1. Phân biệt
ngôn ngữ và lời văn (lời nói)
Trong "Giáo trình ngôn ngữ học đại
cương", F. De Saussure đã đưa ra một phân biệt nổi tiếng giữa ngôn ngữ
(langue) và lời nói (parole). Theo ông, ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu tạo
thành một kho tàng dự trữ trong tư duy của một cộng đồng người. Mỗi kí hiệu bao
gồm hai phương diện gắn liền với nhau như hai mặt của một tờ giấy: cái biểu đạt
và cái được biểu đạt. Cái biểu đạt trong ngôn ngữ gọi là vỏ vật chất còn cái được
biểu đạt là khái niệm. Giữa chúng có mối quan hệ võ đoán tuyệt đối hay tương đối
do qui ước của xã hội mà nhiều khi không thể giải thích một cách tường tận được.
Lời nói là sản phẩm của cá nhân, là sự vận dụng
kho tàng ngôn ngữ của từng người trong từng hoàn cảnh cụ thể. Ngôn từ trong tác
phẩm là một kiểu lời nói (lời văn) nghệ thuật do nhà văn sáng tạo trên cơ sở sản
phẩm xã hội mà ông ta tiếp thu được. Lời văn nghệ thuật này chính là đối tượng
của sự tìm hiểu, phân tích tác phẩm văn học.
2. Lời văn
trong tác phẩm văn học là một hiện tượng nghệ thuật.
Ðặc điểm chung của văn học nghệ thuật là phản
ánh cuộc sống bằng hình tượng nhưng trong mỗi bộ môn và loại hình nghệ thuật
khác nhau, các hình tượng có những đặc điểm cụ thể riêng. Những đặc điểm cụ thể
đó của hình tượng được qui định bởi chất liệu và phương tiện riêng. Trong nghệ
thuật tạo hình, hội họa sử dụng đường nét, màu sắc; điêu khắc dùng hình khối nhằm
trực tiếp miêu tả các hiện tượng của đời sống. Trong nghệ thuật biểu hiện, âm
nhạc sử dụng âm thanh, múa dùng điệu bộ, dáng vẻ đã được cách điệu hóa...Trong
loại hình nghệ thuật tổng hợp, người ta sử dụng nhiều phương tiện của các ngành
nghệ thuật khác nhau nhằm phục vụ cho việc diễn xuất.
Văn học, một loại hình nghệ thuật độc lập,
phát triển song song với các loại hình nghệ thuật khác nhưng lấy ngôn ngữ làm
phương tiện diễn đạt. Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của văn học. Tuy nhiên ngôn
ngữ không phải là phương tiện diễn đạt riêng của văn học. Nhiều lĩnh vực khác
nhau trong đời sống cũng sử dụng ngôn ngữ. Vậy, ngôn ngữ văn học có gì khác so
với các lĩnh vực khác?
3. Ðặc trưng
của lời văn nghệ thuật.
3.1. Tính chính xác, trong sáng có thể được
coi là đặc trưng đầu tiên của lời văn nghệ thuật. Chỉ với những lời văn
chính xác, trong sáng, nhà văn mới có thể biểu hiện một cách đúng đắn và đầy đủ
những sắc thái, cảm xúc, những điều mà nhà văn muốn diễn đạt. Ngôn ngữ nói
chung có thể diễn đạt được mọi thứ nhưng để đạt được điều đó, nhà văn phải vật
lộn, học hỏi, tích lũy... Nói như một nhà văn: "Trên đời không có sự giày
vò nào ghê gớm hơn sự giày vò của ngôn ngữ" hoặc như Maiacôpxki từng
viết:
Làm thơ
Chẳng khác gì khai thác
Chất hiếm radium
Lấy một gam
Mất hàng năm lao lực
Chỉ mỗi một từ
Có khi mất đứt
Hàng trăm nghìn
Tấn quặng xỉn ngôn từ.
(Nói chuyện với người thanh tra tài chánh)
Tính chính xác của lời văn nghệ thuật cần được
hiểu không phải theo nghĩa cơ giới, toán học mà là sự diễn đạt hoàn hảo nhất một
tâm trạng, một sự vật, một ý nghĩ, một hiện tượng bằng một từ duy nhất đúng.
Guy de Maupassant cho rằng "Ðối tượng mà anh (nhà văn) muốn nói đến, dù là
cái gì đi nữa, cũng chỉ có một từ biểu hiện nó".
Người ta thường nhắc đến việc chọn lựa từ ngữ trong sáng tạo nghệ thuật qua câu chuyện "thôi, xao". Một hôm, Giả Ðảo (779-843), một nhà sư hoàn tục cưỡi ngựa về Tràng An. Ông đương bận nghĩ đến 2 câu thơ vừa mới sáng tác:
Người ta thường nhắc đến việc chọn lựa từ ngữ trong sáng tạo nghệ thuật qua câu chuyện "thôi, xao". Một hôm, Giả Ðảo (779-843), một nhà sư hoàn tục cưỡi ngựa về Tràng An. Ông đương bận nghĩ đến 2 câu thơ vừa mới sáng tác:
Ðiểu túc trì biên tụ
Tăng thôi nguyệt hạ môn"
(Chim đậu ở cây bờ ao
Nhà sư đẩy cửa dưới trăng)
Giả Ðảo băn khoăn không biết nên dùng chữ
thôi (đẩy cửa) hay xao (gõ cửa). Ông buông cương, huơ tay bắt chước
nhà sư lúc đẩy cửa, lúc gõ cửa. Ngựa đi vào đám quân của một vị quan đang đi
kinh lí. Quân lính bắt Giả Ðảo trình quan. May thay, viên quan đó chính là Hàn
Dũ. Sau khi nghe Giả Ðảo bày tỏ sự việc, Hàn Dũ suy nghĩ và góp ý nên dùng chữ
"xao" (gõ). Có lẽ gõ gợi lên được hình tượng về âm thanh. Sau này,
người ta thường dùng chữ "thôi, xao" với ý nghĩa là cân nhắc
từng chữ để sửa chữa bài văn, bài thơ cho thật tốt.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng hàng loạt
các từ khác nhau để chỉ người phụ nữ nhưng ở mỗi lời văn lại có những sắc thái
khác nhau:
- Ðau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
- Hồng quân với khách hồng quần
Ðã xoay đến thế vần vần chưa tha.
- Rằng: hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.
- Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
- Canh khuya bức gấm rủ thao
Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân.
- Cớ sao chị tốt một bề
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao.
Lời văn nghệ thuật đòi hỏi nhà văn phải lựa
chọn nghiêm khắc để có được những từ diễn đạt một cách đắc địa nhất tư tưởng,
tình cảm của mình.
3.2. Tính hàm súc. Ðặc điểm này bắt nguồn từ
nguyên tắc tiết kiệm trong ngôn ngữ, nghĩa là nói và viết sao cho "lời
chật mà ý rộng", là sử dụng một số lượng chất liệu tối thiểu mà đạt được
hiệu quả nghệ thuật tối đa. Mượn ý của Tô Ðông Pha, Lê Quí Ðôn viết: "Ý hết
mà lời dừng, ấy là cái lời rất mựctrong thiên hạ. Song lời dừng mà ý chưa hết
được lại càng hay tuyệt".
3.3. Tính mơ hồ, đa nghĩa cũng là một đặc
điểm của lời văn nghệ thuật dù đây cũng là đặc điểm dễ nhận thấy trong lời
nói hằng ngày. Trong văn học, tính mơ hồ, đa nghĩa được nhân lên và trở thành một
đặc điểm nổi bật bởi vì người nghệ sĩ thường hướng tới lời văn mơ hồ, đa nghĩa
nhằm tạo nên những tầng lớp nghĩa khác nhau, nhằm "khêu gợi vô số những tư
tưởng, những quan niệm, những cách giải thích". Ðiều này về bản chất
có thể phân biệt khá rõ giữa lời văn nghệ thuật và lời văn trong nhiều
lĩnh vực khác của đời sống.
3.4. Tính tạo hình và biểu cảm. Một đặc
trưng có tầm quan trọng nhất nhằm phân biệt lời văn nghệ thuật với lời văn
thuộc các lĩnh vực khác là tính tạo hình và biểu cảm. Tạo hình là tạo nên một
lời văn giàu hình ảnh, tái tạo đối tượng trong hình thái cụ thể, không lặp lại
của nó. Chỉ bằng tính chất tạo hình, nhà văn mới làm sống lại một cách cụ thể ,
cảm tính những dáng vẻ riêng biệt . Bên cạnh đó, lời văn nghệ thuật còn biểu hiện
những cảm nhận độc đáo của nhà văn với tư cách là nghệ sĩ và những nhà văn lớn
bao giờ cũng có những độc đáo trong phong phong cách. Tsêkhôp quan niệm "nếu
tác giả nàokhông có lối nói riêng của mình thì người đó sẽ không bao giờ là nhà
văn cả".
Hai phẩm chất tạo hình và biểu cảm được kết hợp
một cách hữu cơ, xuyên thấm vào nhau và trong nhiều trương hợp, khó thể tách rời.
Vì vậy cần nhìn chúng là một đặc điểm thống nhất của lời văn nghệ thuật: tạo
hình để biểu cảm, biểu cảm để tạo hình, trong tạo hình có biểu cảm và ngược lại.
Lời văn nghệ thuật của tác phẩm nghệ thuật
bao giờ cũng có chức năng xây dựng hình tượng nên luôn luôn mang tính thẩm mĩ
cao.
II. Các phương tiện xây dựng lời văn nghệ thuật
Lời văn nghệ thuật được xây dựng từ tất cả những
khả năng và phương tiện của ngôn ngữ toàn dân trên mọi bình diện từ ngữ âm, từ
vựng, cú pháp, các phương thức tu từ...đến các hình thức ngôn từ vốn có trong
kho tàng ngôn ngữ dân tộc như từ cổ, tiếng địa phương, tiếng lóng và các vốn từ
đã trở thành di sản nghệ thuật dân tộc. Như vậy, những phương tiện xây dựng lời
văn nghệ thuật cũng được sử dụng trong những lĩnh vực khác nhưng điểm khác nhau
ở đây là lời văn nghệ thuật có chức năng xây dựng hình tượng nghệ thuật đặc thù.
Có thể xét các phương tiện xây dựng lời văn nghệ thuật trên các góc độ:
1. Xét từ
góc độ ngữ âm.
Lời văn nghệ thuật gắn liền với các yếu tố:
thanh, vần, âm, nhịp điệu...Những yếu tố này thường tạo được những hiệu quả
đáng kể. Trong văn học, khi nhà văn chọn lựa thanh bằng hoặc trắc, trầm hay bỗng,
mở hay khép, nhịp điệu khoan hay nhặt...đều có ảnh hưởng đến việc biểu hiện nội
dung. Người xưa thường nói "Thi trung hữu nhạc". Lê Ðình Diên viết:
"Thơ là sự biểu hiện của nhạc, thanh là sự hổ trợ của thơ, tình rung
động phát ra thành thanh, người ta có thanh mà sau đó có ý".
Chẳng hạn, giọng điệu của một nhân vật trong
Sống mòn của Nam Cao: "Tiền giai đưa gái có đòi được cái đếch người
ta". bốn phụ âm đ gần nhau, tạo ra một giọng điệu bất cần, có phần đểu
cáng. Hoặc "Tiếng cười vỡ lở ra, ằng ăc, hi hí, hô hố". Các câu
thơ của Tản Ðà:
Tài cao phận thấp chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương.
Có 5 thanh trắc cuối và hai phụ âm cuối tắt
thanh hầu (p,t) tạo nên sự uất nghẹn. Bảy thanh bằng kết hợp với các âm cuối
vang (n, ng), 3 âm tiết mở (ô, ê, ê) tạo nên sự rộng mở, thanh thoát, phù hợp với
tâm trạng thoát trần.
Như vậy, sự kết hợp các yếu tố thanh, vần, nhịp
điệu...có những vai trò nhất định góp phần diễn đạt những sắc thái khác nhau của
lời văn trong tác phẩm nghệ thuật.
2. Xét từ
góc độ từ vựng.
Là toàn bộ các từ trong một ngôn ngữ. Ðây là phương
tiện tạo hình và biểu cảm vô cùng quan trọng để tạo nên lời văn nghệ thuật. Có
thể kể các loại: từ đồng nghĩa , phản nghĩa, tiếng nghề nghiệp, tiếng địa
phương, tiếng nước ngoài đã được việt hóa, từ tôn giáo..Ðể tạo nên lời văn nghệ
thuật, nhà văn phải tích lũy cho mình một vốn từ phong phú để sử dụng lúc lúc,
đúng chỗ. Chế Lan Viên có những câu thơ rất hay về vấn đề này:
Mỗi ngày gặp một người, họ là một mảnh của
thiên tài nhân loại.
Máu và mồ hôi người góp nên bao hình ảnh ngữ
ngôn,
Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc
vàng mà đời rơi vải
Tất cả, một người, dù lạ hay quen đều viết
cho thơ anh một chữ.
3. Xét từ
góc độ ngữ nghĩa.
Các phương tiện chuyển nghĩa là một biện pháp nghệ
thuật được nhà văn sử dụng để tạo nên những khả năng biểu hiện của lời văn. Ðó
là các phương thức chuyển nghĩa dựa vào sự tương ứng của hai hiện tượng, hay
dùng hiện tượng này để nhận thức và giải thích hiện tượng kia. Chức năng chung
của các phương tiện chuyển nghĩa là làm hiện lên sự vật, hiện tượng trong các
tương quan ý nghĩa khác nhau. Có thể nói đến các phương thức chuyển nghĩa tiêu
biểu:
3.1. So sánh.(Ví von) là hình thức được sử
dụng quen thuộc nhất trong tác phẩm văn học. Nó đối chiếu hai hay nhiều đối
tượng có một dấu hiệu chung nào đó (nét giống nhau) nhằm diễn tả một cách hình ảnh
đặc điểm của một đối tượng.
-Ðôi ta làm bạn thong dong.
Như đôi đũa bạc nằm trong mâm vàng. (ca dao).
-Lòng em như quán bán hàng
Lòng anh như khách qua đàng dừng chân. (ca
dao).
- Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Ðã chôn điếu xuống lại đào điếu lên (ca dao).
So sánh thường dùng các liên từ: như , giống
như, là, bao nhiêu, bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, giữa hai vế
nhiều người vẫn không sử dụng từ so sánh:
- Lòng anh, giếng ngọt trong veo.
Trăng thu trong vắt, biển trời trong xanh (ca
dao).
- Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
3.2. Ẩn dụ. (ví ngầm) là biện pháp so sánh
ngầm trong đó chỉ có vế so sánh xuất hiện nhưng nhờ sự liên tưởng và văn cảnh,
người đọc vẫn có thể liên hệ được đến đối tượng được so sánh:
- Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền .
- Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về (Kiều)
- Em tưởng nước giếng sâu em nối sợi gàu dài
Ai ngờ giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây. (ca
dao).
3.3. Nhân hóa là hiện tượng nghệ thuật sử dụng
từ vốn chỉ thuộc tính, khả năng của con người chuyển sang biểu thị thuộc
tính, khả năng của đối tượng không phải người.
-Vì sương nên núi bạc đầu
Biển lay bởi gió, hoa sầu vì mưa (ca dao)
Hoặc trò chuyện, bày tỏ với một đối tượng
không phải người:
Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương (ca
dao)
3.4. Phúng dụ là một ẩn dụ được phát triển
bao trùm toàn bộ tác phẩm, thường mang tính chất ngụ ý. Ðây là sự tổ chức
các hình ảnh sinh động, cụ thể để biểu thị một ý niệm về triết lí, nhân sinh dựa
trên cơ sở liên tưởng những nét tương đồng giữa các hình ảnh sinh động và ý niệm
về triết lí nhân sinh. Vì vậy, phúng dụ bao giờ cũng có 2 ý nghĩa: ý nghĩa bề mặt
và ý nghĩa bề sâu.
- Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
- Con kiến mày leo cành đa
Leo phải cành cụt leo ra leo vào
Con kiến mày leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra
Những bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, Con cáo và
tổ ong, Bài ca sợi chỉ, Nhóm lửa... của Hồ Chủ Tịch đều được viết theo biện
pháp phúng dụ. Loại này thường được sử dụng trong thơ, truyện ngụ ngôn.
3.5. Tượng trưng. Khi hoán dụ, ẩn dụ được sử
dụng quen thuộc, được cố định lại trong tư duy của con người, trở thành
hình ảnh có tính chất ước lệ, được gọi là tượng trưng. Chẳng hạn, chim bồ câu
tượng trưng cho hòa bình, diều hâu tượng trưng cho chiến tranh; tùng, cúc,
trúc, mai làm người ta liên tưởng đến phẩm giá của con người. Con cò trong ca
dao thường tượng trưng cho thân phận vất vả của người phụ nữ, người nông dân hiền
lành, chất phát. Hình ảnh con cò được thể hiện thật cảm động trong bài Thương vợ
của Trần Tế Xương:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo seo mặt nước buổi đò đông.
3.6. Khoa trương là lối dùng từ cố ý thay đổi
kích thước, tính chất, hiệu quả của sự vật nhằm đạt đến mục đích làm rõ bản
chất của đối tượng và tăng hiệu quả biểu hiện:
Chìm đáy nước cá lờ lờ lặn.
Lững lưng trời nhạn ngẫn ngơ sa
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi khiếp vía Hằng Nga giật mình. (Cung
oán ngâm khúc)
Trong truyện Lang Rận, Nam Cao miêu tả bộ mặt
của Lang Rận qua cái nhìn của bà Cựu: "Cái mặt ấy cho dù mỗi ngày có rửa
ba lượt xà phòng, bà Cựu trông thấy vãn còn buồn nôn"
3.7. Nhã ngữ. Ngược lại với khoa trương.
Ðây là lối dùng từ cố ý giảm đi mức độ của kích thước, tính chất, hiệu quả
của sự vật, hiện tượng nhằm thể hiện một tình cảm nào đó và thường được sử dụng
để nói về cái chết:
- Bác đã lên đường theo tổ tiên (Tố Hữu)
- Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta (Nguyễn
Khuyến)
3.8. Phản ngữ vận dụng các từ ngữ biểu thị
những khái niệm đối lập nhau cùng xuất hiện trong một văn cảnh nhằm mục
đích làm rõ hơn đặc điểm của đối tượng được miêu tả:
- Ðức chúa trời của chúng mặt Sa Tăng. (Chế
Lan Viên)
- Anh đã chết rồi, anh còn sống mãi (Tố Hữu)
3.9. Chơi chữ là cách tu từ vận dụng linh
hoạt các tiềm năng về ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp nhằm tạo ra một
phần tin khác với phần tin cơ sở. Phần tin khác này mang nghĩa hoàn toàn mới, bất
ngờ mà về bản chất không liên quan gì với phần tin cơ sở.
- Bà già đi chợ cầu Ðông
Bói xem một qủ có chồng lợi chăng
Ông thầy xem quẻ đoán rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn. (Ca dao)
-Dỡ dang dang dỡ vì sông
Ngày làm công nhật đêm trông dạ chàng (ca
dao)
- Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non (ca dao).
4. Xét từ góc độ cú pháp
Các phương tiện cú pháp như câu, điệp từ, chấm
câu, câu nghi vấn, câu cảm thán..cũng gíúp cho lời văn nghệ thuật có sức
truyền cảm nhằm diễn đạt ý tình của nhà văn:
- Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san
- Bạc phơ mái tóc người cha. (Tố Hữu)
- Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị (Tế
Hanh)
- Cỏ bên trời xanh một sắc Ðạm Tiên (Chế Lan
Viên)
- Màu thời gian xanh xanh,
Màu thời gian tím ngắt
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh (Màu thời gian.
Ðoàn Phú Tứ)
Các phương tiện xây dựng lời văn nghệ thuật rất
phong phú, đa dạng. Việc nắm bắt các phương tiện trên chỉ mới là cơ sở để hiểu
lời văn nghệ thuật. Ðiều quan trọng là phải phát hiện những phương tiện đó được
nhà văn vận dụng cụ thể như thế nào để tạo nên lời văn nghệ thuật.
IV. Các thành phần lời văn nghệ thuật
Có thể chia lời văn nghệ thuật ra thành lời
tác giả và lời nhân vật hay lời trực tiếp và lời gián tiếp.
1. Lời tác
giả và lời nhân vật.
Lời tác giả thường chính là lời trần
thuật hoặc miêu tả còn lời nhân vật là lời mà nhân vật trực tiếp nói lên
trong tác phẩm.
Việc phân biệt như trên thực ra chỉ có tính
chất ước lệ, tương đối bởi vì mọi lời văn trong tác phẩm thực chất đều là lời của
tác giả. Mọi lời nói của nhân vật đều do tác giả hư cấu, sáng tạo nên. Tuy
nhiên, sự phân biệt này vẫn có một ý nghĩa nhất định.
Ở đây, có sự khác biệt giữa lời nhân vật
trong văn học cổ và lời nhân vật trong văn học cận, hiện đại. Trong văn học cổ,
lời nhân vật thường không được cá tính hóa rõ nét, thể hiện bản chất của nhân vật
mà thường do sự gán ghép từ những suy nghĩ riêng của tác giả. Trong văn học cận,
hiện đại, lời nhân vật được tác giả tôn trọng. Tác giả thường để cho nhân vật
nói năng phù hợp với trình độ, suy nghĩ của chính họ. Nhân vật nói theo giọng
điệu riêng của mình chứ không phải theo suy nghĩ chủ quan của tác giả.
2. Lời trực tiếp và lời gián tiếp.
Lời trực tiếp chủ yếu là lời nhân vật và một
bộ phận lời của tác giả thể hiện một cách trực tiếp trong tác phẩm. Lời trực tiếp
trong tác phẩm chủ yếu là những câu đối thoại giữa nhân vật này với nhân vật
khác. Có thể kể đến một số lời trực tiếp.
Lời trực tiếp phù hợp là lời mà nhân vật nghĩ
sao, nói vậy. Lời trực tiếp không phù hợp là lời nhân vật nghĩ một dằng, nói một
nẽo, nghĩ ít, nói nhiều hoặc ngược lại. Chẳng hạn, đoạn Kiều suy nghĩ trước
khi khuyên Từ Hải ra hàng và những lời của Kiều nói với Từ Hải. Ơí
đây, cần hiểu lời nói của nhân vật không phải bằng câu chữ mà cần phải thấy ẩn
ý, ý định của tác giả và nhân vật.
Lời gián tiếp là toàn bộ lời văn của tác giả
hay người trần thuật có chức năng trình bày sự vật, hiện tượng như ngoại hình,
môi trường, phong cảnh, sự kiện...vốn không tự nói được, được nói lên trong tác
phẩm.
Theo Bakhtin, lời gián tiếp có thể chia làm 2
loại: lời gián tiếp một giọng và lời gián tiếp hai giọng.
Lời gián tiếp một giọng là lời tái hiện hay
bình phẩm các hiện tượng của thế giới theo ý nghĩa khách quan vốn có của
chúng theo ý đồ của tác giả, không liên quan gì đến ý thức, suy nghĩ của người
khác về chúng. trong văn học dân gian và văn học cổ, các tác giả thường sử dụng
hình thức này. Lờigián tiếp hai giọng là lời tái hiện, bình phẩm các hiện tượng,
hướng tới lời và ý thức người khác, tranh luận, phản bác hay đồng tình với
chúng. loại này có thể có các dạng lời nửa trực tiếp, lời gián tiếp của người kể
chuyện và lời gián tiếp phong cách hóa.
Tùy theo từng loại tác phẩm khác nhau, hai loại
lời văn trên có vị trí, vai trò khác nhau. Nếu như trong tác phẩm tự sự ì, lời
gián tiếp giữ vai trò chủ đạo thì trong loại tác phẩm kịch, lời trực tiếp lại
giữ vai trò chủ đạo và hạn chế tối đa lời gián tiếp. Trong loại tác phẩm trữ
tình, sự phân bố hai thành phần trên phức tạp hơn nhưng điều quan trọng trong lời
văn tác phẩm trữ tình không phải ở hai thành phần đó mà chủ yếu được thể hiện ở
nhịp thơ, câu thơ, luật thơ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét