Kiếp sau xin chớ...làm thông
Cái làm cho thành phố này đẹp một cách độc
đáo, nên thơ là nhờ những bóng thông, không có thông thì chắc chắn không có bản
sắc tự nhiên của một phố thị cao nguyên. Tôi chỉ là một du khách mới ghé chân
sau ba mươi tám năm trở lại, những cây thông của xứ sở thần tiên này đang sắp sửa
lụi tàn, không phải chúng tự chết đứng vì reo hoặc vì già nua, thiếu sinh khí
mà chúng đang chết dần chết mòn do sự tùng xẻo, trấn lột, hạ sát của con người.
Trước khi đến với Đà Lạt, ai cũng ôm ấp trong
lòng nhiều nỗi ao ước được tận mắt chiêm ngưỡng nhiều danh lam thắng cảnh ở
đây. Có lẽ không nơi nào sánh bằng vì thiên nhiên đã dành cho xứ sở này quá nhiều
ưu ái. Ta có thể nhận thấy ngay một chút se giá giữa mùa hè, một cơn mưa bóng
mây ngày nắng, một ban mai lảng vảng sương khói trên những đèo dốc, một đêm
đông huyền diệu với vi vút tiếng thông reo tạo thành bản đại hợp xướng violon với
nhiều cung bậc khác khiến cho ta cảm nhận nó như là lẽ tự nhiên của tâm thức.
Anh bạn Việt kiều của tôi quê ở Đà Lạt phải thốt lên:
- Hồi bỏ xứ ra đi, mình nhớ quay nhớ quắt tiếng
thông reo, kiếp sau nếu không được làm người thì mình xin làm... kiếp thông!
Tôi đùa lại:
- Dễ làm được kiếp thông đấy à, đứng mà reo
giữa trời mưa đông giá buốt, giữa nắng hạn khô cháy, ai mà chịu thấu?
Quả thực, về Đà Lạt giữa những ngày gió, tôi
mới cảm nhận hết cái thiêng liêng nhất mà anh bạn tôi vừa thốt lên ấy. Tiếng
thông reo như cắt cứa vào lòng vừa xót xa lại vừa thương cảm, nó cũng dễ ngấm
buồn nhưng cũng dễ vui lây. Sự đồng điệu của tâm hồn mình cũng bắt nguồn từ đó
mà thăng hoa hoặc tàn lụi. Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm để ngắm nhìn những cây
thông Đà Lạt trên các ngọn đồi chưa tan hết khói sương, tất cả đều vươn lên trời
như để thách thức với gió mưa, bão tố. Màu vỏ của nó nâu đậm xù xì, lá nhọn như
kim, sờ vào cứ tê buốt mấy đầu ngón tay, hàng chục nhánh rễ cứng khừ bấu víu lấy
mặt đất không rời. Từng ngôi biệt thự tường vôi màu trắng, vàng, xanh ẩn hiện lờ
mờ, chừng như còn ngái ngủ sau một đêm se giá, nó được bao bọc bởi những cây
thông bách tán đứng canh trời đất như là chứng nhân của tiền kiếp. Lại nghe có
tiếng thông reo khi có ngọn gió lành thoảng qua khiến tôi tỉnh táo hẳn. Những
cây thông cứ đập vào mắt tôi như nỗi niềm của kẻ lưu đầy ẩn sĩ thuở xưa. Nguyễn
Công Trứ từng viết nên hai câu thơ bất hủ:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Để rồi hậu thế của ông lấy đó làm điều răn,
làm nghĩa tiết tháo cho cuộc đời đầy tai ương trong một kiếp người. Bản năng sống
của đời thông dư dả hơn ta tưởng, những biến thiên của đất trời không hề làm mất
đi cái vẻ rắn rỏi cường tráng đầy nghị lực mà con người lấy đó làm biểu tượng,
làm gương soi bóng mình. Triết lý thơ của Nguyễn Công Trứ không xa lạ gì so với
Phật pháp. Ấy thế mà số phận cây thông Đà Lạt thời bây giờ lại quá lắm bấp
bênh. Tiết tháo của con người đang gãy vỡ, bẻ cong theo vận thế nước non, số phận
cây thông Đà Lạt cũng nghiêng đổ theo thời cuộc. Nói ra làm chạnh buồn linh hồn
ông, làm động lòng trắc ẩn của không biết bao nhiêu người yêu thông Đà Lạt. Cái
làm cho thành phố này đẹp một cách độc đáo, nên thơ là nhờ những bóng thông,
không có thông thì chắc chắn không có bản sắc tự nhiên của một phố thị cao
nguyên. Tôi chỉ là một du khách mới ghé chân sau ba mươi tám năm trở lại, những
cây thông của xứ sở thần tiên này đang sắp sửa lụi tàn, không phải chúng tự chết
đứng vì reo hoặc vì già nua, thiếu sinh khí mà chúng đang chết dần chết mòn do
sự tùng xẻo, trấn lột, hạ sát của con người.
Đà Lạt bây giờ khác hẳn ba mươi bảy năm về trước, bầu trời thành phố quang quẻ, trống trải đến khó chịu, thông xanh và hoa tươi ở các ngõ vườn nhà đã vắng thưa dần. Những con đường nhựa xuống cấp uốn lượn quanh co trên các ngọn đồi giờ đây thật ít bóng râm. Mặt nước Hồ Xuân Hương, hồ Than Thở chẳng thể e ấp, yếm thế dưới những tàn thông lá nhọn, bóng thông in bóng nước xanh đến nao lòng. Đồi Cù bây giờ khác xưa nhiều, nó được thay vào đó một sân golf quốc tế, 148 cây thông chết đứng cùng một lúc trông thật tội nghiệp vì nó không biết kêu và không biết... chạy. Tôi bảo một thanh niên đánh xe ngựa du lịch ở đây:
Đà Lạt bây giờ khác hẳn ba mươi bảy năm về trước, bầu trời thành phố quang quẻ, trống trải đến khó chịu, thông xanh và hoa tươi ở các ngõ vườn nhà đã vắng thưa dần. Những con đường nhựa xuống cấp uốn lượn quanh co trên các ngọn đồi giờ đây thật ít bóng râm. Mặt nước Hồ Xuân Hương, hồ Than Thở chẳng thể e ấp, yếm thế dưới những tàn thông lá nhọn, bóng thông in bóng nước xanh đến nao lòng. Đồi Cù bây giờ khác xưa nhiều, nó được thay vào đó một sân golf quốc tế, 148 cây thông chết đứng cùng một lúc trông thật tội nghiệp vì nó không biết kêu và không biết... chạy. Tôi bảo một thanh niên đánh xe ngựa du lịch ở đây:
- Cho xe qua đồi Cù chơi!
Anh ta lắc đầu buồn rượi:
- Phải có “đô” mới vào cổng được, đồi Cù bây
giờ của ai chứ không phải của người Đà Lạt nữa rồi!
Tôi ngước nhìn lên cái thảo nguyên xanh rờn rặt
một thứ cỏ ngoại vừa mới trồng lại, xung quanh bị bao bọc bởi một hàng rào kiên
cố “bất khả xâm phạm” ấy mới thấy đồi Cù vắng hoe. Thanh niên nam nữ, trẻ con
và người dân lao động của thành phố Đà Lạt mất hẳn một chỗ vui chơi, sinh hoạt
và giải trí thật lý tưởng. Còn khách du lịch trong nước thì đang cố tình quên
đi cái “địa chỉ xanh” đầy thơ mộng ấy. Sau dinh I, dinh II, dinh III, sau lưng
biệt thự 26, 28 Trần Hưng Đạo, trước mặt Học viện Quân sự Đà Lạt xưa kia là cả
một rừng thông xanh mướt, thân thẳng đuỗn vươn lên trời xanh như chẳng thể nào
cầm giữ được sức sống của nó. Ấy thế mà bây giờ chẳng còn mấy, người ta đã chặt
phá tan hoang từ lúc nào? Trên các đèo dốc, thung lũng ở Ngoạn Mục, Preen, Cam
Ly, Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương, Bảo Lộc... còn thảm khốc hơn, đau đớn hơn.
Người ta đốn thông làm rẫy trồng bắp, mì, trồng la ghim, hồng, đào, táo, mận,
cà phê... và rất nhiều thứ hoa quả khác. Họ ngang nhiên đốn thông lấy đất làm nhà,
lập vườn, bí mật đốn thông bán lậu đi nơi khác kiếm lợi. Chính quyền sở tại thẳng
tay đốn thông để làm khu công nghiệp, làm khu du lịch, khu vui chơi giải trí.
Người ta tính sổ từng gốc thông một cho những mưu mánh cá nhân mà chẳng ai lên
tiếng cấm cản. Số phận cây thông Đà Lạt được định đoạt, con người đã toan tính
chi li cho cái lợi trước mắt mà quên hết những giá trị dài lâu mà cây thông, tự
nó đã đem đến cho xứ sở này một vẻ đẹp sang trọng, thuần khiết, một nguồn kinh
tế lớn về gỗ và nhựa, một tương lai hứa hẹn cho ngành du lịch đang phát triển ở
đây. Tôi chợt nghĩ, mai kia Đà Lạt thiếu vắng bóng thông chắc chắn cái thành phố
này sẽ vô vị biết chừng nào, những cây thông còn sót lại kia đang đứng giữa trời
mà reo hay đang kêu cứu?!
Chắc hẳn người Đà Lạt vẫn còn nhớ, cách đây
120 năm, vào ngày 21/6/1893, bác sĩ Alexandre Jon Yersin cùng đoàn thám hiểm đã
dũng cảm ngược dòng Đa Ntame, một nhánh của sông mẹ Đa-nhim đi về phía Tây - Bắc,
họ men theo triền dốc mà lên đỉnh núi. Một giờ sau, đoàn thám hiểm đã “bứt” khỏi
rừng thông dày đặc, mênh mông và không ngờ trước mặt họ đã hiện ra cao nguyên
Langbian hùng vĩ. Cái cảm giác se giá lành lạnh đến tê người vây bọc lấy họ,
khói sương từ thuở khai thiên lập địa trắng muốt, đặc quánh che hết mọi hướng
đi, bác sĩ A.Yersin đã không diễn tả hết nỗi sung sướng của mình đến cung bậc
nào, ông chỉ biết nhảy dựng lên, hét vang thung núi - châu Âu cũng là đây và
không nơi nào có được một châu Âu thứ hai diễm tuyệt đến như thế! Đoàn lại vượt
qua dòng Cam Ly huyền thoại, xanh như không thực vào lúc 15 giờ 45 phút. Để rồi
đúng 18 giờ, nhà thám hiểm A.Yersin đã tìm ra cao nguyên Lâm Viên và gặp gỡ những
cư dân đầu tiên để hình thành nên Đà Lạt mộng mơ hôm nay. Trong cuốn nhật ký
hành trình ông có mô tả khá rõ phút giây kỳ diệu và thiêng liêng đó.
Cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng
đã từng tổ chức kỷ niệm rất trọng thể 110 năm Đà Lạt hình thành và phát triển -
sắp tới sẽ kỷ niệm 120 năm ngày mà bác sĩ A.Yersin đã tìm ra xứ sở thần tiên
này. Đi trên những con đường nhựa lởm chởm ổ gà và thiếu vắng dần bóng mát của
cây xanh và hoa, đặc biệt là cây thông, người dân ở đây đang nghĩ gì về những
cái mất, còn của nó? Muốn giữ cho Đà Lạt một vẻ đẹp thiên nhiên tráng lệ khó
nơi nào sánh bằng ấy hẳn không đơn giản. Để sắp có thêm một trăm hai mươi năm
tuổi mình, Đà Lạt phải trả một cái giá thật đắt: ngôi nhà trăm mái bị hủy hoại
trong thoáng chốc, đồi Cù đang biến dạng như thần thoại, hơn phân nửa số thông
bị triệt tiêu khỏi mặt đất, phía Bắc hồ Xuân Hương đang cạn dần, hồ Mê Linh, hồ
Vạn Kiếp có nguy cơ trở thành bình địa, khí hậu Đà Lạt đang dần dần nóng lên, rồi
còn nhiều mất mát khác nữa... vì sự tàn phá của con người.
Tôi rời Đà Lạt trong một buổi sáng, trời mưa
như trút nước, đèo dốc Preen láng trơn uốn lượn quanh co, những cây thông hai
bên đường xanh mướt đứng uy nghi như đang vẫy chào tôi, mưa chảy ròng ròng từ
cành xuống rễ, hơi nước mù mịt dâng đầy thung núi, quang cảnh khu rừng như chìm
xuống trầm mặc, bỗng chốc nhòe nhoẹt trước cửa kính ôtô - Hãy xin tạm biệt những
cây thông Đà Lạt đầy luyến nhớ.
- Kiếp sau nếu không được làm người mình xin
làm... thông!
Lời của anh bạn Việt kiều thật quá mơ mộng
ngang tầm thi sĩ Nguyễn Công Trứ thuở xưa. Còn tôi không dám, vì làm kiếp thông
thời bây giờ cũng bấp bênh lắm!?
Nguyễn Hoài Nhơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét