì tôi ngẩn ngơ, ông đã chiếm cái tivi màu, chiếc xe Mustang, ngôi nhà nghỉ mát bên bờ biển. Ông bảo tôi muốn có nhà có tivi có xe hơi không khó; chỉ cần ký giấy làm việc chung thân. Tôi đã bị ràng buộc nhiều rồi, không dám theo ông đi vào mê lộ. Ông bảo tôi gàn dở, phận ốc gánh cái vỏ cứng của mình chưa nổi mà cứ nghĩ chuyện đỡ núi Thái Sơn.
7- Vốc hạt có thể đem cứu đói người anh em tôi, ông đã dùng chế tạo nên miếng thịt bò. Đống thịt bò đã cao bằng trái núi. Trái núi che khuất mặt trời, không thấy người thương. Vốc hạt có thể đem cứu mạng đứa bé giờ này đang nằm thiêm thiếp ở Ethiopie, đã đem làm thành chai rượu. Rượu tưới lên đống thịt bò. Máu tưới trên người đồng loại. Ngày nào tôi tháo được trái tim, tôi sẽ nắm được phần thắng trong tay.
Trái ý thức chín rồi
Tuổi trẻ tôi
Trái mơ xanh
Vết răng của em
Gây thành thương tích nhỏ
Những chân răng rúng động
Và nhớ hoài
Nhớ hoài.
Nhưng từ thuở yêu em
Cánh cửa tôi mở rộng trước gió
Thực tại kêu gào cách mạng
Trái ý thức chín rồi
Cánh cửa
Không thể nào còn khép lại
Lửa
Lửa cháy tràn thế kỷ
Loang lổ núi rừng hoang
Gió thét ngang tai
Bão tuyết bên trời quằn quại
Vết thương mùa đông
Vết thương mùa đông nằm nhớ lưỡi thép lạnh
Bồn chồn, trăn trở,
Nhức nhối
Thâu đêm.
Trời phương ngoại
Người đi trên đất mắt nhìn trời
Chim liệng từng không mây trắng bay
Một bàn tay đưa cho nắng ngọt
Một bàn tay giữ con đường mây
Lá xanh tháng tư mặt trời lọc
Đi qua rừng cây mà không hay
Búp tay hoa sen vừa hé mở
Vũ trụ sáng nay đà ngất ngây
Trà khuya bay khói, thơ không chữ
Thơ chở trà lên tận đỉnh mây
Núi cao mưa tạnh vùng biên ải
Vi vút sau đèo gió gọi cây
Đỉnh tuyết trời quang bừng cõi mộng
Giác ngộ tung về đóa mãn khai.
Đất xa mầu nhiệm thơm tình mẹ
Hoa nở trần gian ước kịp ngày.
Thương Bé bơ vơ mùa loạn lạc
Sen vàng bướm gửi khắp trời Tây
Tờ hoa nhạc hội bừng chiêng trống
Xóm dưới thôn trên dán chật đầy
Mắc nối đường dây trăm xứ lạ
Ân nghĩa bên trời mãi dựng xây
Ngục thất ba trăm còn tuyệt thực
Mòn chân du thuyết hết đêm ngày.
Tháng tư đồng nội trăm hoa nở
Mong ước ôm đầy hai cánh tay
Sắc Xuân rực rỡ trời phương ngoại
Thơ hát yêu thương rộng tháng ngày
Gối mộng mây xa về lối cũ
Ngược dòng sông lạ đến tìm ai.
Từ bi quán
Tịnh thủy trong bình
Từ trên tay bồ tát
Rót trên sa mạc
Thành biển xanh
Mông mênh.
Wendy
Tuyết phủ đồi Phương Vân
Năm Rồng vừa chợt tới
Tin mừng vượt đại dương
Vườn xưa nở hoa mới
Thêm trầm trong lò hương
Lòng nhẹ như mây khói
Mọi người chắp tay mừng
Trà thơm bèn rót lại
Mặt trời rồi sẽ lên
Hoàng oanh trong liễu gọi
Gởi gắm nơi tương lai
Biết bao điều mong mỏi.
Tôi về lật lại trang xưa
Bỗng nhiên tôi đón tôi trở về
Dấu vết cứ điểm không còn
Giấc mơ hôm qua lung linh ngàn ảo tượng.
Những bức tường che gió sương
Tạo thành một không gian góc ấm
Lửa nến lung linh
Cười nhẹ hương trầm ngày nguyên đán
Một bữa cơm trời mưa
Hương tía tô
Thu tóm quê nhà, sắc, hương, hơi thở,
Biên giới tháo tung
Bàng hoàng
Một buổi trưa giông tố về, chớp lòe trình bày hiện thể
Mặt trời hôm nay có còn mặt trời hôm nao
Hoàng hôn - chim về bóng in
Hai mối thời gian nối nhau
Đẩy tôi nhẹ nhàng thoát ra
Ngõ mới
Màn lưới giăng trời buông bắt hư không
Bỗng nhiên rủ thành tơ liễu
Mấy cụm mây chiều kéo nhau
Về đỉnh núi
Tôi về lật lại trang xưa
Lửa đốt mảnh chứng thư
Bùa phép trần gian trước sau vẫn là vô hiệu
Gió thổi mau
Xa tít biển khơi, cánh chim nào vội vã
Ta ở đâu ?
Điểm quy tụ là nhớ thương
Nhà
Ôi quê hương tuổi nhỏ đồi xanh um cỏ dại
Lá tía tô thơm
Hương mùa thu mới chín
Bàn chân nhỏ lá non giọt sương
Lá thư gởi về, tiếng trống cầm canh
Một trời hoa vàng trong hạt cải
Chắp tay tôi để hoa nở trên bút tuyệt vời.
Tươi son bền sắt
Trăng sao vẫn đẹp đêm Rằm
Bãi dương vẫn mướt, sóng tùng vẫn xao
Lòng quê dù có khát khao
Hoa mai vẫn cứ đồi cao gọi mời
Tháng tư lá lục hoa cười
Cho trăng thêm tuổi, cho đồi thêm xuân
Vườn xanh cây mướp trổ bông
Trẻ thơ đùa giỡn trước sân nắng đào
Chợ Văn bán sách lầu cao
Muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui
Xót quê lòng có ngậm ngùi
Tin quê dồn dập tới lui chẳng ngừng
Chùa xưa vắng tiếng chuông ngân
Trẻ kia cha mẹ gởi thân tù đày
Văn nhân nghệ sĩ bó tay
Con thơ nheo nhóc chẳng ai ngó ngàng
Sóng xô nghiêng vịnh Thái Lan
Bao nhiêu tuổi ngọc chìm làn nước sâu
Tấm thương, lòng vẫn nguyện cầu
Nỗi đau dường ấy, làm sao đỡ đần?
Trước sau xin chớ ngại ngần
Những bàn tay ấy tình thâm vẫn tròn
Giữ cho bền sắt tươi son
Giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào
Còn đây nắng gọi đồi cao
Còn đây những gốc anh đào trước sân
Còn đây trăng đẹp đêm Rằm
Còn đây dương mướt sóng tùng năm xưa.
Hộ niệm
Bên kia bờ biển Mã Lai
Bên ta châu Úc giữ hoài đêm đêm
Ước chi sóng lặng biển hiền
Buồm căng thuận gió cho thuyền tới nơi
Đất lành, chim đậu thảnh thơi
Cho trăng sáng lại, cho người thương nhau
Sóng kia cũng biết gật đầu
Sao kia cũng biết nguyện cầu sáng đêm.
Mùa xưa
Cỏ dại lưng đồi
Khoai sắn nuôi em
Tuổi mười ba, mười bốn
Chiều về nắng gọi
Nương dâu xanh
Lá đỏ rụng đầy thềm
Mơ xưa tràn đầy gối mộng
Lúa tới mùa rồi
Tiếng hát vẳng thâu đêm.
Bướm lạc quê hương
Lá tía tô
Hương mùa thu mới chín
Chim hót lá xanh
Trời mây bình lặng
Một buổi sáng hiền, chim câu xòe đôi cánh
Hòa bình
Trẻ thơ vươn tay ôm lấy
Nụ cây mừng giọt nắng
Hoe vàng sân cỏ rộng
Mười năm
Bướm lạc quê hương.
Bé đã sinh ra rồi
Bé đã sinh ra rồi
Chân trời xôn xao dâng ánh sáng
Hoa cỏ ơi sống dậy
Núi rừng ơi sống dậy
Thật đã qua rồi đêm tối hãi hùng
Ánh sáng dồn
Trên cánh bướm mong manh
Hoa cải rực vàng
Trên lối cũ.
Cành mai ấy
Ngày tôi về trước ngõ
Có rưng rưng giọt ngọc nhìn tôi cười?
Đất tái sinh
Cho sắc hương đoàn tụ
Cho nước non nầy
Lại thành cẩm tú
Hãy cho hết hai bàn tay anh
Cơ hội muôn thuở một lần
Níu sự sống trên vành nôi ươm biếc.
Chân dung
Buổi sáng có mặt trời, ôi vũ trụ, ta muốn ôm ngươi vào hai tay. Buổi sáng có chim hót và chị bán xôi đi ngang ngõ trúc, ôi quê hương, ta muốn ôm ngươi vào hai tay. Buổi sáng có chợ họp, ôi thế gian, ta muốn ôm ngươi vào hai tay. Chỉ còn hai mươi giờ nữa thôi, tôi đã không còn có mặt ở đây. Tôi sẽ giao tôi cho lửa.
Buổi sáng có mặt trời, ôi quê hương, ôi thế gian, ôi vũ trụ. Hiện hữu đẹp vô ngần. Tôi luyến tiếc ngươi, tôi yêu dấu ngươi. Tôi nhớ thương ngươi. Tôi sẽ không mang theo được một lá cây nào, một hạt sỏi nào. Mỗi lá cây đều quý hóa vô ngần. Mỗi hạt sỏi đều quý hóa vô ngần.
Buổi sáng thức dậy, ô hay mình đã ngủ. Mình đã ngủ an lành. Buồn cười chưa, tôi như một trẻ thơ, ngủ ngon như người vô sự. Bàn tay ơi, có phải trách vụ ngươi là đúng sáng ngày hôm ấy sẽ gọi lửa về ? Bàn tay áp lên má tôi. Bàn tay ơi, ngươi là người cộng sự trung thành. Bàn tay kẹo bánh. Bàn tay bút phấn. Bàn tay tơ lụa. Bàn tay mái tóc cô nhi.
Buổi sáng thức dậy, ôi tôi muốn sống. Tôi muốn sống mãi, sống hoài. Mỗi buổi mai hồng, mỗi buổi mai sáng trong, mỗi buổi mai mở đầu cho một ngày đầy như một trang giấy trắng tinh đợi chờ chữ nghĩa. Tại sao vũ trụ đẹp lên kỳ diệu vô cùng ? Tại vì tôi sắp chết ? Tại vì tôi mở mắt?. Ôi những vì sao xa ơi, những vì sao xa.
Buổi mai thức dậy, da mặt tôi, bàn tay tôi và thau nước trong. Tôi muốn bơi trong dòng nước pha lê. Tôi muốn là con cá nhỏ. Buổi mai thức dậy, cửa sổ mở ra trên không gian thơm mát khí trời trinh nguyên. Tôi muốn tung bay nơi hư không. Tôi muốn là con chim nhỏ.
Buổi mai thức dậy, trời ơi, có lũ học trò qua ngõ, tíu tít như đàn chim. Các em hãy đi tới, hãy đi tới, hãy hướng về chân trời an lành nơi đó không có đau thương, không giết chóc. Phía sau này tôi lao mình vào ngăn lửa máu. Đi mau về phía trước, các em ơi. Phía sau này, núi đá, trường thành, rừng cây tuôn ra ngăn lửa máu.
Có một chị, có một anh, phía trước kia đang chờ. Lớp học sẽ thỉnh thoảng có chim bướm lạc vào, sẽ có hoa hồng leo cửa sổ đem hương theo quyến rũ. Kẹo bánh chuyền nhau dưới gậm bàn, anh biết vẫn mỉm cười, chị biết vẫn làm lơ. Bài chính tả đọc bằng giọng miền Nam, hỏi ngã mỗi khi viết sai chỉ tính bằng nửa lỗi. Tôi thương những mái tóc, tôi thương những cặp mắt, tôi thương cả những vết mực trên áo, trên mặt, cả những dòng mũi chảy thò lò.
Đường phố thiên hạ đầy người. Cô nghĩ chi, bác nghĩ chi ? Anh lo gì, chị buồn gì ? Mỗi người một nỗi lo, mỗi người một tâm sự. Mọi người đi theo công việc mình buổi sáng. Tôi cũng đi lủi thủi một mình. Tôi đi dưới đất mà là đi trên cao. Tôi còn ở đây nhưng tôi đã đi rồi. Hai mươi giờ đồng hồ còn lại. Tôi không hé môi tâm sự với một người nào. Tôi không cô đơn, tôi không cô đơn. Bạn bè ơi, loài người ơi, anh chị ơi, tôi thương. Tôi thương trái đất chúng ta, và nước mắt tôi tuôn trào. Tôi cúi đầu dùng tay áo lau nước mắt. Tôi mỉm cười chữa thẹn. Tôi còn biết thẹn bởi vì tôi còn thương yêu, luyến tiếc. Một mình tôi, tôi đi.
Bạn bè ơi, thôi cho tôi xin đi, đừng giận dỗi. Xin đừng tiến lại gần. Xin hãy tránh xa đi để tôi được sống như điều tôi tâm nguyện. Tôi muốn ôm từng anh, từng chị, từng em mà khóc. Nhưng mà như thế thì hỏng hết, hỏng hết. Nước mắt sẽ làm tiêu tan hết chút ý chí cần thiết. Tha lỗi cho tôi, các bạn. Tha lỗi cho con, ba má nghe; tha lỗi cho em nghe, các anh chị; tha lỗi cho chị nhé, các em, các em mến yêu.
Dòng sông ơi, tôi còn nhớ câu chuyện dòng sông. Cho tôi làm người lái thuyền để mỗi sáng mỗi chiều nghe sóng xanh nói chuyện. Cầu ông Lãnh. Những chiếc thuyền chở khẳm nồi niêu đỏ chói. Những chiếc thuyền chở đầy những tỉn nước mắm. Những bà hàng bán cau môi đỏ như trầu, khăn rằn che tóc. Quê hương đẹp biết bao nhiêu. Ôi, còn nào chùa, nào lũy tre, nào vườn cau, nào giàn trầu, nào bến sông quen thuộc. Tôi muốn quay trở lui. Nhưng quay trở lui cũng không tìm thấy quê hương.
Đất quê hương, tôi đang đếm bằng những bước chân. Đất quê hương, bom đạn cày nát. Lời cầu nguyện cho những khu vườn xanh, có trúc đào, có xương rồng trước ngõ. Chắp tay tôi nhận chịu lửa đỏ như một lời cầu nguyện. Cho tôi thấy phố thấy nhà lần chót. Cho tôi thấy trời thấy nước thấy cây thấy cỏ lần chót. Cho tôi thấy trăng thấy sao. Cho tôi thấy người, thấy cô thấy bác thấy anh thấy chị thấy già thấy trẻ, thấy đồng bào cười nói. Cho tôi ôm tất cả vào hai vòng tay nhỏ. Tôi đã tìm thấy. Anh chị em ơi, tôi đi nhưng tôi còn ở lại. Sáng mai mặt trời mọc, thơ tôi sẽ tới với người.
Chúng ta hãy trả lời
Một bông sen nở trên đại dương
Bé sinh ra
Giữa muôn trùng sóng nước.
Giữa khuya này, đêm ba mươi tháng giêng
Hai trăm tám mươi mốt người trên thuyền lặng im
Nghe sóng đêm cầu nguyện
Tám người thủy thủ
Yên lặng cho thuyền hướng về phương Nam
Nước uống đã cạn rồi
Tàu chạy về gần cù lao Tiamen
Cầu cứu.
Biển đêm
Sóng vỗ mạn thuyền
Trăng lặn lâu rồi
Ánh sao soi đường cho bé vào đời
Dưới kia nhấp nhô đầu sóng bạc.
Một bà mẹ nằm trên boong tàu
Chuẩn bị cho bé vào đời
Cả thuyền không có một phòng riêng
Người bác sĩ
Cũng là giới lênh đênh bèo nước.
Tiếng khóc chào đời của bé
Bị át đi trong tiếng gió
Người mẹ mỉm nụ cười yếu ớt
Bác sĩ đứng lên loan báo tin mừng
Hai trăm tám mươi người vỗ tay
Vị thuyền trưởng hô to:
Chúng ta đi về phương Nam
Dân số chúng ta trở thành hai trăm tám hai
Xin mọi người cám ơn Trời Phật.
Chiếc máy điện thoại nối liền
Chuyển niềm vui lên lục địa
Khuya nay trên đất liền có người hay tin bé đã chào đời
Bé Rolanda Nguyễn Thị
Bé từ đâu tới nhỉ ?
Và bé đang đi về đâu?
Tại sao lại chọn nơi ra đời giữa đại dương
trên chiếc thuyền lưu lạc?
Bé không hỏi
Nhưng chúng ta hãy trả lời
Ai nỡ để bông sen hé nửa đêm
Chìm sâu lòng đại dương
Bạn ơi hãy trả lời cho chúng tôi
Chúng ta phải đem bé đi về hướng nào?
Tôi cần bàn tay bạn.
Tịch tĩnh
Giấy thơm
Thấp thoáng pho huyền sử
Ly nước xanh
Cười nét mắt thủy tinh
Đã cao vươn từng lớp sóng bạc đầu
Và tảng đá lạnh
Gọi sương mù
Đỉnh cao gió thét
Tôi thức dậy
Chót lưỡi tê
Hạt sương ngọn cỏ trời khuya
Bỗng ánh sáng xuyên ngang
Lưỡi gươm lòe
Chớp giật
Những đám mây chạy mau
Phương đông giục giã tiếng kèn
Chiếc áo tơi năm nao
Gió đuổi lá bay
Nét bút anh
Màu nâu
Trên cánh tay nám màu sương gió
Màu nâu
Trên ruộng đồng năm nao
Mồ hôi tưới lúa
Giờ phút này, tinh cầu luân lạc giữa trời cao
Lay chuyển cánh chim bằng.
Không gian từng vũng tóe tung
Nổ vỡ
Một mặt trời đang ngụp lặn ngoài kia
Kình ngư mắt đỏ
Ống kính tôi
Thu hình tiền sử
Then cửa đã vừa bỏ lỏng
(Vạn kiếp xưa từng gài nẻo tương lai)
Sáng nay lối ra
Bên rừng chim hót
Em thoát về trên ngõ biếc
Những chồi non, nụ hoa, đọt mướp níu không gian
Bàn tay
Bàn tay nâng chiếc đũa người nghệ sĩ tài ba
Lùa vũ trụ âm thanh
Về ngưng tụ
Vào điểm không
Tịch tĩnh
Chói
(Lần đầu tiên đôi mắt trẻ thơ vào đời)
Tôi chợt thấy
Bà mẹ quê, củ hành búi tóc
Lá tre chiều gom đốt
Không gian un khói ấm
Phật cười sau mây hiền dịu :
Đêm nay tròn trăng.
Lời nguyện cầu tìm đất sống
Lênh đênh ngoài sóng gió
Thuyền nhỏ giữa đại dương
Quyết tâm tìm đất sống
Đói lạnh bao ngày đường
Chúng tôi là bọt biển
Trôi giạt giữa mênh mông
Chúng tôi là hạt bụi
Trong không gian vô cùng
Tiếng chúng tôi lạc mất
Trong gió rít từng không
Trên thuyền không nước uống
Trên thuyền hết thức ăn
Con chúng tôi kiệt sức
Khóc rã và lịm dần
Chúng tôi khao khát Đất
Nhưng chẳng được tới gần
Mặc sức mà kêu cứu
Tàu bè vẫn dửng dưng
Bao nhiêu thuyền đã lật
Vì sóng gió bất thần
Bao nhiêu là mạng sống
Đã chìm lòng đại dương
Chúa Ki Tô có nghe
Lời nguyện cầu rướm máu?
Phật Quan Âm có nghe
Lời kêu cứu không ngừng?
Loài người ơi có nghe
Tiếng gọi từ hố thẳm
Đất liền ơi có biết
Tâm sự này hay không?
Xin loài người có mặt!
Xin đất liền giang tay!
Cho chúng tôi tìm thấy
Hy vọng trên đất này!
Uyên nguyên
Himalaya là dãy núi nào?
Trong tôi có một ngọn hùng phong đỉnh vươn cao trời mây khói
Hãy đến cùng tôi dưới chân hùng phong không tên gọi
Ngồi trên những tảng đá xanh không tuổi
Lặng nhìn thời gian xe từng sợi tơ óng ánh
dệt thành bức lụa không gian
Sông  Cửu Long chảy nơi đâu?
Trong tôi có một trường giang cuồn cuộn,
không biết đã bắt nguồn tự chốn thâm sơn nào
Ngày đêm nước bạc phăng phăng cuốn về nơi vô định
Hãy cùng tôi tới thả thuyền trên dòng hung mãnh
Để cùng tìm về chung đích của vũ trụ bao la.
Andromeda là tên của đám mây sao nào?
Trong tôi có một tinh hà chuyển vận âm thầm
muôn triệu tinh cầu sáng chói
Hãy cùng tôi bay, rách lưới không gian, đường mây mở lối,
Tiếng đập cánh của anh sẽ gây chấn động tới mỗi vì sao xa.
Homo sapiens là tên giống sinh vật nào?
Trong tôi có một chú bé tay trái vén màn đêm,
tay phải cầm một bông hoa mặt trời làm đuốc
Hai mắt bé là hai vì sao, tóc bé bay cuồn cuộn
như mây trên khu rừng già giông bão
Hãy cùng tôi tới hỏi bé tìm chi và đang đi đâu?
Đâu là uyên nguyên ? đâu là quy xứ?
đường về có những ngã nào?
Ô hay, bé chỉ mỉm cười
Bông hoa trên tay bé
Bỗng trở thành một mặt trời đỏ chói
Rồi bé một mình lững thững đi tới giữa những vì sao.
Khứ lai
Nét chữ này
Mảnh giấy này
Dấu chân trên cát
Tượng mây giữa trời
Ngày mai, tôi đã đi rồi.
Ảo hóa
Mí mắt chân trời mỏi
Đầu núi nghiêng nghiêng tìm gối tựa
Đêm về thơm giấc cỏ hoa
Ảo hóa
Bàn tay gió dậy
Ngân hà nến ngọc lung linh
Khung cửa lưng đồi bỏ ngỏ
Sao băng vụt cháy lời kinh
Vạn kiếp xoay quanh vòng mộng mị
Đêm nay chợt thấy chân hình.
Padmapani
Mười bông hoa trên trời
Mười bông hoa dưới đất
Sen nở trên mi Bụt
Sen nở trong tim người
Bồ tát cầm đóa sen
Dáng nghiêng trời nghệ thuật
Trên cánh đồng sao mọc
Nụ cười trăng mới lên
Tàu lá dừa màu ngọc
Vắt ngang lưng trời khuya
Tâm đi trong tĩnh mặc
Bắt gặp chân như về.
Lanka
Ngàn năm sóng biếc mơn chân đảo
Rào rạt thâm sâu lòng đại dương
Đàn trẻ chân không trên cát mịn
Da thơm biển mặn, gió căng buồm...
Dừa cao rợp bóng nuôi hương đất
Chuối mít xoài thơm vẫn ngọt ngon
Mưa dội đèo cao nghe gió gọi
Dấu chân của Bụt vẫn chưa mòn
Nắng lên rực rỡ ngày khai hội
Trống nhịp bàn chân sóng nhạc tuôn
Tay mềm, nghiêng dáng nâu thôn nữ
Gợi ý tiền thân Bụt xuống trần.
Bờ bến lạ
Buông bắt không gian, mầu chia ánh sáng
Nệm trải dưới chân mây lung linh
Ngõ vắng nhìn suốt linh hồn
Mặt mũi tiền thân về hiện thế
Cửa sổ thời gian bỏ ngỏ
Để rèm nhớ thương bay
Nắng và mầu xanh
Ôi hằng hữu mùa xuân
Trên Hy Mã Lạp Sơn
Có cánh đồng hoang cỏ mượt
Lấm tấm trời sao hoa vàng tím
Người cắn trên ngón tay
Cho tâm tư ngừng đọng
Thuyền tôi vừa ghé vào bến lạ
Im lặng dưới ánh đèn sao
Tiếng nói trẻ thơ
Thế giới nào quen thuộc ?
Hãy lắng tai nghe
Hồn cứ bay
Cất cánh không chờ lệnh
Vì người phi hành kia
Hai tay còn trói chặt
Bỗng nghe gió thì thào
Đại bàng vừa xòe đôi cánh rộng :
Không gian là của Ngươi !
Đi đâu ? một vì sao xa vẫy gọi
Mênh mông, lạc lõng tinh cầu
Vẫn thấy mây trời thân hữu.
Mây chiều khói sóng :
Đợi chờ, có mẹ có em
Giờ trưa đói lòng:
Phảng phất hương cau tiếng võng.
Lưng ghế mỏi,
Giấc ngủ về
Ngoài kia trăng cũng tựa đầu trên núi biếc
Ngươi là ai? buổi sáng tình cờ làm quen
Giờ đây đã ngồi ngủ nghiêng đầu
Suy tư kéo sợi tơ dài
Con tằm tự giam mình trong chiếc kén
Trời khuya lên cao
Bên tai gió vẫn thì thào
Chiếc bánh con, tách cà phê
Tôi bàng hoàng :
Trên mây, lao đao bước chân người chiêu đãi.
Tâm nguyệt
Xôn xao, trời dậy hoàng hôn mới
Mắt biếc, chim chuyền lá thủy tinh
Thức giấc lãng quên
Hồn rực sáng
Hồ Tâm lặng chiếu Nguyệt thanh bình.
Cao phong
Tin gọi đêm qua lòng đất ấm
Châu khuya sữa ngọt bỗng tuôn trào
Giờ phút nguy nga vừa chợt đến
Mặt trời ló dạng đỉnh non cao.
Rừng không
Rừng
Ngàn thân cây
Một thân người
Lá cành đưa tay vẫy
Tai nghe tiếng suối gọi
Mắt mở toang trời Tâm
Nụ cười hàm tiếu kia
Nở trên từng chiếc lá
Có rừng cây ở đây
Vì có thế gian đó
Nhưng Tâm đã theo rừng
Khoác áo mới mầu Xanh.
Người hành khất năm xưa còn ngồi đó
Từ khoáng, từ khí, từ sương
Từ tâm linh
Từ những giới tử du hành giữa các tinh vân đi mau
bằng ánh sáng
Em đã tới đây, đôi mắt xanh tỏa rạng
Vô thỉ và vô chung đã cùng vạch đường đưa lối em sang.
Trên đường đi em bảo em đã trải qua muôn triệu kiếp
luân hồi sinh diệt
Đã từng làm bão lửa trên không
Đã từng đem thân đo tuổi núi tuổi sông
Làm cỏ làm cây
Làm sinh vật đơn tế bào
Làm đóa hoa diễm tuyệt
Nhưng đôi mắt em nhìn tôi sáng nay
Lại chứng minh rằng em chưa bao giờ từng chết.
Nụ cười kia vẫn mời tôi
Tham dự nữa vào trò chơi đã bầy ra từ tiền kiếp:
Trò chơi đi trốn đi tìm.
Hỡi con sâu xanh sáng nay đang uốn mình đo chồi cây
- chồi cây non đã mọc suốt một mùa hè năm ngoái
Ai cũng bảo em chỉ mới sinh ra trong mùa Xuân năm nay.
Thực ra, ngươi đã có mặt từ hồi nào?
Sao mãi tới phút này mới chịu hiện nguyên hình,
đem theo nụ cười trầm lặng?
Sâu ơi, mỗi hơi thở của tôi làm tuôn ra hàng vạn tinh cầu
Cái rất lớn kia ai hay lại không ngoài cái thân em rất nhỏ
Ở mỗi chấm trên thân em đã thiết lập muôn ngàn cõi Bụt
Và mỗi cái đo của em cần đến thời gian từ vô thỉ
cho tới vô chung.
Người hành khất năm xưa vẫn còn trên Linh Thứu Sơn
Thản nhiên ngồi nhìn mặt trời huy hoàng đang lặn
Gotama! ô hay! ai bảo rằng Ưu Bát Đa La
triệu năm mới có một lần nở ?
Tiếng hải triều kia, có chiếc tai nào chịu lắng mà lại không nghe?
Đêm hội trăng rằm
Cái gì sẽ xẩy ra khi Sắc chạm phải Không
Và cái gì sẽ xẩy ra khi Tưởng đi vào Phi Tưởng?
Kẻ trượng phu ơi hãy lại cùng tôi quan sát :
Hai tên hề Sinh Tử đang cùng nhau bày trò
ảo thuật trên sân khấu thế gian
Mùa thu lá chín, lá bay
Vàng đỏ diễn phô, đầy trời ngoạn mục
Đã từ bao lâu cành nâng niu nắm giữ
Sáng hôm nay cành buông : lá hồng theo gió bay đi
Đèn đã treo cờ đã giăng
Đêm hội trăng rằm đủ mặt
Bậc trượng phu ơi còn đợi gì? vầng sáng trên cao chưa tắt
Đêm nay trời không một gợn mây
Đèn lửa hỏi thêm phiền
Lo chi chuyện cơm nước
Ai tìm, mà ai được?
Cùng trăng vui suốt đêm.
Sinh Tử
Sinh sinh sinh tử sinh
Tử sinh sinh tử sinh
Tử sinh sinh, sinh tử
Tử sinh tử, sinh sinh.
Cẩn trọng
Qua ngõ vắng
Lá rụng đầy
Tôi theo con đường nhỏ
Đất hồng như môi son bé thơ
Bỗng nhiên
Tôi cẩn trọng
Từng bước chân đi .
Lòng không bận về
Ngồi đây lắng tiếng chim bay
Ba ngàn thế giới không đầy tấc gang
Phương Tây vừa khuất quạ vàng
Phương Đông thỏ ngọc đã ngang đỉnh đồi
Trước sau có một mình tôi
Nghe như có tiếng đất trời gọi nhau
Xuất thiền lặng lẽ giây lâu
Lá xanh rèm liếp bên lầu sáng trăng
Sông xưa thuận nẻo dương trần
Gió theo tám hướng, lòng không bận về.
Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời
Vân thâm xứ
Nơi ấy có nhiều mây. Và lần này quả thật chú sa di không biết thầy mình đang đứng ở đâu, dù chú biết thầy đã từ buổi sáng tinh sương đi vào núi sâu hái thuốc. Thầy đang hái thuốc hay là thầy đang hái những cụm mây trong các đọt thông già?. Sao chú không mời khách vào trong am và đãi ông ta một chén trà nóng?. Thưa ông, thầy tôi đi hái thuốc trong núi chắc cũng gần về. Mời ông vào am dùng trà, và đợi thầy về. Sao chú lại để khách đứng mãi ngoài ngõ như thế?. Sương nhiều lắm, áo của khách đã ướt, chú không thấy sao?. Thưa ông, nếu ông có chuyện gấp tôi sẽ xin vào núi tìm thầy. Mây tuy dày đặc, nhưng tôi có thể đưa tay làm ống loa để gọi. Thưa thầy, thầy đang ở đâu, con đang đi tìm thầy, có người khách đang đợi. Xin sư chú đừng bận tâm. Xin sư chú cứ cho tôi tự nhiên. Tôi muốn được ngồi đây, uống một chén trà và ngắm núi rừng sương phủ. Xin đừng làm rộn thầy. Lúc nào người về cũng được. Người không về thì cũng không sao.
Hai cây tùng cao là dấu hiệu, là nẻo đưa lên thảo am. Đây có phải là núi Cửu Lũng ? Tôi tìm lên am sáng nay không phải để gặp thầy. Tôi tìm lên đây để tự tìm tôi. Đứa con cứng đầu là tôi, đi lang thang không biết bao nhiêu triệu kiếp luân hồi, nay muốn trở về với cha, với mẹ. Tôi vẫn còn một trái tim biết thổn thức, đầy những tủi giận kiếp nào. Hai mắt của chú sáng nay đã làm cho trái tim tôi dường như ngừng lại. Dáng điệu tôi ngập ngừng, nhưng cái nhìn của chú với chất liệu dịu ngọt và can trường đã chuyền cho tôi biết bao nhiêu là ánh sáng.
Người ấy lạy xuống, đầu sát đất, trán dính vào nền đá nơi Phật đường mát lạnh. Con đã về đây, con không còn đi phiêu lãng, con không còn muốn mình tự buộc mình vào thế giới của tranh chấp hận thù. Ngày hôm nay là ngày tái sinh, là ngày tái tạo. Con về đây, chứng minh có ngàn hoa muôn lá, ơn tái sinh xin trần tạ, ơn tái sinh nhờ lượng đức Từ Bi.
Nơi đây có nhiều mây, nhưng chính nơi đây tôi sẽ thấy rõ được mặt người. Nơi đây có nhiều mây, nhưng chính nơi đây tôi sẽ thấy rõ được mặt tôi. Am dựng bên sườn núi. Phía sau, bao nhiêu ngõ ngách, bao nhiêu lối mòn. Trên kia, đỉnh núi lấp trong mây, đỉnh núi ngự trị không biết tự bao giờ. Đỉnh núi chăm sóc. Đỉnh núi che chở. Mỗi buổi chiều, mây về quấn quanh đỉnh núi, mây về quấn quanh chân núi. Am ngủ trong lòng mây và am là am mây.
Hoa lá lắng nghe
Phương Bối là đâu. Phương Bối chính là nơi đây. Phương Bối là rừng trà thơm buổi sáng. Họ tìm đến dưới chân đồi. Họ nhấm nháp ở đầu lưỡi một đọt lá trà non, chát và thơm, chát và ngọt. Con đường nhỏ hiền lành và thân thuộc. Hai bên đường, lá cây lắng tai nghe. Mỗi chiếc lá là một lỗ tai. Mỗi bông hoa là một lỗ tai. Những chiếc hoa chuông mầu tím vểnh lên nghe. Và hiểu. Mỗi chiếc lá cũng là một bàn tay đang vẫy. Các bạn lắng nghe chi?. Họ nói như họ làm thơ. Họ nói như họ lặp lại tiếng tâm tư ngàn đời chưa hề thay đổi. Gió trên đồi, cỏ mướt tháng tư, suối róc rách mùa Hạ, mây viền đỉnh núi, và tiếng chim, giọng liễu, tất cả có phải đã cùng nói lên thứ ngôn ngữ hòa đồng mà họ đang nói?. Liễu biếc hoa vàng là cảnh nội tâm. Trăng trong mây trắng đều là những biểu hiện nhiệm mầu. Các bạn cứ lắng nghe. Họ nói cho chính họ nghe, cũng như các bạn đang nói giữa đất trời, trong nhiệm mầu hiện hữu. Ta hãy làm chứng cho họ. Họ là một bọn sáu người. Họ là một bọn năm người. Hoặc họ chỉ là một người. Họ đã đi ngang qua đây, tay họ đã vuốt ve chúng tôi, mắt họ đã sáng lên vì họ đã nhận ra rằng chúng tôi đang thực sự có mặt. Chúng tôi không phải là những ảo ảnh trong một giấc mơ. Mầu tím, mầu xanh, nét dài, nét cong, lối xa đường gần, những đóa sao ngũ sắc, những cụm mặt trời đỏ, những ngón tay dài trắng nõn hoặc tím hồng. Chúng tôi đã chào đón Họ, đã vẫy tay chào Họ, đã chấp nhận Họ giữa chúng tôi. Chúng tôi đã nằm yên trong những lòng bàn tay biết kính yêu trân trọng của họ. Chị tôi ơi, cây khuynh diệp, hãy buông dài cành lá. Em tôi ơi, chồi hoa huệ, hãy mỉm cười. Hiện hữu tràn đầy. Không có chi mất đi, cũng không có chi thêm vào, trong diệu hữu sáng nay. Mặt trời của chúng ta, mặt trời của tất cả chúng ta, vẫn luôn luôn còn có mặt. Chiều hôm nay tôi có thể đã ra đi, nhưng sáng ngày mai các con tôi sẽ nở. Hoa lá ngày mai vẫn sẽ còn có mặt và như thế tôi cũng sẽ còn có mặt. Tất cả chúng ta hãy hộ niệm cho họ. Họ đã phát lời nguyện lớn. Thông điệp vừa nghe, tôi đã chuyền lại. Lá chuyền cho lá, cành chuyền cho cành.
Mây trên đỉnh núi
Thông điệp đã lên tới đỉnh núi và mây trắng đã nghe. Các cháu bé lá cành trên ấy đã vẫy tay làm hiệu. Lời đại nguyện đã viết vào trang sách lớn của hiện hữu, đã biến thành nét chữ trăng sao, đã dàn trải thành mây. Những hạt nước nhỏ đã bay cao. Có ai nhốt lại được một làn sương. Ngày mai mây đọng thành mưa, năm châu bốn biển sẽ thấm nhuần thông điệp. Quê hương Phương Bối trên rừng Đại Lão, đàn bé thơ đùa trên bãi cỏ xanh non, rừng Medford trong cơn mưa Hè, giếng đạo sĩ trên đỉnh Núi Na, tảng đá tiên trên đỉnh Yên Tử, nơi nơi sáng nay đều đã tiếp thu   thông điệp.
Hoàng hôn trong vắt
Hoàng hôn, hoàng hôn này mới đẹp sao. Có khói có mây, có sông có nước, có cây phong bờ sông, có lửa chài thấp thoáng, nhưng tôi không thấy nhớ nhà. Tôi đang nằm giữa lòng quê hương, nhìn núi qua mây, nhìn mây qua núi. Tôi nằm trên lưng đồi nhìn phương Tây qua những rặng cây xa. Hoàng hôn trong vắt. Mỗi phút đất trời đều đổi khác. Và tôi cũng đổi khác. Phút nào cũng đẹp, phút nào cũng nhiệm mầu. Tôi dựa lưng vào sườn đồi thoai thoải. Tôi ngủ. Sự sống ca hát trong đại thể và trong từng nét nhiệm mầu. Cái một ôm lấy cái tất cả. Đỉnh núi canh chừng tôi trong giấc ngủ bình an.
Mây rủ nhau về núi. Càng lúc càng đông.
Quá khứ và tương lai không còn nữa.
Hiện tại tràn đầy.
Tôi ngồi dậy.
Tiếng tù và không còn giục giã.
Hương cỏ ngất ngây.
Lá tía tô
Này sư chú, sáng hôm đó thầy có chỉ cho con một cây tía tô cao lớn dưới chân đồi. Chú nghi đó không phải là cây tía tô. Cây tía tô gì mà lớn đến thế. Thầy ngắt một lá cho chú ngửi. Chú xác nhận là hương tía tô. Thầy nói với chú là thầy rất ưa hương vị tía tô, cũng như hương vị rau tần, rau mùi, rau húng, ngò gai, và những thứ rau thơm khác mọc trên đất quê hương ta. Lá tràm cũng như lá ổi, có hương và vị đặc biệt mà thầy rất ưa thích. Mỗi chiếc lá ổi, dù là một chiếc lá ổi nhỏ xíu, đều mang theo cái mùi hương đặc biệt mà ta không thể tìm thấy nơi bất cứ thứ lá nào khác. Sư chú ơi, giá như mai sau nhờ những phi thuyền liên hành tinh mà loài người chúng ta đi lập nghiệp được ở tận những hành tinh xa, mỗi khi ngửi tới một ngọn lá tía tô thì chắc chúng ta sẽ nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ trái đất chúng ta biết mấy.
Hiện pháp mầu nhiệm quá, mỗi chiếc lá có một trời hương vị, mỗi chiếc lá có một trời kỷ niệm, mỗi chiếc lá có một vũ trụ tâm vật lý đặc thù. Một chiếc lá chứa đủ toàn thế giới. Ta giật mình nhìn ra và với thái độ thành kính. Ta nghiêng mình trước biểu hiện nhiệm mầu. Ta không dám coi thường một ngọn lá nào, một hạt sỏi nào hay một làn hương nào. Giọng nói của con là giọng nói của con, không thể là giọng nói của một ai khác. Thầy nhớ năm xưa đã từng nghe giọng nói ấy của con trong một cuộn băng nhựa nhỏ xíu. Âm thanh mở ra một chân trời sáng rộng. Chân trời ấy là một thế giới của riêng nó, có quá khứ, có hiện tại, có tương lai. Lại có một hôm có người bảo con đã điện thoại về báo tin cho thầy biết là con sẽ đến gặp thầy dưới chân núi. Lạ lùng biết bao. Giây điện thoại là một phát minh của con người để nối dài sự có mặt của thế giới hiện tượng. Có những hiện tượng mầu nhiệm đáp ứng lại đòi hỏi của con người về vô biên, về chân, về mỹ, về thiện. Có những hiện tượng khác lại cố tình tự khép chặt trước sự tìm hiểu của khối óc và trái tim người, cũng chỉ vì con người đã có thói quen đi vào vũ trụ bằng một vài nẻo nhỏ trong tám vạn bốn ngàn nẻo vào hiện hữu.
Này sư chú, con đã nhìn thầy sáng nay bằng hai mắt rất sáng của con. Giờ này thầy vẫn còn thấy đôi mắt ấy. Mắt con là cửa sổ để cho thầy nhìn vào nhiệm mầu của thế giới pháp thân. Con là cửa ngỏ. Con là đại diện đầy đủ cho thế giới của chân như, của hoa vàng trúc tím. Vì thầy trông thấy con nên thầy trông thấy từng hạt sỏi, từng ngọn lá, cho nên thầy trông thấy được vũ trụ và quê hương trong một đọt lá rau tần.
Đồi Dương Xuân
Hoa Mộc là một trong những thứ hoa quý vào bậc nhất nhì ở đồi Dương Xuân. Đồi Dương Xuân con biết không, toàn là đất sỏi đá. Chùa Tổ đã được xây dựng nơi ấy trên một trăm năm mươi năm. Những cây hoa Mộc cằn cỗi, thân và cành đầy những chiếc vảy trắng mốc thếch. Hoa trắng, hương rất ngát, chùm rất nhỏ, nằm kẹt giữa những cành xương xẩu gầy gầy, nhưng thanh tao. Hồi ấy thầy cũng bằng tuổi con. Mỗi buổi trưa, khoảng ba giờ, thầy thường hái hai ba chùm nhỏ, đủ để pha một bình trà cho sư ông. Hoa ít, nhưng hầu như là nở cả bốn mùa. Những chùm nào không hái thì khô vàng lại và rụng.
Có những sinh vật mầu vàng thẫm, nhỏ như hạt cát mịn, thỉnh thoảng ưa núp trong những cánh hoa nhỏ xíu. Chú Phùng Xuân thường rũ hoa trên mặt một tờ giấy trắng, để nếu có một vài con như thế núp trong hoa thì chúng phải văng ra. Để vào lòng bàn tay trái những chùm hoa nhỏ xíu đó, chú hay có thói đưa lên mũi ngửi. Thơm quá. Chú bỏ những chùm hoa ấy vào bình trà rồi chế nước sôi vào. Trong bình đã sẵn có một ít lá trà mới.
Vào giờ trưa, Sư Ông ưa có một bình trà như thế trên án thư. Người thường rót và ban cho sư chú một chén nhỏ, sau khi đã nhắp một lần vào chén của người. Chú kính cẩn đứng bên để hầu trà, và cũng được uống trà với Sư Ông. Đây là những giờ phút hạnh phúc lớn của cuộc đời một người đệ tử.
Những buổi trưa ở chùa Tổ rất yên lặng. Bóng mát của Đại Hùng Bảo Điện chỉ đủ để che cho hàng dài những chiếc chum bên hông dãy liêu của Sư Ông. Cửa vào Lạc Nghĩa Đường bao giờ cũng để ngỏ. Giữa sân cây khế ngọt rủ bóng che cho chiếc bể cạn và hòn non bộ. Những chiếc lá khế vàng thỉnh thoảng rụng và rơi nhẹ trên mặt nước. Hòn non bộ xưa lắm, đầy rêu phủ. Những trái khế to và nặng treo lủng lẳng. Có người nói khế này ngọt như hoặc ngọt hơn cam tàu. Thật ra khế là khế, và cam tàu là cam tàu, mỗi thứ là một vùng trời mầu nhiệm. Khế này ăn rất dòn. Khế ngon là nhờ dòn. Nó không bệu nước. Ăn một trái khế, không bao giờ ta bị nước khế làm ướt tay hoặc ướt áo. Giòn, ngọt và ráo. Cái ngọt không giống gì cái ngọt của cam hay của chuối. Đó là cái ngọt của khế. Con đang cười chú Phùng Xuân đấy, có phải không?
Ở chùa Từ Quang có một thầy tên là Trọng Ân, một ông thầy tu thật hiền, thật đẹp. Thầy này là thi sĩ, thơ của thầy được nhiều cô nhiều chú học thuộc lòng. Bút hiệu của thầy là Trúc Diệp, nghĩa là lá tre. Tết nào thầy cũng lên chùa tổ thăm Sư Ông và thăm chú Phùng Xuân. Tết nào thầy cũng được Sư Ông ban cho một trái khế. Khế được đặt trên một cái đĩa trắng. Có cả một con dao con. Dao chỉ để gọt khía và cắt hai đầu. Rồi ta xẻ khế ra thành từng múi, cầm tay mà ăn. Không bao giờ cầm dao cắt khế thành từng lát hình ngôi sao. Khi thầy Trúc Diệp ra về, chú Phùng Xuân thường hái thêm một trái khế thứ hai để thầy ấy mang về Từ Quang, chưng trong phòng Ộcho đẹp Ợ. Trái khế này thường được hái kèm theo vài chiếc lá khế.
Ăn khế, người ta không uống trà.
Cây hồng quân
Khoảng ba giờ chiều, nắng còn gắt lắm. Nhưng mọi người đã đi chấp tác. Hoặc trong chánh điện, hoặc ngoài vườn sắn, hoặc trên đồi cỏ, hoặc ở thư viện. Đội lên một chiếc nón lá rộng vành, nón có đến hai mươi bốn vành, Sư Ông đi xuống hồ hoặc leo lên đồi thông, để giám sát công việc, và cũng để góp ý kiến cũng như sự có mặt tươi vui của mình vào công việc. Sư Ông chống cây gậy trúc. Sư Ông dừng lại mỗi nơi mươi phút hoặc mười lăm phút. Có Sư Ông ở đâu thì ở đấy rất vui. Có những hôm chú Phùng Xuân đi theo Sư Ông viếng thăm những gốc măng. Những đọt măng cán-giáo mạnh khỏe, trông rất ngon lành.
Hương vị của ấm trà chắc chắn đã có ảnh hưởng tới cả sinh hoạt buổi chiều của toàn tu viện. Sư chú bẻ một ít gốc măng, những nơi nào măng mọc nhiều quá, và ôm về bếp cho dì Tư kho cho buổi ăn chiều. Có khi sư chú theo Sư Ông đi hái nấm, nhất là vào những buổi sáng sau một đêm mưa.
Chừng nào các con về chùa Tổ, thầy sẽ đưa các con đi khắp các nẻo đồi núi, vườn tược, ngõ ngách, bụi tre, bờ giếng của chùa. Các con sẽ tập nhìn bằng mắt của Sư Ông, bằng mắt của thầy, nghĩa là bằng mắt của chính các con. Góc nào cũng đầy những kỷ niệm. Ví dụ cái thành vôi ở ngôi mộ bên đồi Tàng Tháp. Ngày xưa chú Tâm Mãn và chú Phùng Xuân thường nướng những gốc măng cán giáo và những gói nấm tươi ở đấy. Trước hết là những gốc măng cán giáo. Hai chú đi quơ lá thông dồn vào góc tường và đốt cho đến khi các gốc măng chín mềm. Thịt măng vàng tươi và thơm ngon lạ thường. Hai chú ăn măng nướng với tiêu muối đựng trong một chiếc lá vả. Còn nấm nữa. Đủ các loại nấm. Nấm thông, nấm mỡ, nấm mồng gà, nấm tràm, nấm mối ... Hai chú xuống suối rửa nấm thật sạch trong lòng suối, xát nấm bằng muối, rửa sạch lại lần nữa, rồi mới bọc nấm, tiêu, muối vào nhiều lớp lá vả tươi, gói lại, dùng lá thông khô mà đốt. Khi nấm chín, các chú ăn với những lá rau thơm, rau húng, rau quế, rau tía tô ... hái ở các vườn chùa. Tuổi thiếu niên rất thèm khát, thèm chơi, thèm nghịch ngợm, thèm riêng tư, thèm những gì không chính thức, thèm những gì hoang dại. Tình bạn thời niên thiếu, nhắc lại, vẫn còn thấy thèm mãi mãi.
Thầy sẽ đưa các con tới thăm cây hồng quân bên vườn dương liễu nằm về hướng Bắc của tu viện. Cây hồng quân ấy có liên hệ với chú Tâm Mãn. Chú Tâm Mãn có hai con mắt sáng không thua gì hai mắt các con ngày hôm nay. Hai chú thường đứng chơi với nhau dưới gốc cây hồng quân này rất lâu. Chú Mãn hay leo đứng trên cây, còn chú Phùng Xuân đứng ở dưới. Chú này liệng cho chú kia những trái hồng quân chín. Hai anh em ở chơi ở vườn dương liễu hàng giờ, vào những buổi trưa nắng gắt trong khi đại chúng đang nghỉ ngơi trong liêu xá yên tịnh.
Chú Tâm Mãn, nhỏ tuổi hơn chú Phùng Xuân. Về chùa con sẽ tự nhiên trở thành chú Tâm Mãn. Và con cũng sẽ tự nhiên trở thành chú Phùng Xuân. Sẽ không có gì đi qua, và sẽ không có gì mất đi.
Gió
Cái giếng ấy xây bằng đá và nước giếng cũng mát như nước đá. Những buổi tối có trăng, tắm đã mát mà những buổi trưa hè tắm càng thấy mát. Có một cái gàu mo để múc, chỉ cần thả hai sải tay giây thừng là gàu chạm vào mặt nước. Mùa hè ngày nào chú Phùng Xuân cũng tắm, ít nhất là một lần. Có khi ba, bốn, hoặc năm lần. Như vậy là hơi nhiều, nhưng cũng tại vì nước giếng mát quá. Giếng này chỉ để dành để tắm, tưới và giặt áo. Giếng được bao vây bởi một hàng rào cây chè tàu. Mỗi khi vào giếng để tắm gội, giặt áo, hoặc gánh nước tưới cây, người ta phải lắng tai nghe để xem có ai trong giếng không đã. Cảnh chùa rất thanh tịnh, thành ra cách đó mấy chục thước ta cũng nghe được tiếng gàu mo và tiếng nước róc rách chảy từ thành giếng xuống dưới giếng. Phải đợi người ở trong đi ra, mình mới được vào. Hai chú Tâm Mãn và Phùng Xuân không theo thông lệ ấy.Đứng ở ngoài xa, chú Mãn lên tiếng la lớn : ỘEm vào tắm cho vui, được không?. Ợ
Để giặt áo quần, bên giếng có một cái chậu bằng đá. Chậu có một cái lỗ nhỏ tròn bằng ngón chân, có thể được bít lại bằng một cái nút. Cái chậu bây giờ chắc không còn ai dùng nữa, nhưng vẫn còn đó. Con có thể thấy được sư chú Phùng Xuân đang giặt áo trong cái chậu này. Để lấy nước uống và nấu ăn, các chú chỉ dùng giếng Thượng phía trên. Giếng Thượng có nắp đậy. Nước mà các chú dùng để nấu trà được lấy từ giếng này. Nước này pha trà ngon lắm. Có một cái chum nhỏ bằng cái ché Thượng, có đậy nắp gỗ, trên gác một cái gáo nhỏ xíu, đặt gần chiếc bếp pha trà trên đường lên nhà Hậu. Chú Phùng Xuân mỗi buổi sáng dậy sớm nhúm bếp, nấu nước sôi và pha trà cho Sư Ông và các thầy trong cái bếp nhỏ xíu này. Mùa Đông đứng nhúm bếp lạnh cóng cả tay chân. Chú chỉ mong cho lửa mau cháy để được sưởi hai bàn tay cho đỡ cóng. Trong bếp lúc nào cũng có những bó gỗ thông nhỏ xíu có nhựa thông để nhúm bếp cho mau cháy. Những bó này được dì Tư mua từ ngoài chợ An Cựu. Cái bếp nhỏ xíu này chỉ hoàn toàn được dùng để nấu trà buổi khuya mà thôi, tuyệt đối không được dùng vào việc gì khác.
Chừng nào con về thầy sẽ đưa con đi thăm mộ dì Tư, thăm chùa Diệu Nghiêm, thăm Tàng Tháp, thăm Lăng Viện. Còn nhớ một hôm thầy đang đưa một nhóm sinh viên trường đại học Huế lên thăm Lăng Viện thì trời nổi gió. Càng lúc gió càng mạnh. Trời còn rét lắm. Thầy đưa các vị vào đứng bên trong lăng để tránh gió. Nơi ấy kín gió thật, nhưng tiếng gió rít lên từng hồi trên các ngọn thông đã trở nên thứ âm thanh dữ dội trấn ngự cả đất trời hôm ấy. Gió quá, gió quá, và ai cũng ao ước được đứng vào một nơi không có gió. Sau đó thầy đã đưa mọi người về ngồi sưởi ấm thật lâu trong nhà bếp.
Trái bùi và trái dầu sở
Vào bữa cơm đầu, thế nào con cũng được các sư chú đãi ăn trái bùi. Những trái bùi màu tím, ngâm tương, mịn màng. Con có thể dùng ngón tay gỡ hạt bùi ra, bẻ bùi thành từng mảnh, dầm vào chén tương. Có thể sư chú đã đem bùi kho với chao. Con ăn sẽ ngon miệng và sẽ tốn nhiều cơm lắm. Chùa Tổ có rất nhiều cây Bùi. Năm nào đến mùa bùi, các sư chú cũng hái và đem bùi đi cúng dường các chùa lớn trong vùng. Điều này đã trở nên tục lệ. Các chùa Tây Thiên, Thuyền Tôn, Từ Đàm, Báo Quốc, Linh Mụ, Tường Vân ... chùa nào cũng được hiến cúng từ ba trăm tới năm trăm trái bùi. Chùa nào chưa nhận được bùi thì hay  Ộbắn tin Ợ tới hỏi. Một hôm chú điệu Phú đi ra đường gặp một thầy bên chùa Trúc Lâm. Thầy hỏi thăm :  ỘChùa năm nay hái bùi nhiều không?. Sao không thấy đem qua một ít ăn chơi ? Ợ Ấy, trái bùi thật là  quý giá!
Hồi ấy chú Phùng Xuân hay tự hỏi không biết tại sao các chùa không trồng cây bùi lấy. Có lẽ trồng bùi phải đợi mấy chục năm thì cây mới có trái. Chùa Tổ có khoảng mười cây. Cây nhiều trái nhất là cây ở phía sau góc Tây Đường và Hậu Đường. Cây mọc trên đất cao, thân cây thẳng băng và tàng cây rất đẹp. Rồi đến cây ở bên tháp của Hòa Thượng, không xa cây ngọc lan bao nhiêu. Cây ở gần chuồng bò, không xa cây dầu sở, cũng lớn lắm. Chắc con chưa được nghe thầy kể về cây dầu sở. Vào thời chiến tranh, có khi trong tu viện không có dầu ăn. Các chú phải đi nhặt những trái dầu sở, đập vỏ, giã nhỏ ra để nấu canh mít và để làm những món ăn khác cần có một ít chất dầu. Nướng trái dầu sở rồi đập ra ăn cũng béo lắm, nhưng, con hãy xem chừng, ăn nhiều có thể đau bụng.
Chú chí chù chì
Năm 1964, sư chú Nhất Trí, sư anh của con, đã cùng đi với thầy trong chuyến cứu trợ nạn nhân bão lụt ở miền Thượng lưu sông Thu Bồn. Chuyến đi cứu trợ đầy hiểm nguy, vì chiến tranh hồi đó đã trở nên ác liệt. Cả hai phía lâm chiến đều có mặt trong vùng. Sư chị Chân Không của con có mặt trong chuyến đi ấy. Những chiếc áo nâu mỏng, những bàn chân trần không guốc không dép, mọi người bước những bước chân chánh niệm trên miền đất cứng Cà Tang, Sơn Khương, Khương Bình, Sơn Thuận và Tư Phú ... Trên sông súng bắn rào rạt từ hai phía đến nỗi có lúc sư chú Nhất Trí đã nhảy xuống dòng sông. Sư chú viết thư, nét chữ giống hệt như nét chữ của thầy, nếu có đọc con cũng không phân biệt nổi. Sư chú đã có mặt trong những công tác đầu của các Làng Hoa Tiêu, đưa tới sự thực hiện những làng Tự Nguyện trong phong trào Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Đó là những năm 1964 - 1974.  ỘEm ra ngoài đồng, em thấy một con trâu ... Ợ  là câu đầu một trong những bài hát chú sáng tác cho các bé thiếu nhi ở Làng Thảo Điền. Sư chú đã dạy ở trường Chim Sơn Ca ở Làng Cầu Kinh và đã  Ộthường trú Ợ tại địa điểm công tác tại Làng Thảo Điền trong nhiều tháng liên tiếp. Các bé trong làng thường gọi sư chú là  Ộchú Trí trụ trì Ợ, giọng đớt thành ra  Ộchú chí chù chì Ợ. Sư anh của con là tác viên xã hội kiểu mẫu. Sư anh đã để hết trái tim của mình vào lý tưởng phụng sự. Một hôm đi trên đường phố thủ đô, sư anh bị một người lính Mỹ đứng trên một chiếc xe nhà binh nhổ nước bọt vào đầu. Người lính này bị guồng máy chiến tranh tuyên truyền, đã nghĩ rằng các vị tu sĩ Phật giáo đều là các người cộng sản đội lớp thầy tu. Đêm ấy sư anh về khóc. Thầy phải ôm sư anh trong tay đến hơn nửa tiếng đồng hồ. Sư anh đã mất tích trong một chuyến đi công tác giúp đồng bào. Thầy và các bạn đã chờ đợi sư anh suốt mười lăm năm, nhưng sư anh vẫn chưa thấy về. Con hãy gọi tên sư anh con đi.
Sư cô Chân Không mỗi khi ra dạy ở trường Đại Học Khoa Học Huế thường ghé về chùa Tổ lạy Sư Ông và xin ở lại chùa. Cố nhiên các sư chú đã đem trái bùi và chao kho để thết đãi. Sư Ông rất hoan hỷ mỗi lần sư chị ra Huế. Một gói chà là, một đòn mì căn, một chai mật ong, để cúng dường sư ông. Và một chiếc kính hiển vi để các sư chú nhỏ xíu châu đầu vào nhau tập quán sát. Thấy các sư chú nói cười hoan hỷ, Sư Ông cũng đã đến ngồi chung với các sư chú và cũng đã ghé mắt nhìn vào ống kính. Thấy một sợi râu bắp lớn bằng một sợi giây thừng, Sư Ông cũng cười lên khanh khách, không khác gì một chú điệu nhỏ. Già trẻ cùng một ánh mắt. Cảnh tượng mới mầu nhiệm làm sao. Tại sao giữa hai thế hệ có bao nhiêu năm tháng mà lại không hề có sợi tơ sợi tóc phân chia ?
Chừng nào về chùa, con cũng sẽ còn thấy Sư Ông đội chiếc nón rộng vành lên xuống con đường hồ bán nguyệt. Mỗi khi thầy đi xa về, Sư Ông thường dương mắt nhìn thầy một hồi khá lâu để tin chắc vào tri giác của mình rồi mới bắt đầu tỏ lộ sự vui mừng. Sự vuimừng rất trẻ con, rất trong trắng, rất hồn nhiên. Thầy rất biết ơn sư chị Chân Không đã chăm sóc Sư Ông cho thầy trong những ngày thầy bôn ba vắng mặt.
Con nghé nhỏ
Có những buổi chiều ngồi nhổ cỏ dưới hồ bán nguyệt, chú Phùng Xuân nghe tiếng tụng kinh công phu của chú Tâm Mãn từ Đại Hùng Bảo Điện vọng xuống. Giọng chú trong và vang như tiếng chuông đồng.
Chú ngồi bên hồ, chăm chú lắng tai nghe. Cho đến khi bóng tối phủ đầy, chú vẫn chưa chịu đi xuống bậc hồ để rửa tay. Khung cảnh mầu nhiệm lạ lùng.
Trăng núi đồi Dương Xuân sáng quá.
Chú Phùng Xuân không thể không trở thành thi sĩ.
Nhưng thơ không phải chỉ là ánh trăng. Con cũng đã biết như thầy là chất liệu làm nên thi ca cũng là cảnh bùn lầy nước đọng, cũng là bão lửa giữa hư không, cũng là mái tranh nghèo chờ đợi ven sông, cũng là mái chèo của đoàn người cứu trợ, cũng là hiểm nguy xông pha, cũng là hoa vàng trúc tím và chân như bản thể. Giọng tụng kinh trong sáng và hùng vĩ như tiếng chuông đồng kia còn mãi mãi trong thầy; thầy sống với nó, sống trong nó, và nó sống trong thầy. Chú Tâm Mãn giờ đã thành người lớn. Thầy cũng đã thành người lớn. Nhưng về lại chùa Tổ các con vẫn có thể gặp lại hai chú trong dáng dấp bản môn. Ngày xưa ở chùa Tổ, không ai có được một cái máy thu thanh nhỏ để thu lại tiếng tụng kinh thanh tao và kỳ diệu của chú Tâm Mãn. Nhưng không phải vì vậy mà tiếng ấy đã mất. Tiếng đó vẫn còn, chú Tâm Mãn vẫn còn, chú Phùng Xuân vẫn còn, chỉ vì lý do là con đang có mặt.
Con có thấy không ? Con, chú Mãn cùng với chú Xuân đang đuổi nhau chạy như bay trên sườn đồi. Xung quanh là cỏ non và thông xanh tháng tư. Xa xa là rừng cây. Dưới đồi là con sông nhỏ uốn mình. Những cặp chân trần, không giép, không giày, không guốc. Những đứa trẻ chạy như bay. Và kìa, có một con trâu con. Thấy ba người trẻ chạy, con trâu con cũng vùng chạy. Con nghé nhỏ đuổi theo chúng ta chạy về phía mặt trời. Về phía mặt trời ...
Bóng của ba người đang in trên nền hoàng hôn sáng rực.
Tái sinh
Buổi sáng thức dậy, có một đọt lá mới trên cây. Đọt lá mới đến chào đời đâu vào khoảng nửa đêm, sau những vận chuyển không ngừng của nhựa sống trong thân cây, sau khi da cây hé nứt đau đớn cho sự sống mới. Nhưng những chuyển vận ấy những đau đớn ấy cây không nghe cây không cảm thấy, bởi vì cây suốt đêm bận lắng nghe tiếng thì thào của hoa cỏ quanh mình. Hương đêm tinh khiết và huyền diệu. Cây không có ý niệm về thời gian và sinh diệt. Cây có mặt như sự có mặt của đất trời.
Buổi sáng thức dậy, tôi thấy đây là một buổi sáng duy nhất không giống với buổi sáng nào. Người ta thường nghĩ rằng có nhiều buổi sáng có thể để dành, nhưng không ai để dành được bất cứ một buổi sáng nào, bởi vì mỗi buổi sáng là một buổi sáng đặc biệt. Em thấy buổi sáng hôm nay thế nào ? Có phải nó tới lần đầu trong đời ta, có phải nó không lặp lại bất cứ một buổi sáng nào trong quá khứ ? Chỉ khi nào ta không có mặt, thì mới có thể có sự lặp lại của mỗi buổi sáng. Còn nếu ta có mặt trong sự sống thì mỗi buổi sáng là một không gian mới, một thời gian mới. Mặt trời chiếu soi trên những cảnh tượng khác nhau vào những giờ giấc khác nhau. Ý thức em như mặt trăng tắm trong hàng trăm lòng sông : sông chảy, nước chảy, trăng đi ngang vòm thái hư xanh ngát. Em hãy nhìn mầu xanh da trời và mỉm cười, khiến cho ý thức em tuôn chảy như ánh sáng trong veo của mặt trời buổi sớm mơn man cành lá.
Buổi sáng không giống như một trang sách em ghi vào chữ nghĩa, có thể lật lại bất cứ lúc nào. Cuốn sách là con đường một chiều, hoặc cuốn sách là con đường hai chiều; buổi sáng không phải là một con đường, dù đó là con đường bay của chim không dấu tích. Buổi sáng là một nhạc khúc đánh lên, và nhạc khúc có mặt hay không là do em có mặt hay không.
Đọt lá mới trên cây không phải là một tuổi. Đó là mầm ý thức tuệ giác nẩy nở mỗi giây phút trong sự sống chuyển vận không ngừng . Thấy được đọt lá mới, em vượt được giới hạn năm tháng, bởi vì sự sống đích thực không bị giới hạn trong tháng năm.
Mắt em là trời rộng, là núi cao, là biển sâu. Sự sống em cũng không có biên giới. Hãy nhận là của em tất cả mọi trái ngọt hoa hiền ...
Theo http://thuvien-thichnhathanh.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tết bên Nga của nhà văn Việt

Tết bên Nga của nhà văn Việt Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết q...