Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong
thể loại thơ đương luật văn học
trung đại Việt Nam
1. Khái niệm
1.1. Thể loại Đường luật
Thơ Đường là khái niệm khá co dãn, có khi chỉ tất cả những
bài thơ được sáng tác vào đời Đường ở Trung Quốc (bất kể thuộc thể thơ nào), có
khi lại chỉ tất cả các bài thơ làm theo thể Đường luật (bất kể được sáng tác
vào lúc nào, ở Trung Quốc hay Việt Nam).
Cách dùng sau chỉ là theo tập quán.
Thơ Đường luật còn gọi là thơ cận thể
Thơ Đường luật là thể thơ cách luật ngũ ngôn hoặc thất ngôn
được đặt ra từ thời nhà Đường ở Trung Quốc. Thơ Đường luật có ba dạng
chính: thơ bát cú (mỗi bài tám câu); thơ tuyệt cú (mỗi bài bốn câu) và thơ bài
luật (dạng kéo dài của thơ Đường luật), trong đó thơ bát cú, nhất là thất ngôn
bát cú (mỗi bài tám câu, mỗi câu bảy chữ) được coi là dạng cơ bản, vì từ đó có
thể suy ra tất cả các dạng khác của thơ Đường luật.
Thơ Đường được du nhập vào nước ta từ khá sớm, khi văn học viết
Việt Nam (thế kỷ XI) hình thành thì thơ Đường đã có mặt. Ngay từ những
bài kệ của các vị sư đời Lý đã có sự ảnh hưởng và chi phối của thơ Đường. Hầu
như tất cả các nhà thơ nổi danh của văn học trung đại Việt nam, ai cũng có thơ
Đường. Và mãi đến ngày nay, vẫn còn nhiều người ưa thích, thuộc thơ Đường, và
làm thơ Đường.
Thơ Đường luật ở Việt Nam có các dạng văn bản cơ bản:
văn bản Hán; văn bản Nôm; văn bản Quốc ngữ và cả hiện tượng liên văn bản Hán –
Nôm.
1.2. Tính quy phạm trong văn học trung đại Việt Nam
Sách giáo khoa Văn học lớp 10 (chỉnh lý hợp nhất năm 2000),
trình bày trong bài Khái quát văn học Việt Nam từ TK X – hết TK XIX, có
mục III: Mấy yếu tố lớn về hình thức.
Ở đó, có ba ý:
1. Yếu tố Hán và yêu cầu dân tộc hóa hình thức văn học
2. Tính quy phạm và việc phá vỡ tính quy phạm
3. Phạm vi và quy mô kết tinh nghệ thuật của văn học
Trong đó, mục 2, tác giả sách giáo khoa viết:
Tính quy phạm thể hiện ở quan điểm nghệ thuật rất coi trọng mục
đích giáo huấn của văn học, ở tập quán và tư duy nghệ thuật là quen nghĩ và phải
nghĩ qua những kiểu mẫu nghệ thuật có sẵn, đã thành công thức. Về mặt hình thức,
tính quy phạm đó thể hiện ở việc sử dụng các thể loại văn học có lối kết cấu định
hình, có niêm luật chặt chẽ và thống nhất, ở cách sử dụng văn liệu, thi liệu đã
thành những motif quen thuộc. Tính quy phạm còn là việc đề cao phép đối (…),
tính quy phạm như trên đã tạo ra một kiểu ước lệ mang đặc điểm riêng là thiên về
công thức, trừu tượng, nhẹ về tính cá thể, cụ thể trong nghệ thuật.
Nhưng cha ông cha ta trên đường sáng tạo văn học, đã từng bước
tìm cách phá vỡ tính quy phạm đó để cho hồn thơ, tài thơ, hồn văn, tài văn của
mình nở hoa kết trái tự nhiên lắm màu sắc hơn, ngọt dịu hơn. Việc sáng tạo ra
ba thể: thơ lục bát, song thất lục bát và hát nói, việc tăng cường khai thác
kho tàng ngôn ngữ dân gian, việc phát huy ý thức văn học phản ánh cuộc sống,
cùng với khuynh hướng dân chủ hóa trong văn học, … tất cả đã dần dần phá vỡ
tính quy phạm của văn học trung đại [89 – 90]
Trong Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng
môn Ngữ Văn 10, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phần Khái quát văn học
Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, chương trình nâng cao trình bày:
(…) Những đặc điểm cơ bản về nghệ thuật: tính sùng cổ, tính
tượng trưng và ước lệ; sáng tác với tính quy phạm chặt chẽ nhưng cũng luôn phá
vỡ tính quy phạm để tạo nên những sáng tạo độc đáo. [trang 139, NXB Giáo dục,
2010]
Trong Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, GS. Lê
Trí Viễn dùng một lượng trang khá lớn để làm sáng tỏ khái niệm này. Ông cho rằng:
Quy phạm với nghĩa thường nhất là đảm bảo ở một nơi nào đó hoạt động có tổ chức,
nề nếp đạt hiệu quả cao. Nó là biểu hiện của văn minh, văn hoá ở mỗi con người,
ở một cộng đồng, ở cả một xã hội. Dùng một thuật ngữ xưa thì nó là biểu hiện của
chữ “lễ”. [227], đến phần “quy phạm trong văn học”, tác giả viết “quy phạm có mặt
từ cái nhỏ đến cái lớn, bất kỳ đâu cũng có khuôn phép”; sau đó, ông dành nhiều
trang viết để phân tích tính quy phạm trong thơ “cận thể” (Đường luật).
Từ điển thuật ngữ văn học, không khái niệm này. Từ điển
văn học (bộ mới), và 150 thuật ngữ văn học mục quy phạm nghệ
thuật, đều của tác giả Lại Nguyên Ân, ông viết: Khái niệm chỉ hệ thống những biểu
trưng và ngữ nghĩa nghệ thuật được quy chuẩn, cố định hóa. Quy phạm nghệ thuật
có vai trò lớn đối với những thời đại văn hóa được tổ chức nghiêm ngặt, chủ yếu
là văn học cổ đại và trung đại, trước thời đại chủ nghĩa lãng mạn.
Sau đó, ông viết tiếp: Vấn đề lý giải một cách phi quy phạm
là vấn đề thường mang tính thời sự và có tác dụng tích cực trong văn học thế giới
(…) Khi các cơ sở hệ tư tưởng mất đi, khi các chuẩn mực thẩm mỹ chung bị tan
rã, quy phạm sẽ không còn tồn tại như một chỉnh thể thống nhất. [1485 – 1486]
Từ những vấn đề trên chúng tôi đưa ra những nhận xét bước đầu
sau đây:
Thứ nhất, khái niệm tính quy phạm và sự phá vỡ quy phạm chỉ
mang tính tương đối. Bởi đời sống văn học Việt Nam trung đại vốn rất
phức tạp và nó coi sự hỗn dung như là một điều hiển nhiên tất yếu. Cũng chính
vì thế, nhiều học giả phải dùng hai khái niệm song hành để cùng chỉ một hiện tượng,
mà tính quy phá và sự phá vỡ quy phạm là một ví dụ điển hình sinh động nhất.
Thứ hai, như trên đã nói, chúng tôi cũng xin nhấn mạnh thêm rằng
tuy về đề tài hay quan niệm nghệ thuật về con người nếu cố sức ta cũng có thể
ít nhiều phân biệt được đâu là biểu hiện của tính quy phạm và đâu là những biểu
hiện quy phạm, song rạch ròi như vậy là không nên và khó có thể mang tính chính
xác khoa học. Bởi khi ấy, ta muốn tách biệt những điều mà cả nội hàm lẫn ngoại
diên của nó đã rất khắng khít.
Thứ ba, chúng tôi cho rằng ngay trong một thể loại, thơ Đường
luật chẳng hạn vừa có tính quy phạm, nhưng cũng vừa có sự phá vỡ tính quy phạm.
Ta cũng không thể nó thể lục bát, hay song thất lục bát, hát nói (những thể loại
nội sinh) là hoàn toàn phá vỡ tính quy, tính quy phạm trong từng thể loại này
cũng được biểu hiện ở những mặt nhất định.
Để tiện theo dõi chúng tôi lập bảng tổng hợp nhằm đối sánh giữa
tính quy phạm và phi quy phạm trong thơ Đường luật của văn học Việt Nam trung
đại
2. Những biểu hiện của sự phá vỡ tính quy phạm trong thể thơ
Đường luật văn học trung đại Việt Nam
2.1. Quan niệm nghệ thuật trong thơ Đường luật văn học Việt Nam trung
đại
2.1.1. Thứ nhất, thơ là để nói tâm, chí, đạo
Thế kỷ XIII, vua Trần Thái Tông đã khẳng khái tuyên bố: Văn
bút tảo thiên quân chi trận, Trần Quang Khải thì hào hứng:
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san
(Tụng giá hoàn kinh sư)
Đến thế kỷ XV, Nguyễn Trãi quan niệm rằng:
Văn chương chép lấy đôi câu thánh
Sự nghiệp tua gìn phải đạo trung
Trừ độc trừ gian trừ bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng
(Bảo kính cảnh giới, số 5)
Nhìn sâu thêm trong các câu thơ được gọi là tuyên ngôn giáo
huấn, tỏ chí là hình ảnh của thiên nhiên, là những câu thơ tự tình, tự thuật:
- Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma
(Cảm hoài – Đặng Dung)
- Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
(Nhàn – Nguyễn Bình Khiêm)
- Son phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
(Độc Tiểu Thanh ký – Nguyễn Du)
- Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp đọng dưới chân bào
(Thu điếu – Nguyễn Khuyến)
Hay như Nguyễn Công Trứ, khẳng định chí làm trai của mình:
- Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
(Chí làm trai)
- Trong lăng miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương
(Nguyễn Công Trứ) v.v…
Nguyễn Đình Chiểu, ở thế kỷ XIX, cũng học theo ngòi bút
chí công mà khẳng định:
Chở bao nhiêu đại thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Phạm Nguyễn Du nhận định: Thơ là một loại hình nghệ thuật
đấy thôi, … Các vị hiền triết xưa có đủ đạo, đức, nhân nhưng đôi khi kém về bên
nghệ thuật. Có lẽ nghệ thuật phần nhiều tự năng khiếu mà ra (Bạt Tồn
Am di thảo)
2.1.2. Thứ hai, thơ để tự trào, châm biếm, mỉa mai, đả kích,
…
Bên cạnh những quan niệm chính thống, cùng với sự suy thoái của
chế độ phong kiến Việt Nam, sang thế kỷ XVIII – XIX, quan niệm về văn chương
trong thơ Đường luật ở Việt Nam cũng sự chuyển biến, nó không theo sự chuẩn mực
định sẵn của các thế kỷ trước đó nữa. Ngay cả hình tượng tác giả của nó cũng
không còn là những bậc túc Nho “tháng ngày bao quản sân Trình lao đao” nữa: Hồ
Xuân Hương nhắn gửi:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây chị dạy học làm thơ
Sang cuối thế XIX, đầu thế kỷ XX, khi mà:
Còn có ra gì cái chữ Nho
Ông nghè ông cống cũng nằm co
Thì Tú Xương cũng ngậm ngùi, đau đớn: Vứt bút lông đi, lấy
bút chì!
Và ở đó, thơ được thể hiện như những cách tự bạch, tự trào
Quả cau nhỏ nhỏ quả trầu hồi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
(Mời trầu – Hồ Xuân Hương)
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Độc Tiểu Thanh ký – Nguyễn Du)
Hay:
Cũng cờ cũng biển cũng cân đai
Cũng gọi ông Nghè có kém ai
(…) Ghé tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi
(Tiến sĩ giấy – Nguyễn Khuyến)
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngẩng đầu rồng
(Giễu người thi đỗ – Trần Tế Xương)
2.2. Quan điểm thẩm mỹ
Người trung đại thể hiện quan điểm thẩm mỹ của mình trong thơ
ca.
Thứ nhất, quan hệ ngòi bút với lý tưởng
Trần Thánh Tông cho rằng: Vạn tượng sinh hào đoan (Muôn
nghìn hình ảnh đều nảy sinh dưới đầu ngọn bút), Trần Nhân Tông, trong Đại
giác thần quang tự, viết:
Thập nhị lâu đài khai họa trục
Tam thiên thế giới nhị thi mâu
Nguyễn Trãi thì tinh tế với hình ảnh:
Ngư ca tam xướng yên hồ khoát
Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao
Sang thế kỷ XV, khi Đại Việt đang phát triển hùng cường, Lê
Thánh Tông bày tỏ quan niệm về cái đẹp trong thi ca:
Hùng từ lạn lạn lăn tiêu hán
Diệu cú dương dương khấp quỷ thần
Trên đây là những ý kiến thể hiện một khía cạnh, một quan điểm
chính thống về cái đẹp thời trung đại:
Đạo bút phải dùng tài đã vẹn
Chỉ thư nấy chép chuyện càng chuyên
Vệ Nam mãi mãi ra tay thước
Điện Bắc đà đà yên phận tiên
(Bảo kính cảnh giới, bài 6, Nguyễn Trãi)
Thứ hai, quan hệ giữa nghệ thuật với tính chân thật trong đời
sống
Ngay trong thời dùng thơ để nói tâm, thể hiện chí, đạo, vẫn
không thiếu những ý kiến nhận thức về cách tả chân, tả thực của ngòi bút và những
giá trị của nó. Đinh Củng Viên trong Cổ đường đồ, viết:
Thế thượng hữu thùy cùng biến diệt
Bút đoan vô khẩu ngữ hưng vong
Phạm Nhữ Dục trong Tân mai kiều ngoạn nguyệt cũng viết:
Nhân gian thử cảnh thùy miêu đắc
Tá dữ thi ông vị tả chân
Ngô Thời Sĩ nói: Văn chương có quan hệ với vận đời (Thượng
tứ điêu khải). Ngô Thời Nhậm thì cho rằng Làm thơ phải gửi tâm tình vào sự
vật (Bàn về thơ cùng Phan huy Ích)
Trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Đồ Chiểu bày tỏ:
Mặc dù hai chữ tả hoài
Việc xưa, được mất, bởi ai, có gì?
Thứ ba, chúng tôi muốn đề cập đến quan niệm chính thống của
các triều đình phong kiến với việc “khinh Nôm, trọng Hán”. Tiêu biểu nhất cho
các “sắc chỉ” ấy là 47 điều giáo hóa, được Nhữ Đình Toản diễn Nôm để thông báo
cho toàn dân, nho sĩ,… theo “lệnh” của chúa Trịnh Doanh:
Ngũ kinh chư sử xưa nay
Với chư tử tập cùng rày văn chương
Dại bèn có ích đạo thường
Mới nên san bản bốn phương thông hành
Kì như Thích, Đạo, phi kinh
Lời tà, mối lạ, tập tành truyện ngoa
Cùng là truyện cũ nôm na
Hết thơ tập ấy, lại ca khúc này
Tiếng dâm dễ khiến người say
Chớ cho in bản hại ngay thói thuần, …
Như vậy, theo quan niệm chúng thống thì đúng là “nôm na cha
mách qué”!
2.3. Đề tài
Theo “Thơ Nôm Đương luật”, của Lã Nhâm Thìn (Nxb Giáo dục, H.
1998), chúng tôi dẫn lại các bảng thống kê về đề tài trong thơ Nôm Đường luật để
làm căn cứ đối sánh:
Như vậy, phần còn lại ở các tập thơ là những đề tài, chủ đề
khác. Nó có thể mang những chủ đề như tự trào, chế giễu,… Tương tư, Bỡn
cô đào già, Bỡn nhân tình,… (Nguyễn Công Trứ), Hang Cắc Cớ, Mắng học
trò dốt, Vịnh cái quạt, Sư hổ mang,… (Hồ Xuân Hương), Giễu người thi đỗ, Bỡn
tri phủ Xuân Trường, Hễ mai thi hỏng, … (Tú Xương), Tặng Bà Hậu Cẩm,
Hỏi thăm quan tuần mất cướp, … (Nguyễn Khuyến), … Các chọn đề tài như vậy
theo chúng tôi cũng là một biểu hiện của sự phá vỡ tính quy phạm thể loại.
2.4. Yếu tố tự sự
Theo Wellec và Warren, vấn đề chủ yếu của phương pháp tự
sự là ở cách xử lý mối quan hệ giữa người kể chuyện và câu chuyện của anh ta, ở
cách tổ chức lời văn kể chuyện để tạo ra một chuyện mới [theo Trần Đình Sử,
128]. Trần Đình Sử còn cho biết thêm: “nói đến nghệ thuật kể chuyện, ngày nay
người ta không còn giản đơn nới tới cách kể theo ngôi thứ nhất hay thứ ba một
cách bề ngoài, mà tìm vào những yếu bên trong đã chi phối đặc điểm và chất lượng
của các ngôi kể ấy. Ngôi kể vẫn có ý nghĩa riêng trong việc tạo thành giọng điệu
kể, một điều không thể coi nhẹ. Nhưng lý thuyết tự sự hiện đại đã nói đến điểm
nhìn, tiêu cự, tức là nói đến phương pháp cảm nhận, nhìn thấy con người và sự vật
được kể. Phương pháp tự sự thực chất là phương pháp nhìn thấy sự việc và con
người, phương pháp phát hiện về con người” [128, 182].
Từ trước đến nay, ít công trình nghiên cứu nào đề cập đến yếu
tố tự sự trong thơ Đường luật. Chúng tôi cũng đồng quan niệm cho rằng thơ Đường
luật là thơ tự tình (như cách nói của Trần Đình Sử trong Mấy vấn đề về thi
pháp văn học trung địa Việt Nam). Song qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận
thấy có bốn tác phẩm viết theo thể thơ Đường thể hiện rõ những yếu tố tự sự như
lý luận đã nêu trên.
Ở tác phẩm bằng Hán tự, Hương miệt hành có thể xem
là một truyện thơ. Với thể hành, thơ cổ phong Trung Quốc, tác phẩm gồm 102 câu
thất ngôn. Đây là thiên diễm tình tự do, phóng khoáng, ngọt ngào, trung hậu.
Truyện có nguồn gốc từ cổ tích, tạp kịch, ca khúc, … ở Trung Quốc.
Truyện không nói đến luân lý lễ giáo của đạo Nho, mà dùng
thuyết “an bài”, “thiền định” của đạo Phật để biện minh cho tình yêu tự do. Xin
trích một đoạn như minh chứng cho yếu tố tự sự trong thể thơ này:
(…) A nương độc bãi động phương tâm
Lục sầu hồng tiêu bất tự câm
Hoa ảnh bán liêm xuân tịch tịch,
Hương yên cô trướng dạ trầm trầm
Ngọc chỉ tài thành thư bán bức
Tại linh Hồng Hạnh truyền tiêu tức
Lý lang đạp nguyệt đáo hoa viên
Hân nhiên nhất kiến như cựu thức,
Đê thanh thâu ngữ phạn nhân tri,
Khoản khúc tình hoài tưởng biệt kỳ. (…)
Tô Công phụng sứ là tác phẩm gồm 24 bài thơ Đường luật,
không ghi tác giả và thời đại xuất hiện. Tác phẩm thuật chuyện Tô Võ (Vũ) đời
Hán đi sứ Hung Nô, bị bắt giữ và gần 20 năm sau mới được tha về. Khi đó râu tóc
bạc phơ, cờ mao tiết chỉ còn trơ cán. Yếu tố tự sự trong cách bài thơ Đường luật
là cách dùng thơ dựng chuyện của tác giả:
GỬI THƯ MƯỢN NHẠN
Khôn lấy mỗi thơm dỗ tiết ngay,
Cho nên lưu lạc nước non này
Bốn mùa đắp đỗi kho trăng gió
Một áng thừa lưa lộc tháng ngày
Chẳng những lòng vàng trên bể Bắc
Đã nguyền lầu bạc dưới đền tây
Tấc niềm bộc bạch hàng thư lụa,
Phó mặc bên trời chiếc nhạn bay
Truyện Vương Tương (Truyện Chiêu Quân cống Hồ)
là một truyện Nôm khuyết danh viết bằng thể thơ Đường luật gồm cả bát cú và tứ
tuyệt. Đây là một trong những truyện Nôm sớm nhất hiện còn được biết đến. Yếu tố
tự sự qua 46 bài thơ Đường luật đã cho người đọc dựng lại câu chuyện về người
con gái tài sắc tên là Vương Chiêu Quân cung nhân đời Hán Nguyên Đế. Vì nhan sắc
mà nàng được tuyền vào cung, nhưng vì không có tiền đút lót cho tên Mao Diên Thọ,
nên y vẽ nàng rất xấu dâng lên vua. Vua không ngó ngàng tới. Đến khi vua Hung
Nô buộc Hán Đế phải gả mỹ nhân, Chiêu Quân được chọn cống Hồ. Trước khi lên đường,
vua cho nàng vào bệ kiến. Thấy nhan sắc khuynh thành của nàng, vua Hán quyến
luyến muốn hủy lời với Hung Nô, triều thần can gián, vua buộc phải cho Chiêu
Quân đi. Sang đất khách, Chiêu Quân tự tử. Xin dẫn lại một bài trong truyện:
VƯƠNG TƯỜNG BÁI YẾT
Từ nan khôn chối việc quân vương
Dòi dõi thêm đau nỗi đoạn trường
Khúm núm cúi đầu ngoài bệ ngọc
Thẹn thùng ra mặt trước nhà vàng
Mặt hoa rười rượi dường đeo tuyết
Mày liễu rầu rầu dáng ủ sương
Hang thẳm phen này xuân nỡ phụ
Lòng quỳ khôn xiết hướng về vương
(Quỳ: Hoa hướng dương)
Lâm tuyền kỳ ngộ là truyện thơ Nôm Đường luật chưa rõ
tác giả. Tác phẩm này xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVI – XVII, gồm 146 bài thất
ngôn bát cú, 1 bài thơ tứ tuyệt và một bài Thạch tuyền ca khúc.
Lâm tuyền kỳ ngộ miêu tả cuộc tình duyên giữa nho sinh
Tôn Các với một nàng tiên bị đày xuống trần gian trong lốt con vượn trắng (Bạch
Viên). Song, vượn trắng đã hóa thành người, chủ động đón Tôn Các, kết hôn với
chàng, yêu chông, thương con đến nỗi hết hạn về trời, nàng đã xin ở lại trần
gian để trọn kiếp làm mẹ, làm vợ, …
Xin dẫn một bài Đường luật bát cú trong truyện.
VIÊN THỊ MUỐN LẤY CHỒNG
Nghĩ ngợi càng thêm vấn mọi đường
Chạnh lòng vì bởi khách đông sàng
Ruột tằm chín khúc vò tơ đỏ
Giấc bướm năm canh diễn khắc vàng.
Cửa động những mong người mối lái
Bên nguồn luống đợi khách tìm hương
Kìa ai se chỉ trong cung nguyệt
Chỉ để hồng nhan phận lỡ làng
Tam Quốc thi, đây là tác phẩm vừa mới được phát hiện gần đây.
Truyện Nôm Tam quốc thi có đến 340 bài thơ Đường luật vừa bát cú, vừa
tứ tuyệt, kể lại một đoạn của truyện Tam quốc diễn nghĩa, từ khoảng Hồi thứ
24 đến Hồi thứ 28. Tuy trích đoạn một trong những tiểu thuyết lịch sử trường
thiên nổi tiếng trong văn học Trung Quốc, song Tam quốc thi dường như
cũng phảng phất cái cấu trúc kết cấu có hậu của thể loại truyện Nôm, và tất
nhiên, yếu tố tự sự của nó là không phải bàn cãi. Chẳng hạn như, đoạn kể về cuộc
đối đáp giữa Quan Cũ và nhà sư Phổ Tĩnh khi mới gặp nhau; bấy giờ Quan Vũ không
nhận ra Phổ Tĩnh là người cùng quê, Phổ Tĩnh nói: Nhà tôi và nhà tướng
quân chỉ cách nhau một con sông (Tam quốc diễn nghĩa, Hồi thứ 27). Tình tiết
này được diễn đạt trong Tam quốc thi như sau:
Nhà bần tăng với tướng quân nhà
Chỉ cách con khe nhỏ chạy qua
Pháp hiệu rày xưng là Phổ Tĩnh
Tu hành ngày tháng niệm Di Đà
Chúng tôi cho rằng, yếu tố tự sự cũng là một sự cách tân nhằm
thoát khỏi tính quy phạm về chức năng tự tình, trữ tình của thơ Đường luật Việt Nam trung
đại.
2.5. Cấu trúc tác phẩm, nghệ thuật tổ chức câu thơ, nhịp thơ
2.5.1. Cấu trúc tác phẩm
Luật thơ: trong các lối này thì bát cú là bài chính. Ta xét
cách cấu tạo của nó.
Vần:
Thơ Đường luật thường dùng vần bằng (thanh huyền hoặc
thanh ngang) ít khi dùng thanh trắc (các thanh: hỏi, ngã, nặng, sắc). Suốt bài
thơ chi gieo một vần gọi là độc vận. Trong bài thơ bát cú, có năm vần được
gieo: vào chữ cuối các câu 1;2;4;6;8.
Lạc vận và cưỡng áp: Làm thơ Đường thì phải hiệp vận (gieo vần)
cho đúng, nếu không gieo vần được thì gọi là lạc vận, hoặc có gieo được mà
gượng gạo thì gọi là cưỡng áp. Cả hai cách ấy đều không thể chấp nhận
được.
Đối:
Đối là đặt hai câu đi song đôi cho ý và chữ trong hia câu ấy
cân xứng với nhau. Trong phép đối: vừa có đối ý (là tìm hai ý tưởng gì đó cân
nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau); vừa có đối chữ (về thanh: bằng đối với trắc,
trắc đối với bằng; về từ loại: những chữ cùng từ loại mới đối nhau được)
Trong bài thơ Đường bát cú hai cặp câu thực (câu
3-4) và cặp câu luận (câu 5-6) đối nhau.
Luật:
Luật thơ là cách sắp xếp đặt tiếng bằng và tiếng trắc trong
các câu của một bài thơ. Luật ấy được xem như là một công thức nhất định,
buộc người làm thơ đời sau phải tuân theo.
Luật bằng (hai chữ đầu tiên của câu thơ thứ nhất là vần bằng)
và luật trắc (hai chữ đầu tiên của câu thơ thứ nhất là vần trắc)
Các luật thơ cụ thể như sau:
Luật bằng, vần bằng: Thất ngôn bát cú:
I. b B t T t B B
(V)
II. t T b B t T B
(V)
III. t T b B b T T
IV. b B t T t B B
(V)
V. b B t T b B T
VI. t T b B t T B
(V)
VII. t T b B b T T
VIII. b B t T t B B
(V)
KIỀU TRẦM MÌNH
Trời xanh thăm thẳm thấu hay không?
Bỗng chốc xui nên phụ tấm lòng
Trăm trận xông pha đèn trước gió
Ngàn năm công nghiệp bọt ngoài sông
Trần ai thương hại người xương trắng
Đất nước bơ vơ phận má hồng
Sự thế đã dành dâu hoá bể
Thôi thời quyết một thác cho xong.
Chu Mạnh Trinh
Luật trắc, vần bằng, thất ngôn bát cú:
I. t T b B t T B
(V)
II. b B t T t B B
(V)
III. b B t T b B T
IV. t T b B t T B
(V)
V. t T b B b T T
VI. b B t T t B B
(V)
VII. b B t T b B T
VIII. t T b B t T B
(V)
VỊNH ĐÈO NGANG
Bãi thẳm ngàn xa cảnh vắng teo
Đèo Ngang lợi bể nước trong veo
Thà là cúi xuống cây đồi sụt
Xô xát trông lên sóng muốn trèo
Lánh chánh đầu mầm chim vững tổ
Lanh đanh cuối vụng cá ngong triều
Cuộc cờ kim cổ chừng bao nả?
Non nước trông qua vẫn bấy nhiêu.
Lê Thánh Tông
Luật trắc, vần trắc, thất ngôn bát cú:
I. t T b B b T T
(V)
II. b B t T b B T
(V)
III. b B t T t B B
IV. t T b B b T T
(V)
V. t T b B t T B
VI. b B t T b B T
(V)
VII. b B t T t B B
VIII. t T b B b T T
(V)
KỶ NIỆM ĐỘNG HUYỀN KHÔNG
Cảnh trí hồn nhiên tài tạo hóa
Công trình tạc điểm tinh kỳ lạ
Hương trời sẵn ướp bốn mùa hoa
Gấm lục khôn bì năm sắc đá
Biển Phật chầu quanh núi Ngũ Hành
Hang thần lộ giữa vòm Tiêu Xá
Về đây ngồi nghỉ sập Quần tiên
Thế sự ngậm ngùi đời hoạn trá.
Hải Tâm
Trong các biểu kể trên, chữ nào viết in hoa, thì phải theo
đúng luật; còn những chữ in lối chữ thường theo đúng luật hoặc không theo đúng
luật cũng được.
Bất luận: Nếu đúng luật bằng; trắc như trên đã định thì nhiều
khi bó buộc cứng nhắt quá, nên các thi gia đặt ra lệ bất luận (không
kể) nghĩa là trong dòng thơ có một vài chữ không cần đúng luật:
Trong bài ngũ ngôn thì chữ thứ nhất và chữ
thứ ba không cần đúng luật: nhất, tam bất luận
Trong bài thất ngôn thì chữ thứ nhất và
chữ thứ ba và chữ thứ năm, không cần đúng luật: nhất,
tam, ngũ bất luận.
Khổ độc: Khổ độc nghĩa là khó đọc, đọc lên nghe trúc trắc,
không được êm tai. Tuy theo lệ bất luận có thể thay đổi luật mấy chữ
trong câu thơ, nhưng đáng trắc mà đổi ra bằng thì bao giờ cũng được, nhưng đáng
bằng mà đổi ra trắc thì trong một vài trường hợp sẽ làm cho câu thơ khổ độc,
là không được. Những trường hợp ấy là:
Trong bài thơ ngũ ngôn chữ thứ nhất các câu chẵn và
chữ thứ ba các câu lẽ đáng là bằng mà đổi ra trắc là khổ độc.
Trong bài thơ thất ngôn chữ thứ ba các câu chẵn và
chữ thứ năm các câu lẽ đáng là bằng mà đổi ra trắc là khổ độc.
Thất luật: Trong bài thơ Đường chữ nào đáng là bằng mà đặt ra
trắc hoặc đáng là trắc mà đổi ra bằng thì gọi là thất luật (sai luật
thơ), không chấp nhận được. Bài thơ ấy sai, hoặc không phải thơ Đường.
Niêm
Niêm là sự liên lạc về âm luật của hai câu thơ trong bài thơ
Đường luật. Hai câu thơ niêm nhau khi nào hai chữ đầu câu cùng theo một luật hoặc
cùng là bằng, hoặc cùng là trắc; thành ra bằng niêm với bằng;
trắc niêm với trắc. Trong một bài theo bát cú, những câu sau đây
niêm với nhau. Xin lấy một bài thơ thất ngôn luật bằng vần bằng làm
ví dụ:
Luật bằng, vần bằng: thất ngôn bát cú:
Câu I
và b B t T t B B
(V)
Câu
VIII b B t T t B B
(V)
Câu II
và t T b B t T B
(V)
Câu
III t T b B b T T
Câu IV và b B t T t B B
(V)
Câu
V b B t T b B T
Câu VI
và t T b B t T B
(V)
Câu
VII t T b B b T T
Thất niêm: Trong một bài thơ, nếu cả câu thơ đặt sai luật,
như đáng lẽ bắt đầu bằn bằng, bằng mà đặt lại làm trắc, trắc hoặc
ngược lại làm cho các câu thơ không niêm với nhau thì gọi là thất niêm (mất
sự kết dính), như vậy không chấp nhận được.
Trong thơ Đường luật Việt Nam trung đại có khá nhiều
bài thơ thất niêm, trong đó nổi tiếng hơn cả là Độc Tiểu Thanh ký –
Nguyễn Du (Hán) và Đèo Ba Dội – Hồ Xuân Hương (Nôm). Do khuôn khổ bài
viết, chúng tôi chỉ phân tích ngắn gọn sự thất niêm trong bài thơ của Hồ Xuân
Hương
Bài thơ thất niêm ở chữ thứ hai của dòng 1: đèo, đáng lẽ
nó phải mang thanh trắc để tương xưng với gối (chữ 2 câu 8), nó thất
niêm vì nữ sĩ đã tránh từ tục mà nói chệch đi, vì vậy, từ bị biến thanh, bị
làm cho chệch đi, để người đọc nhận thấy mà chuyển đổi, đưa nó về nguyên dạng!
Các bộ phận trong bài thơ Đường luật:
Một bài thơ bát cú cũng như một bức tranh. Trong cái khung khổ
đã nhất định. 8 câu; 56 chữ, làm sao vẻ được một bức tranh toàn bích: hình dung
được ngoại cảnh của tạo vật, nội tâm của nhân vật trữ tình, … thì phải sắp đặt
một cách khéo léo. Bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú có bốn bộ phận:
Đề: thì có phá đề (câu 1): là câu mở bài, nói
khái quát nội dung toàn bài. Và câu thừa đề (câu 2) là câu nối
câu phá đề đã được nói đến trong bài.
Thực: (hoặc trạng): gồm câu 3-4): là giải thích đầu bài cho
rõ ràng. Nếu là thơ tả cảnh thi thường được chọn những cảnh sắc đặc biệt xinh đẹp
để miêu tả; nếu là thư tả tình thì lấy tình cảm của mình mà giải bày ra; nếu
thơ ngợi ca công đức thì lấy công trạng, đức hạnh của người mình muốn vịnh mà
thể hiện.
Luận (gồm hai câu 5-6): là bàn bạc. Như tả cảnh thì nói
cảnh ấy xinh đẹp thế nào; cảm xúc thế nào? Hoặc khen hoặc chê hoặc so sánh người
ấy việc ấy với người khác, việc khác.
Kết: (gồm hai câu 7-8): là tóm lại ý nghĩa cả bài, và kết luận
mạnh mẽ, rắn rỏi,…
Nhìn chung các nhà thơ có tài năng nhiều khi không để cho bố
cục trên gò bó. Do đó, khi phân tích những bài thơ xưa không nên lúc nào cũng sử
dụng máy móc công thức trên. Đáng chú ý là nhiều nhà nghiên cứu thơ Đường nổi
tiếng đời Minh và đời Thanh mà tiêu biểu là Kim Thánh Thán lúc phân tích bài
thơ bát cú, chỉ chia làm hai phần: (nửa trên) thượng bán tiệt và (nửa dưới) hạ
bán tiệt.
Nhìn chung các nhà thơ có tài năng nhiều khi không để cho bố
cục trên gò bó. Do đó, khi phân tích những bài thơ xưa không nên lúc nào cũng sử
dụng máy móc công thức trên. Đáng chú ý là nhiều nhà nghiên cứu thơ Đường nổi
tiếng đời Minh và đời Thanh mà tiêu biểu là Kim Thánh Thán lúc phân tích bài
thơ bát cú, chỉ chia làm hai phần: (nửa trên) thượng bán tiệt và (nửa dưới) hạ
bán tiệt.
Các biến thái – sự phá vỡ quy phạm về hình thức thể loại
Thứ nhất, biến thái về hình thức tổ chức bài thơ
Với kiểu hồi văn kiêm liên hoàn, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã
tìm ra cách đọc đến 128 bài (32 bài thất ngôn bát cú, 32 bài thất ngôn tứ tuyệt,
32 bài ngũ ngôn bát cú; 32 bài ngũ ngôn tứ tuyệt).
Xin giới thiệu một bài bát cú:
Loan hoàn vũ hạ giang triều tấn
Trướng dật phong tiền ngạn biện thanh
Sơn toả ám vân thôi trận trận
Lãng sinh khêu ngọc trích thanh thanh
Sàn sàn thuỷ giả đài tư nhuận
Dạng dạng ba châu liễu mậu vinh
Nhà điếu nhất chu ngư dật tấn
Hướng tâm song tiễn yến phi khinh.
Bài thơ chữ Hán đọc theo âm Nôm: một giai thoại thời trung đại
truyền rằng: có một vị khoa bảng chán chốn quan trương về ở ẩn, ông có cô có
gái xinh đẹp. Để chơi chữ, ông treo bảng yết chiêu phu cho con mình bằng mấy chữ
như sau:
Và truyền rằng ai đọc được sẽ được chọn làm rể quý!
Mãi lâu sau mới có người đọc được bài thơ như thế này:
Ba xuân nho nhỏ, một xuân tròn
Bốn cảnh bằng nhau, một cảnh con
Hồ rộng thênh thênh, ngư lộn ngược
Sơn cao chót vót, điểu nằm ngang
Cách chơi chữ mà vị Nho sĩ kia sử dụng không chỉ nặng về hình
thức mà kết hợp nhiều yếu tố thuộc lĩnh vực ngữ nghĩa, luật thơ (thơ tứ tuyệt
thất ngôn bát cú, luật bằng vần bằng, ba vần, một đối, đối ở câu 3 và 4)
Thứ hai, biến thái về dạng thức loại thể
Thủ vĩ ngâm: là lối thơ có câu đầu (câu thứ nhất) và câu
cuối (câu thứ tám) giống nhau:
KHÓC ÔNG PHỦ VĨNH TƯỜNG
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!
Cái nợ ba sinh đã trả rồi
Chôn chặt văn chương ba thước đất
Tung hê, hồ thỉ, bốn phương trời
Cán cân tạo hoá rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi
Hăm bảy tháng trời là mấy chốc,
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!
Hồ Xuân Hương
Liên hoàn: là thơ có nhiều bài mà cứ câu cuối của bài
trên đem xuống làm câu đầu của bài dưới.
THAN NGHÈO
I. Chưa chán ru mà quấy mãi đây,
Nợ nần dan díu mấy năm nay
Mang danh tài sắc cho nên nợ
Quen thói phong lưu hoá phải vay
Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt
Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay
Còn trời, còn đất, còn non nước,
Có lẽ ta đâu mãi thế này.
II. Có lẽ ta đâu mãi thế này.
Non sông lẩn thẩn mấy thu chầy
Đã từng tắm gội ơn mưa móc
Cũng phải xênh xang hội gió mây
Hãy quyết phen này xem thử dã,
Song còn tuổi trẻ chịu chi ngay
Xưa nay xuất xử thường hai lối,
Mãi thế rồi ta sẽ tính đây.
III. Mãi thế rồi ta sẽ tính đây.
Điền viên thú nọ vẫn xưa nay
Giang hồ bạn lữ câu tan hợp,
Tùng cúc anh em cuộc tỉnh say
Toà đá Khương công đôi khóm trúc
Ao xuân Nghiêm tử một vai cày.
Thái bình vũ trụ càng thong thả
Chẳng lợi danh gì lại hoá hay.
IV. Chẳng lợi danh gì lại hoá hay.
Chẳng ai phiền luỵ, chẳng ai rày
Ngoài vòng cương toả chân cao thấp
Trong thú yên hà mặt tỉnh say
Liếc mắt coi chơi người lớn bé
Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay
Của trời trăng gió kho vô tận
Cầm hạc tiêu dao đất nước này.
Nguyễn Công Trứ
Thuận nghịch độc: là lối thơ đọc xuôi, đọc ngược đều được,
cũng có khi đọc xuôi là thơ nôm mà đọc ngược thành chữ Hán. Đây là lối chơi chữ
rất công phu của cha ông ta ngày trước.
CẢNH TÂY HỒ
(Bài đọc xuôi)
Đây vui thực lạ cảnh Tây Hồ!
Trước tự trời kia khéo vẽ đồ
Mây lẫn nước xanh màu tỏ ngọc
Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu
Cây la, tán rợp, từng cao thấp;
Sóng gợn, cầm tâu, dịp nhỏ to.
Bày khéo thú vui non nước đủ;
Tây Hồ giá ấy dễ đâu so.
(Bài đọc ngược)
So đâu dễ ấy giá Hồ Tây
Đủ nước, non: vui thú khéo bày.
To nhỏ dịp câu cầm gợn sóng
Thấp cao từng rợp tán lá cây.
Châu in vẻ thắm hoa lồng nguyệt,
Ngọc tỏ màu xanh nước lộn mây.
Đồ vẻ khéo kia trời tự trước;
Hồ Tây cảnh lạ thực vui đây.
Vô danh
Yết hậu: Là bài thơ có bốn câu thì ba câu đủ chữ, còn một câu
cuối chỉ có một chữ. Nhưng nghĩa của chữ này hàm ý cả nội dung của toàn bài.
Sống ở nhân gian đánh chén nhè
Thác về âm phủ cắp kè kè
Diêm vương mới hỏi: Mang gì dấy?
- Be!
Phạm Thái
Lục ngôn thể: Là lối thơ thất ngôn xen vào vài câu sau
tiếng. Viết lối thơ này nổi tiếng nhất là Nguyễn Trãi, Nhóm Hội Tao Đàn và Nguyễn
Bỉnh Khiêm.
THUẬT HỨNG XXIV
Công danh đã được hợp về nhàn
Lành dữ âu chi thế nghị khen
Ao cạn vớt bèo cấy muống
Đìa thanh phát cỏ ương sen
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then
Bui một tấc lòng trung lẫn hiếu
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.
Nguyễn Trãi
Tiệt hạ: là lối thơ mà câu nào cũng bỏ lửng như bị ngắt bớt ở
cuối, nhưng ý nghĩa rõ rệt, người đọc đoán mà hiểu được.
KHÔNG ĐỀ
Thác bức rèm châu chợt thấy mà…!
Chẳng hay người ngọc có hay đà …
Nét thu dợn sóng hình như thể ...
Cung nguyệt quang mây nhác ngỡ là...
Khuôn khổ ra chiều người ở chốn...
Nết na xem phải thói con nhà...
Dở dang nhắn gửi xin thời hay...
Tình ngắn, tình dài chút nữa ta...
Vô danh
Vĩ tam thanh: là lối thơ ba tiếng cuối cùng của mỗi câu thơ,
chữ nào cũng có âm giống nhau.
KHÔNG ĐỀ
Tai nghe gà gáy tẻ tè te.
Bóng ác vừa lên hé hẻ hè.
Non một chồng cao von vót vót,
Hoa năm sắc nở loẻ loè loe.
Chim, tình bầu bạn kia kìa kỉa
Ong, nghĩa vua tôi nhe nhẻ nhè.
Danh lợi mặc người ti tí tỉ.
Ngủ trưa chưa dậy khoẻ khoè khoe.
Vô danh
Song điệp: Là lối thơ mỗi câu hoặc ở đầu, hoặc ở cuối có đặt
hai cặp điệp tự.
KHÔNG ĐỀ
Vất vất, vơ vơ cũng nực cười!
Căm căm, cúi cúi có hơn ai?
Nay còn chị chị, anh anh đó;
Mai đã ông ông, mụ mụ rồi
Có có, không không, lo hết kiếp;
Khôn khôn, dại dại chết xong đời.
Chi bằng láo láo, lơ lơ vậy,
Ngủ ngủ, ăn ăn nói chuyện chơi.
Vô danh
Hoạ vận: là bài thơ gieo đúng các chữ vần của bài thơ trước –
tức là bài thơ xướng - để đáp lại nghĩa của bài trước hoặc biểu hiện thái độ đồng
tình hoặc phản đối lại.
Bài xướng: Hỏi Ả Bán Chiếu
Ả ở đâu nay bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa được mấy con?
Nguyễn Trãi
Họa:
Tôi ở Tây hồ bán chiếu gon.
Nỗi chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu tuổi mới trăng còn lẻ,
Chồng còn chưa có,có chi con!
Nguyễn Thị Lộ
Dĩ đề vi vận: lấy đầu đề làm vần
KHÔNG CHỒNG TRÔNG BÔNG LÔNG
Bực gì bằng gái chực phòng không
Tơ tưởng vì chưng một tấm chồng,
Trên gác rồng mây ngao ngán nhẽ,
Bên trời cá nước ngẩn ngơ trông.
Mua vui lắm lúc cười cười gượng,
Giả dại nhiều khi nói nói bông.
Mới biết có chồng như có cánh,
Giang sơn gánh vác nhẹ bằng lông.
Nguyễn Khuyến
Tập danh: trong mỗi câu có danh từ gắn với đề tài
MỪNG ÔNG LÃO HÀNG THỊT ĂN THƯỢNG THỌ
Nay tiết mừng ông mới Bảy mươi,
Cổ hy (1) chưa dễ mấy lăm người.
Răng long nhưng hãy còn tinh mắt
Đầu bạc nhưng mà chửa tắc tai.
Bè bạn bày vai kèo (2) chén Lý (3)
Cháu con dưới gối múa sân Lai. (4)
Xưa nay vẫn giữ lòng chân thực
Chữ đức giả xương máu để đời.
Nguyễn Khuyến
Áp cú: từ cuối của câu trước trở thành từ đầu của câu sau.
CHỪA RƯỢU
Những lúc say sưa, cũng muốn chừa,
Muốn chừa, nhưng tỉnh lại hay ưa,
Hay ưa nên nỗi không chừa được,
Chừa được, nhưng mà cũng chẳng chừa.
Nguyễn Khuyến
Bát điệp: thể thơ trong đó tất cả 8 câu đều có lồng vào một
hoặc hai từ giống nhau.
GÁI MUỘN CHỒNG
Ai giám thương đâu gái có chồng
Thương vì một nỗi chực phòng không.
Thương con quốc đực kêu mùa hạ
Thương cái bèo non giạt biển đông
Thương vợ chồng Ngâu duyên chểnh mảng,
Thương cha mẹ nhện số long đong.
Cái thương quân tử thương là thế,
Có giám thương đâu gái muộn chồng.
Khuyết Danh
Phú Đắc: giải thích và phát triển ý của một câu ca dao hay một
câu thơ bằng một bài thơ, nhưng nội dung phải phù hợp với sự việc đó.
GIÀ CÒN MUỐN LẤY CHỒNG
Phú Đắc:
Bà già đã bảy mươi tư,
Ngồi trong cửa sổ gửi thư kén chồng
Đã trót sinh ra kiếp má đào,
Bảy mươi tư tuổi có là bao?
Xuân xanh xấp xỉ hàng răng rụng
Ngày vắng ân cần mảnh giấy trao.
Chữ nhất nhi chung đành đã vậy (1)
Câu tam bất hiếu nữa làm sao (2)
May mà lấy được ông chồng trẻ,
Họa có sinh ra được chút nào?
Nguyễn Khuyến
Vấn nghi: Câu thơ nào cũng theo thể hỏi, nên sau mỗi câu đều
đặt được dấu hỏi cả.
VẤN NGUYỆT
Trải mấy thu nay vẫn hãy còn?
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn?
Hỏi con Ngọc thỏ đà bao tuổi?
Chớ chị Hằng Nga đã mấy con?
Đêm thẳm cớ chi soi gác tía?
Ngày xanh còn thẹn với vừng son?
Năm canh lơ lửng chờ ai đó?
Hay có tình riêng với nước non?
Vô danh
Liên ngâm, hoặc liên cú: Là một bài thơ do nhiều người
cùng làm; cứ lần lượt mỗi người đọc một hai câu liên tiếp cho đến khi thành
bài.
CẢNH HỒ TÂY
(Bài thơ này do bà Liễu Hạnh, cùng các ông Phùng Khắc Khoan;
ông họ Lý; ông họ Ngô đi chơi thuyền ở Hồ Tây rồi ngâm vịnh mà thành.)
Liễu: Hồ Tây riêng chiếm một bầu trời,
Lý: Bát ngát tứ mùa rộng mắt coi.
Cõi ngọc xanh xanh làng phía cạnh.
Phùng: Trâu vàng biêng biếc nắng vành khơi,
Che mưa nhà lợp và gian cỏ,
Ngô: Chèo gió ai bơi một chiếc chài
Râu thủng chó đua đàn sủa tiếng,
Lý: Trời hôm bếp thổi khói tuôn hơi.
Mơn mơn tay lái con chèo quế,
Phùng: Xàn xạt mình deo chiếc áo tơi.
Thuyền Phạm phất phơ chơi bể rộng,
Ngô: Bè Trương thấp thoáng thr sông trời.
Đò đưa bãi lác tai dồn dã,
Lý: Giọng hát bờ lau tiếng thảnh thơi.
Cò xuống đua qua vùng cát đậu,
Phùng: Diều bay, sẽ liệng đám mây chơi.
Khúc ca trong đục ầm bến nước.
Ngô: Quầng mắt xanh đen sạch bụi đời.
Đầu gối lọng hà lai láng chuyện
Lý: Tay soi tiền giáp lả lơi cười.
Trốc sen ngả nón chứa rau búp,
Phùng: Đáy nước dìm phao bắt ca tươi
Có lúc hoa kề bày tiệc rượu,
Ngô: Hoạ khi tựa bóng đứng đầu mui.
Say rồi cởi áo quăng dòng mát,
Lý: Tắm đoạn, xoay quần hóng gió phơi.
Trẻ mục Yên hoa bày tiệc rượu
Phùng: Lũ tiều Thượng uyển hẹn lời dai.
Bắt cò cứ vững ngồi rình bụi,
Ngô: Mò ngọc khen ai khéo lặn ngòi.
Tay lưới thế thần khôn mắc vướng,
Lý: Lưỡi câu danh lợi nhẹ tham mồi .
Hạ rồi bến mát còn yêu nắng,
Phùng: Đông hết thành xuân chửa thấy mai
Thú cảnh yên hà sang dễ đọ,
Ngô: Sóng lòng trần tục dạ hồ vơi.
Xe săn Vị thuỷ tha hồ hỏi,
Lý: Thuyền tới Đào nguyên mặc sức bơi.
Chuông sớm giục thanh lòng Phật đó,
Liễu: Trăng tròn soi một bóng tiên thôi.
(Nguyên văn bằng chữ Hán trong Truyện Liễu Chúa được Phan Kế
Bính dịch ra chữ Nôm)
2.5.2. Nghệ thuật tổ chức câu thơ, bước đầu manh nha hình thức
câu thơ điệu nói
Theo ý kiến của Trần Đình Sử trong công trình Mấy về đề
về thi pháp văn học trung đại Việt Nam, chúng tôi tóm tắt đặc điểm của câu
thơ trung đại nói chung trong đó có cách biểu của câu thơ Đường luật như sau:
Trước hết, ở các nhà thơ trung đại thường vắng cách biểu thị
trực tiếp của chủ thể trữ tình dưới dạng thức “tôi”, “ta”, “chúng ta”. Câu thơ
do đó thiếu vắng chủ từ biểu thị một chủ thể, tạo ra một sự cảm nhận mơ hồ, phiếm
chỉ, một chủ thể có tính tổng hợp
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Thứ hai, từ đặc điểm vừa nêu dẫn đến một biểu hiện nữa trong
thơ trữ tình trung đại: khi trữ tình, nhà thơ không chỉ hướng người đọc vào một
miền lý tưởng, hoài tưởng trong tâm tư, mà còn hướng người đọc vào vị thế, địa
vị, cảnh ngộ của chính mình trong thế giới. Cái họ muốn khêu gợi đồng cảm không
chỉ là cảm xúc của họ, tâm trạng họ, mà chủ yếu là cảnh ngộ của họ, vị
thế của họ, tình cảm mà họ thể nghiệm:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
(Độc Tiểu Thanh ký – Nguyễn Du)
“Ngã” là từ Nguyễn Du chỉ bản thân mình.
Thứ ba, cũng từ những đặc điểm “câu thơ thiếu chủ thể” vừa
nêu, nên thơ trung đại là lấy cảm xúc từ nghe nhìn nên yếu tố họa rất phát triển thi
trung hữu họa:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
(Thu điếu – Nguyễn Khuyến)
Thứ tư, theo nguyên tắc cảm nhận toàn vẹn của người trung đại,
thơ văn trung đại dù ngắn hay dài (có khi lên đến hàng trăm, nghìn câu) vẫn có
một đặc điểm chung là không chia đoạn mà nó là một chuỗi liên tục, liền mạch.
Sự phá vỡ sự toàn vẹn bằng cách chia khổ, ta có thể gặp trong
thơ Tú Xương mà Năm mới chúc nhau và Đêm xuân trời mưa, … là
những ví dụ của biểu hiện phi quy phạm.
Tóm lại, nhìn chung thơ trung đại không phát triển năng lực
giao tiếp trực tiếp của lời thơ, nó không hướng tới việc trò chuyện với người đọc,
mà giao tiếp gián tiếp. Nó không nói với ai, mà nói với trời đất, chính mình bằng
năng lực cảm nhận nghe nhìn, suy cảm, và bằng cách đó nó phát huy năng lực cảm
giác tưởng tượng, liên tưởng hết sức sắc bén, tinh tế. Nhưng như vậy nó chỉ
đóng khung giao tiếp trong phạm vi những người tri thức, có học thức.
Từ những đặc điểm chung nhất đó, chúng tôi khảo sát từ nội
sinh của các tác phẩm thơ Đường luật, đặc biệt là ở thế kỷ XVIII – XIX, khi nhu
cầu dân chủ hoá lên cao, thì những biểu hiện trong câu thơ có khác. Các nhà thơ
mượn lời của người khác để tự tình, tự trào, giễu cợt, mỉa mai:
Tao ở nhà tao tao nhớ mi
Nhớ mi tao mới bước chân đi
(Bỡn nhân tình – Nguyễn Công Trứ)
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây chị dạy học làm thơ
Hồ Xuân Hương
Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông
Nó lại lôi ông đến giữa đồng
(Hỏi thăm quan tuần mất cướp – Nguyễn Khuyến)
Anh mừng cho chú đỗ ông Nghè
Chẳng đổ thì trời cũng chẳng nghe
(Mừng ông nghè mới đỗ - Nguyễn Khuyến)
Đến mai mua nứa ông mần lại
Đù mẹ đù cha cái dát giường
(Chửi dát giường – Tú Xương)
2.5.3. Nhịp thơ
Văn học nói chung và thơ trữ tình nói riêng bao giờ cũng quan
tâm tới vấn đề nhịp điệu. Nhờ nhịp điệu gắn liền với những chỗ ngừng, ngắt được
phân bố hợp lý căn cứ vào quy luật tổ chức nội dung ý nghĩa của ngôn từ và khả
năng chú ý, theo dõi cũng như nhịp thở tuỳ trạng thái cảm xúc của độc giả mà
chuỗi ngôn từ bất định kia được cấu trúc, trở thành tác phẩm nghệ thuật, có khả
năng gây xúc động và đưa lại những nhận thức mới về cuộc sống, nhịp điệu trong
thơ phải đảm trách nhiệm vụ vừa phân định lớp lang của dòng cảm xúc được diễn tả
bằng những âm thanh mang nghĩa, vừa đóng vai người thuyết minh tích cực, tận tuỵ
cho chính dòng cảm xúc ấy, khi lượng ngôn từ dùng để dẫn giải, rào đón, mô tả
đã được rút lại gần ở mức tối thiểu”.
Yếu tố tạo nên nhịp điệu quan trọng nhất ở đây là những chỗ
ngừng, chỗ ngắt trong sự phân bố mau, thưa đa dạng của chúng; là độ dài, ngắn
khác nhau của các quãng nghỉ hơi sau mỗi khổ thơ, đoạn thơ.
Tóm lại: có thể nói nhịp thơ là cái được nhận thức thông
qua toàn bộ sự lặp lại có tính chất chu kỳ, cách quãng hoặc luân phiên theo thời
gian của những chỗ ngừng, chỗ ngắt và của những đơn vị văn bản như câu thơ
(dòng thơ), khổ thơ, thậm chí là đoạn thơ
Thơ Đường luật, các câu thất ngôn phần lớn ngắt nhịp 4/3:
Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
(Qua đèo Ngang - Bà huyện Thanh Quan)
Kình tiết thanh tu khí phách đương
Dục tương chích thủ vãn đồi dương
(Vịnh Chu Văn An - Nguyễn Khuyến)
Son phấn hữu phần liên tử hậu
Văn chương vô mênh luỵ phần dư
(Độc Tiểu Thanh ký - Nguyễn Du)
Nhưng cũng có những hiện tượng phá vỡ quy tắc ngắt nhịp ấy,
chúng tôi coi nó như là biểu hiện phi quy phạm thể loại.
Phúc của chung, thì họa của chung
Nhằm thì họa khỏi, phúc về cùng
(Bảo kính cảnh giới 5 – Nguyễn Trãi)
Người nhớ vua, nhìn sa đũa ngọc
Kẻ trông chồng ngẫm ruổi mây xanh
(Họa bài vịnh trang, bài 7, Hồng Đức quốc âm thi tập)
Thế Hán, Sở xem đà mấy chốc
Cuộc Tần, Tùy đổi những bao giờ
(Kỳ, Hồng Đức quốc âm thi tập)
Chẳng phải quan mà chẳng phải dân
Ngơ ngơ ngẩn ngẩn hóa ra đần
(Cười mình – Tú Xương)
Bắt chước ai, ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết cả trong đời
(Chúc năm mới, Tú Xương)
Chẳng phải Ngô cũng chẳng phải ta
Đầu thì trọc lốc áo không tà
Hồ Xuân Hương
2.6. Giọng điệu và ngôn ngữ
Giọng điệu nghệ thuật với tư cách một phạm trù thẩm mỹ, một yếu
tố có vai trò hết sức quan trọng trong cấu thành phong cách nhà văn là vấn đề
đã được nhận ra từ lâu kể cả trong văn học phương Tây và văn học phương Đông.
Nhiều bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra và chứng
minh vai trò quan trọng của giọng điệu (tone) hay “văn khí”, “hơi văn”, “giọng
văn” (cách gọi quen thuộc ở Trung Hoa và Việt Nam) không chỉ trong sáng tác mà
cả trong nghiên cứu, tiếp cận tác phẩm văn học và phong cách cá nhân nhà văn
2.6.1. Giọng hóm, nhẹ, trong, lành
Trước những hiện tượng “tự nhiên” đáng yêu của đời sống, như:
Giữa đường gặp một sư ni, hay một cô tiểu ngủ ngày, Nguyễn Khuyến thể
hiện giọng hóm hĩnh, nhẹ mà trong sáng, chỉ qua một hình ảnh, từ ngữ
Người xinh, cái bóng tình tinh cũng...
(Đề ảnh tố nữ)
Bao nả giang sơn một cắp tròn
Nghìn thu sương tuyết vẫn không mòn
Biết chăng chỉ có ông hà bá
Mỉm mép cười thầm với nước non
(Gái rửa ... bờ sông)
Tú Xương thì mượn lời vợ mà trách mình:
Quanh năm mua bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng … (Thương vợ)
Hồ Xuân Hương cũng nhẹ nhàng:
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kia đền thái thú đứng cheo leo (Đề đền Sầm Nghi Đống) v.v…
2.6.2. Giọng châm biếm sắc sảo thâm thúy
Châm biếm khác với hóm, nhẹ ở mức độ gay gắt và tính chủ ý của
sự phê phán, ở ý nghĩa sâu sắc và mang tnh khái quát xã hội của hình tượng nghệ
thuật. Giọng châm biếm thể hiện qua lời văn, hơi văn mạnh mẽ, sắc sảo, cay độc,
thâm thúy nhằm vạch trần thực chất cái lỗi thời, lố bịch, xấu xa của đối tượng
đáng cười.
Trước những đối tượng hài hước, thậm chí trơ trẽn trong xã hội,
giọng châm biếm, mỉa mai xuất hiện:
Ông về đốc học bấy lâu nay
Gần đó mà tôi vẫn chửa hay!...
(Gửi ông đốc học Ngũ Sơn)
Với Tú Xương thì:
Một đoàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng
(Giễu người thi đỗ – Tú Xương)
Hồ Xuân Hương cũng tát thẳng vào mặt hiền nhân quân tử:
Quan tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì không nỡ, ở không xong (Thiếu nữ ngủ ngày)
Hay:
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn leo
Tóm lại hai gam giọng ấy, chúng tôi cho là sự phá cách so sự
những gì mà quy phạm đặt ra cho thể loại thơ vốn rất nghiêm ngặt này.
2.6.3. Ngôn ngữ nôm na mà quý phái
Ngôn ngữ đời sống trong thơ Đường luật Việt Nam trung
đại
Lớp từ khẩu ngữ được sử dụng linh hoạt, ta có thể gặp nó ngay
trong thơ Nguyễn Trãi, TK XV:
Dầu bụt, dầu tiên ai kẻ hỏi,
Ông này đã có thú ông này (Mạn thuật, bài 6)
Ở Hồng Đức quốc âm thi tập cũng có hiện tương câu
thơ mang tính chất lời nói:
Trước có đầu, sau có đuôi
Lớn hơn mọi vật gọi là voi
(Voi)
Những từ quen thuộc trong khẩu ngữ dân gian đi vào thơ Nguyễn
Bỉnh Khiêm bỗng trở nên thú vị lạ thường:
Nhá rau lại tiếc mùi canh ngọt
Nếm ếch lại thèm có giống măng
(Bài 90, Bạch Vân quốc ngữ thi)
Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương rất giỏi sử dụng các đại từ
nhân xưng, các từ cảm thán,… được sử dụng gần như hết công suất:
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay
(Trách Chiêu Hổ, 1)
Thần này ví biết dường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong
(Lấy chồng chung)
Đến Tú Xương, khẩu ngữ đi vào thơ ông thật tự nhiên và dễ
dàng như không có một trở lực ngăn được:
Thì thế mà cũng thi
Ới khỉ ơi là khỉ!
Cũng có những câu thơ như được ghép bằng những nguyên âm:
Á, ớ, u, ơ, ngọn bút chì (Đi thi)
Nguyễn Khuyến cũng là bậc thầy sử dụng khẩu ngữ, xin dẫn
bài Lên lão, mà chúng tôi cho là điển hình cho cách thể hiện từ ngữ dân
gian như vậy:
Ông chẳng hay ông tuổi đã già
Năm lăm ông cũng lão đây mà
Anh em làng xóm xin mời cả
Xôi bánh trâu heo cũng gọi là
Chú Đáo bên làng lên với tớ
Ông Từ xóm chợ lại cùng ta
Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ
Có rượu thời ông chống gậy ra
Và ở thơ Đường luật cũng không thiếu những tiếng chửi:
Cha kiếp xin ra phận má hồng (Lấy lẽ - Tú Xương)
Đù cha đù mẹ đứa riêng ai (Ông Hàn – Tú Xương)
Xem hoa, ta chỉ xem bằng mũi
Đếch thấy hơi thơm một tiếng khà (Tạ lại người cho hoa
trà – Nguyễn Khuyến)
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
(…) Trái gió cho nên mới lộn lèo (Hồ Xuân Hương)
Tóm lại, ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ đời sống góp phần quan trọng
phá vỡ tính quy phạm đồng thời khẳng định quá trình dân tộc hóa dân chủ hóa thể
loại, một thể loại vốn được mệnh danh là nghiêm ngặt, quy phạm vào bậc nhất của
văn học Việt Nam trung đại.
3. Biểu hiện tính quy phạm và việc phá vỡ tính quy phạm qua
bài thơ Thiếu nữ ngủ ngày của Hồ Xuân Hương
Thiếu nữ ngủ ngày là một bức họa bằng thơ của Hồ Xuân
Hương miêu tả những vẻ đẹp đầy ý nghĩa nhân văn của con người trần thế.
Thật vậy, ở hai câu đề Hồ Xuân Hương đã chú ý giới thiệu nhân
vật làm đối tượng thẩm mỹ được nêu lên trong đầu đề bài thơ:
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng…
Câu khai đề được Hồ Xuân Hương ngắt thành nhịp 2 – 3 tạo nên
sự khác thường nhằm làm bật nổi những đặc điểm của mùa hè, gợi lên cảm giác
nóng bức, ngột ngạt. Tiếp theo danh từ mùa hè là đơn vị câu có kết cấu đảo ngược
được Hồ Xuân Hương dùng để nhấn mạnh tính chất bao trùm không gian làm bối cảnh
nghệ thuật là một bầu không khí hết sức dịu dàng, mát mẻ thích hợp cho sự nghỉ
ngơi của con người.
Trong câu thừa đề, Hồ Xuân Hương dùng danh từ Thiếu nữ là từ
Hán – Việt đã được sự sụng trong đầu đề bài thơ gắn với nội dung miêu tả sự xuất
hiện của nhân vật trong một tư thế hết sức đặc biệt nhưng lại rất phù hợp với
hoàn cảnh lúc bấy giờ. Nhờ có sự miêu tả sinh động, cụ thể nên câu thơ có tác dụng
xua tan mặc cảm về cái thói quen ngủ ngày (ngủ trưa) có thể có trong nhận thức
người đọc khi mới tiếp xúc với đầu đề bài thơ Thiếu nữ ngủ ngày. Hơn nữa, chính
sự miêu tả hợp lí ấy còn có tác dụng làm thể hiện hình tượng người thiếu nữ
trong hai câu thực và hai câu luận là có cơ sở.
Ở hai câu thực và hai câu luận, do chọn được thời điểm thích
hợp và do phác thảo được những đường nét chung về nhân vật cho nên Hồ Xuân
Hương có điều kiện hướng ngòi bút vào việc miêu tả các chi tiết, bộ phận trên
thần thể nhân vật và đã khắc họa thành công “bức tranh khỏa thân” nhân vật thiếu
nữ. Bằng sự kết hợp bút pháp tả thực với bút pháp ước lệ, chỉ trong bốn câu thơ
thất ngôn của bài thơ, Hồ Xuân Hương đã miêu tả một cách sống động, tài tình vẻ
đẹp tự nhiên đầy hấp dẫn trên thân thể người thiếu nữ.
Gắn với cách nhìn, cách cảm, cách thưởng thức vẻ đẹp con người
của tác giả thơ ca dân gian, Hồ Xuân Hương đã nâng nét bút đầu tiên miêu tả mái
tóc là hình ảnh tượng trưng cho tuổi xuân của thiếu nữ. Hồ Xuân Hương không dừng
lại ở việc trực tả sự vật như cách miêu tả quen thuộc trong ca dao mà đã thực
hiện việc gợi tả theo lối điểm xuyết thật trang nhã của thơ Đường luật. Hồ Xuân
Hương không tả hình dáng, màu sắc của mái tóc mà tập trung miêu tả chiếc lược
trúc là vật mà thiếu nữ sử dụng để trang điểm nhằm tôn thêm vẻ mượt mà óng ả của
mái tóc tuổi xuân.
Sau khi tả mái tóc, Hồ Xuân Hương miêu tả tiếp một bồ phận
quan trọng, tượng trưng cho sức trẻ của thiếu nữ một cách tế nhị. Hồ Xuân Hương
đã vận dụng cách gọi tên sự vật kín đáo trong câu tục ngữ “Nương long mỗi ngày
mỗi cao/ Má đào mỗi ngày mỗi đỏ” cho nên sự vật được miêu tả ở đây sinh động và
trở thành một hình ảnh nửa hư nửa thực đầy hấp dẫn.
Ở câu thực thứ hai, Xuân Hương cũng không miêu tả đường nét,
hình thể của nương long mà tập trung miêu tả cái yếm đào là vật mà thiếu nữ nhằm
tôn thêm vẻ đẹp đầy đặn của nương long. Nhờ việc sử dụng chính xác các cụm động
từ biếng cài, trễ xuống cho nên các bộ phận tương trưng cho sức trẻ, cho tuổi
xuân tràn đầy sinh lực của thiếu nữ nhà thơ gợi được những nét đẹp trên thân thể
của người con gái đang trong tư thế ngủ quá giấc nồng:
Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long…
Đến hai câu luận, tác giả đi sâu miêu tả vẻ đẹp thân thể nhân
vật trung tâm của bài thơ (thiếu nữ) theo trật tự từ ngoài vào trong, từ trên
xuống dưới nhằm tập trung khám phá vẻ đẹp ở những bộ phận kín đáo với những chi
tiết tinh vi cụ thể. Điểm nổi bật trong hai câu luận là việc tác giả đã phối hợp
sử dụng nghệ thuật ước lệ với phương thức tu từ ẩn dụ khá nhuần nhuyễn để biểu
hiện những vẻ đẹp trinh nguyên, tươi trẻ của nhân vật. Điều đáng lưu ý trong
hai câu luận là việc Hồ Xuân Hương đã dùng hai điển cố văn học vốn là những địa
danh ước lệ gợi hình ảnh những xứ sở thần tiên trong thần thoại Trung Quốc để
làm định nhữ cho danh từ trung tâm “đôi gò Bồng Đảo, một lạch Đào Nguyên”. Nhờ
nghệ thuật mỹ lệ hóa mà đối tương miêu tả trong hai câu luận trong sáng sôi động.
Tiếp theo hai điển cố, tác giả dùng những hình ảnh ẩn dụ để miêu tả đặc điểm chủ
yếu của hai bộ phận kín đáo, đồng thời muốn chỉ rõ đay mới là những nét đặc
trưng vẻ đẹp của người phụ nữ:
Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông…
Tuy vậy, ngòi bút kì diệu của Hồ Xuân Hương chưa dừng ở đây,
mà còn tiếp tục một cách sắc sảo trong phần kết của bài thơ thất ngôn bát cú.
Trong hai câu kết, Hồ Xuân Hương lại hướng sự chú ý của người đọc từ nhân vật
thứ hai không kém phần quan trọng của bài thơ này là chàng quân tử.
Vẫn là miêu tả nhân vật, song ở hai câu kết, Hồ Xuân Hương
không miêu tả hình dung, diện mạo… mà lại tập trung miêu tả hành vi, động tác,
thái độ, cử chỉ của nhân vật. Cho nên, tuy cùng xuất hiện giữa bối cảnh mùa hè
hây hẩy gió nồm đông, nhân vật quân tử xuất hiện đã bộc lộ những diễn biến nội
tâm trước một tình huống bất ngờ, nhưng lại rất lí thú
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở không xong
Trong câu kết thứ nhất, sau danh từ Hán – Việt được dùng để định
danh nhân vật, Hồ Xuân Hương đã dùng một số tính từ, đồng từ để diễn tả hành động,
tâm lí của chàng quân tử. Từ láy dùng dằng là tính từ, được tác giả dùng để
miêu tả cử chỉ đầu tiên khi chàng mới bắt gặp cảnh thiếu nữ ngủ ngày. Cứ chỉ ấy
phản ánh sự xung đột giữa hai đối lực đang diễn ra trong nội tâm nhân vật. Đó
là sự xung đột giữa một bên là những ràng buộc đạo đức của người quân tử, với một
bên là sự đam mê cái đẹp trong tâm hồn đa cảm của chàng trai trẻ trước những
hành ảnh tuyệt mỹ của người thiếu nữ ngủ ngày đang hiển hiện trước mắt. Và qua
động từ đi, tác giả đã tô đậm sự xung đột giữa hai đối lực ấy trong nỗi tâm
nhân vật Quân tử.
Trong câu kết thứ hai, động từ đi vẫn được Hồ Xuân Hương sử dụng
và đặt lên vị trí đầu câu thơ, Song, nếu như từ đi ở câu kết thứ nhất là động từ
miêu tả động tác của nhân vật, thì từ đi ở câu kết thứ hai là động từ đã được
danh từ hóa lên để nêu lên một sự việc có tính giả định cho một tình huống ứng
xử đặc biệt của chàng Quân tử trước sức hấp dẫn bởi vẻ đẹp “khỏa thân” của thiếu
nữ. Như vậy, đến câu kết thứ hai, xung đột giữa hai đối lực diễn ra trong nội
tâm nhân vật Quân tử đã được Hồ Xuân Hương thể hiện càng thêm rõ và nhơ đó mà
người đọc càng thêm trân trọng, đồng tình với những cử chỉ, động tác tự nhiên,
đáng yêu của chàng Quân tử diễn ra trước đó. Rõ ràng, dưới ngòi bút của HXH
nhân vật quân tử tuy chỉ được miêu tả qua hai câu kết nhưng vẫn không kém phần
sinh động. Viết xong hai câu kết, Hồ Xuân Hương chẳng những phác họa thành công
nhân vật quân tử mà còn hoàn thiện được “bức tranh khỏa thân” người thiếu nữ ngủ
ngày. Bằng việc thể hiện quân tử, HXH đã bổ sung cho bức tranh ấy một màu sắc
thẫm mĩ đầy ý nghĩa nhân văn. Đó là giá trị vẻ đẹp thân thể thiếu nữ đầy sức sống,
đầy sức cuốn hút, tình cảm thẫm mĩ của con người nhất là những người khác giới.
Đến đây có thể nói vẻ đẹp tâm hồn của chàng quân tử được bộc
lộ một cách tự nhiên có tác dụng phản chiếu vẻ đẹp thân thể của người thiếu nữ
và HXH đã thưc hiện thành công một qua trình sáng tạo nghệ thuật trong việc khắc
họa những vẻ đẹp của con người. Sự sống động và sức hấp dẫn ở vẻ đẹp thân thể của
nàng thiếu nữ đã được bộ lộ qua tâm hồn chàng quân tử, đã đẩy giá trị vẻ đẹp
thân thể nàng thiếu nữ đạt đến đỉnh cao của sự hoàn thiện, hoàn mỹ.
Có một điều là: từ lúc xuất hiện tới nay, bài thơ Thiếu
nữ ngủ ngày của Hồ Xuân Hương đã mang nhiều tên gọi khác nhau (Đọc dồn cho
mấy cậu học trò dòm trộm khi ngủ, Thiếu nữ, Ngủ quên). Mắc dù đã nhiều lần
bị “thay tên đổi họ” như vậy, nhưng trong lòng bạn đọc thì bài thơ Thiếu nữ ngủ
ngày của Hồ Xuân Hương vẫn còn nguyên vẹn vẻ đẹp nghệ thuật và ý nghĩa nhân văn
vô cùng tiến bộ.
18/9/2010
Bùi Túy Phượng
Theo https://www.vanchuongviet.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét