Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời

Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời
Sau cuộc tình “bất bình thường” với K.N. mà chính Phạm Duy nói là một xì căng đan làm cho tâm hồn ông chao đảo dữ dội, chia sẻ sự mất mát của mối tình buồn này với Phạm Duy có nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, nhà báo Lê Ngộ Châu và cả người bạn năm xưa của ông ở Hà Nội.
Nhưng không ai ngờ, người vực dậy thành công tâm hồn của Phạm Duy lúc ấy chính là Lệ Lan, người con gái còn bé bỏng của người bạn gái năm xưa của ông. Không phải Lệ Lan bắt đầu yêu Phạm Duy từ sau vụ xì căng đan, mà tình cảm ấy đã nhen nhóm từ lúc Lệ Lan biết yêu nhạc Phạm Duy qua lời ru của mẹ và tôn thờ ông như một thần tượng từ sau tuổi lên mười.
Có gì hạnh phúc hơn được yêu và được ở gần thần tượng của mình?. “Hai chú cháu” Phạm Duy - Lệ Lan thường hẹn gặp nhau trên lầu tòa soạn báo Bách Khoa của Lê Ngộ Châu. Ở tòa soạn báo, trao đổi thơ nhạc thích hợp vô cùng. Nhưng thơ, nhạc của mối tình này lại không xuất hiện trên Tạp chí Bách Khoa. Rồi họ đưa nhau lên thành phố sương mù Đà Lạt. Dắt tay nhau nhẹ bước qua các đồi thông, nghe tiếng thông reo hòa với tiếng lòng như thực như mơ. Họ đưa nhau đến hồ Than Thở mà không thở than về chuyện gặp gỡ để mà chia xa, không đòi hỏi gì nhau, không trói buộc nhau. Chỉ muốn dốc cạn tâm hồn để xây dựng một lâu đài tình ái lý tưởng, một tình yêu trong tâm hồn đúng nghĩa với “amour platonique” trong giây phút hiện tại. Thấp thoáng một chút triết lý hiện sinh và cũng có thể xem như một nét Thiền độc đáo. Có lẽ bài Cỏ hồng ra mắt vào năm 1970 đã được Phạm Duy sáng tác trong những ngày tháng này.
Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối
Rước em lên đồi, hẹn với bình minh
Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép […]
Rước em lên đồi xanh! Rước em lên đồi trinh.
Mời em lên núi cao thanh bình
Cỏ non phơn phớt ôm chân mình
Mời em rũ áo nơi đô thành
Cùng ta lên núi cao thanh thanh
Em ơi! Đây con đồi dài, như bao nhiêu mộng đời
Nghiêng nghiêng nghe mặt trời yêu đương.
Níu em trên đồi, cỏ thơm mùi sữa
Níu em yêu ngồi trên bãi cỏ non
Giương đôi tay ôm thân tròn ơn mưa móc
Hãy xoã mái tóc, rũ trên vai anh mòn […]
Em ngoan như tình nồng, em bao la mịt mùng
Em thơm như cỏ hồng em ơi!
Rời hồ Than Thở, họ đưa nhau đến ngắm dòng thác Cam Ly, rồi xuôi xuống đèo nghe thác Prenn đổ. Tiếng thác ầm vang như tiếng tình yêu đang rộn rã trong tim. Tạm biệt Đà Lạt sương mù, đôi tình nhân xuống đèo Ngoạn Mục, về thành phố Nha Trang ngồi nhìn sóng biển. Sóng biển hợp tan, còn hạnh phúc của hai người thì hiện hữu, không có thơ nhạc nào có thể đem ra so sánh được với tình yêu của hai người trong lúc này. Hạnh phúc lên đến tột đỉnh, Phạm Duy không soạn thành nhạc được. Tuy nhiên ấn tượng ấy rất sâu. Về sau, khi “còn gì nữa đâu”, Phạm Duy mới viết được thành lời. Trong bài Nha Trang ngày về (1969), có nhiều câu Phạm Duy hồi tưởng lại hết sức trìu mến, mê ly:    
Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau
..., người yêu trong cánh tay
[…]. Cát trắng thơm tho, lùa vào trong nắm tay
[…] Ân tình trong lúc đôi mươi
[…] Lớp sóng mơn man thịt mềm, da ngát hương.
Nha Trang ngày về - Ngọc Lan
Có được mối tình với Lệ Lan sau vụ xì căng đan với K.N. Phạm Duy ngộ ra rằng mình được cuộc đời ban phát cho nhiều ân huệ quá. Dù ông đã phạm “đôi ba lần gian dối” mà “Đời vẫn ban cho ngọt bùi”. Biết thế, nên ông phải Tạ ơn đời (1959):
Ôi ơn đời chói vói
Nhớ khi thân tròn ôm gối
Ba trăm ngày trong gói
Ngóng trông ra đời góp mối chung vui
Ôi ơn đời mãi mãi
Thoát thai theo đời, vun xới
Bao nhiêu tình thế giới
Lớn lên trong vườn ân ái muôn đời
Mang ơn đời chăn vỗ
Dâng cho người yêu góa
Dâng cây đàn bơ vơ
Dâng biết bao ân tình xưa
Mang ơn đời nâng đỡ
Dâng nấm mồ thô sơ
Với dâng hương hồn thương nhớ
Còn vấn vương trong chiều tà.
Có được hạnh phúc này, Phạm Duy phải tạ ơn cuộc đời đã chăn vỗ ông. Qua lời tạ ơn này, ta thấy ông hé lộ tình cảm ông đã dành cho người bạn năm xưa: “Dâng cho người yêu góa/ Dâng cây đàn bơ vơ/ Dâng biết bao ân tình xưa”. Có lẽ những gì ông dành cho người yêu cũ của ông đã được cô con gái của cô đáp lại trong giây phút hiện tại. Yêu Lệ Lan không phải để có một người tình như bao nhiêu người tình khác. Yêu Lệ Lan để xây dựng một mối tình thơ nhạc, xây dựng một lâu đài tình ái để sáng tác âm nhạc.Yêu như vậy không gây nên oan trái, không sợ hệ lụy, không sợ người tình cũ dù không muốn nhưng cũng không oán trách được ông. Yêu say đắm, yêu hết mình, nhưng không mù quáng, để “không nợ gì nhau”. Ý tưởng giữ sự trong sáng cho tương lai được ông thể hiện đầy đủ nhất trong bài Nếu một mai em sẽ qua đời:
Nếu một mai em sẽ qua đời
Hoa phủ đầy người
Xe nhịp đằm khơi... xa xôi.
Nếu một mai em đốt pháo vui
Hát theo người
Hương cưới chia phôi, cười mặn tình đời.
Nếu một mai em bước qua thềm
Mang nặng hồn mềm
Em trở mình trên nhân duyên
Nếu nửa đêm trăng gió đã lên
Bão mưa êm, chăn gối ghi tên
Bia mộ đường quên.
Nếu một mai không còn ai
Đứng bên kia đời trông vòi vói
Không còn ai! Đâu còn ai?
Trong ngày mai, có dư hương người
Chỉ là giăng giối mà thôi.
Nếu về sau em có qua cầu
Không chẳng vì sầu, thương chẳng còn đâu
Mà nói chuyện quên nhau
Nếu vì sao, quay gót cuốn mau
Dấu chân sâu in vết không lâu
Chẳng nợ gì nhau...
Trong giây phút hạnh phúc nhất, ông vẫn không quên nghĩ đến lúc phải chia tay; ông vẫn tưởng tượng những bất hạnh mà hai người phải gánh chịu. Tình yêu trong Ngày đó chúng mình rất đẹp, rất hạnh phúc, nhưng ngay ở phần sau của bài hát ấy, ông cũng đã mường tượng thảm kịch của tâm hồn khi chia tay người yêu:
Ngày đó có em ra khỏi đời rồi
Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối
Ngày đó có anh mê mải tìm lời
Tìm trong đêm rách rưới - cơn mơ nào lẻ loi? [...]
Lệ Lan cũng biết thế, nhưng hai người cứ tự giấu lòng để cho ngày tháng bên nhau được yêu thương trọn vẹn. Nghĩ đến đã thấy sợ, huống chi nói lên sự thực đó trong tương lai. Trong bài thơ Tha thiết, Lệ Lan đã van xin:
… Người yêu ơi tội lắm
Lệ đổ bao nhiêu rồi
Đừng nói lời cay đắng
Giết nhau thôi người ơi
Ông đã thay lời người yêu, soạn bài Đừng Xa Nhau có lời lẽ hết sức thiết tha để chia sẻ nỗi niềm trong tâm hồn người yêu:
Đừng xa nhau! Đừng quên nhau!
Đừng rẽ khúc tình nghèo
Đừng chia nhau nỗi vui niềm đau.
Đừng buông mau! Đừng dứt áo!
Đừng thoát giấc mộng đầu,
Dù cho đêm có không bền lâu.
Đời phai mau, người ghen nhau,
Lòng vẫn cứ ngọt ngào,
Miệng ru nhau những ân tình sâu.
Đừng xôn xao, đừng khóc dấu,
Đừng oán trách phận bèo,
Vì sông xa vẫn trung thành theo.
Dù mai sau dắt nhau mà qua cầu.
Mồ chôn sâu ánh trăng vàng mái lầu.
Đừng xa nhau nhé!
Đừng quên nhau nhé!
Đừng chia nhau núi cao vực sâu.
Đừng xa nhau! Đừng quên nhau!
Đừng dứt tiếng ngậm sầu,
Đừng im hơi đắng cay rời nhau.
Đừng đi mau, để mãi mãi,
Là chiếc bóng đậm mầu
Còn theo nhau tới muôn đời sau
Câu kết thúc bài ca là lời cầu mong, là lời hẹn ước, mà cũng là lời thề “theo nhau đến muôn đời sau”. Xưa nay, trai gái yêu nhau, những ước hẹn, thề thốt có mấy khi họ thực hiện được đâu! Phạm Duy-Lệ Lan cũng thế thôi. Nhưng đến cuối cuộc tình này, những người yêu nhạc Phạm Duy lại thấy không phải thế. Bởi vì đây là mối tình thơ nhạc hiếm có, đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nguyễn Đắc Xuân 
Theo http://www.giaidieuxanh.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật Thơ Đường là kh...