Không hiểu vì sao mỗi dịp viết về Đức Thọ tôi đều muốn
được đến ngồi trên bến Tam Soa hoặc giả sẽ mường tượng về nơi ấy bằng con
đường riêng của lòng mình. Bởi ở riêng nơi đó tôi mới có thể cảm nhận được
tất cả những vỉa tầng văn hóa, những vẻ đẹp truyền đời của cả một vùng Đức
Thọ mênh mông. Tam Soa – chỉ một ngã ba sông thôi mà gọi lên rất nhiều lớp
tầng văn hóa của một vùng đất, khiến người đến, người đi đều nhiều vương
vấn, vấn vương…
Đua thuyền truyền thống trên Sông La
Dường như dòng chảy hiền hòa và mát ngọt của nơi khởi đầu
dòng La ấy cất giấu tất cả những vẻ đẹp tinh túy nhất suốt chiều dài lịch
sử của vùng đất này…Chẳng những thế mà các làng mạc ven bến Tam Soa đều trù
phú và phát triển sớm cả về văn hoá lẫn kinh tế, đặc biệt vùng địa linh ấy đã
dâng tặng cho Tổ quốc rất nhiều nhân kiệt. Trong chiều dài 180 năm thành
lập tỉnh đến nay, khắp các vùng quê Đức Thọ, đâu đâu cũng xuất hiện những
hiền tài ở mọi lĩnh vực làm rạng danh quê hương, xứ sở, trong đó nổi tiếng
nhất là làng Tùng Ảnh với hàng trăm vị tiến sỹ.
Từ trước khi vua Minh Mệnh thực hiện việc chia cắt lại
địa giới hành chính dẫn tới sự ra đời của tỉnh Hà Tĩnh, Đức Thọ đã nổi danh với
rất nhiều tác giả nho học như: Nguyễn Biểu (Yên Hồ), Phan Phúc Cẩn, Bùi
Dương Lịch (ở Tùng Ảnh)… với những tác phẩm nổi tiếng truyền lại đến ngày
nay. Sau 1831, người ta biết nhiều hơn đến làng Đông Thái và đất học Tùng Ảnh
qua người con kiệt xuất là Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng. Ở ông hội tụ
nhiều tài năng, không chỉ giỏi văn chương chữ nghĩa mà còn là một lãnh tụ có
tài lương đống. Phan Đình Phùng sinh năm 1847 tại làng Đông Thái, huyện La Sơn
(nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ) trong một gia đình khoa bảng có tiếng tăm.
Từ nhỏ ông đã có chí lớn. Năm 1876, Phan Đình Phùng đỗ cử nhân. Năm sau
(1877), ông thi đậu đình nguyên tiến sỹ, được bổ làm tri huyện Yên Khánh (tỉnh
Ninh Bình). Do tính tình cương trực, can đảm, đời làm quan của ông trải qua
nhiều sóng gió. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Phan
Đình Phùng với tầm ảnh hưởng của mình đã đứng ra chiêu tập lực lượng từ khắp
các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, để chống ngoại xâm. Phan Đình
Phùng được nhà vua phong chức tán lý quân vụ, lãnh đạo nghĩa quân xây dựng căn
cứ tại hai huyện Hương Sơn, Hương Khê, thuộc Hà Tĩnh. Suốt mười năm (1885 -
1896), bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ, cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng
lãnh đạo đã giao chiến với Pháp nhiều trận, và đã gây cho đối phương nhiều tổn
thất nặng nề, tiêu biểu nhất là trận Vụ Quang vào năm 1894. Năm 1895, Phan Đình
Phùng qua đời do bị thương trong một trận đánh, để lại nỗi đau đớn khôn
nguôi trong lòng nghĩa quân khắp vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh và Quảng Bình.
Mộ Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng, tại xã Tùng ảnh
Cùng thời với Phan Đình
Phùng, ở làng Trung Lễ có người con ưu tú Lê Ninh (1857 – 1887), với tấm lòng
yêu nước nồng nàn, Lê Ninh được coi là người Hà Tĩnh đầu tiên xướng nghĩa
Cần Vương. Về sau, ông gia nhập đội quân của Phan Đình Phùng và trở thành
một tướng lĩnh Cần Vương anh dũng, kiên cường. Thời kỳ này, ở Đức Thọ còn có
nhiều nhân vật nho sỹ nổi trội như Đậu Quang Lĩnh, Mai Lão Bạng, Phan
Điện, Lê Văn Huân v.v… Họ đều là những ông đồ Nghệ điển hình, đau đáu một
lòng với nước non và đã để lại cho đời nhiều tác phẩm thể hiện tấm lòng
ấy như: Cảm tác (Đậu Quang Lĩnh), Lão Bạng phổ khuyến thi (Mai Lão Bạng),
thơ Phan Điện v.v…
Trong thời kỳ tân học, Đức Thọ cũng có nhiều tác giả nổi
tiếng ở mọi lĩnh vực, đóng góp rất nhiều cho thành tựu chung của đất nước.
Đầu tiên phải kể đến Lê Thước (1891 – 1976) – người làng Trung Lễ. Ông là
nhà nghiên cứu văn học, sử học xuất sắc được nhiều thế hệ trí thức tôn là
bậc thầy. Những tác phẩm của ông như: Truyện cụ Nguyễn Du, Sự nghiệp và
thi văn của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Nhận xét một số di tích và
hiện vật về thời Tây Sơn, làng Trung Lễ trong phong trào chống Pháp v.v…
đã đem đến cho độc giả những kiến thức mới và cái nhìn riêng về những tác
giả, sự kiện lịch sử. Nổi tiếng trong làng văn học Việt Nam thời kỳ này là
Hoàng Ngọc Phách (1896 – 1973), người làng Đông Thái (Tùng Ảnh) với tác phẩm
“Tố Tâm”. Tiểu thuyết này được đánh giá là bước chuyển mới của văn chương
Việt Nam, đưa văn xuôi từ thời kỳ mang tình biền ngẫu sang tự sự. Xuôi về
gần cuối dòng La, làng Đức Nhân lại có tác giả văn học nổi tiếng Phạm Khắc
Hòe (1902 – 1996) với các tác phẩm: “Quà chiến khu”, “Ơn Đảng, ơn Bác
muôn đời”, “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”… Các tác phẩm
ấy được giới văn học nhận định là đã đưa đến góc nhìn mới cho thấy những
khía cạnh mới, những phương diện mới của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại. Thời
kỳ này, đất học Tùng Ảnh còn cống hiến cho tổ quốc người con tuấn kiệt
Trần Phú - vị Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mộ Trần
Phú giờ được an táng trên đồi Quần Hội hướng ra bến Tam Soa thanh bình, yên
ả.
Quần thể Khu mộ đồng chí Trần Phú
Cố Tổng bí thư đầu
tiên của Đảng, tại xã Tùng ảnh
Dường như dòng La hiền hòa thơ mộng đã kết hợp với phong
thổ vùng đất nó đi qua mà kiến tạo nên những tâm hồn lãng mạn, đam mê và
cống hiến hết mình cho nền văn hóa Việt Nam. Bên kia bến Tam Soa, làng
Trường Xuân - xã Trường Sơn có nghệ nhân tuồng bộ Lê Hanh (1907 – 1988)
xuất sắc. Thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, Lê Hanh đã xây dựng phường tuồng
Trường Xuân. Sau năm 1945, ông tiếp tục công việc đào tạo diễn viên, xây dựng
nhiều đội kịch, đội tuồng trong huyện. Ông cũng là người có công sưu tầm
và phổ biến nhiều tác phẩm, tư liệu văn nghệ dân gian Hà Tĩnh. Người mà
tiếng tăm vang ra cả ngoài biên giới Việt Nam là nghệ sỹ điêu khắc Điềm
Phùng Thị (ở Bùi Xá). Bà nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc được sáng
tác từ “7 ký tự”, được dư luận châu Âu ngợi ca giá trị thần diệu của nó và
được trưng bày triển lãm ở những nền văn hóa nổi tiếng thế giới như: Pháp,
Ý, Đức, Đan Mạch, Thụy Sỹ. Bà là người Việt Nam duy nhất (cho đến năm 1991)
được ghi tên trong từ điển Larousse “Nghệ thuật thế kỷ XX – Từ điển tranh
tượng” và được bầu làm viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học, văn học và
nghệ thuật châu Âu. Nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật còn có Tiến sỹ
sân khấu Phạm Thị Thành – là con gái của tác giả văn học Phạm Đình Hòe. Với
việc viết kịch bản, đạo diễn hàng trăm vở diễn nổi tiếng và công lao phát
hiện đào tạo đội ngũ diễn viên tài năng cho sân khấu Việt Nam hiện đại,
Phạm Thị Thành được coi là người mang ánh hào quang cho sân khấu Việt. Ở
tuổi “cổ lai hy” nhưng bà vẫn miệt mài nghiên cứu và đạo diễn nhiều vở kịch
quan trọng. Bà là niềm tự hào của nhân dân Đức Nhân, của nền sân khấu Việt
Nam. Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, ở Đức Thọ còn có tác giả Phan Lương
Hảo cùng 2 người con là Phan Thư Hiền và Phan Trung Hiếu (người xã Bùi Xá)
đều là những cây bút chủ chốt của làng VHNT Hà Tĩnh với nhiều vở kịch, tác
phẩm phản ánh hiện thực đời sống một cách chân thực mà đầy tính nghệ
thuật.
Ngoài ra, ở những lĩnh vực khoa học khác, Đức Thọ cũng có những
người con tài ba như giáo sư ngành môi trường Võ Quý (Yên Hồ), luật sư Phan
Anh (Tùng Ảnh), Giáo sư ngành văn học Hoàng Ngọc Hiến (Tùng Ảnh), giáo sư y học
Phạm Kim (Tùng Ảnh), nhạc sỹ Tân Huyền, nhạc sỹ Phan Trần Bảng (Tùng Ảnh),
nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh (Đức Châu)…
Có
thể nói, trong suốt chiều dài hơn 180 năm lịch sử Hà Tĩnh, Đức Thọ đã đóng
góp không ngừng cho quê hương, cho đất nước rất nhiều những người con kiệt
xuất. Họ dù ở lĩnh vực nào, mức độ ảnh hưởng rộng hay hẹp…cũng đều đã mang
lại cho quê hương đất nước những giá trị có ý nghĩa không hề nhỏ. Kế thừa
truyền thống quý báu đó, ngày nay bên dòng La thanh bình ấy những thế hệ
nối tiếp lại tiếp tục học tập, nghiên cứu và cống hiến tài năng cho Tổ
quốc. Góp phần tô thắm tên tuổi Hà Tĩnh trên bản đồ danh nhân đất Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét